Nhà Tây Sơn - 10



VUA QUANG TRUNG ĐỐI NGOẠI

Lúc dồn binh ở Tam Điệp, Vua Quang Trung đã nói cùng chư tướng:
- Trung Quốc lớn gấp mười nước ta, sau khi bị thua một trận, ắt lấy làm nhục mà báo thù. Đến lúc ấy chỉ có người khéo đường từ lệnh mới dập tắt được lửa chiến tranh. Ngoài Ngô Thời Nhậm không ai làm nổi.
Đến khi thắng được quân Mãn Thanh rồi, xem trong giấy tờ Tôn Sĩ Nghị bỏ lại có tờ mật dụ của Vua Càn Long đại khái nói rằng: “Việc quân nên từ từ mà lo liệu chớ nên hấp tấp. Hãy đưa hịch truyền thanh thế đi trước. Cho cựu thần nhà Lê về nước tập hợp nghĩa binh và tìm Tự Quân nhà Lê đem ra cầm đầu để đối địch cùng Nguyễn Huệ, thử xem sự thể thế nào. Nếu lòng người nước Nam còn nhớ nhà Lê mà có quân ta kéo đến, thì ai mà chẳng gắng sức. Nguyễn Huệ tất phải tháo lui. Ta sai Tự Quân đuổi theo trước đại binh ta kéo theo sau. Như thế không khó nhọc mấy mà thành công to. Đó là thượng sách. Ví bằng người trong nước, nửa theo bên nọ nửa theo bên kia, thì Nguyễn Huệ tất không chịu lui quân. Ta sẽ đưa thư vạch rõ đường họa phước xem Huệ đáp ứng thế nào. Đợi thủy quân ở Mãn, Quảng đi đường bể vào đánh dẹp Thuận Hóa, Quảng Nam xong, bộ binh sẽ tiến lên sau. Nguyễn Huệ hai đầu thọ địch, tất phải quy phục. Chừng đó ta làm ơn cho cả hai bên: từ Thuận Hóa trở vào Nam thì cho Nguyễn Huệ. Từ Châu Hoan Châu Ái trở ra thì phong cho Tự Quân nhà Lê. Ta đóng đại binh lại để kiềm chế cả hai bên, sau xử trí.
Vua Quang Trung bảo Ngô Thời Nhậm:
- Mưu đồ của Vua Càn Long, ta đã biết trước rồi. Nay bị thua chắc không nhịn nhục. Hai nước đánh nhau chỉ làm khổ dân. Nếu dùng lời nói khéo để tránh việc Binh Đao việc ấy nhờ khanh chủ trương cho mới được.
Ngô Thời Nhậm vâng mệnh thảo thư, đại khái nói rằng: Nước Nam vốn không dám chống cự với đại quốc. Chỉ vì Tôn Sĩ Nghị làm lỡ việc nên phải thua. Vậy nay xin tạ tội và xin giảng hòa.
Vua Quang Trung sai sứ mang thư sang Tàu, và truyền đem những quân nhà Thanh đã bắt được, để ở một nơi, cấp cho lương thực, đợi ngày cho về nước.
Xong xuôi mọi việc, tháng 2 năm Kỷ Dậu, nhà vua đem quân về Phú Xuân, lưu Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân ở lại Thăng Long thống lĩnh việc quân quốc. Còn việc giao thiệp với Trung Hoa thì ủy thác cho Ngô Thời Nhậm và Phan Huy Ích. Cho tất cả tùy nghi xử sự, hễ không có việc quan trọng thì không phải tâu.
Vua nhà Thanh hay tin Tôn Sĩ Nghị bại binh, đùng đùng nổi giận, lập tức giáng chỉ sai quan nội các là Phúc Khang An ra thay Tôn Sĩ Nghị là Tổng Đốc Lưỡng Quảng, đem binh mã 9 tỉnh sang chinh phạt Việt Nam.
Nhưng nhờ Ngô Thời Nhậm có chính sách xã giao khôn khéo đối với Phúc Khang An ở bên ngoài và các cận thần là Hòa Thân ở bên trong, và lời trần tấu mềm dẻo dịu dàng đối với Vua Mãn Thanh, cho nên Vua Mãn Thanh là Càn Long thuận cho giảng hòa và sai sứ sang phong Vua Quang Trung làm An Nam Quốc Vương.
Vua Càn Long lại tặng cho Vua Quang Trung một chuỗi trân châu và truyền sang năm Canh Tuất (1790) sang chầu.
Còn Lê Chiêu Thống và các quan tòng vong đều bị Vua nhà Thanh truyền đem an trí mỗi người mỗi ngã.
Thế là Vua Quang Trung được chính thức công nhận là Vua nước Việt Nam.
Vua Quang Trung làm biểu tạ ơn, trong có câu:
- Thần hữu mẫu hữu thân, báo đáp ngưỡng bằng ư đại tạo;
Quân vi sư vi phụ, sanh thành thượng kỷ ư long ân
Nghĩa là:
- Tôi có cha có mẹ, báo đáp ngửa nhờ đức cả;
Vua vừa nuôi vừa dạy, sanh thành mãi nhớ ơn sâu
Vua Càn Long khen:
- Lời nói có hậu, trẫm phải coi Huệ như con.
Xuân năm Canh Tuất (1790), Phúc Khang An giục Vua Quang Trung sang chầu Vua Càn Long. Nhà vua bèn chọn người dung mạo phảng phất mình, trá làm quốc vương. Phạm Văn Trị[1] được chọn. Tháp tùng giả vương có hoàng tử Nguyễn Quang Thùy cùng các quan văn võ Ngô Văn Sở, Đặng Văn Châu, Phan Huy Ích, Vũ Huy Tấn, Vũ Danh Tiêu, Nguyễn Tiến Lộc, Đỗ Văn Công. Cống phẩm, ngoài những bảo vật thường lệ, còn có hai thớt voi đực ngà dài hơn sải và một ban nhạc công vũ nữ với mười bài từ khúc chúc thọ do Phan Huy Ích soạn[2].
