17. TRẦN THỊ HÀO



Bà tuổi Mậu Tý (1888). Quán làng Trường Định, huyện Bình Khê tỉnh Bình Định, tức xã Bình Hòa huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định hiện nay.
Mồ côi sớm. Về cùng bà ngoại ăn học cho đến khi gần có chồng mới về ở phía nội.
Bà là hiển tỷ của chúng tôi.
Chồng là Quách Phương Xuân ở làng Thuận Nghĩa cách Trường Định một cánh đồng chừng bốn cây số về phía Tây.
Bà thì giỏi chữ Hán nhưng chỉ biết viết chữ quốc ngữ. Còn ông thì giỏi chữ Pháp (một trong những người đậu bằng Thành Chung đầu tiên ở Bình Định) nhưng chữ Hán lại chỉ viết ngay hàng và đọc được truyện.
Bà về với ông ở Thuận Nghĩa, năm năm sinh tiếp bồn người con đều bị tảo vong. Sanh đến bận thứ năm, lấy cớ là ở Thuận Nghĩa nuôi con không đươc, bà xin phép dời nhà về Trường Định.

Trường Định là một trong những làng trù phú bậc nhất ở huyện Bình Khê. Phong cảnh khả ái.
Trong làng có một con suối từ Hòn Ngăn trên dãy Tây Sơn chảy xuống, vượt qua nhiều làng rồi chảy ra sông Côn. Suối đến giữa làng Trường Định thì nước nhiều và sâu. Giống bèo lục bình mọc đầy, lớp này chồng lên lớp khác, dày đến nỗi người ta có thể đi qua đi lại được dể dàng. Do đó mà khúc suối nằm trong làng Trường Định gọi là Suối Bèo, tên chữ là Bình Tuyền hay Cẩm Tuyền.

Gọi là suối Cẩm Tuyền không phải ngoa. Hoa bèo giống như đuôi công Đến mùa xuân, mùa hạ, hoa nở đầy mặt suối trông giống như gấm ngũ sắc trải trùm. Hai bên bờ suối lại có nhiều gốc cây vừng mọc từng khoảng từng khoảng, lá non thì sắc tía, lá già thì xanh láng như tráng men. Đến lối tháng ba tháng tư, hoa hồng nở từng tua dài như những tràng hoa giấy, bay phất phơ trên dòng nước long lanh đọng trên bèo kết mống. Quang cảnh vừa đẹp vừa thanh.
Phía tây suối cách chừng một cây số có một cánh rừng gọi là rừng Cấm tên chữ là Cẩm Uyển có nhiều cây danh mộc. Ngày xưa cây mọc trùm cả những dãy gò Trường Định, cây xanh thấu mây. Đến mùa xuân, hoa rừng nở, lớp hồng lớp trắng, sáng rực cả một góc trời, và mùi hương theo gió thơm ngát cả các làng chung quanh.
Cụ tú Nguyễn Huy Khiêm, người địa phương, vịnh Trường Định có câu:
Bình Tuyền ngư cọng lạc
Cẩm Uyển điểu hòa minh
Nghĩa là:
Gấm dệt suối Bèo tăm cá lội
Hương đưa rừng Cấm tiếng chim kêu.
Bên bờ suối gần ranh giới phía Bắc, Trường Định có chơ tục gọi là chợ Suối Bèo. Đó là một chợ trong 4 chợ có danh ở hai huyện Bình Khê, An Nhơn: Cây Cốc ở Phú Phong, An Thái ở thôn An Thái, Suối Bèo ở Trường Định, Gò Chàm ở gần thành Cũ, Bình Định (thành Đồ Bàn)
Chợ Suối Bèo có 6 phiên chính họp vào ngày mồng 6, 16, 26, mồng 10, 20, 30 âm lịch và 3 phiên phụ vào ngày mồng 4, 14, 24. Những phiên chính đông đặc cả đường sá, vì chẳng những người trong làng, trong các làng thân cận đến mua bán, mà thương gia ở nơi thị tứ trong tỉnh, ngoài tỉnh, nhiều người cũng chở hàng đến bán, tìm hàng quí để mua.
Chợ tuy đông nhưng trật tự giữ rất chu đáo. Suốt mấy mươi đời buôn bán, chưa hề nghe có vụ cướp giật, gian lận xảy ra:
- Chín phen họp chợ Suối Bèo
Người giàu lo bán người nghèo lo mua
- Suối Bèo phiên phụ còn đông
Đừng mong phiên chính gánh gồng chen vô
- Suối Bèo vui buổi chợ phiên
Đường xa cũng ngắn không tiền cũng đi
Chẳng những khách thương tìm đến Suối Bèo. Thường cũng có khách bút nghiên rủ nhau đến mua vui, tìm hứng:
Làng quê mây nước vắng trần hiêu
Phong vị trần ba lẫn ít nhiều
Rừng Cấm duyên ưa hương phấn điểm
Suối Bèo tình đượm gấm hoa thêu
Chín phiên danh lợi đời chen chúc
Năm vận phong tao bước dập dìu
Tìm Tống lênh đênh ngoài bốn biển
Ai hay Trường Định sẵn Đường Nghiêu (1)

