20. TƯƠNG PHỐ


Năm 1928, sản xuất liên tiếp hai áng văn chương đầy nước mắt: Linh Phượng và Giọt Lệ Thu.
Linh Phương là tập văn khóc vợ của Đông Hồ, Lâm Tấn Phác.
Giọt Lệ Thu là tập thơ khóc chồng của Tương Phố, Đỗ Thị Đàm.
Cả hai đều đăng ở tạp chí Nam Phong và đều được Phạm Quỳnh ân cần giới thiệu.
Vì một bên khóc vợ, một bên khóc chồng, hai tác phẩm lại nối nhau ra đời trên một tạp chí có tiếng nhất thời bấy giờ, nên tên của hai tác giả, Đông Hồ - Tương Phố thường gắn liền nhau trên môi và trong trí một số đông người yêu thích văn thơ.
Buổi ấy tôi học cấp trung học trường Qui Nhơn. Anh em học sinh truyền miệng với nhau một khúc ngâm:
Dòng châu Tương Phố
Giọt lệ Đông Hồ
Dù khi suối cạn đồng khô
Mưa xuân vẫn ngập đôi mồ cỏ xanh.
Nhờ vậy mà tôi nghe danh Đông Hồ và Tương Phố. Nghe danh từ năm 1928, nhưng mãi đến năm 1939 tôi mới được làm quen cùng Đông Hồ, và 20 năm sau nữa, năm 1959, tôi mới được gặp Tương Phố.
Tương Phố là người tỉnh Hưng Yên (Bắc Việt) di cư vào Nam sau ngày chia đôi đất nước.
Được tin nữ sỹ cư trú tại Nha Trang, tôi muốm tìm thăm, nhưng chưa hỏi ra địa chỉ.
Một buổi chiều đông nắng ráo, tôi đương thơ thẩn dưới bóng mận ở trước nhà, thì một người đàn bà đến hỏi:
- Đây có phải nhà Quách Tấn?
- Dạ phải.
- Có lẽ đây là thi sĩ Quách Tấn?
- Dạ phải.
- Chắc Quách Tấn không biết ai đây?
Dáng người có vẻ cứng cỏi, câu nói không cần trau chuốt và giọng nói nghe sang sảng của bà khách làm cho tôi đâm ngờ là một cán bộ cách mạng...có lẽ nhận thấy thái độ tôi có phần bối rối bà khách cười:
- Tương Phố đây.
Tương Phố trước mắt tôi và Tương Phố trong các bức ảnh in trong sách văn học mà tôi đã được xem, là hai nhân vật khác hẳn. Đây là một phu nhân đầu điểm tuyết. Còn kia là một giai nhân tuổi đương xuân. Không từng giáp mặt nhau thì dễ gì nhận ra được. Sau phút giây kinh ngạc, tôi mừng rỡ reo to:
- Bà chị! Chưa kịp đến tham kiến bà chị, bà chị đã quang lâm.
Tôi gọi bằng chị vì Tương Phố sinh năm Đinh Dậu (1897) lớn hơn tôi 12 tuổi. Tương Phố vui vẻ đáp:
- Nhân đi chợ, ghé tặng Quách Tấn tập Giọt Lệ Thu.
- Xin mời chị vào...
- Nghe đâu Quách Tấn thường tiếp bạn văn chương dưới bóng mận kia mà.
- Nhưng lúc này mận chưa ra hoa và khí trời còn lạnh.
Vào nhà Tương Phố nói:
- Ra đi không chắc được gặp, nên chưa có lời đề tặng.
Đoạn mượn bút viết vào sách, rồi đứng dậy từ giã:
- Hôm khác sẽ nói chuyện nhiều. Nay phải ra chợ gấp kẻo tối, nhà không có người giúp việc.
Tôi hỏi thăm địa chỉ. Đáp:
- Số 42 đường Trịnh Phong. Nhà lúc nào cũng đóng cửa. Có đến phải xưng danh.
Rồi vội vã ra đi.
Mở sách ra xem lời đề tặng, tôi mới hay ngày gặp gỡ là ngày 10 tháng 10 dương lịch, ngày lễ Song Thập của Trung Hoa Dân Quốc..
Xem xong lời đề tặng, tôi xem lần vào nội dung tập thơ.
Giọt Lệ Thu viết năm 1923 đăng ở Nam Phong năm 1928 và in thành sách năm 1952. Nhưng trước kia tôi chỉ được đọc một vài đoạn ngắn. Trên ba mươi năm trời, sau khi tác phẩm ra mắt độc giả, tôi mới được đọc toàn tập.
Đó là một bài thơ trường thiên làm theo lối thi văn liên hành, là những tiếng khóc âm thầm, những dòng lệ sụt sùi liên tiếp như mưa thu, hết cơn này đến cơn khác, lạnh lẽo đìu hiu.
Dễ có mấy ai cầm lòng khi đọc những câu như:
Thu thường lại, ngày vui chẳng lại; thu thường đi, lòng hận chẳng đi; thương không có hạn, giận không có kỳ, người đi đi mãi, kẻ khóc khóc hoài. Chao ôi! Anh có biết đâu, một sớm anh chơi mây, để lại tháng ngày em lẻ bạn!

Thu có hạn, sầu dài không hạn
Cảm thu sang nhớ bạn lứa đôi
Đoạn trường biết mấy tao nôi
Khóc rồi lại khóc, hờn thôi lại hờn
Khúc uyên dạo dây đờn ai dứt
Dao sầu kia cắt đứt lòng son
Trăm năm lỡ cuộc vuông tròn
Hờn duyên tủi phận lệ còn chứa chan!”
Hoặc như:
Nay tơ duyên đứt mối, giữa dòng chiếc bách lênh đênh, mình chàng yên được phận mình, lại còn đem tấm thân trôi dạt vào lòng cha. Nhưng để luỵ đến cha già cũng là một điều bất đắc dĩ, chứ lòng em có muốn thế đâu. Nghĩ cho em nửa đời gà trống nuôi con, cảnh này đã xế về hôm, mà vẫn còn đeo lo đeo nghĩ chưa được yên bụng già, thì em lại ngậm ngùi tấc dạ làm con, hai chữ thần hôn luống tủi lòng khuya sớm:
Thần hôn đã lỗi đạo trường
Con côi mẹ goá lại nương cha già
Muối dưa đắp đổi ngày qua
Phơ phơ tóc bạc cũng sa giọt sầu!”
Vân vân...
Phê bình Giọt Lệ Thu, Vũ Ngọc Phan, tác giả Nhà Văn Hiện Đại có những câu:... “Mỗi bài thơ trong Giọt Lệ Thu là một tiếng khóc thiết tha ảo não, vì mỗi đoạn văn xuôi là một đoạn kể lể, rồi hết đoạn kể lể là đến lúc khóc than...Những đoạn văn xuôi đã là những đoạn kể lể của người thiếu phụ khóc chồng, tất nhiên nhiều chổ nó cũng lôi thôi và dài dòng như những lời kể lể...Mà có lôi thôi như thế mới đúng với thói thường của nhân loại, đúng những lời kể lể của người đàn bà trong khi khóc chồng...”
Lời phê bình của họ Vũ rất xác đáng.
