Tạp Ghi @ Quỳnh Giao (6)


TẠP GHI @ QUỲNH GIAO 

PHẦN 6 


61. Vũ Thành Nhặt Cánh Sao Rơi
62. Cô Đơn Trên Đỉnh
63. Maria Callas, La Divina64. Xin Một Tràng Pháo Tay...
64. Xin Một Tràng Pháo Tay...
65. Ðể Lại Con Tim…
66. Nghe Mãi Còn Thèm
67. Màu Tím Bên Thềm Năm Mới
68. Tiêu Tương Dạ Vũ… Thành
69. Từ Tiền chiến… tới Thính phòng
70. Ma lực Boléro
71. Vũ Khúc Ma Quái, khi Đinh Hùng nhớ Nguyễn Xuân Khoát!
72. Chỉ Ba Nốt Nhạc
------------------------------------------------------------------




61. Vũ Thành Nhặt Cánh Sao Rơi


Từ lâu, mỗi khi trời vào Thu là Quỳnh Giao lại nhớ đến một số nghệ sĩ đã quá vãng của tân nhạc. Có lẽ vì Phạm Ðình Chương sinh vào tháng 11 và mất vào Một tháng Tám. Hay vì Vũ Thành vĩnh biệt chúng ta vào ngày 15 tháng 10? Gần đây hơn cả, có Giáo sư Nguyễn Phụng, Giám đốc trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ...
Nhạc sĩ Vũ Thành


Trong số này một người có những cống hiến đáng kể nhất mà ít được biết tới chính là Vũ Thành.

Phạm Ðình Chương là người có quần chúng, rất đông bạn hữu, hàng đêm có nơi thi thố tài nghệ. Vậy mà mới chỉ 15 năm sau, nhiều người đã quên, hoặc nhớ sai về ông…

Ðọc một tờ báo trong nước viết về một CD mới gồm có bảy ca khúc của ông và nhắc đến một số bài tiêu biểu với những tiếng hát tiêu biểu “của một thời đã qua”, thí dụ như Hội Trùng Dương với tiếng hát Thái Thanh, Xóm Ðêm với Lệ Thu hay Ðôi Mắt Người Sơn Tây với Thái Hiền, Quỳnh Giao bỗng thương Hoài Bắc Phạm Ðình Chương và nền tân nhạc.

Có lẽ người viết bài báo không được nghe nhạc mà chỉ được nghe kể lại. Phạm Ðình Chương từ biệt chúng ta chưa lâu lắm (1991) mà đã bị nhớ lại với đầy sai lạc như thế, nói chi đến Vũ Thành?

Ca khúc Phạm Ðình Chương qua tiếng hát Thái Thanh thì phải là Người Ði Qua Ðời Tôi, phổ thơ Trần Dạ Từ. Tiếng hát Lệ Thu với Phạm Ðình Chương thì Nửa Hồn Thương Ðau là tuyệt chiêu. Chứ Hội Trùng Dương là một trường ca chỉ có thể hát với cả một ban hợp ca, như ban Thăng Long với hòa âm của Phạm Ðình Chương là nhất.

Hoài Bắc Phạm Đình Chương
Còn Ðôi Mắt Người Sơn Tây? Người hát ca khúc phải là đàn ông, và hát hay nhất không ai bằng… Hoài Bắc.

Cháu gái của ông là Thái Hiền mà có hát Phạm Ðình Chương thì Màu Kỷ Niệm, phổ thơ Nguyên Sa, hoặc Quê Hương Là Người Ðó từ thơ Du Tử Lê mới là bài hay nhất. Hay mà có khi chưa hợp với khẩu vị chính trị ở nhà…

Còn Vũ Thành? Ở nhà nhiều người không biết đã đành. Ngoài này, có người lầm ông với nhạc sĩ... Vũ Thành An. Xin hãy gõ lên Google thì biết khóc!

Vũ Thành sáng tác không nhiều, khoảng hai chục bài, trong đó có nhiều bài là nhạc không lời… nên bị lỗ.

Muốn trình bày các nhạc khúc ấy, như Cạn Một Hồ Trường hay nhạc phẩm Thụy Khúc - sáng tác cuối cùng trước 75 - thì phải cả một ban nhạc. Tiền đâu và ai nghe?

Nhạc có lời thì ngoài Giấc Mơ Hồi Hương mà ai cũng có thể nhớ hoặc hát, lại thường hát sai theo nhận xét của chính ông, các bài khác đều thuộc loại bất hủ, nhưng đòi hỏi trình độ của người hát: Nhặt Cánh Sao Rơi, Nhớ Bạn, Say Nhạc Canh Tàn, Gió Thoảng Hương Duyên, Gửi Áng Mây Hàng, Tình Xuân, Ngày Tái Ngộ…

Đến khi đông đảo người nghe có thể hiểu và yêu được nhạc Vũ Thành thì chúng ta có còn giữ được các tác phẩm ấy không?
Nhắc đến Vũ Thành nhiều người hồ nghi không biết.

Trong khi ấy, bên kia sân khấu, đằng sau hậu trường của thời xưa, các đồng nghiệp của ông đều nhớ Vũ Thành với sự quý mến. Ông khó tính với âm nhạc và với chính ông nhưng cực kỳ nhã nhặn và liêm chính với người và việc.

Về việc bên dân sự, Vũ Thành là Trưởng phòng Văn nghệ của Ðài phát thanh Sàigòn và có thể hái ra tiền khi đưa nhạc thương mại lên cho bằng trị giá của tấm phong bì gửi gấm. Nhưng ông từ chối tất cả, sống rất đạm bạc vì lòng ông vuông vức như một khuông nhạc kẻ sẵn. Ngoài đồng lương công chức, ông gẩy đàn và thổi sáo cho các ban nhạc để kiếm thêm tiền.

Bên quân đội, ông là Trung tá Trưởng ban Quân nhạc của Phủ Tổng thống. Thời chinh chiến, thiếu gì người muốn khoác áo kaki cầm kèn làm vì để khỏi cầm súng? Ðừng tìm đến Vũ Thành, vô ích!

Nỗi đam mê cho chính ông là viết nhạc thì Vũ Thành viết rất ít, cân nhắc từng lời với từng giai điệu. Mỗi ca khúc của ông lại là một phiến kim cương lóng lánh. Vũ Thành là người trong ba năm liền đã đoạt giải thưởng Văn học Nghệ thuật, bộ môn âm nhạc, mà chẳng nói ra, cho nên giờ này không còn mấy ai nhớ.

Ông thành công nhiều hơn trong nỗi đam mê cho nghệ thuật:

Nhờ có Vũ Thành, Ðài phát thanh Sàigon có các ban nhạc khét tiếng của Nghiêm Phú Phi, Hoàng Trọng, Văn Phụng, có những chương trình Phạm Duy, Anh Ngọc, Nguyễn Ðình Toàn, những tiết mục mà giờ này nhiều người còn nhớ, như Văn học Nghệ thuật của Trần Dạ Từ, Phan Lạc Phúc, như Trước Ðèn Ðọc Sách của Mai Thảo, những vở kịch có giá trị của Vi Huyền Ðắc, Trần Lê Nguyễn hay Ðinh Xuân Hòa.

Sàigon một thời trở nên thanh nhã cũng nhờ những người khó tính như ông.

Công phu nhất là những nỗ lực của Vũ Thành để gây dựng được các dàn nhạc đại hòa tấu, giúp Việt Nam góp mặt với năm châu thế giới. Có ảnh hưởng lâu dài và rộng rãi nhất chính là việc hòa âm và phối khí các ca khúc trình bày cho người nghe hơn là cho người xem.

Sáng tác một ca khúc, nhạc sĩ chỉ cần một dòng nhạc và lời ca.

Khi trình bày, người ta cần cả phần hòa âm cho ban nhạc và cho người hát. Một số nhạc sĩ đã có thể vừa viết ca khúc vừa soạn lấy hòa âm, như Phạm Ðình Chương, Hoàng Trọng hay Cung Tiến. Nhiều người khác thì chuyên viết hòa âm, như Nghiêm Phú Phi hay Hồ Ðăng Tín hoặc Lê Văn Thiện, Lê Văn Khoa....

Trong số này, Vũ Thành là người soạn hòa âm với kích thước công phu nhất nhờ chiều sâu văn hóa lẫn nghệ thuật âm nhạc.

Hơn bốn mươi năm trước, Vũ Thành đã xin ngân sách chính phủ và cùng bằng hữu chọn ra 200 ca khúc hay nhất của Việt Nam để viết hòa âm cho các ban nhạc trình bày. Nhờ vậy mà trình độ tân nhạc thời ấy lên đến tột đỉnh. Kho tàng ấy có khi chẳng còn. Khi Anh Ngọc được ra khỏi nước, hành trang duy nhất của ông là một số cuốn băng ghi âm các ca khúc đã được Vũ Thành hòa âm thời ấy.

Muốn biết thế nào là nhạc hay lời đẹp, Quỳnh Giao nghĩ rằng ta hãy cố tìm và nghe lại các ca khúc này.

Vũ Thành là người âm thầm làm đẹp cho tác phẩm của người khác. Ông là người muốn nhặt cánh sao rơi cho cả một thời.


Sau 1975, ông sống như người ẩn dật tại miền Ðông Hoa Kỳ. Sao đã rơi tan tành, chỉ còn những mảnh vụn tứ tán ông không thể nhặt được nữa. Lúc cuối đời, ông lâm trọng bệnh, tai đã hỏng, mắt bên phải bịt dải khăn đen vì không điều chỉnh được hướng nhìn, thanh quản bị hư, ông vẫn thều thào nói về nhạc và chỉ nói về nhạc.

Vũ Thành là tay guitar cứng cỏi và cũng là cây sáo điêu luyện từng ngồi “ghế đầu” của dàn nhạc giao hưởng đầu tiên của Việt Nam. Truyện Kim Dung có một đoạn cảm động trong Tiếu Ngạo Giang Hồ. Hai người, một đàn một sáo cùng tấu lên một khúc cuối trước khi lìa đời. Vũ Thành rất thích truyện ấy và tin rằng Kim Dung am hiểu sâu sắc về âm nhạc.

Quỳnh Giao thì tin rằng Vũ Thành đã một mình một đàn một sáo tấu lên một khúc cho đến khi sao rụng, rồi thong dong bước qua cõi khác. Ðau buồn nhất là cho những người còn lại khi nghe trong nước ca bài Gửi Áng Mây Hàng của ông (mây Hàng là tích cổ, nói về nỗi nhớ quê hương và cha mẹ) lại hát thành Gửi Áng Mây Hồng!

Không còn nhớ đến cánh sao rơi, đành chơi với mấy mảnh thủy tinh vụn…

Quỳnh Giao viết ngày 23-11-2005
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562/posts/10208251217556119





62. Cô Đơn Trên Đỉnh

Với nhiều người, Sàigon có lẽ văn minh và đáng nhớ nhất là vào thập niên 60.

Chúng ta dám nghĩ vậy khi nhiều ca khúc ngoại quốc phổ thông nhất của thời ấy ngày nay còn được ưa chuộng. Giờ này, ở xa cả Paris lẫn Sàigòn, có khi tại Cali nắng ấm, ta vẫn nghe lại “Tombe la Neige” của Adamo, hay “Capri, C’est Fini” của Hervé Villard, v.v… Ðấy là mấy bài nổi tiếng từ giữa thập niên 60 và kịp tràn vào Sàigon trước khi khói lửa bùng nổ. Rồi từ đấy, giai điệu và lời ca cứ đọng trong trí nhớ nhiều người, dù nhạc Pháp đã thay đổi rất nhiều trong bốn chục năm qua.

Một người Pháp mà bước vào quán ăn lịch sự của người Việt có khi ngỡ ngàng nghe thấy một mảnh vụn xa xưa của văn hóa Pháp còn lấp lánh trong không gian âm nhạc của cộng đồng tỵ nạn.

Nếu am hiểu đôi chút về văn hóa Á Ðông, họ liên tưởng đến truyện Ðào Nguyên. Nơi khuất nẻo ấy, những người chạy loạn thời Bạo Tần còn giữ nguyên phong thái cũ, mấy trăm năm sau vẫn ăn mặc ăn nói như xưa mà không biết lịch sử đã trải bao lần đổi thay. Paris ngày nay không hát như vậy, Sàigon cũng thế.

Tiếng hát lúc ấy chỉ làm nền cho kỷ niệm êm ái trở về…

Mà những khúc hát phổ thông ấy (một loại pop-music của Tây) thực ra đã bị thế giới lãng quên. Ðáng tiếc hơn rất nhiều là chúng ta cũng có thể lãng quên dần nhiều ca khúc nghệ thuật thuộc khuynh hướng bán cổ điển Tây phương do chính người Việt mình sáng tác.

Ca khúc phổ thông là loại dễ hát và dễ nghe vì giai điệu nhẹ nhàng dễ nhớ, với lời ca giản dị. Ca khúc nghệ thuật là loại kén người hát nên càng ít người nghe và chưa chắc đã được đám đông đón nhận. Kén người hát vì giai điệu cầu kỳ, đòi hỏi kỹ thuật hòa âm và phối khí công phu cùng với nghệ thuật trình bày điêu luyện.

Ít người nghe vì lời ca óng ả nét Ðông phương mà rất hài hòa trên cung bậc cổ điển của Tây phương.