Sứ bộ khởi trình tại Nghệ An ngày 29 thágn 3 năm Canh Tuất (12-5-1790) và qua khỏi ải Nam Quan ngày rằm tháng 4 (28-5-1970). Tổng đốc Lưỡng Quảng Phúc Khang An và Tuần Phủ Quảng Tây Tôn Vĩnh Thanh đưa Sứ bộ đến Yên Kinh. Lúc ấy Càn Long đi tuần thú, sứ bộ phải đến hành cung sông Nhiệt Hà kệ kiến.
Vua Càn Long tưởng Nguyễn Huệ thiệt, cho vào làm lễ “bảo tất”[3]. Nhà vua vui nhận cống phẩm, và tặng cho Quang Trung bốn chữ “Cùng cực quy thành” và câu đối tự tay Vua viết:
Chúc hạ hiệu tôn thân, vĩnh cửu đơn thầm tri phất thế;
Quán quan ưng sủng tích, tái kê thanh sử vị tiền văn
Cụ Bùi Văn Lang dịch:
Trước sau vẹn chữ tôn thân, lòng đó nghìn sau không dễ lạt;
Đi lại nhờ ơn sủng tử, sử xanh từ trước thật chưa nghe.
Nhà vua lại sắc phong Nguyễn Quang Thùy làm An Nam Quốc Vương Thế tử, rồi truyền mở tiệc đãi sứ bộ.
Trong bữa tiệc nhà vua ngự chế ban cho Quang Trung một bài thơ:
Doanh phiên nhập chúc trị thời tuần
Sơ kiến hồn như cựu thức thân
Y cổ vị văn lai tượng quốc
Thắng triều vãn sự bi kim nhân[4]
Cửu kinh như viễn kỳ trùng dịch
Gia hội ư kim miễn thế nhân
Võ Yến văn tu thuận thiên đạo
Đại Thanh vĩnh tệ vạn niên xuân.
Cụ Bùi Văn Lang dịch:
Dâng lời chúc tụng gặp thời tuần
Mới thấy mà in trước đã thân
Lễ cống khá khen lòng tượng quốc
Triều xưa nghĩ thẹn chuyện kim nhân
Phương xa từng gội ơn nhu viễn
Hội tốt càng khuyên nghĩa thế nhân
Dẹp võ dồi văn là thuận đạo
Nghiệp Thanh bền vững ức muôn xuân
Trong lúc sứ bộ đang ở Yên Kinh thì bọn giặc biển đánh phá miền duyên hải Trung Quốc giáp giới nước ta. Tuớng Trung Hoa là Trần Diệu Cầu nhờ viên biên tướng Việt Nam là Phạm Quang Chương giúp sức, tiêu diệt được bọn giặc biển. Vua Càn Long ban thưởng cho Quang Chương rất hậu và ngỏ lời tin tưởng lòng thành thật của Vua Quang Trung.
Ngày 20 tháng 8 (28-9-1790) Vua Thanh hạ chỏ cho sứ bộ về nước. Lúc bấy giờ là mùa thu, gió sương lạnh lẽo, Càn Long ban cho Quang Trung một tấm áo cầu để mặc ấm và một đồng tiền vàng chạm chữ Phúc to lớn để làm của truyền thế. Lại đòi lại gần long tháp, vỗ vai, ôn tồn ủy dụ, rồi cho người vẽ chân dung Quang Trung làm kỷ niệm.
Sứ bộ được tướng Trung Hoa là Trần Dụng Phu hộ tống suốt dọc đường. Và ngày 29 thágn 11 (3-1-1791) thì đến ải Nam Quan.
Qua năm Nhâm Tý (1792), Vua Quang Trung sai Võ Kỉnh Thành, Trần Ngọc Thụy sang triều đình nhà Thanh hiến thiệp, xin mở cửa ải Bình Thủy ở Cao Bằng và cửa ải Du Thôn ở Lạng Sơn để cho Bắc Nam qua lại buôn bán với nhau được miễn thuế. Lại xin lập nha hàng[5] ở phủ Nam Ninh tỉnh Quảng Tây để người Nam qua đó sinh sống, Vua Càn Long đều chấp thuận.
Lại trước kia 6 châu thuộc Hưng Hóa và 3 động thuộc Tuyên Quang, bị bọn thổ ty nhà Thanh xâm chiếm đem sáp nhập vào lãnh thổ Lưỡng Quảng. Vua Quang Trung viết biểu nhờ Phúc Khang An chuyển lên Thanh triều, thỉnh cầu phân định lại cương giới. Khang An lấy cớ cương giới đã định mà bác khước. Nhà vua có ý bất bình, nên lo dưỡng uy sức nhuệ để rồi đòi lại đất đai của tổ tiên.
Đối với Trung Hoa như thế là tạm yên.
Và Quang Trung còn phải đối phó với Xiêm La, Ao Lao và Miến Điện.
Khi Lê Chiêu Thống chạy sang Tàu, Lê Duy Chỉ ở lại Tuyên Quang, nương nhờ thổ tù Nùng Phúc Tân và Huỳnh Văn Đồng. Chỉ liên kết với thổ dân ở Vạn Tượng, Trấn Ninh, Trịnh Cao, Quy Hợp, Xiêm La chuẩn bị đánh lấy thành Nghệ An.
Vua Quang Trung hay tin, sai Trần Quang Diệu làm Đại Tổng Trấn, Lê Trung làm Đại Tư Lệ, phát binh đi tảo trừ[6].
Tháng 6 năm Canh Tuất (1790), lấy được Trấn Ninh, Tù trưởng là Cheo Nam, Cheo Kiêu bị bắt.
Tháng 8 bình được Trịnh Cao và Quy Hiệp.
Tháng 10, thủ lãnh Vạn Tượng bỏ thành chạy, quân Tây Sơn lấy được vô số chiêng, trống và vài chục thớt voi. Thừa thắng đánh thẳng đến biên giới Xiêm La, chém được Tả súy là Phan Dung và Hữu súy là Phan Siêu. Binh Xiêm thua chạy tán loạn.
Trần Quang Diệu và Lê Trung dẹp yên biên giới, kéo binh về Tuyên Quang đánh Nùng Phúc Tấn và Huỳnh Văn Đồng. Nùng, Huỳnh chống không nổi bị giết, Lê Duy Chỉ chạy không kịp cũng bị giết luôn.
Mùa xuân năm Tân Hợi (1791) Vua Ai Lao là Chiêu An không chịu triều cống, Vua Quang Trung lại sai Trần Quang Diệu đem quân sang vấn tội. Quân Ai Lao sợ hãi xin hàng. Từ ấy hết lòng thuần phục.
Vua Miến Điện hay tin liền sai sứ sang Việt Nam thông hiếu.
Từ ấy bờ cõi phía Tây cũng như phía Bắc được yên ổn.