Nhiều bạn đọc ngày nay cũng như trước kia không thích những đoạn kể lể. Cho nên giá trị của Giọt Lệ Thu nằm trong những vần thơ, nhất là thơ lục bát và song thất lục bát. Như những vần thượng dẫn và những câu sau đây:
Gió mưa chim chẳng lìa đôi
Giữa đường ân ái não người lẻ duyên
Vui xuân đôi lứa đề huề
Sầu xuân say tỉnh tê mê một người.
Xuân anh duyên đã phai rồi
Đời xuân thôi cũng là đời bỏ đi.
Đôi ta ân ái lỡ làng
Giữa đường sanh tử đoạn tràng chia hai
Anh vui non nước tuyền đài
Cõi trần hương lửa riêng ai lạnh lùng...
Vân vân…...
Lời thơ điêu luyện nhưng vẫn giữ được vẻ tự nhiên.
Xem xong Giọt Lệ Thu tôi đến nhà đáp lễ tác giả. Một ngôi nhà nhỏ lợp tole đứng chung cùng mấy gian nhà ngói trong một khoảnh vườn cây cối lưa thưa. Cửa đóng kín. Trong nhà im lặng như chùa. Hỏi người láng giềng thì đáp rằng có lẽ chủ nhân ở nhà vì từ sáng sớm không thấy ra khỏi ngõ. Tôi gõ cửa mấy lần, nhưng vẫn không thấy đáp. Đã toan trở bước thì nghe tiếng gọi từ phía nhà bếp đưa ra:
- Phải Quách Tấn đó chăng?
- Dạ phải.
- Chờ cho chút.
Rồi cửa nhà trên mở ra và chủ nhân trách:
- Tương Phố đã dặn rằng hể đến là phải xưng danh, thế mà không chịu nghe lời!
- Tại sao chị lại phải đề phòng kỷ thế?
- Tại vì khách làng thơ trong Nha Thành Thi Xã thường đến yêu cầu Tương Phố họa thơ quá...
Đoạn nữ sĩ vừa cười vừa kể lại câu chuyện vừa xãy ra tháng trước:
Một “lão thi ông” đến, thấy nữ sĩ đương ngồi rửa bát tưởng là người giúp việc, buột miệng hỏi:
- Có bà Tương Phố ở nhà chăng?
- Dạ bà vừa đi khỏi.
Khách liền lấy trong túi ra một phong thư:
- Chị trao lại giùm thư này cho bà, và thưa giùm với bà rằng tôi đến thăm mà rất tiếc không được gặp. Xin hẹn hôm khác.
Khách đi rồi, nữ sĩ mở thư ra xem thì là một bài thơ thất ngôn bát cú “Thất thập tự thọ”
Tôi liền hỏi:
- Thơ có hay không?
Nữ sĩ cười:
- Nếu như hay thì đâu đến nỗi hể thấy bóng người là phải lo trốn.
- Thi ông đến thì trốn, còn Thi bà đến có trốn chăng?
- Tùy người chứ. Thi bà, thi ông có khác chi nhau. Quách Tấn nghĩ ở đời có gì bực bằng ngồi nghe thơ dở?
Tôi nhận thấy Tương Phố là người khoáng đạt chân thật, nên không phải giữ gìn ý tứ và cân nhắc lời nói như những khi tiếp chuyện cùng các bạn văn chương bên phái nữ.
Nhân nói đến những lời phê bình của Vũ Ngọc Phan, nữ sĩ cho nghe mấy câu lục bát:
Chàng Phan chia rẽ hai ta
Chị vào văn sử em ra cõi ngoài
Bâng khuâng chị nhớ em hoài
Văn chương để mối hận dài bao khuây!
Tôi chưa kịp nhận được trọn ý tứ, thì nữ sĩ nói:
Khi viết bộ Nhà Văn Hiện Đại,Vũ Ngọc Phan gởi thư xin ảnh. Tương Phố gởi tấm ảnh “Tương Phố và Song Khê chụp chung”. Gởi tấm ảnh ấy là vì trong nhà có sẳn, lại có ý muốn nơi thi đàn cũng như trong gia đình, lúc nào cũng có em có chị. Nhưng khi nhận được Nhà Văn Hiện Đại của Vũ Ngọc Phan gởi tặng thì thấy ảnh Song Khê bị cắt còn lại mái tóc. Tương Phố buồn nên có mấy vần thơ ấy.
Tôi hỏi:
- Vũ Ngọc Phan có được đọc chăng?
- Chỉ có Song Khê được đọc thôi
Nhà Văn Hiện Đại của Vũ Ngọc Phan ra đời năm 1942.
Năm 1951, nhà xuất bản Ngày Mai ở Hà Nội thương lượng cùng nữ sĩ để xuất bản tập Giọt Lệ Thu. Sách in 2.000 cuôn, tác quyền là 3.000$, đưa trước 1.000$, còn 2.000$ sẽ giao khi sách in xong. Giao ước ký kết, nữ sĩ giao bản thảo cho nhà xuất bản. Nhà xuất bản hẹn trong vòng một hoặc hai tháng là có sách bán. Nhưng qua một mùa thu và đã gần hết đông mà sách vẫn không thấy và tiền cũng không thấy. Nữ sĩ bèn gởi cho chủ nhân nhà xuất bản là Văn Hồng Lĩnh, một bức thư thơ:
Thu qua đông đã lạnh rồi
Văn Hồng chẳng có nhớ lời Lệ Thu?
Nhà văn túi một xu không dính
Năm cùng rồi toan tính sao đây?
Đợi chờ ngày lại qua ngày
Người quên quên bẳng cả ngày tháng qua!
Ai hào hiệp sao mà lơ đãng?
Ham kinh doanh nỡ nhãng quên đây!
Cánh hồng gởi ngọn gió tây,
Lòng phong nhã với thơ này tặng ai...
Tương Phố tả lại câu chuyện một cách thích thú. Tôi hỏi:
- Tiếp được bài thơ Văn Hồng  Lĩnh có nghĩ đến “túi không dính xu” của nhà văn không?
- Có chứ. Nhưng mãi đến mùa thu năm sau (1952) sau khi sách ra đời tôi mới có.
Nhân thấy quyển Thi Nhân Việt Nam Hiện Đại của Phạm Thanh để nơi bàn viết, tôi cầm lên toan mở ra xem. Chủ nhân ngăn lại và đọc to:
Cuốn “Thi Nhân Việt Nam Hiện Đại”
Của Phạm Thanh tai hại quá chừng!
In sai be bét lung tung
Sách ra đời thế thẹn thùng biết bao!
Một vết nhọ in vào văn sử
Hỏi lỡ rồi gột rửa sao đây?
Nghìn thu còn vết hận này!
Tôi hỏi:
- Sách tệ đến thế ư?
- Cũng có Quách Tấn trong đó, muốn xem đem về nhà mà xem.
Tôi có nghe nói đến cuốn sách ấy, song mới được thấy mặt lần đầu tiên, nên tôi hoan hỉ nhận sách ra về. Nữ sĩ đưa ra sân, cười dặn:
- Nhớ giữ kỹ sách đó nhé. Đừng nổi khùng xé rách mà phải bồi thường sạt nghiệp chớ chẳng chơi đâu.