Về Trường Định bà mua được một ngôi nhà mái ba gian có vườn tược rộng rãi. Ông làm thông ngôn cho hãng dệt Délignon ở Phú Phong, cách Trường Định chừng 7 cây số. Mỗi tuần cứ chiều thứ 7 ông cưởi ngựa về thăm nhà. Sáng thứ hai trở lên sở. Bà ở nhà với hai người vú già và mấy người giúp việc nam nữ. Bà lo việc nhà và việc ruộng nương. Cha mẹ có để lại mươi mẫu ruộng vừa rộc vừa gò, bấy lâu cô bác coi ngó giùm, có bà về thì giao lại. Lúc bấy giờ bà mới 22 tuổi, nhưng rất đảm đương. Việc trong việc ngoài đều coi sóc chu đáo.
Những lúc rảnh thì bà lo may vá và đọc sách Kinh sử và chuyện Tàu, bà thuộc rất nhiều. Từ đường họ Quách lại có nhiều sách quí mua tận Thượng Hải liên tiếp mấy đời và có hai bộ sách cấm là Tây Sơn Dã Sử và Tây Sơn Liệt Truyện. Bà được phép mượn xem.
Nhờ vậy mà học thức của bà mỗi ngày mỗi thêm. Bà có hai ông anh thúc bá là ông Trần Trác làm Chánh tổng, ông Trần Khương đậu Tú tài và một ông anh cô cậu là Đoàn Nhuận. Cả ba đều là bậc hay chữ trong làng và đều nhường bà về điểm xem nhiều hiểu rộng.
Bà chẳng những giỏi chữ Hán và quốc âm cũng  rất giỏi.
Một hôm ông cùng ba người anh ngồi nói chuyện văn chương, vui miệng nhắc đến lời của vua Thái Đức nói với em: "Bì oa chữ nhục, đệ tâm hà nhẫn".
Nhân ông Chánh và ông Tú có điều xích mích với nhau, ngoài mặt thì có vẻ trên thuận dưới hòa, song trong lòng lại bên Ngô bên Sở, bà biết rõ nên chụp ngay cơ hội tốt để giải hòa. Bà bèn diễn Nôm lời nói của vua Tây Sơn:
Lỗi lầm anh vẫn là anh
Nồi da xáo thịt sao đành hỡi em!
Bà ngâm với giọng buồn buồn. Ông và ba ông anh cảm động rơi nước mắt. Từ đấy anh em thương nhau như cũ.
Bà nổi tiếng là hiền từ:
Chắc ai mãi khó mãi giàu
Gặp cơn nghèo ngặt thương nhau trọn niềm

Ở sở Délignon thường mỗi tuần có phát thuốc sốt rét, thuốc ho, thuốc đau bụng... cho nhân viên cùng lao công trong sở. Ông không dùng đến, mang về Trường Định. Bà để dành mỗi khi có người đau ốm thì bà đem cho. Một năm những người đi làm ăn xa mang bệnh sốt rét về làng lây cho bà con trong làng trong xóm. Các ông lang băm được mùa làm giàu, bóc lột không nới tay. Bà thương tình đề nghị với ông xin thuốc ký ninh ở sở về phát cho đồng bào. Mấy ông lang băm giận bà làm giảm sút nguồn lợi của mình mới bày một người đàn bà nhẹ dạ đến phá đám. Họ cho tiền người đàn bà bảo đến xin thuốc uống. Uống thuốc xong liền ăn bún lẫn ruồi vào, rồi đến nhà bà la đau bụng, thọc cổ mửa …hô hoán rằng bà cho uống thuốc độc. Thiên hạ kéo nhau đến đông như hội. Xã trưởng, hương kiểm, trùm xóm cũng kéo đến thị chứng để trình quan. Bà bình tĩnh cho người lên Phú Phong báo cho ông biết. Bà chủ Délignon hay chuyện, liền đi cùng ông xuống Trường Định. Đống bún mửa ra còn được giữ y nguyên để làm tang chứng. Bà Đầm lấy que bươi ra thấy hai viên ký ninh chưa kịp tiêu và mấy con ruồi dập nát lẫn lộn trong bún. Bà chỉ cho các nhà chức trách sở tại:
- Thuốc độc đó.
Người đàn bà thất kinh lạy lục thú thật mọi việc. Bà chủ Délignon yêu cầu bắt ông lang băm sanh sự giải lên huyện cùng người đàn bà. Bà Trần đứng ra xin miễn.. Ai nấy đều phục bà có độ lượng. Mấy ông anh khuyên bà không nên cho thuốc nữa. Bà không nghe:
Nỡ nào giận cá phá nôm
Hết cơn gió bất gió nồm lại đưa.

