6. ĐOÀN THỊ ĐIỂM



Hiệu là Hồng Hà Nữ Sĩ sanh năm Ất Dậu (1705) niên hiệu Chinh Hòa triều Lê Hi Tông (1676-1705) Con gái Đoàn Doãn Nghi, em gái Đoàn Doãn Luân. Người làng Giai Phạm huyện Văn Giang trấn Kinh Bắc (tỉnh Hưng Yên). Cha anh đều là nho sĩ có uy danh trong trấn..
Từ thuở bé  nữ sĩ đã nổi tiếng là thông minh, kinh sử chỉ xem qua là thuộc. Lớn lên cùng anh thường so tài bút mực, không bao giờ nữ sĩ chịu thua. Một hôm nữ sĩ ngồi trang điểm bên gương, ông Luân đứng rửa mặt bên bể nước, đọc bỡn một câu:
- Đối kính họa mi, nhất điểm phiên thành lưỡng điểm.
Nghĩa là: Đối kính vẻ mày một nét (điểm) trở thành hai nét(điểm).

Không nghĩ ngợi nữ sĩ đối ngay:
- Lâm trì ngoạn nguyệt, chích luân chuyển tác song luân
Nghĩa là: Xuống ao ngắm nguyệt, một vầng (luân) hóa đến hai vầng (luân).

Tiếng nữ sĩ bay xa.
Ở Thăng Long lúc bấy giờ có 4 tay hay chữ là Nguyễn Huy Kỳ, Trần Danh Tân, Nguyễn Bá Lân, Vũ Toại, đời xưng là Trường An Tứ Hổ, nghe danh nữ sĩ bèn rủ nhau đến thử tài. 
Nữ sĩ bèn xuất đối:
- Đình tiền thiếu nữ động tân lang

Đó là một câu tức cảnh: nhân trong vườn có mấy cây cau bị gió lay tàu, nữ sĩ bèn dùng chữ “thiếu nữ” vừa có nghĩa là gió vừa có nghĩa là “cô gái nhỏ”. Chữ “tân lang” có nghĩa là cây cau đồng âm với chữ “tân lang” là chàng rể mới. Vế đối vừa có nghĩa: “Trước sân gió thổi lay động hàng cau” vừa có nghĩa: “Trước sân cô em nhỏ làm kinh động chàng rể mới”. Vì thiếu cảnh gợi hứng nên “bốn con hổ đất Tràng An” đành chịu xấu hổ trở về.

Một nhân vật có danh vọng lúc bấy giờ là Nguyễn Công Hãng, một hôm gặp nữ sĩ ở ngoài đường một mình, liền bảo thích thực hai chữ “độc hành” nghĩa là “đi một mình”. Nữ sĩ liền ứng khẩu:
Đàm luận cổ kim tâm phúc hữu
Truy tùy tả hữu cổ quăng thần.

Nghĩa là:
Bàn luận cổ kim ruột gan ấy bạn
Theo hầu tả hửu vai về là tôi.

Nguyễn công khen ngợi mời về nhà thưởng cho 10 quan tiền.
Giám sĩ làng Nhân Mục ở phía tây thành Thăng Long là Đặng Trần Côn mộ tiếng nữ sĩ đến diện kiến bằng một bài thơ. Nữ sĩ xem rồi trả lại với một câu:
- Học chưa được mấy lăm chữ mà cũng khoe tài.

Đặng Trần Côn xấu hổ ra về đóng cửa quyết chí học thành tài. Kinh thành lúc bây giờ có lệnh cấm hỏa ban đêm, họ Đặng phải đào hầm dưới đất để thắp đèn đọc sách làm văn. Về sau  đạt được chí nguyền bèn soạn cuốn Chinh Phụ Ngâm bằng Hán văn được truyền tụng.