Về nhà xem qua, tôi nhận thấy lời phê phán của Tương Phố không quá đáng. Phan Văn Dật ở Huế, nhân viết thư hỏi địa chỉ Tương Phố, cũng tỏ ý bất bình đối với Phạm Thanh. Một quyển sách bị các nhà văn chuyên chính chê như vậy mà bán rất chạy. Khi được tin Thi Nhân Việt Nam Hiện Đại có nói đến tôi, tôi tìm xem thử, nhưng ở Nha Trang, hỏi tiệm sách nào cũng đều đáp “bán hết rồi”. Đó là vì lúc bấy giờ phong trào đọc tác phẩm thời tiền chiến, phần đông người lầm Thi Nhân Việt Nam Hiện Đại của Phạm Thanh với Thi Nhân Việt Nam của Hoài Thanh. Cũng Thi nhân ở đầu và cũng Thanh ở đuôi thì mắt cá, tròng châu dể lẫn lộn quá!
Khi đem sách đến trả, tôi cho biết ý nghĩ của tôi. Tương Phố nói:
- Bọn mình là giống tằm rút ruột, luôn luôn bị con buôn lợi dụng để làm giàu!
Tương Phố cũng như con chim nhiều lần bị tên, hể thoáng thấy làn cây cong là tâm hồn bị kích động.
Năm 1959, nữ sĩ giao tập thơ thứ nhì của nữ sĩ là Mưa Gió Sông Tương cho nhà xuất bản Bốn Phương ở Sài Gòn ấn hành. Thời gian trôi mà bản thảo Mưa Gió Sông Tương còn nằm mãi một chỗ. Nữ sĩ rất nóng lòng mong đợi tin tức.. Gần một năm sau, sách mới ra đời.Nhiều người bạn ở xa đã có sách đọc, gởi thư đến ca tụng tác giả, nhưng tác giả trông đứng trông ngồi vẫn chưa thấy mặt đứa con tinh thần ra sao! Nữ sĩ rất lấy làm khó chịu, nên soạn mấy vần “thơ than”:
“Mưa Gió Sông Tương” xuất bản rồi
Nha Thành tác giả quá xa xôi
Nghe đồn cảnh cáo mà chưa đọc
Có sách ra đời biết vậy thôi!
Cái nghèo rắc rối chao ôi!
Muôn vàn thanh lịch biết thôi...cũng lờ.
Hồn phong nhã gởi trong thơ
Mà lòng phong nhã đã thừa tổn thương!
Phù sinh một cảnh hý trường
Nghèo là người khách qua đường trái duyên.
Muôn vàn nguyện chẳng như nguyền
Rồi lăng nhăng hết những duyên vật vờ!
Việc chậm trễ gởi sách không phải do nhà xuất bản quên tác giả, mà chính tại Mộng Tuyết muốn “làm tốt” cho quyển đặc biệt dành riêng cho bà chị. Mộng Tuyết - người trong nhà xuất bản Bốn Phương - đem cuốn đặc biệt đi đóng bìa da mạ vàng, đợi sách đóng xong sẽ gởi ra cùng số sách thường cho đỡ tốn công chầu chực nơi nhà Bưu điện. Biết được mỹ ý của Mộng Tuyết, nữ sĩ rất cảm động... Nhưng vẫn không dấu diếm lòng hờn dỗi của mình khi chưa nhận được sách.
Mưa Gió Sông Tương in xong cuối mùa xuân năm Canh Tý tức tháng 4 năm 1960 và đến Nha Trang đầu mùa đông năm ấy, tức tháng 11 dương, trong lúc gió mưa sùi sụt.Tôi là người được hân hạnh nhận sách tặng đầu tiên, vì khi nhân viên bưu điện đưa hàng đến thì tôi có mặt tại nhà tác giả ở đường Trịnh Phong.
Sách in thật công phu. Thơ trình bày trên giấy nền gấm vẽ sáu kiểu: Vương giã hương, Ngọc cốt hương,Tê tế hương, Văn tiết hương, Hồ điệp xuyên vân, Ngọc lân hí cầu.Tức là nền vẽ lan, mai, trúc, cúc, bướm, lân. Nét họa của Đông hồ. Trông thật trang nhã, đài các..
Nét vui mừng hiện rõ trên gương mặt nữ sĩ. Và ngoài trời tuy gió mưa mà lòng tôi lại cảm thấy một luồng khí ấm thổi...Tôi thành thật khen:
- Từ 1955 đến nay, chưa có quyển thơ nào đẹp bằng!
Nữ sĩ nhanh nhẹn đáp:
- Đó là nhờ Đông Hồ và Mộng Tuyết
Tôi bông đùa:
- Thế mà chị lại than “ Nghèo là người khách qua đường trái duyên”.
Nữ sĩ cười:
- Ai bảo bắt người ta đợi mấy tháng trời. Nóng cả ruột gan. Tức muốn chết.
Trời vừa ngớt mưa, tôi xin phép nữ sĩ về nhà đọc Mưa Gió Sông Tương.
Mưa Gió Sông Tương gồm những giai tác soạn từ 1915 đến 1949 và gồm có nhiều thể thất ngôn, lục bát, song thất lục bát. Hai thể sau chiếm đa số. Cũng có một số bài làm theo lối thi văn liên hành như Giọt Lệ Thu.
Tác phẩm chia làm hai phần: Phần trước chép những bài thơ làm trước khi Giọt Lệ Thu ra đời. Phần sau chép những bài làm sau khi Giọt Lệ Thu ra đời.
Giọt Lệ Thu là một tiếng khóc chồng dài dặc liên miên.
Mưa Gió Sông Tương là những mảnh tâm sự của con người đau khổ trong những ngày xa chồng, trong những ngày goá bụa, và trong lúc phải bước lên “cầu tái tiếu”.
Vì làm thơ trong hai giai đoạn trước và sau Giọt Lệ Thu, nên dù ra đời sau đến 8  năm kể từ lúc Giọt Lệ Thu đã in thành sách, Mưa Gió Sông Tương không thể bị coi là vai em. Mà cũng không thể đưa lên vai chị! Trường hợp của Cao Bá Đạt, Cao Bá Quát còn dễ phân định ngôi thứ hơn trường hợp hai tập thơ của nữ sĩ “Bến Sông Tương”. Mà thôi:
Chị em trong đạo gia đình
Ai em ai chị vẫn tình chị em.
Xin bàn qua tánh chất và giá trị của Mưa Gió Sông Tương.
Như trên đã nói Giọt Lệ Thu là tiếng khóc sụt sùi của người quả phụ. Mưa Gió Sông Tương là tiếng than não nuột của người thiếu phụ ngót 35 năm trời luôn luôn gặp bước gian truân .
Trong Giọt Lệ Thu có những câu ảo não thê lương thì trong Mưa Gió Sông Tương cũng có những câu lâm ly bi thiết:
Ngậm lời ngồi ngẩm canh tàn.
Nhìn nhau đôi mặt, bốn hàng lệ sa!
( Chia phôi)
Khúc tương tư giữa đêm thanh
Giọt ba tiêu khéo, bên thành điểm mau!
( Khúc tương tư)
Nương song ngơ ngẫn canh dài...
Áo khăn đẫm lệ, đất trời đẫm sương.
( Song trăng)
Muốn đem xuân trả lại trời
Mất chồng chi tiếc cái đời trẻ trung
Tang nhau tang cả tấm lòng
Ngày xanh còn thắm  má hồng cũng thôi!