Đối với hoa lòng bà cũng có khác người.
Trong vườn có hai cây xoài gốc cao tàn cả, đứng song song trước mặt nhà, đến mùa trái ra quằn nhánh. Một hôm bị gió bấc thổi mạnh, hoa rụng đầy đất. Sáng ra bà vú đi xách nước dậm lên hoa, bà ngăn lại rồi lấy cây chổi tàu cau còn mới, tự mình ra quét nhóm hoa lại thành đống rồi đào đất chôn!
- Tại trời nổi bấc hoa rơi
Ai ơi chớ dậm tội đời hoa thơm..

Bà còn nhiều câu nói về hoa:
- Hoa tươi đem cắm bàn thờ
Hoa tàn vứt xuống vũng nhơ nỡ lòng?
- Trải lòng hứng đóa hoa rơi
Tuy không hương phấn vẫn đời làm hoa.
- Đừng chê hoa muống hoa bìm
Trong cơn nắng hạ im lìm nở xuân.
- Hoa giẻ, hoa ngâu, hoa lài, hoa lý
Anh yêu hoa nào hoa ấy là xinh
Đừng mơ hoa nở vườn quỳnh
Hương thơm sắc đẹp nghiêng thành ích chi (2)

Bà có thi cốt thi tài như thế, nhưng không muốn dùng văn chương xây sự nghiệp. Chỉ thỉnh thoảng ngâm đôi câu làm vui rồi bỏ, ai nhớ được thì nhớ, không thì thôi, chớ không bao giờ chép lại. Bài thơ thất ngôn bát cú và mấy câu lục bát nói về Trường Định cũng là của bà được các vị phụ lão địa phương gìn giữ.
Bà rất ghét những câu hát có ý lẳng lơ. Bà có đặt một số câu hát để cho bà vú cùng trẻ giữ em dùng thay cho những câu không được đứng đắn:
- Tham vàng bỏ nghĩa mặc ai
Lòng đây sông giải non mài vẫn nguyên (15)

- Dù cho đất đổi trời thay
Trăm năm giữ một lòng ngay với đời.
- Lời em nói ra
Bằng ba thề thốt
Như đinh đóng vào cột
Như rìu cốt vào cây
Anh đừng ngại gió e mây
Vàng cao ngất núi sao tày nghĩa nhân.
- Những phường bất nghĩa bất nhân
Lưới trời đâu để thoát thân ra ngoài.

Đó là niềm thủy chung xây trên nền nhân nghĩa. Lòng hiếu thảo cũng thường được tiếng ru đưa vào tai trẻ em:
- Ơn cha núi chất trời Tây
Láng lai nghĩa mẹ nước đầy biển Đông.
- Ơn cha nghĩa mẹ trìu trìu
Mưa mai lòng sơ nắng chiều dạ lo.
- Cha già tuổi mẹ cũng cao
Nghe con học chữ “cù lao” sụt sù (14).
- Ở nhà thầy mẹ tuổi cao
Đường xa đối bóng sương sao chạnh lòng.

Đối với anh em, tình cũng rất đậm đà thấm thía:
- Anh em hòn máu xắn đôi
Gặp cơn mưa gió chỉ trôi nước ngoài
- Anh em khúc ruột chia hai
Mạch còn máu chảy, đứt ngoài liền trong
- Rách lành đùm bọc lấy nhau
Gian nan chung chịu sang giàu chung vui
 Anh dù có lỗi mười mươi
Ngọt chua sao nỡ chia đôi ruột rà.

