Nhà Tây Sơn - 08


CẢNH NỨT RẠN TRONG NHÀ TÂY SƠN

Ba anh em nhà Tây Sơn, từ nhỏ đến lớn, đối với nhau trọn niềm thương yêu.
Từ ngày ông Nguyễn Phi Phúc tạ thế, ông Nhạc lo vẹn đạo làm anh. Đối với hai em, chẳng những yêu thương vì ruột thịt mà còn quý trọng đức tài. Còn ông Huệ cũng như ông Lữ thì yêu kính anh như cha, nhất nhất đều tuân theo mệnh lệnh.
Tình như thế, nhưng tánh lại có khác.
Ông Lữ lấy việc sửa mình thương người làm gốc, còn giàu sang, thua được là chuyện ngoài thân.
Ông Nhạc tuy thiệp thế đa mưu, song có phần bảo thủ, có phần cầu an. Khi chưa có thì xông Nam đột Bắc, đến khi có rồi, thì có bao nhiêu bo bo giữ bấy nhiêu, và chấp vào những gì mình đã có.
Ông Huệ tài trí vượt hẳn anh. Nhưng khi còn ở dưới quyền anh thì triệt để phục tùng. Khi con chim bằng đã nuôi đủ sức gió để quạt cánh lên chín tầng mây thì không còn ai có thể kiềm chế. Và con chim bằng khi đã bay thì hướng về tương lai chớ đâu mấy khi quay về dĩ vãng.
Nghĩa là tánh ông Nhạc tĩnh, tánh ông Huệ động.
Đó là nguyên nhân gây ra xích mích giữa hai anh em làm cho nhà Tây Sơn bị nứt rạn.
Cảnh nứt rạn ấy bắt nguồn từ ngày Tây Sơn chiếm được Phú Xuân rồi đánh ra Thăng Long.
Nguyên sau khi dẹp yên Gia Định, ông Huệ đề nghị đem quân đánh Phú Xuân. Vì không rõ quân chúa Trịnh mạnh yếu thế nào, nên ông Nhạc không ứng thuận. Sau ông Chỉnh cho biết rõ tình hình, ông Nhạc mới cho xuất chinh. Lấy được Phú Xuân, ông Huệ tự tiện đem quân ra đánh Bắc Hà. Ông Nhạc không bằng lòng song không lấy cớ gì để bắt tội em được, nên chỉ gọi em về thôi. Về Phú Xuân ông Huệ cho chở tất cả chiến lợi phẩm thu được ở Bắc Hà về Quy Nhơn, còn mình thì lấy cớ Thuận Hóa mới lấy được cần phải củng cố nhân tâm và sửa sang chính sự, nên xin ở lại Phú Xuân. Ông Nhạc đành phải chấp nhận, tuy không lấy làm vừa lòng. Đến khi Nguyễn Huệ được phong Bắc Bình Vương, nắm quyền quản thủ đất Thuận Hóa, thì tự ý sửa sang thành quách, phong thưởng võ tướng văn quan chớ không tấu trình theo pháp. Nhiều lần ông Nhạc vời ông Huệ vào Quy Nhơn, ông Huệ luôn luôn tìm cớ thoái thác.
Nhận thấy quyền làm anh đối với em, quyền làm vua đối với bề tôi đã bị xem khinh, ông Nhạc cử binh ra Phú Xuân hỏi tội.
Nghe tin, ông Huệ vỗ án nói:
- Tội gì mà hỏi? Đánh Nam dẹp Bắc để giữ vững ngôi báu cho anh, đó là tội à? Còn đất Thuận Hóa này là của ta lấy nơi tay Chúa Trịnh. Ta thọ phong chẳng qua vì tình anh em đó thôi. Chớ đâu phải anh ta cắt đất của mình phong cho ta mà bắt ta nhất nhất phải tuân theo mệnh lệnh? Công có lại quên, tội không có lại buộc! Sao lại bất công thế. Ta không chịu nổi.
Rồi thân hành đem quân ra chống cự.
Ông Nhạc thấy em ra mặt bất phục tùng, càng nổi giận thêm.
Không một lời phân trần, hai bên giáp chiến. Đánh nhau kịch liệt. Lần lần ông Nhạc đuối sức phải rút lui. Ông Huệ truy kích. Ông Nhạc rút quân vào thành Quy Nhơn, cố thủ. Ông Huệ công vi cả tháng mà không hạ nổi thành, bèn đánh chiếm núi Long Cốt, rồi kê súng đại bác trên núi bắn vào thành. Những nơi hiểm yếu trong thành bị phá. Ông Nhạc liệu không giữ mãi được, bèn lên mặt thành kêu ông Huệ mà khóc:
- Bì oa chử nhục, đệ tâm hà nhẫn[1]
Nghe tiếng gọi của anh, ông Huệ òa lên khóc.
