Nhà Tây Sơn - 17 - Phụ Lục 1


ẢNH HƯỞNG TÂY SƠN TRONG GIA ĐÌNH HỌ QUÁCH


Ông thân tôi, Quách Phương Xuân, thông Pháp văn (đậu bằng Thành Chung - Primaire Complémentaire) nhưng chỉ đọc được viết được chữ Hán.
Còn bà thân tôi lại giỏi chữ Hán và chỉ biết đọc biết viết chữ Quốc ngữ.
Tánh hai ông bà tương phản. Bà thân tôi thì nghiêm nghị. Ông thân tôi lại ưa hài hước, mọi việc trên đời không coi việc gì là quan trọng, cả đến cái CHẾT.
Tôi lại có 3 ông cậu rất yêu quý ông thân bà thân tôi:
- Cậu chánh tổng Trần Trác, con trưởng bác ruột của bà thân tôi.
- Cậu tú Trần Khương, em ruột cậu Chánh.
- Cậu cửu Đoàn Nhuận, anh con bà cô ruột của bà thân tôi.
Ba cậu chỉ hơn kém ông thân tôi một vài tuổi và đều ở Trường Định.
Những lúc rảnh rang ba cậu thường đến chuyện trò cùng hai thân tôi.
Vì từ nhỏ đến lớn ba cậu lo học để đi thi, sử chỉ đọc Hán, Đường, chớ không thông sử Việt Nam, nhất là sử Tây Sơn, khi nói chuyện thường bị bà thân tôi đả kích. Nhưng ba cậu tánh hiền lành lại thương em, nên không bao giờ giận.
Một hôm nhân bàn về nhà Tây Sơn, ông thân tôi nói:
- Sự nghiệp nhà Tây Sơn nay không còn gì hết. Vua Quang Trung còn để lại được tiếng Anh Hùng Áo Vải. Vua Thái Đức còn để lại được câu nói chí tình “Bì oa chử nhục, đệ tâm hà nhẫn”.
Lúc ấy có đủ ba cậu tôi. Tuy ngồi chung với nhau một chiếu, song giữa cậu Chánh và cậu Tú có điều xích mích nhau vì binh vợ mà đầu mối bất hòa là do mợ Chánh gây ra. Nhân đó bà thân tôi bèn diễn nôm lời nói của Vua Thái Đức:
Lỗi lầm anh vẫn là anh
Nồi da xáo thịt sao đành hỡi em.
Vừa dịch vừa khóc. Ông thân tôi cùng ba cậu cũng khóc theo. Từ đó gia đình cậu Chánh và cậu Tú trở lại hòa thuận như cũ.
Và câu “Nồi da xáo thịt” trở thành câu hát ru con của những bà mẹ hiền trong thôn Trường Định.

***
Lại một hôm, vào khoảng giữa năm 1926, bà thân tôi đòi cắt lưỡi em tôi là Quách Tạo.
Nguyên năm ấy Tạo vừa đậu Primaire, được bà thân tôi rất chiều. Tạo nằm nơi giường kê gần cửa sổ nhà dưới, hát nghêu ngao những câu hát trong tuồng Võ Tánh Tự Thiêu mà nhà trường Quy Nhơn tổ chức để lấy tiền cứu tế. Tạo hát đến câu: “...Lũ Tây Sơn muông cãu...” thì thình lình nghe tiếng bà thân tôi gọi một cách giận dữ:
- Hỷ, le cái lưỡi tao coi .
Tạo giật mình quay lại. Bà thân tôi đương ngồi vá áo nơi góc giường, ngừng tay nhìn Tạo một cách nghiêm nghị. Trước đôi mắt nghiêm lẫn giận của mẹ, Tạo cảm thấy rờn rợn, nhưng không hiểu duyên do, còn đương ngơ ngác, thì bà xẵng giọng nhắc:
- Le lưỡi ra.
Tạo vội ngồi dậy, lè lưỡi. Bà đưa một tay chụp lưỡi Tạo, một tay chụp cây kéo làm cách chụp lưỡi để cắt. Tạo hết hồn vội bước xuống giường. Bà hét:
- Tao cắt lưỡi mầy đi! Ai dạy mầy hát như vậy?
Tạo lúc bấy giờ mới 14 tuổi, sợ quá òa lên khóc, rồi thưa:
- Đó là bài hát cải lương, các anh lớn ở trường hát cứu tế.
Bà trừng mắt nói:
- Ai hát mặc nẫu, mầy không được bắt chước. Tao còn nghe câu hát đó, tao cắt lưỡi đi.
Không hiểu tại sao hát câu đó lại làm cho mẹ giận, nhưng không dám hỏi, mà cũng không dám hát nữa dù là hát một mình. Mãi khi lớn lên, biết rõ lịch sử nước nhà, mới hiểu được tấm lòng tôn kính tuyệt đối của bà thân tôi cũng như của phụ huynh Bình Khê đối với Tây Sơn Tam Kiệt, và mới thấy rõ mình đã vô tình và ngu dốt xúc phạm một cách thô bạo như thế nào!

