Tạp Ghi @ Quỳnh Giao (8)


TẠP GHI @ QUỲNH GIAO

PHẦN 8


85. Cách Mạng Trong Lời Ca
86. Phạm Duy và Thái Thanh
87. Xuân Tha Hương
88. Phạm Ðình Chương, Quê Hương Là Người Ðó
89. Thất thập vẫn còn Xuân
90. "Fever", Lên Cơn Sốt với Peggy Lee
91. Bà Mập Hót Như Chim
92. Mãnh lực Văn chương
93. Andrew Lloyd Webber – Tuổi trẻ tài cao
94. Mê Giầy
95. Pavarotti Yên Nghỉ
96. Claude Debussy – Ðông phương và Hiện đại
------------------------------------------------------------------------




85. Cách Mạng Trong Lời Ca


Cách chúng ta hát và viết nhạc như ngày nay thực ra vẫn còn rất “trẻ” nếu so với mấy ngàn năm của “tuổi nước”.

Người Việt ta chỉ viết và hát như thế kể từ giữa thập niên 30 của thế kỷ 20, cách đây chừng bảy chục năm. Trước đấy, hình như ta chỉ hát truyền khẩu theo lối xưa, chứ chưa áp dụng ký âm pháp Tây phương để lưu truyền hầu cho nơi nào cũng có thể học và hát theo cùng một thể, một cách.

Vào thời kỳ phôi thai người ta gọi đó là “nhạc cải cách”, ngày nay ta gọi “tân nhạc” để phân biệt với “cổ nhạc”.

Chẳng phải ngẫu nhiên mà vào hai thập niên đầu tiên của nền tân nhạc cải cách ấy, hai phong trào lớn của xã hội đã hòa làm một trong dòng nhạc gọi chung là “yêu nước”.


Phong trào đầu tiên là của thanh niên, khởi lên từ giữa thập niên 30, với các bài ca lấy cảm hứng từ lịch sử hào hùng của dân tộc thúc giục tuổi trẻ “lên đường”. Sự xuất hiện của phong trào hướng đạo đi cùng khám phá mới của nghệ sĩ là dùng nhạc Tây phương dễ ghi dễ học để minh diễn nét hùng anh của dân tộc đã đưa tới hàng loạt hùng ca lịch sử hay hùng ca dân tộc.

“Tiếng Chim Gọi đàn”, “Bóng Cờ Lau”, “Trên Sông Bạch Ðằng”, “Nước Non Lam Sơn”, "Hội Nghị Diên Hồng” v.v… đã xuất hiện và được quảng bá cùng bước tiến của phong trào thanh nhiên, hướng đạo. Những tên tuổi nổi danh khi ấy là Lê Thương, Hùng Lân, Hoàng Quý (anh của Hoàng Phú, tức là Tô Vũ), Lưu Hữu Phước….

Phong trào thứ hai nổi lên sau đó ít lâu là phong trào kháng Pháp.

Nếu thanh niên được thúc giục đi theo dấu chân oai hùng của tiền nhân thì ngay sau đó công cuộc đấu tranh giành độc lập từ giữa thập niên 40 đã chỉ ra hướng đi: chống giặc.

Thanh niên ca hòa vào chiến trường ca, trở thành bài ca kháng chiến của lớp tác giả ở giữa tuổi thanh xuân như Phạm Duy, Ðỗ Nhuận, Văn Cao, Phạm Ðình Chương, Ngọc Bích hay Tử Phác.

Nổi tiếng nhất là loạt “dân ca kháng chiến” chói lọi của Phạm Duy, hay “Nhạc Tuổi Xanh” của Phạm Ðình Chương, “Chiến Sĩ Việt Nam”, “Chiến Sĩ Hải quân”, “Không Quân Việt Nam” và “Trường Ca Sông Lô” của Văn Cao, hoặc “Khúc Hát Sông Thao” của Ðỗ Nhuận…

Uy nghi, lẫm liệt và nhân bản nhất vì phơi phới hồn nước mà không sắt máu đòi phanh thây uống máu quân thù, chính là “Việt Nam Minh Châu Trời Ðông” của Hùng Lân.

Người Việt ta có tinh thần lãng mạn, coi trọng cái tâm cái tình nhiều hơn cái hình cái lý!