Hồng Hà nữ sĩ  tuổi đã ngoài đôi mươi mà vẫn ở cùng cha mẹ. Năm 25 tuổi cha mất bà ở cùng mẹ và gia đình anh dời nhà đến làng Võ Ngại, huyện Đường Hào. Được ít lâu anh mất, để lại một đàn con nhỏ. Một mình nữ sĩ vừa dạy học vừa làm thuốc, để lấy tiền nuôi mẹ và giúp chị dâu nuôi con. Nhiều nhà giàu có, sang trọng đến hỏi, nhưng không có nơi nào xứng đôi. Mãi đến năm 37 tuổi bà mới kết duyên cùng ông Nguyễn Kiều. Họ Nguyễn là bậc tài ba nổi tiếng, đậu Tiến sĩ, làm Thị lang tại triều, tuổi 47 vừa góa vợ. Năm ấy là năm Nhâm Tuất, niên hiệu Cảnh Hưng triều Lê Hiển Tông (1742).

Nữ sĩ về nhà chồng sum họp được một tháng thì Nguyễn Kiều đi sứ sang Trung Hoa. Bà ở nhà coi sóc gia sự, xem con chồng như con đẻ, dạy dỗ thay bậc cha thầy. Ngót ba năm ông Kiều (1745) mới về. Được triều đình thăng thưởng và cho về  nghỉ ngơi. Từ ấy vợ chồng sum họp, hết lòng yêu quí nhau và đãi nhau như khách. Những lúc nhàn rỗi, thường cùng nhau xướng họa, văn chương được truyền tụng khắp nơi.

Năm Mậu Thìn (1748), Nguyễn Kiều được lệnh vào  làm Tham tri trấn Nghệ An. Có linh cảm rằng mình đi không lợi, nhưng bị ép, nữ sĩ phải theo chồng.Trên đường đi theo chồng bà bị cảm mạo và mất tại Nghệ An ngày 11 tháng 9 năm Mậu Thìn năm 1748, hưởng dương 44 tuối.

Tác phẩm còn để lại:
-   Tập Truyền Kỳ Tân Phổ bằng Hán văn chép những chuyện hoang đường của nước ta tiếp theo tập Truyền Kỳ Mạn Lục của Nguyễn Dữ. Ngoài các câu chuyện còn có những bài thơ do nữ sĩ sáng tác để mượn nhân vật trong truyện gởi gắm tấm lòng mình.
-     Bản dịch cuốn Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn, ra Song thất lục bát.
-   Tập Truyền Kỳ Tân Phổ, phần quan trọng không phải ở nơi câu chuyện mà chính ở phần thơ vì câu chuyện là chuyện hoang đường được thuật lại, thơ mới là do Hồng Hà Nữ Sĩ sáng tác để mượn nhân vật trong câu chuyện nói dùm nổi lòng u uẩn của mình.Thơ rất hay và toàn theo thể Đường luật. Xin trích dẩn đôi bài.


HÀ XỨ THỊ TIÊN HƯƠNG

Lưu thủy phù vân lưỡng diếu mang
Bất tri hà xứ thị tiên hương?
Hư truyền Bồng Đảo kiền khôn biệt
Lãng huyết Đào Nguyên nhật nguyệt trường
Sở Quán Bạc Từ hoàn mộng huyễn
Thiên Thai Lạc Phố tổng hoang đường
Đương niên Tần Hán thành hà sự
Cô trủng hàn lăng chỉ tịch dương.

Nghĩa là:

Mây trôi nước chảy mịt mờ
Làng tiên ai biết bây giờ nơi nao?
Non Bồng cảnh sắc chiêm bao
Năm dài tháng rộng Động Đào chuyện không
Chùa Bạc Hậu, quán Vu Phong
Thiên Thai Lạc Phố cũng trong hoang đường
Ra gì mà đế mà vương
Gò côi lăng lạnh riêng nương bóng chiều.

HOÀI XUÂN

Dương liễu tùy phong đáo thượng phương
Thiên gian xuy hạ  phấn chi vương
Sơ sơ sơn tảo thanh mi đạm
Nhiễu nhiễu vân thâu thúy mính trường
Nhan mạo dã ưng đăng tử các
Phong lưu chỉ hiệp phối tài lang
Hà đương tịch mịch thư song tịch
Lưu bạn thanh quang tứ bửu phương.