***
Cậu tú Trần Khương mượn được một quyển sử nói về triều Nguyễn, đọc xong nói chuyện cùng hai cậu và hai thân tôi. Trong khi nói chuyện, cậu Tú theo sách gọi Gia Long bằng “Đức Thế Tổ” và gọi ba Vua Tây Sơn là “Ngụy Tây”. Bà thân tôi phản đối:
- Nguyễn Ánh thì gọi là Nguyễn Ánh, có kính nể lắm thì gọi là Gia Long, chớ sao lại gọi “Đức Thế Tổ”? Còn NGỤY là cái gì?
Cậu Tú thất kinh, đương ngồi trên phản liền nhảy xuống đất chạy bụm miệng bà thân tôi:
- Vách có tai, ở tù mọt gông, cô ơi!
Thái độ cậu tôi làm cho bà thân tôi bật cười. Ông thân tôi cũng cười:
- Nhà tôi tuổi tý mà lại gan hùm, còn anh tú tên Khương nên thích yên ổn. Như thế là vui. Nhân nhà tôi đã hỏi “Ngụy là gì”, thì chúng ta thử bàn xem. Ba Vua Tây Sơn có phải là Ngụy chăng.
Cậu cửu Đoàn Nhuận nói:
- Được làm vua thua làm giặc. Giặc là Ngụy. Nhà Nguyễn được, nhà Tây Sơn thua, thì nhà Nguyễn gọi nhà Tây Sơn là Ngụy là phải rồi.
Bà thân tôi bẻ:
- Chúng ta có phải “nhà Nguyễn” đâu mà cũng gọi nhà Tây Sơn là “Ngụy Tây”?
Cậu chánh Trần Trác nói:
- Thì “ăn cây nào rào cây nấy” chứ.
Bà thân tôi đáp:
- Chúng ta có ăn cây nào của nhà Nguyễn đâu mà lo rào?
Cậu Chánh có ý bất bình:
- “Đất của Vua chùa của làng”, cây nào mọc trên đất này lại không phải là cây nhà Nguyễn .
Ông thân tôi giảng hòa:
- Bàn để cho vỡ lẽ chớ không phải để tranh hơn thua. Chúng ta hãy dựa vào sách vở của cố nhân để lại mà bàn cho ra chân ngụy.
Cậu tú Khương nói:
- Thầy Thông  luận như vậy rất hợp ý tôi. Xin thầy nói tiếp.
Cậu Cửu, cậu Chánh cũng biểu đồng. Ông thân tôi tiếp:
- Các sử gia Tàu cũng như ta chia các nhà vua ra Chính thống và Ngụy triều. Nhà nào có công đánh giặc dựng nước, hoặc được chính thức kế truyền, được thần dân đều tùng phục, thì gọi là Chính thống. Còn nhà nào làm tôi cướp ngôi vua, hay xưng đế xưng vương ở nơi núi non, rồikéo quân đánh chiếm nước..., thì gọi là Ngụy triều. Nhà Đinh, nhà Hậu Lê đánh giặc dựng nghiệp, nhà Lý, nhà Trần được truyền ngôi, sử gọi là Chính thống. Họ Hồ họ Mạc soán đoạt ngôi nhà Trần, nhà Lê thì gọi là Ngụy triều. Còn nhà tây sơn diệt bọn tham ô của Trịnh, Nguyễn để cứu dân, đánh đuổi quân Xiêm trong Nam, đánh đuổi quân Tàu ngoài Bắc, cứu nước ra khỏi nạn xâm lăng, rồi lên làm vua, thống nhất đất nước, từ Bắc đến Nam đều thần phục. Như thế sao gọi là Ngụy? Đến như Nguyễn Phúc Ánh vì quyền lợi riêng, đã rước “voi Xiêm”, rồi cõng “rắn Pháp” về dày xéo quê cha đất tổ. Nhưng thế đối với dân tộc Việt Nam có công hay có tội, mà chúng ta phải tôn thờ?
Ba cậu tôi vốn là người có học thức nên lẽ phải dễ lọt tai thấm lòng. Từ ấy đối với nhà Tây Sơn rất mực tôn kính. Lòng tôn kính lại càng tăng càng vững sau khi bà thân tôi cho biết thêm rằng họ Trần có nhiều người ra phò nhà Tây Sơn lập được công lớn. Một vị chết chôn tại Gò Xoài ở đầu thôn Trường Định. Ngôi mộ bằng vôi to lớn và rất kiên cố. Có bia đá xanh ghi đủ tên họ chức tước, nhưng khi nhà Tây Sơn bị dứt thì phá bia cũ thay bia mới, lấy tên bà họ Mạc để tránh sự trả thù của Gia Long. Mộ ấy hiện còn, và Từ đường cao của họ Trần lo việc giỗ chạp.