( Xuân thừa)
Hôm nay, đoạn trở anh ơi!
Nhưng lòng em vẫn suốt đời trở anh!
Thương nhau thương ở tâm tình
Sầu kia chẳng để ở vành khăn tang!
(Đoạn trở)
vân vân...
Giọt Lệ Thu đã buồn thương, Mưa Gió Sông Tương lại thêm cay đắng! Cay đắng nhất là đoạn “phải bước đi bước nữa”
Vóc mai gầy võ tuyết sương
Mấy thu chiếc bách cánh buồm bơ vơ;
E dè buổi gió chiều mưa
Con côi mẹ goá dễ nhờ nương đâu?
Bước đi, âu cũng thương nhau,
Dừng chân đứng lại, cơ màu dở dang!
Dây loan chắp mối đoạn tràng
Ngâm câu tái tiếu hai hàng lệ sa!
...
Thân này, đôi dẫu đủ đôi,
Lòng này, riêng vẫn lẻ loi tấm lòng!
Theo duyên ân ái đèo bòng,
Trăm năm vẫn một khúc lòng bi thương.
...
Cửa hầu gởi áng xuân tàn,
Chén vinh hoa nhắp muôn vàn đắng cay.
Nỗi lòng chua xót ai hay,
Tấm thân bồ liễu võ gầy riêng thương.
Vì chồng tâm sự dở dang,
Vì con, thôi mấy đoạn tràng cũng cam.
...
Nước non duyên nợ nghĩ liều
Cầm như con trẻ chơi diều đã xong
Nỗi niềm luỵ đã đôi dòng
Trăm năm để một tấm lòng từ đây!
( Tái tiếu sầu ngâm)
Tương Phố tái giá là vì hoàn cảnh:
Nỡ nào để luỵ cha già,
Nỡ nào để một ảnh nhà dở dang;
Con thuyền bắt lái sang ngang.
Trông vời con nước mà ngang ngửa lòng!
( Bước chân ra)
Vì hoàn cảnh mà buộc lòng phải “bước chân ra”, chớ:
Dể âu duyên mới du mà
Còn tình chăng nữa cùng là luỵ thôi.
Trăm năm danh tiết lỡ rồi
Dẫu thân chung đỉnh cũng đời bỏ đi.
(Tái tiếu sầu ngâm)
Nữ sĩ nghĩ “Chồng qua đời là đã mất nhau rồi, bước thêm bước nữa lại là mất nhau lần thứ hai”
Cho nên:
Bước ra những muốn quanh vào
Trăm năm, nào có phần nào phần khuây.
Thân này, đến dở dang này,
Lòng này, thôi hết chua cay nỗi lòng!
(Bước chân ra)
Và nỗi lòng chua cay không biết bao giờ dứt:
Trông về lối cũ tình Hương
Sông quanh chín khúc đoạn trường quặn đau!
Non cao, thẳm ngất non sầu
Cảnh xưa ai vẻ nên màu thê lương.
Tình xưa càng nghĩ càng thương,
Biết bao khoảng vắng đêm trường khóc nhau.
( Tái tiếu sầu ngâm)
Nỗi ly hận mây chiều gió sớm,
Tình tương tư khoảng vắng đêm trường;
Gió mưa tâm sự thê lương,
Chỉ kim ai vá đoạn trường nhau đây!
Sầu ngây ngất những ngày thu lại,
Giọt ngâu tuông lệ lại chan hoà
Ngày xanh sắc úa vàng pha,
Bông lau lã lướt la đà ngọn may.
Non nước buồn cỏ cây hiu hắt,
Khói mây tuôn mặt đất chân trời;
Vời trông muôn dặm đường đời,
Bước trăm năm, luống ngậm ngùi cho thân.
Kể từ độ phong trần lạc bước,
Mười lăm năm mặt nước cánh bèo;
Gieo lòng theo ngọn thủy triều,
Lênh đênh thôi cũng mặc chiều nước sa!...
(Khúc thu hận)
Người xưa nói:
Thơ khó chân vậy. Có tánh tình sau mới chân được. Bằng không thì chỉ phu diễn thành văn thôi
Thơ trong Mưa Gió Sông Tương cũng như trong Giọt Lệ Thu rất chân thật. Đó là nhờ lòng tác giả đã chứa sẳn mối thương tâm, cho nên mỗi khi lòng bị khích động, thì những nỗi nhớ thương buồn tủi thì liền kết đọng lại thành lời chảy tuôn ra.
Nghĩ là thơ Tương Phố không phải phấn sức của tài ba mà là tấc lòng gởi vào thiên cổ. Vì vậy mà dể rung cảm lòng người đọc người nghe.
Bàn về mặt văn chương thì Mưa Gió Sông Tương tinh luyện hơn Giọt Lệ Thu. Những câu như:
Thân này đôi vốn đủ đôi
Lòng này riêng vẫn lẻ loi tấm lòng
Cửa hầu gởi áng xuân tàn,
Chén vinh hoa nhắp muôn vàn đắng cay.
Gió mưa tâm sự thê lương,
Chỉ kim ai vá đoạn trường nhau đây!
Gieo lòng theo ngọn thuỷ triều,
Lênh đênh thôi cũng mặc triều nước sa!
Vân vân...thì thật là tuyệt diệu!Văn điêu trác mà giọng thì tự nhiên. Rõ là nhân công mà thiên tạo. Nếu tác giả có sẳn cái khéo của trời mà không có cái công của mình, hoặc chỉ dùng cái công của mình mà không có sẳn cái khéo của trời, thì không thể sáng tác được những vần thơ hay như thế.
Xưa nay những thi nhân có tác phẩm truyền tụng đều có  đủ ba yếu tố cần thiết: Thi cốt, thi học, thi tài. Thi cốt là tiên thiên, thi học là hậu thiên. Nếu tiên thiên và hậu thiên đều sung mãn thì thi tài phát triễn đến cùng tột. Nếu tiên thiên bất túc, phải nhờ hậu thiên bổ khuyết thì thi tài mới mong tinh tiến mãi. Còn nếu tiên thiên sung túc mà hậu tiên bất túc thì thi tài lên đến một mức nào đó phải ngừng. Xem hai tập Giọt Lệ Thu và Mưa Gió Sông Tương, tôi nhận thấy Tương Phố là một tài nữ có thi cốt vững, thi học chín.
Nhưng Tương Phố chỉ có sở trường về lục bát và song thất lục bát. Trong hai tập Giọt Lệ Thu và Mưa Gió Sông Tương, văn xuôi chỉ là những lời “kể lể”, giá trị văn chương không được nhiều.Còn thơ thất ngôn, so với lục bát và song thất lục bát thì thua xa. Những bài thất ngôn trong hai tác phẩm chỉ đạt được ý của tác giả mà không truyền được cảm sang độc giả. Mà thơ không truyền được cảm, không phải là thơ hay.
Sau đây là một bài thất ngôn luật đắc ý của tác giả:
NGOẢNH LAI TRỜI NAM
Ngoảnh lại trời Nam lệ chứa chan...
Ái ân thôi đã lỗi muôn vàn!
Thương chồng một phút rồi công nghiệp
Tủi thiếp trăm năm héo ruột gan.