Rồi bãi binh.
Từ ấy anh em hòa thuận như cũ. Em Bắc anh Nam, lấy Hải Vân làm ranh giới.
Nguyên nhân xích mích giữa hai anh em nhà Tây Sơn không có chi khác hơn là lòng tự ái. Anh cậy quyền làm lớn, em cậy có công to. Vì chấp sanh sân hận. Một đóm lửa giận không dập tắt kịp thời, cháy bùng lên đốt cháy cả rừng tình nghĩa! Nhưng rồi một cơn mưa nước thân tình rưới xuống, bao nhiêu lửa giận đương cháy ngùn ngụt liền tắt ngay.
Không có gì bí ẩn.
Nhưng để giải thích sự bất hòa kia, nhiều nhà làm sử đặt ra chuyện. Kẻ thì nói rằng: ông Nhạc thông gian với vợ ông Huệ, và giữ hết những của cải lấy được ở Thăng Long, nên ông Huệ giận...
Ông Huệ có ba bà vợ chính thức: bà họ Phạm ở Phú Phong, mẹ ông Nguyễn Quang Thùy, bà họ Bùi ở Xuân Hòa, mẹ ông Nguyễn Quang Toản và bà Ngọc Hân công chúa con gái Vua Lê. Lúc ông Huệ trấn thủ Thuận Hóa thì bà họ Phạm qua đời đã lâu, bà họ Bùi theo chồng ra Phú Xuân, còn bà Ngọc Hân thì còn ở Thăng Long. Như vậy ông Nhạc thông gian với bà nào?
Còn về của cải lấy được ở Thăng Long, thì có thấm vào đâu so với đất đai từ Phú Yên đến Hà Tiên Phú Quốc. Đất kia còn để cho anh cho em không chút tiếc, tiếc gì chút chiến lợi phẩm mà tranh?
Có người lại bảo rằng: Nguyễn Phúc Ánh muốn chia rẽ hai anh em nhà Tây Sơn, bèn lập kế ly gián. Nguyễn Phúc Ánh dùng kế mỹ nhân, tìm một thiếu nữ Âu Châu tuyệt đẹp đem dâng cho Nguyễn Huệ và tin cho Huệ biết trước. Nhưng lại đem dâng cho Nguyễn Nhạc, rồi báo cho Huệ biết rằng đi ngang qua Quy Nhơn, bị Nhạc chận cướp, mặc dù biết là của em. Huệ giận kéo quân vào đánh.
Kế mỹ nhân, xưa nay thường được dùng đến. Nhưng xét việc bất hòa của anh em nhà Tây Sơn xảy ra vào năm Đinh Mùi (1787). Lúc ấy Nguyễn Phúc Ánh còn ở Xiêm La, đất Gia định còn nằm trong tay nhà Tây Sơn, do ông Lữ trấn thủ. Nguyễn Ánh về nước mùa thu năm Đinh Mùi, bị tướng sĩ Nguyễn Lữ đánh liên tiếp mãi đến năm Kỷ Dậu (1789) mới lấy được Gia Định. Như vậy Nguyễn Phúc Ánh lo chống cự với Nguyễn Lữ chưa rồi, còn rảnh đâu lo việc ly gián ông Nhạc và ông Huệ. Huống nữa lúc Nguyễn Phúc Ánh ở Xiêm về thì việc xích mích đã xảy ra rồi (Ánh về nước vào tháng 7 năm Đinh Mùi. Chuyện xích mích của anh em nhà Tây Sơn xảy ra vào khoảng thượng bán niên năm Đinh Mùi). Cho nên thuyết này cũng không đứng vững.
Hai giả thuyết trên, không thấy quyển sách chữ Nho nào chép. Các bộ sử soạn dưới triều Nguyễn không có bộ nào chép rõ nguyên nhân.
Nguyên nhân, theo truyền thuyết ở vùng Tây Sơn chỉ là lòng cố chấp.
Và anh em hết dạ thương yêu nhau thì giận nhau dễ mà thuận lại nhau cũng không khó khăn.
Vì sự xích mích kia do nguyên nhân gì không tốt thì ngòi bút của các sử gia nhà Nguyễn dễ gì lại chịu bỏ qua, dễ gì không đồ đi đồ lại cho thêm đậm nét.