Vợ chồng đối với nhau rất dễ thương. Nếu ngoài đời thực hiện được lời dạy của bà, thì chén bát trong nhà ít khi bị vỡ:
- Khi giận thì rầy thì la
Đến khi hết giận thì ta yêu mình
Chồng giận thì vợ làm thinh
Vợ giận chồng hỏi rằng mình giận ai?
Vợ rằng giận trúc giận mai
Vợ chồng ai lại giận ai bao giờ.
Tình mẹ thương con mới thật sâu vô kể:
Trời đông gió lọt song hồ (16)
Chỗ ướt phần mẹ chỗ khô con nằm
Đường xa sức mỏi chân rần
Chén cơm kiếm được nhịn phần cho con.
Canh khuya vắng vẻ, nằm nghe mẹ ru con, chị đưa em với những câu tình sâu nghĩa nặng như thế, thì lòng ai khỏi thổn thức bồi hồi? Nhưng thỉnh thoảng cũng có những câu mỉa mai chua chát:
- Ngày thường thiếu áo thiếu cơm
Đêm nằm không chiếu lấy rơm làm giường
Dù dơi dép bướm chật đường
Màn loan gối phụng ai thương thằng nghèo!
- Vợ con chưởi mắng vẫn cười
Khuyên răn cha mẹ nhẹ lời cũng gây!
Xưa kia sớm biết như vầy
Xách chuông xách mõ theo thầy còn hơn.
- Gia tài chỉ một con trâu
Đầu vai phần chị lưng đầu phần anh
Ruột gan xâu xé tan tành
Còn lưa chút mật để dành cho em.

Bà thường nói:
Thói đời tốt ít xấu nhiều, nên phải tránh đừng để việc xấu lọt vào tai trẻ:
Dạy con dạy lúc còn măng
Đợi cho đến lúc xế trăng khó tròn.
Do đó mà những câu “chính phong” của bà nhiều hơn những câu “biến phong” thập bội (3) và những câu hát bà làm là để “gia dụng”, nhưng các bà mẹ, bà chị lối xóm nghe được cũng hát theo, mỗi ngày một truyền đi xa, trở thành của chung trong hạt, trong tỉnh.
Ở nhà lại thường làm gạo để ăn. Những đêm trăng sáng, bà mượn một vài cặp nam nữ thanh niên, bày cối chày ra sân để giã. Bà đặt ra nhiều câu hát để hò. Tiếng hát tiếng nổi lên giây lát, thì trai, gái, đàn ông, đàn bà ở trong làng lần lượt kéo đến chật cả trong sân ngoài đường. Họ dành nhau cầm chày để hát đối đáp với nhau, không biết mỏi.
Những câu hát của bà soạn thường dành cho phía nữ:
Vô đây ớ bạn vô đây
Trầu tiêm miếng chả đã xây lên bàn
Tội chi mà đứng ngoài đàng
Sương sa rủi nhiễm thương hàn ai nuôi.

Có khi làm cho cả nam cả nữ đối đáp nhau:
Bước vô đây tay chày lòng cối
Rủi anh yêu nàng biết lối nào ra?
Lối nào ra đôi ta sẽ liệu
Kìa hoa hải đường hàm tiếu trước sân
Mỗi năm được mấy mùa xuân
Mỗi ngày được mấy giờ dần hỡi ai?
Giờ dần đợi đến ngày mai
Mới sang giờ tuất nghiêng tai hỏi thầm
Trên đời dễ mấy tri âm
Biết ai đồng điệu đồng tâm mà chào?
Chào lê chào lựu chào đào
Chào cam chào quít ngọt ngào chào chanh
Chào tơ liễu lục buông mành
Chào chim huỳnh điểu đậu cành lê hoa
Chào rồi ta lại chào ta
Trăng trong gió mát mặn mà đêm xuân.

Mỗi đêm giã gạo là có những câu hát mới. Những câu hát đó thường được dùng đi dùng lại nhiều lần ở nơi làng khác, sân khác. Cho nên hể nghe nói nhà “cô thông”(4) có hát hò là anh chị em trong làng kéo nhau đến vui vẻ.
Lại có điệu hát gọi là hát huê tình.
Cũng như hát hò, hát huê tình cũng là điệu hát giao duyên giữa nam và nữ. Chỉ khác là giọng hát huê tình kéo dài và chậm, giọng hát hò rút ngắn và mau. Còn một điểm khác nữa là hát huê tình không có người “hò hê” để chấm câu. Hát huê tình thường hát trong lúc tát nước, nhổ mạ, cấy hay nhổ đỗ, hái dâu, Những đêm trăng thong thả, nam thanh niên thường dùng hai ống tre khô cưa mắt, một đầu phất da ếch thật thẳng để khô, dùi một lỗ nhỏ ở giữa, tra một sợi tơ xe săn dài chừng năm ba chục thước ở hai đầu ống phất da. Đoạn đem đặt nơi rào những nhà cô gái, kéo thẳng sợi giây ra ngoài xa đứng hát. Đêm khuya dưới trăng trong gió mát mà nghe tiếng hát khi bổng khi trầm, khi trong như tiếng hạc bay qua, khi đục như tiếng suối mới sa nửa vời, thì lòng Trác Văn Quân không sao khỏi xao xuyến vì tiếng đàn Tư Mã. Bà cũng có đặt giùm cho mấy cô mấy cậu giúp việc trong nhà, nói lên chút tâm sự của họ:
- Từ ngày giấy rã hồ trôi
Anh ngồi anh khóc, em ngồi em than
Nhạn xa chen bóng mây tàn
Dưới khe nước chảy trên ngàn ve kêu
Ra đi là sự đã liều
Mưa mai ai biết nắng chiều ai hay
Dám đâu trách mẹ trách thầy
Trách trời sao nỡ đọa đày tấm thân!
- Đường về một bước một xa
Lá bay xào xạt sương sa ngập ngừng
Bức dây riêng sợ động rừng
Đắng cay riêng chịu thôi đừng thở than
Nhụy hoa chưa nở đã tàn
Ít nhiều hương cũ giữ giàn lấy hương.

