Tạp Ghi @ QUỲNH GIAO (2)

TẠP GHI @ QUỲNH GIAO

PHẦN 2


13 Truyện Ngắn Ukraine
14 Kiếp Tằm và Con Ngựa
15. Thu của Đoàn Chuẩn
16. Cô Gái Xâm Hình Rồng
17. Nhậu và Nhẹt
18. Nổi Trôi mà Không Chìm
19. Tùy bút mà Tạp ghi...
20. Bóng Chiều Xưa
21. Mưa Rơi…
22. Hai Cõi Thiên Thai
23. Có Hai Chàng Trương
24. Thời Gian Ở Trên Tay....
-------------------------------------------------------------------------- 


13. Truyện Ngắn Ukraine


Trong mấy tuần liền thì trừ phi ở một hành tinh khác, ai ai cũng thấy tin tức và hình ảnh của dân chúng Ukraine nổi dậy ở trong nước rồi bị Nga uy hiếp từ bên ngoài, trước sự ngập ngừng của các cường quốc. Người viết này không đi vào trang bình luận mà chỉ xin nhắc tới một ngụ ngôn của Ukraine.

Thế giới văn học có Anton Chekhov là văn hào đất Ukraine. Sinh năm 1860 và mất cách đây đúng 110 năm, Chekhov tốt nghiệp bác sĩ mà lại soạn kịch, rồi nổi tiếng nhất với nghệ thuật viết truyện ngắn. Ông có ảnh hưởng lớn trong suốt thế kỷ 20 và cho đến ngày nay. Chẳng năm nào mà không có người dựng kịch, làm phim hay viết truyện từ các tác phẩm, nhân vật hay từ chính cuộc đời của Chekhov.

Nói đến truyện ngắn Chekhov thì từ khi còn cắp sách đi học chúng ta đều có đọc hay là nghe nói đến "Con Cắc Kè Bông", được viết từ 130 năm trước. Quỳnh Giao xin được tóm tắt theo trí nhớ như sau...

Hôm đó khu chợ có vẻ lạnh lẽo vì viên cảnh sát trưởng xuất hiện, đi sau là một thuộc hạ tóc đỏ bẻm, tay cầm giỏ đầy những cây trái bị họ tịch thu. Đấy là giờ phút của hung thần nên dân làng nín thinh. Họ lảng qua một bên.

Bỗng đằng sau có người la lớn và tiếng chó ăng ẳng. Đó là anh thợ bạc đang rượt một con chó nhỏ. Con vật chỉ có ba chân khập khiễng nên chạy không thoát và bị nắm lấy chân sau. Dân hiếu kỳ bu lại tìm hiểu ngọn ngành. Giữ chặt con chó run rẩy, anh thợ bạc đưa lên một ngón tay rướm máu.

Viên cảnh sát trưởng bước tới với đầy quyền uy. "Chuyện gì đây vậy?"

"Thưa ngài, tôi là người làm ăn chân chỉ, bỗng dưng con súc sinh này nó cắn vào tay. Bây giờ ngón tay bị thương như vậy thì coi như một tuần mất việc. Thời buổi cách mạng này thì ai ai cũng bình đẳng, đâu có thể thả chó cắn người rồi thôi!"

"Chí lý đấy. Con chó của ai vậy, sao để chạy rông và cắn người đi đường? Ngài cảnh sát trưởng ra lệnh cho tay thuộc cấp điều tra và làm báo cáo, để phạt người chủ và treo cổ con vật này. "Không chừng nó mắc bịnh dại đấy. Ta đã hỏi, chó của ai đây?"

"Tôi ngờ rằng đó là con chó của Đại tướng." Có gã nhà quê rụt rè lên tiếng.

Viên cảnh sát trưởng lập tức cởi áo khoác vì thấy toát mồ hôi. Quay lại anh thợ kim hoàn ngài quắc mắt. "Này, làm sao con chó này có thể nhảy lên cắn vào tay một kẻ cao lớn như anh? Có gì thì khai thật đi! Hay là tay đụng phải cây đinh rồi nắm lấy con chó để đòi làm tiền? Ai chẳng biết cái tật gian ác này!"

Gã nhà quê nhanh nhảu mách thêm. "Anh ta đòi tọng điếu thuốc vào họng nó để chơi nên mới bị nó táp một miếng vào ngón tay!"
Người thợ kim hoàn đờ đẫn phân trần với vẻ nịnh nọt.

May quá, có tên thuộc cấp tháp tùng: "Thưa ngài, tôi biết Đại tướng không có con chó này. Người chỉ nuôi toàn chó săn lông xù thôi."

Thấy tay thuộc hạ nói thế, ngài cảnh sát trưởng gật gù. "Ta cũng nghĩ vậy, trong nhà Đại tướng thì làm gì có giống hoang dại què quặt ấy. Này anh chàng kia, đất nước văn minh này có luật lệ hẳn hoi và mình phải tìm người chủ để làm cho ra lẽ."

Nhưng cái anh tùy tòng lại lẩm bẩm như nói một mình. "Tôi nhớ rồi, đã thấy con chó này trong dinh Đại tướng. Không lầm được!"

"Này, đưa ta cái áo, trời lại trở gió rồi!" Viên cảnh sát trưởng rùng mình, khoác lại áo và ra lệnh cho thuộc cấp: "Lên dinh Đại tướng hỏi han và trình rằng ta thấy con chó này, chắc là một giống hiếm đấy. Còn anh kia, hạ tay xuống chứ, khoe làm chi sự dại dột của anh?..."

"May quá, có bác đầu bếp của Đại tướng. Hãy hỏi xem.... Này bác, nhìn con chó này, có phải là của trên ấy không?"

"Làm gì có! Chúng tôi không có giống này!" Người đầu bếp ngoe nguẩy.

"Nếu vậy thì khỏi mất thời giờ." Viên cảnh sát trưởng lên giọng phán bảo. "Chó hoang đấy, đập chết là xong!"

Người đầu bếp nói tiếp: "Con chó này là của người anh Đại tướng, ông ta mới đến hôm kia. Quan ngài của chúng tôi thì để ý gì tới bầy chó trong dinh, nhưng vị khách kia lại rất mê chó..."

"Ôi, bác nói sao? Bào huynh của Đại tướng, đức Điện hạ Vladimir vừa từ trên kinh xuống hả?" Viên cảnh sát trưởng sáng rỡ nét mặt. "Ngài rất quyến luyến Đại tướng và lại có biệt tài nuôi toàn những chó quý. Nhờ bác đem nó về cho ngài... Gừ gừ, con chó này sao khôn quá đi!"

Trong khi người đầu bếp bưng con chó con về thì viên cảnh sát trưởng có cái nguýt dài bằng tiếng cười của dân làng. "Này anh thợ bạc kia, liệu hồn đấy!"
Hăm dọa rồi, viên cảnh sát trưởng quấn lấy áo choàng và ngửng lên tìm hướng gió....

Truyện ngắn này của Chekhov có tên là con cắc kè, giống vật có biệt tài đổi màu da, nhưng cũng là ngụ ngôn về gió. Thổi chiều nào, ta theo chiều ấy... Nhớ truyện xưa lại thấy thương người dân biểu tình ở Ukraine ngày nay.

Quỳnh Giao viết tháng 3-2014.
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562/posts/10208213572815024




14. Kiếp Tằm và Con Ngựa


Trung Hoa là nơi đầu tiên có bí quyết trồng dâu nuôi tằm để kéo thành tơ.
Họ tìm ra nghệ thuật ấy từ hơn bốn ngàn năm trước, nhưng giữ bí mật trong hai mươi thế kỷ cho tới khi bị tiết lộ qua Tây Vực vào đời nhà Hán, rồi mở ra Con Đường Tơ Lụa nổi tiếng trong lịch sử.
Ngày nay thì cả thế giới đều ưa thích tơ lụa và các cô gái thì được nghe truyện Hoàng hậu Luy Tổ.

Là vợ của Hiên Viên Hoàng Đế vào đời thái cổ hoang đường, bà Luy Tổ đang uống trà thì có cái kén rơi vào tách nước nóng. Lấy móng tay kéo ra thì bà được sợi tơ óng mịn, nhờ vậy mà phát minh ra nghề tằm tơ. Truyền thuyết ấy của Trung Hoa một lúc nói về hai khám phá rất đẹp của nhân loại là tơ và trà....

Chờ đón Xuân Giáp Ngọ, người viết lại xin kể một truyện cổ tích về con ngựa, có khi giải thích vì sao người ta giữ bí mật về con tằm qua sự tích bà Luy Tổ.

Trung Hoa là xứ hay gặp chiến tranh nên truyện này có thể ứng vào nhiều đời vua khác nhau. Vì nạn binh đao, có người đó phải tòng quân và được gửi ra chiến trường. Ở nhà chỉ còn bà vợ, cô con gái và một con ngựa quý, được cô gái chăm sóc từ khi còn bé. Vắng bóng cha, nàng chỉ nghe thấy tin dữ ngoài biên ải và hàng ngày tâm sự với con ngựa về nỗi lo lắng của mình.

Một hôm đó, nàng ứa lệ thủ thỉ với con vật chung thủy: "Ngựa ơi, phải chi mi biết tìm ra biên thùy mà đón cha về. Lạy trời, ai mà cứu được cha thì ta nguyện suốt đời làm vợ..."

Chuyện không ngờ là con ngựa lại lồng lên hý vang trời, bứt phá cổng trại và phi như bay vào cõi bạt ngàn. Đợi mãi chẳng thấy ngựa về, cô gái đành kể cho gia đình chuyện mất ngựa nhưng giấu kín lời nguyện của mình.

Nàng không ngờ là nhiều ngày sau đó con ngựa đã tìm ra biên ải và nửa đêm vượt rào bay vào trại lính, nơi người cha đang đóng quân. Thấy con ngựa quý, ông đoán là ở nhà có chuyện dữ nên lặng lẽ đóng cương trốn khỏi trại. Khi về đến nhà thì thấy mọi người vẫn bình an và gia đình mừng ngày đoàn viên. Con ngựa được thưởng công ngàn dặm tìm chủ bằng cỏ non và thóc quý.

Nhưng lạ thay. Nó không ăn gì cả, cứ nằm im trong chuồng, đôi tai đôi mắt thì hướng ra ngoài. Ở bên ngoài, qua một sân trại, cô gái cũng lầm lì trong phòng kín tránh đi ra ngoài. Vài ngày sau, cả người và vật đều như mắc bệnh.

Người cha buồn lòng về tình trạng của con ngựa và thấy nó chỉ thoáng nét tinh anh khi có tiếng cô gái văng vẳng ở nhà trên. Hỏi gặng thì cũng chẳng hiểu tại sao vì ban đầu cô con gái vẫn tránh nói thật.

Mãi rồi nàng mới kể, rằng con đã nguyện lấy bất ai có thể đón cha về!

Giận dữ về sự vô tâm của con gái khi thề thốt như vậy với một con ngựa, ông cũng thấy cảm động về nỗi lòng của con. Ông thương con ngựa đã quyến luyến cô tiểu chủ từ bé và còn thông minh vượt qua ngàn dậm để tìm ra mình. Nhưng làm sao có thể gả con gái cho ngựa?

Sau nhiều ngày phân vân về tình trạng éo le này, ông cầm gươm bước vào tàu ngựa nhìn con vật gầy gò nằm bẹp dưới đất, và lấy một quyết định đau lòng. Đến lúc cuối, con vật phì phò ngước mắt nhìn ra cánh cống xưa kia vẫn có cô gái thắt bím bước vào thủ thỉ.

Người cha giữ lại bộ da ngựa làm kỷ niệm về con vật chung thủy và chôn xác ở một gò hoang nơi góc vườn. Cô gái thì mừng rỡ và sáng hôm sau bước ra ngoài chào đón ánh nắng mặt trời.

