Tạp Ghi @ Quỳnh Giao (10)

TẠP GHI @ QUỲNH GIAO

PHẦN 10

109. Nàng Thủy Tiên
110. Ngã Lãng Du Thời....
111. Ngợi Ca Phụ Nữ
112. Từ Hoàng Trọng Hồ Đình Phương, Đi Về Kỷ Niệm
113 Nguyễn Ðình Toàn - Dẫn Em Vào Nhạc
114. Những Tiếng Gọi Lên Đường
115. Vang Vang Trời Vào Xuân
116. Memories của Lê Văn Khoa
117. Sérénade sans Espoir
118. Aretha Franklin – Nữ Hoàng Soul
119. Kim Tước, giọng ca quý phái.
120. Đêm Cuối Cùng
121. Đốt Lò Hương Cũ...
122. Phạm Đình Chương
--------------------------------------------------------------------




109. Nàng Thủy Tiên


Người ta cứ nói rằng Đông và Tây ít khi gặp nhau bao giờ. Có lẽ cũng phải nói thêm là càng khó gặp nhau trong một biểu tượng của ngày Tết.
Một thí dụ có đầy hương và sắc chính là hoa thủy tiên.

Tây phương gọi hoa thủy tiên là "narcissus", loại hoa mọc từ củ tựa như củ hành. Đấy là nói về thảo mộc học khô khan thô kệch. Chứ về văn hoá, "narcissus" là một chữ có nguồn gốc Ba Tư, có nghĩa nguyên thủy là con mắt.

Chẳng ai thấy chuyện ấy là hấp dẫn cho tới khi mình biết tới truyền thuyết của thần thoại Hy Lạp, là con mắt chỉ nhìn thấy mình.

Xưa kia, Narcissus là đệ nhất mỹ nhân, của nam giới. Người đẹp trai nhất xứ Hy Lạp. Nhưng các thần linh đã quyết định rằng chàng Narcissus này không bao giờ được nhìn thấy bóng của mình.

Trên cõi thiêng liêng ấy, các thần linh oái oăm cũng nặn ra một mỹ nữ tên là Echo. Nàng chỉ được phép nói..."vuốt đuôi", là nhắc lại những câu cuối mà mình được nghe. Thế rồi, éo le chừng nào, nàng Echo lại phải lòng chàng Narcissus mà nhân vật tuấn mỹ đẹp trai này thì chẳng yêu ai hơn là chính mình. Bị cự tuyệt, nàng Echo bèn... trả thù, cũng lại bằng bàn tay của các thần linh.

Chàng Narcissus thấy bóng mình trên mặt nước và yêu mình say đắm, yêu đến chết rồi biến thành thảo mộc, thành củ hành nở hoa! Còn nàng Echo đắc thắng thì cũng tuyệt vọng lao mình từ trên đỉnh núi xuống, thành một tiếng vang...

Vì sao truyện thần linh của Tây phương hay có những sự độc ác bi thảm ấy?.. Chúng ta có thể vọng lên một câu hỏi cho những ai thích tìm hiểu các lý do sâu xa, cho đến... Tết.

Còn Quỳnh Giao thì xin trở lại với hoa thủy tiên của mình.

Ngày xưa còn bé, người viết nhớ nhất và yêu nhất không khí của những ngày trước Tết, khi Bà Ngoại ngồi tỉa các củ Thủy Tiên trắng muốt và sai con cháu rửa thật sạch mấy hòn đá cuội để bà lót trong chậu bát tiên đựng hoa.

Mỗi ngày bà theo dõi tiến trình kết lá, đâm nụ và nở hoa. Khi thì bảo trẻ bỏ thêm đá lạnh để hãm cho nở muộn hơn, hoặc pha nước ấm vào chậu nếu sợ hoa chậm nở. Đêm 29 ngồi canh nồi bánh chưng ngoài sân, gíó càng lạnh thì lòng càng ấm vì mùi khói tỏa qua ánh lửa bập bùng, hòa với mùi thơm của bánh vừa chín tới.

Khi ấy, mình chỉ mong giây phút ngừng lại kẻo ngày vui qua mau. Chiều mùng một Tết thì con bé đã buồn vì tiếc nuối, thấy như đã hết Tết rồi…

Bà mất đúng năm 1975, vào ngày 28 tháng Tư, khi đứa cháu đang trôi dạt ở đảo Guam. Lúc đó, người viết thấy lòng bần thân như mất hồn vì chỉ đi được tiểu gia đình, còn Mẹ và các em vẫn kẹt lại, không biết bao giời mới thấy nhau…

Khi Mẹ và các em vượt biên qua được Hoa Kỳ vào cuối năm 79, Tết đầu tiên xum họp ở miền Đông, Mẹ khẽ nhắc: “ngày xưa bà thích hoa thủy tiên nhất. Tết mà không có thủy tiên là không ra Tết!” Đúng thật.

Năm 1992, hai mẹ con đều đã sống tại Cali. Tết năm đó, khệ nệ mang thủy tiên đến cúng bà ngoại. Mẹ khen: "giỏi đó, bà thương!” Tự nhiên nước mắt cứ trào ra!..

Như nhiều cụ bà thời xưa, thân mẫu người viết thường nói các cụ mình thích thủy tiên vì hoa đẹp như “đĩa ngọc chén vàng”. Cánh hoa trắng muốt như đĩa bạch ngọc, nhị hoa vàng rực như một chén vàng nhỏ xíu nằm ở trên. Hoa vừa có sắc lại vừa có hương.

Thủy tiên bên mình thì vậy, còn thủy tiên bên Mỹ thì có lẽ lại giống anh chàng Narcissus tự mê, chỉ có sắc mà thiếu thần trí. Hoa không dầy cánh và hương lại hơi hắc, nhuốm mùi vô duyên!

Nói về thủy tiên thì không thể quên Lê Thương. Ông là một nhạc sĩ có tài kể truyện.

Ngoài đời ông nói chuyện vừa uyên bác lại vừa dí dỏm duyên dáng. Thời phôi thai của tân nhạc Việt, Lê Thương là người cống hiến tài hoa và sự uyên bác của mình qua nhiều tác phẩm giờ này đã mai một vì ít người trình bầy và chẳng còn mấy ai phổ biến.

Chẳng hạn như bài “Hoa Thủy Tiên” của ông là một truyện ca cực kỳ cảm động và sâu sắc, mà Quỳnh Giao xin ghi lại lời từ:

Một nghìn năm trước
Trong đời Trần Nam quốc
Có cô công chúa lòa
Cả đời nuôi nấng Hoa
Trời làm nắng gió
Sau một chiều giông tố
Các hoa trên gác lầu
Phải một cơn đớn đau
Nàng Bạch mẫu đơn
Trôi lạc mất con
Khắn xin công chúa lòa
Tạ đền nụ hoa cho bà
Lòng nàng công chúa
Thương người và hoa quá
Đến đêm xin khấn Trời
Xin đền nụ hoa đã rơi
Nàng bầy trên gác
Ước chừng mười tô nước
Khấn xin ba tháng ròng
Nhưng Trời chỉ cho nước trong
Ngày tháng chóng qua
Thu Hè đã xa
Cuối Đông năm đó Trời
Cho nàng Thủy Tiên xuống đời
Nằm chìm trong nước
Đang chờ thời gian lướt
Thấy cô công chúa lòa
Cô nàng Thủy Tiên bước ra
Trình bầy trên bát
Ba lòng vàng thơm ngát
Khiến cho đôi mắt lòa
Của nàng công chúa sáng ra
Nàng mở mắt xong
Trông vào tô nước trong
Thấy Xuân năm đó Trời
Cho nàng Thủy Tiên xuống đời


Nhớ lại lời ca thì chúng ta thấy Đông và Tây quả là khác xa.

Chàng Narcissus và cả nàng Echo đều vì tự yêu mà gây thảm kịch. Truyện của ta là một cô công chúa lòa quên mình mà lo cho các giống hoa khác nên thần linh cho Thủy Tiên từ dưới nước bước ra cứu cô công chúa.

Nhớ lại chuyện ấy thì ta thấy thủy tiên cao quý hơn loại hoa chỉ biết chết trong bóng mình.

Bài hát này, ngày xưa Thái Hằng rất thích, đã thu thanh vào đĩa nhạc 78 tour thời đó. Lúc nhỏ người viết thường được mẹ vặn cho nghe, cả bọn nhóc cứ hát “thuội theo”... Một nghìn năm trước, trong đời Trần Nam quốc… và thấy hay hơn truyện Narcissus gấp trăm lần…

Vào ngày Tết, chúng ta nên mượn lời ca của Lê Thương tặng nhau một chút hương thủy tiên của lòng vị tha và nguyện cầu cho một năm mới nhiều sắc hương và ý nghĩa hơn nữa.

Quỳnh Giao viết ngày 09-02-2010.
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562






110. Ngã Lãng Du Thời....


Theo dõi lễ trao giải Oscar vào ngày Chủ Nhật 27 vừa qua, Quỳnh Giao bỗng nhớ đến... cụ Dương Khuê!

Trong bài hát nói nổi tiếng của cụ, nhà thơ đất Vân Đình có đôi câu chữ Hán: "ngã lãng du thời quân thượng thiếu..." Thời mà ta lãng du thì em, hay cháu, vẫn còn nít nôi.... Đến khi gặp lại nhau thì ta đã thành ông!

Quỳnh Giao nhớ đến cụ Dương Khuê và bài ca trù "Hồng Hồng, Tuyết Tuyết" tối hôm đó khi thấy cụ Kirk Douglas hỏi một nữ diễn viên đáng vai cháu chắt: "khi lão đóng phim thì cháu ở đâu?"

Kirk Douglas sinh năm 1916, năm nay đã 94 tuổi. Con trai cụ là Michael Douglas sinh năm 1944, nếu có cháu nội sinh năm 1982 thì cũng là chuyện thường. Sinh năm 1982, cô bé Anne Hathaway điều khiển chương trình trao giải Oscar quả xứng vai cháu của Michael và chắt của Kirk Douglas.

Cụ Dương Khuê của chúng ta chỉ thọ có 63 tuổi mà trước đó còn có thể ỡm ờ với cô Hồng cô Tuyết trong dàn ca nhi thì cụ Kirk Douglas có quyền chống gậy lả lơi với đứa bé nít nôi chứ?

Khi biết sẽ có Kirk Douglas xuất hiện, Quỳnh Giao đã thầm nhủ và ra lệnh là phải xem cho bằng được cái lễ trao giải này. Trong buổi lễ, có hai tài tử gạo cội đã chống gậy lên sân khấu. Eli Wallach trước đó để sự nghiệp được vinh danh. Sau đấy là Kirk Douglas.

Ông thật sự là "vòng tiền vệ sau cùng", là "Last Man Standing" của thế giới Hollywood từ sáu chục năm nay, từ cuốn phim đầu tay vào năm 1949.

Kirk Douglas và Burt Lancaster 
Cùng với Burt Lancaster, Gregory Peck hay Jimmy Stewart và nhiều người khác, Kirk Douglas là tài tử điện ảnh đã mê hoặc chúng ta từ thuở thôi nôi, khi mình còn bập bõm xem phim và nghe đối thoại qua tiếng Pháp.

Như Lê Thương, Dương Thiệu Tước hay Kim Chung, Phùng Há, Thương Huyền, v.v... đấy là những nghệ sĩ đã để lại nhiều ảnh hưởng trong cách thưởng ngoạn nghệ thuật của chúng ta.

Trong thế giới phù du mà rất đẹp ấy, chúng ta thật ra không phân biệt quốc tịch hay ngôn ngữ mà chỉ thấy gì hay và đẹp thì nhớ mãi.

Vì thế, Quỳnh Giao bồi hồi nhìn cụ Kirk Douglas chập chững bước ra sân khấu và rất cảm động khi thấy "Doc Holliday" - nhân vật do Kirk Douglas thủ diễn trong phim "O.K. Corral" - vẫn tràn đầy phong độ, trí tuệ minh mẫn bên trong một thân hình còm cõi.

Nhớ lại thì Kirk Douglas đã bị đứt gân máu từ năm 1996, nói năng ngượng nghịu và có khi nhếch mép như ông Mai Thảo! Vậy mà cụ bỏ xe lăn và chống gậy bước ra thì làm sao mà khán giả không xúc động?

Câu nói đùa của cụ về chênh lệch tuổi tác với Anne Hathaway - "khi lão đóng phim thì cháu ở đâu" - khiến mình bật cười mà lại rưng rưng nước mắt và nhớ rằng hôm Chủ Nhật 27 của giải Oscar cũng là sinh nhật thứ 79 của Elizabeth Taylor. Bà ngồi nhà xem giải Oscar như... chúng ta mà có lẽ còn ngậm ngùi gấp bội.

Cũng trong lễ trao giải ấy, Kirk Douglas được một chàng trai trẻ dìu ra sân khấu.

Dùng chữ "dìu" như vậy là coi thường cụ, chứ Kirk Douglas chưa đến nỗi nào. Nhưng theo phép văn minh lịch sự thì một tài tử như vậy không thể bước ra sân khấu mà thiếu người đón đưa. Người đón đưa tối hôm đó là chàng thanh niên thuộc thế hệ Anne Hathaway, mới 27 tuổi.

Trong khi Liz Taylor ở nhà theo dõi hình ảnh buổi lễ thì từ rất xa cũng có một người cùng tuổi 79 nhìn xem thằng cháu mình đi đứng ra sao tại Hollywood. Đó là Omar Sharif - hay Doctor Jivago - một tài tử quốc tế sinh tại Ai Cập vào năm 1932. Ai Cập thì đang là thời sự nóng bỏng, nhưng thế giới Oscar đã vượt ra ngoài và đưa ra một hình ảnh dễ thương hơn của nhân loại.

Người bước ra sân khấu cùng Kirk Douglas và còn đùa nghịch trò "thả đỉa ba ba" hay "đả cẩu bổng" với cây gậy trong tay Kirk Douglas chính là Omar Sharif Junior, cháu nội của Sharif kia!

Cậu bé Omar này có tâm sự lời ông nội dạy lại: "Ông cho cháu cái tên, ông cho cháu cái dáng. Ông chẳng thể cho cháu gì hơn. Từ nay cháu hãy lo lấy!" Với dáng vẻ đó lại được múa gậy với Kirk Douglas, có lẽ cậu Omar Junior cũng sướng như vừa đoạt giải.

Trong một đêm, ngoài những hồi hộp hay hào nhoáng của lễ trao giải Oscar thứ 83, Quỳnh Giao lại nhìn qua bên lề và đón nhận bài học của tuổi tác.

Chúng ta sống trong xã hội Hoa Kỳ, nơi mà có một giai cấp lại được triệt để tôn vinh và chiều chuộng. Đó là những người trẻ.

Trẻ tuổi là đồng nghĩa với tự do, uy quyền và muốn làm gì cũng đúng cũng được. Lỡ có làm sai thì đã có người chữa ngay rằng là vì còn trẻ mà. Trong xã hội đó, người già bỗng như sống thừa, sống bám, và đôi khi còn lúng túng vì mình lỡ sống quá lâu.

Sự vô tâm và khắc nghiệt của xã hội với người cao niên là một bi kịch. Bài viết gần đây của Huy Phương là một nhắc nhở, khi nhiều người của chúng ta đã vào tuổi cao niên trên đất Mỹ mà lại còn là Mỹ giấy, là người tỵ nạn...