Ðấy là loại ca khúc có giá trị nghệ thuật cao về cả nhạc lẫn lời, nhất là nhạc. Dù không hiểu lời, một người ngoại quốc có trình độ âm nhạc mà nghe những giai điệu ấy tất phải chú ý và có thể ngẫm ra những lời gửi gấm được diễn tả bằng nhạc.

Những nhạc sĩ đi vào khuynh hướng này phải có căn bản nhạc lý thật vững, có trình độ văn hóa và ưa chuộng nghệ thuật hơn là chạy theo thị hiếu đám đông. Họ viết trước tiên là cho chính họ.

Ðiển hình nhất trong số này là Dương Thiệu Tước, cháu nội cụ Dương Khuê.

Sinh tại đất Bắc, ông viết một bài có thể là “hiệu ca” của Cố đô Huế là “Ðêm Tàn Bến Ngự”, và một bài đầy âm hưởng miền Nam, là “Tiếng Xưa”. Nhưng, lãng mạn và trác tuyệt là “Ngọc Lan”, tân kỳ và độc đáo là “Mơ Tiên”, “Bến Xuân Xanh” hay “Thuyền Mơ”, hoặc xa xưa mà quý phái là “Buồn Xa Vắng”... thì nay ít còn ai nhớ vì ngày càng ít người hát.

Nối tiếp Dương Thiệu Tước trong khuynh hướng bán cổ điển Tây phương, ta có Vũ Thành, con trai cụ Tuần phủ Vũ Ðại. Nhắc đến Vũ Thành, người ta chỉ còn nhớ “Giấc Mơ Hồi Hương” mà có khi không biết hoặc đã quên những bài đắc ý nhất của ông, như “Nhớ Bạn”, “Nhặt Cánh Sao Rơi”, “Gửi Áng Mây hàng”, “Gió Thoảng Hương Duyên”….

Nếu có được một đêm yên ắng mà nghe “Nhớ Bạn”, chúng ta sẽ thấy sự khác biệt giữa nhạc phổ thông của Pháp với ca khúc nghệ thuật của ta.

Trẻ hơn lớp người đã thành thiên cổ ấy thì có Cung Tiến.

Có lẽ ông rất buồn khi người ta chỉ nhớ đến “Thu Vàng” hay “Hoài Cảm”, những ca khúc sáng tác thời trẻ, theo ý ông, “như bài tập”. Trong khi ấy “Nguyệt Cầm”, “Lệ Đá Xanh” hay “Mắt Biếc”, “Vết Chim Bay” là những bài ông hài lòng. Ðấy là Quỳnh Giao chưa nói đến nhiều ca khúc đặc biệt khác mà ít ai biết vì chẳng còn mấy ai hát, như "Đường Hoa", “Ði Núi” hay “Hoàng Hạc Lâu”. Ai hòa âm và dạo nhạc cho mình hát loại ấy nhỉ…

Gần với chúng ta, có Lê Văn Khoa là người tràn đầy thiện chí làm mới tân nhạc mà bài “Gọi Nhớ” có khi đã bị quên vì người ta thường nhớ đến những bài nôm na dễ trình bày hơn.

Một người mà đa số người nghe trong Nam cũng đã quên chính là Nguyễn Văn Quỳ, tác giả của “Dạ Khúc”, “Mây Trôi” và “Cánh Chim Chiều” mà chúng ta hay đẩy lui vào vùng... “Tiền chiến”.

Khi còn nghe lại một số ca khúc phổ thông của Pháp, nhiều khi chúng ta thấy bơ vơ như trẻ thơ nhớ nhà và cố tìm về không khí thanh lịch của thành phố ngày cũ. Khi nghe loại nhạc Quỳnh Giao tạm gọi là “bán cổ điển Tây phương” của những nhạc sĩ muốn nâng cao trình độ nghệ thuật và mở ra những chân trời khác, chúng ta thấy họ quả là những người cô đơn. Họ sáng tác cho chính họ và nhiều khi cũng chẳng mong đợi là tìm ra tri kỷ trong đám đông.

Nhưng cũng nhờ các ca khúc này mà tân nhạc của mình đã vươn tới những đỉnh cao khác.

Trong các bộ môn giáo dục tiếp nhận ở học đường, chúng ta học nhiều về thơ văn mà có lẽ rất ít về cách thưởng ngoạn cái đẹp, như trong hội họa hay âm nhạc. Phải chăng vì vậy mà chúng ta không được thưởng thức cái đẹp trong các ca khúc, rồi tự hài lòng với những gì phổ thông đại chúng nhất, và lãng quên dần những tác phẩm đáng lẽ phải làm mình hãnh diện?

Quỳnh Giao viết ngày 02-11-2005.
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562/posts/10208251927573869






63. Maria Callas, La Divina


Ngày 15 này, nhiều người sẽ nói đến Onassis, tỷ phú hàng hải người Hy Lạp. Ông sinh ngày 15 tháng Giêng năm 1906, được trăm năm rồi (nhiều tác giả khác cho là ông sinh năm 1900).

Người Mỹ nhớ đến ông vì Jacqueline Bouvier Kennedy Onassis: năm 1968, ông thành hôn với góa phụ của Tổng thống John F. Kennedy. Một số người khác thì nhớ đến Maria Callas vì mối tình éo le của nàng với Onassis, kết thúc trong khổ đau vì Jacqueline.

Nhưng, đấy là truyện bên lề không đáng kể.
Maria Callas

Vào dịp Tết dương lịch vừa qua, giới yêu nhạc lại nhắc đến Maria Callas, được người ngưỡng mộ vinh danh là “Divina”, nữ thần. Họ nhắc đến nhạc trưởng Leonard Berstein đã tôn nàng là "Cuốn Thánh Kinh của Opera" và gọi là "La Callas" - nàng Callas.

Lý do là khi ấy một tiếng hát mới, được hệ thống PBS truyền đi từ chương trình “Live at the Lincoln Center” ở New York.

Angela Gheorghiu là một Diva mới.

Nàng sinh tại xứ Romania và bắt đầu chinh phục khán thính giả Hoa Kỳ với vở Tosca mở mùa cho Metropolitan Opera từ tháng 9. Mừng năm mới, Lincoln Center có một chương trình đặc biệt với dàn nhạc New York Phiharmonic và nhạc trưởng Lorin Maazel để đưa tiếng hát Gheorghiu đến tột đỉnh.

Lúc ấy, giới thưởng ngoạn lại nhắc đến La Callas, khuất bóng từ 1977 mà tiếng hát vẫn váng vất trên sân khấu.

Maria Callas sinh năm 1923 tại New York, từ một gia đình di dân Hy Lạp nghèo nàn. Còn trẻ, nàng cùng mẹ trở lại cố hương, học dương cầm rồi học hát ở Conservatory của thành phố Athens, với một giọng soprano lừng lẫy hồi đầu thế kỷ là Elvira de Hidalgo. Callas bắt đầu trình diễn trên sân khấu Opera từ năm 1941 và nổi danh hoàn vũ từ thập niên 1950 trở về sau.

Maria Callas được trời cho một giọng hát đẹp. Không thiếu người cũng được như vậy. Giọng Maria Callas có âm vực cao, thuộc loại "bel canto" của giọng soprano nhưng nàng vượt ra khỏi khuôn khổ ấy để đảm nhiệm những vai dramatic soprano trên sân khấu Opera và trở thành một danh ca xuất sắc nhất của thế kỷ XX. Một đào thương với tiếng hát thiên phú.

Maria Callas
Những điều ấy, kể ra thì cũng bình thường.

La Callas có một sự nghiệp phi thường ở nhiều khía cạnh khác.

Nàng hát được chừng 14 năm thì hình như trời lấy lại giọng hát ở những nốt cao nhất. Âm sắc bắt đầu lung linh run rẩy. Khi còn trẻ, nàng đã bị bệnh mập phì và thường xuyên phải canh chừng việc ăn uống và xuất hiện để trình diễn được nhiều vai hơn. Ở tuổi trung niên, La Callas dễ dàng diễn vai thiếu nữ mới tuổi trăng tròn.

Nàng dùng nghệ thuật và kỹ thuật khắc phục trở ngại để diễn những vở khó hát nhất nên mới được Leonard Berstein ngợi ca như vậy.

Trên sân khấu, Maria Callas không diễn xuất nhiều, nàng tiết kiệm từng cử chỉ mà vẫn tỏa sáng không gian chỉ nhờ sự hiện diện và ma lực của tiếng hát. Tìm xem lại một số DVD của nàng, người ta sẽ hiểu thế nào là nghệ thuật La Callas.

Nghệ thuật ấy kết thúc ngày 11 tháng 11 năm 1974 trên sân khấu Sapporo của Nhật Bản. Từ đấy, nàng không xuất hiện nữa.

Maria Callas là một nghệ sĩ không có hạnh phúc.

Mối tình của nàng với tỷ phú hàng hải Aristotle Onassis là tiết mục nghệ thuật của các tờ lá cải. Nàng có một con trai với ông thì đứa bé mất sớm vì đẻ thiếu tháng. Khi Onassis bỏ nàng để lấy nguyên Ðệ nhất Phu nhân Hoa Kỳ vào năm 1968 thì cũng là lúc nàng mất hết. Giọng hát đang tan vỡ dần, những vai thượng thặng trong nghệ thuật Opera cũng tuột khỏi tầm tay, tình yêu cũng vậy….

Maria Callas thu mình, sống khép kín trong những năm cuối tại Paris.

Ngày 16 tháng 9 năm 1977, ngôi sao Callas vụt tắt. Chính thức thì La Callas mất vì đau tim, ở tuổi 54, khi còn rất trẻ.

Nhưng, ở con người ấy thì mọi chuyện đều không bình thường.

Maria Callas được hỏa táng trong một nhà thờ Chính thống giáo Hy Lạp tại Paris trên một con đường mang tên một nhạc sĩ, George Bizet. Tro cốt của nàng được mai táng tại nghĩa trang Père Lachaise. Thế rồi tro cốt ấy bị đánh cắp, rồi được tìm thấy, sau cùng được đem ra rải ngoài biển Aegea ở ven bờ Hy Lạp.
Maria Callas

Sau đấy mới có lời đồn là nàng đã tự quyên sinh bằng thuốc ngủ.

Cuối năm 2004, đạo diễn điện ảnh và sân khấu Opera là Franco Zeffirelli còn đưa ra một luận cứ khác là La Callas bị một nữ nhân viên là tay dương cầm Vasso Devetzi ám sát để cướp đoạt tài sản trị giá chín triệu đô la. Tài sản ấy, La Callas để lại cho một hội thiện mang tên nàng (Maria Callas Foundation) nhằm đào tạo những giọng ca mới.

Mấy ai tin vào giả thuyết của Zeffirelli nhưng chẳng có cách nào kiểm chứng. Maria Callas được hỏa táng rất nhanh, tro cốt nay đã tan vào cát bụi, không ai giảo nghiệm được nữa.

Như một thiên thần về nhạc, nàng xuất hiện trong nhân gian đầy hệ lụy và sớm tan biến sau những năm ngự trị trên tột đỉnh của danh vọng, tiền tài, hạnh phúc và nghệ thuật.

May là nhân loại đã có kỹ thuật để gìn giữ nghệ thuật.

Nhờ vậy mà mấy chục năm sau và có lẽ mãi mãi chúng ta vẫn có thể nghe và xem La Callas với phong cách trình diễn đầy khác biệt của các nhân vật Opera trong những vở nổi tiếng của Verdi, Rossini, Puccini, Bellini, Wagner, v.v… Nàng có trực giác của nghệ sĩ chân chính để bắt được cái thần của từng nhân vật sân khấu và có cái chí bền bỉ kiên trì để tự rèn cặp, tự kiềm chế, hầu diễn nhập vai và hát xuất thần những vở Opera đẹp nhất.

Chữ “xuất thần nhập hóa” thì ai cũng có thể nghe nói đến. Nhưng muốn xem cho tỏ và nghe cho tường thì nên tìm về Maria Callas.

Nếu lại biết đến mặt sau của sân khấu nghệ thuật, mặt thật của một cuộc đời hẩm hiu, người ta càng thương người nghệ sĩ này. Vì vậy, mỗi thế hệ đi qua, nhân loại lại một lần tự hỏi: “La Callas đây chăng?”

Quỳnh Giao viết ngày 11-01-2006
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562/posts/10208252049416915





64. Xin Một Tràng Pháo Tay...

Nghệ sĩ chân chính thường lúng túng, đôi khi khó chịu, khi nghe người giới thiệu chương trình (gọi là EM XI) duyên dáng yêu cầu "xin quý khán giả cho một tràng pháo tay".... trước khi mình bước ra sân khấu.

Khán giả phải có quyền thẩm định và diễn tả sự hài lòng hay không, chứ nghệ sĩ không hề xin xỏ vì khi ấy đang tập trung vào tiết mục trình diễn của mình. Sau đó, có vỗ tay hay không, nhiều hay ít thì là chuyện khác.

Đã từ lâu Quỳnh Giao muốn viết về cách vỗ tay của người thưởng ngoạn, không vì mình là người trình diễn nên muốn khán giả vỗ tay hoan hô, mà vì có nhiều cách vỗ tay lắm.

Mỗi một loại nhạc có cách vỗ tay riêng, có phong cách riêng.

Ngày còn học trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ ở Sài Gòn, mỗi năm mình được dự vài buổi hòa nhạc (concert) hiếm hoi. Họa hoằn mới có nghệ sĩ nổi tiếng người ngoại quốc ghé Việt Nam trình diễn trong khuôn khổ viện trợ văn hóa.