VUA QUANG TRUNG
VÀ VẤN ĐỀ NỘI TRỊ

Phần đất thuộc Vua Thái Đức, Vua Quang Trung đã được minh định ngay sau khi có sự bất hòa giữa hai anh em: từ Hải Vân Quan trở vô là của Vua Thái Đức. Từ Hải Vân Quan trở ra là của Vua Quang Trung. Nước nhà tuy hai trên thực tế nhưng vẫn là một trên danh nghĩa: hai miền Nam Bắc vẫn lấy niên hiệu Thái Đức.
Khi Vua Quang Trung lên ngôi Hoàng Đế, nhất là sau khi chiến thắng quân Thanh, Bắc Nam mới trở thành hai nước riêng biệt, không xâm lấn lãnh thổ nhau cũng không can thiệp nội bộ nhau.
Tháng 2 năm Kỷ Dậu (1789), giao phó việc cai trị Bắc Hà cho Ngô Văn Sở, Ngô Thời Nhậm, Vua Quang Trung trở về Phú Xuân, lo sửa sang việc nước.

1. HÀNH CHÍNH

Chọn kinh đô.
Vua Quang Trung đã có ý đóng đô tại Nghệ An từ lúc còn làm Bắc Bình Vương. Nhà vua đã nhờ La Sơn Phu Tử chọn đất để lập đô. Ban đầu nhà vua định chọn Phù Thạch trên sông Lam, gần núi Nghĩa Liệt, sau đổi ra Yên Trường (Vinh), cuối cùng chọn Dũng Quyết tức vùng núi Phượng Hoàng.
Địa thế hùng hiểm.
Phía Nam có sông Cồn Mộc và Sông Lam, phía đông bắc có núi Phượng Hoàng.
Đều là hào và thành thiên nhiên che chở cho kinh thành.
Thành không rộng mấy. Bắc Nam chỉ dài chừng 300 mét. Đông Tây dài chừng 450 mét. Đó là nội thành. Ngoại thành chưa xây.
Thành Nghệ An gọi là Phượng Hoàng Trung Đô.
Cải thành Thăng Long là Bắc Thành.
Vì Phượng Hoàng thành chưa xây xong, nên Vua Quang Trung về ngự tại núi Phú Xuân suốt thời gian trị vì.