Chính là cảm nghĩ đó khiến việc Kirk Douglas tái xuất giang hồ đã khơi dậy nhiều kỷ niệm. Từ cụ Dương Khuê với cô Hồng cô Tuyết, đến Lê Thương với bài hát về tuổi thơ hay Dương Thiệu Tước với khúc nhạc dưới trăng...

Những suy nghĩ mông lung như vậy dẫn Quỳnh Giao về Liz Taylor khi bà còn là cô bé nhỏ xíu trong phim Little Women năm 1949 mà chúng ta biết dưới tên "Bốn cô gái của Bác sĩ March" do phiên dịch từ tiếng Pháp. Cô bé làm cho chúng ta nhỏ lệ từ cuốn phim nay đã bát tuần và đang chuẩn bị gặp lại các cố nhân của Hollywood....

Khi ấy, một ý nghĩ bỗng loé sáng trong đầu: chúng ta đội ơn những người đi trước thật ra còn nhiều hơn những gì mình biết hay mình nhớ. Trẻ em thời nay có khi lại không hiểu như vậy vì tin rằng mọi chuyện đều từ cái trí cái lực của chúng mà ra. Và người lớn phải có trách nhiệm cho mình được hưởng cái quyền tất nhiên này.

Nếu cứ nghĩ như vậy thì nửa thế kỷ sau, khi tuổi thanh xuân đã thành dĩ vãng, các em nhỏ thời nay sẽ cô đơn chừng nào?

Quỳnh Giao viết ngày 03-02-2011.
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562






111. Ngợi Ca Phụ Nữ

Có những ngày mà chuyện trong nhà lại cứ như trùng với chuyện làng nước.

Năm ngoái, khi đọc tin thấy một hãng Pháp trưng cầu dân ý ở nhiều nơi và kết luận rằng người Việt Nam là thành phần lạc quan nhất thế giới, Quỳnh Giao ngẩn ngơ không hiểu.

Mấy tờ báo tường thuật tin này thì có thể suy đoán rằng sau nhiều năm chiến tranh liên miên rồi lại bị khủng hoảng đủ chuyện, Việt Nam ngày nay có mấy chục năm yên bình nên ai ai cũng có thể lạc quan tin tưởng về tương lai. Sự thật nào có tốt đẹp như vậy đâu, nhưng hỏi trong nhà thì chẳng ai giải thích được cho rõ ràng. Bạn hữu bên ngoài cũng thế.

Đó là vì cách đặt câu hỏi của cuộc khảo sát hay vì tâm lý của người trả lời khi được nêu câu hỏi? Hay là chúng ta cần một cuộc nghiên cứu sâu rộng về tâm lý xã hội? Chưa có kết quả nghiên cứu và lâu lâu đọc truyện viết ở trong nước thì người ta khó thấy ra không khí lạc quan như cuộc khảo sát của ông Tây đã kết luận.
"Dầu gió xanh" Heineken là "lương khô"... của các ông! 

Thế rồi tuần này đọc tin trên báo, Quỳnh Giao tìm ra một lời giải thích khác.

Tin trên báo là "Người Việt Nam uống bia hạng ba trên thế giới!" Nghĩa là nhờ uống bia mà bà con ta thấy đời màu hồng? Kể thì cũng lạ!

Có ông anh trong nhà là một học giả về hưu, cái bằng Tiến sĩ của Harvard anh lót dưới đáy tủ và chỉ thích đi chu du ngắm cảnh ở khắp nơi. Anh ngần ngừ giải thích rằng người dân ở Trung Đông thuộc nền Văn Minh Lưỡng Hà trên vùng đất của xứ Iraq ngày nay mới là dân tộc đầu tiên phát minh ra rượu bia. Hình như bây giờ theo đạo Hồi, họ lại kiêng cữ không uống rượu.

Còn lại, nổi tiếng về bia ngon thì có nước Đức của một ông anh nhạc sĩ vỹ cầm, hoặc Hòa Lan hay Bỉ, Đan Mạch, Ái Nhĩ Lan, Anh, Pháp... Ngày xưa, Tây có chỉ cho mình cách làm bia và hãng BGI của Sài Gon đến nay vẫn còn nổi tiếng dù có đổi tên. Nhưng nhiều nước Á Châu cũng biết làm bia chứ nào chỉ có Việt Nam? Phi Luật Tân bên kia và Thái Lan bên này cũng nổi tiếng là có bia ngon vậy!

Hay là sản xuất và tiêu thụ là hai việc khác nhau nên dân ta uống bia chỉ thua Pháp và Mỹ thôi?

Ngồi tạp ghi trên máy thì người viết mới thấy là mình nói oan.

Dân ta uống bia chỉ thua Pháp và Mỹ và theo hãng bia Heineken thì dân ta đang sắp qua mặt hai nước kia để thành vô địch về bia, kinh tế có lên xuống hay khủng hoảng gì thì Việt Nam vẫn nhập cảng bia và các ông vẫn nốc cạn ly. Ngay ở trong nhà, cứ ra tiệm phở Nguyễn Huệ là có người gọi ngay vài chai "dầu gió xanh" tức là mật hiệu của chai Heineken, chứ có bà nào uống đâu?

Nhưng mình nói oan rằng "dân ta uống bia rất khoẻ" chứ thành tích đó là của các ông. Đàn ông Việt Nam uống bia rất khoẻ. Sáng trưa chiều tối gì thì cũng uống!

Cảm nghĩ ấy dẫn người viết về chuyện xưa, khi về lo việc mồ mả.

Đó là mọi người đều nghiệm thấy là sau chiến tranh, phụ nữ Việt Nam không chỉ đẹp ra mà còn xốc vác hơn. Năm xưa khi thấy các cô lách xe "Dream" trên đường phố chật chội đầy xe như mắc cửi thì Quỳnh Giao nghĩ đến con gái Mỹ tại California, một mình lái xe pick up to như cái nhà, miệng phì phèo thuốc lá với cái vẻ "bất cần đàn ông". Chữ bất cần đàn ông này là của chú Mai Thảo, xin trả lại cho ông, cùng với một ly rượu!

Nghĩa là ở nhà, các bà các cô hình như cũng đã bước vào giai đoạn bất cần đàn ông. Trong khi ấy, trên vỉa hè bụi mù thì chỉ thấy các ông ngồi rung đùi uống bia! Sau mấy chục năm chiến tranh, các ông rửa tay gói kiếm nói chuyện mây nước để các bà đi lo kinh tế.

Còn các bà thì rất thực tế giải quyết chuyện sinh nhai, nuôi con mà... không dám dạy chồng. Chỉ cần để các ông ngồi đó một đống là yên thân!

Chi tiết lý thú là lù lù ngồi đó mà các ông vẫn có vẻ lầm lỳ chán nản, trong khi các bà các cô thì phơi phới vui tươi. Họ trang điểm hẳn hoi, áo quần đầy màu sắc rất tiệp rất đẹp và lúc nào cũng lạc quan, xông xáo, mua đầu này bán đầu kia và vẫn tự kiếm ra tiền đi chợ. Các bà không chỉ là chủ gia đình mà còn làm giám đốc doanh nghiệp. Còn các ông thì vắt chân chữ ngũ trong nhà để làm gia trưởng và lâu lâu phán ra vài câu trong hơi men.

Từ mấy lần thoáng gặp đó, kết luận của Quỳnh Giao là chính phụ nữ ở nhà đã khiến người Pháp cho rằng dân Việt Nam lạc quan nhất. Tức là khi được thăm dò ý kiến, có lẽ các bà đã đứng ra trả lời. Còn các ông thì đang bận việc khác.

Việc lập ra thành tích uống bia cho Việt Nam!

Nói như vậy thì quý độc giả thuộc phái nam nay hết là phái khoẻ sẽ khiếu nại lung tung, rằng người viết thiên vị và coi thường các ông. Không ai dám thế đâu. Chỉ vì sáng nay lật báo ra đọc, hay là bật máy lên xem thì người ta thấy ra một chuỗi tin rất là tiêu biểu.

Một ông John Edwards của Hoa Kỳ, ứng cử viên tổng thống sáng giá năm xưa bên đảng Dân Chủ, năm nay có thể bị ra tòa vì tội khai gian tiền bạc để che giấu một chuyện tình. Báo chí nhắc đến ông ta chính là để viết về bà vợ đảm đang đã quá cố. Khi còn sống, bà kín đáo giúp đỡ ông chồng trong những hoạn nạn trên con đường tình ái ngoài lề.

Một ông khác thì là diễn viên tỷ phú rồi Thống đốc Tiểu bang California mà vẫn đèo bòng với gia nhân. Cho đến khi mãn nhiệm mới dám nói thật, để bà vợ cho được tự do sống một mình, đó là ông Arnold... của các ông.

Một ông khác thì còn nổi danh quốc tế trong một khách sạn cực sang của New York. Ông đang chờ ngày ra toà. Bên ngoài, người chạy là bà vợ, nhà báo Pháp nổi tiếng, rất đẹp và có tiền, năm xưa đã giúp ông hoàn thành sự nghiệp và năm nay đang lo cho ông thoát khỏi vòng lao lý! Đó là cựu Tổng giám đốc của cái quỹ tiền tệ gì đó.

Thế rồi sáng nay, báo loan tin tiếp là người sẽ có hy vọng thay thế ông ta lại là một phụ nữ Pháp.

Đó là người đàn bà Pháp đầu tiên đã cầm đầu một văn phòng thầy kiện thuộc loại thế giá nhất Hoa Kỳ. Tin hôm nay là bà Christine Lagarde được nhiều nước đề cử lên cầm đầu cái quỹ tiền tệ kia để sẽ cấp cứu các nền kinh tế đang bị hoạn nạn và lặng lẽ khôi phục lại danh dự cho một tổ chức quốc tế bị lấm lem vì một ông lạc quan tưởng rằng có tiền mua tiên cũng được.

Bài này không viết để châm chọc các ông đâu vì ai nỡ đánh kẻ ngã ngựa bao giờ. Quỳnh Giao chỉ viết để ngợi ca phụ nữ!

Quỳnh Giao viết ngày 25-5-2011.
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562




112. Từ Hoàng Trọng Hồ Đình Phương, Đi Về Kỷ Niệm

Lúc sinh thời, Phạm đình Chương thường ví các bài thơ phổ nhạc của ông là hôn phối. Với người viết này thì hôn nhân tuyệt mỹ của Thơ và Nhạc là Thanh Tâm Tuyền và Du Tử Lê với Phạm Đình Chương, Phạm Thiên Thư và Nguyễn Tất Nhiên với Phạm Duy.

Nhưng có thể bị lãng quên thì có thơ Hồ Đình Phương với nhạc Hoàng Trọng.

Hồ Đình Phương là nhà thơ miền Trung, có nét trong sáng lành mạnh, đa số ca tụng quê hương và tình tự dân tộc. Nhạc Hoàng Trọng cũng có sự trong sáng tương tự. Có lẽ vì thế mà ông tìm đến Hồ Đình Phương để làm lời ca cho những tác phẩm tươi đẹp.

Thời điểm là sau cuộc di cư 1954 cho đến đầu thập niên 60. Tác phẩm đầu tiên là “Chiều Nhớ Mẹ”, nhịp Slow chậm rãi và lờì ca tha thiết. Quỳnh Giao xin nhắc lại để chúng ta khỏi quên:

Chiều ơi, chiều vướng hồn tôi
Chiều xuống miền xa xôi xin nhắn ai ngoài ngàn lối
Rằng đây, nhìn khói vờn qua
Nhìn cánh đồng bao la, lòng nhớ quê xưa mẹ già


Rồi liên tục là Mộng Ban Đầu, Mộng Đẹp Ngày Xanh, Tình Không Biên Giới, Mộng Lành, Bên Bờ Đại Dương, Nguồn Mến Yêu, Bạn Lòng, Trăng Lên, Mộng Ngày Hồi Hương, Bắc Một Nhịp Câu, Tình Trăng, Nhớ Về Đa Lạt, Mộng Đẹp Tình Xuân,Tiễn Bước Sang Ngang, Ngỡ Ngàng, Hai Mối Tình Yêu, Hương Yêu, Đẹp Mùa Yên Vui, Nhớ Thương.... Tính nhẩm thì cũng gần hai chục bài chứ không ít.

Những ca khúc như Mộng Ban Đầu, Mộng Lành, Mộng Ngày Hồi Hương, Bắc Một Nhịp Cầu, Tình Trăng, Ngỡ Ngàng, Tiễn Bước Sang Ngang, đã thành công rực rỡ với nhịp điệu Tango. Cũng từ đấy, nhạc sĩ ít nói ít cười này mới có danh hiệu là "Vua Tango".

Trong phạm vi nghề nghiệp, Quỳnh Giao đặc biệt yêu thích các ca khúc về quê hương và tình người của Hoàng Trọng và Hồ Đình Phương. Khi trình bày, mình thấy lòng hân hoan sung sướng hơn.

Đó là những bài Mộng Đẹp Ngày Xanh, Bên Bờ Đại Dương và Bạn Lòng. Cả ba tác phẩm đều viết vào năm 1956.

Mộng Đẹp Ngày Xanh là bài hát theo kiểu semi-classique, bán cổ điển, trên nhịp Slow với cung Do Trưởng trong sáng. Hoàng Trọng và Hồ Đình Phương sáng tác ca khúc này cho ngày lễ Văn Hóa. Được trình bầy lầu đầu tại rạp Thống Nhất (Norodom) với giọng soprano của danh ca Kim Tước cac khúc lập tức nổi tiếng. Lời thơ chan chứa tình yêu đất nước và tình yêu đôi lứa thời chinh chiến:

Mộng đẹp vừa khai lối, đem ta gom chung một trời
Yêu thương dâng lên tình người, nhịp với bao nụ cười tươi
Kìa tuổi xanh đưa tới, xanh lên mắt anh rạng ngời
Xanh qua tóc em tuyệt vời, đẹp lắm ôi mầu xanh ơi….
Dù ngày mai muôn lối, anh theo non sông đợi chờ
Em lo trông nom mẹ già, hồn chúng ta nào chia xa
Nhờ mầu xanh luôn mới, xanh không phai duyên tình người
Lại tìm nối bóng song đôi, nên ta mãi còn chung vui


Ca khúc Bên Bờ Đại Dương cũng sáng tác trên tiết điệu Sow chậm rãi, cung Ré Trưởng cao vút và tươi sáng để ca tụng vẻ đẹp của đất nước và lịch sử. Với nhiều người thì đây là một trong những ca khúc đẹp nhất về quê hương của chúng ta:

Đất nước tôi màu thắm bên bờ đại dương
Bắc với Nam tình nối qua lòng miền Trung
Đất nước tôi từ mái tranh nghèo Bắc Giang
Vượt núi rừng dài Trường Sơn
Vào tới ruộng ngọt phương Nam
Dân nước tôi từng đấu tranh diệt ngoại xâm
Trên máu xương cùng hát ca bài thành công
Dân nước tôi, nòi giống hùng cường Lạc Long
Làm gái toàn là Trưng Vương
Làm trai rạng hồn Quang Trung


Khi xưa, nghe danh ca Anh Ngọc trình bầy Bên Bờ Đại Dương là một niềm vui. Chất giọng sung mãn và làn hơi dài như mang cả hồn sông núi nghạo nghễ vào lồng ngực. Mỗi lần nghe lại là thêm một lần luyến nhớ quê hương.