Chuyện không ngờ là khi nàng đến góc vườn thì có cơn gió nổi lên từ gò hoang, thành con lốc xoay tròn quanh cô gái. Nàng bị bốc khỏi mặt đất và thất thanh gọi cha. Người cha chạy ra thì chỉ thấy con gái cuộn trong gió lốc bay về cõi xa. Ông rượt theo bóng con mất nhiều ngày cho đến khi tới một ruộng dâu.

Nơi đó chỉ có một con tằm màu trắng nõn như màu áo của cô gái.

Người cha đem tằm về nhà, cùng bà vợ nuôi nấng chiều chuộng như con gái. Từ đấy, họ có những sợi tơ vàng óng mịn mà. Và xứ Trung Hoa có một báu vật nổi danh trên thế giới. Không còn mấy ai nhắc đến con ngựa. Nhưng phải chăng, cô gái vẫn nhả tơ theo đúng lời nguyền năm xưa?

Trong các truyện tích về kiếp tằm nhả tơ, có lẽ truyện này còn lãng mạn mà oan nghiệt hơn nhiều bi kịch Hy Lạp. Và có ý nghĩa hơn truyện bà Luy Tổ....

Quỳnh Giao viết ngày 28-01-2014 (ngay trước Tết năm Ngọ)
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562/posts/10208228563629785





15. Thu của Đoàn Chuẩn



Hình như rằng ngay từ thời "năm tư" đã xuất hiện câu "chúng ta đi mang theo quê hương". Và mãi đến sau này, khi trời vào Thu ở bất cứ nơi nào, mình còn có thể nói "chúng ta đi mang theo Mùa Thu".

Gửi gấm cái hương Thu của Hà Nội cho những người ly hương chính là Đoàn Chuẩn. Ông là nhạc sĩ của mùa Thu, mà phải là mùa Thu của Hà Nội thanh lịch, trong cái nắng se lạnh của làn gió heo may, có tà áo nhung của nhà Cát Tường, thường được gọi là áo "Lemur".

Không phải vì tựa đề của bài hát là mùa Thu, mà tất cả các ca khúc của Đoàn Chuẩn đều có mùa Thu dù dưới nhan đề khác.

“Tình Nghệ Sĩ" được viết vào mùa Thu 1947 mở đầu bằng câu:

Đây khách ly hương mấy thu vàng ấm
Nơi quán cô đơn mơ qua trùng sóng
Mơ tới bên em, em tô quầng mắt
Em tôi ngập ngừng trong tấm áo nhung


Ca khúc đầu tiên của Đoàn Chuẩn viết tại một hàng cà phê ngon kỳ lạ của vùng Tự Do ở Khu Tư, tên là Thanh Hương. Đây là tên của cô hàng xinh đẹp mà người nhạc sĩ muốn viết: "Đây quán Thanh Hương mấy thu vàng ấm". Ở trong Nam, nhiều người di cư từ miền Bắc thì nghĩ đến phận ly hương của mình, nhưng sự huyền diệu của lời ca che giấu một bí mật trong gần nửa thế kỷ.

Qua đến "Lá Thư" ông viết năm 1949 cũng mở đầu như sau:

Nhớ tới mùa Thu năm xưa gửi nhau phong thư ngào ngạt hương
Nét bút đa tình lả lơi…

Nhớ phút ngập ngừng lòng giấy viết rằng

Chờ đến kiếp nào, tình đầu trong gió mùa, người yêu ơi… 

Ca khúc này, người nghệ sĩ viết vì nhớ phút giây xao xuyến. Nàng là em gái của một người bạn phố hàng Đàn. Bài hát tha thiết là lời chia tay:

Em nay về đâu, phong thư còn đây
Nhớ nhau tìm trong ánh sao


Cũng như thế, chúng ta thấy thấp thoáng mùa Thu trong "Thu Quyến Rũ":

Anh mong chờ mùa Thu
Trời đất kia ngả màu xanh lơ
Đàn bướm kia đùa vui trên muôn hoa
Bên những bông hồng đẹp xinh..

Hay trong "Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay":

Với bao tà áo xanh đây mùa Thu
Hoa lá tàn hàng cây đứng hững hờ
Lá vàng từng cánh rơi từng cánh
Rơi xuống âm thầm trên đất xưa

Hai bài "Chuyển Bến" và "Cánh Hoa Duyên Kiếp" có tựa cũ là "Dạ Lan Hương" cũng đậm hương Thu, được viết để tặng nữ danh ca Mộc Lan xinh đẹp nõn nà vào thập niên 50.

Xúc động nhất là "Tà Áo Xanh" tức "Dang Dở" viết vào mùa Xuân 1955 là lời trao đổi đầy ân hận, lảng tránh. Đó là mối tình trên giấy, lãng mạn mà chừng mực. Mỗi tuần, ông gửi thư và một bó hoa lan trắng đến đài phát thanh Pháp Á. Lòng ông thổn thức khi nghe tiếng nàng vang vọng trên làn sóng âm thanh câu hát của bài "Dạ Lan Hương":

Từ một nơi xa xôi
Cách bao núi rừng suối đồi
Anh gửi mấy cánh hoa về người yêu
Hoa Lan Hương mầu trắng, như duyên anh thầm kín
Trong hương thu mầu tím buồn


Đúng như ông viết "Mối tình nghệ sĩ như giấc mơ, chóng tàn vì vướng muôn ý thơ…"

Có lẽ vì vậy mà bà Đoàn Chuẩn không hề ghen với những người yêu trong nhạc của chồng. Lẽ dĩ nhiên ông rất yêu vợ, và sống trọn đời bên bà. Ông có viết một ca khúc tặng người vợ yêu dấu trong những ngày chinh chiến, ly tán.
Đó là bài "Đường về Việt Bắc" rất nổi tiếng:

Chiều nào áo tím nhiều quá.
Lòng thấy rộn ràng nhớ người
Dù đời chinh chiến xa cách nhau
Tình đầu âu yếm quên nhớ chăng?
Anh quên sao đôi mắt em, đôi môi xinh, nụ cười tươi
Đường về lả lướt bóng ai, những chiều gió Thu qua mành the
Thầm nhắc anh về


Về nhạc thuật, nhạc của Đoàn Chuẩn giản dị, dễ hát cho người thường và hay vì lời ca đơn giản. Một số bài ông chia đoạn không cân đối nên khó hòa âm. Hát nhạc Đoàn Chuẩn chỉ cần một cây guitare thùng, trong một thính đường nhỏ, thân mật và hát một cách thủ thỉ thì tuyệt. Nhiều người chọn hát Đoàn Chuẩn vì dễ thành công khi diễn tả tình cảm.

Ca khúc được hát nhiều nhất là "Tà Áo Xanh" tức "Dang Dở".

Bài này bị khuyết điểm về sự thiếu cân đối hay "carrure". Riêng thiển ý ngưòi viết, hai bài hay nhất của ông là "Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay" và "Lá Đổ Muôn Chiều". Vì tứ nhạc hài hòa, câu mở, chuyển đoạn và kết đoạn đầy đủ.

Riêng bài "Lá Đổ Muôn Chiều", ông viết đoạn mở bằng âm giai thứ và cả chuyển đoạn cũng dùng âm giai thứ, đến câu kết mới tài tình dẫn qua âm giai Trưởng để nỗi buồn tan biến trong hư không như một sự tha thứ:

Thôi thế từ nay anh cố đành quên rằng có người
Cầm bằng như không biết mà thôi
Lá thư còn lại đôi ba cánh
Dành lòng cho nước cbai này uốn hoa trôi


Trừ bài "Gửi Gió Cho Mây Ngày Bay" là viết cho giọng nữ, các ca khúc Đoàn Chuẩn viết cho giọng nam nên người viết cũng chỉ thích các giọng nam trình bầy nhạc của ông. Trong các giọng nam, Anh Ngọc trong "Lá Thư" và "Lá Đổ Muôn Chiều", và Ngọc Long, em trai của Anh Ngọc, qua bài "Chuyển Bến" và "Tá Áo Xanh" là những giọng đạt nhất.

May cho chúng ta là ở hải ngoại và thuộc thế hệ sau, chất giọng nhiều nam tính của Quang Tuấn cũng thích hợp với các tình khúc mùa Thu của Đoàn Chuẩn. Chúng ta hãy nghe lại....

Quỳnh Giao viết ngày 02-10-2013.
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562/posts/10208242267252367




16 . Cô Gái Xâm Hình Rồng


Stieg Larsson là tác giả thuộc loại nổi tiếng có sách bán chạy nhất sau khi đã chết ở tuổi quá trẻ.

Sinh năm 1954 tại một nơi buốt giá của xứ Thụy Điển, anh tạ thế khi mới 50 vì một cơn đau tim. Một năm sau, cuốn truyện trinh thám đầu tay của anh mới được xuất bản và gây chấn động trong thế giới văn chương. Dưới tựa đề Thụy Điển là Những Người Đàn Ông Thù Ghét Đàn Bà, cuốn truyện được quảng bá toàn cầu qua cái tên Anh ngữ là Cô Gái Xâm Hình Rồng. Tiếp theo là cuốn Cô Gái Đùa Với Lửa xuất bản năm 2006 và đem lại giải thưởng trinh thám hay nhất trong năm 2006. Cuốn thứ ba và sau cùng có tên là "Nổ Tung Lâu Đài Ảo" được độc giả Anh ngữ biết dưới tên là Cô Gái Đạp Tổ Ong.... Bộ truyện này đang thuộc loại bán chạy nhất.

Sinh thời, Larsson cho biết anh chịu ảnh hưởng của các nhà văn viết trinh thám Anh Mỹ. Chúng ta nghĩ có lẽ anh chưa đọc truyện Kim Dung. Nhưng không hiểu sao, người viết này vẫn cho rằng anh viết như Kim Dung. Và còn hay hơn Kim Dung!

Trước khi viết trinh thám, Stieg Larsson là nhà báo có một số truyện ngắn và là người lý tưởng, mê chủ nghĩa cộng sản và thù ghét tài phiệt hay các lãnh tụ cực hữu. Chuyện ấy không lạ trong thế giới an bình của các nước sống xa thảm kịch.

Đáng chú ý hơn, Larsson lại có sự ái ngại dành cho các thiếu nữ nạn nhân của những người đàn ông hiếu sắc và bệnh hoạn. Không chỉ ái ngại về số phận của các cô gái bị khai thác tình dục như nô lệ, Larsson còn viết truyện đề cao nạn nhân.

Khi ấy, anh viết với tài nghệ của Kim Dung, cũng theo lối diễn tả sự thông minh sắc xảo đến rợn người của các cô gái, bên cạnh âm mưu gian ác của lũ tà ma lớn tuổi và sự ngờ nghệch của những người đàn ông tử tế. Nhất là các nhà báo ngây ngô!

Ba cuốn truyện trinh thám được gọi là "loạt truyện Millenium" vì xoay quanh tạp chí cùng tên ở trong tuyện và một nhà báo lý tưởng hiền lành. Nhưng nhân vật chính lại là Lizbeth Salander, cô gái xâm hình rồng, đùa với lửa và đá vào tổ ong!

Cả ba cuốn truyện đều đã được quay thành phim hỗn hợp Thụy Điển và Đan Mạch, với Noomi Rapace thủ diễn vai Lizbeth. Điện ảnh Hoa Kỳ theo đó thực hiện cuốn đầu vào năm 2011 với Rooney Mara trong vai Lizbeth. Cả hai nữ diễn viên Rapace và Mara đều xuất sắc như nhau là nhờ cá tính độc đáo của nhân vật Lizbeth Salander.

Như trong nhiều cuốn võ hiệp, cô bé Lizbeth là nạn nhân của nhiều tầng áp bức và oan nghiệt còn ghê tởm hơn những truyện đen tối nhất của Kim Dung. Đó là sự áp bức của người cha ưa bạo hành và cả chế độ quản lý để cải tạo trẻ bụi đời. Từ đó, cô bé bụi đời phát triển khả năng sinh tồn và sự câm nín lạnh lùng để trau dồi lấy võ công thượng thừa trong kỹ thuật điện toán.

