7. PHẠM LAM ANH


Vùng đất từ Đèo Ngang vào đến Đèo Cả đã thuộc lãnh thổ Việt Nam từ đời Lê Thánh Tông (1460-1497) nhưng việc học hành mãi đến hơn trăm năm sau mới được tổ chức dần dần. Đó là thời Trịnh Nguyễn phân tranh (1600-1786). Đất nước chia làm hai, từ Đèo Ngang trở ra gọi là Đàng Ngoài thuộc quyền chúa Trịnh, từ Đèo Ngang trở vô gọi là Đàng Trong thuộc quyền chúa Nguyễn. Chính chúa Nguyễn đã tỏ chức việc học hành ở Đàng Trong.
Khoa thi đầu tiên mở ở Đàng Trong là khoa Đinh Hợi (1647).
Từ ấy người Đàng Trong mới đua nhau học.

Bên phái nữ người nổi tiếng nhất trong thời toàn thịnh của chúa Nguyễn tương truyền là bà Phạm Lam Anh.
Bà Phạm Lam Anh nhũ danh là Khuê, người huyện Diên Phúc tỉnh Quảng Nam. Cụ thân sinh là Phạm Hữu Kính làm cai bạ thời chúa Định Vương Nguyễn Phúc Thuần (1765-1777).
Tư chất thông minh, học rộng thơ hay, tự hiệu là Ngâm Si.
Chồng bà là Nguyễn Dưỡng Hiệu, người huyện Duy Xuyên (Quảng Nam), cũng có tài văn học. Vợ chồng rất tương đắc, những lúc nhàn hạ thường lấy việc xướng họa với nhau làm vui. Danh tiếng nổi một thời, danh sĩ Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài đều ngưỡng mộ.

Tác phẩm còn truyền thế có tập Chiến Cổ Đường Thi trong đó bài Vịnh Khuất Nguyên có câu:
Cô phẩn khí thành thiên khả vấn
Độc tinh nhân khứ quốc cơ không
Nghĩa là:
Khí uất riêng thành trời khá hỏi
Người ngay một khuất nước còn chi.

Được hầu hết những người biết chữ Hán ở Nam, Nghĩa, Bình, Phú đều thuộc nhập tâm.
Bà cũng rất giỏi về quốc âm. Có bài Cảnh Gần Sáng được truyền tụng:
Một giải thương lang lộn mắt mèo (1)
Xóm chài mới dậy đuốc leo heo
Lằn kêu thức chúa chầu sân phụng (2)
Gà gáy khuyên chồng dỏi dấu cheo (3)
Ải sói Thường Quân vừa cất bước (4)
Thuyền tên Gia Cát vội phăn neo (5)
Phương đông chửa lố vừng con ác
Cửa Khổng nho sinh nhóm tựa bèo.
Bài này bà làm lúc còn trẻ.

Truyền rằng trong hạt mở cuộc thi thơ treo giải thưởng. Đề bài “Vịnh Cảnh Gần Sáng”, hạn vận “Mèo Heo Cheo Neo Bèo” và buộc mỗi câu phải có tên một con vật. Người dự thi có trên trăm, nhưng trúng tuyển không được chục. Bài bà được chấm đậu đầu. Khi đem ra bình, bị “sĩ tử” phản đối vì câu 6 và câu 8 thiếu tên vật. Bà cãi: 6, 8 thiếu nhưng 3, 4 thừa (lằn, phụng, gà, cheo). Đem chỗ thừa bù chổ thiếu. Vẫn nhập cách như thường.
Lý có phần cưỡng, nhưng những bài trúng tuyển phần nhiều đều khiếm ý. Đề là Vịnh Cảnh Gần Sáng mà phần đông bỏ sót ý gần mà chỉ đua nhau vịnh cảnh trời sáng. Lại thêm bài nào cũng bị trường qui bó buộc mà hoặc vận bị ép, hoặc câu ngượng ngập, lời lúng túng, không bài nào vượt nổi bài của bà. Rốt cuộc bà vẫn đoạt giải nhất. Và câu chuyện trở thành giai thọai trong làng thơ.
Phạm Liệu một trong bốn tay hay chữ nổi tiếng đất Quảng Nam, triều thành Thái (6) thường nói rằng:
Trong giới nữ lưu từ trước đến giờ không có ai thơ hay bằng bà Phạm.
Tiếng hay thơ của bà bay sang tận Trung quốc và danh sĩ Trung quốc đã từng mượn bà đem vào thơ để tặng Diệu Liên công chúa, con gái vua Minh Mạng:

Nguyệt Đình Huệ Phố tài danh thạnh
Cảnh thuyết thi viên hữu Phạm Hồ.
Nghĩa là:
Nguyệt Đình Huệ Phố danh thơm nổi
Thêm ngát vườn thơ có Phạm Hồ (7)

Khởi duy tài điệu siêu Hồ Phạm
Ban Tạ ư kim hữu thế nhân (8)
Nghĩa là:
Tài cao há chỉ hơn Hồ Phạm
Ban Tạ ngày nay vẫn có người

