15. LƯU THỊ HIỀN



Bà sanh dưới triều Tự Đức, khoảng 1860, quán làng Phù Lưu tỉnh Hà Đông, thân mẫu thi hào Tản Đà và bạn thân bà Nhàn Khanh.
Vốn là một đào nương có thanh, có sắc, có học và giỏi thi ca. Bà làm lẽ thứ ba quan phủ Nguyễn Danh Kế, nên người đương thời gọi là bà Phủ Ba.
Bà sanh cùng quan phủ một trai là Tản Đà và một gái tên Trang.
Bà kết bạn cùng bà Nhàn Khanh trong lúc ông Nguyễn Danh Kế ngồi tri phủ Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông. Hai bà là người đồng tỉnh khác phủ. Bà Phủ Ba ở phủ Mỹ Đức, bà Nhàn Khanh ở phủ Ứng Hòa. Khi ở gần nhau liền thân nhau.
Hai bên coi nhau như cặp tình nhân. Ngày ngày qua lại với nhau và cùng nhau vui việc xướng họa. Vắng bạn lâu ngày bà Phủ Ba gởi sang một luật:
Đêm qua thơ thẩn chốn thư đường
Mong mỏi chung tình chẳng thấy sang
Sáu khắc mơ màng người hảo hữu
Năm canh tơ tưởng chốn đình giang
Trông trăng bát ngát thương người ngọc
Thấy nước long lanh nhớ bạn vàng
Hai chữ tương tư khôn xiết kể
Khối tình chỉ để một ai mang.

Cách ít lâu bà Nhàn Khanh theo chồng là Trịnh Đình Kỳ lên ngồi huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây. Kế đó bà Phủ Ba ly thân cùng ông Nguyễn Danh Kế, con trai để lại cho chồng, con gái bà đem theo. Nhớ bạn bà gởi lên Bất Bạt 5 vần:
Ai lên Bất Bạt nhắn nhe cùng
Nhắn hỏi rằng ai có nhớ không
Nửa bước xa xa bằng mấy dặm
Một ngày đằng đẳng ví ba đông
Giọng thơ tri kỷ say còn mệt
Chén rượu ân tình nhắp chửa xong
Thao thức hôm mai dằng dặc nhớ
Thơ tình mở mở lại phong phong.
Nhận được thơ bà Nhàn Khanh mời bạn lên chơi
Những đọc thơ mà luống ngẩn ngơ
Đang em đang chị bỗng đôi bờ
Nhị Hà hỏi nước bao giờ cạn
Bến đợi sông chờ đã biết chưa.

Bà Phủ Ba lên chơi cùng bà Nhàn Khanh, tình cờ gặp ông Dương Khuê lúc bây giờ đã luống tuổi. Những giống đa tình càng già càng đậm mùi gừng quê. Bà trách khéo:
Trách ông nguyệt lão trêu ngươi
Cho người đầu bạc gặp người tóc xanh

Họ Dương đáp:
Trăm năm ai chẳng bạc đầu
Mười điều ai có hay đâu cả mười
Trông trăng trăng khéo nực cười
Hờn hoa mà nỡ nặng lời thế ư?
Ngồi mà gẫm mấy năm về trước
Chẳng dại nào giống cái dại nào
Giật mình thay sực tưởng giấc chiêm bao
Rồi mới biêt ước ao là chuyện lảng
Bởi con tạo trêu người không chán
Mới xui nên cái dại không chừng
Cho phờ râu chớn mắt cho long giải rút cho tuột dây lưng
Còn tham tiếc lăn lưng vào cuộc dại!
Thôi thôi chớ từ đây dại mãi
Chữ chung tình là chữ vô tình
Gặp nhau ta sẽ mần thinh.

Dương còn một câu nữa rất thống thiết:
Gặp nhau trót đã muộn rồi
Cầm quân cờ gõ cho rơi hoa đèn…

Hoa đèn rơi, canh tàn… nhưng người đẹp đâu có nghĩ đến việc:
Chu thần trợ điểm
Cánh kế hoàn sanh thái (1)

Môi son âu yếm để dành
Điểm trang tóc bạc trở thành tơ xuân.

Vì thương yêu nhau thắm thiết... bà Nhàn Khanh tỏ ý muốn bà Phủ Ba cùng mình làm Nga Hoàng, Nữ Anh (2). Nhưng bà Phủ từ chối:
Dẫu rằng sông Nhị có dài
Mà tình dằng dặc bằng ai ba phần (3)
Kể từ tiếp được thơ thần
Một phần sầu não chín phần nhẹ không
Quản bao cách núi xa sông
Lòng riêng riêng những ước mong đợi chờ
Có khi buồn vịnh nên thơ
Lời thơ nghe cũng ngẩn ngơ từng lời
Có khi mượn bút vẽ vời
Tương tư lại vẽ ra người Tiêu Tương
Có khi cờ lướt chiến trường (4)
Mã xa lạc lối biết đường đâu đâu..!
Có khi nhắp chén tiêu sầu
Bầu tiên dốc cạn ra màu chưa say
Tình riêng nào có ai hay
Muốn đem tâm sự giải bày cùng trăng
Trách ai dứt mối xích thằng
Trách ai dở dói cát đằng đưa duyên (5)
Trách ai ngăn cấm hồ sen
Chẳng cho Tây Tử đến miền Bồng Lai (6)
Đêm đông bóng giãi cành mai
Biết rằng ai có như ai nhớ mình…

Từ đó, nghĩ rằng chỉ vì thanh sắc mà tấm thân không thể sống yên nếu còn chen chúc với đời, bà bèn tìm chốn thanh vắng mà nương náu. Bà mất vào khoảng thập niên 1920. Tản Đà tiên sinh không về đưa đám bà được!
Một kiếp tài hoa!
_______________________________________________________________________________

(1) Bài ca trù ông Dương Khuê đưa cho bà Phủ Ba, các sách chép với đầu đề là Cái Dại.
Hai câu “Chu thần trợ điểm. Cánh kế hoàn sanh thái” là câu ca của Tô Đông Pha tặng Triêu Vân. Ý nói “môi son điểm dùm cho mái tóc già trở thành rực rỡ trở lại”.
(2) Nga Hoàng, Nữ Anh là hai bà vợ vua Thuấn.
(3) Nhị Hà đúng tên là Nhĩ Hà, con sông lớn ở Bắc Việt, phát nguyên từ Tây Tạng và chảy qua Hà Nội Tục gọi là sông Nhị.
(4) Tiêu Tương là tên hai con sông bên Tàu, nơi chỗ giao thủy của hai con sông này là nơi thường xảy ra cuộc tiển biệt nhau. Người Tiêu Tương là người đau buồn vì nỗi biệt ly.
(5) Cát đằng là dây sắn, dây bìm tượng trưng cho người vợ lẽ. Câu này ngõ ý trách bà Nhàn Khanh muốn mình về làm lẽ.
(6) Tây Tử là Tây Thi. Tây Thi là vợ vua Phù Sai. Phù Sai bị mất nước, bỏ thân thì Tây Thi cùng Phạm Lãi dong chơi khắp năm hồ. Đây ý muốn cho Tây Thi về cảnh tiên chớ không gần người tục dù cho người tục đó là Phạm Lãi. Trách khéo quá.
Thơ bà Phủ Ba hơn thơ bà Nhàn Khanh. Đó là nhờ bà Phủ Ba có nếm nhiều cay đắng, còn bà Nhàn Khanh luôn sống trong cảnh giàu sang.

Thơ bà Phủ Ba không còn truyền lại được bao lăm.