Sinh tử ngẫm buồn cơ tạo hoá,
Truân chuyên thêm ngán nỗi hồng nhan.
Từ đây non nước ngày xa vắng
Chiếc bách con chèo cảnh thế gian!
Bài này để một bên những câu thống thiết thượng dẫn, nếu mà người đọc không biết rõ xuất xứ thì không thể tin rằng hai bên vốn là “đồng bào song sanh”.
Năm 1960, theo vần 10 bài “Mơ về vườn cũ” của một ông bạn Bắc Việt di cư, nữ sĩ làm 10 bài liên hoàn “Hồn khuê dặm khách”. Xin trích bài đầu và bài cuối:
I
Chia ly nhắc nhở não canh trường
Ngàn dặm tha hương nhớ cố hương
Vườn cũ đi về khôn hẹn mộng
Việc riêng toan tính đã sai đường
Lung tung đời loạn hao năm tháng
Dầu dãi quê người dạn nắng sương
Ngả Bắc vời trông rưng mắt lệ
Mưa mưa gió gió ngậm ngùi thương.
X
Bức tranh kim cổ xảm pha vàng
Bày xoá bao nhiêu cuộc hải tang
Đời trước đã từng cay với đắng
Lớp này đương những dở cùng dang
Thèm tuồng, đất nước ganh xâu xé
Để nỗi dân tình hận ngổn ngang
Chim Bắc cành Nam nhiều khắc khoải
Hồn quê dặm khách sững mơ màng!...
Tất cả lời thơ già dặn, hương vị thơ khô khan. Đọc qua rồi không muốn đọc lại. Không như thơ lục bát và song thát lục bát của nữ sĩ, phần nhiều đã có vị mà còn có tiếng đàn ngoài dây tơ.. Tức là vừa có sức truyền cảm vừa có sức trì hứng. Cho nên đọc nhiều lần vẫn thấy hay.
Nhưng thơ lục bát và song thất lục bát của Tương Phố làm theo buổi vãn niên không theo kịp những vần trong Giọt Lệ Thu và Mưa Gió Sông Tương. Không phải vì tình thơ đã cạn, mà chính vì thiếu công thôi xao. Cứ nghĩ sao viết vậy, và viết xong là xong chớ không hay sửa đi sửa lại.
Đông Hồ và Tương Phố nổi danh một lần. Nhưng càng về già thơ Đông Hồ càng dụng công chải chuốt, còn thơ Tương Phố có thể nói là chỉ làm cho có làm. Tuy vậy những vần thơ đứng ngoài Giọt Lệ Thu và Mưa Gió Sông Tương vẫn đáng quí vì vẫn là “thốn tâm thiên cổ” chớ không phải là “vật tiêu khiển trong nhất thời”
Trong bài Phạm Quỳnh giới thiệu Giọt Lệ Thu có câu:
“Mà bạn độc giả đọc xong bài này, dù ý kiến về văn chương thế nào, tưởng cũng phải vì Tương Phố phu nhân bùi ngùi tấc dạ.”
Câu này có thể mượn để nói trùm cả sự nghiệp văn chương của nữ sĩ.
Còn về cuộc đời của Tương Phố, tuy nặng tình chị em, tôi không bao giờ tìm hiểu cho thấu đáo, và nữ sĩ cũng ít đem đời tư của mình nói cho tôi nghe. Nhưng bằng vào văn chương, tôi cũng biết được đại khái:
Cụ thân sinh của nữ sĩ là một nhà Nho thanh bần. Bà cụ hiếm hoi chỉ được hai gái là Tương Phố và Song Khê.
Hai chị em lúc nhỏ học chữ Hán cùng ông cụ và học chữ Pháp tại trường quốc lập tỉnh nhà (Hưng Yên)
Lớn lên Tương Phố kết duyên cùng nhà họ Thái ở Huế ra học trường Y Khoa Hà Nội:
Em mười tám anh hai mươi lẻ
Sóng gương đôi lứa trẻ như măng
Có đêm ngồi mát dưới trăng
Bảo nhau: yêu quá sợ Hằng Nga ghen
( Tự tình)
Sum họp vừa trong mười tháng thì họ Thái tòng chinh sang Pháp (1916). Lúc bây giờ nữ sĩ nằm nơi được một trai mới 6 ngày chưa rụng rốn. Sang Pháp được ba năm, họ Thái bị thổ huyết, không chịu nổi khí hậu trời Âu, phải đưa về Huế điều trị. Hồi này nữ sĩ đương dạy học tại trường Sư phạm Hà Nội. Chẳng những xin phép nghĩ khó khăn, mà đường lại xa xôi cách trở, nên không vào thăm được. Không được bao lâu thì được điện tín cho biết họ Thái đã tạ thế và đã đưa ma rồi (mùa thu năm 1920).
Canh khuya, tỉnh giấc hai hàng lệ,
Vừa năm kia mất mẹ chưa khuây:
Áo khăn tang tóc còn đây,
Chưa xong tang mẹ lại ngay tang chồng!
(Tự tình)
Nữ sĩ đem con về nương cùng cha già. Đoạn tang rồi vì cảnh cha già con dại, nữ sĩ buộc lòng phải tái giá, về cùng quan Tuần vũ họ Phạm (1925). Từ ấy về sau:
Phong lưu để ngậm ngùi tấc dạ
Chén vinh hoa lã chã giọt hồng
Khóc than khôn xiết sự lòng
Bèo xuôi sóng ngược cho lòng xót xa...
( Khóc thu hận)
Đến thời kháng chiến chống Pháp, gia đình bị ly tán. Ông cụ thân sinh bị bệnh mất trên đường tản cư:
Bảy mươi tám tuổi trời chua xót
Lúc lâm chung thảng thốt không ai!
Rể dâu thăm thẳm phương trời,
Gái trai nội ngoại nào ai bên màn?!

Sau ngày hiệp định Geneve ký kết, nữ sĩ di cư vào Nam.
Nữ sĩ đi một mình cùng người con trai họ Thái.
Người con trai lúc bấy giờ là một công chức cao cấp ngành Thủy lâm, làm việc tại Đà Lạt. Nhưng nữ sĩ không ở cùng con tuy là người con duy nhất- mà lại đến Nha Trang mua một túp nhà nhỏ ở một thân. Tình cảm thật hiu quạnh!
Đến thăm, tôi hỏi:
- Những khi đau yếu chị nhờ cậy ai?
Nữ sĩ cười:
- Nhờ Trời!
Tánh nữ sĩ vui vẻ, hồn nhiên và rất tươm tất.
Tuy ở một mình và ít khi tiếp khách, nhưng nhà cửa trang trần rất lịch sự, bánh trái luôn luôn có sẳn trong tủ ăn. Nghề nữ công, từ môn thêu thùa đến môn nấu nướng, nữ sĩ rất rành.
Một hôm tôi đến gặp lúc nữ sĩ đương mắc tay nơi bếp. Nữ sĩ tiếp tôi bên cạnh hoả lò, vừa làm việc vừa nói chuyện. Phần nhiều là chuyện văn chương. Mùi thi ca trộn lẫn mùi chiên hấp, tạo thành một hương vị đặc biệt nửa thật nửa hư.
Lúc bấy giờ cũng đã hơi trưa. Nữ sĩ bảo:
- Quách Tấn ở lại ăn cơm với Tương Phố nhé.