Hãy tạp ghi về những kỷ niệm ấy trước, tiếng vỗ tay sau...

Năm mới vào trường nhạc, người viết lên mười được nghe cô Ngô Như Mai từ Pháp mới về đàn piano bản Concerto số 21 của Mozart trong dịp kỷ niệm 200 năm Mozart với ban nhạc của trường do ông giám đốc Nguyễn Phụng điều khiển. Rất hiếm có.

Lớn hơn một chút, người viết say mê nghe Renée Fung (người Trung Hoa) đàn violon một bản Concerto của Beethoven với dàn nhạc của trường do nhạc trưởng người Đức Otto Sohlner điều khiển. Cô đàn hay mà còn đẹp nữa mới ác, làm các nam sinh viên của ta cứ ngẩn ngơ.

Cô Fung đến theo nhiệm vụ của Liên Hiệp Quốc là ở lại Việt Nam một năm để giảng cho lớp nhạc thính phòng (musique de chambre hay chamber orchestra), dạy cho dàn nhạc nhỏ và cho nhạc sinh đàn song tấu, tam tấu, tứ tấu. Khi cô từ giã vì hết nhiệm kỳ, cả khối nhạc thủ Tây phương bỗng bị bệnh tương tư.

Nhạc trưởng Otto Sohlner thì ở lại lâu hơn vì tập cho dàn nhạc lớn của trường.

Ông soạn hòa âm cho trường ca “Con Đường Cái Quan” của Phạm Duy, được trình diễn lần đầu tại rạp Thống Nhất (tên cũ là Norodom) rồi lưu diễn Đà Lạt một tuần. Chuyến đi từ Sài Gòn lên Đà Lạt là một kỷ niệm đẹp và khó quên cho Mai Hương và Quỳnh Giao. Lúc ấy, người mới 19, kẻ mới 14 tuổi. Nhạc trưởng Sohlner mê Việt nam, nên khi hết nhiệm kỳ ông ở lại, ra Huế dạy trường nhạc vừa mới mở tại đấy.

Sau Tết Mậu Thân, không biết ông trôi dạt nơi nao, hay đã trở về cố quốc?

Năm 1965 có chương trình của dàn nhạc Đỗ Thế Phiệt với phần trình tấu Concerto cho Violin của Bach với bà Francis Buxton, một giáo sư bên Mỹ qua Việt Nam giảng dạy. Có giọng soprano của bà Robin người Pháp, vợ của ông Giám đốc Trung tâm Văn hóa Pháp với bài “Exultate Jubilate" của Mozart. Và hân hạnh làm sao, Quỳnh Giao và cô bạn học nhạc cùng thầy là Đăng Thư được đàn mỗi đứa một hành âm (mouvement) bài Concerto en Ré của Bach! Hai đứa đều đã tốt nghiệp trường nhạc, lần đầu đàn concerto, là độc tấu với dàn nhạc giao hưởng, thật khác hẳn với đàn một mình.

Phép vỗ tay của khán giả trong chương trình nhạc cổ điển có nhiều quy cách mà chính nhạc sinh cũng phải học.

Đầu tiên là khán giả đợi hết bài mới vỗ tay, chứ không vỗ ngang chừng. Thí dụ như một concerto có ba hành âm, bình thường thì theo thứ tự: hành âm một có nhịp điệu nhanh (allegro), hành âm hai chậm (adagio), hành âm cuối cùng rất sinh động (vivace). Đôi khi một bài có đến bốn hành âm, như bản Symphony số 41của Mozart. Và cũng có bài mà hành âm một lại phá cách, không nhanh mà chậm (adagio), thí dụ như bản Symphony số 9 của Beethoven.

Khán giả phải đợi ban nhạc đàn xong hành âm cuối mới được vỗ tay, dù sau mỗi hành âm, dàn nhạc đều dừng lại chuẩn bị trình tấu phần kế tiếp. Những lúc ngừng lại như thế, ở dưới thì mình được ho cho đỡ ngứa cổ sau bao nhiêu phút dài ngồi im để thưởng thức. Nhưng chỉ ho thôi, chứ không vỗ tay!

Một giai thoại kể rằng khi xưa có danh ca Mirella Freni người Ý rất nổi tiếng, cùng thời với Maria Callas. Bà mẹ của Freni và bà mẹ của Luciano Pavarotti xưa kia là nhân công trong một hãng vấn thuốc lá và Mirella Freni còn hát cho đến tuổi 70 mới giải nghệ, vào năm 2005.

Mirella Freni

Hai nữ danh ca này rất kỵ nhau.

Một buổi trình diễn của Maria Callas ở New York có Mirella Freni ngồi dự ở dưới. Khi mọi người nín thở nghe Maria Callas hát một đoạn aria trong vở kịch thì Mirella Freni vô tình hay hữu ý làm rơi chiếc vòng đeo tay, kêu cái “keng”, khiến cả rạp “ồ” lên. Maria Callas bị lạc lõng khi đang ngân nga!...

Nghệ thuật cách không điểm huyệt bằng âm thanh là vậy!

Nhưng thế mới biết là không khí yên lặng trong rạp hát cần thiết đến chừng nào! Trang nghiêm như trong một nghi thức tôn giáo. Thượng đế là âm nhạc, danh ca chỉ là "thánh nữ" dâng lời tôn kính, theo đúng quy cách!

Khán giả nhạc cổ điển Tây phương thường vỗ tay làm nhiều lượt.

Khi hài lòng về người trình diễn, họ vỗ tay nồng nhiệt và rất lâu, đôi khi xen lẫn tiếng hô "bravo”. Người trình diễn tức là người độc tấu (soloist) và nhạc trưởng (conductor) cùng cúi chào khán giả rồi cùng bước vào hậu trường. Có khi người soloist là phụ nữ thì nhạc trưởng lịch sự đưa cánh tay dẫn người đẹp vào hậu trường. Nếu tiếng vỗ tay bên ngoài vẫn vang rền thì họ lại cùng ra sân khấu cúi chào lần nữa, và lại đi vào hậu trường. Tiếng vỗ tay mà chưa dứt, họ lại bước ra sân khâu lần thứ ba để chào cảm tạ khán giả...

Như vậy, thế nào là thành công?

Câu trả lời của người nghệ sĩ là “hễ chỉ vỗ tay và chào hai lần là xoàng!" Vỗ tay ba lần mới là đạt. Đó là hết phần một, trước "intermission" thôi, nếu là bài cuối thì tiếng vỗ tay đôi khi bốn đợt mới dứt.

Có lần Luciano Pavarotti và Placido Domingo được vỗ tay đến 45 phút tại Vienne! Đạt kỷ lục.

Ngày xưa, viết lại đây mà thấy nhớ giáo sư Đỗ Thế Phiệt vô cùng. Ông dặn Đăng Thư và Quỳnh Giao nhớ cúi đầu chào rồi bước vào hậu trường thật nhanh. Đúng ra là chỉ đứng mấp mé sau cánh gà tí xíu rồi trở ra sân khấu ngay nếu khán giả còn vỗ tay. Bước vào xa quá là ra không kịp! Dễ thương thật, và hai đứa được ra chào ba lần, cả thầy và trò đều sung sướng mãn nguyện.

Nhưng Quỳnh Giao có người anh ruột là "concert master" trong một ban nhạc lớn tại Đức lại rất khổ với tiếng vỗ tay.

Các nhạc sĩ bận quần áo lịch sự từ chiều và phải tập trung trình diễn trong cả tiếng đồng hồ nên cần... cựa quậy và uống miếng nước. Ngồi cứng trên sân khấu nhận tràng pháo tay tán thưởng, họ thấy mệt!

Qua loại nhạc khác, như pop hay country music, khán giả vỗ tay tùy ý.

Placido Domingo được 27 phút vỗ tay tán thưởng
Có lúc mới nghe câu mở đầu đã vỗ tay ngay để bầy tỏ sự thích thú. Khi trình diễn xong, nghệ sĩ cúi đầu chào, và đôi khi nói lời cám ơn. Khi nghe tiếng vỗ tay dứt thì nên đi vào ngay, đứng đợi thêm cũng không hay vì chỉ lẹt đẹt thêm vài tiếng lẻ loi mà thôi.
Một người làm ông “bầu” cho các show ca nhạc của ta tại Mỹ, đã có lần “chỉ mánh” cho nghệ sĩ trình diễn cách làm cho khán giả vỗ tay dài.

Anh nói: "Quí vị phải gợi tiếng vỗ tay bằng... cách chào! Phải giả bộ chào cúi rạp mình cho lâu. Không ai nỡ ngưng tán thưởng khi mình cúi chào cám ơn họ. Và nếu quý vị muốn… dài nữa thì quay lại đưa tay cám ơn nhạc sĩ, thiên hạ lại phải vỗ tay cho nhạc sĩ nữa. Vậy là người ta có cảm tưởng là mình được vỗ tay dài hơn hết!"

Người viết thì quê mùa và ngại ngần, không dùng thủ thuật đó. Trái lại, đôi khi cứ đi vào dù tiếng vỗ tay chưa đứt, chỉ vì thói quen lúc học nhạc là khán giả vẫn vỗ tay dù nghệ sĩ trình tấu đã đi vào… Nhưng xem ra cách "cò mồi" này còn khá hơn là người trình diễn xin “một tràng pháo tay”. Ai phải xin điều ấy mà không thấy… ngượng? Chưa kể là nhiều người còn cho thân nhân đi lên tặng hoa nữa. Trong nghề đều biết cả!

Thiết nghĩ thì dù thích hay không khán giả nên tán thưởng cho lịch sự. Thấy hay thì vỗ to hơn và dài hơn thôi.

Trong các buổi trình diễn nhạc rock, người đứng trên sân khấu là “thần tượng” của khán giả. Ở đây, vỗ tay là thường quá, phải xông lên, nhảy đựng như người điên, đòi xé quần áo thần tượng, và đôi khi khích động quá đến ngất xỉu tại chỗ mới rõ là ái mộ. Các ông hoàng của loại nhạc này như Elvis Presley hay Michael Jackson đều hưởng kiểu thưởng ngoạn đó. Đêm về chính họ phải dùng thuốc để ngủ và sáng dậy phải dùng thuốc để tỉnh. Đâm ra thành công nào cũng có cái giá của nó...

Tự làm khổ mình cho người mua vui là cái nghiệp của nghệ sĩ chăng? Hay là vì tự mê?...

Quỳnh Giao viết ngày 15-12-2009.
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562/posts/10208252205860826



65. Ðể Lại Con Tim…


Nhân vật ấy là một thần tượng của quần chúng, một huyền thoại về tân nhạc và một tay hội họa nổi danh. Nói như vậy, nhiều người Việt chúng ta có thể nghĩ đến Trịnh Công Sơn. Vừa nhạc vừa họa thì đúng là họ Trịnh chứ gì?

Anthony Dominick Benedetto
Người Mỹ nghĩ khác.

Tháng 12 năm 2005, Tổng thống Bush và Ðệ nhất Phu nhân Laura cùng nhiều người vinh danh sự nghiệp của ông ta tại Kennedy Center: một sự nghiệp vượt thời gian vì trải qua 55 năm thăng trầm, hơn nửa thế kỷ làm đẹp cho con người.

Người đó là danh ca Tony Bennett.

Ông nổi tiếng ở cách trình diễn nhạc phổ thông (Pop Music) và jazz, nhưng cũng là một họa sĩ có tài. Tháng Chín năm 2005, ông làm nức lòng giới mộ điệu tại Ðại hội nhạc jazz ở Monterey thuộc tiểu bang California trong khi hơn 70 tác phẩm của ông, gồm tranh sơn dầu, màu nước và phác thảo bằng than chì, được triển lãm tại phòng tranh Oliver Elliot and Sebastian Art Gallery bên thị xã lân cận là Carmel, cho đến mùng 9 tháng 10.

Trước đó, vào tháng 8, ông (cụ) mới vừa mừng 79 cái xuân xanh của mình.

Tên tuổi người nghệ sĩ đa năng đa tài này, Tony Bennett, là món quà của một nghệ sĩ xuất chúng khác, của Bob Hope. Trước đấy, ông lưu diễn trong một ban nhạc ta gọi là “tâm lý chiến” của quân đội Mỹ, dưới tên sân khấu là Joe Bari. Trước đấy nữa, tên cha sinh mẹ đẻ ông có từ tháng 8 năm 1926 là Anthony Dominick Benedetto. Ngày nay, cái tên cúng cơm của ông vẫn còn, được ông ký trên các họa phẩm của mình, là Benedetto.

Tony Bennett sinh tại New York, vùng Queens, trong một gia đình nghèo, cha bán tạp hóa, mẹ là thợ may. Ông học nhạc bằng tai, ở ngoài đường, khi lê la nghe Louis Armstrong, Eddie Cantor, Judy Garland, Jack Teagarden, v.v... và 10 tuổi đã nhảy lên sân khấu.

Sau này, ông mới vào trường New York High School of Industrial Arts để học nhạc và họa mà chỉ được mấy năm rồi phải bỏ khi mới 16 tuổi, để phụ giúp sinh kế cho gia đình. Làm bồi bàn trong các nhà hàng Ý, cậu bé Benedetto quàng khăn lau trên vai và đưa đẩy các tình khúc cho thực khách thưởng ngoạn.