***
Bà thân tôi hết lòng kính phục Vua Quang Trung, nhưng có lần nói cùng ông thân tôi và ba cậu:
- Vua Quang Trung có công lớn trong việc dựng nước, song cũng có phần trách nhiệm trong việc mất nước.
Ba cậu tôi, cả ông thân tôi đều ngạc nhiên, vì xưa nay chưa nghe ai nói. Bà thân tôi tiếp:
- Nếu Vua Quang Trung đừng nghe lời bà họ Bùi truất ngôi Thái tử của con trưởng dòng đích là Nguyễn Quang Thùy đã được Vua Càn Long phong Thế tử, thì ngôi cửu ngũ đâu có lọt vào tay Nguyễn Quang Toản con dòng kế, mới 13 tuổi, khiến sanh việc lủng củng trong triều, làm cho thế nước mỗi ngày một yếu. Tiếp đến việc cháu giết bác để cướp đất đai làm cho “môi hở răng lạnh”.
Ông thân tôi khen là một khám phá mới. Nhưng ba cậu tôi nói:
- Mất nước là cơ trời. Nguyễn Quang Thùy lên ngôi chưa chắc đã giữ nước khỏi lọt vào tay nhà Nguyễn.
Bà thân tôi cãi:
- Ý dân là ý trời. Nguyễn Quang Toản quá trẻ không phân được phải quấy, nghe lời bọn nịnh thần làm mất lòng dân, nên khi Phúc Ánh đánh mạnh, phía Tây Sơn không được dân ủng hộ, tức là “Trời” không thương. Còn Nguyễn Quang Thùy khi Vua Quang Trung băng thì đã 23, 24 tuổi và đã từng tham dự việc quân việc dân. Lại là người có đức. Bằng cớ:
+ Khi có người cho biết rằng vua cha đã đưa em mình lên ngôi Thái tử thay mình thì thản nhiên đáp: “Tôi lên ngôi hay em tôi lên ngôi cũng thế thôi. miễn sao nước thạnh vượng, nhà được vững bền là được”. Bá Di, Thúc Tề ngày xưa cũng không hơn.
+ Khi vua cha thăng hà, phò vua em vẫn hết lòng hết sức. Đến lúc sa cơ thì tuẫn tiết chớ không như Nguyễn Quang Toản cam chịu nhục dưới tay quân thù.
Nếu Vua Quang Trung để cho Nguyễn Quang Thùy nối ngôi thì Bùi Đắc Tuyên đâu có cơ hội làm mưa làm gió, đâu có việc công thần sát hại lẫn nhau, đâu có việc Lê Trung bị giết oan, Lê Chất bỏ Tây Sơn đem những cơ mật trong thủy quân vào nói hết cho Phúc Ánh biết, đâu có chuyện bọn tham quan ô lại thừa cơ cấp trên lộn xộn mà ra tay bóc lột nhân dân...

Cậu Tú và cậu Cửu mất trước ông thân tôi năm 1923, trước sau mấy tháng. Khi tôi khôn lớn, bà thân tôi thường đem sự tích nhà Tây Sơn kể cho tôi và em tôi nghe. Và sau khi bà thân tôi qua đời (1928), gặp tôi cậu Chánh và người em rể của cậu là dượng Bùi Sơn Nhi ở thôn Xuân Hòa (Bình Khê) thường nhắc nhở đến bà và hết lời ca tụng .
Những lời bình luận của bà thân tôi về nhà Tây Sơn thường được cậu Trần Trác và dượng Bùi Sơn Nhi đem ra làm giai thoại.

Mùa hoa sen Ất Sửu (1985)
QUÁCH TẤN