Cũng như những câu hát đưa em, những câu hát hò, hát huê tình không mấy lúc trở thành của đại chúng. Những người trong làng, trong huyện còn sống sót, không còn ai biết được câu nào là câu cũ, câu nào là của bà. Nhưng nếu đi sâu vào một chút thì có thể phân biệt dễ dàng.
Những câu cũ thì nội dung phổ thông, văn chương bình dân.
Những câu của bà có mang cá tánh, câu văn có phần chải chuốt, ý tứ có phần chọn lọc, sửa sang.
Những câu cũ phần nhiều thiên về tình cảm
Những câu của bà phần lớn thiên về lý trí song nhờ lời văn êm ái nhịp nhàng làm cho lý biến thành tình, đúng hơn là làm cho lý trở nên dịu ngọt như tình, khiến lòng người đọc người nghe dễ cảm xúc.
Ông Bùi Xuân Nhi, người làng Xuân Hòa huyện Bình Khê làm rể nhà họ Trần – em rể ông Chánh Trần Trác và ông tú Trần Khương rất phục những bài hát của bà, ông thường ngâm nhất là câu:
Mẹ ơi trái bí còn non
Cầm dao mẹ cắt ruột con sao đành (5)
Có ý trách bà mẹ cải giá quá sớm! Và câu:
Chàng về thiếp một theo mây
Con thơ để lại chốn nầy ai nuôi? (6)

Làm khi phụ thân chúng tôi mất.

Ông Quách Phương Xuân mất ngày 11 tháng 11 năm Giáp Tý (1923) tại Trường Định. Tuổi mới 41.
Bà lúc bây giờ mới 36 tuổi, thua ông 5 tuổi. Nhưng bà rất bình tĩnh. Lo tang lễ rất chu đáo. Đơn giản nhưng rất tề chỉnh nghiêm trang.
Cảnh nhà lúc bây giờ đã sa sút vì ông mắc bệnh trong ngót 3 năm trời, thôi làm việc ở sở Délignon, về điều trị thuốc Tây có thuốc Bắc có, tốn kém không ít. Ông mất đi để lại cho bà hai trai một gái. Trai - Quách Tấn mới 15 tuổi học lớp nhì (cours Moyen) trường Qui Nhơn và Quách Tạo 11 tuổi học lớp ba (cours Élémentaire) trường Qui Nhơn. Con gái là Quách Thị Mộng Lan mới 3 tuổi. Bà cho làm rẽ ruộng và cho nghĩ việc các trai bạn, chỉ giữ lại hai vợ chồng bà vú già, bà vú đã nuôi bà từ thuở bé, chúng tôi vẫn tiếp tục đi học.

Hai ông anh, ông tú Trần Khương và ông cửu Đoàn Nhuận đã qua đời trước thân phụ tôi 5, 6 tháng. Ông chánh Trần Trác thấy cảnh đơn chiếc và thiếu thốn của bà, khuyên bà để hai con ở nhà giúp đỡ công việc làm ăn sinh sống. Bà không theo:
Giàu sang chỉ được một đời
Văn chương thắm dạ muôn đời thơm danh.

Lúc bây giờ kinh tế khó khăn. Trừ những người làm việc ở các tư sơ công sở, đồng bào kiếm được đồng tiền thật “chảy máu con mắt”. Ruộng rộc bán chỉ vài chục đồng bạc Đông Dương một công, lúa chỉ hai hào 1 vuông 20 ký, mà không mấy ai mua. Chúng tôi ăn cơm tháng không nổi, mỗi tháng ở Trường Định phải thuê người gánh gạo xuống Qui Nhơn, trên 50 cây số, để gởi cho người nấu ăn giùm: mỗi tháng mỗi người 60 lon gạo và 3 đồng bạc chợ. Bà bán ruộng cho bà chị họ, ruộng thì giao trọn còn tiền thì lấy lần mỗi tháng 10 đồng đủ gởi cho con. Bà ở nhà làm lụng suốt ngày. Nếp sống phong lưu  lúc ông còn sống không còn nữa. Nhưng bà không hề buồn không hề chán:
Miễn con ăn học nên người
Mẹ dù áo rách nón cời quản bao
Há mơ lọng tía võng đào
Mong câu trung ái thấm vào tâm can (&)

