3. NGUYỄN THỊ DU


Cũng có tên nữa là Nguyễn Thị Duệ, người làng Kiệt Đặc, huyện Chí Linh, xứ Hải Dương. Sanh trong thời Nam Bắc Triều, tức thời Lê Mạc.
Bà đã có sắc đẹp lại rất thông minh, nhưng tánh tình khẳng khái. Lúc nhỏ giả trai đi học. Sử sách chỉ xem qua là nhớ. Niên hiệu Hưng Trị nhà Mạc (1588-1590) bà đi thi hội, thi đình đều trúng tuyển. Mạc Mậu Hợp thấy dung mạo đẹp đẽ, gạn hỏi, bà phải thú thật. Bà được đưa vào cung và được phong làm Hoàng Phi.
Lúc ấy bà mới 17 tuổi.
Năm Nhâm Thìn (1592), nhà Mạc mất ngôi, bà trốn vào núi, sống hẩm hút cùng một đạo cô. Được ít lâu lại bị bắt nạp cho chúa Trịnh là Bình An Vương Trịnh Tùng. Bà rất được nhà chúa sủng ái, song chán mùi chung đỉnh, bà xin cất một am nhỏ nơi vườn hoa, ngày ngày ra xem kinh và ngâm vịnh.
Trịnh Tùng mất (1623), bà xin về sống nơi quê hương.
Được mấy năm, Thanh Đô Vương Trịnh Tráng lại mời bà vào phong chức giáo thụ dạy cung nhân. Bà rất được kính trọng, người trong cung tôn xưng là Lễ Phi. Lúc bấy giờ bà đã 56 tuổi. Tiếng hay chữ nổi khắp cả trong triều ngoài quận. Vua Lê chúa Trịnh cùng triều thần, hễ gặp những câu gì, những điển gì không hiểu đều đến hỏi bà.
Khoa thi hội năm Đức Long thứ ba (1631), có một quyển thi văn chương thâm diệu, lắm câu bị quan trường phê là tối nghĩa nhưng không dám đánh hỏng phải đệ trình lên chúa Trịnh. Chúa vời bà đến. Bà khen là văn chương tuyệt tác và giảng giải rành mạch cho chúa nghe. Quyển ấy là của Nguyễn Thọ Xuân, một tay bác học hùng tài có tiếng trong nước. Nguyễn Thọ Xuân được lấy đậu Thám hoa. Câu chuyện bay ra bên ngoài, Tân khoa nói cùng bằng bối:
- Tôi đã biết trước rằng văn chương của tôi, có hiểu được chăng chỉ có bà Lễ Phi. Và cũng vì có bà Lễ Phi, tôi mới chịu ra ứng thí.
Sau khoa thi đó, thanh giá bà Lễ Phi đã cao càng cao.
Bà thọ 80 tuổi.
Buổi bình sinh bà sáng tác nhiều, chữ có, nôm có, song chỉ lưu thế hai tác phẩm bằng Nôm, một làm theo thể Đường luật, một theo thể lục bát.
Tập thứ nhất nhan đề là Ni Tần Thi Tập tức là tập thơ của “Ni cô làm cung tần” hay “Cung tần làm ni cô”. Tên tập thơ làm cho chúng ta biết rõ thời gian sáng tác: Thời Bình An Vương Trịnh Tùng. Tập thơ gồm trên 50 luật, vịnh tứ thời, mỗi mùa 10 vịnh, và trên 10 bài tập vịnh. Xin cử đôi bài:

THU NGÂM
Đổi thay hạ nắng lại thu mưa
Chốn Thượng Dương đà mấy sớm trưa
Triều mượn phấn son lòng hãy thẹn
Mùi pha cá thịt dạ chưa ưa
Hoa bên triện ngọc ngồi ngơ ngẩn
Trăng lọt rèm châu đứng ngẩn ngơ.
Qua lại chị em như có hỏi
Thẹn thuồng còn chửa biết lời thưa.

ĐÔNG NGÂM
Kể đã ba trăng chốn ngọc đài
Lần lần ngày vắng lại đêm dài
Vội nằm trướng cuốn thường quên rủ
Ngái ngủ trâm rơi những biếng cài
Sớm mặc hoa rơi bên đóa liễu
Khuya dù trăng  ngã dưới cành mai
Không ai ghen cũng không ai ghét
Mà có ghen ai có ghét ai
Vân vân…
Lời thơ bình dị và tất cả đều xoay quanh cái ý “vô sự, vô tâm”.
Còn tập thứ hai, tập lục bát, là tập gia phả diễn ca thuật rõ gia tình, gia cảnh và thân thế của mình, văn chương lưu lợi, như:
“Nữ nhi dù đặng có lề
Ai hay tay thiếp kém gì trạng nguyên…”
“Hiềm vì một chút đảo điên
Song le Bạc thị vốn duyên Hán thần”

Sự nghiệp dư muôn mà còn sót lại chừng được một! Nếu không ra công gìn giữ thì trong vườn hoa thơ dân tộc sẽ thiếu mất một khóm hương.