Cho nên vào buổi bình minh của tân nhạc Việt Nam, tinh thần lãng mạn ấy mới cho ra đời loại nhạc trữ tình, viết về những mối tình e ấp mà chẳng thốt nên lời, không suồng sã ham hố mà nhẹ nhàng tan loãng như tiếng thở dài thật đẹp. Những “Cô Láng Giềng”, “Giọt Mưa Thu” hay “Cây Ðàn Bỏ Quên” là loại ca khúc trữ tình ấy.

Lúc ấy, người nghệ sĩ chỉ bâng khuâng “yêu tôi hay yêu đàn?”, chứ không xỗ xàng hỏi xin số nhà người đẹp!

Thế rồi, khi núi sông kêu đòi thì tinh thần lãng mạn ấy cũng lên đường.

Người nhạc sĩ gác bên mối tình vu vơ không tên để viết về tình yêu nước. Tình cảm lãng mạn mà chân thật của họ trong loại ca khúc ngợi ca tuổi trẻ và tổ quốc đã tác động mạnh tới nhiều thế hệ, làm phong trào kháng chiến sục sôi trên khắp ba miền.

Ðộng lực sáng tác mãnh liệt và trình độ văn hóa sâu sắc của lớp nhạc sĩ thời ấy khiến các bản kháng chiến ca mới trở thành những bài ca bất tử trong gia tài văn hoá của dân tộc...

Sau này, khi tiếng gọi lên đường đã biến giọng và những nhạc sĩ chân thật nhất đã buông đàn bật khóc vì con đường ái quốc lại dẫn vào chỉ đạo khốn khổ, người ta vẫn nhớ mãi tuổi thanh xuân và lòng yêu nước chân thành năm xưa.

Người bên cạnh Quỳnh Giao búng thuốc lá ra vườn: "Nghệ sĩ và trí thức như vậy thì chết là phải. Dân ta không khá được"!

Ít ai dám trách tinh thần lãng mạn của lớp người ấy mà chỉ thấy xót xa. Năm nay, trong tháng Tám này, chúng ta sẽ còn nhiều bồi hồi đau đớn khi nghe đến cách mạng và kháng chiến!

Ðiều hơi buồn là cuộc cách mạng trong lời ca, khởi đi từ thập niên 1935-1945, hình như đã sớm dứt sau khi “cách mạng thành công”. Hãy nghe các ca khúc của tuổi trẻ thành phố ngày nay ở trong nước thì rõ. Hào khí và sự tươi mát mới mẻ của những Văn Cao, Ðỗ Nhuận hay Lê Thương, Phạm Duy, Phạm Ðình Chương đã không còn. Mới chăng là giai điệu Hồng Kông và những rung động hãi hùng mà hời hợt như trong MTV.

Nhìn lại và nghe lại, chúng ta thấy ngậm ngùi. Sáu mươi năm trước, lớp nhạc sĩ thanh niên, đa số chưa tới tuổi ba mươi, quả là đã làm một cuộc cách mạng trong lời ca tiếng nhạc.

Chúng ta hãy nhớ đến họ, với lòng tri ân, và sự luyến tiếc….

Quỳnh Giao viết ngày 10 tháng 8, 2005
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562/posts/10208266570339929







86. Phạm Duy và Thái Thanh


Chúng ta không còn biết rằng các đợt "Nam tiến" trong lịch sử Việt Nam đã ảnh hưởng thế nào đến đời sống thường nhật của người dân vào thời xa xưa.

Trước vụ 1975, biến cố để lại "dấu ấn" nổi bật nhất trong ký ức người Việt mình là phong trào di cư ồ ạt vào năm 1954, khi đất nước lại bị chia đôi từ Hiệp định Genève....

Nhưng nếu còn được đọc lại trong văn học, có lẽ người ta có thể thấy được vài chi tiết bất ngờ về cái "nỗi niềm Nam-Bắc".

Một bất ngờ là trước khi có cuộc di cư "Năm Tư", khiến nhiều người nghĩ rằng người Bắc đã tạo ra thay đổi mạnh mẽ trong sinh hoạt văn học nghệ thuật miền Nam, thì chính miền Nam đã thổi một luồng gió mới về cách viết báo và làm báo của cả nước.