Vì kỷ niệm xa xưa, người viết này yêu thích nhất bài Bạn Lòng, được sáng tác khi mình mới lên mười. Nhịp Boston dìu dặt dẫn lời ca về tình bạn đằm thắm:

Bạn lòng thân mến đây giây phút hồn tôi
nghe chan chứa hương đời
Nhạc lời êm ái, tôi ca ấm vành môi mong sao đến bên người
Bạn là trăng sáng trong đêm tối hồn tôi soi lên bao ánh tươi
Bạn là hoa thắm trên hoang vắng tình tôi vun lên một mùa mới


Nhạc phẩm này viết để hát solo đơn ca cũng được mà duo song ca lại càng hay. Trong chương trình của ban Tây Hồ ngày xưa của Hoàng Trọng, ông soạn hòa âm công phu cho song ca nam-nữ, với phần phụ họa của toàn ban.

Nói về kỷ niệm, người viết còn nhớ năm 1961, thân mẫu Minh Trang bị cảm bất ngờ, bảo đứa con gái lên đài hát thế. Năm 14 tuổi khi đi Đà Lạt hát trường ca Con Đường Cái Quan, con bé còn giữ tên của cha mẹ chứ chưa có nghệ danh, biệt hiệu. Vào tuổi 15, trước khi con bé lên đài hát thay cho mẹ, chú Hoàng Trọng hỏi bà mẹ: "Chị có tên cho nó chưa? Để chiều nay còn giới thiệu!"

Thế là bà hỏi con muốn gọi tên gì? Bà ngoại có biệt hiệu khi làm thơ là Bội Quỳnh đấy. Con bé làm ra vẻ người lớn: Thế thì Quỳnh Dao đi. Có gì đâu, chỉ vì vừa học câu "một vùng như thể cây quỳnh cành dao" thầy Việt văn mới giảng hôm qua ấy mà!..

Chiều đến, đi học đàn về, con bé lễ mễ sách vở và bài hát đến đài phát thanh mà run sợ. Chú Hoàng Trọng đưa hai bài hợp ca, một bài tam ca, một bài song ca và một bài đơn ca.

Bài đơn ca là Chiều vàng của Nguyễn Văn Khánh. Trên đồi xanh, chiều đã xuống dần, mặt trời lấp ló sau đồi, chiều vàng… cũng dễ thôi, đâu có ngán. Nhưng bài Bạn Lòng mới đáng sợ, vì phải song ca với chú Anh Ngọc! Chú vừa cao lớn, hát giọng trượng phu oang oang mà mình là bé con lại hát anh anh em em với chú.

Trước khi hát, Anh Ngọc còn dặn: "Đứng xa ra! Giọng cháu cao bắt micro lắm, không được đứng gần!" Trong khi đó, dàn phụ họa toàn ban cười khúc khích bên kia micro.

Ngày xưa, phòng vi âm của đài phát thanh chỉ có một micro, hai người song ca đứng phía trước, dàn phụ hoạ đứng phía sau mà thu vẫn rõ ràng cân đối. Ban nhạc khoảng 20 ngươì ngồi đàn một góc, và nhạc trưởng đứng trước ban nhạc vừa cầm nhịp vừa ra dấu cho ca sĩ.

Kỷ niệm in trong óc, đã hơn nửa thế kỷ qua vẫn không quên được, mỗi khi hát Bạn Lòng lại thấy rưng rưng.

Cũng từ Hoàng Trọng, tên Quỳnh Dao của mình bị chú viết trên bài hát và trong chương trình thành Quỳnh Giao với chữ G I. Từ đó mới có Quỳnh Giao viết gi, chỉ riêng có ba người ngoan cố vẫn dùng chữ D là Anh Ngọc, Phạm Duy và Phạm Đình Chương. Khi ra hải ngoại, chú Chương nói thôi đổi luôn là Giao đi, kẻo Mỹ nó lại gọi là Dow!

Khi hát lại thơ Hồ Đình Phương với nhạc Hoàng Trọng, người viết nhớ lại quê hương và kỷ niệm thanh xuân....

Quỳnh Giao viết ngày 16-11-2013.
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562





113. Nguyễn Ðình Toàn - Dẫn Em Vào Nhạc



Ngày còn bé, Nguyễn Ðình Toàn không biết đánh đáo.

Ông đánh mạt chược thuộc loại đáo để và ăn nói còn đáo để hơn trên bàn mạt chược, nhưng Quỳnh Giao nghi rằng ông không biết đánh đáo. Hoặc có lẽ không thèm đánh đáo. Ở tuổi ấu thơ, Nguyễn Ðình Toàn ham mê chuyện khác, để ý đến chuyện khác, chuyện thi ca chẳng hạn, chuyện thơ và nhạc.

Người ta có thể kết luận như trên khi đọc tập bút ký của ông viết về 190 tác giả, có tựa đề là “Bông Hồng Tạ Ơn” được ra mắt tại báo quán Người Việt chiều 28 tháng 10 năm 2006. Trước ngày đó, Quỳnh Giao không viết về ông như để giới thiệu sinh hoạt này với độc giả.

Nguyễn Ðình Toàn là nghệ sĩ không cần được giới thiệu.

Nguyễn Ðình Toàn có lẽ không đánh đáo với chúng bạn đồng tuổi vì ông mải nhìn mây, nghe nhạc, đọc văn và tìm hiểu về thơ. Không vậy, ông đã chẳng có một ký ức đầy ắp về những nghệ sĩ đã nổi danh từ thập niên 50. Ông biết về họ rất tường tận, trước khi chính ông bước vào thế giới đó.

Giới yêu văn học thì biết Nguyễn Ðình Toàn qua các tác phẩm văn chương. Ông là một nhà văn nổi tiếng, có nhiều độc giả và từng được Giải thưởng Văn chương với Áo Mơ Phai, tác phẩm làm ông bị khổ sở không ít sau 1975.

Ông còn khổ sở hơn vì không chịu cúi đầu, vẫn cứ ngang ngạnh khi gặp cảnh tù đầy.

Sau khi được thả ra, ông còn ngang ngạnh (dùng chữ hiên ngang tất sẽ làm ông khó chịu!) và khi chế độ trong nước thay đổi, xin tái bản lại Áo Mơ Phai, ông vẫn ngang ngạnh: “các anh muốn làm gì chẳng được, nhưng đã hỏi tôi khi muốn tái bản thì tôi chỉ xin các anh ghi vào lời tựa lý do vì sao đã kết án tác phẩm và bỏ tù tác giả!”

Ðược tái bản sách, nhiều người rất thích và đành nhịn. Nguyễn Ðình Toàn lại có cách từ chối đáo để như vậy thì… ai mà nhịn được!

Giới yêu thơ cũng từng mê thơ Nguyễn Ðình Toàn, đã được đọc lại còn được nghe. Quỳnh Giao xin nói về chuyện nghe thơ này.

Thời ấy, vào thập niên 60 trở về sau, các ban tân nhạc trên đài phát thanh đều có xướng ngôn viên của đài hoặc chính các ca sĩ tự giới thiệu lấy trước khi trình bày. Và người ta không có lời giới thiệu (tiền thân của giới EmXi MC thời nay) để cho tác phẩm một cái mũ, một cái “châpeau” dẫn vào tác phẩm và nghệ sĩ trình bày.

Ngoại lệ có tính chất tiên phong là chương trình “Tiếng Nhạc Tâm Tình” của Anh Ngọc, do Mai Thảo viết châpeau dẫn thính giả vào nhạc. Ông có cách hành văn rất Tây, với lối dùng chữ mới lạ, dễ “bắt tai” thính giả. Hàng tuần, thính giả chờ đón để được nghe các ca khúc nghệ thuật mà người hát, hoà âm, và cả lời giới thiệu đều trau chuốt bóng bẩy. Người đọc những dòng giới thiệu thường là Anh Ngọc, Mai Thảo, đôi khi Thái Thanh, Kim Tước, Mai Hương và cả Quỳnh Giao.

Người không đội mũ nhưng gắn hoa và thổi mây lên từng ca khúc nghệ thuật là Nguyễn Ðình Toàn, với chương trình gọi là “Nhạc Chủ Ðề”.

Ông viết lời giới thiệu như người ta làm thơ. Văn phong của ông cổ điển hơn, khác với lối viết của Mai Thảo hay lời nhạc Trịnh Công Sơn, nhưng là một loại thơ dẫn vào nhạc.

Chương trình ăn khách và thực sự tạo ra một trào lưu chính là nhờ giọng nói truyền cảm, như lời thủ thỉ, của Nguyễn Ðình Toàn. Ông dẫn thính giả vào nhạc bằng câu “Hỡi em yêu dấu” như chỉ nói với một người thôi. Qua làn sóng điện, người nghe thấy ông thầm thì với riêng mình về những cảm xúc do ca khúc gợi lên. Ông tạo ra một không khí tình cảm dịu dàng điệu nghệ để người nghe chuẩn bị đón nhận...

Lời thủ thỉ ấy đẹp như thơ làm thính giả phái nữ thấy lòng mình trùng xuống.

Ðáng lẽ, chương trình ấy phải được gọi là “Dẫn Em Vào Nhạc” mới phải, nhưng thời ấy chúng ta chưa dám táo bạo như thế! Qua cách nói… “hỡi em yêu dấu”, rõ là Nguyễn Ðình Toàn chỉ nói với phái đẹp. Vào quãng thời gian ấy, ông còn quá trẻ để gọi thính giả nam phái là “em”!

Mà ông không cao ngạo như Ðinh Hùng khi xưng là “ta” với người đẹp, ông mộc mạc nhũn nhặn xưng là “tôi”.

Thế mới chết… chị Thu Hồng!

Nhớ lại thì nếu Tiếng Nhạc Tâm Tình của Anh Ngọc gồm những giọng hát thượng thặng của thời đó trình bày, được chính ông chọn lọc và bầy bán giới hạn tại cửa hàng Au Printemps gần thương xá Tax, đã dẫn tới một ngành sinh hoạt mới là các trung tâm thực hiện băng nhạc, thì chương trình Nhạc chủ đề của Nguyễn Ðình Toàn đã là nơi báo hiệu hào quang lên những ca sĩ sau này là tên tuổi lẫy lừng, như Sĩ Phú, Khánh Ly, Lệ Thu…

Phải nói rằng nhiều ca sĩ thường xuyên cộng tác với đài phát thanh hoặc xuất thân từ các gia đình nghệ sĩ thì đã được… “lăng xê” từ trước và họ thực sự là những người chuyên nghiệp vì sự đòi hỏi của các đài phát thanh. Chương trình của Nguyễn Ðình Toàn lại khác.

Ông mời những giọng hát tài tử trong tinh thần “hát cho vui”, hát vì nghệ thuật.

Luật gia Khuất Duy Trác thuộc thành phần ấy và đóng góp rất nhiều cho chương trình này. Một thí dụ khác là kỹ sư địa chất Võ Anh Tuấn - người tham dự việc tìm ra mỏ dầu đầu tiên - được mời hát Dạ Khúc của Nguyễn Mỹ Ca với giọng Nam như Trần Văn Trạch. Theo Quỳnh Giao, bài thành công nhất của Võ Anh Tuấn là Giọt Mưa Thu của Ðặng Thế Phong. Miền Nam không có mưa Thu Hà Nội, Nguyễn Ðình Toàn khơi dậy mùa Thu ấy trong tâm cảnh của chúng ta ở miền Nam qua cách trình bày của Võ Anh Tuấn.

Không có cái tai thẩm âm, ai lại dám làm điều ngược ngạo ấy vì thời đó và sau này, hát theo giọng Bắc mới được coi là hay!

Cũng qua chương trình Nguyễn Ðình Toàn, mà Khánh Ly, Lệ Thu, Duy Trác hay Sĩ Phú, v.v… đã là những tiếng hát vượt không gian. Ra khỏi các sân khấu thành phố mà vang vọng khắp bốn vùng chiến thuật và tạo ra một làn sóng ngưỡng mộ từ đó không nguôi.

Ngay cả những ca khúc đầu tiên của Trịnh Công Sơn cũng đã như cánh vạc bay, và bay mãi, là từ chương trình Nhạc chủ đề, qua tiếng hát Khánh Ly và lời thủ thỉ của Nguyễn Ðình Toàn.

“Những bản tình ca không có hạnh phúc” qua tiếng hát của “nàng goá phụ của cuộc chiến này” là cách Nguyễn Ðình Toàn giới thiệu ca khúc Trịnh Công Sơn và Khánh Ly. Có MC nào của đời nay làm chúng ta xúc động như vậy không?

Nguyễn Ðình Toàn là nhà văn, là thi sĩ và ông giới thiệu nhạc bằng cảm nhận của nhà thơ.

Nguyễn Ðình Toàn
Tác phẩm khiến ông bị tù nhưng
 sau đó được gợi ý tái bản!
Ông cũng là nhạc sĩ đã sáng tác rất nhiều trong những năm về sau nhưng tác phẩm bị trùm lấp trong biến cố 1975. Khi ông ra đến ngoài này, sự thẩm âm của thiên hạ đã thay đổi. Người ta “hát giọng răng” (nói theo lối ví von của Phạm Duy, vì cô ca sĩ có hàm răng khấp khểnh) và giới thiệu ca khúc bằng vũ khúc…

Có lẽ vì vậy mà Nguyễn Ðình Toàn chưa cho ra mắt một tác phẩm đáng lẽ phải có tên là “Dẫn em vào nhạc Nguyễn Ðình Toàn”, mà lại viết về những người nghệ sĩ ông sợ là chúng ta sẽ quên. Ông gửi tới họ những bông hồng tạ ơn qua tài năng cố hữu của ông, là dùng thơ dẫn người đọc vào ngôi vườn hoa của người khác.

Khi viết bài này, trong dư âm của một chương trình nhạc chủ đề của Nguyễn Ðình Toàn, (chủ đề cuốn băng là “tình ca”) Quỳnh Giao bồi hồi nghĩ là áo mơ chưa hề phai trong tâm khảm ông. Nguyễn Ðình Toàn chỉ sợ những kỷ niệm cần trân quý của chúng ta bị phai lạt dần…

Quỳnh Giao viết ngày 31-10-2006
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562





114. Những Tiếng Gọi Lên Đường



Thấm thoát vậy mà chúng ta lại sắp tới tháng Tám.

Bước qua tháng Tám là ta phải bóc tấm lịch ngày 20 tháng Bảy, ngày ký kết Hiệp định Genève chia đôi đất nước. Ngày mà nhiều người chúng ta ở trong Nam đã gọi là "Ngày Quốc Hận", trước khi có một ngày quốc hận khác vào cuối tháng Tư.

Sang đến tháng Tám là biến cố gọi là "Cách mạng Tháng Tám", khi nơi nơi đã trỗi lên tiếng gọi lên đường và từ đó là xuống dốc, xuống mãi cho đến Genève 54 hay Tháng Tư 75.

Trong những biến động xa xưa ấy, dân ta đã "khóc cười theo mệnh nước nổi trôi" và đã... hát như thế nào?


Bây giờ, giữa hoàn cảnh hiện tại mà đến cỏ cây gỗ đá cũng còn thấy vận nước đang nổi trôi vào nơi buồn thảm bi thương nhất, thì chúng ta đang... hát như thế nào?

Giữa thập niên 30 của thế kỷ trước, khi phong trào Hướng đạo bắt đầu du nhập vào Việt Nam, khuynh hướng ngợi ca thanh niên và tuổi trẻ đã hoà nhập cùng những dòng nhạc đầu tiên của nền tân nhạc cải cách Việt Nam. Những nhạc sĩ tiên phong của nền tân nhạc ấy đã đưa âm nhạc trôi cùng vận nước với những hành khúc hào hùng cho tuổi trẻ và các bài hát ngợi ca lịch sử cho cả dân tộc. Kế tiếp là phong trào kháng chiến chống Pháp cuồn cuộn trào dâng, thanh niên ca trở thành kháng chiến ca và đóng góp một phần không nhỏ cho sự chuyển mình lịch sử.