Nàng Lizbeth này còn dữ hơn Lý Mặc Thu, mưu mô hơn Triệu Minh và Hoàng Dung cộng lại, tai quái hơn Hương dược xoa Mộc Uyển Thanh mà lại chung tình còn hơn nàng A Tử. Thật ra, nàng có cái tâm của Tiểu Long Nữ! Ngần ấy đặc tính kết tụ vào một thiếu nữ mảnh khảnh, nặng có bốn chục ký, kể cả một chùm khoen tai khoen mũi và mái tóc rất "punk".

Đối thủ của nàng là những nhân vật khét tiếng của danh môn chính phái. Toàn những đại gia tài phiệt mắc bệnh tâm thầm của quỷ, hay trùm mật vụ Thụy Điển đã bao che tội ác và truy lùng cô bé vô tội. Trong cuộc điều tra còn ly kỳ hơn truyện "Thủ lãnh Đại ca" của Thiên Long Bát Bộ, nàng Lizbeth có sự hỗ trợ của vài người tử tế. Như các nhân vật tử tế loại Vô Kỵ hay Lệnh Hồ Xung, họ là những kẻ ngây ngô luôn luôn chậm tìm ra sự thật và thoát chết là nhờ may, hay nhờ cô gái xâm hình rồng!

Quỳnh Giao đã xem ba cuốn phim của Thụy Điển qua phụ đề Anh ngữ và đang xem lại cuốn phim của Hoa Kỳ trong khi ngấu nghiến tìm đọc ba cuốn truyện của Larsson qua bản dịch tiếng Anh.

Mới chỉ bước vào thế giới u uất của Larsson thì đã thấy tác giả muốn phơi trần sự thật đen tối của một xã hội Bắc Âu mọi người cho là tử tế hiền lành, với lối tả chân lợm giọng. Nhưng quý độc giả hãy yên tâm, đây là loại truyện "có hậu". Và phần thánh thiện nhất, tác giả nhường cho vai nữ. Ít có truyện nào mà nữ nhân vật lại xuất thần nhập hóa như Lizbeth Salander, với cái tâm rất lành. Kẻ thù rơi rụng như bầy ong độc ở chung quanh mà không phải do nàng ra tay hạ sát.

Người viết chỉ mong Kim Dung sẽ có lúc đọc truyện Larsson. Biết đâu là ông có hứng lúc về già mà viết thêm một truyện về nàng nữ hiệp có xâm hình rồng ở trên lưng?

Quỳnh Giao viết ngày 30-7-2013.
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562/posts/10208221020561213



17. Nhậu và Nhẹt


Trong những tuần bị treo tay, người viết này thèm một món canh cá dấm!
Canh cá dấm với rau thìa là có thể là một món "quốc hồn quốc túy" của người Bắc. "Người Nam Việt đâu có kỳ như vậy" là một câu hát của trẻ nít trong Nam để chọc quê người Bắc di cư sau biến cố Genève 54. Thế rồi Bắc Nam gì đều hòa chung một điệu và nhiều cửa hàng của người Nam ngày nay cũng có đặc sản là canh cá dấm, có khi tác điệu thành lẩu cá chẻm với rất nhiều hành hoa và thìa là.....
Lẩu cá chẻm với hành hoa và thìa là.

Chuyện vẩn vơ ấy bỗng có hôm nổ lớn thành đề tài văn hóa khi trong nhà có người nói đến điều cấm kỵ là "nhậu nhẹt".

Không là nhà ngữ học, Quỳnh Giao đoán bừa rằng trong tiếng Việt, chữ "nhẹt" là một hiện tượng Nam-Bắc đề huề. Người Nam chỉ dùng chữ "nhẹt" trong tiếng "nhậu nhẹt" là sở trường của các ông. Người Bắc thì có chữ "nhão nhẹt" mà các ông hay nói để châm biếm các bà mau nước mắt. Nếu có độc giả biết thêm chữ "nhẹt" như tiếng đệm cho một từ ghép khác thì xin chỉ cho. Cùng lắm, chúng ta dùng chữ "nhoẹt" hay "nhoét" thay cho tiếng "nhẹt" và ngần ấy chữ đều có vẻ vừa tượng thanh vừa tượng hình.... Đọc lên là đã thấy nhão.

Nhưng tại sao chúng ta lại có chữ nhậu nhẹt? Nhậu có thể hàm nghĩa là uống khi đang ăn mà hình như uống mới là chính, chứ ăn chỉ là phụ. Vì vậy, "ăn nhậu" mới dẫn đến "nhậu nhẹt" là khi vì nhậu quá nhiều các ông mới thành nhão.

Người ta cho rằng khi tạm treo tay và hết được xếp quân trên bàn mạt chược thì người viết có thể gặp cảnh ngộ "trâu buộc ghét trâu ăn" vì thấy phe địch vẫn cứ phây phây đi nhậu với chúng bạn. Sự tình nó lại văn hoá văn minh hơn thế khi mình nói đến món canh cá dấm, một món mà các ông cứ lầm tưởng là thuộc diện "cơm gia đình" do các bà có nhiệm vụ cung phụng ở nhà.

Phải chăng vì các ông cứ ưa nhậu nhẹt mà quên mất Tản Đà?
Tản Đà Nguyên Khắc Hiếu

Nói về nhà thơ Núi Tản Sông Đà thì học sinh trung học thời xưa cũng biết. Dù còn ở tuổi chưa biết nhậu, chúng cũng có thể biết rằng ông là một đệ tử của Lưu Linh, một người ưa rượu và sành rượu. Những người khá hơn nhờ tuổi tác thì còn biết Tản Đà là người sành ăn và rất khó tính trong chuyện ăn uống. Loại tác giả như Nguyễn Tuân hay Vũ Bằng thật ra chưa thấm vào đâu về lối cầu kỳ so với nghệ thuật ăn uống của Tản Đà.

Ngoài thơ văn, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu còn để lại cho đời sau một phong cách ăn nhậu có thể cho phong trào nam nữ bình quyền một đề mục đấu tranh khác. Nhưng bảy tám chục năm sau thì các bà cũng nên cám ơn ông về một chuyện. Tản Đà cho nồi canh cá dấm một kích thước mới, khiến ông nào ưa nhậu nhẹt sẽ phải xét lại vai trò trọng đại của các bà trong một tiệc nhậu!

Tản Đà luận rằng ăn tất phải uống, mà uống thì phải là uống rượu. Mời nhau những món cao lương mỹ vị mà thiếu rượu thì bị ông gọi là "cầm thú chi tình", tức là kém lắm. Thời ấy, nước ta còn nghèo mà ông đã dám nói ngược với quan niệm "ăn để mà sống" của các cụ nhằm đề cao rằng sống để mà ăn ngon, và ăn ngon là phải có rượu. Nhưng nét đáng yêu của ông là biết ăn ngon mà không gây quá nhiều tốn kém và nhất là đừng làm phiền các bà khi nhậu và nhẹt.

Ông đơn cử một thí dụ của quê mình trên vùng Bất Bạt, món canh cá dấm!

Với chúng ta, canh cá dấm là món để ăn với cơm. Tản Đà nói khác hẳn. Rằng với các tửu đồ biết tự trọng và "hiểu được bụng cá" thì cá dấm là món tuyệt ngon để uống rượu. Ông không nói về bụng cá theo nghĩa bóng mà trong nghĩa đen. Đã nấu cá dấm thì dù là cá chắm, cá chép hay cá mè, cá quả, mình phải chọn con cá lớn, vì cá lớn có giá trị nhất ở tấm lòng, ở cái bộ lòng!

Tản Đà còn phán rằng ăn cá dấm mà bỏ qua mất bộ lòng, kẻ ấy đáng gọi là bỉ phu, nếu không phải là xuẩn ngốc!

Trong một lần thù tiếp lũ hậu sinh nhãi nhép, trong đó có Đinh Hùng mới 17 tuổi, nhà thơ trịnh trọng quạt lấy hỏa lò và vừa giảng vừa vớt riêng bộ lòng cá rồi đầu cá để trên đĩa. Ông nhấc chén rượu và dạy thêm rằng lòng cá ăn trước, đầu cá ăn sau. Chừng nào lòng cá hơi nguội thì ta múc một thìa canh cá dấm thật nóng rồi chan vào mà húp....

Nhà thơ Đinh Hùng khi viết văn thì lấy bút hiệu là Hoài Điệp Thứ Lang, ông không nổi tiếng sành ăn nhưng sành hút. Khi viết lại về giai thoại ăn canh cá dấm với Tản Đà, một lần đầu tiên và duy nhất trước khi nhà thơ Bất Bạt tạ thế ở tuổi 51, Đinh Hùng có trao cho đời sau chuyện kỳ thú có lẽ chỉ thấy tại Hoa Kỳ. Một ông già 49 tuổi ngồi hầu một lũ con nít tuổi "teen" và tập cho chúng nghệ thuật uống rượu với lòng cá nấu trong nồi canh thìa là!

Vì bị treo tay và thèm món canh cá dấm, người viết đã gây ra một trường tranh luận ở trong nhà về bộ lòng cá với những người cứ tưởng rằng mình biết nhậu nhẹt.

Quý độc giả phái nữ tất nhiên tò mò muốn biết kết cục của vụ luận chiến này ra sao. Còn gì nữa mà phải bàn? Mình ung dung ngồi bên cạnh bếp để chỉ cho cách mua cá, làm cá và nhất là phép văn minh là phải giữ lấy bộ lòng mà đem về. Về đến nhà thì phải khéo rửa bộ lòng ra sao để khỏi vỡ mật rồi phải chiên phải nấu ra sao, tao hành nêm nếm thế nào cho nước trong và thơm mà rau thìa là vẫn xanh chứ không úa. Sau đấy, người hầu hạ được thưởng cho bộ lòng và xì xụp húp như một đệ tử chính hiệu của ông tổ làng nhậu nhẹt là Tản Đà.

Người viết này mách như vậy là để phe ta liệu đường mà tính. Nhưng cũng phải nói thêm rằng quả thật canh cá dấm có thêm chút rượu mạnh thì ngon hơn mọi ngày!

Quỳnh Giao viết bài này năm 2012, khi bị té gẫy tay nên không đánh đán, chơi mạt chược và làm bếp!...
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562/posts/10208218043406786




18. Nổi Trôi mà Không Chìm


Đôi khi, tất cả chỉ là ngẫu nhiên.

Một tháng nữa, 15 tháng tư này sẽ là ngày tưởng niệm 100 năm tai nạn xảy ra cho du thuyền Titanic khiến hơn 1.500 người thiệt mạng. Cùng lúc đó, người viết được biết Kathy Bates tuyên bố giải nghệ. Ngẫu nhiên là hai chuyện cùng buồn....

Chiếc Titanic, có lẽ ai cũng biết. Còn về Kathy Bates thì người ghiền phim ảnh đều biết đến tài diễn xuất. Nàng sinh năm 1948 mà nay đã giã từ nghệ thuật thì thật là quá sớm.

Về Kathy Bates, chúng ta nhớ đến cuốn phim thuộc loại kinh dị là "Misery". Mê văn chương đến như nhân vật này thì quả là sự khiếp đảm cho nhà văn. Trong cuốn phim lấy cốt truyện từ một tác phẩm của Stephen King, Kathy Bates thủ vai người ái mộ văn chương mà hành hạ tác giả đến phát điên.

Cuốn phim đó khiến Kathy Bates đoạt luôn hai giải Oscar và Golden Glove về thể loại Nữ Diễn Viên Chính Xuất Sắc Nhất. Sau đó, còn nhiều tác phẩm khác đã đưa Kathy Bates đến đẳng trật cao nhất của minh tinh màn bạc.

Nhưng, đáng chú ý nhất ở Kathy Bates chính là sự hiện diện vĩ đại đến choáng ngợp màn ảnh.