Khi đại chiến bùng nổ, Benedetto tòng quân năm 1944, được gửi qua tác chiến trên các mặt trận tại Pháp, Ðức và thoát chết mấy phen. Chiến tranh kết thúc, trong đoàn quân hồi hương với khúc khải hoàn không có chàng chiến binh kiêm nghệ sĩ. Chàng ở lại giúp vui cho quân đội nhưng lại làm nhiều thượng cấp phật ý vì phàn nàn tinh thần kỳ thị trong quân đội.

Ðấy là lý do khiến Benedetto đổi tên thành Joe Bari trên các sân khấu kaki của lính. Tinh thần chống đối kỳ thị là nét không đổi của con người này cho nên trên đỉnh danh vọng, chàng từ chối lưu diễn tại xứ Nam Phi vì nạn kỳ thị dân da đen.

Năm 1946 Benedetto mới được giải ngũ và đi học nhờ học bổng của quân đội. Lại học nhạc, học hát… trong khi vẫn đi bưng mâm kiếm sống.

Thế rồi năm 1949, chàng lọt mắt xanh của Pearl Bailey, được bà giới thiệu với Bob Hope và được Bob Hope đẫn vào các chuyến lưu diễn của ông sau khi cầm kéo cắt gọn cái tên cho dễ nhớ.

Thành Tony Bennett. Từ đấy, Tony Bennett bước lên từng bậc thang danh vọng, sau khi được khuyên là “làm gì thì làm, đừng bắt chước Frank Sinatra!”

Danh ca Tony Bennett 
Khó thật! Cùng là ca sĩ giọng nhung gốc Ý làm sao khỏi bị ớm bóng?

Nhưng Tony Bennett biết cách và thành công. Sau này, mãi sau này, khi đã trở lại tột đỉnh danh vọng, năm 2001 ông thành lập trường trung học miễn phí tại khu Queens, chuyên dạy nghệ thuật sân khấu, với tên... Frank Sinatra School of the Arts! Tấm lòng nghệ sĩ tuyệt vời.

Trước đấy, cách nay 40 năm, chính Frank Sinatra đã phát biểu về bạn trên tờ Life: “Trong nghề với nhau, tôi chấm Tony Bennett là nhất. Ông ta là ca sĩ đã hiểu rõ tâm tư người nhạc sĩ sáng tác và có lẽ còn xa hơn thế”.

Từ đệ nhất kiêu sĩ là Frank Sinatra, lời nhận xét quả là đáng giá ngàn vàng.

Trước sau, Tony Bennett bán được khoảng 55 triệu đĩa nhạc và xuất hiện với các ban nhạc nổi tiếng nhất, bên các nhạc sĩ tài danh nhất trên các sân khấu chọn lọc nhất. Ca khúc gọi là ‘dấu ấn’ của chàng là “I Left My Heart in San Francisco”, tung ra năm 1962 đến nay vẫn được coi là một trong những ca khúc đáng nhớ nhất của thế kỷ 20.

Nhưng, cây cầu vồng rực rỡ của sự nghiệp cũng có khúc cong.

Từ cuối thập niên 60, khi hát lại các bản rock nổi tiếng để chiều theo thị hiếu phù phiếm của quần chúng, Tony Bennett bắt đầu tuột dốc. Giai đoạn khổ ải kéo dài 10 năm, cho đến 1979 thì chàng rơi đến đáy, suýt mất mạng vì ma túy và ngôi nhà tại Los Angeles bị ngân hàng kéo sập!

Như với mọi người Ý chính hiệu, chốn nương náu của người bị đời lãng quên chính là gia đình. Hai con trai ông bỏ nghề ca hát quay về giúp cha và mở nhịp cầu cho Tony Bennett tiến vào thế giới của tuổi trẻ.

Bị ù tai hoa mắt vì nhạc disco, vì punk rock và new wave, giới trẻ giật mình khám phá lại các ca khúc trữ tình cổ điển của Mỹ, với phong cách trình diễn hào hoa của Tony Bennett bên loại ban nhạc mà người Việt ngày nay gọi ngay là “nhạc thính phòng”!

Từ 1985, đã hai chục năm rồi, Tony Bennett chinh phục lại khán thính giả, tham dự các show thời thượng nhất trong giới trẻ và gặt hái những giải thưởng cao quý nhất. Ở tuổi thất thập, ông còn nhiều lần biểu diễn lối hát không micro hay ampli để tuổi trẻ phân biệt được âm thanh với tiếng động và hiểu được khả năng phóng dội tiếng hát. Chúng ta có thể phần nào cảm được điều ấy khi nhớ đến tiếng hò tiếng hát của dân mình, từ làng này vang xa đến làng khác, khi ca nhạc chưa biết đến sức nâng sức đẩy của micro và trống kèn inh ỏi.

Ngày nay, dù đã qua bát tuần, Tony Bennett vẫn hát và trở lại với nỗi đam mê từ thuở thanh xuân là hội họa. Các họa phẩm của ông được trưng bày ở nhiều nơi danh tiếng, kể cả Hội trường Liên Hiệp Quốc và trong các tuyển tập về hội họa Hoa Kỳ.

Ông không để lại con tim ở San Francisco mà ở trong lòng người, làm chúng ta biết rung động với âm thanh, ánh sáng và màu sắc. Xin mừng người nghệ sĩ tài hoa này.

Quỳnh Giao viết ngày 21-9-2005.
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562/posts/10208252719513667






66. Nghe Mãi Còn Thèm


Trên sân khấu kịch nghệ Tây phương, trước khi mở màn người ta thường gõ ba tiếng.

Tục này xuất hiện từ thời Trung Cổ, âm thanh là biểu tượng Ba Ngôi theo Thiên Chúa Giáo. Ðôi khi trước khi gõ ba tiếng mở màn, người ta còn gõ 11 tiếng, có nơi giải thích là tượng trưng cho 12 vị tông đồ - trừ Judas!

Thời mà vua chúa còn ngự trị, ba tiếng gõ cũng để chào mừng, theo thứ tư là Hoàng hậu, Nhà vua và Bá tánh. Xét vậy thì khi thưởng ngoạn Hoàng hậu mới là nhất, Hoàng thượng chỉ hơn được bá tánh!

Người quản diễn, được gọi là “brigadier”, cầm gậy bọc nhung nện ba tiếng trên sàn trước khi màn được kéo lên.

"Brigadier" là người thợ cả, chỉ huy một toán thợ. Ðã chuẩn bị đầy đủ diễn viên và đồ nghề thì quản diễn ra lệnh kéo màn như một tay thợ cả, vì vậy có tên như thế. Sau này, "brigadier" mới trở thành cấp bậc trong quân đội, mà chúng ta gọi là gì thì Quỳnh Giao xin cầu cứu... giới kaki!

Với người nghệ sĩ, có lẽ còn một tiếng gõ thứ tư, chỉ riêng mình nghe thấy. Vì là gõ lấy cho mình. Ðó là tiếng tự mình hạ màn sau một đời trình diễn.

Cũng như nghệ thuật nấu ăn, nghệ thuật giã từ sân khấu là nên… để cho đời thèm.

Chúng ta không nghe thấy tiếng gõ của Greta Garbor vì bà lặng lẽ ẩn mặt trên cực đỉnh của sự nghiệp điện ảnh. Chúng ta có nghe thấy tiếng gõ rền vang như pháo cưới của Grace Kelly, khi bà giã từ điện ảnh lên xe hoa làm Công nương bên ông Hoàng Rainier xứ Monaco.

Nhưng có một người chuẩn bị tiếng gõ hạ màn cho mình một cách độc đáo: kéo màn cho người khác.

Luciano Pavarotti
Ðó là Luciano Pavarotti.

Hàng năm danh ca Pavarotti vẫn tổ chức một buổi hát tại quê nhà để quyên tiền cho trẻ em, cho nạn nhân mìn bẫy tại Bosnia, Kosovo hay Iraq. Trong buổi trình diễn gọi là “Pavarotti và Bằng hữu”, ông giới thiệu các ca sĩ khác, nhất là giới trẻ…

Ông chỉ phụ họa giúp vui, làm chúng ta nghe mãi vẫn thèm. Người nghe mua vui, Pavarotti làm phúc cho nghệ thuật âm nhạc và nạn nhân chiến tranh.

Luciano Pavarotti sinh vào tháng 10 năm 1935 tại thành phố Modena của Ý. Thân phụ là thợ làm bánh và chỉ cất tiếng hát khi đẩy bánh vào lò, cho bánh chóng giòn. Bà mẹ mới là người khích lệ cậu con theo nghiệp cầm ca. Nếu không, người ta đã có một thầy giáo làng Pavarotti, kiêm cầu thủ bóng tròn hạng địa phương vào ngày Chủ Nhật!

Luciano Pavarotti mở màn lần đầu tại Ý khi lên sân khấu Opera năm 1961, hát vai Rodolfo trong vở La Bohême và được nữ danh ca người Úc là Joan Sutherland dẫn lên hát chung trên sân khấu Hoa Kỳ từ 1965. Từ đấy, ông thành danh ca quốc tế.

Tại Hoa Kỳ, Pavarotti làm nên lịch sử từ một đêm 1972.

Ðêm ấy, khi màn hạ ông được khán giả Metropolitan Opera của New York vỗ tay mời ra chào 17 lần. Một kỷ lục ban đầu. Trong vở La Fille du Régiment của Donizetti, đêm ấy ông dễ dàng đưa giọng lên nốt cao nhất là Do (note C theo ký âm pháp tại Mỹ), trước sau chín lần. Công phu khổ luyện đấy. Pavarotti có câu để đời: “mạng sống một ca sĩ nhiều khi chỉ treo trên một nốt nhạc”. Ông là người duy nhất hát đúng nốt nguyên thủy của Donizetti cho vở này, các giọng Tenor khác đều phải xuống một bậc.

Một kỷ lục về sau là bước ra chào 165 lần, vô tiền khoáng hậu!

Cũng tại đại hý viện Met này, có lần khán giả đứng vỗ tay tán thưởng suốt 11 phút, là năm 2004, khi ông bước vào thất tuần. Những kỷ lục như vậy thì còn rất nhiều. Lần đầu tiên mà công viên Hyde Park của Luân Ðôn chơi nhạc cổ điển là khi 150 ngàn người đến nghe Pavarotti, trong số này có Thái tử Charles và Công nương Diana.

Dưới chân tháp Eiffel của Paris thì đêm solo của Pavarotti có ba trăm ngàn người đứng nghe. Kỷ lục ấy còn thua nửa triệu người nghe Pavarotti tại công viên Central Park của New York, chưa kể nhiều triệu người trực tiếp theo dõi trên màn ảnh truyền hình.

Trong thế kỷ 20, Luciano Pavarotti quả là người đã đem Opera đến gần với quần chúng.

Ca khúc (aria) mang dấu ấn của ông là Nessun Dorma trong vở Turandot của Puccini, về sau được chọn làm nhạc hiệu cho giải túc cầu World Cup FIFA năm 1990 tại Ý. Pavarotti vốn là khách mộ điệu bóng tròn từ thời trẻ.

Từ đấy, mỗi khi kết thúc giải World Cup, ba danh tài Luciano Pavarotti, Placido Domingo và Jose Carreras lại xuất hiện chung trong buổi trình diễn gọi là “Ba tay Tenor”. Lần đầu, đĩa hát và băng hình “The Three Tenors” đã bán chạy hơn đĩa nhạc Elvis Presley hay ban The Rolling Stones!

Lần đầu tiên nhạc nghệ thuật ăn đứt nhạc phổ thông về mặt thương mại!

Năm 1982, trên cao điểm của sự nghiệp, Pavarotti bắt đầu nhìn xuống. Hoặc nhìn về sau.

Ông tổ chức giải The Pavarotti International Voice Competition cho các giọng ca trẻ và năm 1986, để đánh dấu 25 năm trình diễn của mình, ông dẫn những người trúng giải đi lưu diễn tại các sân khấu Ý Ðại Lợi và cả Bắc Kinh. Lần đầu tiên Nhân Dân Ðại Sảnh Bắc Kinh có buổi trình diễn âm nhạc tư bản thì mười ngàn người của xứ cộng sản bật dậy vỗ tay tán thưởng!

Cuối năm 2004, Luciano Pavarotti chuẩn bị tiếng gõ thứ tư của ông khi loan báo sẽ lưu diễn tại 40 thành phố để từ biệt khách mộ điệu. Buổi hát giã bạn là vào giữa năm 2006. Sân khấu có thể là New York nơi ông thành danh, hoặc tại quê nhà ở Ý Ðại Lợi. Ðêm ấy, chắc là nhiều người khóc đến ướt sũng khăn tay.

Y như Louis Armstrong của thế giới nhạc Jazz, hình ảnh trình diễn của Pavarotti là chiếc khăn tay trắng, để lau mồ hôi chảy dài trên mặt.

Nói về khăn tay thì con người có tài ấy cũng có tật.

Bếp núc là nghề riêng của chàng, để hầu ông thần khẩu của chính mình. Người ta nghe mãi còn thèm, Pavarotti thì ăn mãi còn thèm như ông thú nhận, đến nỗi thân hình ngày càng nảy nở bề ngang. Có lần, chàng vào nơi khét tiếng thời trang tại Luân Ðôn là Saville Row, lỏn lẻn hỏi: “Có gì vừa cho tôi không?” Làm sao Saville Row có thể từ chối một khách hàng như vậy, dù là một khách hàng có vóc dang quá khổ?