Đấy là thời của các nhạc sĩ Hùng Lân, Hoàng Quý, Lê Thương hay Lưu Hữu Phước, mở đường cho các bản chiến trường ca bất hủ của Văn Cao, Văn Giảng, Đỗ Nhuận, Phạm Duy hay Phan Huỳnh Điểu, Phạm Đình Chương. Thời ấy, chúng ta quả là đã hát lên tiếng đập con tim của cả một dân tộc đang trào dâng bầu máu nóng của tuổi xanh.

Sau đấy mới là những bẽ bàng của lịch sử, của "cách mạng" trong ngoặc kép. Là những đợt thanh trừng các nghệ sĩ đã hiến thân cho cách mạng của dân tộc và nay được lệnh phải kẻ khuông nhạc khác, hát thể điệu khác để ngợi ca những điều hẹp hòi, nghiệt ngã và sắt máu. Cũng vì đấy mà dòng nhạc bị chia hai cùng với đất nước thương yêu.

Trong niềm đau cùa sự chia ly, nhiều nghệ sĩ đã đắn đo chọn lựa mà sau đành phải rời xa quê hương yêu dấu đi tìm tự do. Nhưng là tự do trên cùng một lãnh thổ của tổ quốc. Phong trào di cư vào Nam đã kéo theo một lớp nhạc sĩ đông đảo của miền Trung, miền Bắc.

Ngợi ca miền Nam tự do với nắng ấm hiền hoà, lớp nghệ sĩ này không quên được đất cũ và viết ra những dòng nhạc hoài hương tuyệt vời. Cả một miền Nam đã vang lừng các ca khúc ấy, của Vũ Thành, Hoàng Trọng, Đan Thọ, Xuân Tiên, Nguyễn Hiền, Nhật Bằng. Hoà chung trong dòng nhạc luyến nhớ quê hương cũng có các nhạc khúc của Văn Phụng, Châu Kỳ, Lê Trọng Nguyễn lẫn các bài ca hoài niệm của Hoàng Giác hay Tô Vũ, khi ấy vẫn ở tại miền Bắc.

Bây giờ mà nhớ lại thì trong hai chục năm giữa hai thập niên 30 và 50, chúng ta đã hát tình đoàn kết thiêng liêng của "Hội nghị Diên Hồng" hay "Bắc Nam Trung cùng nhau ta kết đoàn" và ý chí Lam Sơn, để rồi nức nở về hận phân ly, về nỗi niềm xa quê hương. Tâm sự ấy của mấy thế hệ đã được phổ vào nhạc, viết thành thơ và đánh dấu một giai đoạn bi hùng của đất nước, cũng là một giai đoạn phong phú của tân nhạc.

Trong nửa thế kỷ kể từ khi nhạc cải cách xuất hiện và giữa những thăng trầm của đất nước, dân ta đã nghe, hát, yêu thích và còn hát lại các ca khúc này, mà giờ đây có khi mình gọi là "nhạc Tiền chiến".

Nhưng sau đấy và từ nhiều năm qua, nền tân nhạc của Việt Nam đã đổi khác. Đành rằng người ta hết hát các ca khúc hoài hương vì hầu như ai ai cũng có thể trở về thăm viếng nơi chốn cũ. Tuy nhiên, hình như các sáng tác mới lại không chỉ bị Mỹ hoá, Tây hoá mà có khi bị Hán hoá hoặc Đại hàn hoá, Hong Kong hoá... với đề tài mới, giai điệu khác và với lời ca hết được óng chuốt và đậm sâu ý nghĩa như xưa. Xin hãy xem hoặc nghe các nhạc khúc gọi là thời thượng ngày nay thì biết.

Trong khi ấy thì dù có bịt tai hay dõi mắt trông theo chuyện Michael Jackson, chúng ta cũng chẳng là gỗ đá vô tri mà không thấy rằng đất nước thân yêu đang có rất nhiều vấn đề, từ bên trong xã hội ra tới bên ngoài, nhất là với một quốc gia láng giềng đầy hống hách. Chúng ta nghĩ sao và hát gì trước những thảm kịch đó?

Nếu Phạm Đình Chương mà còn và muốn viết lại "Tiếng dân chài", ông sẽ viết gì về số phận ngư phủ Việt Nam ngoài biển Đông? Nếu Phạm Duy mà có viết một ca khúc lãng mạn như "Tình kỹ nữ", thì lời ca bây giờ có gợi lên thảm cảnh xã hội của các phụ nữ Việt Nam ngày nay không? Nếu một người như Lưu Hữu Phước có muốn gióng lên lời hô của "Hội nghị Diên Hồng" trước nhục nước ngày nay đã hết che giấu được thì ông có còn hào khí không?

Mà có được viết không đã?

Nhưng tại sao chúng ta cứ hỏi người xưa? Các nhạc sĩ đang sáng tác ngày nay có cảm thấy nỗi đau của dân tộc và đất nước không? Hiện diện ngay tại chỗ, họ có viết nhạc như các thế hệ đi trước để diễn tả nỗi đau trước mắt ấy hầu đánh thức tuổi trẻ hay không?

Hình như là không. Phải chăng chúng ta đã trở thành vô cảm và âm nhạc của chúng ta đã mất hết khả năng kỳ diệu của nghệ thuật?

Quỳnh Giao viết ngày 14-7-2009
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562





115. Vang Vang Trời Vào Xuân



Thanh Tâm Tuyền ra đi vào ngày đầu Xuân 2006 khi ông vừa tròn bảy chục. Có nói rằng ông đã qua bảy mươi mùa Xuân thì không sai.

Bảy mươi mùa Xuân là bảy chục lần thấy đời bỗng như mới. Thanh Tâm Tuyền thấy văn chương bỗng như mới khoảng nửa thế kỷ trước, là lúc nhóm Sáng Tạo ra đời, muốn xé các tờ lịch cũ để làm mới tất cả. Cũ ở đây là văn nghệ Tiền chiến, lên đến cả thời Tự lực Văn đoàn. Thời ấy, Mai Thảo cũng mới chỉ ba chục, Thanh Tâm Tuyền thì đúng vào tuổi đôi mươi, và vào tới miền Nam bát ngát, ai ai cũng hăng hái nghĩ đến một trang giấy trắng. Tha hồ muốn viết gì thì viết.

Nhóm Sáng Tạo ra đời trong nguồn cảm hứng cuồn cuộn đó. Chiến tranh đã hết, cuộc đời mở mùa tái tạo….


Việt Nam ta có một cái rất giỏi là chiến tranh, cho nên định nghĩa “tiền chiến” là cái gì đó thật co giãn, thường thì kéo dài, Quỳnh Giao nghĩ là quá dài. Trong thời tự do của miền Nam, 21 năm ngắn ngủi từ 1954 đến 1975, thì “tiền chiến” có thể là thời kỳ kéo dài từ những năm 1930 đến 1945, hoặc những gì xảy ra trước 1954.

Nhưng sau đấy và cho đến ngày nay, “tiền chiến” có thể là những gì xuất hiện trước 1975.

Với Thanh Tâm Tuyền, tiền chiến có khi trải dài cho đến những năm về sau, sau khi chiến tranh chính thức kết thúc năm 1975. Là những năm ông ở trong tù.

Chiều ngày 30 tháng 3, 2006, một số bằng hữu của ông tại Orange County đã gọi nhau tổ chức một buổi tưởng niệm Thanh Tâm Tuyền tại hội sở vừa được làm mới của tờ Việt Báo. Trong ban tổ chức, các bạn của ông đều là những người sinh sau Thanh Tâm Tuyền – trừ cô Thái Thanh, mà vẫn là vai em vì ông chơi thân với người anh là Phạm Ðình Chương. Và cũng không có ai là văn nghệ sĩ đã viết trong nhóm Sáng Tạo.

Thái Tuấn hay Doãn Quốc Sỹ, Duy Thanh hay Tô Thùy Yên đều ở xa. Mai Thảo hay Ngọc Dũng thì không còn.

Không góp mặt trên tờ Sáng Tạo vì trẻ hơn, nhưng mọi người hôm ấy đều đồng ý và ngợi ca Thanh Tâm Tuyền là một nhà thơ lớn của Việt Nam. Trong số “mọi người” này có Ðỗ Quý Toàn, Trần Dạ Từ và Nhã Ca đều cũng là những nhà thơ.

Thời Thanh Tâm Tuyền, các tác giả trong nhóm Sáng Tạo đều muốn bước ra khỏi cái bóng của thơ “tiền chiến”, những thi sĩ của loại “thơ mới”. Họ muốn làm mới thơ mới, không viết loại thơ bảy chữ, tám chữ như thế hệ Phan Khôi, Ðông Hồ hay Vũ Hoàng Chương, Ðinh Hùng nữa.

Thời nay, vào hôm tưởng niệm ấy, mọi người đều nhắc đến với sự trân quý tài thơ của Thanh Tâm Tuyền. Ra đến ngoài này, trong cõi tự do đang cuộn chảy, không ai còn muốn làm mới tất cả và nhìn lại sự khai phá của Thanh Tâm Tuyền, và cả những cây bút cùng thời của ông, với niềm tiếc nhớ.

Quỳnh Giao muốn trở lại cái thời mà Thanh Tâm Tuyền đã nối lại vòng tay với các nhà thơ đi trước, qua những bài thơ ông viết trong tù, được lén đưa ra ngoài dưới bút hiệu Trần Kha.

Ông trở lại thơ lục bát, những bài thơ có vần điệu, trở lại những câu thơ bảy chữ… Ở tuổi bốn mươi, trong tù, ông viết với sự an nhiên của một cụ già, không một chút oán hận. Và ra tới bên ngoài là ông gác bút: ông tự xé lấy tờ lịch của chính mình.

Vang Vang Trời Vào Xuân là tập thơ ngắn của Trần Kha, với những bài như Chôn Tù, Long Giao, Mưa Trên Núi, Chiều Hanh Khô Trên Ðồi Hương Nhu, Ngã Trên Núi Khi Vác Nứa, Nhổ Cỏ Hương Nhu Nhớ Bạn…

Gần hai chục năm trước, Cung Tiến phổ nhạc loạt thơ này thành một tập “liên ca” gồm một chục ca khúc ngắn.

Lần đầu chúng ta hát thơ Thanh Tâm Tuyền sau các bài nổi tiếng như Dạ “Tâm” Khúc, Lệ Ðá Xanh hay Ðêm Màu Hồng là khi Lê Văn tổ chức tại miền Ðông, có Mai Hương và Quỳnh Giao chia nhau hát liên ca ấy. Sau đó, liên ca còn được hát hai ba lần tại California và Minnesota… rồi đi dần vào lãng quên.
Trăng lạnh soi mái ngoài
Lênh đênh đêm chẳng thấy
Gió hú rợn núi đồi
Ðêm sâu kín khắc khoải….

Quỳnh Giao nhớ mãi câu này. Ðêm trên núi đồi giữa vùng trăng lạnh, tâm trí người tù lại thấy lênh đênh, không mênh mang mà lênh đênh, như đang trôi dạt trên biển đen.
Trượt dốc té nhào trên hẻm núi
Chết điếng toàn thân trong giây lâu….

Thanh Tâm Tuyền viết như vậy khi ngã trên núi ở Yên Bái năm 1979.

Với nhạc Cung Tiến – những Hoài Cảm hay Nguyệt Cầm đều đã thành Hương Xưa – diễn thơ Thanh Tâm Tuyền thì người hát phải “té” trên năm nốt nhạc. Từ Ré xuống tới Sol mới “nhào”, và hẻm núi sâu hun hút với nốt láy không nguôi. Thơ làm nhạc té như chiếc lá, lảo đảo rơi xuống vực.

Sáng nay mệt chết giấc ở trên đồi
Vòng quanh, tiếng cuốc bổ liên hồi
Ðào huyệt chôn tù nghe đây chúng bạn:
Cứ để nguyên người tù xác phơi….

Câu “mệt chết giấc” là một giấc rất dài, kéo không dứt trên nhiều nốt nhạc.

Viết ra cho dễ hiểu là hát không dễ!

Duy nhất dễ nhớ là đoạn Cung Tiến trích dẫn cuối bài Nhổ Cỏ Hương Nhu Nhớ Bạn, nhạc Dang Dở của Ðoàn Chuẩn Từ Linh, như nhớ về thời “tiền chiến”.

Vì hát không dễ mà sau này ít còn ai nghe thấy Vang Vang Trời Vào Xuân, một điều thật đáng tiếc.

Cung Tiến càng học nhạc lại viết càng khó, giai điệu của ông đã ra khỏi thời mượt mà cảm động năm xưa, trở thành “classique” nhưng “contemporain”, cổ điển mà đương đại, và trúc trắc khó diễn tả. Cho nên những bài “tiền chiến” của ông, từ Hoài Cảm đến cả Vết Chim Bay, may ra còn có người hát. Chứ sau đó thì thôi.

Mà Phạm Ðình Chương không còn nữa, ông mất quá sớm khi vừa qua lục tuần. Thơ Thanh Tâm Tuyền vì vậy bị đọng trong thời Sài Gòn tự do, thời “tiền chiến” 1954-1975. Thơ Xuân phơi phới của ông ở trong tù tan loãng dần trong cõi tự do, có khi đã trở lại núi rừng Việt Bắc năm xưa…

Mắt hoen nhòa hứng giọt thiên thâu…

Năm xưa, bên huyệt sâu của Mai Thảo, Võ Phiến có bài điếu văn về cái nghiệp của người cầm bút lưu vong như Mai Thảo. Trong một thế giới quý trọng vật chất, người cầm bút tiếp tục theo đuổi cái đẹp, nhiều khi phù phiếm vô vọng, nhưng giúp chúng ta trở thành văn minh hơn.

Trong cõi văn minh ấy của tâm tư, trong cõi văn minh riêng tư ấy, nếu có cơ hội cùng hát và đọc thơ Thanh Tâm Tuyền, dù chỉ để cho nhau nghe, thì cũng là một niềm vui và là một sự nhắc nhở đầy đủ về di sản thơ văn của ông.

Nói như Thảo Trường là "Ðể tỏ lòng quý trọng thi sĩ của chúng ta". Mà Thảo Trường thì cũng đã đi rồi. Một thời tiền chiến đã qua...

Quỳnh Giao viết ngày 05-4-2006
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562





116. Memories của Lê Văn Khoa


Khi Việt Nam gặp Ukraine thì chúng ta có gì?
Nhạc trưởng Lê Văn Khoa

Một món quà Giáng Sinh ý nghĩa nhất từ nhiều thập niên. Món quà ấy là đĩa nhạc Memories nhạc sĩ Lê Văn Khoa sẽ cho ra mắt.

Với những ai thật sự yêu âm nhạc, Lê Văn Khoa không là người xa lạ. Với người khó tính và còn ước mơ một tương lai tươi sáng hơn cho nền nhạc Việt, những nỗ lực của Lê Văn Khoa từ nhiều năm qua là một niềm hy vọng. Ông cố bơi ngược dòng để đưa nhạc Việt ra khỏi lối mòn và có thể hoà chung vào dòng nhạc thế giới.