Kathy Bates trong vai bà Molly Brown trong phim Titanic.
Nàng không có nhan sắc, thân thể còn hơi đẫy đà, và theo tiêu chuẩn của Hoa Kỳ thì cũng hơi lùn. Vậy mà cứ xuất hiện là nữ kịch sĩ siêu hạng này lại làm khán giả chú ý. Dù là trên màn bạc hay truyền hình, trong vai bi thương hay hài hước, nàng đều nổi trội.

Điển hình chính là trong cuốn phim "Titanic" vào năm 1997, tác phẩm điện ảnh thuộc loại ăn khách và nghệ thuật nhất của Hoa Kỳ.

Trong phim, Kathy Bates thủ một vai rất phụ, trước sau chỉ diễn xuất chừng mươi phút nhưng là mươi phút ngàn vàng. Đó là vai bà Molly Brown, mập mạp, bệ vệ và lòe xòe xiêm y mũ mãng khi thảm kịch xảy ra....

Nói quả không ngoa, Kathy Bates xuất hiện trong vai Molly Brown thì con tầu Titanic vĩ đại bỗng như nghiêng về một góc.

Vì thế, Quỳnh Giao tiếc mãi việc Kathy Bates dự tính giải nghệ. Nhưng cũng vì thế mà bài này sẽ nói về nhân vật có thật, là bà Molly Brown, người có biệt danh là "Nàng Molly Brown Không Thể Chìm"!

Bà là hành khách trên khoang hạng nhất trong chuyến đi vào định mệnh của con tầu Titanic. Bà thoát chết cùng 710 người khác. Nhiều người trong số may mắn này mà thoát thì chính là nhờ Molly Brown.

Từ con tầu bị nạn, Molly Brown giúp người khác bước xuống các thuyền phao trên mặt nước đen ngòm. Mỗi chiếc chỉ chứa được năm sáu chục người thôi. Khi được thúc giục, mãi đến lúc cuối, bà mới chịu bước xuống thuyền phao số 6. Ngồi trong cái xuồng nhỏ xíu gập ghềnh bên con tầu hấp hối cao hơn vách núi, Molly Brown vẫn chưa chịu chạy.

Bà còn yêu cầu và thật ra là ra lệnh cho thủy thủ chèo xuồng vào những nơi có tiếng kêu cứu để vớt thêm người khác trong một đêm đen đặc giữa đại dương buốt giá. Mối nguy khi ấy là chiếc xuồng bé bỏng có thể bị xoáy vào con nước khi tầu chìm, hoặc cũng sẽ chìm nếu cả trăm người bám vào đó để đòi leo lên. Khi mọi người đã mệt lả và kiệt sức, Molly Brown nắm lấy mái chèo, xoay thuyền phao vào vùng nước hiểm hầu cứu thêm người khác.

Thuyền nhân của chúng ta chắc hẳn là cũng hiểu nỗi hiểm nguy và tuyệt vọng của nhiều người khi thuyền chìm giữa đại dương. Chúng ta hiểu và kính phục sự quả cảm của Molly Brown, rất mệnh phụ trong cơn hoạn nạn mà cũng có cái uy khác người. Tài tử Kathy Bates nổi bật trong vai bà Molly Brown anh hùng này.

Nhưng câu chuyện vẫn chưa hết!

Nổi tiếng từ thảm họa Titanic, Molly Brown còn làm nên lịch sử ở nơi khác.

Sinh năm 1867 tại tiểu bang Missouri dưới tên Margaret Toby, nàng Molly này xuất thân khá bần hàn và làm nhân viên trong một cửa hàng bách hoá. Giấc mơ của cô gái là lấy chồng giàu, nhưng con tim nàng lại nghiêng về một người cũng khá nghèo, tên là Jim Brown. "Thà lấy chống nghèo mà mình yêu còn hơn là yêu đồng tiền của một ông chồng giàu," về sau nàng có tâm sự như thế.

Nhưng hình như trời xanh có mắt. Về sau ông chồng lại ăn nên làm ra trong nghề hầm mỏ và khai thác được một quặng sắt. Họ trở thành người giàu có và con người thật của Molly Brown bắt đầu xuất hiện.

Bà vừa nấu xúp cho gia đình phu mỏ vừa tranh đấu cho quyền đầu phiếu của phụ nữ tại Colorado. Sau khi là thành viên tích cực của một Câu lạc bộ Phụ nữ, bà cắp sách đi học vào năm 1901. Là sinh viên đầu tiên của viện Carnegie Insitute ở New York vào năm đầu tiên của thế kỷ 20, Molly Brown học rất giỏi về nghệ thuật và nói thạo ba thứ tiếng là Pháp, Nga và Đức.

Năm 1909, bà còn ra ứng cử Thượng Nghị Sĩ, mà không chỉ một lần. Năm 1914 bà ra tranh cử nữa và bỏ cuộc vì em gái lại lấy một Nam tước người Đức ngay giữa cuộc đại chiến chống Đức! Nghĩa là trước khi thành danh trên mặt biển từ chuyến tầu Titanic, Molly Brown đã thuộc hạng khét tiếng, "celebrities" theo lối chúng ta nói ngày nay.

Rồi sau đó bà còn khét tiếng hơn nữa!

Từ thành tích được cả thế giới ngợi ca trong việc cứu người ngoài biển, Molly Brown tiếp tục tranh đấu cho nữ quyền và công nhân, giành thời giờ và tiền bạc cho việc từ thiện và giáo dục thiếu nhi. Trong Thế chiến Thứ nhất, bà lại lên tầu qua Pháp yểm trợ hậu phương.

Tham gia ủy ban Hoa Kỳ giúp đỡ nước Pháp bị tàn phá, Molly Brown mở chiến dịch uý lạo và cấp cứu thương phế binh Pháp và Mỹ ở ngay sau phòng tuyến. Những đóng góp tích cực đó khiến vị nữ lưu Hoa Kỳ này được Chính phủ Pháp trao tặng Huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh!

Có lẽ người Mỹ đời nay ít biết về sự kiện này và cũng không biết rằng cuối đời Molly Brown còn là nữ kịch sĩ. Molly Brown từ trần vào năm 1932, tại New York, hưởng thọ 65 tuổi....

Vào đầu câu chuyện, Quỳnh Giao nói đến sự ngẫu nhiên vì tiếc cái tài của Kathy Bates. Nhưng mình cũng có quyền nghĩ đến truyện thần tiên chứ?

Hãy thử tưởng tượng là nền điện ảnh Pháp vừa được vinh danh với năm giải Oscar cho phim "The Artist" bỗng dưng cao hứng mà nghĩ đến Molly Brown tại Pháp trong Thế chiến Thứ nhất. Sao không dựng cuốn phim về người phụ nữ Hoa Kỳ giữa cơn khói lửa mịt mù của đại chiến? Và ai xứng đáng hơn Kathy Bates trong vai Molly Brown? Được mời như vậy, biết đâu là Kathy Bates chẳng hồi tâm mà sẽ bước ra lần nữa?

"Nổi Trôi mà Không Chìm" có thể là tên cuốn phim....

Quỳnh Giao viết ngày 12-3-2012.
https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562/posts/10208220483467786




19. Tùy bút mà Tạp ghi...


Quỳnh Giao vừa nhận được tập tạp ghi “Hạnh Phúc Xót Xa” do nhà văn Huy Phương gửi tặng. Đây là tuyển tập thứ năm của ông do nhà Nam Việt xuất bản. Tác phẩm sẽ ra mắt ngày 29 tháng Tám này tại quận Cam.

Các nhà nghiên cứu về văn học thì có thể phân tách kỹ từng thể loại mà phân biệt "tạp ghi" với "tùy bút" hay "phiếm luận". Quỳnh Giao không thuộc thành phần am hiểu như vậy mà chỉ tùy nghi diễn giải.

Chúng ta nói đến "tùy bút", hay "essay", là từ phía tác giả, cứ cho cây bút tùy hứng mà đi để nói về bất cứ đề tài gì. Nhưng là từ góc độ hay cảm quan của người viết. Tùy bút là tùy hứng chủ quan của người viết, nhưng nếu viết không hay thì độc giả cò quyền... tùy bỏ. Còn chữ "tạp ghi" thì để nhấn mạnh tới đề tài hơn là cách viết tùy hứng ấy. Đề tài có thể là bất cứ chuyện gì mà tác giả muốn chia sẻ với độc giả, trong tinh thần rất "tạp", là lẫn lộn nhiều thứ, chứ chưa chắc đã là tạp nhạp, vì nhạp là chuyện vụn vặt.

Còn "phiếm luận" thì lại là một... cái bẫy.

Chữ "phiếm" ra vẻ bông lông phù phiếm, hàm ý không quan trọng. Nhưng chữ "luận" mới là cái ác vì đằng sau sự khiêm nhường của tác giả vẫn có dụng ý nghị luận nghiêm túc. Cho nên "phiếm luận" có thể là bình luận về chuyện phù phiếm mà thật ra chẳng phiếm tí nào! Ngày nay, nếu tránh dùng chữ phiếm luận thì viết "tiểu luận", tưởng là chuyện nhỏ mà là luận về đề tài lớn.

Ngẫm lại thì với một số người đọc, "tạp ghi" là cách viết dễ dàng nhất, vì muốn viết sao thì viết và phóng bút về đề tài nào cũng được. Cứ nhẩn nha như tầm nhả tơ... Vậy mà từ xưa đến giờ, từ sáu bảy chục năm nay, có lẽ các tác giả viết tạp ghi nổi tiếng của ta có thể đếm được trên đầu ngón tay.

Vậy thì đâu có ngon ăn như “a piece of cake” mà ta thường nghĩ?

Đi lại từ đầu thì chúng ta thấy các nhà văn loại gạo cội, đầu óc phóng khoáng, tư tưởng uyên bác và dầy kinh nghiệm sống mới có thể phóng tay viết tạp bút!.. Nào có phải là không bị bó bút về đề tài mà viết sao cũng được đâu. Viết như vậy thì chỉ một mùa thôi, và thường thì không để lại ấn tượng gì. Không làm người đọc phải đọc lại mà vẫn thấy hay thì khó thành công lắm!

Một trong những người đầu tiên lẫy lừng trong thể loại đó là Lãng Nhân Phùng Tất Đắc. Cụ bước vào làng báo từ... 80 năm trước, khi làng báo ở miền Bắc còn phôi thai, và cụ thành danh với các bài phiếm luận trong tập "Trước Đèn" rồi "Chuyện Vô Lý". Ngòi bút sắc sảo, thâm thúy trong cách nghị luận có vẻ phù phiếm mà nặng trĩu ưu tư và nhuốm mùi khôi hài chua chát là dấu ấn của Lãng Nhân. Cụ cũng có cách ngắt câu rất mới, rất Tây, mà sau này nhiều người muốn học.

Lãng Nhân hay có câu kết ngắn gọn, ý nhị làm người đọc giật mình. Nói theo thời nay, cụ có "punch line" để dứt điểm thật đẹp.

Xuất hiện gần cùng thời mà nổi tiếng chậm hơn, Nguyễn Tuân cũng tạo ra một phong cách riêng, rất đẹp, với tập “Vang Bóng Một Thời” rồi "Chiếc Lư Đồng Mắt Cua". Ông phóng bút về những điều lịch lãm, kiểu cọ của buổi giao thời qua kinh nghiệm sống và đi của mình. Nhưng cái chất làm dáng của tác giả khiến người đời sau không đọc lại để thưởng thức nữa mà để tìm lại những gì đã mất, như đọc Phạm Đình Hổ để biết về chuyện xưa.

Đọc Lãng Nhân thì khác. Cụ nói về chuyện núi sông, Nguyễn Tuân tả hòn non bộ.