Tôi cười:
- Hết phần buổi chiều thì làm sao?
- Thì đi chợ nữa. Chợ gần nhà, lo gì.
Tôi bèn lo soạn chén bát. Rồi mâm cơm dọn ngay nơi nấu ăn. Và hai chị em không cần phân chủ khách. Bửa cơm thật ngon. Ăn xong, nữ sĩ bảo:
- Quách Tấn lên nhà trên mở tủ lấy đồ tráng miệng. Tương Phố dọn dẹp xong, lên sau.
- Chị để tôi giúp với.
- Cậu chuốt chữ thì tinh, nhưng rửa bát không sạch nổi. Thôi để đó cho chị.
Tôi đến lúc nào cũng được ăn. Không bánh thì mứt, không mứt thì trái cây. Thỉnh thoảng nữ sĩ lại mang quà xuống cho lũ cháu. Tình đối với tôi rất hậu. Nhưng tôi không biết lấy gì đền đáp cho xứng đáng. Chỉ những mùa mận, hễ trái chín là tôi hái vài chùm sởn sơ nhất đem lên tặng.
Mỗi lần được mận, nữ sĩ đều đặt lên bàn thờ ông cụ bà cụ cúng rồi mới ăn.
- Dâng lên tổ tiên, vạn bất đắc dĩ mới dùng hoa  quả mua ở chợ. Quả nhà vườn vừa ở trên cây hái xuống mới là quí.
Tấm chân thành của nữ sĩ chẳng những thể hiện với văn chương mà cả nơi ngôn ngữ cử chỉ hằng ngày. Càng ở gần càng thấy rõ. Những người quen biết nữ sĩ đều công nhận như vậy.
Nữ sĩ lại còn một ưu điểm nữa là trực tánh.Muốn nói điều gì thì nói thẳng chớ không nói quanh co, cũng không cần “đắp bờ con” như phần đông người ở những nơi “văn vật”, mặc dù nữ sĩ đã từng sống nơi đất Thăng Long. Như đối với Đông Hồ là chổ chí thân mà khi đề cập, nữ sĩ cũng thẳng thắng phê bình.
Sau khi tặng tôi tập Mưa Gió Sông Tương, một hôm nữ sĩ xuống nhà bảo lấy ra để nữ sĩ sửa lại những chữ cần phải sửa. Trong bài Mất Mẹ sách in:
Anh ôi, em mất mẹ rồi!
Một trời đông lạnh, mấy hồi thê lương!
Sương sa, giọt lệ canh trường,
Cố hương tang Mẹ, tha hương tình chồng.
Nữ sĩ xoá chữ “cố hương” ở câu 4 và sửa lại là “quê nhà”.
Trong bài Đoạn Trở sách in:
Hôm nay đoạn trở anh ơi!
Nhưng lòng em vẫn suốt đời trở anh.
Thương nhau thương ở tâm tình,
Sầu kia còn để ngoài vành khăn tang!
Nữ sĩ xoá chữ “còn” và chữ “ngoài” và sửa lại chữ “chẳng” và chữ “”, câu thơ thành ra:
Sầu kia chẳng để ở vành khăn tang.
Trong bài Tim Em, đoạn thứ ba, sách chép:
Từ đấy thương cha em nín khóc,
Cha em thường thấy mặt em vui.
Người đời cũng ngỡ em sung sướng,
Em biết tim em đã nát rồi!
Nữ sĩ xoá chữ “Em” trong câu 4 và thay vào chữ “Ai”. Sửa xong nói:
- Đông Hồ ưa sính chữ và thích sửa thơ người ta quá! Những chữ đó là Đông Hồ đã sửa cho Tương Phố. Ai mượn không biết?
Tôi đọc lại những câu thơ in và những câu thơ mới sửa. Sau khi cân nhắc kỷ càng tôi nói:
- Đông Hồ sửa lại như thế, tôi nhận thấy hay hơn.
Nữ sĩ phản ứng liền:
- Hay hơn nhưng không đúng ý của Tương Phố. Về vấn đề văn chương, Quách Tấn khe khắt lắm kia mà?
Không dám bàn thêm tôi đành lãng qua chuyện khác.
Nhưng quanh quẩn rồi cũng trở lại cùng Đông Hồ và Mưa Gió Sông Tương. Tôi bông đùa:
- Chị có biết tại sao nơi bìa Sông Tương, Đông Hồ cho in hình Ngọc Lân Hí Cầu ở mặt trước, và Hồ Điệp Xuyên Vân mặt sau không?
Nữ sĩ vô tâm nói:
- Đông Hồ có nói với Tương Phố đâu mà biết.
- Đã tương thân tương đắc với nhau thì cần chi phải nói mới biết.
- Quách Tấn biết không?
- Sao lại không?
- Nói nghe nào.
- Đông Hồ thâm lắm. Hình ở mặt bìa sau tượng trưng cho cái hay cái đẹp của thơ. Hình ở mặt bìa trước ám chỉ tánh Hà Đông của chị, vì kỳ lân và sư tử vốn đồng tông.
Nữ sĩ đứng dậy đấm tôi một đấm:
- Không thèm nói chuyện với cậu nữa.
Rồi lấy nón:
- Ra chợ mua một ít chanh về muối.
Tôi đưa ra ngõ:
- Đã sư tử mà còn chanh còn muối nữa thì e trời cũng phải sợ.
- Lém miệng vừa vừa, kẻo có ngày trở thành Huyện Móm đó (1)
Tương Phố thường nhắc đến bà em là Song Khê ở Sài Gòn.
Một hôm, nhân nói chuyện “rau sắng chùa Hương” là chuyện giữa Song Khê và Tản Đà (2), nữ sĩ đọc cho tôi nghe hai bài thơ. Một bài khuyết danh và một bài của bà phủ Ba, thân sinh Tản Đà tiền bối.
Bài khuyết danh nhạo một cô gái tên Đắc, mặt mày xấu xí, học hành ít ỏi, nhưng sính văn chương và mê thơ Tản Đà, đi đâu cũng tự nhận mình là tình nhân của thi bá. Bài của bà phủ Ba là Chút Tình Riêng gởi cho bà bạn đồng thanh đồng khí là bà Nhàn Khanh. Bài khuyết danh dài 24 câu song thất lục bát. Bài của bà phủ Ba dài 22 câu lục bát. Thế mà Tương Phố thuộc lòng! Tôi phục trí nhớ của nữ sĩ:
- Lúc thanh xuân, chị còn cường ký đến bậc nào!
- Cậu tưởng lúc nầy Tương Phố đã lú lẫn rồi sao? Nói chơi vậy thôi, chớ quên cũng nhiều lắm. Nhiều khi quên cả thơ của mình nữa là khác. Mấy bài kia thấy hay hay nên mới nhớ kỹ.
Đề cập đến bà phủ Ba, nữ sĩ có ý trách Tản Đà tiền bối.
Bà phủ Ba tên là Lưu Thị Hiền, người tỉnh Hà Đông, vốn là một đào nương có thanh sắc, có học vấn, thi tài lại mẫn tiệp. Bà lấy lẽ thứ ba ông cụ thân sinh Tản Đà là cụ Nguyễn Danh Kế, lúc ngồi tri phủ Lý Nhân. Do đó người đương thời gọi là bà phủ Ba. Bà kết bạn thâm giao cùng người em gái cụ Dương Khuê ở Dương Đình (Hà Đông) là bà Nhàn Khanh. Hai bên thường xướng họa với nhau rất tương đắc.