Nghĩa là:

Gió liễu phương trời tha thướt bay
Phấn son non Nhược thổi về đây
Mày in nét đạm xa xa núi
Tóc trải làn xanh dợn dợn mây
Những ước mặt hoa lồng gác tía
Mà đem giá ngọc chuốc tài hay
Tình riêng vắng vẻ song đèn sách
Cầm bóng thanh quang bạn tháng ngày.
Vân vân…(2)

Tập Truyền Kỳ Tân Phổ chắc là nữ sĩ đã sáng tác trong lúc chồng sang sứ Trung Hoa. Hầu hết những thơ trong tập đều diển tả niềm nhớ thương mong đợi của tài tử giai nhân.

Bản dịch Chinh Phụ Ngâm còn ở trong chỗ nghi vấn.
+ Có người cho là Chinh Phụ Ngâm do bà Nguyễn Thị Điểm, dịch chớ không phải bà Đoàn Thị Điểm
Nguyễn Thị Điểm sanh vào khoảng cuối thế kỷ thứ XVII niên hiệu Chinh Hòa (1680-1705). Triều Lê Hi Tông. Anh bà là Nguyễn Trác Luân, làm ngự sử sau làm Đốc trấn. Đặng Trần Côn làm quan dưới quyền ông Luân. Do đó mà bà diễn Nôm Chinh Phụ Ngâm của họ Đặng; trong gia phả họ Đoàn chỉ ghi bộ Truyền Kỳ Tân Phổ mà không nói đến chuyện dịch Chinh Phụ Ngâm.

Trong Nữ Lưu Văn học sử của Sở Cuồng Lê Dư, soạn giả lại nói rằng “vì bà ưng ông Nguyễn Kiều nên đổi họ Đoàn làm họ Nguyễn”. Và lại nói: “Lúc bà tuổi đã  bảy mươi bảy còn qua lại nơi Kinh ấp, mở trường dạy học trò, thành đạt được vài mươi người”.
Ông Sở Cuồng đã nhập bà Đoàn và bà Nguyễn làm một.
Bà Đoàn sinh sau bà Nguyễn khoảng mười năm và bà Đoàn mất ở Nghệ An lúc 44 tuổi còn bà Nguyễn sống đến trên 80 và  lúc 78 tuổi còn ra giảng sách ở Kinh đô.

Hai bà có nhiều điểm giống nhau:
Tên đã trùng mà tên người anh cũng trùng.
Cũng đều hay chữ nổi tiếng và cũng đều có dạy học.
Cũng đều sống dưới thời vua Lê chúa Trịnh.
Chỉ khác nhau ở những điểm:
Bên họ Nguyễn bên họ Đoàn.
Chữ lót của hai ông anh khác nhau. Một bên là Nguyễn Trác Luân, một bên là Đoàn Doãn Luân và ông Luân họ Nguyễn làm quan đến Đốc trấn, ông Luân họ Đoàn chỉ là giám sinh và mất trước khi bà Đoàn có chồng.
Bà Đoàn mệnh yểu, bà Nguyễn lên đến thượng thọ.
Nhưng chưa tìm được tài liệu minh xác để minh định bà nào là dịch giả Chinh Phụ Ngâm.

+ Phần đông các nhà viết văn học sử đều công nhận rằng bà Đoàn Thị Điểm có dịch Chinh Phụ Ngâm. Bản Chinh Phụ Ngâm được lưu hành ngoài dân gian và được đem làm sách học ở học đường trong nước từ trước đến giờ, được coi là sản phẩm của bà Đoàn Thị Điểm. Nhưng gần đây giáo sư Hoàng Xuân Hản có tìm được đến 5 bản dịch Chinh Phụ Ngâm và bảo rằng bản bấy lâu lưu hành là của ông Phan Huy Ích, còn bản của bà Đoàn chưa được xác định là bản nào.