Võ Phiến
Riêng nhà văn Võ Phiến mà Quỳnh Giao rất mến mộ, là người viết tạp bút cực kỳ đáo để và soi mói tới tận tâm can người đọc, trái với bề ngoài xuề xòa, khiêm cung, hiền hậu của ông. Người đọc nhận ra con người rất có duyên, bén nhạy và tinh tế khi đọc tùy bút Võ Phiến. Ông không cố tình trau chuốt với văn chương, nhưng đọc ông là đọc lại một chuỗi ký sự của đất nước khiến mình phải đặt sách xuống.

Rồi đọc lại trong tiếng thở dài, và lâu lâu được ông thưởng cho một câu chuyện duyên dáng, cảm động.

Dễ đọc và dễ yêu là lối viết tạp ghi của ký giả Lô Răng, tức nhà văn Phan Lạc Phúc. Trong giới nghệ sĩ, nhiều người cũng nghĩ như vậy. Tạp ghi của ông là sự trân trọng của tác giả với bằng hữu, với nghệ sĩ và thế sự. Bài viết như những lời ông kể về kỷ niệm xưa của mình cho độc giả đọc. Vì thế mà chan chứa tình cảm, mềm mại, chứ không sắc sảo đáo để như Võ Phiến hoặc u uẩn như Lãng Nhân. Ông Phan Lạc Phúc chỉ đáo để khi ngồi vào bàn mạn chược!

Trong thế giới tạp ghi hay tùy bút đó, Mai Thảo cũng có một chỗ đứng riêng. Nhưng nếu khó tính về nội dung, người đọc ngày nay chỉ còn thưởng thức tài dùng chữ của tác giả. Ông có bút pháp rất mới, cách chấm câu rất cộc, chứ các đề tài thường không tồn tại được với thời gian. Có lẽ vì vậy mà cuối đời, ông nghiêng dần về thơ.

Thế hệ về sau ở hải ngoại có Trúc Chi, viết tạp bút trân trọng từ cả cách hành văn lẫn chuyện kể. Ông hơi gần với lối viết trau chuốt, lịch lãm của Nguyễn Tuân, nhưng Tây hơn và mới hơn rất nhiều. Bên ngoài đời thường, Trúc Chi là người chải chuốt, lịch sự như trong trang sách.

Thế rồi mấy năm sau này, tại Cali, xuất hiện nhà văn Huy Phương với bài tạp ghi hàng tuần trên báo Người Việt.
Huy Phương (trái) và Phan Lạc Phúc (Ký giả Lô Răng)

Cũng là người viết hàng tuần cho tờ Người Việt, Quỳnh Giao rất phục sức sáng tác và những đề tài ông chọn. Nói là tạp ghi nên tưởng rằng dễ, nhưng chọn đề tài thì không. Huy Phương có một vốn sống rất dày và trái tim rộng mở nên viết về mọi đề tài. Đôi khi chỉ cần đi dự một lễ cưới là tác giả đã cho chúng ta một nụ cười với lối châm biếm nhẹ nhàng, mà cũng có chút xót xa thương cảm nữa. Vì sao vậy?

Có lẽ với bản chất hiền hòa của một nhà giáo, Huy Phương không bao giờ cười trên sự đau khổ của người khác. Nếu có, thì chỉ đùa chút cho vui, rồi tự nhiên bài viết của ông mang một thông điệp mà chính độc giả tự suy ra. Cách viết của ông hơi gần với của Phan Lạc Phúc, chan chứa tình cảm và lòng bao dung. Ông không nỡ chê ai tận tình và bao giờ cũng cho người một lối thoát. Trừ những bài viết về chế độ Cộng Sản và kỷ niệm lao tù khốn khổ của hàng triệu người, trong đó ông.

Nhớ lại chuỗi thời gian dài, mỗi cây bút tạp ghi lại để cho người đọc những suy tư của tác giả vào một hoàn cảnh và thời gian nào đó, có những cái rất riêng và những chuyện rất chung. Chính là những suy tư về cái chung của chúng ta qua rất nhiều biến động mới khiến tác phẩm tồn tại vì người đọc tìm thấy mình ở trong đó và còn muốn đọc lại. Huy Phương thuộc thành phần ấy....

Quỳnh Giao viết ngày 11-8-2010
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562/posts/10208214557999653



20. Bóng Chiều Xưa


Tuần rồi, Quỳnh Giao đã dùng tựa đề bài Tạp Ghi là “Phút Say Hương”. Đó là mượn tên một ca khúc của Dương Thiệu Tước (là kế phụ của người viết) sáng tác cách đây gần 60 năm...

Danh ca Minh Trang
NS Dương Thiệu Tước
 Mấy tháng vừa qua, cùng với mấy cô em, người viết chạy qua chạy lại như chong chóng giữa mấy nhà thương và nơi an dưỡng của mẫu thân để thăm nom cụ đã đến tuổi gần chín chục. Dù thân thể yếu ớt kiệt quệ, tinh thần của cụ vẫn minh mẫn tỉnh táo đến lạ thường. Không quên tên một người nào cả, từ họ hàng cho đến bằng hữu. Nào là Châu Hà, Kim Tước, Mai Hương, Kiều Chinh, cụ đều nhắc kỷ niệm thật chính xác. Cả đến người cụ chỉ thỉnh thoảng gặp gỡ cũng nhận ra tức khắc, như trường hợp anh Huy Phương đến nhà thương thăm cụ. Hôm ấy vì ngờ cụ bị cúm H1N1, nhà thương bắt buộc mọi người phải bịt kín mặt khi vào thăm. Nhác thấy anh, mặt nạ che chỉ còn hai con mắt, cụ reo lên "Ồ, anh Huy Phương, anh đến thăm, tôi vui mừng lắm!” Cụ tỉnh táo nhận ra những người mấy chục năm mới gặp như cô Tâm Vấn, làm cô không cầm được nước mắt. Thấy Nhã Ca và Trần Dạ Từ đến bên giường thăm hỏi, cụ gọi đích danh tên thật của cô Nhã - "Thu Vân đây này!" và bảo rằng "Trần Dạ Từ này, chị coi như em ruột từ mấy chục năm về trước".
Mấy chục năm về trước, phụ nữ chưa được đi học đông đảo như thời sau. Đàn bà mà đỗ đến Tú Tài Pháp thì đã được coi là "hiếm có lắm". Trong đài phát thanh, cụ viết và đọc tin bằng tiếng Pháp nên ai cũng cho là giỏi. Đã vậy, khi một ca sĩ bị đau bất ngờ, ông Giám đốc Hoàng Cao Tăng của đài Pháp Á nhờ cụ hát thay, cụ hát ngay, đúng ton, trúng nhịp vì đã học piano và nhạc lý vững vàng. Rồi nổi danh như cồn nhờ tiếng hát! Nhưng, những người đã biết danh ca Minh Trang từ trước thì đều biết rằng đấy là một xướng ngôn viên và biên tập viên thuộc loại "văn võ toàn tài", Pháp Việt gì thì cũng làu thông!

Đấy là chuyện của hơn nửa thế kỷ về trước. Mà giờ này thần trí của cụ còn nhớ hết khi thân thể đã như ngọn bấc đang cạn dầu....

Vì nghĩ đến mẹ mình suốt ngày nên vô tình tựa đề của bài tạp ghi về nước hoa kỳ trước dùng bài hát liên quan đến cụ. Mà cũng chính cụ đã mở con đường thơm tho cho mình khi tuổi còn thơ, khi mình ngồi ngắm mẹ sửa soạn trước gương, chải mái tóc, và bôi nước hoa vào sau vành tai trước khi đi ra ngoài.

Khi mẫu thân Quỳnh Giao gặp gỡ nhạc sĩ Dương Thiệu Tước, bà đã nổi danh với giọng ca điêu luyện. Lúc ấy là một goá phụ trẻ đẹp, nghệ danh là tên ghép của hai đứa con: Minh (Bửu Minh) Trang (Đoan Trang, tên thật của người viết).

Nói là hai người gặp nhau, nhưng cũng chỉ mới “gặp” trên làn sóng âm thanh mà thôi. "Văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình" mà! Người nhạc sĩ tài hoa đã mê giọng hát và tương tư hình ảnh qua chân dung in trên bìa bài hát, nên soạn ra bài “Sóng Lòng”, nhịp Slow chậm rãi, trên cung Ré Trưởng với những lời lẽ sau:

Vắng người ta ước mơ
Khiến lòng bao ngẩn ngơ
Bến đời u ám như mây mờ

Cách trùng dương núi sông
Cánh hồng say ngóng trông
Biết ngày nào thấy nhau, hoài mong…

Trên án thư kìa hình ai tươi nét mơ,
mắt thu huyền dịu dàng bao ý thơ.
Tiếng ca u hoài ôi lâm ly từ đâu tới đây
Trên làn sóng âm thanh như đắm say hồn mơ

Thời kỳ theo đuổi này, người nhạc sĩ hàng đầu của nền tân nhạc phôi thai còn soạn thêm những bài như “Buồn Xa Vắng” nhịp luân vũ chậm (valse lente) trên cung Sol Trưởng, cũng là âm giai thích hợp với chất giọng của bà nhất vì xuống nốt Sol trầm và lên cao là nốt Fa, không quá thấp mà cũng không quá cao, vừa vặn với thang âm (échelle) của bà. Ca khúc này được bà yêu thích nhất với lời từ đầy nỗi nhớ nhung.

Buồn ơi xa vắng, cung huyền réo rắt
Mênh mông sầu
Hồn mộng bâng khuâng, tơ trùng rung phím
suốt đêm thâu
Tàn canh thao thức, mây sầu theo gió
tới phương nao
Nhớ ai đàn ơi, u hoài
Khúc nhạc ly tao

Nhưng độc đáo nhất vẫn là “Ngọc Lan” mà ai cũng biết:
Ngọc Lan giọng ướp men thơ
Mát êm làn lụa bóng là
Ngọc Lan trầm ngát thu hương
Bờ xanh bóng dương phút giây chìm sương

Khi đã chung sống, hai người viết những ca khúc đầy yêu đương tình tứ như “Phút Say Hương”. Bài hát này có tiết điệu vui, lời ca thi vị:

Nhớ những phút vui đêm thâu thả hồn mơ
Nhìn mây gió tới đâu.
Nhớ những phút vui bên nhau tìm hồn hoa
Nhìn trăng khuất non xa
Nhớ những phút vui canh thâu nhạc vàng êm
Hoà đêm trắng bên nhau

Thời kỳ này có ba bài hát do Minh Trang làm lời trên giai điệu của Dương Thiệu Tước. Đó là “Ôi Quê Xưa”, “Bóng Chiều Xưa” và “Vui Xuân”. Nếu nghe cho kỹ thì lời ca của hai bài đầu vẫn còn là niềm luyến nhớ cảnh xưa, và người xưa đã khuất.