BẮC BÌNH VƯƠNG ĐỐI PHÓ MẶT BẮC

Nguyễn Hữu Chỉnh ở Nghệ An tụ dũng sĩ, mưu đồ chiếm cứ Nghệ An. Đồng thời ở Hà Bắc, Trịnh Bồng được tôn lên làm chúa. Vua Lê Chiêu Thống bị nhà chúa ức hiếp bèn gọi Nguyễn Hữu Chỉnh về. Nguyễn Hữu Chỉnh về đuổi được Trịnh Bồng. Vua Chiêu Thống phong Chỉnh làm Bình Chương Quân Quốc Trọng Sự, Đại Tư Đồ, lại gia tăng tước Bằng Quận Công. Nắm trọn quyền binh trong tay, Chỉnh tự ý hoành hành. Muốn mở rộng ảnh hưởng vào Nam, Chỉnh lại thông đồng với Nguyễn Duệ chiếm đất nghệ An, sửa lũy Hoành Sơn, lấy Linh Giang làm giới hạn với Thuận Hóa, y như tiên triều.
Nguyễn Duệ bằng lòng. Chẳng ngờ bị lậu sự. Võ Văn Nhậm hay được, gởi thư cáo biến với Bắc Bình Vương. Vương sai Nhậm ra bắt Duệ. Duệ biết trước cùng Nguyễn Huỳnh Đức bỏ trốn. Duệ về Quy Nhơn, Đức vào Gia Định. Vương không cho đuổi theo, chỉ sai Nhậm trấn thủ Nghệ An để coi chừng mặt Bắc.
Sẩy kế này bày kế khác, Nguyễn Hữu Chỉnh bày Vua Chiêu Thống đòi lại đất Nghệ An.
Tháng tư năm Đinh Mùi (1787), Lê Chiêu Thống khiến hoàng thân Lê Duy Anh cùng Trần Công Sán và Ngô Nho mang phẩm vật và quốc thư vào Phú Xuân, Bắc Bình Vương biết là mưu mô Nguyễn Hữu Chỉnh, bảo cho Trần Công Sán biết rằng sẽ cho tướng đem binh ra Thăng Long lấy đầu kẻ sinh sự.
Biết Trần Công Sán là người hiền tài, muốn trọng dụng, nhưg không thuyết phục được, Vương bèn sai đưa phái đoàn theo đường biển về Thăng Long. Giữa vời, ngầm đục thuyền. Sán cùng phái đoàn đều bị chết đuối.
Có người hỏi bà Trần Mỹ Tuyết:
- Sao không dùng tài năng để thuyết phục Trần Công Sán như đã thuyết phục Nguyễn Huỳnh Đức?
Bà đáp:
- Huỳnh Đức là một võ tướng chỉ có lòng trung nghĩa. Còn Công Sán là kẻ sĩ học rộng hiểu sâu. Một lưỡi dao con là ta, làm sao đốn nổi cây tùng trăm tuổi thọ?
Lại hỏi:
- Cũng thì nhân tài mà sao đối với Nguyễn Huỳnh Đức nhà vua lại khoan hồng hơn đối với Trần Công Sán.
Đáp:
- Tài của Huỳnh Đức chỉ có thể lấy được thành. Tài của Trần Công Sán có thể chiếm trọn cả nước, nếu biết thiện dụng, tận dụng. Chữ Nhân phải đi song song với chữ Trí mới tránh khỏi chữ Ngu. Kẻ đại trượng phu không thích mang tiếng ngu với đời.
Không thể để yên Nguyễn Hữu Chỉnh lộng hành ở Bắc Hà, tháng 12 năm Đinh Mùi, Bắc Bình Vương sai Võ Văn Nhậm, Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân kéo binh ra Thăng Long đánh Chỉnh.
Binh Võ Văn Nhậm kéo ra Bắc Hà, đánh đâu thắng đó. Nguyễn Hữu Chỉnh nghe cáo cấp, sai con là Hữu Du đem quân đi trước. Đến sông Thanh Quyết, Du đắp lũy cố thủ. Lúc bấy giờ khí trời quá lạnh, quân sĩ không chịu nổi phải nhúm lửa, nhóm nhau ngồi sưởi. Nhậm sai lính xoi lũy, kê súng nhằm những chỗ có lửa bắn vào. Quân của Du kinh hãi vỡ chạy. Chỉnh ở Bình Vọng được tin quân của Du bị tan vỡ, đương đêm dẫn quân trở về thành Thăng Long, đem vợ con chạy về Kinh Bắc.