Tổ chức chánh quyền trung ương.
Vua Quang Trung có ba bà vợ chính thức:
- Bà họ Phạm[7] ở thôn Phú Phong, huyện Tuy Viễn (Bình Khê), phủ Quy Nhơn, mất sớm, sanh hạ được hai trai là Nguyễn Quang Thùy và Nguyễn Quang Bàn.
Bà họ Phạm mất rồi, nhà vua kết duyên cùng bà họ Bùi ở thôn Xuân Hòa (Bình Khê). Bà họ Bùi là mẹ của Nguyễn Quang Toản, Nguyễn Quang Thiệu, Nguyễn Quang Khanh và hai người con gái.
- Ngọc Hân công chúa mới có một con.
Quang Thùy và Quang Bàn lúc bấy giờ đã 17, 18 tuổi.
Quang Toản mới 9, 10 tuổi.
Con Ngọc Hân mới 2 tuổi.
Vua Quang Trung phong bà họ Bùi làm Chánh Cung Hoàng Hậu, bà Ngọc Hân làm Bắc Cung Hoàng Hậu và lập Nguyễn Quang Toản làm Thái tử.
Bà họ Phạm được truy phong là Nhân Cung Đoan Tĩnh Trinh Thục Như Thuần Vũ Hoàng Chánh Hậu, phong cho Quang Thùy làm Khanh Công Lĩnh Bắc Thành, Tiết Chế Thủ Bộ Chư Quân, phong cho Nguyễn Quang Bàn làm Tuyên Công Lĩnh Thanh Hóa Đốc Trấn, Tổng Lý Quân Dân Sự Vụ.
Nguyễn Quang Thùy đã được Vua Càn Long phong là An Nam Quốc Vương Thế Tử. Vua Quang Trung sai sứ đem biểu sang tâu rằng Thùy là con dòng thứ. Càn Long nghe theo, phong Toản làm An Nam Quốc Vương Thế Tử thay Thùy. Có người bất bình, ngỏ ý cùng Nguyễn Quang Thùy, Thùy nói:
- Em tôi hay tôi làm Thái tử cũng thế thôi. Điều cốt yếu là làm thế nào cho nước Đại Nam được mỗi ngày mỗi thêm giàu mạnh, nhà Tây Sơn mỗi ngày mỗi thêm vững bền, là tốt.
Hàng trí thức đương thời khen là “đại nhân”.
Quan chế vẫn tương tợ như cũ. Đại khái trên thì có Tam công là Thái Sư, Thái phó, Thái bảo; Tam cô là Thiếu sư, Thiếu phó, Thiếu bảo, Đại chủng tể, Đại tư đồ, Đại tư mã, Đại tư không; Đại đô đốc, Đại đô hộ. Lại có Trung thư sảnh, Trung thư lệnh, Lục bộ Thượng thư... Thị lang, Tư vụ...

Tổ chức hành chính địa phương.
Đời nhà Lê nước chia làm 13 trấn: Sơn Nam, Sơn Tây, Kinh Bắc, Hải Dương, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hưng Hóa, Lạng Sơn, An Bang, Thanh Hóa, Nghệ An, Thuận Hóa, Quảng Nam.
Đời Quang Trung, trấn Quảng Nam thuộc về Vua Thái Đức, Vua Quang Trung chia Sơn Nam ra làm hai thành Sơn Nam Hạ và Sưn Nam Thượng.
Trấn chia làm nhiều phủ; Phủ chia làm nhiều huyện; Huyện chia làm nhiều tổng; Tổng chia làm nhiều xã; Xã chia làm nhiều thôn.
Trấn thì có Trấn Thủ (võ) và Hiệp Trấn (Văn) điều khiển. Phủ, Huyện thì có Tri phủ, Tri huyện cùng chức Phân tri coi việc kiện cáo, chức Phân xuất coi việc binh lương. Tổng thì có Chánh tổng, Phó tổng. Xã thôn thì có Xã trưởng, Thôn trưởng.

