16. NGUYỆT ANH



Tên là Nguyễn Thị Khuê, con gái cụ Nguyễn Đình Chiểu, sinh năm Quí Hợi (1863) ở Cần Giuộc, Chợ Lớn, Nam Việt.
Năm 1859, Pháp lấy thành Sài Gòn, Cần Giuộc bị uy hiếp, bà theo cụ Nguyễn đến cư trú tại làng Am Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.
Bà là người thanh nhã lại hay chữ hay thơ, nhiều người muốn kết duyên, song không có ai vừa mắt, nên đã 25 tuổi mà vẫn còn là thất nữ. Cụ Nguyễn qua đời năm 1888, bà sống trong cảnh mẹ góa con côi trong thời loạn lạc. Viên tri phủ sở tại cho người đến mai mối, bị bà khước từ, đem lòng hờn giận, kiếm chuyện làm khó dễ. Bà phải dời gia đình đến Cái Nứa tỉnh Mỹ Tho, rồi lại chạy sang Rạch Miễu cùng tỉnh mới được yên thân.
Đến Rạch Miễu được ít lâu, bà kết duyên cùng viên phó tổng Nguyễn Công Tính, sinh hạ được một gái thì chồng chết. Lúc bấy giờ bà mới trên dưới 35 tuổi, quyết ở vậy nuôi con.
Bà lấy hiệu là Ngọc Anh. Sau khi góa chồng thường ký là Sương Nguyệt Anh (Sương là góa chồng)
Mến tài đức của bà, nhiều danh sĩ Nam Trung muốn cùng bà chắp nối, thường gởi thư đến tỏ tình. Bà đều cự tuyệt. Xin trích dẫn bài của Hồ Bá Xuyên ở Vĩnh Kim Mỹ Tho:
Trời đất ghen chi chữ sắc tài
Vườn xuân vội úa bảy phần mai
Gương loan đối bóng tuy còn rạng
Nét thủy in mày sợ chóng phai
Lăng líu duyên hồng tơ tóc ngắn
Vấn vương phận liễu tháng ngày dài
Bóng đào bao thuở thay đôi lứa
Nỡ để trăng thu xế bóng đoài.
Bà họa lại:
Tài không sắc sắc không tài
Lá úa nhành khô cũng tiếng mai
Ngọc ánh chi nài son phấn điểm (1)
Vàng ròng há sợ sắc màu phai
Ba giềng trước đã xe tơ vắn
Bốn đức nay tua nối tiếng dài
Dẫu khiến duyên này ra đến thế
Trăng thu bóng xế rạng non đoài.

Đối với những người phong độ lịch sự thì bà trã lời ôn tồn nhã nhặn như thế. Nhưng đối với những kẽ dùng lời trêu ghẹo một cách suồng sã thì bà thẳng tay đã kích. Như trường hợp ông Bảy Nguyện ở Mỏ Cày, Bến Tre:
Ai về nhắn với Nguyệt Anh cô
Chẳng biết lòng cô tính thế mô
Không phải vãi chùa toan đóng cửa
Đây lòng gấm thé bắt cầu ô.
Bà đáp lại đến hai tuyệt:
I
Chẳng phải tiên cô cũng đạo cô
Cuộc đời dâu bể há chi mô
Lọng sườn dầu rách còn kêu lọng
Ô bịt vàng ròng vẫn tiếng ô.

II
Phải thời cô quả chịu thời cô
Chẳng biết tuồng đời tính thế mô
Dòm thấy bụi trần toan đóng cửa
Ngọc lành chi để thẹn danh ô

Nhà vốn nghèo để nuôi con bà phải lên Sài Gòn mở trường dạy chữ Nho. Lúc bấy giờ tuy thực dân Pháp đã chiếm trọn Nam Kỳ làm thuộc địa, nhưng người miền Nam vẫn còn ham thích chữ Nho, nên học trò đến thọ giáo đông đảo. Nhờ vậy mà tháng ngày cũng đủ xây xỏa.

Tờ báo phụ nữ đầu tiên mở tại Sài Gòn là tờ Nữ Giới Chung. Biết bà là người có học vấn, có tâm huyết, tòa soạn thỉnh bà đứng làm chủ bút. Tuy bọn cầm quyền Pháp không để cho ngọn bút của bà được tự do họat động, bà vẫn đem được ít nhiều lòng yêu nước, yêu dân tộc của mình đánh thức chị em. Giới Phụ nữ coi bà vào bậc thầy mà bên nam giới cũng rất trọng vọng.
Mỗi ngày uy danh của bà mỗi lên cao. Vì thỉnh thoảng lại xãy ra những việc làm cho các sĩ phu cùng phần đông đồng bào đất Nam Trung thấy rõ tài năng và khí tiết của bà. Như:
Mùa xuân năm Tân Sửu (1901) làng thơ Tây Ninh tổ chức  một cuộc hành hương lên Điện Bà vào rằm tháng giêng. Lúc ấy hoa bạch mai ở núi Điện Bà nở thạnh. Ban tổ chức mời bà tham dự để trước thưởng hoa xuân sau ngâm vịnh để truyền làm vận sự.
Những tay bút có danh ở Tây Ninh và các tỉnh lân cận đều có mặt. Thơ đề vịnh vô số, thơ chữ Hán có, thơ quốc âm có. Bà làm hai bài chữ Hán, một bài quốc âm. Văn chương bà áp đảo tất cả. Ai nấy đều phục là cao tài. Xin trích dẫn bài thơ quốc âm:

VỊNH MAI TRÊN NÚI ĐIỆN BÀ TÂY NINH

Non linh đất phước trổ hoa thần
Riêng chiếm vườn hồng một cảnh xuân
Tuyết đượm nhành tiên in sắc trắng
Sương pha bóng nguyệt ánh màu ngân
Mây lành gió lạnh nương hơi chánh
Vóc ngọc mình băng bặt khỏi trần
Sắc nước hương trời nên cảm mến
Non linh đất phước trổ hoa thần.
Mượn mai để ký thác tâm sự. Hai bài chữ Hán tình ý phảng phất. Cốt cách và tinh thần của hoa và của người đều hiển hiện trên hàng chữ. Không mấy lúc mà những người yêu thơ đều thuộc và thơ được truyền đi xa. Ai cũng khen là tư cách thanh cao. Vào khoảng 1900-1907, vua Thành Thái ngự vào Sài Gòn. Cuộc đón rước rất long trọng. Người đi xem chật cả các ngả đường. Đứng trước cảnh đất nước bị xâm lăng, nhân dân bị người nước ngoài cỡi đầu cỡi cổ để bộc lột, mà vua lại ngất ngưởng trên xa giá huy hoàng không nghĩ gì đến dân đến nước, bà căm giận thốt ra mấy vần thơ:
Nghìn thu may gặp hội minh lang
Thiên hạ ngày nay trí mở mang
Tấc đất ngọn rau tràn nước mắt
Đai cơm bầu nước chật ven đàng
Vui lòng thánh đế trên xe ngựa
Xót dạ thần dân chốn lửa than
Nước mắt cô cùng trời đất biết
Biển dâu một cuộc nghĩ mà thương.

Bài thơ bay đến ai vua Thành Thái. Nhà vua hổ thẹn, vội đình chỉ cuộc du hành, trở về Huế.
Ai cũng phục bà là can đảm khẳng khái.
Chí khí bà cao, đức độ bà lớn, song số bà long đong và tuổi bà không thọ. Sống ở Sài Gòn được ít lâu bà bị đau mắt, chữa mãi không bớt đành phải chịu cảnh cha già ngày xưa! (2) Bà phải lui về làng Mỹ Nhơn, tỉnh Kiến Hòa, ở cùng em là Nguyễn Đình Chiêm và mất ở đó. Mất ngày 12 tháng chạp năm Canh Thân (4/1/1921) Tuổi mới 58!
Thơ văn của bà để lại được nhiều. Trong Nam đã có nhiều học giả sưu tầm, chờ có dịp sẽ phổ biến.
Thơ bà thiên về lý trí. Bà theo thuyết “thơ dĩ tải đạo” của các bậc túc nho. Cho nên lời cứng, vị khô. Cho đến thơ tình của bà cũng bị lý trí lấn áp. Như bài đưa bạn thân là ông kinh lịch họ Trần đổi đi Sa Đéc:
Ngàn xưa dễ mấy hội tao phùng
Sa Đéc nay thầy tách cõi đông
Phong cảnh mặc dầu chia đất khác
Nắng mưa đâu cũng đội trời chung
Quê người tạm gởi nhành dương liễu
Đường hoạn xin tròn phận kiếm cung
Cái tác mày râu thì phải vậy
Nặng bằng non Thái nhẹ bằng lông.
Rể bà là Nhâm Sanh, một nhà nho có tâm huyết ở Mỹ Tho. Góa vợ 8 năm mà vẫn không tục huyền, bà gởi thơ khuyên:
Có lúc tòng quyền có lúc kinh
Làm trai nào ắt khỏi tiền trình
Bơ thờ nắng rọi hoa nghiêng nhụy
Lây lất mưa qua bướm dấu hình
Ngửa mặt đành cam câu bất hiếu (4)
Nghiêng tai chịu tiếng quỉ vô tình
Dưới đời ai dứt tình sinh hóa
Trướng chấu riêng ngươi quạnh một mình.
Những câu thơ tình khác của bà đại khái cũng thấm mùi đạo đức luân lý như thế cả. Văn chương thì già dặn nhưng thiếu sức lôi cuốn và nắm giữ lòng người đọc. Do đó mà thơ bà không truyền ra miền Trung, miền Bắc Việt Nam. Nhưng danh của bà, nhờ con đường Sương Nguyệt Anh đã bay từ Cà Mau đến Nam Quan, đâu đâu đều biết.
____________________________________________________________________

(1) Có sách chép: Ngọc ánh chi nài son phấn lợt
Chữ son phấn lợt không ăn với ngọc, vì ngọc làm gì có son phấn mà lợt với đậm? Thêm nữa “ Ngọc ánh chi nài son phấn lợt” điệp ý với “Vàng ròng há sợ sắc màu phai”. Đề chữ Điểm đã thuân lời “ngọc không cần có son phấn điểm vào” lại thêm ý. Trên không cần thêm, dưới không sợ bớt. Một chữ nên, một chữ hư là thế.
(2) Cụ Nguyễn Đình Chiểu bị mù lúc thanh niên, Bà Nguyệt Anh đến lúc có tuổi mới có bệnh
(3)  Năm Canh Thân, 11 tháng nằm trong năm dương lịch 1920 chỉ tháng chạp mới lọt qua năm 1921.

(4)  Sách Mạnh Tử có câu: “Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại”. Nghĩa là “có ba điều bất hiếu, mà điều lớn nhất là không con trai nối dõi tổ tông”