Lê Chiêu Thống sảng sốt, không biết làm thế nào, cùng dắt cung quyến chạy theo. Đến Kinh Bắc Vua sai Lê Quýnh cùng hơn 30 người tôn thất đưa Hoàng Thái Hậu, Hoàng Phi và Hoàng Tử lên Cao Bằng. Còn mình cùng Nguyễn Hữu Chỉnh về đóng ở núi Mục Sơn, đất Yên Thế.
Binh Tây Sơn đuổi đánh, Hữu Du bị tử trận. Hữu Chỉnh bị bắt giải về Thăng Long, còn Lê Chiêu Thống trốn thoát, chạy vào núi Bảo Lộc ẩn núp.
Võ Văn Nhậm kéo quân vào Thăng Long, kể tội Chỉnh rồi đem giết. Nhậm cho tìm Vua Chiêu Thống không được. Các triều thần chỉ còn lưa thưa mấy người. Còn ở Kinh Bắc thì có Trần Quang Châu, Sơn Nam thì có Nguyễn Việt Tân, Hải Dương thì có Đinh Tích Nhưỡng... đều ứng binh hùng cứ. Nhậm có ý sợ, nhưng chưa biết tính sao thì có người ở Gia Lâm, tên là Trần Đình Khôi, tự xưng là quan thiệm sự của nhà Lê, tới nói rằng:
- Bắc Hà oán Chỉnh tuy thâm mà lòng nhớ Lê chưa nhạt. Tự quân chạy trốn, không biết lúc nào về. Nay có Sùng Nhượng công là Lê Duy Cẩn, trong lúc Tiên Đế hãy còn đã phong làm Đông Cung, từ gặp biến năm Nhâm Dần, bị kiêu binh phế truất. Nếu tướng công rước Duy Cẩn về lập lại, chỉ dán một tờ giấy tại cửa Đại Hưng, thì nội trong một ngày, văn võ bá quan nhóm lại, đại sự của tướng công thành tựu dễ như trở bàn tay.
Nhậm theo lời, tôn Duy Cẩn làm Giám Quốc để ở phía tả điện Cần Chánh.
Cựu thần nhà Lê không người nào theo. Duy Cẩn ở trong điện với vài người hoàng thân và vài viên võ tướng, suốt ngày không thấy ai tâu hỏi việc gì.
Ngô Văn Sở bảo cùng Nhậm:
- Tôi xem tướng Sùng Nhượng công không sao khu sách được người. Vả chăng từ xưa đến nay, thiên hạ không phải tư vật của ai. Như nên lấy thì lấy hẳn đi, sao lại để người như thế làm Giám Quốc? Chúng ta đã lâu ngày chịu khổ với thành này, bây giờ trở lại làm người khách ngụ của pho tượng gỗ này hay sao?
Nhậm khinh khỉnh nói:
- Lòng người Bắc Hà còn nhớ Lê lắm, không thể không theo chúng vọng được. Bọn ngươi chỉ biết mạnh đánh mà thôi. Việc an dân đã có ta làm chủ.
Ngô Văn Sở làm thinh, trở ra nói cùng Phan Văn Lân:
- Tiết Chế khinh người thái thậm! Tài đức gì mà dám đãi chúng ta như đám sĩ tốt, việc lớn đều tự chuyên?
Bèn làm sớ mật tấu cùng Bắc Bình Vương.
Được tin, Bắc Bình Vương cười:
- Bạn tâm đã có từ lâu, bạn trạng mãi nay mới hình hiện.
Lập tức truyền lệnh xuất sư. Đi suốt ngày đêm. Hơn 10 hôm đến Thăng Long. Nhậm không kịp trở tay, bị bắt. Hỏi:
- Tội gì?
Đáp:
- Ông tự biết lấy.
Đoạn truyền đem ra giết.
Rồi hiệu triệu các cựu thần nhà Lê về chung lo việc nước.
Vương vẫn để Sùng Nhượng công Lê Duy Cẩn làm Giám Quốc lo việc tế tự. Còn thực quyền thì giao cho Đại Tư Mã Ngô Văn Sở, có Nội Hầu Phan Văn Lân, Đô Đốc Nguyễn Văn Tuyết, Chương Phủ Nguyễn Văn Dụng. Hộ bộ Thị Lang Trần Thuật Ngôn và Lại bộ Tả Thị Lang Ngô Thời Nhậm... phụ tá. Vương lại cắt Đô Đốc Hòa Nghĩa hầu trấn thủ Kinh Bắc, Hô Hổ hầu trấn thủ Hải Dương, Giác Hầu hòa giữ bộ lại. Ước Lê hầu giữ bộ Lễ, Lộc Tài hầu giữ bộ Hình.