2. QUÂN SỰ

Tổ chức quân đội.
Theo các triều đại trước, quân đội gồm có 5 quân. Trung, Tiền, Tả, Hữu, Hậu. Vua Quang Trung tổ chức thêm những đội quân đặc biệt, gọi Tả Bật, Hữu Bật, Ngũ Chế, Càn Thanh, Thiên Cán, Thiên Trường, Hổ Đôn, Hổ Hầu, Thị Lân, Thị Loan.
Mỗi quân gồm 5 bậc là Sư, Lữ, Tốt, Lượng, Ngũ như xưa.
Ở các phủ, huyện, quân đội lại chia ra từng đạo cơ và đội.
Đạo thống cơ, cơ thống đội.
Tất cả đều ở dưới quyền viên võ Phân xuất.
Triều Vua Thái Đức thì lính mộ chớ không bắt.
Vua Quang Trung dùng chính sách cưỡng bách.
Để tiện việc kiểm soát trong khi bắt lính, nhà vua đặt ra tín bài.
Tín bài là một chiếc thẻ, một phía thì ghi tánh danh, quản chỉ và dấu lăn tay hay chữ ký của “chủ nhân chiếc thẻ”, một phía có đóng dấu ấn có bốn chữ “Quốc gia đại tín”. Người nào không có tín bài thì bị bắt sung vào phòng dịch.
Nhà vua còn đặt ra hộ tịch, chia dân ra làm bốn hạng: từ 9 đến 17 tuổi gọi là Vị Cập cách hạng; từ 18 đến 55 tuổi gọi là Tráng hạng; từ 56 đến 60 tuổi gọi là Lão hạng; từ 61 tuổi trở lên gọi là Lão nhiêu. Bốn hạng người đó phải ghi tên vào hộ tịch. Những người từ 18 đến 55 tuổi phải đi lính. Nhưng không phải tất cả những người trong tuổi ấy đều phải đi lính. Những gia đình độc đinh thì được miễn. Trong gia đình đông con thì phải cử ba tráng đinh, phải đi nhập ngũ một người. Những khi cần thiết lắm mới phải nhập ngũ hai người. Nhờ có ghi rõ tên tuổi trong hộ tịch nên tránh bớt sự bất công.

3. KINH TẾ TÀI CHÍNH

Đúc tiền.
Từ trước nhân dân Thuận Hóa cũng như Bắc Hà dùng tiền nhà Lê. Sau khi lên ngôi Hoàng Đế, Vua Quang Trung cho đúc tiền mang danh hiệu Quang Trung thay thế cho tiền Cảnh Hưng, Chiêu Thống.

Dinh điền.
Nèn kinh tế vẫn đặt trên cơ sở nông nghiệp.
Sau những cuộc chiến tranh kéo dài giữa Trịnh - Nguyễn, Tây Sơn - Trịnh, giữa Hoa - Việt, số dân giảm xuống rất nhiều. Do đó có một số ruộng đất bỏ hoang. Nhà vua đưa những người nghèo khổ ở những nơi đông đúc tới đó để cày cấy làm ăn. Chính quyền địa phương phải giúp đỡ mọi phương tiện.
Để có thể nắm vững tình hình, nhà vua buộc các Tổng lý phải làm sổ điền kê khai đầy đủ những ruộng đất canh tác và ruộng đất bỏ hoang. Những ruộng đất bỏ hoang trong thời gian một năm mà không được khai thác trở lại thì các nhà chức trách địa phương phải bị tội.
Nhờ vậy mà tránh được sự chênh lệch về mặt kinh tế cũng như về mặt mật độ dân cư từng địa phương.

Thuế khóa.
Dưới thời Trịnh Nguyễn, nhân dân phải nộp thứ thuế gọi là “Tiền điệu” tức là tiền nạp thuế cho việc sưu dịch. Vua Quang Trung bãi bỏ thứ thuế ấy. Những lúc trong nước hay địa phương cần dùng nhân công thì mọi người đều phải góp phần, giàu cũng như nghèo, trừ những bậc lão nhiêu, lão hạng, không ai được miễn. Những người nào không tự mình thi hành nhiệm vụ được thì bỏ tiền ra thuê người thay thế chớ không được đem nạp cho các nhà chức trách.
Thuế ruộng đất công tư đều phải xét lại rồi mới phân hạng theo mức sản xuất hàng năm, và chia làm ba hạng. Thuế nạp bằng lúa. Cũng có thể nạp bằng tiền tính theo thời giá. Ngoài số lúa là “Thập vật tiền” là tiền công trả cho người đứng thâu thuế, và “Khoán khố tiền” tức là tiền “tồn kho”. Mức thuế đã quy định rõ ràng. Thu lên bị tội “tham nhũng”.

4. VĂN HÓA

Việc học.
Việc học được tổ chức khắp mọi nơi, từ xã đến phủ huyện. Ban Giảng dụ ở xã giao cho những người học hạnh kiêm toàn ở địa phương hoặc mời ở các địa phương khác. Xã hội do chính quyền địa phương tổ chức. Tư nhân vẫn có quyền rước thầy về dạy con em trong nhà trong làng, vô điều kiện. Học sinh ở các trường tư vẫn được coi như học sinh trường công. Các trường phủ trường huyện thì có Đốc học, Huấn đạo điều khiển. Những vị thầy trung ương bổ nhiệm và lựa trong làng khoa bảng triều Lê, lương hướng và phẩm trật ngang với tri phủ, tri huyện.
Hằng năm vào mùa thu, mở khoa thi Tấn Sĩ, chọn những phẩn tử ưu tú thăng vào Quốc học, hạng thứ vào Phủ học.
Học và thi đều dùng hai thứ là chữ Hán và chữ Nôm.