Tờ báo đầu tiên của nước Việt xuất hiện ở Sàigòn hình như từ năm 1862 rồi. Trong gần trăm năm sau đấy, báo chí miền Nam đã phát triển rất mạnh.

Một bất ngờ khác là nhiều cây bút nổi tiếng của miền Bắc lại viết rất sớm ở trong Nam và nếu có ít nhiều ảnh hưởng đến cách viết vào thời phôi thai của "chữ quốc ngữ" thì cũng đón nhận cách nhìn khoáng đạt mới mẻ của người dân miền Nam.

Ít ai chú ý đến sự kiện là khi nước non còn bị chia cắt làm ba miền, những tờ báo Trung Bắc Tân Văn, Phụ Nữ Tân Văn hay Thần Chung đã đón nhận sự hợp tác của nhiều tác giả miền Bắc.

Trường hợp của cụ Phạm Duy Tốn, thân phụ nhạc sĩ Phạm Duy, là một ví dụ mà có lẽ không là duy nhất.

Và trong khi chúng ta còn bị phân cách về cả không gian lẫn thời gian bởi cái nếp gấp mà mình gọi là "Năm Tư" thì rất nhiều người từ miền Bắc đã vào sinh sống trong Nam. Riêng về lãnh vực âm nhạc, có trường hợp nổi bật là hai tác giả Lê Thương và Phạm Duy mà Quỳnh Giao đã từng nhắc đến.

Lý thú hơn cả là trước khi ta nghe nói đến ban hợp ca Thăng Long độc đáo mới lạ của Sài Gòn sau 1954 thì đã có làn gió Nam sưởi ấm tâm hồn Hà Nội. Đó là một ban hợp ca toàn nghệ sĩ miền Bắc vào Nam từ thời 1951 lại có một chuyến lưu diễn ngược ra miền Bắc, trước khi Hà Nội "mờ trong năm tháng" như lời từ một ca khúc của Vũ Thành.

Làn “Gió Nam” bay ra đất Bắc có nhạc sĩ và nhạc trưởng Võ Đức Thu, người miền Nam. Nhưng có thành phần nghệ sĩ sau này lẫy lừng với tên là ban Thăng Long, như Hoài Bắc, Hoài Trung, Thái Hằng, Khánh Ngọc, Thái Thanh. Và có kẻ lãng du muôn thuở là Phạm Duy!

Biết đâu rằng ánh chớp ngắn ngủi đó lại chi phối sự chọn lựa của nhiều người khi dám lìa xa quê hương yêu dấu tại miền Bắc mà di cư vào Nam?

Nhờ phong cách trình bày phóng khoáng mới lạ của các nghệ sĩ miền Bắc sau khi vào sống trong Nam, người ta không nghĩ tới miền Nam như vùng đất lạ của rừng thiêng nước độc mà là đất mới....

Cảm nghĩ đó dẫn Quỳnh Giao về Hoài Bắc Phạm Đình Chương, về Hoài Trung Phạm Đình Viêm và Thái Thanh, Phạm Duy.

Hoài Bắc và Hoài Trung không còn nữa, nhưng Phạm Duy và Thái Thanh vẫn là hiện tượng hòa quyện khó quên của tân nhạc Việt Nam. Nửa thế đã qua, người viết chưa thấy có ai thay thế trong các ca khúc của Phạm Duy mà chỉ Thái Thanh mới hát được. Tiêu biểu là một bài về quê hương và một bài về chinh chiến, "Tình Ca" và "Kỷ Vật Cho Em".

***
Hiện tượng một giọng hát gắn liền với một nhà soạn nhạc không là điều mới lạ. Nhưng mỗi trường hợp mỗi khác.

Với riêng chúng ta, dễ thấy nhất là trường hợp hai nghệ sĩ có liên hệ gia đình. Liên hệ vợ chồng như Minh Trang hát nhạc Dương Thiệu Tước, Châu Hà hát Văn Phụng, Lê Uyên hát nhạc của Phương. Hay liên hệ họ hàng như Kim Tước hát nhạc của người chú là Vũ Thành.

Người ta tin rằng những liên hệ đó đem lại thành công cho cả hai.

Thái Thanh và Phạm Duy
Điều đó thật là hữu lý.