Bà phủ ba sinh được 4 người con, 2 trai và 2 gái. Tản Đà tiền bối là con đầu lòng.
Sau vì sự bất hoà trong gia đình, bà phủ phải ra đi với người con gái út. Và bất đắc dĩ bà phải trở lại sống đời sống chốn cầm ca!
Do đó mà Tản Đà tiền bối không nhìn mẹ. Cho đến  khi bà cụ mất tiền bối cũng không về quê mẹ chịu tang.
Tương Phố nói:
- Dẫu chi chi đi nữa cũng là mẹ. Tản Đà không nên đối xữ như thế.
Xưa nay ai cũng trách Tản Đà tiền bối về việc đó. Không mấy ai xét thấy nỗi khổ tâm của người trong cuộc. Tôi nhờ Tản Đà tiền bối hạ cố, nên biết được tâm sự của tiền bối trong muôn một. Nhân Tương Phố khơi ra, tôi bèn đáp:
- Trong Tản Đà có hai con người, một nhà thơ, một nhà nho. Nhà nho vì giáo dục gia đình vì luân lý và phong tục tập quán của xã hội mà sanh ra cố chấp. Nhà thơ do tánh trời sở phú, mà cũng do tánh di truyền của bà cụ thân sinh, nên lãng mạn phóng đãng. Hai bên luôn luôn mâu thuẫn nhau trong tâm hồn tiền bối.Nhà nho vốn thiên về ý trí. Đối với hành vi bà cụ như thế, nhà Nho nhất định lên án gắt gao. Còn nhà thơ vốn sống cùng tình cảm, nên lòng không thể nào không đau xót thương lo..cho nên ngoài đời thì sắt đá vô tình, còn trong thơ thì lại có nhiều đau thương cho kiếp cành chim lá gió. Đó là vì danh giá, không thể tỏ lòng trực tiếp cùng mẹ, mà phải mượn văn chương để gián tiếp tỏ lòng. Cực chẳng đã mới làm thế. Chớ đến một gói rau sắng chùa Hương mà còn khiến tiền bối mãi ghi ơn nghĩa, huống hồ đối với ơn mang nặng đẻ đau.. Đắng cũng là ruột..Con người đa cảm đa tình như tiền bối lẻ đâu có thể dửng dưng lòng? Lòng thương mẹ của tiền bối chẳng những gói gém trong những bài ca trù, gởi gắm trong tập Thề Non Nước, trong việc soạn Bình Khang Ca Phổ mà còn đôi khi phát lộ hẳn ra lời trong những bài thơ nói chung về nhân tình thế sự:
Cù lao báo đức
Sinh dưỡng đền ơn,
Kinh sương nghĩ nỗi mền đơn
Giàu sang bất nghĩa mà hơn nghèo hèn!
Đó chẳng phải là lời than đứt ruột của người không báo được đức cù lao, không đền được ơn sinh dưỡng?
Sự mâu thuẫn giữa tâm và trí, giữa thiên tánh và tập quán xã hội, đã làm khổ Tản Đà tiền bối và đã tạo nên không khí đìu hiu bát ngát trong sự nghiệp văn chương của tiền bối. Sự mâu thuẩn ấy còn nơi hành động: viết văn, làm báo và làm thơ.
Ai đã từng bị giằng co giữa tâm và trí thì mới hiểu được tâm trạng của Tản Đà tiền bối và mới có thể phê bình một cách vô tư.
Tương Phố lắng nghe, không đáp.
Về đạo đức luân lý, đôi khi nữ sĩ không đồng quan điểm cùng tôi. Nữ sĩ có mặc cảm về việc mình tái tiếu. Một hôm nói:
- Đối với ông Tuần, Tương Phố chỉ có nghĩa vợ chồng, chớ không có tình chăn gối.
Ở Nha Trang, nữ sĩ có một cô bạn là một bà công chức trẻ đẹp. Cô bạn được nghe nữ sĩ phân trần về việc ấy, đến hỏi tôi. Tôi đáp nửa thật nửa đùa:
- Cùng phái với nhau mà không phán đoán được chắc chắn, thì khác phái như tôi làm thế nào biết rõ được đỏ xanh.
Nhưng khi nghe nữ sĩ thuyết minh thì tôi chỉ cười chớ không đáp. Nữ sĩ có ý giận:
- Quách Tấn không tin?
Tôi liễm dung đáp:
- Không phải không tin, nhưng tôi cho là điều không quan trọng. Đối với tôi chỉ có tâm hồn mới đáng quí. Còn thân xác là đất sét Rồi trăm năm đất sẽ hoàn lại đất, còn có chăng chỉ còn có tấc lòng gởi vào văn chương đó mà thôi. Tấc lòng của chị đối với người quá cố, từ lúc về nương tựa cha già đến lúc bước đi bước nữa, từ buổi thanh xuân đến khi vãn tiết, nhìn vào Giọt Lệ Thu và Mưa Gió Sông Tương, vẫn thấy vàng đá tri tri. Như thế thật quá đủ. Còn nghĩ đến việc khác làm gì cho bận tâm? Huống nữa, người đời kính yêu Tương Phố là kính yêu về mặt văn chương chớ đâu phải về mặt đạo đức. Mà đối với đạo đức, tái giá đâu phải là việc không tốt hoặc không nên. Chính đức Khổng Phu Tử đứng gả chồng cho người con gái goá của ngài kia mà.
Lời nói của tôi rất chân thành. Không biết nữ sĩ có biểu đồng không mà không thấy phản ứng.
Tương Phố không thích tiếp khách, là không thích tiếp những ông những bà “trong cốt không có thơ mà sính làm thơ” đó thôi. Chứ đối với những người có tâm hồn, nữ sĩ đâu có nhìn bằng đôi mắt trắng. Nhiều khi nữ sĩ cũng vui vẻ đi dạo cảnh cùng bằng hữu.
Năm 1968, vào cuối tháng 7 dương, đầu tháng 7 âm, nhân dịp nữ sĩ Tuệ Mai ra Nha Trang, Võ Hồng tổ chức một cuộc du lãm nho nhỏ, mời nữ sĩ và tôi tham dự. Nữ sĩ vui vẻ nhận lời.Thầy Tuệ Hải trụ trì chùa Kim Liên ở Diên Khánh lái chiếc Toyota, đưa chúng tôi đi xem các cổ tự và thắng cảnh trong địa phương. Trưa đến về chùa Kim Liên nghỉ.
Cảnh chùa tĩnh mịch. Trong vườn lại có bưởi vừa chín tới, có hồ sen tuy đã sang thu mà hoa còn nở, gương chưa khô. Của chùa là của thập phương, nên khách khỏi phải nhịn lòng cho mắt. Tiếp đến chùa đãi bữa cơm chay toàn những món ăn thôn quê thanh đạm mà ý vị. Tương Phố ăn uống tự nhiên như ở nhà và nói chuyện rất dòn dã.