Sắp đặt xong xuôi, vào khoảng cuối tháng 5 năm Mậu Thân (1788), Vương trở về Phú Xuân, đem theo Phan Huy Ích.
Trừ Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân, Nguyễn Văn Tuyết[2] là người cũ của Tây Sơn, tất cả những người tham gia quốc sự đều là cựu thần nhà Lê.
Trong số văn thần, Ngô Thời Nhậm và Phan Huy Ích là hai danh sĩ Bắc Hà.
+ Ngô Thời Nhậm, tự là Hy Doãn, hiệu đạt là Đạt Hiên, con trai của Ngô Thời Sĩ, sinh năm Bính Dần (1746) tại làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, cách Thăng Long hơn mười cây số. Đậu Tấn Sĩ năm Ất Mùi (1775). Làm quan nhà Lê đến chức Công bộ Hữu Thị Lang. Năm 1782, kiêu binh nổi loạn, chạy trốn về quê vợ ở Sơn Nam.
Năm 1788, theo lời hiệu triệu của Bắc Bình Vương, Ngô Thời Nhậm là người đầu tiên hưởng ứng. Ngô đến chờ ở bộ Lễ. Viên lễ quan Võ Văn Ước tưởng lầm Ngô là Sùng Nhượng công, nên mời cùng ngồi với mình. Kế đó các quan lại cũ nhà Lê lục tục đến làm lễ dưới sân. Ngô áy náy vội đứng dậy đi ra. Lúc ấy Ước mới biết mình lầm, cho Ngô là vô lễ, cả giận, sai người đi bắt. Tối hôm đó, Ngô đến dinh Trần Văn Kỷ, một danh sĩ đất Thuận Hóa đang được Nguyễn Huệ trọng dụng, và có quen với Ngô khi Kỷ ra Thăng Long thi Hội năm Mậu Tuất (1778). Ngô nói rõ việc ban sáng. Trần rất mừng nói [3]:
- Cố nhân đến đúng lúc. Bắc Bình Vương mến mộ tài cố nhân, sai tôi đi tìm. Bỗng không hẹn mà gặp.
Sáng hôm sau liền đưa Ngô vào yết kiến Bắc Bình Vương. Vương nói:
- Ngày trước, vì chúa Trịnh không dùng, người phải bỏ nước ra đi. Nếu ta không đến đây, người làm sao được thấy bóng mặt trời? Có lẽ đó là ý trời muốn để dành người tài cho dùng. Vậy ngươi hãy cố gắng mà lo việc báo đáp.
Đoạn truyền Trần Văn Kỷ thảo ngay tờ chế phong Ngô làm Tả Thị Lang bộ Lại, tước Tình Phái hầu, cùng với Võ Văn Ước coi tất cả các quan văn võ nhà Lê[4].
+ Phan Huy Ích là em rNgô Thời Nhậm.
Ông là con Phan Huy Cẩn, người làng Thu Hoạch huyện Thiên Lộc đất Nghệ Tĩnh, sau dời đến làng Thụy Khê, huyện Thạch Thất thuộc Sơn Tây, rồi nối đời ở đó. Đỗ Đình Nguyên khoa Ất Mùi (1775) đỗ tiếp khoa Ứng chế năm Bính Thân (1776). Làm quan với Vua Lê chúa Trịnh cho đến năm Đinh Mùi (1787), Lê Chiêu Thống bị Võ Văn Nhậm đuổi đánh, ông chạy về Sài Gòn ẩn lánh.
Ngô Thời Nhậm tiến cử họ Phan, Bắc Bình Vương phong là Thi Trung Ngự Sử và đem theo về Phú Xuân[5].
Trước khi lên đường về Phú Xuân, Bắc Bình Vương mở tiệc đãi các quan Văn Võ. Trong bữa tiệc, vương nói:
- Sở, Lân là nha trảo của ta. Dụng, Ngôn là tâm phúc của ta, còn Nhậm là tân thần. Nay ta giao việc quân quốc mười một trấn ở Bắc Hà cho các khanh, cho phép các khanh được tiện nghi hành sự. Nhưng phải hội đồng thương nghị với nhau, đừng lấy lẽ mới cũ mà chống đối. Ấy là chỗ hậu vọng của ta.
