14. BÀ NHÀN KHANH



Nhàn Khanh là hiệu. Tên thật chưa được rõ.
Thân sinh là cụ Dương Quang đậu ba khoa tú tài, hay chữ nổi tiếng. Anh là Dương Khuê (1835-1898) và Dương Lâm (1845-1915) là hai thi nhân tề danh cùng Tam nguyên Yên Đỗ Nguyễn Khuyến. Người làng Vân Đình tỉnh Hà Đông.
Nhờ cha và anh dạy dỗ nên bà giỏi cả Hán tự lẫn quốc âm.
Thơ quốc âm bà còn để lại khá nhiều, Đường luật có, lục bát có, ca trù có…
Thơ bà không thể sánh với các bậc tiền bối. Không có phong cách tân kỳ phóng khoáng như thơ Hồ Xuân Hương, trang nhã đài các như bà huyện Thanh Quan, tráng kiện hùng kinh của bà Bang Nhãn, v.v..
Thơ bà, lời thanh ý nhã, có phong vị của ly nước cam pha khéo, dư vị không được bền.

CHƠI CHÙA THẦY
Qua khắp non xanh đến núi Thầy
Càng trông phong cảnh lại càng say
Chợ Trời họp những bao giờ nhỉ?
Động Thánh tu còn dấu cũ đây (1)
Ngoài cửa đài tiên hoa rủ mát
Trong chùa tòa Phật khói hương bay
Kìa hang Cắc Cớ vui truyền mãi
Thiên hạ đua nhau cái hội này (2)

Đó là thơ Vịnh Cảnh. Sau đây là thơ Vịnh Vật:

VỊNH NGUYỆT
Hoa niên bao nả chị Thường Nga
Mà cái xuân xanh mãi thế a?
Trăng gió đựng chừng lưng giỏ quế
Non sông chưa khẳm một bầu đa
Khi soi gương nước lồng màu thủy
Lúc ngắm vườn xuân suốt bóng hoa
Thử vén cung mây cho kẻ biết
Thanh quang rõ mặt tiết non già.

Có người em họ đậu tú tài, bà có thơ mừng rằng:
Xa nghe mừng hỏi khách Dương Châu
Thứ mấy cành mai đã bắt đầu?
Hoa cỏ chen vào đường tú khí
Giang san còn mãi tiết thanh thu
Tài này có nhẽ cây nghiêng đất
Sức ấy xem ra kéo đổ cầu
Gặp hội nghênh xuân nhìn rõ mặt
Mà cho thiên hạ thử xem châu.

Tình lợt nhưng ý kín. Dưới lời thanh lịch, nhìn kỹ thì thấy nụ cười mai mỉa khi ẩn khi hiện.
Hai bài Chùa Thầy và Vịnh Nguyệt, ý tứ phơi bày ra lời thơ. Bài Mừng Đậu Tú Tài phải đọc kỹ mới nhận thấy vị chua lẫn trong ly nước ngọt.
Nghe em thi đậu tú tài thì mừng. Nhưng đậu mà đậu thủ khoa, tam khôi như hoa mai nở trước trăm hoa, thì mới đáng mừng chớ đậu tú tài mà tú tài thứ mấy thì có gì đáng mừng đối với một người sanh trưởng trong cánh họ nhiều người có khoa danh như họ Dương. Đậu như thế khác gì cỏ nội hoa đồng chen vào nơi muôn hồng ngàn tía, danh phận có hơn gì cảnh non sông còn ở trong vẻ lợt lạt của mùa thu. Cặp luận ý lộ quá: khen tài cao sức vững, song tài sức ấy nên đem dùng vào việc cày sâu kéo mạnh thì thích hợp hơn…
Không biết ông em có nhận thấy bà chị mỉa mình chăng. Có nhận thấy chắc cũng cười xòa chớ không giận, vì chỉ cợt để đùa cho vui chớ không có ác ý.