Trong cảnh hiu quạnh, lòng nhớ chồng nhớ con da diết, nhưng không khi nào bà đễ lộ nét buồn thương ra ngoài mặt:
Mồ côi từ thuở măng non
Tang chồng đương độ trăn tròn gương thu
Nỗi niềm tưởng tới càng đau
Thương con gượng gạo nuốt sầu làm khuây.

Không biết hồn ông linh thiêng hay vì lòng bà quá thương tưởng mà thỉnh thoảng, một hoặc hai tháng, bà chiêm bao thấy ông về thăm, dung mạo, thái độ không khác lúc sống:
Từ phen u hiển đôi đường
Mộng tuy rằng mộng vẫn thường gần nhau
Vườn hoa nay dẫu trồng rau
Ngày mưa tháng nắng một màu xuân xanh.

Bà cũng có phần an ủi thêm là chúng tôi rất chăm học, tháng nào cũng được bảng danh dự (tableau d’honneur) và cuối niên học được lãnh phần thưởng, được có giấy khen gởi về nhà.. Bà vui nhất là lúc gần nghỉ hè:
Nghe con sắp được nghỉ hè
Thẩn thơ ngõ trúc bờ tre trông chừng (9)
Không mờ nét chữ sau lưng (10)
Dĩa cơm nếp chấm muối vừng: cao lương

Nhờ người nấu cơm giùm, cơm không thiếu nhưng đồ ăn thì ít khi ăn đủ bữa. Vì nhà trọ ở trong phạm vi chùa Long Khánh Qui Nhơn nên chúng tôi thường vào chùa xin tương. Tương làm để ăn từ năm này sang năm khác, phải bỏ muối nhiều, mặn thật “chát đầu chát óc”. Trong chùa lại có cây khế, trái chua đến két cũng không thèm ăn. Khế thì chua, tương thì mặn. Mấy chú điệu lắm lúc “hết muốn về Tây phương”. Bà bày mua đường táng, về nhạo ra trộn chung với tương ăn với khế thì “khỏi chê”. Quả vậy. Và từ đó mặt trò mặt điệu bớt “nhăn”:
Tương chùa tuy mặn mà thanh
Khế chùa không ngọt nhưng lành…con ơi
Mo cơm bầu nước thảnh thơi
Thân trong ngõ hẹp muôn đời còn hương (11)

Chúng tôi học mỗi năm mỗi lên lớp. Thi tiểu học (primaire) lại đậu cao. Tiếng nổi. Lúc ấy các nhà giàu trong làng mới hết khinh chữ Quốc ngữ, chữ Pháp là chữ Cu (Q) chữ Ếch (S) nữa mới đua nhau cho con em đi học. Các ông lớn trong xã đến xin Bà cho phép chúng tôi mở lớp hè để giúp em út trong làng xóm. Bà vui lòng nhận lời.
Lớp đầu tiên mở vào mùa hè năm 1927. Lúc ấy chúng tôi đã học hết chương trình đệ Nhị Niên Trung học ( cours 2ème année ) và em tôi đã học hết chương trình đệ Nhất Niên (1ère année). Một cặp câu đối dán đỏ rực hai bên cửa trường:
Chưa phải thầy, thử làm thầy, dìu dắt anh em nền tiến bộ
Đã ra dạy, ráng công dạy, lần hồi chúng bạn bước văn minh.

Bà trông thấy chê văn chương không đôn hậu bắt gỡ ngay. Các vị trưởng lão, các bậc túc nho trong làng rất lấy làm lạ. Hỏi, bà đáp:
Có ý tự phụ tự đắc. Lại chỉ chăm phần ngọn, quên phần gốc.
Bà bèn chữa lại:
- Chưa phải thầy, học làm thầy, chung sức vun xây nền đạo nghĩa
- Đã ra dạy, gắng công dạy, khuyên lòng dong ruỗi bước văn minh.

Cả làng đều phục bà trông rộng thấy xa. Tuổi bà tuy còn trẻ song mọi người đều kính nể, sắp ngang hàng với những bà cụ có uy tín trong làng. Những chị em quen biết, mỗi lần có việc rắc rối đều đến nhờ bà giải quyết dùm.
Bà giỏi thơ nhưng không khi nào dạy con học. Bà nói:
Thơ hay là do thiên bẩm, không học được. Nếu trong người có thi cốt thì cứ học chữ cho giỏi, hỏi nghĩa cho chín, lý luận cho chẻ…thì thơ tự nhiên hay.