Như thế chứng tỏ rằng văn chương bà Phạm đã vượt không gian và thời gian: Văn chương bất hủ.
Rất tiếc chưa có người sưu tầm để phổ biến.
Quảng Nam đã nối danh là “đất hay chữ”. Đã có lần đậu một lượt đến ba tiến sĩ, 2 phó bảng, được quan Tổng đốc Nam Nghĩa là Đào Tấn cho thêu một lá cờ đề bốn chữ “Ngũ Phụng Tề Phi” để rước (9), lại một lần khác khoa hương và khoa hội đậu đến 28 người, thi nhân gọi là “Nhị Thập Bát Tú” (10)
Bậc hay chữ thì nhiều, song bên nữ giới chỉ nghe tiếng có bà Phạm Lam Anh. Một ngôi sao mai chói lọi, sao các nhà viết văn học sử ít lưu tâm?
________________________________________________________________________________

Bài thơ Cảnh gần Sáng có nhiều sách chép là của Phan Văn Trị. Lại có người bảo là của Phạm Liệu. Chúng tôi theo gia đình.
(1) Thương Lang tên một khúc sông đã dùng làm tên một khúc hát
Thương Lang chi thủy thanh hề, khả dĩ trạc ngã anh
Thương Lang chi thủy trọc hề, khả dĩ trạc ngã túc
(Nước Thương Lang trong thì ta giặt giải mũ
Nước Thương Lang đục thì ta lại rửa chân)
Trong bài thơ dùng làm danh từ chung có nghĩa là khúc sông.
(2) Lằn kêu: Mượn ý Kinh Thi khen vợj vua nghe tiếng lằn kêu bảo là tiếng gà gáy, vội thức chồng dậy ra triều kẻo bá quan đợi.
(3) Gà gáy: Cũng chữ trong Kinh Thi thác lời vợ gọi chồng dậy sớm để đi săn.
(4) Thường quân: Mạnh Thường Quân đi lánh nạn, đợi trời sáng ải mở cửa thì bị người đuổi theo kịp. Có người trong đoàn giả tiếng gà gáy. Gà quanh ải gáy theo. Quân giữ ải tưởng trời đã sáng vội mở cửa ải. Nhờ vậy mà Thường Quân qua được ải trước khi quân thù đến.
(5) Gia Cát là Gia Cát Lượng tức Khổng Minh. Muốn lấy tên của Tào, Khổng Minh nhân đêm có mù cho thuyền ra sông nổi trống. Quân Tào tưởng giặc đến, nhưng không dám ra vì mù nhiều quá, cứ đứng trên bờ bắn tên xuống rào rào. Trên thuyền Khổng Minh đã bện những hình nộm bằng rơm để hứng tên. Trời chưa sáng mà tên đã đầy thuyền. Thuyền vội trở vào bến với tên lấy được
(6) Bốn tay hay chữ nổi tiếng đất Quảng Nam triều Thành Thái là "nhất Liệu nhì Hanh tam Hoành tứ Cáp".
Phạm Liệu đậu tiến sĩ khoa Mậu Tuất (1898)
Huỳnh Hanh tức Huỳnh Thúc Kháng đậu Tiến sĩ khoa Giáp Thìn (1904)
Võ Hoành đậu Phó bảng khoa (?)
Trần Quí Cáp đậu Tiến sĩ đồng khoa với Huỳnh Thúc Kháng (1904)
(7) Diệu Liên công chúa, con gái vua Minh Mạng, em Tùng Thiện vương, Tuy Lý vương.
Nguyệt Đình và Huệ Phố là hai công chúa, chị Diệu Liên, cả ba chị em đều nổi tiếng hay thơ, nhưng Diệu Liên được nhiều thi gia ca ngợi.
Sẽ nói nhiều về Diệu Liên công chúa ở chương sau.
(8) Ban Tạ là Ban Chiêu đời Hán em Ban Cố. Anh làm chưa xong bộ Hán thư thì mất, bà nối tiếp làm trọn bộ.
Và Tạ Đạo Uẩn đờì Tấn có thơ vịnh tuyết được lưu truyền.
(9) Ngũ phung Tề Phi là 5 con chim phụng cùng bay ngang nhau. Đó là:
Phạm Liệu đậu tiến sĩ 27 tuổi
Phan Quang đậu tiến sĩ 27 tuổi
Phạm Tuấn đậu tiến sĩ 40 tuổi
Ngô Truân đậu phó bảng 26 tuổi
Dương Hiển Tiến đậu phó bảng 33 tuổi
Khoa này (Khoa Mậu Tuất 1898) Đào Nguyên Phổ, 38 tuôi đậu hoàng giáp
(10) Nhị thập bát tú là 28 ngôi sao sáng
Trong số này có Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quí Cáp
Khoa này (Giáp Thìn 1904) có xãy ra một chuyện lý thú
Hội thi thì cụ Huỳnh đậu hội nguyên, cụ Trần đậu thứ nhì, cụ Đặng Văn Thụy ở Nghệ An đậu chót.
Nhưng vào đình thí thì cụ Đặng lại đậu Đình nguyên, cụ Trần đậu thứ nhì, cụ Huỳnh lọt xuống thứ ba.

Cụ Trần chỉ đậu tú tài nhưng được đặc cách thi hội.