Thơ thất ngôn bát cú của bà không có giọng buồn. Qua văn chương chúng ta đoán chừng bà không có điều gì bất như ý, đời sống của bà là một đời sung túc an nhàn. Nhưng bài Tự Thuật theo thể lục bát lẫn song thất lục bát sau đây lại nhuốm vẻ bi quan:
Đêm đông bóng dãi cảnh mai
Nghĩ mình mình giận một hai nỗi mình
Đã sinh ra kiếp phù sinh
Còn len vào chốn lan đình làm chi
Thà nếm trải hoắc quì thanh đạm
Cái phong trần chưa dám bẻ bai
Lần lần gió tối trăng mai
Mặc ai tử các mặc người kim lâu
Song đà trót nhuộm màu hồng phấn
Phải ôm đồm chút phận hồng nhan
Những là nắng tạt mưa chan
Thấy hoa vừa thẹn trông vàng những e
Sao tạo hóa khắc khe chi mấy
Kiếp phù du trông thấy mà thương
Lối xưa tu đã vụng đường
Bây giờ gặp bước phong sương cũng vừa
Mai sau hết kiếp bao giờ
Dẫu rằng phú quí cũng chừa trần gian
Ví không lên chốn Bồng San
Thì xin đem xuống cửu toàn cho xong
Chân mây mặt nước bóng hồng
Cây cao bóng mát tâm đồng mặc ai
Tri âm kia khách Thiên Thai
Biết đâu cái cuộc trần ai cho mình
Ước gì vũ hóa hàn sinh
Quyết lên cho đến cung đình thử coi
Vui chơi phong cảnh trên trời
Nhìn xem có khác cõi đời này không?

Thi vị có phần đậm đà thấm thía hơn bài thơ Luật của bà, song so với Chinh Phụ Ngâm của bà Hồng Hà, với Ai Tư Vãn của Ngọc Hân công chúa, thì bài tự thuật của bà Nhàn Khanh chỉ là một cô gái thành thị dễ thương đứng cạnh hai ngôi hoa hậu.

Chồng bà cũng là một khách phong lưu trong văn giới. Ông có để dành một món tiền đợi tặng cho ả đào, chẳng may bị mất trộm. Bà làm một bài ca trù trêu chồng:
Thử hồi thiên hạ  đô vô sự (3)
Lúc thanh nhàn vừa gặp khách ca nhi
Ai chìu ai ai có tiếc ai chi
Mượn tiếng trúc dây ty mà cợt nguyệt
Ai biết tình chăng chẳng biết
Túi cung tình hào kiệt với thuyền quyên
Tiệc vừa xong giấc bướm vừa yên
Dậy sờ túi thì tiền đâu đó tá!
Ngơ ngẫn vậy chẳng tra chẳng hỏi
Tâm sự này còn biết nói làm sao!
Thôi lấy chi ghẹo mận trêu đào
Khách tri kỷ mong sao thì cũng vậy
Nhiều ít hữu tình chi đẩy đẩy
Biết hoa này đừng thẹn với đông quân
Bẽ bàng thay khách tình nhân!

Dương Khuê và Dương Lâm rất sở trường về ca trù Giá trị ca trù của hai họ Dương được truyền tụng rộng, các đào nương đã ưa mà các thi nhân cũng phục. Ca trù của bà em không tươi đẹp cũng không ý nhị bằng. Tuy thế vẫn là đóa hoa thơm.
Nói tóm lại thơ của bà Nhàn Khanh không phải là loại danh hoa như mẫu đơn, hải đường, tường vi, thược dược... mà chỉ thuộc hàng hoa lý, hoa lài, hoa trang, hoa vạn thọ. Vườn hoa thơ cũ đã bị gió mưa làm tàn lụn quá nhiều, Nay còn sót lại được đóa nào, chúng ta ra công nâng niu gìn giữ đóa nấy. Nhất là vườn hoa nữ giới, thì càng phải trải lòng hứng từng cánh hoa.
__________________________________________________________________

(1) Xem bài nói về Hồ Xuân Hương Trong hang có động xưa kia Từ Đạo Hạnh ở tu và đã hóa ở đó, nên gọi là hang Thánh Hóa. Trên đỉnh Sài Sơn lại có một nơi gọi là chợ Trời
(2) Hàng năm ở Sài Sơn (chùa Thầy) có mở hội. Trai gái đua nhau đi xem. Đó là một dịp “nghịch ngợm” lúc vào hang Cắc Cớ.

(3) Câu ấy nghĩa là: Hồi này mọi người đều được thong thả.