Sáng tác xong một bài nhạc chưa ráo mực, tác giả đã trước tiên giới thiệu đứa con tinh thần với... người trong nhà!

Còn gì thật hơn, đúng hơn là cách trình bày của chính tác giả? Nếu ca sĩ là người nhà, được nghe ca khúc tinh khôi, thì dễ trình bày cho hay cho đúng, trước khi ca khúc bị người sau bẻ cong bẻ quẹo mà vẫn khó bằng bản chính!

Dù các tác giả của chúng ta có hát hay thì chưa thể hay như một ca sĩ chuyên nghiệp. Nhưng họ biết phải hát tác phẩm thế nào mới đạt. Họ muốn câu hát ngắt ở chỗ nào. Họ muốn chỗ này phải hát to hơn, và chỗ kia phải xuống giọng... và tại sao.

Như riêng với Quỳnh Giao, không ai hát "Đôi mắt Người Sơn Tây" hay hơn tác giả Hoài Bắc. Và không ca sĩ nào trình bày "Tôi Đưa Em Sang Sông" thấm thía như tác giả Nhật Ngân.

Người viết còn biết rằng nhạc thuật không là điều tác giả quan tâm nhất. Thế mới lạ. Họ muốn người trình bày phải hát cho đúng và đọc lời cho rõ.

Một lần, Quỳnh Giao chứng kiến một ca sĩ hát "Đường Chiều Lá Rụng" bị Phạm Duy la toáng: "Giời ơi! Sao lại ấp úng chỗ này?"

Chỗ này là câu "... như mũi kim mềm đã khâu liền kín khung cửa tình duyên". Câu hát 12 chữ, toàn những nốt móc liên ba, hát vừa nhanh lại vừa liền một hơi, nên ca sĩ khó đọc rõ lời! Mà trong tâm tư của người viết, lời từ mới là chính, nhạc chỉ để đưa lời ca lên một cõi cao hơn.

Một nét khác, tình cảm là điều dễ thấm nhưng lại khó diễn đạt.

Ít hơn một chút thì lạnh lùng, khô khan, mà nhiều hơn một chút thì là cường điệu, giả dối. Khi gặp người hiểu được để tâm sự, các tác giả thường thổ lộ rằng "thà thiếu còn hơn dư". Thế nào là dư là thiếu thì nghệ sĩ sáng tác là người biết rõ nên có thể giúp người trình bày diễn tả được cho đúng.

Vì vậy mình mới có trường hợp hòa quyện tuyệt đẹp giữa nhạc sĩ và ca sĩ.

Quỳnh Giao xin trở lại với Thái Thanh mà trong chốn thân tình, mình vẫn gọi là "cô Thanh", em gái "chú Chương" là nhạc sĩ Phạm Đình Chương.

Thành phần ban Thăng Long từ khởi đầu gồm hai giọng nam Hoài Trung, Hoài Bắc và hai giọng nữ là Thái Thanh, Thái Hằng. Thời kháng chiến, khi Phạm Duy mê mệt "cô Hằng" không phải là trên cung trăng, ông viết nhiều bài cho hai giọng nữ song ca, như "Tiếng Đàn Tôi", "Tiếng Sáo Thiên Thai", "Gánh Lúa"… v.v.

Phạm Đình Chương cũng sáng tác nhiều cho gia đình Thăng Long, phần lớn là để hát hợp ca, như "Bài Ca Tuổi Trẻ", "Tiếng Dân Chài", "Ngựa Phi Đường Xa" hay "Hội Trùng Dương"…v.v.

Loại tình khúc như "Thuở Ban Đầu", "Đêm Cuối Cùng", hay "Nửa Hồn Thương Đau" thì có lẽ ông viết cho chính mình. Và chỉ tác giả mới lột hết được nỗi niềm riêng tư, không thừa không thiếu, chẳng cường điệu mà cũng không thờ ơ lãnh đạm.

Còn Phạm Duy viết nhạc từ thuở rất trẻ. Ông đi bụi đời và giang hồ rất sớm, và theo thiển ý của người viết, đấy cũng là lý do khiến nhạc và lời của ông thiên nhiều về xã hội, ra khỏi tâm cảnh Bắc Nam:

Đời sống và sáng tác của Phạm Duy là một con đường cái quan!

