19. ĐÀO CHI TIÊN



Bà là em ruột bà Đào Trúc Tiên, nhỏ thua chị 1, 2 tuổi. Sanh tại Huế năm Kỷ Sửu (1889). Từ nhỏ đến lớn ở Huế. Lớn lên theo chồng đi làm quan ở các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Nam, Phan Thiết Nha Trang. Thỉnh thoảng mới về thăm Bình Định.
Cũng như bà chị, bà Đào Chi Tiên là một bậc khuê các phong lưu, nôm hay chữ giỏi, vì chồng bà làm đến án sát nên khách làng thơ thường gọi bà là bà Án Đào chớ ít gọi tên.

Bà Đào Trúc tiên có vẻ đạo mạo, đường giao du thu hẹp trong phạm vi gia đình. Bà Đào Chi Tiên có phong thái của tao nhân, giao thiệp rộng, thích đi xem những nơi có cảnh đẹp dấu xưa. Và ngâm vịnh rất nhiều, chữ Hán có, quốc âm có.
Nhưng thơ bà chỉ chuyền tay cho các thân bằng thân hữu chớ không đăng báo chí, cho nên bạn “làng văn công khai” ít người biết, danh bà không được nổi như bà Cao Ngọc Anh, bà Đạm Phương, mặc dù thơ bà nhiều và có nhiều tình tứ. Xin trích một ít bài mà bà sáng tác trong khoảng gần đây:

THU VÕ CẢM HOÀI (1)
Trích trích ly hoa tạc dạ thanh
Tàn đăng tịch viện mộng nan thành
Nhất tiêu sầu mấn tha hương khách
Vạn lý bi thu cổ quốc tình
Đối xứ sổ bôi phong võ cận
Hoài nhân  cửu nhật mộng hồn kinh
Niên niên ký thủ nham đầu nguyệt
Thiên ngoại không văn cô nhạn minh
Bà tự dịch:
Tiếng mưa rả rích suốt đêm trường
Phòng vắng đèn tàn mộng dở dang
Muôn dặm thu buồn hồn cố quốc
Một mai tuyết điểm tóc tha hương
Gió mưa đối cảnh cơn say tỉnh
Ngày tháng thương ai dạ vấn vương
Bóng nguyệt Nha Thành khi gác núi
Ven trời nhạn lạc vẳng kêu sương.
Bài này bà làm ở Nha Trang năm Đinh Mùi (1967)

Nha Trang đối với bà là nơi có nhiều kỷ niệm. Lúc thanh xuân, bà theo ông ngồi Án sát Khánh Hòa ngót 9 năm. Ông mất lại lỵ sở ở Diên Khánh, bà xuống Nha Trang ở trong một thời gian khá lâu rồi mới về Huế. Thời kháng chiến chống ngoại xâm bà lại ở Nha Trang hơn 10 năm nữa. Bà ở Bình Định không được bao lăm. Cho nên người Bình Định ít biết bà hơn người Nha Trang. Và thơ bà cũng được làng giấy bảng mực tàu ở Khánh Hòa thuộc nhiều hơn Bình Định.
Cũng như thơ bà Trúc Tiên, thơ bà Chi Tiên lời thanh nhã, nhưng vì cảnh ngộ không bằng chị, nên giọng thơ hơi buồn, vị thơ có phần chua chát:

MƯA CHIỀU THU KỶ DẬU
Chiều thu lác đác lệ thu rơi
Chan chứa tình thu biết hỏi ai
Hỏi nước nước đành lơ lửng chảy
Hỏi mây mây vẫn lạnh lùng trôi
Hỏi người năm trước người xa vắng
Hỏi bến đò xưa bến cách vời
Mấy độ đi về trong lối mộng
Đêm tàn sương nhuộm bóng trăng côi.

Đem so sánh hai chị em thì về học lực bà Chi Tiên thua bà Trúc Tiên xa. Nhưng về thi tài thì bà Trúc Tiên không theo kịp bà Chi Tiên. Nhờ thường đi đây đi đó, thường cùng nhiều tay giỏi thơ xướng họa, thơ bà Chi Tiên đề tài đã rộng mà tứ thơ ít bị vướng vấp những cổ sáo trần ngôn.

MÙA ĐÔNG LÊN CHƠI CHÙA THẤY SEN NỞ
Cỏ vàng lá rụng cảnh đông thiên
Chợt thấy hồ bên mới nở sen
Vẫn cứ tươi cười trong tuyết lạnh
Có chăng tu luyện với ai riêng
Hương theo gió liễu đưa rèm trúc
Bóng dựa trăng mai ánh cửa thiền
Xuân đã gần đây lời tạm nhắn
Thủy tiên chưa dễ một mình tiên.