Chữ Nôm.
Chữ Hán là chữ Trung Hoa, nước ta dùng làm Quốc tự đã trên dưới 2.000 năm, tục gọi “Chữ Ta”.
Chữ Nôm do chữ Hán biến chế ra (chữ của nước nhà).
Chữ Nôm có từ khi nào chưa được rõ. Đời nhà Trần khoảng 1279-1293, các sĩ phu trong nước dùng chữ Nôm làm thơ Đường luật, gọi là thơ Hàn luật. Chữ Nôm từ đó được thịnh hành. Nhưng chỉ trong dân gian dùng mà thôi. Các giấy tờ nơi cửa công đều dùng chữ Hán. Mãi đến đời nhà Hồ (1400-1407) mới được các cơ quan chính quyền dùng vào việc từ hàn. Nhà Hồ mất, chữ Nôm cũng mất địa vị theo. Vua Quang Trung phục hồi chân giá trị.
Có nhiều người có học không hiểu ý nghĩa sâu xa trong việc dùng chữ Nôm thay chữ Hán, đã buông nhiều lời bất tồn như “Nôm na là cha mánh khóe”, “Nôm na là cha bá láp”. Lại có chuyện rằng:
Trong một khoa thi Tấn Sĩ, đề thi ra “Con cóc”, một thí sinh có bài:

Da thời ghẻ chốc mọc tàm ngoam
Vóc lại u nu giống trái chàm
Nòng nọc đứt đuôi ra khỏi nước
Gặp nhằm tổ mối miệng chàm bàm.
Ban giám khảo đánh hỏng. Duyệt lại các quyển hỏng, thấy bài này, Vua Quang Trung khen là ý mới lời ta, lấy đậu ưu hạng và cho vào Quốc học. Lại quở ban giám khảo “hữu nhãn vô châu”, cấm không được đi chấm thi nữa.
Chưa có thể hoàn toàn dùng chữ Nôm thay chữ Hán cho nên trong việc học hành, việc thi cử và việc thư trác chốn công môn, chiếu biểu nơi triều đình, đều dùng cả hai thứ chữ, không có ý trọng khinh.
Nhà vua lập Sùng Chính viện, thỉnh La Sơn Phu Tử làm Viện trưởng.
Công việc chính của Viện là dịch những tác phẩm có giá trị về đạo đức và văn chương ra chữ Nôm để phổ biến trong toàn quốc.
Cộng tác cùng Phu Tử có nhiều nhà khoa bảng triều Lê như Nguyễn Công, Nguyễn Thiện, Phan Tố Định, Bùi Dương Lịch... rất sành văn Nô.
Vào đầu năm Quang Trung thứ năm (1792, Viện đã dịch xong bộ Tứ Thư và Tiểu Học. Nhà vua xuống chiếu sai dịch tiếp các bộ Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Dịch... không rõ bộ này đã dịch xong chưa. Hiện chỉ tìm được bản Kinh Thi Giải Ân khắc mộc, ban năm Quang Trung thứ 5[8].
Nhờ sự khuyến khích của Vua Quang Trung mà văn chương chữ Nôm thời Tây Sơn được thịnh vượng. Nhiều tác phẩm có giá trị ra đời như Hoa Tiên truyện, Mai Đình Mộng ký, Chinh Phụ Ngâm diễn Nôm, Thơ Hồ Xuân Hương, Thơ Xuân Kiều v.v... được truyền thế.
5. TÔN GIÁO
Vua Quang Trung muốn lấy đạo Nho làm quốc giáo, nên khuyến khích việc phát triển Nho học.
Đối với đạo Phật nhà vua vẫn ngưỡng mộ, song rất ghét những người lợi dụng chùa để “trốn xâu lậu thuế”, để “không làm mà có ăn”. Nhận thấy làng nào cũng có chùa, mà phần nhiều thầy chùa ít học, không mấy người hiểu thấu đạo lý cao sâu của đức Thích Ca, chỉ mượn tiếng tu hành để ký sinh vào xã hội, nên nhà vua xuống chiếu bắt bỏ những chùa nhỏ ở các làng. Mỗi huyện hoặc mỗi phủ được cấp gỗ gạch để xây một ngôi chùa đồ sộ khang trang, rồi chọn những tăng ni có học thức, đạo đức đến trụ trì. Còn những nhà sư đội lốt tu hành, tục gọi là những “Huề mầm” đều bắt phải hoàn tục, lo bổn phận người dân[9].
Các đạo khác như Lão giáo, Ma Ní giáo... được tự do truyền bá.
Thiên Chúa giáo cũng không bị ngăn cấm[10].
Nói tóm lại dưới triều Tây Sơn, nhân dân được tự do tín ngưỡng.