Trên ngả đường ấy, có các bà mẹ quê của làng xã (như "Bà Mẹ Gio Linh", "Bà Mẹ Quê", "Người Về") đến cô thiếu nữ (trong "Quê Nghèo", "Gánh Lúa" hay "Vợ Chồng Quê"), có em bé quê ("Thi Nhau Chăm Học", "Em Bé Quê") đến chàng chiến sĩ (như "Chinh Phụ Ca", "Mùa Đông Chiến Sĩ", "Nợ Xương Máu", "Gươm Tráng Sĩ", "Ngày Trở Về"). Và từ đồng nội ("Nương Chiều", "Tình Hoài Hương") các ca khúc nối đến thị thành ("Tình Kỹ Nữ", "Tiếng Bước Trên Đường Khuya" hay "Phố Buồn")....

Phạm Duy thường dùng ca khúc kể chuyện vui buồn, chuyện nhà quê và tỉnh thành của tâm hồn Việt. Ông cũng dùng lời từ mộc mạc để tả cảnh tả tình đám dân quê ("Hoa Xuân", "Vợ Chồng Quê", "Tình Nghèo"), hay lời ca đầy trí tuệ về đời sống và tâm tư người ưu thời mẫn thế ("Lữ Hành", "Đường Chiều Lá Rụng", "Chiều Về Trên Sông", "Mộng Du", "Tìm Nhau")…

Chúng ta hiểu là vì liên hệ gia đình, Thái Thanh là người đầu tiên được nghe Phạm Đình Chương và Phạm Duy hát ca khúc của họ. Vậy thì tại sao giọng hát ấy lại gắn liền với nhạc của anh rể là Phạm Duy hơn là anh ruột?

Cũng là một câu hỏi cho kỷ niệm khi thấy Xuân về....

Thật ra, mới gần đây thôi, cô Thanh gọi điện thoại hỏi Quỳnh Giao tên tuối lẫn pháp danh của từng người trong nhà, từ thân mẫu đến nhạc phụ để gia đình dâng sớ cầu an cho mọi người vào dịp Vu Lan...

Hàng năm, Thái Thanh không quên việc đó. Ít ai biết khía cạnh bất ngờ này của Thái Thanh. Quỳnh Giao thí mãi mãi nhớ và yêu Cô Thanh.

***
Sống trong cùng môi trường và sinh hoạt với gia đình Thăng Long, từ bé Quỳnh Giao đã thấy cô Thanh yêu thương và kính trọng chú Chương.

Có một giai đoạn gia đình rạn nứt vì tình cảm khiến Thái Thanh không hát nhạc Phạm Duy trong vòng mười năm. Đó là lý do mà mới 15 tuổi, vào đầu thập niên 60, Quỳnh Giao đã được hát ban Hoa Xuân của Phạm Duy, với hai cô Thái Hằng và Kim Tước, mà không có Thái Thanh.

Ngày ấy cô Thanh ít hát ở các đài phát thanh mà hát nhiều ở các phòng trà Văn Cảnh và Bồng Lai. Chỉ tới khi chia tay với tài tử Lê Quỳnh thì cô mới hát lại nhạc Phạm Duy, và cũng hát cho ban Hoa Xuân trên đài phát thanh Sài Gòn.

Đấy là giai đoạn mà giọng hát Thái Thanh có độ sung mãn và tình cảm nhất. Cũng là lúc Phạm Duy viết nhiều nhạc tình nhất, từ "Ngày Đó Chúng Mình" đến "Nghìn Trùng Xa Cách", từ "Kiếp Nào Có Yêu Nhau" cho đến "Đừng Xa Nhau"…

Giọng Thái Thanh đưa nhạc Phạm Duy tới khắp mọi nơi, mọi chốn. Nhất là khi có phong trào làm nhạc cassette, mà người mở đầu là Anh Ngọc.

Thoạt kỳ thủy, Anh Ngọc thu lại các chương trình của ban Tiếng Nhạc Tâm Tình của ông thành băng cassette để phổ biến. Về sau người khác thấy ăn khách nên bắt chước và thành phong trào. Các trung tâm băng nhạc ra đời như Tú Quỳnh của nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương, Mây Hồng của nhạc sĩ Y Vân, Bốn Phương của Nguyễn Long và Jo Marcel, Shotguns của Ngọc Chánh…v.v.