Hãy nhớ lại “Ôi Quê Xưa” với nhịp Habanera tha thiết:

Rồi một chiều xưa,
tôi về cố hương
Nhìn cảnh làng xưa,
vết hoang tàn đìu hiu gió sương
Nhìn xóm nhà vắng thưa,
nhớ chốn đây năm nào
Chiều chiều hai người hẹn nhau
đến bên nhịp cầu…
Tối tối quây quần mơ đón trăng lên vui lời trao duyên
Hôm nay chốn đây thôn làng quạnh hiu , người vắng xa

Và tác phẩm “Bóng Chiều Xưa” bất hủ theo nhịp slow habanera. Sau này, một số ca sĩ đổi thành nhịp tango làm mất nhiều tình cảm nhẹ nhàng đằm thắm của lời từ lãng mạn. Vào thời ấy mà viết lời đầy ắp nỗi nhớ nhung chốn cũ người xưa, mình thấy lạ, và hãy cùng nghe lại để hiểu ra tâm tư của người nghệ sĩ:

Một chiều gió mưa em về thăm chốn xưa
Non nước u buồn nào đâu bóng cố nhân
Lòng xót xa tình xưa…
Lâng lâng chiều mơ,
một chiều bâng khuâng đâu nguồn thơ
Mây vương sầu lan, gió ơi đưa hồn về làng cũ
Nhắn thầm lời nguyền ước trong chiều xưa

Với con cái, bà mẹ không bao giờ giờ cắt nghĩa hay giải thích lời ca mà cụ đã viết. Nhưng khi hát lên với sự trân trọng, làm con thì tự nhiên mình thấu hiểu được nỗi niềm của mẹ. Càng hát lại, ngẫm lại, Quỳnh Giao càng thương yêu mẹ và tiếc thương cho người cha tài hoa bạc mệnh, qua đời lúc ông mới 46 tuổi, khi con bé mới lên năm…

Mỗi ngày vào ngồi bên mẹ, người viết luôn nói cho bà biết bằng ánh mắt của mình. Rằng “con thương mẹ lắm”, và mẹ tôi nhìn tôi với ánh mắt biết cười: "Mẹ thấy mình hạnh phúc và mãn nguyện rồi…”

Quỳnh Giao viết ngày 20-4- 2010
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562/posts/10208214864167307





21. Mưa Rơi…


Những người sống tại California được bạn bè ở nơi khác hỏi thăm thường bắt đầu bằng câu “Cali nắng ấm”. Quả thật như vậy, ngoài khí hậu còn thêm thức ăn ngon và rau trái quanh năm. Tuy được hưởng nhiều điều như thế, nhưng con người vốn tham lam nên đôi khi người viết bỗng thấy rất “thèm” nhìn thấy trời mưa, và nhất là nghe tiếng mưa rơi ban đêm.

Tháng Chín có những ngày nóng bất thường nên tuần qua, không khí chớm Thu có trở lạnh và lãng mạn hơn nữa vì có tí mưa vào hai ngày thứ Ba và thứ Tư. Tuy nhiên trời chẳng chiều lòng, liên tiếp mấy ngày qua chợt nóng lại như giữa Hè vậy!..


Miên man nhớ và thèm mưa, đâm ra ngân nga vài lời nhạc về mưa và tự nhiên bật ra lời hát của cả hai bài hát cùng tên “Mưa Rơi”, của Ưng Lang và của Phạm Duy.

Nếu đế ý, chúng ta thấy đôi khi các nhạc sĩ đặt tựa đề trùng tên, tất nhiên là không cố ý. Trường hợp như cùng phổ một bài thơ thì lại khác. Ngoài hai bài “Mưa Rơi” vừa kể, chúng ta có hai bài cùng tên “Mắt Biếc” của Cung Tiến (trước) và Ngô Thụy Miên (sau). Hai bài cùng tên “Hoa Xuân” của Hoàng Trọng (trước) và Phạm Duy (sau), hai bài cùng tên “Hẹn Một Ngày Về” của Lê Hữu Mục (trước) và Lê Văn Khoa (sau) ...

Chính người viết là Quỳnh Giao cũng "thành thật khai báo" là ở tuổi 18 đã viết bài “Bâng Khuâng”. Cùng tên với một ca khúc của nhạc sĩ Tạ Tấn viết từ thập niên 40!...

Trở về với cơn mưa thì Ưng Lang viết ca khúc “Mưa Rơi” năm 1954, với lời ca của Châu Kỳ. Về nhịp điệu thì hình như đa số bài hát về mưa được viết theo điệu Tango. Thí dụ như “ Tiếng Mưa Rơi” của Hoàng Trọng ("Thánh thót mưa rơi lắng buồn bên mái lầu…") hay “Phố Buồn” của Phạm Duy ("Đường về đêm đêm mưa rơi ướt bước chân em..."), “Kiếp Nghèo” của Lam Phương ("Đường về đêm nay vắng tanh, rạt rào hạt mưa rớt nhanh...")…

Tiếng Mưa Rơi của Ưng Lang cũng lã chã theo nhịp Tango Habanera.

Nhưng trái với các bài Tango khác, thường nhiều lời và ca sĩ phải đọc lời nhanh và suông sẻ, bài Mưa Rơi rất ít lời và chậm rãi, nhẹ nhàng, trên âm giai Ré Trưởng trong sáng:

Mưa Rơi…
Chiều nay vắng người
Bên thềm gió lơi
Mơ bóng ngàn khơi…
Mưa rơi…
Màn đêm xuống rồi
Mây sầu khắp nơi
Thương nhớ đầy vơi…

Tiếng mưa ở đây nghe dịu dàng, thống khoái. Dù có buồn cũng mang nỗi buồn lâng lâng thôi. Nghe mà liên tưởng đến tiếng mưa rả rich, đều đặn nhỏ giọt. Chỉ đến chuyển đoạn (modulation) mới rõ hơn nỗi buồn vì thương nhớ, nhìn cảnh mà thấu cho lòng người cô quạnh. Nét nhạc cũng dồn dập hơn, mỗi câu lại dài hơn và ngân nga ngắn hơn, như lời than van da diết:

Bâng khuâng nghe tiếng tơ dịu dàng
Nhìn lá úa theo hoa tàn, tiếc thay phút giây lìa tan
Ai đi, như xóa bao lời thề, thuyền theo nước trôi không về
Thấu cùng lòng ai não nề riêng chốn phòng khuê

Ưng Lang rót tiếng mưa rơi cho ai đó ở chốn phòng khuê, một mình. Mưa rơi làm ông nhớ người.

Ngày xưa bài "Mưa Rơi" này được hát rất nhiều. Hầu như ca sĩ nào, cả nam lẫn nữ đều hát qua ít nhất vài lần trong năm. Ca khúc thuộc loại dễ hát, dễ nghe, nên mỗi lần trưởng ban nhạc đưa cho trình bầy thì ai cũng thích. Ngẫm lại, chẳng biết có vì thiên kiến hay không, nhưng Quỳnh Giao thích nhất giọng Hà Thanh trong bài này. Thiên kiến vì cả hai nhạc sĩ Ưng Lang và Châu Kỳ đều là người Huế, và Hà Thanh là giọng ca xuất phát từ đất thần kinh, nơi có nhiều mưa rả rich ngày đêm, mưa như người ta thường nói là mưa thúi (thối) đất!

Nhạc sĩ Ưng Lang sáng tác không nhiều, nhưng chỉ với "Mưa Rơi", ông đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người. Ông vừa tạ thế mới vài tháng trước đây, thọ trên 80 tuổi… Khi thấy mưa rơi bên ngoài, mình lâm râm hát lại ca khúc xưa là để nhớ tới người xưa.

Còn Phạm Duy viết “Mưa Rơi” sau Ưng Lang sáu năm, vào năm 1960. Thời gian ấy, Phạm Duy đang trong giai đoạn soạn tình ca cho một cuộc tình mà ông tự thú. Giọt mưa rơi là vạn cổ sầu của Đặng Thế Phong, nhưng với Phạm Duy, đó là sầu thiên thu. Mà cũng là hạnh phúc địa đàng… Xin để ba dấu chấm vào đây để độc giả muốn hiểu sao thì hiểu!

“Mưa Rơi” của Phạm Duy viết theo nhịp luân vũ chậm (Valse lente), làm nét nhạc dìu dặt và kể lể hơn. Viết trên cung Ré thứ ảm đạm, lời ca Phạm Duy là một tuyệt chiêu:

Mưa đi từ tuổi thơ, mưa theo cuộc tình tơ,
Mưa rơi bạc đầu ai mong nhớ mưa.
……
Mưa rơi từ nguồn xưa, mưa tuôn về bao la,
Mưa chia dòng lệ ra chín con thơ
Mưa trôi về đời ta, mưa xây nhà âm u,
Mưa giăng vải màn sô nuôi giấc mơ

Đoạn mở đầu tha thiết kể lể về hạt mưa trong thời gian, từ tuổi thơ đến cuộc tình mơ, tới khi bạc đầu vẫn còn nhớ. Rồi mưa không chỉ cho một người, mưa trải ra không gian bạt ngàn, tuôn về bao la, chảy như giọt lệ xuống chín con thơ và con sông, rồi giăng vải màn sô... Nghe đều đặn như lời kinh.

Thế rồi nhạc bỗng đổi sắc, cao chói vói và rên siết gào than:
Mưa rơi vào lòng ta, mưa rơi vào tình ta,
Có hay chăng là mưa rơi vì chúng ta

Rồi lại xuống giọng ỉ ôi :
Mưa rơi và còn rơi, không bao giời mưa ngơi,
Không bao giờ ta nguôi yêu người ơi

Thế rồi ông lại nỉ non tự tình:
Mưa rơi ngoài đường đêm, đưa em về nhà em,
Mưa vui mừng quấn quýt dưới chân êm.
Mưa rơi lạnh trời đen, mưa trong lòng lên men,
Mưa cho lửa tình thêm chút yếu mềm

Nếu có hứng được một hạt mưa trong lòng tay, người nghe chẳng biết rằng đó là giọt mưa nào trong một chuỗi rất dài của ca khúc. Nhưng, sẽ nhớ câu kết, khi Phạm Duy đổ tội cho trời mưa làm ông yếu mềm. Chứ nào ông có muốn!

Quỳnh Giao viết ngày 20-10-2009
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562/posts/10208214443316786




22. Hai Cõi Thiên Thai


Trong dịp Trung Thu, khi ngồi ăn miếng bánh dẻo thơm mùi hoa chuối, người viết bỗng nhớ về tuổi ấu thơ ở nhà... Bánh nướng thì có khi mình còn nhường người Tầu, chứ bánh dẻo thì của Việt Nam mới ngon! Từ ở nhà đã thấy như vậy.

Ngồi tại Cali thưởng trăng mà cắn miếng bánh dẻo nhân hạt sen cà của Bảo Hiên thì thấy mát ruột và nhớ nhà. Uống hụm trà rồi miên man nhớ tới chuyện ấu thơ. Nào là Đường Minh Hoàng du nguyệt điện, nào là vũ khúc nghê thường...

Với lũ nhóc, cõi Thiên Thai lúc đó có khi chỉ là đường Đồng Khánh trong Chợ Lớn nhờ mấy cái tủ kiếng và hình tiên múa treo lơ lửng ngang đường dây điện...

Thế rồi mình nghĩ đến cõi Thiên Thai trong thi ca, thơ phú...

Với người yêu nhạc và lại đi hát từ tấm bé, cõi Thiên Thai ấy gợi nhớ tới hai ca khúc nổi tiếng của Văn Cao và Phạm Duy. Xin hãy ăn bánh thưởng trăng bằng cách tìm về hai ca khúc ấy...

Dường như vào thuở bắt đầu sáng tác nhạc, Phạm Duy đã coi Văn Cao là một mentor (người dìu dắt) mình. Quỳnh Giao có lúc so sánh sự nghiệp của hai nhạc sĩ, một Văn Cao già dặn từ trẻ và một Phạm Duy tràn đầy phong độ lúc trung niên. Khi Văn Cao viết các tác phẩm “lớn” như Thiên Thai, Trương Chi hay Trường Ca Sông Lô, thì Phạm Duy mới chỉ có Cô Hái Mơ, Cây Đàn Bỏ Quên, Chú Cuội, Đêm Xuân…

Nhưng thiên tài Văn Cao tắt ngúm sau vụ Nhân Văn Giai Phẩm tại miền Bắc, và Phạm Duy của thập niên 50-60 thăng hoa ở trong Nam với những ca khúc xưng tụng quê hương như Tình Ca, Tình Hoài Hương, Người Về, Chiều Về Trên Sông, hay trường ca Con Đường Cái Quan, ngoài những tình khúc để đời như Ngày Đó Chúng Mình, Thương Tình Ca, Đường Chiều Lá Rụng, Kiếp Nào Có Yêu Nhau, Còn Gì Nữa Đâu, Nước Mắt Rơi, v.v.… Qua thập niên 70, Phạm Duy vẫn lừng lẫy với đời qua những ca khúc hay và đẹp như Kỷ Niệm, Trả Lại Em Yêu, Nghìn Trùng Xa Cách, Cỏ Hồng và một trường ca nữa là Mẹ Việt Nam…

Với ngàn lời ca như Phạm Duy đã từng kể và ghi lại, thì tài năng của ông quả đã vượt qua Văn Cao quá xa. Vậy tại sao mỗi sáng tác của Văn Cao lại như một nỗi ám ảnh cho Phạm Duy?

