18. ĐÀO TRÚC TIÊN



Bà cùng lớp tuổi với mẹ chúng tôi. Con gái cụ Đào Tấn, quán làng Vinh Thạnh, huyện Tuy Phước, có chồng họ Đặng, đậu tú tài, ở Hội Vân, cùng Huyện, nên thường gọi là bà Tú Cây Da bởi Hội Vân tục gọi là Cây Da.
Bà được cụ thân sinh dạy học từ lúc nhỏ, nên hay chữ nổi tiếng ở Bình Định.
Bà ít hay giao thiệp. Thơ ca làm rồi chỉ trao cho người quen thân  đọc cho vui chớ ít khi phổ biến ra ngoài. Tuy vậy cũng có nhiều bài được truyền đi xa, như:

TRUNG THU CẢM TÁC
Thu nguyệt canh thâm hạo
Mãn đình dạ lan hương
Ly sầu tầm cựu mộng
Hà xứ tả thê lương
Bán chẩm quyên đề lệ
Diêu cầm tấu Tiêu Tương
Cầm thanh hồ minh yết
Hoài năng bất năng vương
Sầu tư nan thổ tận
Khả úy dữ quần phương
Bà tự dịch ra quốc âm:
Canh muộn trăng càng tỏ
Đầy sân lan dạ hương
Sầu xa tìm mộng cũ
Về đâu gởi nỗi buồn
Gối chích quyên rơi lệ
Đàn rao khúc Tiêu Tương (1)
Tiếng đàn sao ngượng ngập
Nhớ người tơ rối vương
Nỗi sầu khôn tỏ cạn
Cùng hoa khuây nhớ thương.

XEM HOA ĐÀO NỞ CẢM HOÀI
Bích đào mấy đóa nhụy đua tươi
Sau trước nào đâu thấy bóng người (2)
Biến đổi tang điền thề biển lạnh (3)
Châu lìa Hiệp phố lệ châu rơi (4)
Gối xuân lỡ giấc tìm hương cũ
Đoạn thảm cùng ai kể khúc nôi
Bông nở làm chi ngơ ngẫn bấy
Chàng Lưu đã lạc lối Thiên Thai.

Đây không phải là thơ ngâm hoa vịnh nguyệt trong lúc rượu cạn trà dư, mà là tấc lòng gởi vào thiên cổ. Ông tú đã qua đời, “Đoạn thảm không biết cùng ai kể khúc nôi” nên tạm gởi gắm vào bút mực. Tình chân, lời tao. Thật là giai tác.
Bà gốc Bình Định, nhưng bà cụ thân sinh là người Huế và cũng sanh trưởng ở Huế, cho nên giọng thơ không mang tánh chất mạnh và cứng của “roi và quyền” (6)
Lúc nhỏ thì bà thường ở Huế, Từ lúc có chồng bà về ở luôn Bình Định. Cho nên hình ảnh nơi chôn rau cắt rún in đậm nơi lòng.

NHỚ HUẾ
Cố đô còn vướng mối tình
Dòng Hương sóng nhẹ non Bình thông reo
Đò ngang xuôi ngược bến chiều
Giọng hò mái đẩy nhịp chèo lửng lơ
Những tà áo tím phất phơ
Nghiêng nghiêng chiếc nón bài thơ ngỡ ngàng
Cung son điện ngọc huy hoàng
Nền xưa mấy lớp thời gian bụi mờ
Văn Lâu bến cũ hững hờ
Bức tranh đài các bây giờ là đâu
Hè sang ve trổi nhạc sầu
Tịnh Tâm sen nở phơi màu thắm tươi (7)
Bình Hương u tịch nơi nơi
Chuông ngân chiều lắng một trời mộng thơ
Bao năm sông đợi núi chờ
Sao dời vật đổi xa mờ nước mây
Nhớ thương giọt lệ càng đầy
Lời keo sơn hẹn với ngày tha sinh
Mai Viên phong cảnh hữu tình (8)
Lê hoa trăng lộng liễu mành gió đưa
Cảm hoài bao chuyện ngày xưa
Nhà Hương Thảo Thất nắng mưa phủ phàng (9)
Ngậm ngùi giữa bước tha hương
Tình quê gởi lại nhớ thương đôi lời
Sông Hương núi Ngự muôn đời
Thông reo vi vút sóng trôi lờ đờ
Dưới đèn mượn bút đề thơ
Hương quan hồn mộng vẩn vơ đêm dài.