Ông chủ bình tĩnh trả lời, chính hiệu Ăng-lê: “Chắc là một chiếc khăn tay cũng được chứ gì?”

Con người đa tài ấy cũng là khách đa tình.

Pavarotti kết thúc 37 năm hôn nhân với người vợ đầu là cô giáo đồng nghiệp thời thanh xuân, để lấy người tình là nàng thư ký riêng. Y như tài tử kiêm danh ca Yves Montand của Pháp, Pavarotti cũng ưa chuyện “lão bạng sanh châu”. Năm 2003, ông có con gái với nàng Nicoletta Mantovani này, như Yves Montand, cũng vào tuổi thanh xuân 67 (năm ấy, nàng mới băm ba).

Ở tuổi vàng ấy, người ta ru cháu. Còn Pavarotti ru con và đi dạy hát Opera, không là cái thú hay sao?

Quỳnh Giao viết ngày 16-11-2005.
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562/posts/10208252767954878






67. Màu Tím Bên Thềm Năm Mới


Vào tháng Giêng hàng năm, chúng ta tưởng nhớ Lê Trọng Nguyễn. Ông mất hôm mùng 9 tháng 01 năm 2004, còn hai năm thì đến tuổi 80. Ðáng lẽ, người bạn của Lê Trọng Nguyễn là nhạc sĩ Nguyễn Hiền cũng có thể đã đóng góp phần không nhỏ cho buổi tưởng niệm của chúng ta vì ông tận tâm chu đáo trong việc gợi nhớ bạn bè và vì những cống hiến của hai người cho nghệ thuật tân nhạc của Việt Nam.

Ðiều ấy cũng không có nữa. Nguyễn Hiền đã rời chúng ta sáng 23 tháng 12 năm 2005, chưa đây một năm sau Lê Trọng Nguyễn, cũng ở tuổi 78. Và có thể đã gặp gỡ Lê Trọng Nguyễn ở một nõi nào đó tốt đẹp hơn, bên Thanh Nam, Vũ Thành, Mai Thảo, Hoài Bắc, Hoài Trung, Thanh Tâm Tuyền….

Năm 1980, Sàigòn còn lại một số bạn bè trong thế giới âm nhạc và nghệ thuật.

Khi Mai Thảo rồi Phạm Ðình Chương xuống tầu vượt biên, Lê Trọng Nguyễn như người bơ vơ thiếu bạn. Ông viết bài "Sóng Nước Viễn Phương" với lời từ của Thẩm Oánh để nhớ đến hai người đã ra đi. Ba năm sau ông mới đến Hoa Kỳ để một lần nữa làm lại cuộc đời và chỉ gặp Phạm Ðình Chương được mấy năm.

Nguyễn Hiền thì còn phải đợi năm năm sau. Cuối năm 1988 ông mới đặt chân lên nước Mỹ.

Sau đấy, trong khi Lê Trọng Nguyễn thu mình nhìn thế gian với nụ cười độc đáo thì Nguyễn Hiền lại có mặt tích cực trong cộng đồng. Quỳnh Giao không quên được ngày Nguyễn Hiền tổ chức sinh nhật thứ 70 cho mẫu thân là danh ca Minh Trang tại quán phở Ngon thời ấy. Ông mới đến bến bờ tự do đã muốn gây dựng lại không khí chân tình giữa các nghệ sĩ của một thời đã mất.

Với nhau, Nguyễn Hiền và Lê Trọng Nguyễn là những người bạn tâm giao từ lâu năm.

Năm 1958, Nguyễn Hiền điều hợp chương trình văn nghệ của Hội chợ Thị Nghè và mời được một đoàn Ca vũ nhạc Nhật Bản từ Tokyo qua lưu diễn hai tuần. Trong đoàn có ca sĩ Midori Satkusi muốn tìm một ca khúc của ta để trình bày. Dù chưa quen Lê Trọng Nguyễn, Nguyễn Hiền đã tìm Nắng Chiều do Lê Trọng Nguyễn sáng tác năm năm trước, đưa cho nàng tập và hướng dẫn cách trình bày.

Từ đấy, Nắng Chiều đã tỏa ánh sáng lên vòm trời quốc tế, trở thành một trong những ca khúc Việt Nam được quen biết nhất tại Á châu.

Sau đó, đôi bạn quen biết nhau và từng sáng tác chung "Màu Tím Hoàng Hôn" hay "Lá Rơi Bên Thềm" (nhạc Lê Trọng Nguyễn, lời Nguyễn Hiền). Hai người đều có một số điểm tương đồng, là viết không nhiều, nhưng có nhiều ca khúc thuộc loại nghệ thuật, đẹp từ nhạc đến lời, và sẽ tồn tại mãi trong tâm hồn của những người yêu nhạc.

Nhưng, hai người cũng có những dị biệt đáng kể.

Lê Trọng Nguyễn thực sự là một kỹ sư kiêm học giả về nhạc.

Kiến thức của ông về âm nhạc Tây phương và Ðông phương giúp ích rất nhiều cho bằng hữu trong cùng lãnh vực. Nhưng chúng ta chỉ biết được điều ấy khi có dịp nói chuyện. Chứ ông là người khiêm nhường, đôi chút chán chường với những gì đã thấy và đã nghe trong thế giới tân nhạc, nên không thích ồn ào.

Ông có nét thâm trầm sâu sắc của các danh tài đất Quảng.

Trong âm nhạc, ông luôn luôn muốn tìm cái mới và những gì ông thích – rất khó – thường vượt khỏi sự thưởng ngoạn của đại chúng. Lê Trọng Nguyễn coi thường Nắng Chiều, trân quý "Sao Ðêm", "Tìm Nơi Em", "Chiều Bên Giáo Ðường", loại ca khúc kén người hát và càng kén người nghe. Ông sành sõi giai điệu Tây phương, đã viết nhạc không lời (bài "Nguyện Cầu") mà những cống hiến ấy có khi sẽ mai một. Khúc nhạc càng cao càng ít người thưởng ngoạn…

Nhạc sĩ Nguyễn Hiền
Nguyễn Hiền chọn con đường khác.

Sinh trưởng ở vùng đất được coi là cái nôi văn hóa và nghệ thuật là Bắc Ninh, ông thấm nhuần giai điệu ngũ cung và luôn luôn tìm về cõi thanh bình hiền hòa của đất nước. Thể tài sáng tác của Nguyễn Hiền thiên về xu hướng lãng mạn, trữ tình và nhất là quê hương. Chúng ta ngày nay có nhớ cố hương chính là nhờ được ru trong những ca khúc hoài hương ấy. Ông còn là một nhạc sĩ có tài và sử dụng được nhiều nhạc cụ.

Tên Nguyễn Hiền có thể ảnh hưởng đến ý nhạc và lời từ của tác giả. Tình yêu trong các tác phẩm của ông là sự tinh khiết, ngây thơ hồn hậu. Quê hương trong các ca khúc của ông luôn đượm nét thanh bình hiền hòa. Tác phẩm của Nguyễn Hiền là sự mời gọi trở về một không gian đã tắt, một thời gian đã lặng. Không phải ngẫu nhiên mà ca khúc nghệ thuật nổi tiếng của ông là "Tìm Ðâu". Không cầu kỳ bóng bảy mà day dứt mãi trong hồn chúng ta.
Bìa tập nhạc
 Nắng Chiều của Lê Trọng Nguyễn

Một người, Lê Trọng Nguyễn, muốn tiến xa hơn để đưa nhạc Việt đến những chân trời mới – không lai căng ấu trĩ. Một người, Nguyễn Hiền thì dịu dàng tìm về cái đẹp xưa, đẹp trong kỷ niệm và giao tình. Nhạc Lê Trọng Nguyễn dẫn ta vào thành phố về đêm, hư ảo khói thuốc trong tiếng nhạc nghẹn ngào. Nguyễn Hiền dắt ta về quê xưa, có khói lam chiều lan tỏa trong tiếng sáo diều vi vu.

Quỳnh Giao thường gọi hai người nhạc sĩ này bằng chú. Dù biết thời gian là khắc nghiệt và ai rồi cũng sẽ có lúc đi thì mình vẫn thấy bùi ngùi khi chẳng còn gặp lại Lê Trọng Nguyễn và Nguyễn Hiền. Giờ đây, hai người đã gặp nhau ở cõi riêng. Màu tím hoàng hôn đã nhẹ tan trong hư vô như lá rơi bên thềm, nhưng để lại âm vang không dứt trong những người yêu nhạc còn lại.

Bài viết này là một lời tri ân, với rất nhiều luyến tiếc. Cũng y như Lê Trọng Nguyễn đã cười lên rồi ghìm tiếng khóc trong tim khi được hỏi về những người bạn cũ đã ra đi...

Quỳnh Giao viết ngày 28-12-2005, trước thềm năm mới.
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562/posts/10208254479277660






68. Tiêu Tương Dạ Vũ… Thành

"Phải chăng tiếng lòng – Than trong đêm thâu khúc tiêu cầm theo gió…" Trong bài "Hoài Hương Dạ Khúc", Vũ Thành viết như vậy.

Mà vì sao lại là khúc tiêu cầm?

Sinh thời, ông là người hâm mộ Kim Dung. Chẳng những mê Kim Dung vì truyện võ hiệp ly kỳ mà còn vì những tình tiết tuyệt vời về nhạc ở trong truyện. Vũ Thành đặc biệt ưa thích nhân vật Mạc Ðại Tiên sinh trong bộ Tiếu Ngạo Giang Hồ.


Vị chưởng môn phái Hành Sơn là nhân vật cô đơn. Cầm đầu một môn phái, ông cứ lủi thủi một mình, lưỡi kiếm mong manh tựa lá liễu thì luồn trong cây hồ cầm. Thân hình gầy gò tiều tụy, Mạc Ðại Tiên sinh chỉ biết một loại nhạc là nhạc buồn. Danh hiệu của ông nói lên điều ấy: Tiêu Tương Dạ Vũ… Ðêm mưa trên dòng Tiêu Tương. Mưa đã buồn, mưa đêm càng buồn, mà mưa trên dòng Tiêu Tương thì chỉ làm mình thêm đứt ruột.

Kim Dung không cho biết tâm sự buồn của Mạc Ðại Tiên Sinh là gì.

Vũ Thành có đồng cảm hay chăng mà lại ưa nhân vật ấy? Khi thổi sáo trong ban nhạc, ông lấy tên Tiêu Lang. Anh chàng thổi tiêu. Trong các bài viết về âm nhạc, ông lại dùng bút hiệu Tiêu Tương Dạ Vũ! Phải chăng vì cùng một nỗi u uẩn?

Quỳnh Giao nhớ đến Vũ Thành khi đang xem bộ phim Tiếu Ngạo Giang Hồ.

Lần đầu xem phim bộ và lần đầu thấy là đáng xem!

Bộ phim công phu dựng khá sát truyện, với phong cảnh hùng vĩ, trang phục đẹp, diễn viên kỳ quái… Càng xem lại càng nhớ Vũ Thành khi thấy cảnh Khúc Dương Trưởng lão và Lưu Chính Phong, sư đệ của Mạc Ðại Tiên sinh, hợp tấu khúc Tiếu Ngạo Giang Hồ trước khi chết thảm.

Xem chưa hết phim (bốn mươi tập, mỗi tập hơn 40 phút!) đã phải mở sách đọc lại đoạn ấy. Ngày xưa, Vũ Thành cứ khẳng định rằng Kim Dung thông hiểu âm luật trong cách mô tả của ông. Hai người không gặp nhau để Vũ Thành có thể kiểm chứng rằng điều ấy đúng hay sai.

Mạc Ðại Tiên sinh đeo trên lưng cây hồ cầm, có lẽ như đàn nhị của ta. Tiếng đàn của ông ảo não thê lương, Kim Dung viết thế. Khúc Dương Trưởng lão đánh cây dao cầm, loại đàn cầm bảy dây nổi tiếng trong văn học Trung Hoa, có khi ta gọi là đàn kìm. Đệ nhị cao thủ phái Hành Sơn là Lưu Chính Phong thì thổi tiêu, là ống sáo thổi dọc (địch là ống sáo thổi ngang).

Vì kết bạn âm nhạc với một Trưởng lão của môn phái Triêu Dương bị giang hồ bên chính phái gọi là Ma giáo và coi như kẻ thù vì hành tung quái dị, Lưu Chính Phong xin rửa tay gói kiếm để trọn tình với bạn. Nhưng các nhân vật gọi là danh môn chính phái vẫn cho là không trọn nghĩa. Cuối cùng, hai người cùng chết bên nhau dưới tay Ðại tung dương thủ Phí Bân của phái Tung Sơn.

Và Phí Bân bị Mạc Ðại Tiên sinh gảy đàn phóng gươm giết chết, máu phun như mưa…

Ðoạn văn kỳ diệu nhất của Kim Dung về buổi tuyệt mệnh với nhạc của Khúc Dương và Lưu Chính Phong làm người yêu nhạc phải rùng mình.

Trong truyện, khúc "Tiếu Ngạo Giang Hồ" được tấu lên vào đêm vắng giữa rừng hoang. Âm điệu hòa bình trung chính của tiếng cầm dóng đôi với tiếng tiêu thanh cao u nhã làm rung động lòng người. Hai nhạc khí đối đáp tâm tình hai người, tiếng đàn dần dần lên cao vòi vọi còn tiếng tiêu lại trầm xuống, mà không dứt. Tựa hồ như gió thoảng qua mà liên miên bất tuyệt khiến người nghe không khỏi bâng khuâng trong dạ.