Và trung tâm nào cũng có tiếng hát Thái Thanh trong ca khúc Phạm Duy.

Ngẫm lại và nghe lại thì càng lớn tuổi giọng Thái Thanh càng thích hợp với những bài hát mang chất xã hội của Phạm Duy. Không ai hát "Kỷ Vật Cho Em" não nùng đẫm lệ chiến chinh như bà. Nếu có ai bắt chước thì nghe chỉ muốn bật cười. Cũng chẳng ai có thể hát "Tình Ca" mà có ảnh hưởng hơn Thái Thanh, vì bà làm cho mình thiết tha yêu tiếng Việt và người Việt. Thiết tha đến độ rùng mình ứa lệ.

Điều đáng nói ngoài chất giọng, Thái Thanh là người hát rất rõ lời.

Khi còn bé, đứng nhìn cô Thanh hát trong phòng thu thanh, Quỳnh Giao đã để ý đến cách đọc lời của bà. Con bé mách mẹ rằng: "con thấy cô Thanh hát hay 'ngoai' cái miệng lắm! Khi phải ngân dài, môi của cô còn rung rung nữa cơ!”

Danh ca Minh Trang khen đứa con gái là có óc nhận xét!

Bà giảng rằng đó là nghệ thuật của Thái Thanh. Phải dùng cả lưỡi, lẫn môi và cách uốn cong miệng để "nhả chữ" thì tiếng hát ra mới rõ lời và tròn trịa. Lúc hát mà chỉ muốn mình trông xinh đẹp, cứ mím miệng cho gọn, thì làm sao mà hát rõ lời!

Đó là lý do khiến Thái Thanh hát ở sân khấu thành công hơn trên truyền hình.

Với ống kính truyền hình cứ quay cận cảnh mà mình muốn xinh đẹp khi há mồm ngân nga thì chỉ có chết!

"Chết" đây là nghệ thuật, trong trình độ của người thẩm âm. Chúng ta nên nghĩ đến cách "nhả chữ" của ca sĩ, như chuyện "con tầm nhả tơ" vậy.

Có lẽ giọng Thái Thanh diễn đạt thành công nhạc Phạm Duy vì chính giọng hát cũng thuộc khuynh hướng xã hội. Dĩ nhiên giọng hát của bà đầy tình cảm và trữ tình, nhưng tình cảm đôi lứa hay "tình ca một mình" đều thấp hơn tình cảm nhân loại.

Thái Thanh hát cho cả nhân loại, khóc cho nhân thế, hát cho "cả nước" chứ không hát cho riêng mình. Cái chất lồng lộng phơi phới của giọng hát tuyệt vời ấy mà gặp nhạc Phạm Duy thì như con diều bọc gió trên trời xanh thẳm, như cá gặp nước ngoài đại dương.

Thái Thanh khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, lời nhạc mà như một tiên tri của Phạm Duy….
(Bài viết này xin được là lời chúc Xuân, gửi đến Chú Duy và Cô Thanh.)

Quỳnh Giao viết bài này cho Báo Xuân 2012...
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562/posts/10208265297548110





87. Xuân Tha Hương


Năm mươi năm trước đây, Phạm Ðình Chương đã viết cho chúng ta Xuân Tha Hương, với trái tim còn đầy ắp hình ảnh của miền Bắc thân yêu đã bị chia cắt từ Hiệp định Genève 54.

Theo lời tác giả, bài Xuân Tha Hương được dùng trong một phim loại “đen” là “The Quiet American” do đạo diễn Joseph Mankiewicz dựng từ truyện cùng tên của Graham Greene vào năm 1958. Truyện này được quay lại thành phim lần thứ hai vào năm 2002, nhưng Xuân Tha Hương không còn và miền Nam cũ nay cũng đã mất.

Cả một khung cảnh xa xưa nay được nhìn lại, với con mắt mới, nhãn quan và thính giác mới.


Trong các ca khúc về Xuân của Phạm Ðình Chương, đây là bài có nhạc thuật cao nhất. Nói như nhạc sĩ Nghiêm Phú Phi, một bạn thân của ông, nhạc Phạm Ðình Chương quả là “cao mà không xa”. Riêng với Xuân Tha Hương thì lại rất gần vì từ nửa thế kỷ nay, chúng ta đã có biết bao mùa Xuân xa nhà rồi. Xa nhà vì chiến tranh và sau chiến tranh còn xa nhà hơn nữa.