Sở dĩ người viết dám nói vậy, vì chính Phạm Duy luôn luôn phân tích kỹ càng nhạc thuật và lời từ của Văn Cao, và khiêm nhượng tự nhận rằng mình có bị ảnh hưởng của Văn Cao. Khi Văn Cao viết Trương Chi, ông có vẻ kể truyện cổ tích, mà thật sự là lời ta thán (hay xưng tụng) về cõi cô đơn của chính mình. Sau đó vài năm Phạm Duy viết bài Khối Tình Trương Chi hoàn toàn trong sáng theo lối kể truyện. Quỳnh Giao cũng đã viết về cả hai ca khúc này trong mục tạp ghi ("Có hai chàng Trương") vào đầu tháng Chín năm ngoái.

Khi sáng tác bài Đường Em Đi hồi cuối thập niên 60, tức là khá lâu sau Cung Đàn Xưa của Văn Cao, Phạm Duy cũng thừa nhận rằng mình bị ảnh hưởng Văn Cao với “gót hài khai hoa”, mà viết nên “Đường em có đi, hằng đêm bước qua, nở những đoá thơ, ôi dị kỳ”…

Nghĩ vậy nên hôm nay, Quỳnh Giao tìm đến hai cõi Thiên Thai của hai đại nhạc sĩ, đó là hai bài Thiên Thai, và Tiếng Sáo Thiên Thai…

Văn Cao viết Thiên Thai đầu thập niên 50, trong bản in của nhà xuất bản Tinh Hoa ở Huế thì ghi là 1953. Nhạc của Văn Cao và lời của Văn Cao và Hoàng Thoái. Bài hát viết trên cung Ré thứ, hầu như là loại âm giai mà các nhạc sĩ mới sáng tác ngày xưa đều dùng. Hai đoạn mở đâu cung Ré thứ có những chuyển đoạn khéo léo như cách kể câu chuyện khi du dương, khi kỳ bí. Chỉ đến đoạn cuối, ông mới chuyển qua Ré trưởng trong sáng và rộn rịp. Các ca sĩ ngày xưa hát toàn giọng kim thì mới ca cho đúng "ton", toàn những nốt Fa Năm (tức là nốt Fa ở hàng kẻ thứ năm) cao chót vót, véo von trong trẻo.

Văn Cao quả là người khéo kể truyện!

Ông bắt đầu bằng tiếng hát, "Tiếng ai hát chiều nay vang lừng trên sóng"... Nhưng mà “ai” hát? Chữ “ai” này đắc địa quá chừng! Chúng ta không cần biết là ai hát, chỉ thấy tiếng hát vang vọng trên sóng nước, làm cho âm ba rung cánh đào rơi, và làn khói phủ quanh trời khiến tác giả nhớ tới cảnh Lưu Nguyễn ngày xưa lạc tới Đào Nguyên…

Từ đây chúng ta bước vào truyện với Thiên Thai ngày tháng không tàn, và gặp cả thiên tiên dâng trái đào thơm trong điệu vũ nghê thường mờ ảo… Nét nhạc đến đây trở thành lộng lẫy, nghe như có loan, có phách và có cả đèn hoa rực rỡ của một hội hoa đăng… Nhưng non tiên nào rồi cũng hoang vắng vì thiếu tình yêu nơi dương thế! Điệp khúc ròn rã tiếng gió cùng tiếng phách, như tiễn người về trần, rồi thành man mác buồn khi mỗi chiều xa khơi người về trần lại nhớ tới cõi tiên…

Thật là một tuyệt tác về cả ý nhạc lẫn lời từ. Bài hát này, Quỳnh Giao thích nhất khi được nghe giọng hát trượng phu Anh Ngọc trình bầy, với dàn phụ họa giọng nữ trong chương trình Hoàng Trọng ngày xưa…

Phạm Duy sáng tác bài Tiếng Sáo Thiên Thai năm 1959 tại Saigon, mà theo lời của chính tác giả là viết cho cặp song ca Thái Thanh, Thái Hằng lúc đó đang rất ăn khách và thiếu bài hát duo. Không như Thiên Thai là truyện cổ tích kể lại bằng nhạc, Tiếng Sáo Thiên Thai không kể chuyện hai chàng Lưu Nguyễn, mà là một bài hát lấy ý thơ của Thế Lữ phổ vào nhạc. Nhưng Tiếng Sáo Thiên Thai là một cảnh tiên êm đềm và thơ mộng. Âm điệu Habanera dìu dặt và êm ái rất thích hợp với lời ca khi lửng lơ, khi cao vút, khi xa vắng, khi mênh mông…

Tiếng Sáo Thiên Thai được viết trên cung Mi giáng Trưởng, lên cao vút (cũng là nốt Fa Năm) đều đặn như một bài thơ năm chữ và đặc biệt là cứ mỗi cuối câu, lại có một câu láy.

Xuân tươi,
Êm êm ánh xuân nồng
Nâng niu sáo bên rừng
Dăm ba chú kim đồng

Vào thời đó, modulation của Tiếng Sáo Thiên Thai thật là tài tình mới mẻ vì Phạm Duy chuyển từ cung Mi giáng Trưởng qua cung Sol thứ / Ré 7/ Sol thứ / Ré 7/ Mib Trưởng / Ré 7/ Sol thứ. Rồi lại chuyển qua cung Do thứ / Fa 7, để chuyển về cung Si giáng Trưởng / Fa7/Si giáng Trưởng, lập lại hai lần, vào nốt cảm âm để về lại nguyên cung là Mi giáng Trưởng.

Hát bài này với một người đệm đàn không được cứng và không biết chuyển cung thì ca sĩ phải giữ lấy hồn mình, kẻo đi lạc lên Thiên Thai mà không hay…

Ngoài hai cô Thái Thanh và Thái Hằng thường trình bầy rất quyện và điêu luyện, Quỳnh Giao nhận thấy hầu như những cặp chị em hát duo bài này đều hay và đẹp vì hình ảnh dễ thương nữa. Thí dụ như cặp Mai Hương và Bạch Tuyết, cặp Thái Hiền và Thái Thảo, và Quỳnh Giao cũng đã hát bài này với em gái Vân Quỳnh trong tape nhạc Jo Marcel năm xưa…

Nhắc lại năm xưa, mình mới nhớ rằng Tết Trung Thu nào các trường tiểu học cũng đều dùng Tiếng Sáo Thiên Thai làm nhạc nền cho các em bé gái nhỏ múa, kể cả em nhỏ này (là người viết) khi còn học lớp Năm. Ngày nay, nếu các em nhỏ của chúng ta vẫn được múa hát trên giai điệu ấy, có lẽ chúng sẽ tìm hiểu nhiều hơn. Và biết đâu lại chẳng yêu thích hơn trò dọa ma trong ngày Halloween!

Quỳnh Giao viết ngày 05-10-2009
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562/posts/10208217750999476




23. Có Hai Chàng Trương


Truyện cổ tích thì Việt Nam mình có rất nhiều, nhưng hình như lại không nhiều truyện cho thiếu nhi, nếu ta so sánh với kho tàng cổ tích của các nước Âu Châu. Điều này thì các nhà nghiên cứu có thể tìm ra và giải thích cho chúng ta và có khi nói đến một thế giới của trẻ thơ rất già của dân mình. Mà hình như, cũng chỉ hình như thôi, truyện cổ tích Việt Nam có nhiều truyện buồn hơn vui. Trong một cột tạp ghi thì cũng chỉ dám lạm bàn đến thế mà thôi!

Buồn nhất có lẽ chính là truyện tiên rồng của chúng ta trong kho truyền thuyết về nguồn gốc dân tộc. Nếu đã biết rằng tiên chẳng thể sống với rồng thì vì sao lại lấy nhau, khi có trăm con rồi mới chia tay, đứa lên núi, đứa xuống biển? Đâm ra, ngay từ khởi thủy, dân ta đã có mầm chia ly, hèn chi toàn những truyện buồn!

Nhưng buồn thấm thía, chính là truyện Trương Chi.

Đây là câu chuyện éo le của hai mối tình, một thật một giả, bị tan trong nước mắt khi một người đã chết. Ban đầu, nàng Mỵ Nương đã mê tiếng hát mà mơ đến người. Khi gặp anh thuyền chài có tiếng hát cực hay thì mới thấy rằng chàng là người cực xấu trai. Nàng bèn tỉnh giấc mộng mị. Khốn nỗi, khi được gặp nàng, Trương Chi lại say mê Mỵ Nương, yêu đến phát bệnh, đến chết. Mối tình của chàng uất kết thành một khối, một trái cầu trong vắt như pha lê.

Sau này, khối ngọc ấy được tạc thành chén, khi Mỵ Nương rót trà vào chén thì nghe thấy tiếng hát xưa cùng với hình bóng của người thuyền chài cô quạnh. Giọt lệ thương cảm của nàng rơi vào lòng chén mới làm tan chén ngọc. Chắc là khi đó Trương Chi mới được siêu thoát và để lại cho chúng ta một truyện tình thật đẹp.

Tính ra thì đã có nhiều ca khúc được viết về truyện Trương Chi và nàng Mỵ Nương. Nổi tiếng nhất là “Trương Chi” của Văn Cao sáng tác năm 1943, và "Khối tình Trương Chi" của Phạm Duy viết năm 1945. Ngoài ra, Hùng Lân có bài “Hận Trương Chi”, và Anh Bằng có ca khúc “Chuyện Tình Mỵ Nương, Trương Chi”. Đấy là chưa kể tới kịch thơ của Vũ Hoàng Chương và nhiều truyện ngắn khác cũng được dựng lên từ Trương Chi. Mối tình của Trương Chi cũng gợi hứng cho người viết, nên 10 năm về trước đã viết "Tình khúc của Trương" cho số Xuân Văn Học năm Mậu Dần, nhưng đặt câu chuyện tại miền Đông Hoa Kỳ, giữa hai người Mỹ trong thế giới ca nhạc ở New York...

Nói riêng về Trương Chi của Văn Cao và Phạm Duy, thì bài "Khối tình Trương Chi" của Phạm Duy là loại "truyện kể", dùng nhạc để kể lại cuộc tình của Trương Chi, trong khi "Trương Chi" của Văn Cao là một thứ tự truyện, mượn tích Trương Chi để giãi bày nỗi cô đơn của mình. Tương tự một truyện ngắn của nhà văn Vũ Khắc Khoan trong tập truyện Thần Tháp Rùa.

Phạm Duy viết Khối Tình Trương Chi trên cung Ré Trưởng, theo nhịp ba bốn của một bài luân vũ trầm buồn. Nét đặc biệt của bài này là dẫn vào sự trong sáng, dìu dặt và uyển chuyển. Qua đoạn giữa, đoạn modulation, ông đổi sang âm giai Thứ, man mác u buồn, cũng là lúc truyện kể đến khúc Mỵ Nương nâng chén trà và thấy hình ảnh Trương Chi trong lòng chén...

Phạm Duy bắt vào truyện kể với lời ca "Đêm năm xưa..." tương tự như cách ta kể truyện cổ tích, "ngày xửa ngày xưa"... "once upon a time..." hay "il était une fois..." Cứ như thế, ông kể tiếp về cái đẹp của một đêm trăng và nàng con gái lãng mạn trên lầu vàng đã thấy lòng đê mê vì những cung Nam Thương, Nam Ai văng vẳng nổi lên từ bờ sông... Nàng đã tương tư người hò khoan, nước mắt hoen màu, tóc chảy ngàn hàng... Nhưng tới khi gặp chàng... thì đành tan vỡ câu chờ mong. Lời ca và nét nhạc thật óng chuốt, mỹ miều…

Qua đoạn hai, Phạm Duy kể tiếp về mối tình của chàng Trương trên con thuyền lẻ loi. Khi trót yêu người rồi thì tủi hờn duyên kiếp bao giờ nguôi. Chữ "trót" như một sự lỡ dại, như chuyện không cố ý, một éo le của định mệnh, khiến chàng phải ôm mối tình dở dang chôn xuống đáy sông. Câu hát "duyên kiếp trong cuộc đời - đem xuống nơi tuyền đài - để thành ngọc đá mong chờ ai" là một truyện kể rất đẹp.