Lại nói:
- Còn Lê Tự Hoàng là do ta lập nên. Tánh tình ám muội, nên rước lấy bại vong. Nay để cho Sùng Nhượng công giám quốc, e tương lai Tự quân lại cùng Sùng Nhượng tương tranh, nên bất đắc dĩ ta phải để Tư Đồ Ngô Văn Sở ở lại giúp đỡ Sùng Nhượng. Chờ lúc nào bốn phương yên tĩnh, thì ta lập tức triệu Tư Đồ về. Thật lòng ta không phải lấy đất Bắc Hà này đâu.
Rồi cùng tướng sĩ lên đường.
Bắc Bình Vương ra Thăng Long tháng 4 và trở về Phú Xuân tháng 5 ăm Mậu Thân (1788), đi về trong ngoài một tháng.
Nhân sĩ Bắc Hà, một số ra cộng tác cùng nhà Tây Sơn, một số cố giữ lòng trung với tiền triều, ẩn lánh nơi sơn lâm, hoặc nổi dậy chống lại nhà Tây Sơn một cách quyết liệt. Trong số chống đối có nhiều danh sĩ, như Trần Danh Án, Bùi Huy Kích, Phạm Quý Thích, Phạm Thái... Cũng có đôi ba võ tướng mộ quân “khởi nghĩa” nhưng đều bị dẹp tan.
Ngô Thời Nhậm, theo chính sách đoàn kết rộng rãi “dùng người không phân biệt mới cũ” và “tấm lòng yêu tiếc nhân tài không lúc nào nguôi” của Bắc Bình Vương, đã góp phần lớn lao vào việc củng cố an ninh và chính trị ở Bắc Hà.


CHIÊU THỐNG RƯỚC TÀU
VỀ ĐÁNH TÂY SƠN

Quân Nguyễn Hữu Chỉnh bị quân Tây Sơn đánh thua. Vua Chiêu Thống hoảng hốt sai Lê Quýnh cùng hơn 30 người tôn thất đem Hoàng Thái Hậu và Hoàng Hậu chạy sang Kinh Bắc, còn mình thì bỏ Thăng Long chạy theo Nguyễn Hữu Chỉnh đến đóng ở Mục Sơn thuộc Yên Thế, Nguyễn Hữu Chỉnh bị bắt, nhà vua chạy đến Chí Linh định nhờ Trần Quang Châu và Lê Ban dấy binh lấy Hải Dương làm cơ sở, nhưng bị quân Tây Sơn đuổi đánh, nhà vua chạy vào Sơn Nam, định nhờ tỳ tướng của Nguyễn Hữu Chỉnh là Nguyễn Việt Tuyến, nhưng Tuyến đã bị quân Tây Sơn đánh bại ở Hoàng Giang, nên nhà vua cùng Lê Ban chạy vào Thanh hóa. Sau nghe lời Lê Duy Đoan trở về Kinh Bắc cho người qua cầu viện Thanh triều.
Về Kinh Bắc, Chiêu Thống sai hai người bề tôi tin cẩn là Tham tri Chánh sự Lê Duy Đán và Phó Đô Ngự Sử trần Danh Án sang Trung Hoa.
Duy Đán và Danh Án theo đường núi trốn qua biên thùy, đến ra mắt tri phủ Thái Bình. Tri phủ Thái Bình làm tờ đạt lời cầu viện lên Tuần phủ Tôn Vĩnh Thanh và Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị.
Trong khi chờ đợi kết quả, Trần Danh Án có thơ cảm hoài:
Giá cô tại Giang Nam
Đỗ quyên tại Kinh Bắc
Giá cô minh gia gia
Đỗ Quyên minh quốc quốc
Vi cầm do hữu quốc gia thanh
Cô thần đối thử tình vô cực.
Nghĩa là:
Giang Nam thì chim đa
Kinh Bắc thì chim quốc
Chim đa kêu gia gia
Chim cuốc kêu quốc quốc
Nghe chim kêu tiếng quốc gia
Lòng cô thần những xót xa trăm chiều.
Trong lúc đó, Lê Quýnh, Nguyễn Huy Túc đã đưa Thái Hậu qua Tàu, nhờ viên Đô Ty Long Bằng Trần Hồng Thuận trình Quảng Tây Giang tả Dương Hùng Nghiệp bẩm lên Tôn Sĩ Nghị.
Nhận được hai lời thỉnh cầu cùng lúc. Nghị bèn làm sớ dâng về triều.
Vua Càn Long chuẩn y lời Tôn Sĩ Nghị và sai nghị cầm 20 vạn binh sang Việt Nam, mượn cớ giúp Vua Lê đánh Tây Sơn để đặt nền đô hộ lên đất Việt.