Từ một phương trời rất xa và lạ, một số nhạc sĩ Ukraine được nghe nhạc Lê Văn Khoa. Họ bèn tìm đến nhau, kết quả là một đĩa nhạc độc đáo được thực hiện tại thủ đô Kyiv (Kiev) của xứ Ukraine với dàn nhạc đại hoà tấu Kyiv Symphony Orchestra, dưới dự điều khiển của nữ nhạc trưởng Alla Kulbaba. Một dàn nhạc Ukraine cùng những tay độc tấu vĩ cầm, dương cầm, trung hồ cầm và sáo, có thực tài để trình bày các nhạc khúc của một nghệ sĩ Việt Nam.

Sự kiện ấy cũng đã là hiếm hoi độc đáo.

Chúng ta từng nghe vài nhạc sĩ Nga trình tấu giai điệu của các ca khúc phổ thông của Việt Nam và nếu yêu nhạc thì đâm ra nghi ngờ giá trị nghệ thuật của lối hội ngộ độc đáo ấy. Trường hợp của đĩa nhạc Memories và Lê Văn Khoa thì khác. Ông có mặt tại Kyiv và hợp tác trong từng bước thực hiện với những nhạc sĩ có chân tài của Ukraine nên sự cảm thông tất nhiên đã có giữa người soạn nhạc và các nghệ sĩ trình tấu.

Chẳng những có sự cảm thông giữa các nghệ sĩ mà còn có sự thông cảm của những người cùng chia sẻ hoàn cảnh là có lòng yêu nhạc vô biên nhưng bị trói buộc bởi hoàn cảnh. Họ muốn thực hiện một tác phẩm chung vì nghệ thuật hơn là vì nhu cầu thương mại.

Kết quả là một bài ngợi ca âm nhạc thật đẹp, trải trên 10 nhạc khúc mà bài nào cũng làm người nghe bồi hồi xúc động.

Với loại nhạc "không lời", giá trị tác phẩm nằm trong khả năng gợi ý hơn là phải được nâng đỡ hay diễn giải bằng lời ca, lời từ. Những ai chưa mấy quen thuộc với loại nhạc cổ điển không lời thì sẽ thích thú nhận ra giai điệu quen thuộc ở bài ngắn nhất, bài số 7, có tên là Song of the Black Horse.

Kỳ thú là tiếng dương cầm khúc khích và khốc khách như tiếng nhạc ngựa tung tăng. Lý Ngựa Ô của Lê Văn Khoa còn tối tân hơn vậy. Đây là nhạc khúc ông soạn lại cho hai dương cầm thủ. Bốn tay đan lượn trên phím đàn đã mở ra không gian mới cho một giai điệu dân ca quen thuộc của miền Nam.

Hai diệu thủ dương cầm Irina Starodub và Lyudmila Chichuck là những người tuyệt vời. Nghe kỹ thì hiểu vì sao họ đã đoạt những giải thưởng cao quý nhất về nhạc của Ukraine. Hai cô là bậc thầy về nghệ thuật trình tấu. Trong tiếng cóc cách của vó ngựa, họ không lạm dụng pedale, không đạp để gây... "ấn tượng" "hoành tráng" - những từ đang bị lạm dung đến thành vô nghĩa.

Họ chỉ nhấp rất nhẹ và diễn tả đúng ý soạn giả khó tính là Lê Văn Khoa.

Sau khi "làm quen" với loại nhạc không cần lời mà vẫn có hình ảnh đầy âm sắc, mình nên nghe một giai điệu dân ca miền Bắc qua bài Beautiful Bamboo, bài số ba theo thứ tự. Cây Trúc Xinh trong nét ngũ cung được độc tấu dương cầm. Hoàn toàn Việt Nam mà mới lạ chừng nào. Đây là phút "ừ nhỉ" của chúng ta.

Ừ nhỉ, nhạc Việt Nam mình hay vậy mà xưa nay chỉ chú ý tới lời mà không cần nhớ đến cung bậc.

Qua tác phẩm số chín, bài In the Moonlight, mình mới phát giác thêm những nét đẹp ẩn giấu như ngọc của nhạc Việt. Ngũ cung của dân ca Việt Nam, theo điệu "oán" của miền Nam, trong tiếng sáo vi vu của đồng quê nước ta lại cất lên như vậy. Đêm trăng của quê nhà có những nét đẹp kỳ lạ và khác hẳn những gì mình đã từng nghe hay còn nhớ...

Mười hai năm trước, kỷ niệm hai chục năm sau biến cố bi thương của Việt Nam, Lê Văn Khoa đã làm điều kỳ lạ là dùng nhạc diễn tả mấy chục năm chinh chiến của quê hương. Đó là Tổ khúc "1975", được trình bày lần đầu năm 1995 tại miền Nam California. Từ đó, Lê Văn Khoa vẫn lặng lẽ đi tiếp.

Đĩa nhạc Memories là công trình của chuyến độc hành ấy.

Sau khi đã nghe lại giai điệu dân ca của Việt Nam để làm quen với một lối trình bày khác, mình hãy cùng bước vào thế giới âm nhạc của Lê Văn Khoa, qua những sáng tác của ông trong tác phẩm Memories này.

Bài đầu tiên là Remembrance với cả dàn nhạc và dương cầm Lyudmila Chichuck.

Mở đầu là nét Á Đông trên cung thứ buồn bã, tha thiết theo nhịp 3/4, rồi chuyển lên cung trưởng, trong sáng linh động, trước khi trở lại nỗi day dứt ban đầu. Âm nhạc là ngôn ngữ trừu tượng, nhạc khúc Remembrance dùng âm thanh vẽ ra cây cầu vồng từ chân mây u uẩn vươn tới trời cao với muôn màu hội ngộ và chìm dần như tiếng tơ trong nhớ thương luyến tiếc.

Bài thứ hai, Nocturne, có giai điệu Tây phương hơn và đòi hỏi kỹ thuật trình bày còn ráo riết hơn. Lê Văn Khoa diễn tả đêm đen đặc quánh bằng phím nhạc dương cầm và chuyển lên cung trưởng đầy kỹ thuật trong tiếng đuổi bắt âm thanh. Trong đêm đen, mọi thứ tưởng như lắng đọng, chỉ có tâm tư của người nghệ sĩ còn day dứt và sôi nổi với trăm ngàn hình ảnh. Bài Dạ Khúc của Lê Văn Khoa là tiếng nhạc của một đêm không ngủ. Đêm không đen, chúng ta không cô đơn vì tâm trí vẫn dồn dập trăm ý.

Bài thứ tư, Longing, là nhạc khúc lãng mạn diễn tả bằng trung hồ cầm và dương cầm với tiếng đàn dây gởi lên nỗi bâng khuâng lưu luyến nối tiếp trên cung trưởng của tiếng dương cầm reo vui. Rồi tan loãng dần trong giai điệu ban đầu, như một niềm hy vọng.

Bài On the Way Home, nhạc khúc thứ năm, chắc sẽ chinh phục thính giả Tây phương.

Đây là tác phẩm nhiều hình ảnh và màu sắc được viết như một bản "song ca" của hai tay dương cầm. Một đối thoại bằng nhạc của hai người. Họ đối thoại về cuộc đời, việc đồng áng, về những gian nan của nhân thế. Tiếng nhạc mở đầu chập chờn rồi dồn dập như đời sống, nhưng trong sự lầm than u uẩn đã có nguồn hy vọng. Nên nghe lại bài này nhiều lần, rồi mình sẽ cảm tạ sự sáng tạo của Lê Văn Khoa.

Khuôn khổ "Tạp ghi" này không cho phép người viết giới thiệu lại từng bài của đĩa nhạc. Vả lại, khi âm nhạc là thông điệp trừu tượng thì mỗi người nghe lại cảm thấy một khác tùy tâm cảnh của mình. Nhưng người yêu nhạc thì có thể yên tâm rằng đĩa Memories của Lê Văn Khoa là tác phẩm có giá trị, do những người có thực tài thực hiện cho chúng ta.

Người viết thì yêu thích nhất các bài Remembrance, On the Way Home, Romance và In the Moonlight, và muốn bày tỏ sự khâm phục trân quý dành cho tác giả.

Trong một thế giới ồn ào, với nhiều người đang cố hét rất nhiều và gào rất lớn để hát lên lắm ca khúc vô nghĩa nếu không có ánh sáng sân khấu thì loại nhạc của Lê Văn Khoa có sự cô đơn đáng kính của người nghệ sĩ không tìm đám đông. Ông đi tìm nghệ thuật và đã thấy. Rồi gặp nhiều nhạc sĩ có tài của một xứ Ukraine mờ mịt bên kia đại dương để thực hiện cho chúng ta một đĩa nhạc hay.

Chúng ta nên trân quý những người như vậy, và nên giới thiệu cho bằng hữu thẩm âm một tác phẩm khiến mình bớt tuyệt vọng về trình độ nghệ thuật nước nhà.

Qua Lê Văn Khoa, Quỳnh Giao cũng xin được gửi đến các nhạc sĩ cùng dàn nhạc đại hoà tấu của Ukraine một lời tri ân.

Quỳnh Giao viết ngày 27-11-2007
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562





117. Sérénade sans Espoir


Một điều thích thú bất ngờ là mục tạp ghi này lại... lọt mắt xanh của các bậc tiền bối hiện phải giương mục kỉnh mới đọc được.

Vào dịp cuối tuần vừa rồi, khi gặp cụ Ngô Bảo, người viết mới lại được nghe vậy. Vì thế, bài này được viết cho các cụ, trong số này có thân mẫu, nhạc phụ và nhạc mẫu của tác giả!

Chẳng là tuần qua, một người bạn ở xa gửi email cho một ca khúc có minh hoạ rất đẹp, bật lên nghe là một dòng kỷ niệm sâu xa tuôn trào từ cả nửa thế kỷ. Ca khúc là Sérénade sans Espoir (Dạ khúc Vô vọng), người hát là Tino Rossi.

Constantino Rossi sinh ở đảo Corse của Pháp năm 1907, trẻ hơn thân phụ người viết hai tuổi, và là ca sĩ Pháp nổi tiếng với các khúc hát trữ tình của Vincent Scotto. Ông hát chừng ngàn bài ca, bán chừng ba trăm triệu đĩa, kỷ lục cổ kim của Pháp.

Giọng hát mềm như nhung và đầy những trémollos của Tino Rossi, mà thời nay chúng ta coi là ướt át, như trường hợp của Jean Sablon người Pháp hay Bing Crosby người Mỹ, đã ảnh hưởng đến lối diễn ca của các nam ca sĩ Việt Nam trong thời phôi thai của nền tân nhạc cải cách Việt Nam, vào các năm 40-50 của thế kỷ trước.

Thân phụ của người viết là cụ Ưng Quả, mà một số báo chí có nhắc tới theo báo trong nước là "nhà văn" nhân khi loan tin Thái tử Bảo Long qua đời. Thuộc dòng Tuy Lý vương, thân phụ người viết quả là có lúc làm Thái tử Thiếu bảo, sau là Giám đốc Nha học chánh Trung phần dưới thời Pháp, có thời làm Hiệu trưởng trường Quốc học Huế.

Dù ưa thích cầm kỳ thi hoạ, thân phụ không là nhà văn, mà có lẽ cũng không ưa nhạc Pháp. Ngoài việc giáo dục, cụ có dịch Le Cid của Corneille sang tiếng Việt và dịch Bình Ngô Đại Cáo sang tiếng Pháp, nhưng không viết văn như chúng ta hiểu đời nay. Cụ chỉ viết biên khảo cho Hiếu cổ Đặc san hay tạp chí chuyên đề của Pháp.

Vì thân phụ mất quá sớm, người viết không biết nhiều về sở thích âm nhạc của cha. Chỉ còn nhớ là cha chơi đàn rất hay, loại cổ nhạc chỉ tấu lên với hương trầm trong không khí thanh tịnh.

Một người như vậy chưa chắc đã thích nghe Tino Rossi!

Phải lớp người sau đó chục năm, những Thẩm Oánh, Dương Thiệu Tước, Lê Thương, hay Phạm Duy sau này nữa... may ra thì thích. Khi bậc tiền bối của người viết, quý vị trên bát tuần ngày nay, mà nghe lại Sérénade sans Espoir thì lại thấy dạt dào âm hưởng của một thời Tây lãng mạn và thanh lịch.

Thật ra, diễn tả bài này hay nhất có lẽ không là Tino Rossi - mà nhiều người khó tính có thể gọi là hơi "sến", trước khi chữ này được phát minh.

Hát Sérénade sans Espoir thật truyền cảm chính là Rina Ketty. Sinh năm 1911, bà là danh ca Pháp gốc Ý với hai bài coi như dấu ấn muôn thuở là J'Attendrai và Sombreros et Mantilles, nhưng bà hát Sérénade là làm mình thương người gẩy khúc tuyệt vọng.

Mà thật ra, Sérénade sans Espoir lại không là ca khúc Pháp từ nguyên thủy!

Đấy là một... bài hát Mỹ do Melle Weersma và Arthur William Halifax viết từ năm 1938, dưới tựa đề là Penny Serenade! Dịch cho dễ hiểu là "Dạ khúc ba xu"!

Nội dung ca khúc là hàng đêm chàng gẩy đàn dưới lầu và hát lên khúc tuyệt vọng vì trên kia trời tối đen, nàng senorita không có ở đó. Hoặc là khổ hơn nữa, nàng đóng cửa không thèm nghe.

Người xưa tỏ tình sao mà hiền lành dễ thương ghê. Chứ thời sau thì có khi người ta quăng đàn xuống và quăng dây lên để leo vào cửa sổ... hét cho ra lẽ!

Ca khúc não nuột này được đưa vào một phim cùng tên do đạo diễn George Steven thực hiện năm 1941, với Cary Grant và Irene Dunne. Hai người đang muốn bỏ nhau, bỗng nàng lần giở kỷ niệm xa xưa, trong giai điệu Penny Serenade, và mãnh lực của âm nhạc từ ký ức đã hàn gắn mối tình sắp tan vỡ của họ!

George Steven là đạo diễn của phim Shane bất hủ trong loại phim Western (với Alan Ladd, Van Heflin và Jean Arthur và nhạc phim Viễn Tây cực buồn). Còn Penny Serenade của ông là phim đã giúp Cary Grant được tuyển vào giải Oscar về nam diễn viên năm đó.

Đấy là mấy chuyện lãng mạn của... một ngàn chín trăm thời đó.

Nhưng cũng nên nhắc lại để chúng ta nhớ tới không khí xa xưa, của thế hệ cha mẹ người viết.

Ở trên có nhắc đến Rina Ketty và bài Sombreros et Mantilles, ca khúc mà các cụ ưa nhảy paso-doble đều khó quên được, với tiếng castagnettes là loại phách các vũ công kẹp và gẩy bằng tay khi nhảy. Tiếng phách rộn ràng âm điệu Ý Đại Lợi, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, còn sombreros là mũ rộng vành của đàn ông, mantilles là khăn tam giác của đàn bà Tây Ban Nha.

Với điệu flamenco dậm dật, ca khúc có nội dung gợi nhớ quê hương Andalousia nay đã nhạt nhòa...

Cả hai bài, Sérénade sans Espoir và Sombreros et Mantilles được người Pháp yêu và người mình thích thời đó có lẽ vì âm hưởng Tây Ban Nha rất exotic, nhiệt đới, xa lạ. Và giọng ca lảnh lót chất Ý (thành phố Turino) mà Rina Ketty cố giữ, với những chữ "r" ngân rất tròn như tiếng mandoline, lại càng thổi lên không khí Địa Trung Hải!