+ Các nhà học giả nói gì thì nói, phần đông người yêu văn chương vẫn công nhận bà Đoàn Thị Điểm là dịch giả Chinh Phụ Ngâm đã được lưu hành rộng rãi lâu nay, bản khởi đầu bằng những câu:

Thuở trời đất nổi cơn gió bụi
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên
Xanh kia thăm thẳm từng trên
Vì ai gây dựng cho nên nỗi này…

Nguyên nhân dịch Chinh Phụ có hai:
Nhớ đến lời khích khí của bà mà họ Đặng cố gắng đến thành tài.
Mượn lời người chinh phụ nhớ chồng để gởi gắm nỗi lòng của bà đối với ông Nguyễn Kiều đi sứ Trung Quốc.
Tập Chinh Phụ Ngâm của ĐặngTrần Côn sáng tác theo lối tập cổ. Phần lớn các câu trong tập đều lấy ý hoặc phỏng theo thơ cổ của Trung quốc để diển tả nỗi lòng của mình đối với thời cuộc. Phan Huy Ích nói về nguyên nhân sáng tác Chinh Phụ Ngâm: “Vì đầu đời Cảnh Hưng xảy việc binh đao, cảnh biệt ly của người đi chinh thú khiến Đặng Trần Côn cảm xúc mà làm ra khúc ngâm”. Nhờ có cảm xúc hiệp với học thức tài năng mới tạo nên một áng văn chương cao giá.

Bà Đoàn Thị Điểm nếu không có sẳn nỗi thương nhớ trong lòng thì dù tài đến đâu, học đến đâu cũng không thể có được những vần thơ có sức truyền cảm dồi dào như:

Chàng thì đi cõi xa mưa gió
Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn
Đoái trông nhau đã cách ngăn
Tuôn màu mây biếc phơi hằn núi xanh

Chốn Hàm Dương chàng còn ngoảnh lại
Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang
Khói Tiêu Tương cách Hàm Dương
Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng.

Càng trông lại mà cùng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngát một màu
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?

Vân vân…

Cái uy danh và công phu tìm kiếm của giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã làm cho một số học giả tin theo lời giáo sư họ Hoàng mà quả quyết rằng bản Chinh Phụ Ngâm diễn ca truyền tụng bấy nay là của Phan Huy Ích. Một số khác vẫn theo truyền thuyết cũ và bảo rằng văn Nôm họ Phan còn truyền thế vị nhạt chất khô, không thể nào có được những lời êm dịu xinh tươi. Họ Phan là một bậc hay chữ chớ không phải một nhà thơ. Ông dùng tài học ra làm thơ chớ không phải làm thơ vì cảm xúc, cho nên không rung cảm người đọc. Ông dùng tài học mà dịch Chinh Phụ Ngâm dịch vì “thấy bản dịch cũ không diễn được hết những tinh túy của nguyên tác”.

Nghĩa là Ông dịch thơ bằng trí chớ không bằng tâm, không phải vì cảm xúc mà dịch. Cho nên chắc chắn bản dịch của Phan Huy Ích không phải là bản truyền tụng xưa nay.
Chúng tôi vẫn tin rằng Hồng Hà Đoàn Thị Điểm là dịch giả bản Chinh Phụ Ngâm mà phần đông chúng tôi đã đọc và đã thuộc nhiều đoạn.
______________________________________________________________________________ 