Kim Dung viết tiếp là tiếng đàn đột nhiên choang choảng ra chiều sát phạt. Một hai tiếng tưởng như chọc vào màng tai khiến người nghe phải kinh hồn động phách, còn tiếng tiêu vẫn dịu dàng uyển chuyển. Lát sau, tiếng đàn lại khoan thai khi lên bổng khi xuống trầm. Ðột nhiên, đàn và tiêu cùng biến đổi, tựa hồ bảy tám cây đàn cùng tấu với bảy tám ống tiêu.

Trong một nhạc khí mà phát ra nhiều âm thanh khác nhau…

Chỗ thần diệu này của Kim Dung là đoạn văn Vũ Thành yêu thích. Vũ Thành viết nhạc, chơi đàn, thổi sáo và lại còn soạn hòa âm nên biết được khả năng diễn tả của các nhạc cụ. Chúng ta cũng có thể hiểu nếu được học và chịu khó nghe…

Khúc Dương và Lưu Chính Phong kết bạn với nhau nhờ âm nhạc mà vì giáo phái bất đồng nên đành chết bên nhau.

Sau đêm oan nghiệt ấy, Lệnh Hồ Xung được hai người trăn trối với món quà ly biệt là tập nhạc "Tiếu Ngạo Giang Hồ".

Ðến cuối truyện, Lệnh Hồ Xung lấy cây dao cầm ra và đưa ngọc tiêu cho Nhậm Doanh Doanh. Hai người một chính một tà đã đồng tấu khúc nhạc xưa trong đêm tân hôn của họ. Bên ngoài, đại đa số quần hào không hiểu âm điệu nhưng nghe cũng cảm thấy tinh thần sảng khoái… Người đọc cũng vậy.

Âm nhạc là một nhịp cầu vượt qua được mọi ngăn cách.

Quỳnh Giao có cảm nghĩ ấy khi nghe một nhạc khúc cũng xa lạ với mình như khúc Tiếu Ngạo Giang Hồ trong truyện. Ðó là El Cóndor Pasa. Một cánh chim ưng bay qua....

Nhạc khúc có giai điệu dân ca của người Incas thời xưa sống trên đất Peru. Khúc dân nhạc được Daniel Alomía Robles người Peru soạn lại từ năm 1913 mà thế giới ít nghe, cho tới khi ban nhạc Los Incas soạn lại năm 1956 và trình bày năm 1963. Nhạc khúc này được đôi bạn Simon và Garfunkel của Mỹ giới thiệu năm 1970 trong đĩa "Bridge Over Troubled Water", đĩa nhạc sau cùng họ thực hiện với nhau trước khi giã biệt.

Cũng lại là một nhạc khúc chia tay!

Trong đĩa của Simon và Garfunkel, chính ban Los Incas phụ trách phần nhạc của El Cóndor Pasa, với cây sáo sáu lỗ thổi dọc như ống tiêu Lưu Chính Phong, là cây quena, hòa cùng đàn charango mười dây căng thành năm cặp. Thùng đàn charango này xưa làm bằng cái mai của con armadillo, một con thú duy nhất lại có mai như một áo giáp, có giống con chúc, con tê tê hay xuyên sơn thử không thì Quỳnh Giao phải hỏi người ưa uống rượu thuốc ngoài chợ như Lệnh Hồ Xung!

Thưởng thức nhạc thì ta thấy tiếng quena vi vu lãng đãng trên đỉnh trời trong khi tiếng charango trầm buồn cảnh núi rừng hùng vĩ bên dưới và chuyển sang dồn dập tưng bừng như một vũ điệu muôn màu. Nhạc khúc gây liên tưởng đến một đám rước, nhưng một đám rước buồn. Mà có thể là một đám cưới. Cô dâu ngồi trong kiệu ngửng lên trời xanh, mong như cánh chim được bay về chốn cũ.

Nhạc ngũ cung man mác buồn gợi nhớ bài Tình Quê Hương của Việt Lang.

Nỗi buồn day dứt của tiếng sáo lại tương phản với âm thanh dậm dật náo nhiệt của đám rước hồn nhiên bên dưới. Khổ nỗi, dưới tên Anh ngữ là “If I Could”, ca khúc của Simon và Garfunkel bỏ hẳn đoạn hai và tan trong u uẩn, chứ theo nguyên bản thì đàn và sáo cuối cùng hòa nhịp trong nỗi du dương hiền hòa. Một kết thúc có hậu như truyện Tiếu Ngạo Giang Hồ.

Nếu có dịp, xin quý vị lắng nghe El Cóndor Pasa, và nhớ đến khúc hợp hôn của tiêu và cầm, sự hoàn thành viên mãn cái tâm nguyện của hai người bạn Khúc-Lưu.

Khúc tiêu cầm của Vũ Thành đã có nơi trở về….

Quỳnh Giao viết ngày 22-3-2006.
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562/posts/10208254552559492






69. Từ Tiền chiến… tới Thính phòng

Việt Nam mình nổi tiếng ở nhiều lãnh vực. Hai lãnh vực nổi tiếng nhất có lẽ là chiến tranh và nghệ thuật.

Chiến tranh kéo dài quá lâu và trùm lấp lên nhiều sinh hoạt khác khiến chúng ta có phản ứng luyến tiếc một thuở thanh bình nào đó đã xa xưa, rồi gọi chung các ca khúc có đôi chút giá trị nghệ thuật là “nhạc tiền chiến”.

Theo định nghĩa phổ quát dễ hiểu thì “tiền chiến” là những ca khúc được biên soạn và trình bày trước khi chiến tranh bùng nổ. Nhưng thời điểm ấy là quãng nào? Trước 1945 hay trước 1954? Hay trong giai đoạn từ 1954 đến 1975?

Vào các năm 1960 ở trong Nam, chúng ta dùng chữ “nhạc tiền chiến” để nói về các ca khúc xuất hiện trước khi có cuộc chiến Pháp-Việt, trước những năm 1945-1946. Về sau, có lẽ định nghĩa này được mở rộng rồi co giãn tới vô định. Ngày nay, nhiều bài hát xuất hiện sau những năm 1975 có khi cũng được gọi là “nhạc tiền chiến”!

Ðâm ra chiến tranh trở thành biến cố phân định thời gian một cách mơ hồ. Chỉ vì chiến tranh kéo dài quá lâu? Hay vì các ca khúc được xếp loại tiền chiến ấy đều có giá trị nghệ thuật gọi là “vượt thời gian”, đã tồn tại cùng năm tháng? Khi nhớ lại Thanh Tâm Tuyền, Quỳnh Giao có viết về cách gọi co giãn ấy.

Một loại ca khúc nghệ thuật thuộc loại “vượt không gian” chính là “nhạc thính phòng”. Ngày nay, chúng ta thấy nhiều sinh hoạt văn nghệ được quảng cáo “nhạc thính phòng”. Nhạc ấy là gì, thính phòng là gì?

Từ nguyên ủy, nhạc thính phòng là…. nhạc, nghĩa là nhạc không lời.

Ðó là nhạc cổ điển Tây phương, viết cho một số rất ít nhạc cụ để trình bày trong phòng khách của một dinh thự lớn, thường thì là cung đình hay lầu đài của giới quý tộc quyền thế. Một nhạc khúc gọi là “musique de chambre” hay “chamber music” thường được trình tấu bởi ít nhất hai nhạc cụ, hiếm khi nhiều hơn năm nhạc cụ và trên tám nhạc cụ lại càng hãn hữu.

Loại tác phẩm viết cho một chục nhạc cụ trở lên thì được gọi là nhạc khúc cho ban nhạc nhỏ.

Giới nghiên cứu nhạc sử Tây phương từ sau đời Trung Cổ đến Thế kỷ XX thường phân biệt các thời kỳ sáng tác theo thứ tự là Renaissance (Phục Hưng, quãng 1400 tới 1600) qua Baroque (Hoa mỹ Dị kỳ, quãng 1600-1760) rồi Classical (Cổ điển, từ khoảng 1730 đến 1820) và Romantic (Lãng mạn, quãng 1815 đến 1910). Nhạc thính phòng xuất hiện chính yếu là vào thời “Baroque”, với trào lưu mỹ thuật thời đại ấy là cầu kỳ hoa mỹ, và thường được viết cho hai ba nhạc cụ mà thôi.

Chúng ta có thể gọi đó là các bài song tấu (duo hay sonate pour deux instruments) hay tam tấu, tứ tấu hoặc ngũ tấu nếu là viết cho ba, bốn hay năm nhạc cụ. Ðây là những ca khúc thuộc loại tài tử, viết nhanh và nhẹ để trình bày trong mục tiêu giải trí giữa một số bằng hữu yêu nhạc với nhau.

Ðiển hình của loại nhạc ấy là các bài viết cho một dàn tứ tấu đàn dây (string quartets) của Hayden hay Mozart. Nhưng cũng có những bài song tấu với hai dương cầm hoặc một dương cầm và một nhạc cụ khác (violin, cello, clarinet, hay sáo). Qua tới Beethoven, nhạc thính phòng có công phu và nghệ thuật cao hơn, được trình bày trong sảnh đường lớn hơn. Nét chung của các nhạc khúc ấy là không cần nhạc trưởng, người nghệ sĩ có khả năng diễn tả tự do hơn và tổ chức việc trình tấu cũng dễ dàng hơn, ít tốn kém hơn.

Từ thời Baroque qua các thời sau, nhạc thính phòng ngày càng trở nên tinh tế và nghệ thuật, không còn là loại nhạc giải trí dung dị của người giàu có. Nó cũng từ giới quyền quý lan ra quần chúng và được thưởng ngoạn rộng rãi hơn. Ðó là một thể loại riêng của nhạc cổ điển Tây phương viết cho một số rất ít nhạc cụ, nhưng chẳng vì vậy mà đơn giản về nghệ thuật.

Một bài thơ tứ tuyệt loại thất ngôn gồm 28 chữ có giá trị nghệ thuật riêng và khác với một bài thất ngôn bát cú hay một bài hành. Nhạc thính phòng cũng vậy nếu so với các bài hợp tấu hay giao hưởng viết cho một dàn nhạc lớn.

Phần lớn các nhạc khúc loại thính phòng được viết chủ yếu cho một dàn dây bốn cây, sau này có dàn dây và dương cầm và cả sáo nhưng rất hiếm dùng kèn đồng. Lý do có thể là vì dàn đồng vào thời trước chưa được phát triển tinh vi như ngày nay.

Một đặc điểm khác là dù nhạc thính phòng đôi khi, rất họa hoằn, có ca sĩ hát cùng dương cầm thì lời ca phải có giá trị nghệ thuật như các bài lieder hay cantates. Yếu tố phân biệt ở đây là giá trị nghệ thuật.

Ca khúc loại này của Schubert hay Schumann, Fauré, Debussy hay của Poulenc viết với thơ Apollinaire và Éluard, v.v… là loại “art songs” thường khó diễn tả, không là các ca khúc phổ thông, loại nhạc pop như chúng ta nói đời nay.

Nếu kiểm lại một vòng khái quát như vậy, chúng ta thấy nổi lên vài điều sau đây:

Nhạc Tây phương có loại “cổ điển” và loại “phổ thông”, classical và popular, hướng vào hai thành phần thưởng ngoạn khác nhau. Trong loại “cổ điển”, có những tác phẩm viết cho một số nhỏ nhạc cụ, là “nhạc thính phòng”, hiếm khi có lời ca và nếu có thì là những ca khúc nghệ thuật rất kén người hát và người nghe.

Nhưng, trong thế giới đại chúng hoá ngày nay với kỹ thuật quảng cáo nhiều khi qua mặt nghệ thuật âm nhạc, nhiều ca khúc phổ thông đã được cổ điển hoá, hoặc… “quý tộc hoá”. Sau thời kỳ mà nhiều danh ca nhạc pop cũng được tôn là “prima dona”, “première dame” như của nghệ thuật opéra, ngày nay đã xuất hiện nhiều “diva”, “nữ thần” - còn ghê hơn nữ hoàng nữa!

Trào lưu ấy tất nhiên cũng ảnh hưởng đến chúng ta, khi các ca khúc được giới thiệu theo kiểu dáng “thính phòng” mà khỏi cần quy định gì về tác phẩm, nhạc cụ, số nhạc cụ hay về lời ca. Trong tương lai không xa, chúng ta sẽ có những buổi trình diễn “nhạc thính phòng tiền chiến”.

Thật ra, dù gọi thế nào cũng được, nếu đấy là những ca khúc có giá trị nghệ thuật và được hoà âm phối khí hẳn hoi cho một ban nhạc thực sự, không dùng đàn điện, hay key board để thay cho chiếc dương cầm…

Cho nên cách gọi tên cũng không làm ra nghệ thuật. Nhưng người tiêu thụ dễ tính thì vẫn có thể lầm quảng cáo với nghệ thuật và tưởng rằng trình độ thưởng ngoạn của mình đã lên hạng cổ điển....

Đại chúng hóa nghệ thuật cho người thưởng ngoạn hơi khác với tầm thường hóa quần chúng!

Quỳnh Giao viết ngày 04-7-2006.
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562/posts/10208254924848799







70. Ma lực Boléro

Trên thế giới, cứ 15 phút thì nó lại nổi lên đâu đó, không ở nơi này thì ở xứ khác..