Trong hoàn cảnh đó, bài J'Attendrai của Rina Ketty mới là "đặc sản" Pháp?

Hiển nhiên rồi còn gì, vì nghe nói rằng trong Thế chiến thứ hai, các kháng chiến quân Pháp đã lấy bài này là nhạc hiệu truyền tin. Nội dung lời ca mơ hồ nói về tâm sự một người nữ đang chờ đợi. Khi Rina Ketty hát bài này vào năm 1938 và thu đĩa năm 1939, nước Pháp bắt đầu gặp họa đao binh và lời ca trở thành lời... chinh phụ ngâm. Hoặc là... đợi anh về giải phóng quê hương.

Lúc còn bé, mình nghe người lớn ngâm nga như vậy thì cũng tưởng thế. Nhưng không hẳn vậy!

Đây vốn là ca khúc Ý ("Tornerai"), lời của Nino Rastelli và nhạc của Dino Oliveri viết năm 1933, từ cảm hứng của một giai điệu trong vở opéra của Puccini về một truyện tình... bên Nhật!

Giacomo Puccini soạn vở Madame Butterfly tại Ý năm 1904, sau khi xem một vở kịch Mỹ trình diễn tại London, lấy truyện từ đoản văn của một tác giả là luật sư Hoa Kỳ! Sau này, Jacques Larue mới viết lời Pháp cho ca sĩ Pháp Jean Sablon trình bày bên Mỹ, và Louis Poterat mới viết lời khác, phổ biến hơn. Đó là bài J'Attendrai do Rina Ketty rồi Tino Rossi và cả Dalida trình bày...

Một ca khúc cứ tưởng như Tây hơn phó mát!

Đâm ra, J'Attendrai đã đi cả vòng trái đất từ thuở khai sinh rồi vang vọng mãi trong tâm hồn người Việt cách đây nửa thế kỷ, như một ca khúc trữ tình Pháp.

Giờ đây, khi nghe lại "Si si si, ce n'est qu'une de sérénade..." trong bài Sérénade sans Espoir, Quỳnh Giao nhớ lại thời thanh xuân của cha mẹ. Chứ đến tuổi thanh xuân của mình thì đã có... lời Việt, của các đấng mày râu.
Bố cu ơi, (si si si)
đừng đi Tây mà quên Việt Nam nhé!
(ce n'est qu'une sérénade)

Bố cu ơi, (si si si)
đừng đi Tây mà lấy vợ đầm... 
(sérénade sans espoir)

Và chàng trai làng bị Tây bắt đi - làm lính thợ, phải hiểu như vậy chứ - đã nhắn lại...

Tầu đi Tây, anh ngồi trên boong viết giấy mandat về cho bu mày tiêu!...
(Chaque soir il s’en va sans m’attendre et sans me voir) 

Mỗi người nghe lại ca khúc xa xưa lại thấy buồn một cách!

Quỳnh Giao viết ngày 04-9-2007
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562





118. Aretha Franklin – Nữ Hoàng Soul


Ngày xưa khi còn ở nhà, có lẽ tước hiệu “Nữ Hoàng Xun” được dành cho nhiều ca sĩ người Việt. Thời ấy, khi quân đội Mỹ còn hiện diện tại Việt Nam, chúng ta nghe nhạc “xun” qua cái tai của họ, qua truyền hình của Mỹ hay những gì thoáng gặp trong các “Club Mỹ”.

Trong vòng huyên náo dậm giật ấy, đôi khi chúng ta có nghe thấy Aretha Franklin qua bài “Respect”. Mãi về sau, dạt vào quê hương của nhạc “xun”, chúng ta mới biết rằng đấy là Soul, là… “Tâm ca da đen” và Aretha Franklin là nữ hoàng của loại nhạc này.

Những người am hiểu nhạc jazz và blues đều biết rằng trước khi giới trẻ của Mỹ lúc lắc điệu Rock and Roll thì đã có Rhythm and Blues, một kết hợp của jazz và các nốt blues trầm buồn. R&B thời ấy, quãng sáu chục năm về trước, chính là tiền thân của Rock’nRoll và xuất hiện từ đầu thập niên 40, khi Aretha Franklin chào đời tại Memphis của Tennessee trong một gia đình ngoan đạo và yêu nhạc.

Mẹ nàng là một nhạc sĩ, như hai chị em trong nhà. Thân phụ nàng là mục sư, mà không phải là một mục sư bình thường. Ông là một nhân sĩ trong cộng đồng da đen, là người đầu tiên giảng đạo qua làn sóng điện, với một chương trình phát thanh truyền giáo và danh hiệu “Tiếng nói bạc triệu” - The Million-Dollar Voice.

Cô bé Aretha được cha mẹ dẫn vào hát trong ban hợp xướng của nhà thờ và học hát như học kinh, nhưng với nhịp điệu của người da đen. Cô bé có giọng ca thiên phú và cái tai thẩm âm, mới 12 tuổi đã lừng lững đơn ca, 14 tuổi đã có đĩa nhạc riêng. Trong nhà thờ, người ta hát nhạc đạo, nhưng là loại nhạc rộn ràng của dân gian ngợi ca Thiên Chúa, với cách phát âm rất đặc biệt của người da đen.

Ðó là nhạc gospel, sở trường ban đầu của Aretha. Ðĩa nhạc đầu đời vào tuổi 14 của nàng có tên là “The Gospel Sound of Aretha Franklin”.
Thêm chú thích
Thêm chú thích

Soul là loại nhạc kết hợp nhịp tiết của rhythm and blues và cách diễn tả nhạc gospel. Cho nên nếu gọi đó là thánh ca hay đạo ca thì có thể làm nhiều người hiểu lầm, gọi là “tâm ca” có khi chỉnh hơn. Nhưng phải là tâm ca của người da đen. Tùy tâm tùy ý mà diễn tả, khác với “tâm ca” đầy não tính của chúng ta, của Phạm Duy.

Mà phải là “ca” hơn là “nhạc” vì loại nhạc này được hát. Hát theo tâm ý, vừa ngợi ca Thượng đế vừa ca tụng cuộc đời.

Loại nhạc R&B xuất hiện trước, khi Aretha Franklin mới ra đời, năm 1942.

Nhạc Soul trổi lên trễ hơn, khi nàng bước khỏi cái bục đơn ca của nhà thờ và bắt đầu hát nhạc cho đời. Lúc ấy, nàng hát được nhiều loại ca khúc mà chưa biết mình muốn gì. Khởi sự với pop music và jazz mà không mấy nổi. Sau đó, nàng hát rhythm and blues thì bắt đầu thành danh. Nhưng chói lọi hơn cả là khi nàng hát R&B với lối diễn tả gospel của mình. Nữ hoàng nhạc Soul xuất hiện, với lối hát thánh ca theo điệu dân gian.

Aretha Franklin nổi tiếng từ đó, chính thức vào năm 1967, khi mới 25.
Nhưng vào năm ấy thật ra nàng đã trải qua 10 năm gió bụi. Có hai con trên 10 tuổi và lại sắp lên xe hoa lần nữa. Cuộc đời của nàng có thể là bi kịch phổ biến trong cộng đồng da đen. Vừa nổi tiếng với đĩa nhạc đầu đời vào tuổi 14 thì năm sau đã có con, mười sáu tuổi bỏ học vì có con lần thứ hai, đành trao hai con cho bà nuôi hộ.

Trong 10 năm chật vật ấy, Aretha Franklin vừa đổi loại nhạc, hãng đĩa và cách sống, vừa tìm về nguồn gospel, tìm về thánh ca.

Sau khi hát nhạc pop, jazz rồi blues, nàng trình diễn Soul khác hẳn mọi người. Giọng mezzo-soprano thiên phú của nàng được ca tụng là tiếng gospel nối nghiệp Mahalia Jackson, nàng còn có thể ngự trị thế giới nhạc blues như Billy Holliday, và hát nhạc jazz như Sarah Vaughan.

Sau những thử nghiệm ban đầu với các ca khúc như I Never Love a Man (the Way I Love You) và nhất là Respect, Aretha Franklin đã là chuẩn mực cao nhất của nhạc Soul. Người ta không so sánh Aretha Franklin với những giọng ca tiền chiến nữa vì vị trí nàng đã xác định. Người ta so sánh các giọng ca khác với tiếng hát Aretha.

Lady Soul trở thành Queen of Soul khi nàng chưa tới ba chục tuổi.

Tột đỉnh danh vọng của Aretha Franklin là vào đầu thập niên 70, khi nàng có sáu đĩa nhạc bán trên số triệu, có 14 ca khúc cũng thuộc loại hái ra vàng và giật được tám giải Grammy Award. Sau đấy, nàng còn làm được một việc kỳ diệu hơn nữa, là phá vỡ mọi bến bờ ngăn cách các thể loại. Aretha Franklin diễn tả các ca khúc loại pop-music với sự rung động của giọng gospel. Giọng hát mềm và quánh như mật ngọt của nàng có thể chảy từ gospel qua blues, jazz hay rock.

Ngẫm lại thì Quỳnh Giao thấy rằng Aretha Franklin đã… đem đạo vào đời bằng giọng hát tâm ca. Câu này có vẻ khó hiểu nhưng, tiếng hát của nàng thật ra đã chảy thành dòng lịch sử của các ca khúc da đen trong nửa sau của thế kỷ 20.

Các ca khúc blues và jazz của họ đã hòa quện thành loại nhạc được gọi là rhythm and blues. Khi lối hát gospel từ nhà thờ tỏa ra ngoài và chảy vào R&B thì khai sinh ra nhạc soul. Aretha Franklin đi đúng hành trình ấy và trở thành nữ hoàng.

Nhưng cũng từ đấy, nàng hát lại mọi ca khúc khác với tâm hồn gospel và cách phát âm rất đặc biệt của mình, khiến các ca khúc phổ thông cố hữu của người da đen bỗng như tái sinh, với nội dung và kích thước khác, với chiều sâu của tâm ca, của nhạc đạo.

Sự kiện trên rất đáng chú ý ở một khía cạnh “cải cách”, như tân nhạc cải cách của Việt Nam.

Trong nhà thờ, người ta có thể hát thánh ca trên những giai điệu cổ điển, thí dụ như của Bach. Dân da đen tại Mỹ lại cũng hát thánh ca nhưng với nhịp điệu dân giả của họ, qua lối diễn tả của những tâm hồn nặng nghiệp. Bị dìm xuống rất sâu nhưng muốn vươn lên rất cao và càng khổ đau lại càng ngợi ca Thiên chúa, nhảy múa ngợi ca, rất vui, rất giật. Tâm ca loại gospel ấy là sở trường nguyên thủy của Aretha Franklin thời nàng hát trong nhà thờ.

Khi thử hát jazz hay blues mà không mấy thành công, Aretha Franklin đem lối diễn tả của đạo ca, thánh ca, của tiếng hát trong nhà thờ vào ca khúc của đường phố. Nàng hát nhạc soul, và, cũng như Ray Charles, đã góp phần sáng tạo ra một thể điệu mới, đấy là chuyện đem đạo vào đời.

Nhưng Aretha Franklin lại không dừng ở đấy.

Kể từ những năm 1980 cho đến ngày nay, nàng có thể trình bày các ca khúc jazz, blues, rhyhtm and blues, rock và cả pop, là loại nhạc phổ thông coi như tầm thường, với cái hồn của gospel. Ðấy là một đóng góp rất lớn của tiếng hát Aretha Franklin, một nghệ sĩ thuộc hạng tiêu biểu nhất của dân da đen.

Từ hai chục năm trước, Aretha Franklin đã là phụ nữ đầu tiên được vinh danh trong Rock and Roll Hall of Fame. Nàng đã hát cho lễ nhậm chức của Tổng thống Bill Clinton, được ông trao giải National Medal of Arts năm 1999. Năm 2005, nàng được Tổng thống George W. Bush mời vào tòa Bạch Cung tặng Huân chương The Presidential Medal of Freedom, và vào Music Hall of Fame của Anh. Vừa qua, nàng được học vị Tiến sĩ Danh dự về Âm nhạc của trường nhạc Berkley và ngự trị trên tổng cộng 18 giải Grammy Award.

Năm 1998, khi thu hình cho giải Grammy, Luciano Pavarotti bị đau bất ngờ, Aretha Franklin lập tức vào hát thay bài Nessun Dorma (trong vở Turandot của Puccini)! Với cái tâm và cái giọng do Thiên chúa ban cho, Nữ hoàng có thể bước từ sân khấu này qua sân khấu khác, một cách uy nghi.

Quỳnh Giao viết ngày 07-11-2006
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562





119. Kim Tước, giọng ca quý phái.


Nếu có dùng chữ "vượt thời gian" để nói về một giọng hát cho đến bây giờ vẫn còn phong độ, những người thật sự yêu nhạc liền nghĩ đến tiếng hát Kim Tước.

Thật vậy, Kim Tước bắt đầu cất tiếng thanh thoát từ thuở 15, mà bài hát đầu đời là ca khúc nghệ thuật đòi hỏi kỹ thuật và làn hơi phong phú của tác giả nổi tiếng về loại bán cổ điển Tây phương, là Dương Thiệu Tước: đó là Ngọc Lan. Từ đấy giọng ca Kim Tước bay bổng trên làn sóng điện của đài phát thanh Hà Nội. Cách đây đã hơn nửa thế kỷ! Sau 1954, giới yêu nhạc tiếp tục được nghe và yêu thích tiếng hát Kim Tước qua băng tần của các đài phát thanh Huế và Sài Gòn.

Kim Tước nổi tiếng cùng thời với hai người bạn. Ba danh ca này có giọng hát khá giống nhau, là Kim Tước, Mộc Lan và Châu Hà. Họ được nhạc sĩ Hoàng Trọng viết hoà âm và hướng dẫn thành ban tam ca lẫy lừng từ cuối thập niên 50, là ban “Mộc Kim Châu”.

Ba người hát quyện đến độ thính giả khó phân biệt được ai hát bè, ai hát giọng chính. Nhưng tuyệt vời hơn nữa là khi hát đoạn đơn ca, thì rõ là mỗi người một vẻ, không thể nhầm được. Giọng Châu Hà trầm ấm, nồng nàn, giọng Mộc Lan duyên dáng đôn hậu và giọng Kim Tước thì trong trẻo, cao sang.

Trong ban tam ca, Mộc Lan luôn giữ giọng chính, vì cô yếu nhạc lý hơn cả. Giọng bè thấp thì Châu Hà đảm nhiệm thật "nghề" nhờ âm sắc dầy dặn trầm ấm. Giữ bè cao, cất lên những nốt chót vót thì không ai qua được giọng "kim" của Kim Tước. Cao mà rất thanh và rõ, không mong manh như sợ đứt của những người thiếu hơi.

Giới biết nhạc thì hiểu rằng trong một dàn hợp ca, hát giọng chính mới là khó... sai nhất. Hát bè đòi hỏi trình độ nhạc lý cao hơn và nhất là phải có cái tai... khác người vì nghe được giọng chính, dàn nhạc, đồng thời hát theo một giọng khác để tôn vinh ca khúc.

Kim Tước
Nhiều thính giả không biết, cứ nghĩ người hát giọng chính là quan trọng.

Đã thế, hát bè còn khó hơn nữa vì phải cố hát cho nhẹ hơn để khỏi át giọng chính và lời từ, nhất là giọng trời phú cho mạnh hơn người hát giọng chính. Lúc đó, phải tập kềm giọng cho yếu hơn, và ngân nga theo làn hơi (dài hoặc ngắn) của người hát giọng chính. Thí dụ, câu hát đến đó sẽ dứt sau cỡ bốn trường canh (mesures, bars) mà giọng chính chỉ ngân được đến ba trường canh là đuối hơi, thì mình cũng phải liệu dứt hơi với bạn! Hợp xướng mà lại muốn trội hơn người thì chỉ nên hát một mình.