6. CHỌN NHÂN TÀI
Vua Thái Đức dùng phương Chiêu hiền để có người anh tài ra giúp nước. Những kẻ sĩ tự mình đến tham kiến hoặc người có uy danh đề cử, nếu xét quả có tài đức, đều được trọng dụng.
Vua Quang Trung theo các đời trước cho mở các khoa thi Võ và Văn ở tại kinh đô Phú Xuân, tương tự như những khoa thi Hội đời Lê.
Tất cả mọi người đều được ứng thí.
Ba năm mở một khoa. Khoa đầu tiên mở vào năm Quang Trung thứ nhì (1789).
Khoa thi văn, gọi là khoa Minh Kinh, có nhiều người ở miền Trong ra ứng thí. Trúng tuyển vào hạng ưu có:
- Phan Văn Biên ở Phú Yên đã giỏi về Kinh Sử, thông cả bách gia chư tử lại còn thạo âm nhạc, rành toán pháp. Đậu xong được bổ ngay làm Huấn Đạo.
- Đinh Sĩ An người Bình Khê. Thơ văn thanh khoáng, Cùng Ngô Diên Hiệu, Phan Đình Văn, Huỳnh Chiếu nổi danh về văn học. Đời đời xưng tụng là “Tây Sơn tứ tài tử”. Đậu xong được bổ làm việc ở Nội Các với hàm Hàn Lâm.
- Phạm Văn Tung, người Phù Mỹ, có tiếng hay chữ từ lúc nhỏ, lại có tài cưỡi ngựa bắn cung. Sơ bổ làm tự vụ ở Các, sau làm Hiệp trấn Phú Yên.
- Trần Trọng Vỹ, người Hoài Ân, thơ hay. Theo nhà Tây Sơn làm một chức quan nhỏ. Sau khi đỗ khoa Minh Kinh liền được bổ làm Thị lang bộ Lễ.
- Đặng Sĩ Nguyên, người Quảng Nghĩa, tánh phương nghiêm chính trực, sơ bổ làm Biên tu.
- Đặng Mộng Kỳ người Quảng Nam, tài kiêm văn võ. Tuy đậu khoa văn, nhưng lại thường lập được nhiều võ công, làm cho quân Nguyễn Phúc Ánh sợ gọi là “Đặng Gia Gia”.
- Lý Xuân Tá người Quảng Nam, tánh nghiêm trực rất ghét dị đoan. Lúc làm quan thường cứu được nhiều người bị kết án oan uổng và thường phá hủy những đền miếu thờ những dâm thần ác quỷ. Làm quan đến chức An Phủ ở Phú Yên.
Đó là những người ở trên phần đất của Vua Thái Đức, nhưng vẫn thi đỗ làm quan cùng Vua Quang Trung mà không bị kỳ thị.
Còn người ở Thuận Hóa và Bắc Hà thi đậu cũng nhiều. Nổi tiếng nhất là Đặng Cao Phong. Đặng thi đậu liền được bổ vào Nội Các với chức Hàn Lâm Học sĩ, rồi thăng Trung Thư Thị lang. Những chuyện cơ mật trong triều ngoài quận đều được tham dự. Vua Quang Trung rất ái tín.
Khoa thi võ người miền trong ra thi cũng nhiều. Có hai người xuất sắc:
- Phạm Cần Chính, người Phù Cát, học chữ Hán rất giỏi, nhưng ghét thói văn chương phù phiếm, chỉ chuyên nghiên cứu binh pháp. Lúc nhỏ nhà nghèo, không tiền mua dầu thắp, nhặt củi làm đèn, đọc sách, tập văn đến gà gáy mới ngủ. Lớn lên học võ. Sức mạnh như Hạng Vương có thể kéo cung sắt nặng 300 cân, cắp hai nách hai tảng đá nặng hàng tạ nhảy qua rào cao quá với. Thiện dụng cây thiết sóc[11]. Người đời gọi là Phạm Thiết sóc. Được Vua Quang Trung cho đổi sang họ Nguyễn.
- Lê Sĩ Hoàng, người Quảng Nam. Võ nghệ siêu quần. Lúc nhỏ nghèo chăn trâu cho một phú nông trong ấp. Trâu bị cọp bắt, Hoàng sợ tội chạy vào núi trốn, gặp được dị nhân truyền võ nghệ. Lê có tài sử dụng đại đao.
Trong lúc thi, Vua Quang Trung sai Trần Quang Diệu ra tỉ thí. Tài sức ngang nhau. Nhà vua cao hứng đòi đấu thử. Lê Sĩ Hoàng cung kính tạ từ.
- Với Trần Tướng Quân, hạ thần còn không địch nổi huống chi với Bệ Hạ.
Vua Quang Trung đắc ý, vỗ vai nói:
- Đây là Hứa Chử của ta.
Rồi cởi chiếc cẩm bào đương mặc ban cho Lê Sĩ Hoàng.
Sĩ Hoàng cùng Quang Diệu được đời tôn xưng là Tây Sơn Song đao.
Hai người đều được triều đình trọng dụng và lập được nhiều chiến công, cùng với các võ sĩ phò tá Tây Sơn từ trước, được liệt vào hàng lương tướng.
7. DẸP PHIẾN LOẠN
Dư đảng của Vua Lê, ngoài Lê Duy Chỉ dựa vào lực lượng các thổ dân ở các miền núi ngoài biên giới để chống lại nhà Tây Sơn[12] và đã bị Trần Quang Diệu dẹp yên, còn các cuộc bạo loạn rải rác ở miền Bắc.
Thứ nhất là cuộc bạo loạn của Trần Quang Châu người huyện Gia Bình thuộc Bắc Ninh, đã từng giúp Lê Chiêu Thống trốn tránh. Lúc Tôn Sĩ Nghị kéo quân xâm lấn nước ta Châu theo hộ giá Chiêu Thống và được phong làm Tiên Phong Đại Tướng. Quân Thanh thua, Vua Lê bỏ chạy. Châu chạy về huyện nhà, mộ binh đánh phá các vùng lân cận. Võ Văn Dũng được cử đi đánh dẹp. Nhờ địa thế hiểm trở binh của Châu cầm cự với quân Dũng từ thu Tân Hợi (1791) đến xuân Nhâm Tý (1792).
Châu bị bắt, dụ hàng không được nên Dũng đem giết đi.
Thứ hai phải kể đến cuộc dấy loạn của Dương Đình Tuấn người huyện Yên Thế (Bắc Giang), phò Lê Chiêu Thống trong lúc ẩn náu để chờ đợi viện binh. Khi Chiêu Thống chạy theo Tôn Sĩ Nghị, Tuấn ở lại tiếp tục hoạt động chống Tây Sơn, Đặng Văn Long phụng mệnh đi tảo trừ. Tuấn đánh không lại, trốn vào rừng rồi biệt tích.
Ngoài ra còn có Phạm Đình Đạt người Vũ Giang (Bắc Ninh), cùng các em là Tạo sĩ Phạm Đình Phan, Tiến sĩ Phạm Đình Dữ và các con là Phạm Đình Hân, Phạm Đình Cù, Phạm Đình Ninh, Phạm Đình Duật quật khởi ở núi Huyền Đinh tục gọi là núi treo đanh. Thường hoạt động mạnh ở vùng Lạng Giang. Quân Tây Sơn do Đặng Văn Long chỉ huy phải đánh dẹp mãi mới tiêu diệt được.
Những đám phiến loạn dẹp yên, trong nước dồn công sức vào công việc kiến thiết xã hội.