(1)(2) Thơ trong tập Truyền Kỳ Tân Phổ của bà Đoàn Thị Điểm phần nhiều đã được chúng tôi dịch và đưa vào những tập Duyên Tiên, Hương Vườn Cũ, Việt Hán thi tuyển dịch.
Bồng đảo là Non Bồng, một trong 3 hòn đảo tiên ở trong biển Nhược Thủy không ai đến được vì nước biển quá nhẹ thhuyeenf đến đều bị chìm. Trong biển có 3 hòn đảo là Bồng Lai, Phương rượng, Doanh Châu.
Đào Nguyên: là nguồn đào. Chàng ngư phủ đất Ngũ Lăng trông thấy hoa dào trôi từng đám trên dòng sông bèn cho thuyền đi ngược dòng đến một dãy động mọc toàn cây đào, hoa nở hồng cả mặt nước. Ngư pgur vào động thấy người sống một cách vui vẻ an nhàn. Trở về cho bà con xpms àng biết và đưa người đến xem. Nhưng đến nơi thì cửa đọng đã bị lấp
Sở Quân là Quân Cao Đường nước Sở. Vua nước Sở đến chơi núi Vu Sơn, đêm ngủ nơi quán cao đường, mộng thấy thần nữ đến cùng chăn gối. Vua hỏi, thần nữ đáp “Thiếp là thần núi Vu Sơn, ngày làm mây tối làm mưa”. Do đó những tiếng “Vu Sơn” “Cao đường”, “Mây mưa”thường dùng để chỉ những việc thương yêu nhau ngoài lễ phép,
Bạc Từ: là đền thơ bà Bạc Hậu đời Hán. Ngưu Tăng Nhu đời Đường ra Trường An thi Tấn sĩ bị hỏng buồn bả trở về nhà. Trời tối chợt nghe mùi hương bay trong gíó, bèn lần bước đi về hướng phát xuất mùi hương, thì đến một ngôi đền nguy nga lộng lẫy. Hai giai nhân trang sức theo lối nhà Hán đứng đợi chàng nơi sân hoa.
-  Hoàng hậu đương đợi chàng.
Tăng Nhu theo hai nàng vào đền. Giữa đền bày tiệc lớn. Một người đàn bà dung nhan kiều diễm, đầu đội mũ miện, mình mặc áo gấm vàng, ngồi giữa. Bên tả bên hữu hai hàng mỹ nhân chừng vài chục người, thảy đều xinh đẹp sang trọng. Tăng Nhu được mọi người tỏ lòng mến phục. Người đàn bà chủ tọa nói:
-  Nhân đêm thanh khí trời ấm, rước chàng đến cùng xướng họa mua vui.
Rồi nhạc cử, tiệc thơ mở màn.
Tăng Nhu ham vui quá chén, say ngủ lúc nào không hay. Khi tỉnh dậy thì vừng đông đã rạng, thấy mình đương nằm trên đống gạch vụn giữa đám bìm lau. Người địa phương cho biết rằng nơi đó ngày xưa có ngôi đền thờ bà Bạc Hậu đời nhà Hán. Đền cất lâu đời không người coi sóc, bị đổ nát, chỉ còn dấu nền cũ rêu phong.
Thiên Thai là dãy núi mà Lưu Thần Nguyễn Triệu đi hái thuốc ngày mồng năm tháng năm, gặp tiên cùng kết nghĩa vợ chồng. Được nẳ năm hai chàng nhớ nhà xin về thì cảnh cũ đã đổi thay, người trong vùng không ai nhận biết hai chàng là ai cả. Hai chàng buồn bả trở lại nơi xưa thì khói mây mờ mịt, lối về bửa trước không còn nhận biết là nơi đâu
Tần Hán là nhà Tần và nhà Hán.
Đại ý bài thơ nói rằng những chuyện thần tiên đều là chuyện hoang đường không đáng tin. Nhưng những chuyeennj có thực trên thế gian như chuyện vua Tần vua Hán chẳng hạn rốt cuộc cũng chẳng hơn gì những chuyeennj huyễn hoặc thần tiên
Trăm năm còn thấy gì đâu
Chắng qua một nấm cổ khâu xanh rì
Hàm Dương: có ải Hàm Quan địa thế hiểm trở, ra vào khó khăn
Tiêu Tương: nơi phân nhánh của hai con sông Tiêu và Tương ở huyện Kim Lăng bên Trung quốc

Hàm Dương và Tiêu Tương thường dùng để chỉ nơi chia biệt nhau.