Mà thời xưa, mỗi một ông trưởng ban lại có một phong cách khác.

Phong cách ấy phai lạt dần sau 1975 vì hoàn cảnh đã thay đổi.

Sau này, ở tại hải ngoại, nhớ lại Hoàng Trọng và ban Tiếng Tơ Đồng năm xưa, ba người chí thiết là Kim Tước, Mai Hương và Quỳnh Giao lập ra ban tam ca Tiếng Tơ Đồng. Mà ở hải ngoại, còn ai hoà âm và hướng dẫn như Hoàng Trọng? Ba nghệ sĩ tự viết lại giai điệu thành bè, rồi chia nhau, khi người này hát bè, khi thì người kia hát giọng chính. Gặp bài mà ai thuộc lời ca bài nào nhuần nhuyễn hơn thì người đó sẽ giữ giọng chính để khỏi... phản bội tác giả. Bè cao thì đôi khi Kim Tước, đôi khi Quỳnh Giao. Bè thấp thì đôi khi Mai Hương, đôi khi Quỳnh Giao.

Ba người rất dung dị trong cách diễn tả vì nhạc lý hay danh tiếng không là vấn đề. Còn lại chỉ là nhạc, và lời ca như tim óc của nhạc sĩ.

Kim Tước là một trong những giọng hát làm vừa lòng các nhạc sĩ thuộc thành phần khó tính nhất. Họ không thấy hân hạnh khi ca khúc được trình bày, mà khổ tâm khi ca khúc được những người không thuộc loại tri âm hát theo cảm hứng. Hãy nghe Vũ Thành phàn nàn về bài Giấc Mơ Hồi Hương đã bị các "danh ca" tàn sát thế nào thì rõ.

Trong thành phần danh ca đích thực của đôi tai Vũ Thành, chỉ có vài ba người, trong đó có Kim Tước và Anh Ngọc.

Kim Tước được trân quý trong tầng lớp nhạc sĩ biết và yêu nhạc, như Dương Thiệu Tước, Nguyễn Văn Quỳ, Vũ Thành, Phạm Duy, đến Hoàng Trọng, Văn Phụng, Cung Tiến, Từ Công Phụng, Ngô Thuỵ Miên, Lê Văn Khoa, Hoàng Quốc Bảo...

Ngày xưa, người ta có thể nghĩ Kim Tước chỉ hát thành công trong loại bán cổ điển, với dáng dấp quý phái của tiếng hát và cách diễn tả. Nhiều ca sĩ muốn tạo sự rung động bằng thân hình. Kim Tước hát cho người biết nhạc và tin là họ có thể nhắm mắt để thưởng thức mà khỏi cần xem sự phô diễn của ca sĩ.

Nhưng, ở hải ngoại, người yêu nhạc lại có cái may được nghe Kim Tước hát Người Về Như Bụi trong băng nhạc Tịnh Tâm Khúc trình bày các sáng tác đầy Thiền tính của Hoàng Quốc Bảo. Người Về Như Bụi là ca khúc có âm điệu ngũ cung Việt Nam và khó hát vì láy lượn rất nhiều, lại dùng nhiều intervals trải rộng. Giọng Kim Tước cực mềm mại, láy kiểu cổ nhạc miền Trung rất nhu nhuyễn, dịu dàng. Không riêng gì Quỳnh Giao, một ca sĩ thế hệ sau này là Trần Thái Hòa cũng cùng quan niệm, đó là rất yêu thích giọng Kim Tước trong Người Về Như Bụi.

Giọng Kim Tước lên được rất cao và xuống được thấp trong một âm vực rất rộng. Làn hơi dài thiên phú và trí thông minh để hiểu ra sáng tác của nhạc sĩ đã giúp Kim Tước là một trong vài ca sĩ Việt Nam ngắt câu rất hợp cách. Nhiều ca sĩ, vì làn hơi ngắn, lúc hát không biết giữ hơi, cứ tuôn ra vũ bão, sau đó thì... hỷ xả, tức là buông trôi để nghỉ xả hơi cứ vài chữ một lần, nghe rất thiếu nghệ thuật.

Một thí dụ là trong Thuyền Viễn Xứ của Phạm Duy, có câu nhạc như sau:

Chiều nay sương khói lên khơi (ý) thùy dương rũ bến tơi bời...

Ca sĩ sẽ phải hát như thế này:

Chiều nay sương khói lên khơi.. (ơ ý) thùy dương/ rũ bến tơi bời... (lấy hơi sau chữ thùy dương), không thể ngắt ở chữ "khơi" được.

Nhiều người thậm chí ngắt câu ngay chữ chiều nay/ sương khói.... Nghĩa là mới hát được hai chữ đã hết hơi, và đành nối hơi bằng kỹ thuật điện tử!.. Ngồi rung đùi trong studio, Duy Cường gọi những ca sĩ ấy là chẻ vụn ca khúc như thái rau diếp!

Có nghe lại và so sánh thì mới hiểu vì sao Kim Tước là tiếng hát vượt thời gian.

Có một số người cho rằng giọng Kim Tước quá sang, nên khó hát ca khúc tả tình, chỉ thiên về tả cảnh thôi. Thật ra, trong thể loại trữ tình Việt Nam, các nhạc sĩ ngày xưa thường lấy cảnh tả tình vì có tình ngay trong cảnh. Tình cảm đó không tỏ lộ suồng sã, mà phải kín đáo e ấp nhường chỗ cho trí tưởng tượng của người nghe. Muốn diễn tả cho đúng thì chỉ cần ngân cho hết nốt nhạc, đọc lời ca một cách trang trọng từ tốn, tình cảm trong lời ca sẽ tỏ lộ. Cần gì phải quằn quại mới làm rướm máu con tim và thổn thức vì một chuyện tình vay mượn?

Chúng ta hãy nghe Kim Tước trang trọng cất lời:
Nghe ầm vang lên tiếng chiến chinh, 

Mơ làm diều mang sáo thanh bình... 
                                                                      (Tiếng Hát Lênh Đênh của Lương Ngọc Châu)

hoặc:
Xuân vương trên ngàn hoa, 

nhắc bao sầu nhớ mơ màng... 
                                                         (Nhớ Bạn của Vũ Thành) 
Yêu nhạc, cảm được lời, hoặc biết thưởng thức hội họa, chúng ta có thấy lòng mình trùng xuống vì tình trong cảnh của lời ca không? Con người có tiếng hát quý phái và trang trọng ấy dùng tiếng hát tôn vinh tác phẩm và người sáng tác.

Đã vậy, sau khi sân khấu buông màn, Kim Tước ngoài đời là một ngưòi bạn phóng khoáng, tính tình thẳng thắn minh bạch, và là tay đánh mạt chược hào sảng, nói tiếng Tây như đầm, cười duyên dáng về một ván bài thông minh mà đôi khi các đấng tu mi chưa hiểu ra.

Được một người bạn quý như vậy, vì sao còn cần uống rượu? Cũng đủ say rồi!

Quỳnh Giao viết ngày 31-7-2007
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562



120. Đêm Cuối Cùng


Như một tấm kính mờ sương, kỷ niệm thường giúp chúng ta nhìn lại dĩ vãng với nét đẹp mới. Nghe lại các ca khúc xa xưa cũng thế.

Nhiều bài trước đây làm chúng ta hững hờ mà giờ này nghe lại thì mình tự hỏi là vì sao người xưa viết nhạc có nghệ thuật như vậy? Trường hợp Phạm Đình Chương thì khác.

Ca khúc nào của ông cũng là một kỷ niệm đẹp và càng nghe lại càng thấy hay.

Dường như thính giả yêu thích nhất những bài thơ phổ nhạc của ông. Đây là loại ca khúc trữ tình khiến mình nhớ lời thơ. Hai bài thơ Quang Dũng còn mãi với "Đôi Mắt Người Sơn Tây". Bài "Người Đi Qua Đời Tôi" của Trần Dạ Từ hay "Mộng Dưới Hoa" của Đinh Hùng cũng vậy.

Sàigon năm xưa có nét văn minh không quên được cũng là nhờ "Mắt Buồn" thơ Lưu Trọng Lư, "Mưa Sài Gòn Mưa Hà Nội" thơ Hoàng Anh Tuấn hay "Đêm Màu Hồng" của Thanh Tâm Tuyền. Sài Gòn càng trở thành ký ức khó phai từ "Đêm Nhớ Trăng Sài Gòn" do Phạm Đình Chương phổ thơ Du Tử Lê khi ông ra ngoài này…
Phạm Đình Chương đã chắp cánh cho thơ bay cao và đượm mãi trên môi người hát, trong tim người nghe.

Quỳnh Giao thì yêu các ca khúc do chính ông viết lời từ. Ông là nhạc sĩ có thừa ngôn ngữ của thơ như trong bài "Thuở Ban Đầu", hoặc nổi tiếng nhất là "Nửa Hồn Thương Đau".

Riêng có một bài thật đẹp thì ít nghe thấy ai hát. Đó là "Đêm Cuối Cùng", viết trên nhịp Boston chạm rãi với âm giai Sol thứ.

Một lần nghe lại gần đây, Quỳnh Giao lại thấy hiện về những hình ảnh đẹp của Sài Gòn văn minh, khác hẳn những gì đang nghe thấy.

Nhớ lại thì nhiều nhạc sĩ của chúng ta thường thích âm điệu ủ ê sướt mướt của âm giai Ré thứ. Âm giai này như đã trở thành dấu ấn, một cliché, của những ca khúc buồn bã trong tân nhạc. Từ Văn Cao với "Buồn Tàn Thu", Đặng Thế Phong với "Giọt Mưa Thu" hay "Con Thuyền Không Bến", Phạm Duy với "Mưa Rơi", Hoàng Trọng với "Nhạc Sầu Tương Tư" cho tới Anh Việt Thu với "Tám Điệp Khúc", vân vân, cung Ré thứ đã thành cổ điển.

Mozart thường viết các nhạc khúc trong sáng và thánh thiện ở cung Trưởng. Nhưng khi viết nhạc khúc u ẩn, buồn bã, ông thường dùng âm giai Sol thứ.

Có lẽ Phạm Đình Chương của chúng ta cũng cảm nhận như vậy khi viết "Đêm Cuối Cùng".

Hiểu ra nhạc thuật thì mình càng hiểu vì sao các ca khúc của ông đã thành bất hủ và Phạm Đình Chương có chỗ đứng riêng, ít lẫn với ai khác. Ông còn có tài soạn hòa âm cho ban nhạc và giữ phong cách trình bày rất đàn ông, diễn xuất bằng lời ca hơn là qua sự uốn éo.


Phong cách này cũng đang bị mai một.

Như tựa đề, "Đêm Cuối Cùng" là một bài thật buồn. Làm sao không buồn khi đôi lứa chia ly? Và chia ly trong ràn rụa nước mắt!

Nhưng nét buồn của Phạm Đình Chương có chất trượng phu: Buồn mà không ủy mị. Phải chăng nhờ nét nhạc của ông, qua cách chuyển cung, khi tối, khi sáng?

Quỳnh Giao muốn viết riêng về sự độc đáo này, mong là độc giả sẽ thấm hơn khi được nghe lại....

Mở đầu bằng tám ô nhịp chậm rãi từ tốn, Phạm Đình Chương thủ thỉ với người tình rằng đêm nay là đêm cuối cùng gần nhau. Lệ đã dâng lên mi, môi đã bật lời hát thương đau:

Đêm nay, đêm cuối cùng gần nhau
Lệ buồn rưng rưng, lời hát thương đau


Rồi ông chuyển đoạn, đưa câu nhạc cũng tám ô nhịp cân đối với câu trước, nhưng âm thanh lên cao hơn, phiêu hốt hơn, thống thiết hơn. Tâm hồn quặn đau, nhìn ra ngoài thì cơn mưa ngoài trời là giọt lệ trong hồn… Mà là mưa như tiếng nhạc, là mưa có nhịp điệu:

Nhịp mưa bâng khuâng ngoài phố lạnh.

Nghe cho kỹ thì mình thấy chữ "ngoài" được Phạm Đình Chương nhấn mạnh bằng nghệ thuật riêng: Ông dùng nốt Si bình của Sol Trưởng, không dùng Si giáng của Sol thứ.

Đến câu sau, chữ "sầu" cũng có nét khác: Giọt sầu rơi ướt hồn phiêu linh. Ông dùng nốt Fa thăng của Ré Trưởng. Nốt nhạc ấy làm không gian trũng xuống mà lại tỏa ra chữ "phiêu linh" thì quả là thần tình!

Qua khúc thứ ba, Phạm Đình Chương lại chuyển đoạn, cũng với tám trường canh. Nét nhạc xuống dần dần chậm rãi từ từ với những hợp âm Sol thứ, xuống Fa 7, lên Sib Trưởng, xuống Eb Trưởng, xuống Do m7, xuống La m7, rồi trở về cảm âm.

Nhạc như nói hộ người đang lặng đau. Đôi tình nhân cố hé nụ cười héo hắt và cái nắm tay bịn rịn cuối cùng:

Nắm tay không lời, cố hé run run môi cười
Lúc chia phôi bên trời tiếc thương

Chúng ta hãy nghe lại lời ca: "lúc chia phôi" là một lẽ, nhưng câu "bên trời tiếc thương" mở ra một cảnh giới khác... Buồn bã mà hiên ngang.

Câu nhạc kết cũng tròn tám trường canh với nét nhạc gần như câu mở đầu, nhưng cấu tạo khác hơn ở bốn trường canh cuối, có một chút Trưởng, nghe thanh thoát và dường như chớm lên chút hy vọng trong tiếng ngậm ngùi:

Đêm nay đôi mái đầu còn xanh
Ngậm ngùi thầm trao nhau giấc mộng chưa thành.

Khi nghe đến đây, chúng ta cứ tưởng như hình ảnh đầy ước lệ, là khá phổ thông về một cuộc chia tay. Xin hãy nghe lời hai, khi Phạm Đình Chương nói về giấc mộng đó:

Em ơi đừng khóc sầu biệt ly
Vì lệ tuôn rơi làm héo xuân thì
Dù đêm sâu như hồn chúng mình
Dù quan san cách trở mông mênh
Hãy tin một niềm, mối nhớ thương xưa vẹn tuyền
Sẽ cho ta ngày về thắm duyên
Em ơi đêm cuối cùng gần nhau
Hẹn hò một ngày sau, nối mộng ban đầu


Khi nghe lại, mình thấy chất thơ đẹp như một bức họa trong câu "đêm sâu như hồn chúng mình". Lời từ của ca khúc trong nhịp điệu u uẩn làm không gian mở rộng thành nỗi ám ảnh về giấc mộng ban đầu.

Cũng từ nội dung của lời hát, ca khúc tuyệt vời này thích hợp vói giọng nam hơn giọng nữ.

Ngày xưa, Thái Thanh hát bài này rất là nức nở, rất luyến (legato), nhưng Quỳnh Giao lại thích lối hát thủ thỉ của Sĩ Phú. Anh hát nhẹ, ít ngân nga và ngắt hơi từng câu một.
Ra hải ngoại, Tuấn Ngọc cũng hát bài này, với lối lừng khừng cố hữu, giọng nghẹn ngào một cách rời rạc, không luyến láy. Với chất giọng tốt, những nốt cao điểm (crescendo) được ngân vang vọng, sung mãn, Tuấn Ngọc mang lại nét đẹp riêng. Đây là cách trình bày đúng với tinh thần “trượng phu” của bài hát, buồn mà không ủy mị….