HỒ THAN THỞ Ở ĐÀLẠT
Dám đem gan óc tỏ cùng ai
Than thở cùng hồ Than Thở chơi
Nước lặng buồn như đời gái góa
Cây gầy lạnh tợ kiếp xuân ôi
Gió rên một tiếng niềm ly hận
Sóng dệt muôn câu mối cảm hoài
Rảo bước phong trần chân đã mỏi
Cùng nhau ta lại thở than thôi…
Hầu hết thơ chữ Hán của bà, bà đều tự dịch thơ quốc âm. Lắm lúc có bài quốc âm nào đắc ý bà cũng đem dịch ra chữ Hán:

QUÍ MÃO THU CẢM
Giếng vàng lá rụng cảnh thê lương
Tuyết đọng sương rơi xiết cảm thương
Hoa cỏ chưa nguôi tình lữ thứ
Tháng ngày thêm ngại cuộc tang thương
Con tằm nhả kén tơ sầu vướng
Cái cuốc kêu đêm huyết lệ tràn
Dệt mộng chưa thành trời đã sáng
Đàn chim réo rắc gọi bên tường.
Dịch:
Kim tỉnh ngô đồng thương lạc diệp
Lộ ngưng sương hạ thống tâm can
Khả lân lữ thứ thảo hoa quyện
Cánh khủng tang thương nhật nguyệt trường
Tàm thổ ai ty ty bất đoạn
Quyên đề huyết lệ lệ nan lương
Lương thiên vị chức thành hoa mộng
Quần điểu bi minh dạ dục tàn.

Thơ lục bát, song thất lục bát bà cũng luyện lắm, song ít làm, vì bà bảo rằng khó theo kịp bà Đoàn Thị Điểm, công chúa Ngọc Hân:

CẢNH CHÙA THÔN QUÊ
Luồn gió núi cỏ cây khua động
Ánh trăng sân hoa lộng màu tươi
Non xanh xanh tận chân trời
Nước trong trong vắt rạng ngời bóng gương
Khoảnh trời đất ruộng vườn đứng giữa
Thú thôn quê nhà cửa chung quanh
Véo von giọng cuốc kêu canh
Lơ thơ cụm liễu mấy cành ngả nghiêng
Kẻ tát nước liên miên hò hát
Người chăn trâu rải rác ra về
Thanh thanh lặng lẽ tứ bề
Một mình theo ngọn tiểu khê đi vòng
Nước đầy nhẫy dòng sông sau trước
Cây thướt tha tha thướt quanh nhà
Cầu ngang đường sát hỏa xa
Tiếng còi thúc giục thiết tha ly tình
Chợt tỉnh giấc nỗi mình trong đục
Phải lánh xa niềm tục mới tiên
Ngoài cảnh vật ngắm vô biên
Mà trong ngọn đuốc hoa sen đượm màu
Thênh thênh phong nguyệt một bầu
Vui say vì đạo đổi sầu làm tươi..

Ngoài tài bút mực, bà lại có tài ép hoa. Ép hoa khô mà vẫn giữ được màu sắc, mười phần còn lại sáu bảy. Hoa khô rồi, bà sắp xếp thành một bức tranh màu gởi tặng những lòng phong nhã:
Lấy chi báo đáp lòng vàng
Hoa khô mấy nhánh tuyết sương đã dày
Công trình vun quén một tay
Giữ gìn hương sắc tháng ngày cho hoa
Bấy chầy đã tám năm qua
Xuân lan thu cúc đậm đà cả hai
Kìa lục trúc nọ hoàng mai
Này hoa tỷ muội thoảng mùi thanh cao
Tường vi đứng dựa anh đào
Ngẩn ngơ cánh bướm ngạt ngào vườn xuân
Mượn thanh khí tặng cao nhân
Càng cao vì nghĩa càng thân vì tình
Nước non muôn dặm trường đình
Tấc lòng trân trọng gởi cành thiên hương
Mùi phong nhã khách văn chương
Nghìn xưa Đào Lý cũng dường ấy thôi
Gấm hoa khéo dệt nên lời
Mấy thiên lịch sử muôn đời dễ quên
Công lao chưa dứt phỉ nguyền
Nhưng lòng chí thiết báo đền là đây
Duyên cao ngộ xiết cao dày
Còn ngày nào hẳn là ngày tri âm
Mảnh tiên kể hết xa gần
Tạ tình tao khách ân cần trước sau
Thu về với nguyệt làu làu
Sông Nha tỏ rạng một màu xanh xanh.
Bài này bà làm mùa thu năm Canh Tý (1960)
Nguyên chúng tôi có viết một bài nói về thân thế và văn nghiệp của cụ Đào Tấn đăng ở tạp chí Lành Mạnh Huế. Bà và bà Đào Trúc Tiên đọc, cảm động gởi thư cảm ơn và quà tặng:
Bà Chị tặng một xấp gấm xanh
Bà Em tặng một bức cảnh hoa khô lồng kính và bài thơ trên.
Bức cảnh hoa khô bà giữ đã 8 năm mà màu sắc còn tươi đẹp. Chúng tôi rất quí trọng, song hoa khô không chịu nổi khí hậu miền biển, nên rã dần. Hiện nay chỉ còn bài thơ, nét chữ không nhạt. Bà là một người tài hoa. Cụ Đào rất yêu quí, chẳng những dạy chữ dạy thơ mà còn dạy hát. Những điệu bộ những tinh hoa trong nghệ thuật diễn xuất tuồng hát bội, bà được cụ thân sinh truyền thụ khá nhiều. Bà mất rồi, không còn ai nối nghiệp.
Bà mất khoảng 1980-1982 ở Chợ Lớn. Thọ trên 90 tuổi.


Buổi sinh tiền bà thu thập tất cả thi ca làm từ thuở thanh xuân, đánh máy thành tập. Cả chữ Hán lẫn quốc âm, trên dưới 500 bài. Bà có con cháu ở Việt Nam, tập thi ca ấy chắc khỏi bị thất lạc.