Tôn Sĩ Nghị chia quân ra làm ba đạo:
Một đạo do Tổng binh tỉnh Vân Nam và Quý Châu kéo sang mạn Tuyên Quang.
Một đạo do Sầm Nghi Đống kéo sang mạn Cao Bằng.
Một đạo do Nghị cùng Đề Đốc Hứa Thế Hanh kéo sang mạn Lạng Sơn.
Khí thế rất mạnh.
Ba đạo quân Thanh tiến vào nước ta vào khoảng giữa tháng 10 năm Mậu Thân (1788). Sĩ Nghị truyền hịch kể tội nhà Tây Sơn và kêu gọi thần dân nhà Lê ra hợp tác.
Viên trấn thủ Lạng Sơn Phạm Khải Đức khiếp sợ, kéo cờ hàng. Phó tướng Nguyễn Văn Diễm chạy về Kinh Bắc cùng Nguyễn Văn Hòa cố thủ, rồi sai người về Thăng Long cáo cấp.
Được tin, Ngô Văn Sở dùng kế hoãn binh, khiến Nguyễn Quý Nha và Trần Bá Lãm mang ba tờ bẩm văn ký tên Sùng Nhượng công và bá quan văn võ, đến quân thự Tôn Sĩ Nghị cầu hòa. Sĩ Nghị bác khước Ngô Văn Sở bèn nhóm văn võ lại thương nghị. Nguyễn Văn Dụng đề nghị dùng phục binh đánh địch. Ngô Thời Nhậm nói:
Quân địch mới tới, sức còn mạnh khí đương hăng, lại khoa trương thanh thế làm kinh động nhân dân. Nếu ta đem quân ra khỏi thành sẽ bị chúng sát hại. Cựu binh sĩ của Bắc Hà nhuệ khí vốn đã nhụt, thừa cơ trốn hết. Chừng ấy ta muốn đánh thì không hơn, mà muốn giữ cũng không đặng. Chẳng phải là thiện sách. Chi bằng rút hết quân thủy bộ vào đóng giữ từ Tam Điệp ra đến biển, để bảo toàn lực lượng rồi cho cáo cấp về Phú Xuân. Lúc đó ta sẽ quyết chiến cũng không muộn.
Ngô Văn Sở nói:
- Giặc đến chưa đánh đã chạy, tôi e đắc tội với Bắc Bình Vương.
Ngô Thời Nhậm đáp:
- Lương tướng thời xưa, lường sức giặc trước rồi mới định việc công hay thủ. Nay ta đem toàn quân lui về, chẳng qua là cho chúng ngủ nhờ một đêm, sáng ngày đuổi đi, có gì quan trọng. Nếu Bắc Bình Vương hỏi tội tôi sẽ bẩm biện. Ông cứ yên tâm.
Ngô Văn Sở liền cho gọi binh các trấn Kinh Bắc, Thái Nguyên, Hải Dương, Sơn Tây đến tập hợp tại Bắc Thành trấn Sơn Nam, rồi đồng tiến vào Tam Điệp.
Chợt có tin quân Thanh đã qua khỏi ải Nam Quan, Phan Văn Lân nổi nóng:
- Nước không cần phải lớn, binh không cần phải nhiều, hễ quyết chiến thì thắng. Nay làm tướng nắm binh quyền ở cõi ngoài mà giặc đến không đánh thì làm tướng để làm gì?
Rồi thừa đêm tối đem quân ra đi. Đến bờ phía nam sông Nguyệt Đức thì nghe quân Thanh đã tới núi Tam Tằng, Lân đốc binh sĩ liều lạnh lội càn qua sông. Quân chết đuối quá nửa. Còn một nửa vừa đến bờ bên kia thì quân địch đánh giết hết. Lân một người một ngựa sống sót chạy trở về. Ngô Văn Sở cả kinh, giấu kín việc Lân, khiến chư tướng chỉnh tế đội ngũ, trực tiến đến Tam Điệp.
Đến Tam Điệp vào ngày 20 tháng 11 năm Mậu Thân (17-12-1788). Một mặt chia đồn cố thủ, một mặt cho Nguyễn Văn Tuyết về cáp cấp Phú Xuân.
Không gặp sức cản trở đáng kể, Tôn Sĩ Nghị tiến quân dễ dàng. Đến Kinh Bắc được Vua Chiêu Thống đón tiếp trọng thể. Nghị cùng nhà vua trực chỉ đến Thăng Long cho đại quân hạ trại ở Yên Phụ còn tướng Doanh thì đặt tại Tây Long Cung. Để tiện việc qua lại, một dãy cầu phao bắc ngang qua sông Nhị. Ngày hôm sau (21 tháng 11 năm Mậu Thân), Nghị phong Vua Chiêu Thống làm An Nam Quốc Vương tại điện Kính Thiên và quyết định sau tết Nguyên Đán mới xuất đánh Nguyễn Huệ.