Phạm Đình Chương xa chúng ta đã gần hai mươi năm rồi. Nhưng Đêm Cuối Cùng vẫn còn đó, ở bên trời tiếc thương....

Quỳnh Giao viết ngày 16-3-2011
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562


121. Đốt Lò Hương Cũ...


Chúng ta nhớ Truyện Kiều ở khúc biệt ly ban đầu, trước khi nàng Kiều bán mình chuộc cha, có hai câu bất hủ:

Mai sau dù có bao giờ,
Đốt lò hương ấy, so tơ phím này
.

Hình như "mai sau dù có bao giờ" là câu đã được Lãng Nhân Phùng Tất Đắc dẫn vào một bài phiếm trong cuốn "Trước Đèn" của ông. Còn câu "đốt lò hương ấy" thì được Đinh Hùng mượn lại cho một di cảo, vì tác phẩm xuất bản năm 1971, bốn năm sau khi nhà thơ đã tạ thế vào ngày 24 tháng 8 năm 1967.

Đinh Hùng mượn lại chữ Kiều nhưng sửa thành "Đốt Lò Hương Cũ"...

Cuốn sách chưa đầy hai trăm trang chỉ có 14 bài đã được nhà Lửa Thiêng xuất bản tháng 7 năm 1971 với lời giới thiệu như sau:


"Cuốn 'Đốt Lò Hương Cũ" được xem là sáng tác cuối cùng của cố thi sĩ Đinh Hùng.... Điều mà Đinh Hùng không hề nghĩ tới là quyển sách ông viết về những người đã chết lại không được xuất bản trước khi ông qua đời.... Một số những kỷ niệm này tuy đã được ông đọc trên Đài Phát Thanh hoặc đăng trên một vài tạp chí, nhưng sau đó đã được ông sửa chữa lại và dự định xuất bản.

Nhưng sách chưa ra thì ông đã mất...."

Quỳnh Giao đọc lại cuốn này qua ấn phẩm tái bản ở hải ngoại vào tháng 7 năm 1991. Vì nhớ lại Tháng Tư 75 nên lại đọc lần nữa và hồi niệm về những người đã khuất....

Trong cuốn Kiều, hai câu thơ đó là tâm sự Thúy Kiều nhớ về Kim Trọng trước khi phải rũ áo. Nàng nhớ lời nguyện ước ba sinh và cung đàn xưa với chàng Kim nên mới nói cùng em gái rằng "đốt lò hương ấy" và "so tơ phím này". Nhà thơ Đinh Hùng sửa ra "đốt lò hương cũ" để tưởng niệm các văn thi sĩ quá cố ông quen biết từ hai chục năm trước, những người mà ông vinh danh là bất tử, "không bao giờ chết"....

Vào lúc ấy, Đinh Hùng sống trong Nam và đem lại cho Sàigòn phong cách văn hóa riêng với nhiều chương trình phát thanh và những sáng tác làm đẹp cho văn chương Việt Nam. Vậy mà ông vẫn tìm về kỷ niệm.

Nhờ đó hậu thế mới thấy được tâm tư và tài hoa Đinh Hùng cùng nét văn minh của người nghệ sĩ trong cõi tự do.

Trong di cảo của Đinh Hùng, Quỳnh Giao nhớ nhất bài "Thạch Lam Thẩm Âm" vì bài viết mở ra một chân trời mới cho những kẻ đi sau mà cũng là một khung trời đã chết.

Bài này kể lại một tiệc rượu chầu tại ngôi nhà của Thạch Lam ở Hà Nội. Hôm đó có đủ những "tai mắt" - chữ tai mắt này là của Đinh Hùng - của Tự Lực Văn Đoàn, gồm Nhất Linh, Thế Lữ, Thạch Lam, Khái Hưng, Trần Tiêu, và ba "tiểu quỷ" là Nguyễn Tường Bách, Huyền Kiêu và Đinh Hùng.

Chiều đó, giữa tiệc rượu trong nhà Thạch Lam, không rõ ai đã cao hứng khởi xướng việc "Đi hát Ả đào"! Kết cuộc thì Thạch Lam ôm vò rượu theo anh em tìm nơi ca hát mà chẳng biết nơi nào mới thanh lịch, kể cả Thạch Lam, tác giả của "Hà Nội băm sáu phố phường"!

Cuối cùng thì họ xuống Ngã-tư Sở và bị lạc trong khu bàn cờ cho đến khi được một người chỉ ra sinh lộ. Người đó là Nguyễn Tuân và sinh lộ ông chỉ ra là trà thất của nàng Bạch Liên, có nghệ danh là "cô đào Sen".

Vì khách hôm đó toàn danh gia khét tiếng nên cô đào lập tức huy động các danh kỹ thuộc đàn chị. Đinh Hùng kể ra những tên tuổi khiến chúng ta, hạng con cháu sau này, chợt thấy bồi hồi. Hai chị em Chu Thị Bốn, Chu Thị Năm, Dì Trưởng Bẩy, Bích Thạch Hồn, Hồ Vạn Thái, hay Phúc Hậu một đào nương đã từng là người tình của Đoàn Phú Tứ....

Khi chầu hát được bất ngờ mở ra, Đinh Hùng kể lại rằng Nhất Linh, Khái Hưng và cả Thạch Lam đều cao hứng ngồi đánh trống chầu mà chẳng ai là khách quen của làng ca trù....

Đám hậu sinh chúng ta đều biết từ khi đi học rằng Thạch Lam tạ thế rất sớm, ở tuổi 32 vào năm 1942. Nhất Linh thì du học bên Pháp từ năm 1927, đến năm 1930 mới về nước. Khái Hưng thì bị thủ tiêu vào năm 1947, còn Nguyễn Tuân ở lại bên kia vĩ tuyến làm một thứ cây cảnh.

Qua bài viết của Đinh Hùng về buổi tiệc chầu, hậu thế biết thêm nhiều chi tiết.

Nhất Linh được gọi là "tai" vì giỏi nghe nhạc dù là nhạc Tây phương, lại còn biết thổi kèn "clarinette"; Thế Lữ được gọi là "mắt" vì có thị giác rất tinh; Khái Hưng là "lưỡi" vì ăn và nói đều nhanh; còn Thạch Lam là "mũi" vì đánh hơi rất sành các miếng ngon Hà Nội.

Nhờ bài viết của Đinh Hùng, mình có thể xác định trận trống chấu và tiêu phách ly kỳ đó ở vào thời mà ta gọi là "tiền chiến", là sau năm 1939 khi Nhất Linh hồi hương, nhưng trước năm Thạch Lam tạ thế là 1942.

Nhớ chuyện Tháng Tư, Quỳnh Giao nhắc tới Đinh Hùng và tập di cảo của ông vì nhờ nhà thơ và nhà văn này mà hậu thế mới biết về phong cách rất đẹp của các văn nghệ sĩ thời xưa. Viết như ông mới thật là "viết cho hậu thế" để cảm tạ tiền nhân, kể cả khi ông viết về những nét phù du của nghệ sĩ và nghệ thuật.

Chi tiết làm chúng ta thấy mình chậm tiến là khi Đinh Hùng kể lại rằng Khái Hưng dù đã say vẫn ngồi rất chững. Ông đường hoàng múa roi chầu điểm thêm hai tiếng Thôi Cổ là trống giục. Nhưng đến hồi gay cấn là khi đào hát cất tiếng, Khái Hưng giáng liền hai tiếng Song Châu vào tang trống khiến cái trống văng từ trên giường xuống sàn gác và lăn long lóc vào gầm bàn. Sau đó, Khái Hưng lăn theo, tay vẫn cầm roi chầu, tay kia níu lấy trống và rốt cuộc thì chui dưới gầm bàn ngáy khò khò. Bạn hữu gọi dậy thì họ cứ ngồi lì dưới gầm bàn mà uống tiếp....

Thời ấy, chúng ta chưa có phim ảnh hay máy ghi âm nên mất hết.

May là còn có Đinh Hùng và lời tâm niệm đốt lò hương cũ.... Nhà thơ viết cho các người bạn quá cố rồi cũng từ trần sau đó, nhưng nhờ sách báo xuất bản, mình được biết về ký ức một thời.

Xin thắp nén nhang cho nhà thơ tài hoa trong tiếng nhạc "Chiều Tím". Ca khúc nổi tiếng này là do Đan Thọ viết nhạc rồi Đinh Hùng mới viết lời thật nhanh. Không là bài thơ mà vẫn cứ như thơ mới là chuyện thần tình.

Đọc lại Đinh Hùng thì mình ngậm ngùi thấy rằng đời sau vẫn thua xa.

Quỳnh Giao viết ngày 01-5-2012




122. Phạm Ðình Chương - Quê Hương Một Niềm


Nếu còn ở với chúng ta, Tháng Mười Một này, Phạm Ðình Chương đã 76 tuổi. Ông sinh ngày 14 tháng 11, 1929.

Ông mất vào một ngày Tháng Tám, năm 1991, ngày 22. Gia đình và bè bạn ghi nhớ rằng ông thọ có 62 tuổi, nhưng văn học nghệ thuật phải nhìn ra một tuổi thọ khác của Phạm Ðình Chương, qua mấy trăm ca khúc về tuổi thanh xuân, tình yêu và quê hương.

Hãy nói về tiếng hát, vì ngày nay nhiều người đã có thể quên hoặc không biết.

Mai Hương và Hoài Bắc Phạm Đình Chương.
Hoài Bắc là một trong những giọng nam điêu luyện và xuất sắc của nhạc Việt trong hạ bán thế kỷ XX, từ những năm 1950 đến 1975 và sau đó nữa. Tiếng hát Hoài Bắc đậm đặc chất giang hồ, của men rượu hòa trong khói thuốc. Nhưng Phạm Ðình Chương đã hy sinh tiếng hát ấy cho sự lẫy lừng của ban Thăng Long, mà ông là linh hồn, là con chim đầu đàn và tay hòa âm tuyệt vời.

Phòng trà Sài Gòn trước 1975 đã chẳng có nét văn nghệ rất phong lưu nếu không có tiếng hát và cây đàn Hoài Bắc cùng ly rượu và tiếng nhạc Phạm Ðình Chương. Sài Gòn ngày nay thì chưa biết đã vội quên, thật đáng tiếc cho thính giả.

Phạm Ðình Chương lên đường hội ngộ với tân nhạc và kháng chiến từ rất trẻ, giữa thập niên 1940, với các ca khúc đã hòa vào dòng nhạc hào hùng thời đó, như “Ra Ði Khi Trời Vừa Sáng”, “Bài Ca Tuổi Trẻ”, “Hò Leo Núi”, “Tiếng Dân Chài” hay “Trăng Rừng”.

Nếu có một đặc điểm thì từ thời đó, chưa đến tuổi đôi mươi Phạm Ðình Chương đã viết về tuổi trẻ cho tuổi trẻ mà không bước qua khung cửa uy nghiêm của lịch sử và chính trị. Nhờ đấy, nhạc tuổi xanh của ông mơn mởn hạnh phúc và lấp lánh niềm tin trước mặt.

Vào Nam rất sớm, từ 1951, ông mở ra một trang mới cho dòng nhạc hoài hương với “Xuân Tha Hương”, bài ca dùng trong một cuốn phim Hoa Kỳ thực hiện ở Sài Gòn giữa thập niên 1950. Tuyệt vời nhất trong dòng nhạc quê hương, Phạm Ðình Chương có trường ca “Hội Trùng Dương”, dạt dào niềm hội ngộ của ba dòng sông từ ba miền đất nước. Mà nói về Mùa Xuân và dân tộc, còn gì đẹp hơn khúc hoan ca “Ly Rượu Mừng”, ca khúc không thể thiếu trong dịp Tết?

Quê ngoại Phạm Ðình Chương là Sơn Tây, và hai bài thơ bi hùng của Quang Dũng là “Ðôi Bờ” và “Ðôi Mắt Người Sơn Tây” được ông đưa lên đỉnh cao của thi ca, khi phổ vào nhạc thành ca khúc “Ðôi Mắt Người Sơn Tây”, có lẽ là ca khúc quen thuộc nhất của ông ở miền Nam trước đây.

Người trình bày tác phẩm này với nét trượng phu bi hùng nhất lại chính là Hoài Bắc, những khi ấy, đôi mắt ông còn long lanh hơn ly rượu trong tay!

Nhớ lại Phạm Ðình Chương và những chuyến lưu diễn cùng ông ở nhiều nơi sau 1975, Quỳnh Giao nghĩ rằng từ đầu và mãi mãi về sau, Phạm Ðình Chương không đi theo đám đông mà tự tạo một thế giới âm thanh riêng, ông không viết cho thị hiếu quần chúng hay trào lưu của xã hội. Ông mở ra trào lưu riêng. Phạm Ðình Chương chỉ biết buồn và viết nhạc buồn khi viết về tình yêu.

Ngoài Quang Dũng với các thính giả miền Nam, nhiều thi sĩ thực ra có món nợ với Phạm Ðình Chương khi ông phả thơ của họ vào cõi nhạc để đọng mãi trong hồn người. Nhiều người yêu nhạc đã tìm đến thơ cũng nhờ thanh âm Phạm Ðình Chương. Ông nắm lấy cái hồn của bài thơ và vẽ ra một không gian khác, một tâm tư khác, bằng nhạc. Phải chăng vì những bằng hữu chí thiết nhất của ông là những nhà thơ, nhà văn, những người cầm bút?

Nhưng, bản tình ca tuyệt diệu nhất của Phạm Ðình Chương “Nửa Hồn Thương Ðau” ông đã viết lấy, cả từ và nhạc, trong một phút xuất thần. Ông nhận lời Hoàng Vĩnh Lộc (cũng là người viết lời ca rất hay dưới tên Dạ Chung, nhất là cho nhạc Lâm Tuyền) sẽ soạn một ca khúc riêng cho phim “Chân Trời Tím”.

Nhưng bạn bè làm ông quên bẵng, cho tới khi men rượu lay ông tỉnh vào đêm cuối cùng trước kỳ hạn với bạn!

Ðấy là phút giây kỳ diệu của sáng tác.

Sau khi ra khỏi Việt Nam, Phạm Ðình Chương tiếp tục ôm đàn và viết nhạc. U uẩn hơn, ray rứt hơn. Nếu bài “Xuân Tha Hương” được viết tại Sài Gòn mà làm ta nhớ Hà Nội thì gần 40 năm sau, tại hải ngoại, Phạm Ðình Chương lại viết một khúc bi thương nữa về quê hương. Lần này, bài ca làm ta nhớ Sài Gòn. Phổ thơ Du Tử Lê, bài “Ðêm, Nhớ Trăng Sài Gòn” có thể là một nhắc nhở nồng nàn nhất về Phạm Ðình Chương, trong những năm cuối đời.

Nhân ngày giỗ của ông trong Tháng Tám này, hãy bùi ngùi tìm lại ca khúc Phạm Ðình Chương. Ðể nhớ ông, và quê hương.

Quỳnh Giao viết năm 2005
_________________________________________________________

Xem tiếp >>> MỤC LỤC - PHẦN 1PHẦN 2 - PHẦN 3 - PHẦN 4 - PHẦN 5 - PHẦN 6 - 
PHẦN 7 - PHẦN 8 - PHẦN 9