Tuy vậy chúng tôi chụi ảnh hưởng của bà rất sâu đậm, nhiều câu, nhiều bài phảng phất hơi hướng của bà.
Bà sống trong cảnh thanh bần nhưng an lạc được 5 năm sau ngày ông mất. Thình lình bà ngã trọng bệnh. Biết không sao qua khỏi, bà liền lo vợ cho chúng tôi. Lo xong thì mất. Bà mất ngày 7 tháng giêng năm Mậu Thìn (1928) tuổi mới 41!

Ông mất 41 tuổi, bà cũng mất 41 tuổi. Bà nhỏ thua ông 5 tuổi, mất sau ông 5 năm.Và bà cũng như ông, ra đi một cách bình thản, sau khi đã dặn dò dâu con mọi việc cần thiết:
- Đã nguyền sau trước nhất ngôn
Sống nằm chung gối thác chôn cùng mồ
Sau khi suối cạn gò khô
Còn nguyên bóng thỏ vầng ô chứng lòng.
- Nuôi con chưa kịp thành danh
Số trời đã định mẹ đành ra đi
Lưng con bốn chữ còn ghi (12)
Mẹ dù khuất bóng khác chi mẹ còn
- Thương dâu chân ướt bước về
Việc nhà việc cửa trăm bề một tay
Áng xưa mong cũng nâng mày
Giúp chồng nên nghiệp cũng dày non cao (13)
- Chít chiu một chút đào thơ
Nắng mưa ấp ủ mong chờ chị dâu
Một lòng một dạ thương nhau
Chị em tình nặng thêm sâu nghĩa chồng.
Theo lời di chúc, mộ bà nằm song song cùng mộ ông trên một nền gò tại gò Ông Nổi thôn Trường Định.
Và sau tuần thất nhật của bà rồi thì nhà cửa ruộng nương giao cho vợ chúng tôi- lúc bây giờ mới 17 tuổi – cai quản, còn chúng tôi phải trở xuống Qui Nhơn tiếp tục học.

Lưng con bốn chữ còn ghi
Mẹ dù khuất bóng khác chi mẹ còn.
______________________________________________________________________