Vào thành Thăng Long như vào chỗ không người, Nghị nghĩ rằng đánh dẹp Tây Sơn sẽ dễ dàng như lấy đồ trong túi, nên lơ đãng việc binh, ngày ngày lo hưởng lạc thú.
Vua Chiêu Thống tuy đã thụ phong, nhưng phải theo niên hiệu Càn Long, và việc gì cũng phải bẩm lên Tôn Sĩ Nghị. Mỗi ngày sau buổi chầu, Chiêu Thống phải đến dinh Sĩ Nghị để chầu chực việc cơ mật. Nhiều khi Nghị không cho vào, chỉ sai một người ra bảo: “Không có việc gì quan trọng, Vua hãy về cung nghĩ”. Thế mà không biết nhục, ngày ngày chỉ lo việc báo ân báo oán giết hại những người đã theo Tây Sơn. Một người tôn nữ kết duyên cùng một tướng Tây Sơn, đã có mang. Chiêu Thống sai mổ bụng, lấy thai nhi giết chết! Ba người hoàng phái hàng vai chú nhà vua, bị chặt chân quăng ra giữa chợ. Việc chém giết vì tư thù không ngày nào không có. Lương dân khủng khiếp!
Một số nhân sĩ, trước hành vi tàn bạo của Chiêu Thống vẫn ôm mối “cô trung” như Bùi Huy Bích, Phạm Quý Thích, Phạm Đan Phụng... Có người nói “Trung là trung với nhà Lê chớ đâu phải trung với Vua Chiêu Thống”. Lại có người nói “Quân bất kính thần bất khả bất trung”[6].
Những quan lại cũ đã bỏ trốn trong lúc Nguyễn Hữu Chỉnh bị giết, nghe tin Vua Chiêu Thống trở về, lục tục kéo nhau tới thành đô bái yết và đến xin Tôn Sĩ Nghị ra quân đánh Tây Sơn. Nghị đáp:
Năm đã gần hết. Đi đâu mà vội vàng? Giặc còn gầy, mình dung túng cho nó ít lâu là nuôi cho nó béo, để rồi nó đem thịt đến nạp cho mình xơi, chẳng hay lắm sao?
Rồi truyền ba quân đón trại nghỉ ngơi để ra giêng chiến đấu.
Quân lính của Sĩ Nghị thấy chủ tướng tham tàn dâm dật, tướng lệnh lại không nghiêm minh, nên tha hồ ngang dọc. Những vụ cướp bóc, hãm hiếp, tàn sát... xảy ra hàng ngày. Nhân dân không mấy lúc được ăn ngon, ngủ yên. Nơi nơi đồ thán!
Cảnh nước loạn dân khổ đến thế là cùng cực.
Người người đều trông mong cuộc đời đổi thay.


[1] Nồi da xáo thịt, lòng em sao nỡ?
Bà nội tôi đã diễn ra Quốc âm:
       Lỗi lầm anh vẫn là anh
Nồi da xáo thịt sao đành hỡi em? (Q.G chú)
[2] Nguyễn Văn Tuyết ở Phú Xuân ra Thăng Long với Bắc Bình Vương.
[3] Trần Văn Kỷ quy thuận nhà Tây Sơn lúc Bắc Bình Vương ra Phú Xuân và theo Vương ra Thăng Long để trừ Võ Văn Nhậm.
[4] Có nhiều tác phẩm bằng chữ Hán truyền thế.
[5] Có nhiều tác phẩm bằng chữ Hán truyền thế.
[6] Người xưa dạy: “Phụ từ tử hiếu, quân kính thần trung” nghĩa là “cha có hiền lành con mới có hiếu Vua có kính vì tôi mới trung” tức là người trên có lo tròn bổn phận mình thì mới có quyền buộc kẻ dưới lo tròn bổn phận. Nhưng người sau lại nói: “Phụ bất từ, tử bất khả bất hiếu, quân bất kính, thần bất khả bất trung”. Nghĩa là “Cha không lành, con không thể không hiếu. Vua không kính, tôi không thể không trung”. Tức là buộc kẻ dưới phải giữ hết phận mình đối với người trên, dù người trên không giữ tròn bổn phận. Phần đông các nhà Nho theo lời sau.