Ban đầu nó mơ hồ cất lên từ hư vô, nhưng chỉ sau vài giây đã có gì đó day dứt lay gọi. Sau đó, nó là tiếng sáo trong giai điệu bay bổng giữa dàn dây làm người nghe muốn đứng dậy uốn éo. Giai điệu ấy lại trở về, lần này với tiếng clarinette ấm áp bốc khỏi lời mời gọi ban đầu… Sau đấy là tiếng bassoon, trên cùng một chủ điểm mà có gì đó trái ngược…

Nó là một vũ khúc ngày càng dậm dật thôi thúc với nhiều nhạc cụ đan lượn nỗi day dứt ban đầu, rồi cứ trào dâng, dồn dập, lả lơi mời gọi….

Chừng 15 phút sau, khi cả dàn nhạc chuyển sang Mi trưởng, ào ạt tấu lên cường độ (fortissimo) và đột ngột tắt ngấm, người nghe thấy mình như vừa được tắm gội bằng nhạc, lâng lâng, choáng váng.

"Nó" đây là Boléro. Của Maurice Ravel.
Maurice Ravel với màu sắc Boléro

Ðây là nhạc khúc thuộc loại nổi tiếng nhất thế giới, được người nghe nhận ra ngay. Nhưng, với giới trình tấu là các nhạc công và cả nhạc trưởng, thì dù có nhận ra ngay người ta cũng không dễ ngâm nga cho đúng. Ðằng sau một chuỗi điệp khúc được các nhạc cụ tấu lên và luyến láy nhiều lần, mỗi lần một khác, mỗi lúc một dồn dập quay cuồng, là cả một sự dụng công cầu kỳ. Boléro là nhạc khúc dễ nghe, khó diễn mà hầu như ai ai cũng biết.

Vì vậy người ta mới tính ra là trên thế giới, cứ 15 phút là đâu đó lại có người nghe Boléro.

Nhiều nghệ sĩ thường bị giới thưởng ngoạn “đóng khung” vào một tác phẩm được họ ưa nhất. Nói đến Georges Bizet, ai cũng nhắc tới Carmen, nói đến Tomaso Albinoni thì người ta chỉ nhớ tới Adagio. Cũng vậy, Boléro đã đông lạnh Maurice Ravel, trong khi với ông, đây chỉ là “một thử nghiệm theo một ý hướng mới mẻ nhưng rất hạn chế mà chẳng có tham vọng gì.”

Maurice Ravel 
Nhìn, hay nghe, theo một khía cạnh nào đó, Maurice Ravel có lý.

Ông viết một vũ điệu cho một dàn nhạc nhỏ chừng bốn chục nhạc cụ để trình bày trong khoảng 17 phút, và viết theo lời yêu cầu của một nữ vũ sư danh tiếng, một “mạnh thường quân” người Nga. Khi được yêu cầu, Ravel muốn viết thử điều chưa ai làm bao giờ là soạn một bài giao hưởng nhỏ, chỉ có một hành âm (mouvement) và một giai điệu trình bày hai khía cạnh tương phản, chính đề và phản đề, nối kết bằng kỹ thuật phối khí với nhịp điệu ngày một dồn dập.

Ông không ngờ là cuộc thử nghiệm lại thành công như vậy.

“Một tuyệt tác ư?” Ravel ngạc nhiên hỏi, và tự trả lời như có tiếng bĩu môi: “Một tuyệt tác không có nhạc!”

Năm 1927, nàng Ida Rubinstein (sinh năm 1885, mất năm 1960) đề nghị Maurice Ravel soạn một tác phẩm với màu sắc Tây Ban Nha cho mình biểu diễn nghệ thuật múa. Năm ấy, Ravel đã vang danh thế giới và chuẩn bị lưu diễn tại Bắc Mỹ.

Ông được nàng Ida yêu cầu vì đã viết nhiều tác phẩm cho các đoàn vũ (Ma Mère l’Oye, La Valse hay Daphnis et Chloé cho dàn vũ Ballets Russes của Ida) và cũng quen thuộc với âm sắc và giai điệu Tây Ban Nha (Pavane pour une Infante Defunte và Raphsodie Espagnole).

Trên đường qua Mỹ, được giới hâm mộ nồng nhiệt đón nhận và gặp tay soạn nhạc còn trẻ là George Gershwin, rồi nghe nhạc jazz của người da đen, Ravel lại lởn vởn trong đầu những cảm hứng cho tác phẩm nàng Ida yêu cầu.

Ông dự tính dùng lại giai điệu Tây Ban Nha trong tác phẩm Iberia do Isaac Albéniz viết cho dương cầm để soạn ra vũ khúc Fandango, nhưng sau phải bỏ vì trở ngại về tác quyền. Từ Hoa Kỳ trở về, ông quyết định viết ra một tác phẩm hoàn toàn mới, một vũ khúc có nét truyền thống Andalouse, và đặt tên là Boléro.

Ông viết trong bốn tháng và đề tặng Ida Rubisntein. Tháng 11 năm 1928, nàng Ida làm đại hý viện Opéra de Paris mê mẩn.

Trong một đại sảnh lớn, thân hình nàng vũ nữ uốn theo nhạc với nét gợi dục làm các đấng mày râu tụ tập ngày một đông hơn, như bị thôi miên. Từ đấy, Boléro vươn khỏi tầm tay của Maurice Ravel, trở thành vũ khúc được nhiều nhạc trưởng yêu thích vì có dịp thi thố tài năng điều khiển của mình.

Thời ấy, một nhạc trưởng thuộc bậc sư là Arturo Toscanini, bạn thân và cũng là người Ravel quý trọng, đã tự biên tự diễn với nhịp tiết nhanh gấp đôi.

Ngồi nghe ở dưới, Marice Ravel không thèm đứng dậy vỗ tay mà đi thẳng vào hậu trường để nói chuyện phải quấy với ông bạn Arturo này. Toscanini không phải người thường và còn có lời phát biểu mà người thường nghe cũng muốn nổi đóa, huống hồ Maurice Ravel: “Ông chẳng hiểu gì về nhạc của ông hết!”

Trên đỉnh cao của nghệ thuật âm nhạc, hai bậc danh tài này cãi cọ như trẻ nít.

Nhưng họ vẫn là bạn và Boléro có thêm một hào quang là giai thoại Toscanini!

Sinh năm 1875 và mất năm 1937, Maurcie Ravel được coi là một trong những nhà soạn nhạc lẫy lừng và có ảnh hưởng nhất thế kỷ 20. Là danh thủ dương cầm, nhưng chưa tới cỡ diệu thủ virtuoso, ông không đánh nổi những bài do… chính mình sáng tác, như bài Concerto en Sol!

Ông viết nhạc cực khó, tựa một nghệ nhân về kim hoàn. Các tác phẩm của ông có nét tinh tế cầu kỳ như “một đồng hồ Thụy sĩ”, theo lối châm biếm của người bạn là Stravinski. Ðiều ấy dễ hiểu, thân phụ của Ravel là một kỹ sư gốc Thụy Sĩ!

Maurice Ravel là nhà soạn nhạc Pháp có nhiều nét tiêu biểu của âm nhạc miền Nam, của xứ Tây Ban Nha. Thân mẫu ông là người Basque có máu Tây Ban Nha và ông sinh tại vùng cực Nam của Pháp, dưới chân núi Pyrénées.

Không chỉ nổi tiếng là tác giả của khoảng một trăm nhạc phẩm thật đẹp, Maurice Ravel còn là tay phối khí xuất chúng.

Ông ý thức được đặc tính của mình là điêu khắc bằng nhạc cụ khi phát biểu là mình cố tìm ra điểm dung hoà giữa cảm xúc và trí tuệ.

Sau Boléro khá lâu, George Gershwin khét tiếng của Mỹ có qua Pháp và xin học nhạc với Ravel. Nhưng bị ông từ chối: “đừng vứt cảm xúc hồn nhiên của mình đi để viết loại tồi của Ravel”.

Boléro là cảm xúc không hồn nhiên mà đầy mê đắm nhờ nghệ thuật phối khí và bố cục âm thanh của Ravel.

Khi được biết là có một phụ nữ nghe Boléro mà ù té chạy trong tiếng hét: “Ðiên! Ðiên!” ông từ tốn nhận xét: “Bà này này, là người hiểu đấy!”

Chúng ta hãy nghe thử mà xem. Nhạc của ông có sức thôi miên bằng màu sắc.

Quỳnh Giao viết ngày 01-8-2006.
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562/posts/10208255095453064






71. Vũ Khúc Ma Quái, khi Đinh Hùng nhớ Nguyễn Xuân Khoát!


Có bao giờ chúng ta tưởng tượng ra một buổi trình diễn văn nghệ trong cảnh tao loạn của Hà Nội năm xưa? Buổi trình diễn bất đắc dĩ theo lời đòi hỏi đầy uy hiếp của khán giả, với khẩu súng bắn chỉ thiên lên trần nhà. Nghệ sĩ trình diễn là một ban nhạc thính phòng loại tứ tấu gồm bốn nhạc cụ. Dưới áp lực của lũ khán giả hung hăng, đám "Kiêu Binh Tân Chiến Quốc", các nhạc sĩ đã phải trình tấu - và tạo ra phép lạ.

Thi sĩ Đinh Hùng
Người kể lại câu chuyện có thật này là Đinh Hùng!

Thời điểm là Mùa Thu Hà Nội năm 1946, khi lính Pháp trong lực lượng Đồng Minh trở lại giải giới quân đội Phù Tang và chiếm đóng một số vị trí chiến lược ở miền Bắc. Địa điểm là "Quán Nghệ Sĩ" tại góc Bắc của hồ Hoàn Kiếm, nơi họp mặt của "bọn người viết, vẽ, hoặc đàn, hát..."

Vì quán bán những thứ hàng quá đắt, khách phần đông là người ngoại quốc, chứ nghệ sĩ cũng ít có tiền vào....

Thời ấy, Hà Nội sắp có chiến tranh, không khí bức bí nghẹt thở, nhưng tối đó Quán Nghệ Sĩ lại có phụ diễn văn nghệ. May mắn cho chúng ta, tối đó lại có Đinh Hùng, người không quên tuổi hoa niên của mình tại Hà Nội nên hai chục năm sau vẫn còn nhớ và viết lại từ Sàigòn.

Ban nhạc gồm có một cây hồ cầm của ông Giệp. Có ông Hiếu chơi dương cầm, có một tài tử trung hồ cầm mà tác giả Đinh Hùng quên mất tên. Và cây cổ thụ của làng tân nhạc cải cách Việt Nam, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát. Ông ôm cây đại hồ cầm (contrebasse) mà anh em nghệ sĩ vẫn gọi đùa là "Ngưu Cầm" hoặc nôm na hơn cả là "đàn bò". Lũ con nít ngấp nghé ngoài cửa nhìn "cái đàn gì mà to như cả một cái gác-măng-dê", là cái garde manger, cái trạn bằng tiếng Pháp.

Không khí u uẩn khiến các nhạc sĩ vừa dạo xong một cầm-tấu-khúc mở màn là hết hứng.

Họ ngồi quanh một cái bàn nhỏ góc trong cùng và lặng lẽ nhìn nhau. Đấy là lúc ác quỷ xuất hiện!

Bốn tên lính Lê Dương là “Légionnaires” trong toán quân viễn chinh Pháp của tướng Morlière, với bốn bộ mặt đỏ gay như mặt trời xích đạo. Đinh Hùng kể lại rằng bọn khách hàng võ biền đó bước vào quán với cái thế của một toán quân vừa đột nhập vào một đồn lẻ, không để uống nước hoặc nghe nhạc mà có lẽ chỉ để gây sự, phá phách.

Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát
Mà họ phá thật.

Đinh Hùng tả lại thái độ và ngôn ngữ của bốn tên lính Lê Dương có lẽ là gốc Đức, hậu sinh của các nhạc sĩ như Bach, Beethoven, Schumann, của những Schiller hay Goethe, mà trở thành "tẩy say". Tây say không biết là say nên mãi gân cổ gọi rượu mạnh và mở tủ lấy luôn chai rượu mà tu ừng ực.

Cho đến khi Nguyễn Xuân Khoát khó chịu dằn cốc cà phê xuống bàn, tay chạm vào dây đàn "contrebasse" làm nẩy lên một âm thanh u trầm.

Bốn tên khách quý của quỷ đang ông ổng ca hát trong hơi men bỗng dừng lại. Họ đồng thanh la to:
"Âm nhạc!.. Chơi nhạc đi...".

Họ rút súng hăm dọa vẻ ngần ngại của các nhạc sĩ. Một tên ôm lấy cây đại hồ cầm mà đặt ngang vào hai tay Nguyễn Xuân Khoát, tên khác thì nện bàn tay lông lá trên phím dương cầm. Tên thứ ba thì nhấc bổng cả nhạc sĩ dương cầm đang ngồi trên ghế đẩy tới trước cây đàn và gào to: Im lặng! Đây là bản Hợp Tấu của Im Lặng!
 Rồi rút súng bắn loạn lên trần, làm cây đèn lớn vỡ từng mảnh, tắt phụt....

Chúng ta đừng quên rằng năm 1946 đó, Đinh Hùng mới 26 tuổi và Nguyễn Xuân Khoát ở tuổi 36.

Ông kể tiếp trong cuốn "Đốt Lò Hương Cũ" rằng sau vài giây choáng váng, Nguyễn Xuân Khoát điềm nhiên mở tập nhạc chọn ra một bài để trên giá đàn dương cầm và hất hàm cho ba nhạc sĩ kia. Họ liếc nhìn qua bản nhạc và những ngón tay bắt đầu lướt trên cung bậc.