[1] Phạm Văn Trị là anh bà họ Phạm mẹ Nguyễn Quang Thùy.
[2] Mười bài từ đó là: Mãn đình phương, Pháp giá dẫn, Thiên thu tuế, Lâm giáng tiên, Thu ba tế, Bốc dưỡng tử, Yết kim môn, Hạ thánh triều, Lạc xuân phong, Phượng hoàng các.
[3] Bảo tất là ôm gối: con ôm gối cha để đón niềm vui vẻ (tất hạ thừa hoan). Đó là Vua Càn Long muốn cụ thể hóa lời nói của Vua Quang Trung trong bài chiếu tạ ơn, và lời của chính mình khi xem xong tờ chiếu.
[4] Câu này chép theo cụ Bùi Văn Lang. Có người đọc là: Tiền triều kham tiếu đại kim nhân. Lại có người đọc: Thắng triều vãng sự đại kim nhân.
   Chuyện “Người vàng”: Trong trận Chi Lăng, Lê Lợi bắt giết tướng Minh là Liễu Thăng. Sau Vua Minh buộc Vua Lê phải cống người vàng để thường mạng. Các triều Lê, Mạc đều nộp hàng năm. Đến đời Lê Trung Hưng, triều Lê Dụ Tông Nguyễn Hãn dùng tài ngoại giao xin bãi bỏ. Đến đời Quang Trung, Tổng Đốc Lưỡng Quảng Phúc Khang An viết thư nhắc lại lệ ấy. Vua Quang Trung phản đối. Vì nể kẻ chiến thắng Vua Thanh làm ngơ.
[5] Nha hàng: Cơ quan giới thiệu về việc mua bán.
[6] Lê Trung, người Phù Mỹ phủ Quy Nhơn, văn võ gồm tài. Đi lính ở Phù Ly, theo Vua Quang Trung ra Thuận Hóa, lập nhiều chiến công làm lên đến chức Đô Đốc. Tính trung nghĩa thường ngâm câu thơ của Văn Thiên Tường:
Nhân sanh tự cổ thùy vô tử
Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh.
[7] Theo cụ Bùi Văn Lang thì bà họ Phạm là người Duy Xuyên (Quảng Nam), cùng mẹ khác cha với Bùi Văn Nhật, Bùi Đắc Tuyên; năm 30 tuổi được phong làm Hoàng Hậu và sanh hạ được ba trai hai gái, Quang Toản là trưởng nam. Cụ Bùi đã lầm, vì bà họ Phạm và bà họ Bùi còn miêu duệ ở Phú Phong, Xuân Hòa.
[8] Theo sách La Sơn Phu Tử của Hoàng Xuân Hãn.
[9] Có nhiều nhà sư hiện đại cho việc làm vua Quang Trung là “chống lại Phật giáo” và gọi Tây Sơn là “Ngụy triều”.
[10] Trong lá thư đề ngày 18-7-1793 của Linh mục Le Roy gởi cho Plandin, có câu ‘Từ khi nhà Tây Sơn lên làm chủ. Tôn giáo được tiến bộ”, đăng trong Nouvelles des missions etrangères cuea M. de la Bissachère năm 1902.
[11] Một loại giáo
[12] Xem mục “Vua Quang Trung  đối ngoại”.