Nếu Ly Rượu Mừng là ca khúc ai cũng nhớ, cũng yêu thích và hò hát rất vui trong ngày Tết vì dễ hát dễ nhớ, thì Xuân Tha Hương là khúc nhạc Xuân để hát một mình, trong nỗi ngậm ngùi.

Phạm Ðình Chương viết bài này khi mới 27 tuổi.

Chúng ta hãy so sánh với các sáng tác của lớp tuổi 30 thời nay mới thấy một khoảng cách rất xa. Ông viết với kỹ thuật già dặn của một Dương Thiệu Tước hay Vũ Thành trong loại ca khúc nghệ thuật.

Sau bốn câu của đoạn đầu …

Ngày xưa Xuân thắm quê tôi…
Sống bao Xuân lạnh lẽo âm thầm


Phạm Ðình Chương chuyển qua đoạn hai

Hoa xưa dần qua biết bao kỳ đơm bông…
Mắt huyên lệ rưng rưng sầu héo đến bao giờ
trước khi trở lại giai điệu ban đầu
Chiều nay lê bước phiêu du…
Ðể sống vui quê mẹ lúc Xuân về
.

Rất nhiều ca khúc thật hay đã có kể kết thúc như vậy, tròn trịa tràn đầy, vuông vức có thủy có chung, một ca khúc có “carrure”. Khác hẳn những bài mà người ta có thể ngừng đâu cũng được như loại truyện tình không đoạn kết, trong đó có Buồn Tàn Thu của Văn Cao.

Nhưng Phạm Ðình Chương không dừng tại khuôn khổ ấy.

Ông viết một chuyển đoạn trên nhịp luân vũ còn dìu dặt hơn, như trong một giấc mơ, nhờ rất nhiều vần trắc:

Xuân tới muôn cánh hoa nở bay khắp nơi
Hương khói lan dưới mưa nhẹ rơi phơi phới
Chiều dâng, sầu lắng, trên đường về mịt mùng
Mây Tần ơi cho nhắn bao niềm thương
.

Sau đoản khúc có thể là điệp khúc ấy, người ta mới trở lại hai đoạn chính ở ban đầu.

Hai đoạn chính này là để tả tình, tả nỗi nhớ gia đình trong buổi Xuân về. Ðoạn sau cùng mới là tả cảnh, mà là cảnh Xuân miền Bắc, mưa phùn rơi trên hoa đào phơi phới.

Cảnh Xuân ấy mịt mùng tan loãng trong áng “mây Tần”, một biểu tượng của nỗi nhớ nhà mà mọi người cùng thế hệ với tác giả đều biết. Cũng vậy, thời ấy, người ta hiểu ý tác giả ở câu “mắt huyên” là mắt của mẹ hiền. Sau này, ông dễ dãi chấp nhận “mắt hoen lệ rưng rưng sầu héo đến bao giờ” vì âm “trầm bình thanh” của chữ đó. Nhưng, thời nay, nhiều người vẫn nghe ra là “mắt huyền”. Hình ảnh mẹ già của Xuân xưa đã nhòa trong đôi mắt huyền mơ của tình yêu đôi lứa! Xưa và nay có khác xa.

Viết từ năm 1956, Xuân Tha Hương vì vậy đã báo hiệu cho những bản tình ca tuyệt vời mà Phạm Ðình Chương sáng tác sau này từ ý thơ Thanh Tâm Tuyền, Trần Dạ Từ, Du Tử Lê, Hoàng Anh Tuấn hay Nguyên Sa, Ðinh Hùng… Ông là người viết “những bản tình ca không có hạnh phúc” hay nhất, từ một thành phố đổ nát về chiến tranh mà vẫn nức nở về tình yêu.

Nhạc thuật cao và sang nhưng không xa không khó của Phạm Ðình Chương khiến những bài thơ tình hay nhất đã trở thành phổ biến trong dân gian và còn mãi với chúng ta cùng hình ảnh của Sài Gòn nay đã mất tên.