Năm đó, Phạm Duy mới chỉ 24 tuổi! Và cuối cùng, nước mắt Mỵ Nương đã "cho chén tan thành lời, để thành bài hát ru lòng tôi". Người nhạc sĩ chỉ xuất hiện ở chữ cuối của bài hát, như để giải thích về truyện ca của mình...

Ca khúc "Trương Chi" của Văn Cao thì hoàn toàn trái ngược.

Về nhạc thuật, ông mở đầu với lời ta thán và nét nhạc u uẩn nhờ cung Đô Thứ. Mỵ Nương trong ca khúc không là nhân vật chính. Tiếng hát và tâm sự của chàng Trương mới là chủ điểm trong lời từ. Văn Cao tả một đêm trăng sáng và tiếng hát Trương Chi nhả tơ vào đêm trăng khiến nàng con gái nơi đài các thấy rạo rực vì trăng sáng lả lơi. Trăng không lả lơi, chính là giai nhân mới thấy lả lơi, và lả lơi vì nghe được tiếng hát Trương Chi. Văn Cao dẫn từ khách đến chủ, từ hậu quả trong lòng Mỵ Nương đến nguyên nhân là sự kỳ diệu của tiếng hát Trương Chi!

Sau đó là một câu rất ngắn, gần như đột ngột, về cái chết câm nín, tức tưởi của Trương Chi: "Nhìn xuống đáy nước sông sâu - thuyền anh đã chìm đâu." Đấy là lúc ta trở về thực tại của Trương Chi - Văn Cao, về nỗi cô đơn của người nghệ sĩ.

Đoạn modulation được Văn Cao đổi sang cung Fa Trưởng, như nỗi tấm tức, dồn dập và cả sự gào thét. Đó là tiếng mưa trên con đò trăng hay tiếng khóc của người nghe? Đoạn này, khi trình bày, các ca sĩ phải hát rất khô, ngắt câu rất rõ theo lối "staccato", nếu không thì nghe như đang kéo xe bò! Sau đấy, mới kết thúc tiếng thở than tức tưởi đó bằng một câu như ngâm thơ.

Nếu nghe lại cho kỹ, ta thấy tâm sự chàng Trương là sự u uẩn của chính Văn Cao. "Ngồi đây, ta gõ ván thuyền, ta ca trái đất chỉ còn riêng ta...." Đây là câu hát thuộc loại đẹp nhất và buồn nhất trong kho tàng tân nhạc của chúng ta.

Câu cuối, ông chuyển nét nhạc trở về cung Đô Thứ và nhấn mạnh đến thân phận nghèo hèn cùa Trương Chi mà ai cũng hiểu là tâm sự bi đát của chính ông.

Quỳnh Giao viết ngày 02-9-2008
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562/posts/10208217540034202




24. Thời Gian Ở Trên Tay....


Khi còn bé, chúng ta nghe nói đến "giọt lậu" hay "canh tàn" và được thầy cô dạy cho ý nghĩa của chữ "đồng hồ". Một bầu nước bằng đồng để đo thời gain. Lớn lên một chút và đọc truyện đời xưa thì mình bập bõm hiểu được thế nào là "cạn một tuần nhang"....

Người xưa có bầu nước nhỏ giọt mà vẫn không có đồng hồ và họ đếm thời gian bằng tiếng trống cầm canh, hoặc bằng cây nhang. Cháy hết cây nhang là được một "tuần", mà không phải là bảy ngày! Còn cây nhang đó lớn nhỏ dài ngắn ra làm sao thì tùy. Cho nên một tuần đó có khi là nửa tiếng, có khi là vài giờ nếu lại là... nhang vòng!

Mấy ông Tây làm thơ có viết "Thời gian ơi, xin hãy ngừng bay".

Còn chúng ta cứ việc... giụi luôn thẻ nhang là yên bề, có khi còn quên cả đường về. Các "cô bé lọ lem" của chúng ta đều hụt mất thời khắc nửa đêm và đánh rớt cả hai chiếc hài cho hoàng tử đi lượm tới sáng.

Vào dịp "năm cùng tháng tận" như thế này mà nếu Quỳnh Giao có tạp ghi về thời gian thì sẽ dễ được độc giả thông cảm. Nhưng nếu muốn thêm nồng vẻ Xuân thì phải nói về thời gian trên tay phụ nữ.

"Em cứ hẹn, nhưng em đừng đến nhé!" Mấy ông si tình mà làm thơ thì có khi khóc lóc như vậy cho mùi. Chứ để em khỏi quên thì hãy tặng nàng một chiếc đồng hồ!

Nhân chuyện ấy lại nhớ chú Hoài Trung. Ngày xưa chú có nói đến tiếng lóng của giới giang hồ, rằng đó là cái "đồng hịu"! Chuyện "cờ bẻo" hay cái "đồng hịu" này, giờ đây đã là một thời vang bóng, vì tiếng lóng đời nay đã hoàn toàn đổi khác....

Cũng đổi khác là một đặc sản của Âu Châu, hay Thụy Sĩ.

Vào một dịp du ngoạn đất Thụy Sĩ, Quỳnh Giao nghe người hướng dẫn giải thích vì sao xứ này lại là vô địch về nghệ thuật đồng hồ. Xin ghi lại ở đây, chứ không dám đảm bảo "72 phần dầu", như người Pháp vẫn quảng cáo xà phòng của họ.

Số là dân Thụy Sĩ cần gìn giữ tài sản nên đúc vàng thành đồng hồ. Khỏi bị mang tiếng buôn vàng thoi vàng thỏi hay vàng lá. Nhờ chuyện khuất tất như vậy, người Thụy Sĩ cải tiến kỹ thuật và ngự trị địa cầu về nghệ thuật làm đồng hồ. Đệ nhất thế giới về bí mật ngân hàng và cái đồng hồ là một đất nước có vẻ hiền như bụt!

Dù chẳng thể biết truyền thuyết ấy đúng hay sai, người viết cũng đoán rằng đó là âm mưu của các ông! Không phải là vu cáo đâu, xin các ông chịu khó đọc tiếp.

Ngày xưa, có lẽ đến thế kỷ XIX, giới thượng lưu và có tiền tại Âu Châu vẫn đặt các bà lên ngai.

Đồng hồ Harry Winston, loại "cocktail watch",
khảm kim cương, trị giá gần 900 ngàn USD !

Nữ lưu thì không một mình bước khỏi nhà vì phải có người đưa kẻ đón. Ra tới ngoài thì chuyện giờ giấc thuộc về phái khỏe. Vì thế mà phụ nữ đài các của Âu Châu có thể đeo rất nhiều trang sức, nhưng không có cái đồng hồ trên cổ tay. Bà nào mà còn phải có cái đồng hồ ở trong túi thì chắc là người cô đơn hay còn lam lũ chuyện làm ăn!

Tay cầm quạt lông, quạt trần thơm phức, vị nữ lưu thời trước đeo đầy nữ trang lấp lánh trên mái tóc hay ngấn cổ và đôi tai. Nhưng luôn luôn yếu đuối với vẻ yểu điệu khi cần hỏi han về giờ giấc. Đấy là cơ hội cho các ông kiếm việc và được việc!

Một thế kỷ sau thì sự tình đã đổi.

Nhiều bà nay đã là chủ tịch hay tổng giám đốc doanh nghiệp và bươn chải ngoài đời để các ông đóng tã và cho con bú ở nhà. Dù trường hợp ấy chưa hẳn là đa số, việc đàn bà không có đồng hồ đeo tay và chẳng được một mình bước ra ngoài là điều không còn nữa. Sản xuất đồng hồ cho các bà đã là một thay đổi lớn của thế kỷ XX.

Qua đến thế kỷ XXI thì sự thể còn đổi khác hơn nữa.

Nó đổi khác không vì nhà nào cũng kê dăm ba máy truyền hình có giờ giấc trên màn ảnh. Mà cũng chẳng vì xe hơi nào cũng có đồng hồ cạnh bảng số và ai cũng có điện thoại di động, với phút giây tự điều chỉnh còn chính xác hơn chiếc đồng hồ Thụy Sĩ mà "Made in China"....

Thời nay, người ta phân biệt loại đồng hồ thực dụng cho các bà cần đo đếm thời gian. Từ chiếc đồng hồ vài chục đến vài ngàn, cái vật thực dụng ấy là hành trang của mọi cô mọi bà. Nhưng khi vầng ô đã khuất non Đoài và trời chiều bảng lảng bóng hoàng hôn, các bà còn cần một loại đồng hồ khác. Người ta gọi đó là "cocktail watch" mà chẳng ai dám dịch là... đồng hồ đuôi gà hoặc phiên âm là "đồng hồ cốc tai".

Đó là sản phẩm của quý bà thích và có khả năng trưng diện, là loại nữ trang được ngụy trang thành cái đồng hồ!

Chín chục năm trước, nhà Van Cleef & Arpels còn phải ngụy trang cái đồng hồ phàm tục thành trang sức cho các bà quý phái. Họ gọi đó là "đồng hồ bí mật" vì là đóa hoa bằng quý kim, bên trong có nút bấm để chỉ giờ giấc cho các bà mệnh phụ liếc xuống ra cái chiều thờ ơ. Ngày nay, những nhà kim hoàn nổi tiếng nhất thế giới đều lấy chiếc đồng hồ làm cái cớ cho các bà có dịp khoe của!

Rẻ nhất trong loại sang quý đó là chiếc đồng hồ vàng 18 carat mặt khảm xà cừ với dây đeo bằng sa tanh của nhà Van Cleef-Arpels. Rẻ như bèo vì chỉ có bảy ngàn ba. Cao cấp hơn là nhà Harry Winston của Mỹ, với chiếc Semira vàng trắng và xà cừ có nạm 12 carat kim cương, mà đắt hơn một cái xe hạng sang vì trị giá gần 130 ngàn đô la. Thường thường bậc trung thì có chiếc "Premier Pearl" của Chanel, có hơn sáu chục ngàn thôi! Nhiều nhà khác thì chỉ cho biết giá khi có khách hỏi. Người viết chẳng thuộc vào diện thâu tóm thời gian vào cổ tay nên không dám hỏi!

Nhưng được biết thêm là hãng Harry Winston có thể làm dân Thụy Sĩ thèm thuồng. Đồng hồ cho các ông thì có thể lên tới ba trăm ngàn, chứ đồng hồ kiêm nữ trang của Harry Winston có loại lên tới 890 ngàn Mỹ kim. Chưa kể thuế! Tức là có bà đeo nguyên cái biệt thự trên cổ tay.

Với người đó, thời giờ chẳng là vàng bạc tầm thường trên cổ tay, mà phải là một nắm kim cương! Bà nào mà chơi trội như vậy thì khỏi cần mặc dạ phục cho một buổi tiếp tân. Đôi khi chỉ là chiếc quần jean bạc phếch! Còn có cận vệ hay không thì đấy là phần vụ của các ông!

Ngày Xuân nâng chén, xin nhớ vén tay cho đời thấy ta đeo cái đồng hồ gì....

Quỳnh Giao viết ngày 12-01-2007
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562/posts/10208220703313282
____________________________________________________________

Xem tiếp >>>  MỤC LỤC PHẦN 1 - PHẦN 3 - PHẦN 4 - PHẦN 5 - PHẦN 6 - 
PHẦN 7 - PHẦN 8