(1)  Trường Định: Thanh vượng nhất thời Tây Sơn.
Sang thời Gia Long thì cửa biển Cách Thử thình lình bị lấp, các con sông lớn trong tỉnh Bình Định bị cạn dòng, nhiều con suối bị khô nước. Suối Béo từ Trường Định ra đến sông Côn thì khô hẳn, chỉ có mùa lụt nước nguồn chảy xuống như thác. Còn hơn 9 tháng thì cát trắng khô khan.
Rừng Cấm thì bị chặt cây làm nhà chỉ còn không đầy vài mẫu. Hồi trải qua 30 năm chống Pháp, chống Mỹ, làng Trường Định bị phá tan tành. Nhà cửa chợ búa 10 phần không còn được một. Rừng Cấm chỉ còn lơ thơ vài cây tạp mộc. Suối chỉ còn là một giải cát nằm giữa hai bờ tre xác xơ.
Những nhà nho đã qua đời hết. Những đám tân học, kỹ sư, tấn sĩ văn chương..đều đi xa sanh sống Lớp người mới đang lo xây dựng lại làng.
Phong Tao: Phong Dao và Ly Tao, nói chung cho các món văn thơ.
Năm vận phong tao: 5 vần thơ Đường luật
Tào Thực bước đi bảy bước làm xong một bài thơ.
Tìm Tống: Nước Tống bị rợ Kim cướp, trung thần Văn Thiên Tường mưu việc phục quốc, phải chịu cảnh lênh đênh nay đây mai đó.
Đường Nghiêu: Vua Nghiêu dựng nên nhà Đường. Đời Thái Bình.
(2) Bà mượn hoa để nói người, nhưng phải có lòng thương hoa trước mới có thể đem lòng thương hoa trang điểm cho lòng thương người. Bà thường nói:”Đóa hoa cũng như người con gái, chỉ được có một thời, cho nên phải hết lòng nâng niu yêu ấp. Và nhất định “không nên yêu khi tươi, phụ khi tàn héo.”Những hoa dùng cúng xong, bà luôn luôn đem gác lên đầu rào hoặc để nơi cao ráo.
(3) Ca dao: chia làm chính phong là những câu hát đứng đắn và biến phong là những câu hát lẳng lơ, thô tục..
(4) Ông làm thông ngôn cho hảng dệt Délignon. Cho nên người trong làng gọi bà là “cô Thông” chớ ít khi gọi tên. Chẳng những thời đó mà thôi. Đến bây giờ hể nhắc đến bà thì những người quen biết cũ cũng đều gọi “côThông”
(5) (6) Hai câu này cách hành văn thật khác hẳn cách thông thường “Trái bí còn non” và “lòng con” đi liền nhau trong thái độ: cầm dao cắt” thì thật là mới. Người đọc sẽ hiểu “cắt bí non là cắt ruột con”. Chớ nếu nghỉ hơi ở chữ “cắt”, thì nghĩa thường không sâu.
Chàng về thiếp một theo mây: Cách đặt câu dùng chữ có khác cách thường dùng trong ca dao, trong thơ lục bát. Chữ Một đây dùng theo cách chữ Hán, nhưng nghe không chướng tai. Theo Mây là nói bóng, là “theo xe mây” (Vân xa là xe người chết) Trong một câu mà nửa trên dùng chữ thực nửa dưới dùng chữ bóng, thế mà nghe rất xuôi tai. Cách luyện chữ luyện câu như thế thật là khéo thật mới.
Chúng tôi thú thật rằng muốn bắt chước hai câu của bà mà bắt chước không được. Ngó thời dễ mà làm thì khó vô cùng “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay”
Hai câu đó trở thành ca dao, nhưng ít ai để ý đến điểm độc đáo, điểm “không thông thường” trong câu.
(7) Lọng tía võng đào: là thi đỗ làm quan được đi võng che lọng
Trung ái:Vốn chữ Trung quân ái quốc mà ra. Song tuy lúc bấy giờ còn vua (Khải Định, Bảo Đại) song bà rất ghét đám vua quan. Bà giảng chữ Trung theo đúng nghĩa của sách cổ.
Trung:Tận kỷ (hết lòng mình, hết sức mình để làm cho tròn phận vụ) Tận kỷ vị chi Trung.
Trung: Dục lập nhi lập nhân, dục đạt nhi đạt nhân (Mình muốn đứng vững, phải xây dựng người đứng vững như mình, mình muốn đạt được mục đích tốt cũng phải giúp cho người đạt được mục đích tốt cho người.)
Ái: là yêu, là yêu nước, yêu nòi, yêu cả chúng sinh (ái quốc, ái quần, ái vật)
(8) U hiển: Tối và rõ tức âm phủ và dương gian
(9) Ngõ trúc:trước ngõ có bụi trúc.
Rào tre, bờ tre: Bờ cát Thú Hưng trồng nhiều tre để lụt khỏi lở. Bà thường xuống tận Thú Hưng cách nhà nửa cây số để đón con ở Qui Nhơn về, mỗi lần được tin sắp về nghỉ ba tháng nắng
(10) Nét chữ sau lưng: Mẹ của Nhạc Phi khắc sau lưng con 4 chữ “Tinh trung báo quốc” nghĩa là hết lòng trung để đền ơn nước.
(11) Mo cơm bầu nước:Thầy Nhan Tử sống ở ngõ hẽm với một mo cơm và một bầu nước.
(12) Bồn chữ còn ghi là 4 chữ “Tinh trung báo quốc” ghi nơi lưng Nhạc Phi. Trên kia nói “Chưa Mờ”, “Không mờ”, ở đây nói “Còn ghi”. Chữ dùng thận trọng Và nhắc nhở đến hai lần.
(13) Ngang mày:Mạnh Quang vợ Lương Hồng đối với chồng rất cung kính, mỗi lần đưa vật gì cho chồng thì nâng ngang mày mà đưa. Đây bà mượn đến để khuyên dâu theo nếp nhà gia giáo chớ không phải bảo phải bắt chước theo Mạnh Quang “cử áng tề mi”. Huống nữa Mạnh Quang đâu phải chỉ “cử áng tề mi” mà thôi, bà còn giúp chồng giữ vững khí tiêt, làm nên công nghiệp nghìn thu.
(14) Cù Lao là công ơn cha mẹ chịu khó chịu nhọc nuôi mình. Cù lao cúc dục nói tắt là cù lao
(15) Sông giải non mài: Sông cạn hẹp lại còn như chiếc giải mũ núi non sập còn như hòn đá mài. Ý nói sự biến đổi do chữ “đái lệ sơn hà” nghĩa là “ví dù sông trở thành nhỏ như giải áo, núi nhỏ như hòn đá mài, mà ơn nước không bao giờ mất”

(16) Song hồ: Cửa sổ dàn giấy, lấy hồ phất lên cho dày hầu khí lạnh không lọt vào được.