Bài này làm trong khoảng gần đây, khoảng 1960-1975, bà di cư vào Sài Gòn ở cùng người con trai. Tình hình Huế cũng như Bình Định không được yên ổn.
Lời thơ êm dịu đẹp đẽ, song tình chẳng khác con bươm bướm lượn phất qua vườn hoa, không dừng chân hút mật. Những hình ảnh của núi Ngự sông Hương, của hồ Tịnh Tâm, bến Phú Văn Lâu..chỉ thoáng đôi nét chung chung, đôi nét tổng quát mờ mờ, những nét mà ai cũng trông thấy, trông thấy một cách hời hợt. Không có một nét riêng của lòng, một nét riêng chỉ yêu mới nhìn thấy! Cho đến những cảnh riêng của gia đình, cảnh Mai Viên, cảnh Hương Thảo Thất cũng không có nét đặc biệt hiện lên mặt giấy để tô đậm nỗi nhớ niềm thương.
Cho nên bài thơ chỉ êm tai mà không thấm lòng.
Song so với một bài Đường thi thì bài này có sức truyền cảm mạnh hơn, truyền cảm mà không trì hứng, bởi thiếu chiều sâu.
Và đọc bài này, người ở xa không ai có thể biết được rằng bà Đào Trúc Tiên là người Bình Định. Cả giọng văn lẫn ý thơ đều khiến người ta tin chắc rằng bà gốc là người sông Hương núi Ngự. Thơ bà làm nhiều và phần nhiều là thơ chữ Hán. Bà đã chép thành tập. Nhưng năm 1975 bà theo con sang Mỹ, tập thơ ấy đi theo bà hay để lại Việt Nam? Bà  sang Mỹ được ba, bốn năm thì mất. Thọ trên 90 tuổi. Không biết “tấc lòng gởi vào văn chương” của bà hiện nằm vào tay ai?
__________________________________________________________________

(1) Tiêu Tương: Khúc sông giao thủy của sông Tiêu và sông Tương. Nơi đây thường là chổ chia tay để mỗi người đi mỗi ngả. Cho nên văn thơ thường dùng trong cảnh biệt ly. Nơi bờ sông Tương xưa kia hai bà vợ  ông Thuấn đứng khóc chồng, nước mắt hòa máu rơi vào trúc thành những đóm thâm. Cho nên có chữ giọt Tương là giọt nước mắt. Khúc Tiêu Tương là khúc đàn buồn về nỗi ly biệt
(2) Cụ Nguyễn Du thoát ý câu thơ của Thôi Hộ đời Đường:
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong
Thành:
Trước sau nào thấy bóng người
Hoa đào năm ngoài còn cười gió đông
Bà Đào mượn câu cụ Nguyễn chuốt thành:
Sau trước nào đâu thấy bóng người.
Thật “đắc sách”.
(3) Tang điền:Ruộng dâu hóa thành biển xanh (Tang điền biến vi thương hải, Nói tắt là tang thương)
(4) Hiệp Phố: Bến Hiệp Phố, có nhiều châu, quan Thái thú tham lam bắt dân lặn xuống bắt châu, châu bỏ đi hết, Sau viên tham quan đổi đi nơi khác, châu lại trở về.
(5) Chàng Lưu: Là Lưu Thần và Nguyễn Triệu vào Thiên Thai hái thuốc, gặp tiên kết duyên vợ chồng.
(6) Roi quyền: Ca dao có câu:
Ai về Bình Định mà coi
Con gái Bình Định bỏ roi đi quyền.
 Ý nói con gái Bình Định hùng dũng. Để tự vệ chiến đấu không cần dùng vũ khí mà chỉ dùng tài lực của mình. Đó là hùng khí của đất Tây Sơn.
(7) Hương giang, Ngự Bình, Tịnh Tâm, Phú Văn Lâu là những thắng cảnh cổ tích của Thần kinh.

(8) (9): Mai Viên: là cảnh hoa viên, Hương Thảo Thất là ngôi nhà mát của cụ Đào Tấn lập ở Huế. Cụ Đào Tấn làm quan đến chức Thượng Thư, có biệt thự ở Huế song lúc về trí sĩ, thì cụ về Bình Định sống với vườn nhà của tiền nhân để lại, đạm bạc như một thường dân.