Khi nhà thơ Đinh Hùng của chúng ta cầm bút viết lại về một khúc nhạc thì những người chơi nhạc phải bái phục. Đó là cảm nghĩ của người viết bài tạp ghi này.

Ngôn ngữ của chúng ta thật ra thiếu chữ diễn tả về nhạc, về họa. Đinh Hùng thì có thừa. Hai trang giấy về nhạc khúc này là một kỳ thú cho chúng ta. Nhưng câu chuyện không dừng ở đó.

Bản nhạc đã dứt mà năm phút sau mọi người vẫn còn im lặng.

Rồi bốn người lính Đức từ tốn trịnh trọng đứng dậy. Họ trịnh trọng giơ tay chào theo kiểu nhà binh và lịch sự, đến lễ độ là khác, rút lui khỏi quán sau khi chu đáo thanh toán tiền hàng lẫn tiền chiếc bóng đèn điện bị bắn vỡ, và thưởng tiền cho bồi bàn rất trọng hậu.

Nguyễn Xuân Khoát thở phào một hơi, khép lại bản nhạc vừa dạo.

Danse Macabre của Camille Saint-Saëns

Đinh Hùng để đến phút cuối mới cho biết rằng đó là bản "Danse Macabre" của Camille Saint-Saëns. Ông còn cước chú ở cuối trang về tác phẩm này! Kiến thức người xưa khác người nay...

Ba trang sau cùng, Đinh Hùng viết về Nguyễn Xuân Khoát ở miền Bắc với sự kính trọng và luyến tiếc các nghệ sĩ đã phải ép mình trong khuôn khổ tù túng của một cuộc sống giả tạo. "Chín năm đốt đuốc soi rừng" bỗng tắt lịm trong Nhân Văn Giai Phẩm!

Hơn 60 năm sau vụ hòa nhạc bất đắc dĩ cho lính Lê Dương mà Đinh Hùng kể lại, chúng ta đã có thể nhớ tới "Danse Macabre" trong những buổi tối Halloween tại Mỹ! Hoặc nếu có tò mò gõ trên You Tube thì nghe lại dễ dàng.

Thần chết hiện về trong một vũ khúc ma quái, được diễn tả bằng nhạc....

Mở đầu là 12 tiếng đàn thánh thót của chuông đồng hồ lúc nửa đêm và kết thúc khi bình minh ló dạng, ma quỷ gì đều lặn hết! Ở giữa là tiếng lách cách của những bộ xương khô....

Sau khi ngợi ca tiếng đại hồ cầm của Nguyễn Xuân Khoát, Đinh Hùng kết luận: âm điệu mê hoặc của "Vũ Khúc Ma Quái" đã có hiệu lực chiêu dụ và trấn áp được tà ma. Và đưa Hồn Người trở về hào quang của Cái Đẹp.

Có khi nào mà lũ hậu sinh chúng ta lại biết và viết nổi về những giai thoại như vậy chăng? Có khi nào mà người Pháp năm xưa, hay người Tầu bây giờ, có thể cảm được cái dũng và cái tài của những nghệ sĩ đã dùng nhạc đuổi giặc không? Chúng ta biết nói gì để tạ ơn những người như thế?

Kỷ niệm của người viết với Đinh Hùng chỉ là một thoáng mơ phai thời con nít.

Năm đó, hình như là 1960, người viết mới mười bốn tuổi. Gia cảnh cũng sa sút từ khi mất căn nhà mà gia đình dành dụm mua được ở đường Ngô Thời Nhiệm sau lưng trường Marie Curie, vì người bán lại chỉ là người thuê. Lừa gạt xong thì cao chạy xa bay!

Buổi sáng dọn nhà vào, thì buổi chiều người chủ nhà thực sự đến… đòi lại nhà. Sáu tháng sau dọn vào khu nhà ở hẻm Phan Đình Phùng, còn đươc gọi là khu “Vườn Chuối”.

Trong khung cảnh đạm bạc, thân mẫu là Minh Trang mở cửa đón nhận nhà thơ lúc nào cũng ăn mặc thật đàng hoàng.

"Thưa chị, cuối năm là tôi xin đến trả chứ không kéo nợ qua năm!" Tối hôm ấy là tối ba mươi Tết, mẹ tôi đang sửa soạn bàn thờ gia tiên. Nhìn cách ăn mặc trau chuốt, và mùi nước hoa thơm lựng của khách, con bé đứng bên Mẹ cũng biết rằng có những nghệ sĩ còn nghèo hơn mình.

Sau này, đọc lại thì mới thấy là Đinh Hùng giàu gấp bội và để lại một di sản quý báu cho chúng ta.

Quỳnh Giao viết ngày 05-7-2005.
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562/posts/10208255174775047






72. Chỉ Ba Nốt Nhạc


Mấy năm qua, giới mộ điệu được xem nhiều phim rất lạ do Clint Eastwood đạo diễn.

Riêng trong năm 2006 thì có hai tác phẩm đều có chủ đề là cuộc chiến Thái Bình Dương giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản trong Ðệ nhị Thế Chiến. Phim “Flags of our Fathers” kể lại trận chiến ác liệt của Thủy quân Lục chiến Mỹ tại đảo Iwo Jima với hình ảnh đã in đậm vào tâm khảm người Mỹ là cảnh dựng cờ trên mỏm Suribachi. 

Phim kia có khi là âm bản của thiên hùng ca Iwo Jima, của cùng cuộc chiến, nhưng nhìn từ phía chiến binh Nhật, vì toàn thể diễn viên đều là người Nhật. Phải là Clint Eastwood, đại tài tử và đạo diễn với những bộ phim lật ra mặt trái bi thảm của cuộc đời, mới nghĩ đến loại “chủ đề” éo le như vậy. Cùng một cuộc chiến đẫm máu, hai bên đều là anh hùng.
Trong một hoàn cảnh khác ở xứ khác, có khi ông chẳng được giấy phép quay phim nữa!

Hồi hộp chờ xem Clint Eastwood mê hoặc khán giả đến cỡ nào, sau phim “Bird”, sau “Unforgiven”, “The Bridge of Madison County” hay “Mystic River”, “Million Dollar Baby”, thì Quỳnh Giao tự hỏi là ai sẽ phụ trách phần nhạc trong hai bộ phim về chiến tranh này?
Clint Eastwood sinh năm 1930 tại San Francisco, tuổi trẻ lưu lạc suốt tiểu bang California. Ông là tài tử của hơn năm chục phim, đạo diễn hơn 20 tác phẩm và sản xuất lấy cũng gần 20 phim, trong đó có nhiều phim đã được giải thưởng cao quý nhất của nghệ thuật thứ bảy. Sau này, khi dựng phim tại California, ông dẫn khán giả ra khỏi thế giới của Holywood hoa lệ mà chìm vào những vùng heo hút hoang vu ông đã sống cùng cha mẹ và em gái vào tuổi thơ ấu.

Ít người biết là Clint Eastwood còn là một nhạc sĩ.

Ông tự học dương cầm trên cái đàn cổ của bà ngoại của thân phụ, và 15 tuổi đã chơi đàn trong quán nước của thành phố Oakland ở California. Thời ấy, sau Khủng hoảng Kinh tế, thù lao cho cậu bé là miếng pizza, hay… lon bia. Chỉ một cuộc sống đó thì cũng đã là đề tài phim ảnh...

Trong một chương trình của đài truyền hình Bravo, “Inside the Actors Studio”, được thu hình từ 2003, Clint Eastwood nói chuyện với người điều khiển chương trình James Lipton. Mà ông James Lipton này cũng có lúc luồn qua bên kia ống kính và đóng phim. Khi ấy, Clint Eastwood cho biết nhiều chi tiết về cuộc đời và sự nghiệp của ông. Nhờ kiên nhẫn xem lại chương trình, Quỳnh Giao mới biết là ông tự học đàn lấy và rất mê “blues” và “jazz”, nhưng phải do người da đen trình bày mới đúng điệu!

Ban đầu, các nước Âu châu tự xưng giàu văn hóa cứ coi Clint Eastwood là tài tử hạng xoàng, nổi tiếng nhờ ba phim “Western spaghetti” kiểu Ý rẻ tiền của Sergio Leone. Sau này ông là thám tử ‘Dirty’ Harry của thành phố San Francisco với vẻ lạnh lùng và cách vẩy đạn rất bạo vào quân gian khiến các luật sư và chính quyền khó chịu không ít vì cảnh sát mà còn táo tợn hơn bọn sát nhân.

Nhưng khán giả Âu Châu nhìn lại ông từ phim “Bird”, một xuất phẩm “đen” về Charlie “Bird” Parker, một tay saxophone nhạc jazz người da đen. Quỳnh Giao xin đề nghị quý độc giả nên tìm xem lại phim này thì hiểu vì sao dân Âu Châu kính trọng Clint Eastwood.

Cây kèn và giai điệu đặc biệt của Charlie Parker khiến Clint Eastwood thực hiện một phim rất chậm, u ám và cảm động về cuộc đời của người nhạc sĩ có ảnh hưởng ngang hàng Duke Ellington và Louis Armstrong mặc dù tạ thế khi mới 34 tuổi.

Với phần nhạc là của chính Charlie Parker còn lưu giữ được, bộ phim được nồng nhiệt đón nhận tại Âu Châu trước khi được khán giả Mỹ công nhận giá trị. Trước phim “Bird”, Clint Eastwood đã bước ra phía sau ống kính, từ tài tử trở thành đạo diễn lần đầu vào năm 1971, với “Play ‘Misty’ for Me”, một “thriller” tâm lý nghẹt thở.

‘Misty’ là một ca khúc blues đã thành cổ điển của một tác giả và diệu thủ dương cầm Errol Garner. Nhạc sĩ da đen này xuất chúng vì chơi dương cầm từ khi lên ba bằng… tai. Ông học đàn từ tiền kiếp hay là có nhạc trong máu chứ chẳng cần biết gì về ký âm pháp, và Errol Garner đã từng chơi trong dàn nhạc của Charlie Parker.

Ðể thực hiện phim ‘Misty’, Clint Eastwood phải trả bản quyền khá đắt cho bài ‘Misty’: 25 ngàn đồng cho một phim có ngân sách là 720 ngàn! Thế mới là tri âm ngàn vàng đấy. Nhưng ông lại chẳng mất xu nào cho một ca khúc về sau cũng thành cổ điển. ‘The First Time I Ever Saw Your Face’ được tung ra từ phim ‘Misty’ với tiếng hát Roberta Flack, và chiếm bảng vàng ngay năm sau.

Từ đấy, người ta mới để ý một khía cạnh lạ của Clint Eastwood.

Trong nhiều phim, ông tự làm stunt, diễn lấy nhiều cảnh hiểm nguy, như nhảy lầu hoặc leo núi. Trong nhiều phim khác, ông phụ trách nhạc phim, nhờ có cái tai khác người.

“Mystic River” thuộc loại ấy và là một phim hiếm hoi mà Clint Eastwood không xuất hiện. Ông đứng sau ống kính điều khiển Sean Penn, Tim Robbins và Kevin Bacon, ba tài năng lớn về nghệ thuật diễn xuất. Clint Eastwood “nhập vai” theo kiểu riêng của mình: lấy cảm hứng từ ba nhân vật trong truyện để lo phần nhạc!

Không giải thích cảm hứng sáng tác như thế nào, ông chỉ nói là nghĩ đến một hợp âm ba nốt nhạc (triad) cho ba người. Clint Eastwood kể rằng ông gẩy ba nốt nhạc, sau đó đưa cho người phối khí bằng synthetizer khai triển và thêm nhạc cụ. Cuối cùng, “nhạc khúc” được giao cho dàn nhạc lừng danh Boston Symphony Orchestra hoàn thành.
Clint Eastwood và nhạc sĩ Dave Brubeck, khi Dave đã 90 tuổi

Hiểu nhạc và khiêm nhường như Clint Eastwood thì mới nói vậy!

Trên phím dương cầm, ông phải vắt óc nghĩ ra từng chuỗi âm thanh nối kết ba người, từ thuở ấu thơ đến lúc trưởng thành, và tâm tư mang một vết hằn từ nhỏ cho đến lúc nổ ra bi kịch. Ðâu phải bất cứ ai cũng có thể nghĩ ra một hợp âm ba nốt mà dàn nhạc Boston sẽ nêm nếm cho ra nhạc khúc!

Bi kịch xảy ra tại Boston, phim được quay tại Boston với dàn nhạc của Boston và sự phụ họa của dàn hợp xướng lừng danh Tanglewood. Chỉ ba nốt nhạc cho một bộ phim đoạt giải lẫy lừng! Nghe hoang đường như chuyện Mỹ. Người ta có thể kết luận như thế. Nhưng, đằng sau là tài năng Clint Eastwood và biết bao điều kiện lý tưởng được giành cho nghệ thuật.

Bao giờ các nghệ sĩ Việt Nam mới có những điều kiện quá tốt đẹp này?

Quỳnh Giao viết ngày 08-02-2006.
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562/posts/10208255427741371

Xem tiếp >>>  MỤC LỤC PHẦN 1 - PHẦN 2 - PHẦN 3 - PHẦN 4 - PHẦN 5 - 
PHẦN 7 - PHẦN 8 - PHẦN 9 - PHẦN 10