Trước khi ra về, thầy Tuệ Hải yêu cầu khách viết vào sổ lưu niệm của nhà chùa, mỗi người đôi ba câu để kỷ niệm ngày hội ngộ. Tương Phố viết ngay 14 câu lục bát, mà tôi còn nhớ mấy câu mở đầu:
Mồng hai tháng bảy Mậu Thân
Một xe trong cõi hồng trần những ai
Thành Nha mát mẻ ban mai...
Ai cũng phục tài mẫn thiệp của nữ sĩ. Bị Tương Phố và Tuệ Mai ép buộc không được viết văn xuôi, tôi tiếp theo một tuyệt:
Dặm hồng dìu dịu nắng
Theo hứng viếng làng tu
Ngụm nước đằm chơn vị
Hồ im sen nở thu.
Tương Phố xem thơ rồi bảo:
- Nghề chơi chữ, Quách Tấn thật tuyệt.
Tôi có hơi phật ý, nhưng vẫn giữ được bình tỉnh nên không ai thấy phản ứng trên nụ cười không được vui.
Thuở nay tôi ghét lối thơ chơi chữ. Trong phép làm thơ có tứ luyện, là luyện tự, luyện cú, luyện ý, luyện cách. Tôi không bao giờ quên lời dạy của cổ nhân và khi làm thơ tôi luyện rất kỹ càng. Nhưng luyện chữ khác với chơi chữ. Một bên nhằm mục đích tả cho được thật đúng những gì mình muốn tả. Một bên chỉ để khoe tài khéo léo của mình. Luyện chữ để phụng sự nội dung, chơi chữ thiên hẳn về hình thức. Tôi đã bị Vũ Ngọc Phan phê bình là cân nhắc từng chữ làm giảm sự thành thật của thơ khiến nhiều người liệt tôi vào hàng thi công (versificateur) cũ kỹ. Nhưng một người không “tự uống nước lấy” thì không biết độ nóng lạnh của nước như sao đã đành. Chớ đây là một người đã từng ở trong cảnh “ lưỡng cú tam niên đắc, nhất ngâm song lệ lưu” thì làm sao Quách Tấn không phật ý được.
Cũng may cách vài tháng sau, tình cờ tôi được nghe nữ sĩ giải thích chữ “thơ” và “nghề làm thơ” cho mấy bà bạn đến thỉnh giáo:
- Thơ là chữ ghép lại một cách khéo léo, và nghề làm thơ là nghề chơi chữ của khách tài ba.
Tôi thở phào một tiếng và tự trách thầm:
Thế là không phải Tương Phố đã gián tiếp chê mình làm nghề thợ thơ, như mình đã lầm tưởng.
Tôi bèn cười:
- Thưa chị, Trần Từ Ngang nói rằng  “văn chương chi sự thốn tâm thiên cổ” chớ đâu phải là việc chơi chữ tài tình?
Nữ sĩ phản ứng ngay:
- Chơi chữ không tài tình làm sao ký thác được tâm sự?
Rồi nói tiếp:
- Nhưng Tương Phố không thích dùng chữ Hán Việt trong thơ. Cực chẳng đừng được phải dùng đó thôi. Mà có dùng cũng chỉ dùng những chữ đã được phổ biến rộng rãi, những chữ thông dụng.
Biết được rõ quan niệm về thơ, tánh tình và lối xữ thế của nữ sĩ, tôi tránh được tất cả những gì có thể làm mích lòng nữ sĩ. Cho nên trên mười năm trời giao du, tôi chưa hề bị nữ sĩ phiền trách.
Tôi thường đến thăm nữ sĩ. Tôi đến thăm ít nhất mỗi tháng một lần. Thỉnh thoảng nữ sĩ đi Sài Gòn thăm em, hoặc đi Đà Lạt thăm con thì mới không gặp.
Năm 1969, tôi bị bệnh phải đi Qui Nhơn chữa bệnh ngót mấy tháng. Khi bệnh lành trở về Nha Trang thì nữ sĩ đã bán ngôi nhà ở đường Trịnh Phong để dọn lên Đà Lạt ở cùng người con trai. Ý định dọn lên Đà Lạt, nữ sĩ không cho ai biết. Mà nữ sĩ dọn đi khi nào, các bạn gái của nữ sĩ cũng không mấy người hay! Lên Đà Lạt rồi, nữ sĩ không hề gởi thư xuống Nha Trang nên tôi không biết được địa chỉ để trao đổi tin tức. Mãi đến mùa xuân năm 1970 tôi mới hỏi thăm được số hộp thư (hộp thư 197 Đà Lạt) và gởi tặng cuốn Xứ Trầm Hương vừa xuất bản. Hồi âm, nữ sĩ chỉ gởi hai câu viết trên vuông giấy dày trắng:
Xứ Trầm Hương để văn chương Quách Tấn
Mãi ngàn thu ngây ngất... ngát hương Trầm
Lâm Viên Việt Nam  Cuối thế kỷ XX
Kèm theo sau một bản phó bài thơ gởi tặng Tập san Dựng Đất, bài  “Thiết tha kêu gọi Hoà Bình năm châu” theo thể song thất lục bát gồm 36 vế.
Năm 1971, nhận được số Xuân Tân Hợi tập san Tây Sơn có đăng bài thơ của cụ Sào Nam tặng nữ sĩ và bài nữ sĩ họa lại, nữ sĩ bèn cho biết thêm bài họa vận của cụ Thúc Giạ:
Họa Vận Riêng Sào Nam
và tặng Bà Tương Phố.
Thi chưa bảy bước đã đề xong
Ngọn bút thanh tao khéo vẽ rồng
Khét tiếng gió reo trên đỉnh ngự
Nến hương trăng giọi giữa dòng sông
Cành hoa xuân mới vừa quen mặt
Giọt lệ thu xưa luống trạnh lòng
Ừ cũng nối điêu theo bác Đỗ
Cùng trong cháu Lạc với con Hồng.
Từ ấy tôi không được thư cũng không được tin tức của nữ sĩ. Hỏi thăm các bạn quen cũ, có người bảo nữ sĩ không còn ở Đà Lạt mà đã vào Sài Gòn cùng gia đình bà Song Khê. Lại có người bảo nữ sĩ vẫn ở Đà Lạt, nhưng không ở chung cùng gia đình người con trai, và không muốn cho ai biết địa chỉ.
Đến mùa đông năm Quí Sửu (1973), tôi đương nằm bệnh thì có người bạn đến nói:
- Không biết nữ sĩ Tương Phố mất lúc nào mà vừa rồi xem báo thấy anh em trong Văn Bút sắp làm lễ kỷ niệm.
Năm trước được tin Đông Hồ mất cũng nhằm lúc tôi đau!
Năm nay được tin Tương Phố mất cũng nhằm lúc tôi đau!
Đông Hồ mất còn có Mộng Tuyết là chỗ quen thân để chung buồn. Đối với người thân của Tương Phố, tôi không quen với ai cả, nên đành buồn riêng một mình:
Mười lăm năm tâm đầu
Nhớ chị tìm chị đâu?!
Lệ sầu thương mắt bệnh
Ngày cũ lạnh mưa thu!
Hiu hắt vần cô điếu
Bơ phờ mộng viễn du
Tấc lòng thiên cổ đó
Dòng mực nước sông sâu...
Nha Trang cuối đông năm Giáp Dần
(Décembre 1974)