Ðặc biệt hơn cả, Phạm Ðình Chương viết các tình khúc ấy khi còn ở nhà, trước khi vượt biên ra ngoài. Ngay tại Sài Gòn, dù chưa đi ngoại quốc, chưa hề đặt chân lên nước Pháp, ông đã viết những tình khúc tân kỳ nhất. Lê Trọng Nguyễn yêu ông và quý trọng ông cũng vì lòng cảm phục ấy giữa những người đồng điệu.

Quả thật là đã một thời Sài Gòn có phong cách nghệ thuật rất mới chính là nhờ những bài như Dạ “Tâm” Khúc, Bài Ngợi Ca Tình Yêu hay Nửa Hồn Thương Ðau của Phạm Ðình Chương.

Khi viết Xuân Tha Hương, ông có thể nhớ về Hà Nội hay quê mẹ ở Sơn Tây. Ngày nay, khi hát Xuân Tha Hương, chúng ta lại nhớ đến Sài Gòn.
Và tìm nghe nhạc Xuân ở trong nước thì lại thấy hương sắc của ngoại ô Hương Cảng.

Nhớ Hoài Bắc Phạm Đình Chương, xin hãy xem Quỳnh Giao viết thế nào về tuyệt tác này, vào ngày 18 tháng Giêng 2006.

Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562/posts/10208263803510760





88. Phạm Ðình Chương, Quê Hương Là Người Ðó


Ðối với người Việt ở trong nước, Phạm Ðình Chương có thể là tên tuổi lạ vì đa số hiện nay sinh sau 1975 nên còn quá trẻ để biết, để nghe và để yêu nhạc Phạm Ðình Chương.

Nhưng, nói tới nhạc tình của quê hương mà không nhắc tới Phạm Ðình Chương thì là một thiếu sót lớn.
Hoài Bắc Phạm Đình Chương

Ông sinh vào mùa Thu năm 29 trên đất Bắc, và dưới tên Hoài Bắc đã là một trong những giọng ca nam điêu luyện nhất của Việt Nam trong những thập niên 50-70. Nhưng, tiếng hát Hoài Bắc đã hy sinh cho sự lẫy lừng của ban hợp ca Thăng Long, mà ông là linh hồn, là con chim đầu đàn và người hoà âm tuyệt vời, dưới tên Phạm Ðình Chương.

Thật không phải là quá đáng nếu nói rằng Sàigon trước 75 đã chẳng có phong thái văn nghệ rất phong lưu nếu không có ly rượu Hoài Bắc và tiếng nhạc Phạm Ðình Chương. Có lẽ vì vậy mà cho đến nay, các nhạc khúc của ông vẫn chưa được khôi phục đúng ngôi vị ở trong nước, và đây là một thiệt thòi lớn cho mọi người chúng ta.

Ông đã mất năm 91, và ở nơi chốn ông đang tạm dung, có lẽ Phạm Ðình Chương vẫn phóng dật với âm nhạc và bằng hữu, trong sự đầm ấm ân cần ở nét cư xử cực kỳ dễ thương, dễ mến....

Phạm Ðình Chương lên đường hội ngộ với tân nhạc và kháng chiến từ khi rất trẻ, giữa thập niên 40, qua các ca khúc đã hoà nhập vào dòng nhạc hào hùng thời đó, như Ra Ði Khi Trời Vừa Sáng, Nhạc Tuổi Xanh, hay Hò Leo Núi, Tiếng Dân Chài, Trăng Rừng... Nếu có điểm khác thì từ thời đó, ông đã viết về tuổi trẻ và cho tuổi trẻ mà không cần bước qua khung cửa uy nghiêm của lịch sử, và nhạc tuổi xanh của ông đã mơn mởn hạnh phúc hiện tại, lấp lánh tin yêu trước mắt...

Vào Nam năm 51, ông mở ra một trang mới của dòng nhạc hoài hương với Xuân Tha Hương, bài ca dùng trong một cuốn phim Hoa Kỳ thực hiện ở Sàigòn giữa thập niên 50. Cũng trong loại nhạc viết cho quê hương và tình người, ông có trường ca Hội Trùng Dương là viên kim cương lóng lánh về sự hội ngộ của ba dòng sông và ba miền đất nước. Ông có Ly Rượu Mừng là khúc hoan ca vui tươi nhất trong ngày Tết.

Ngay từ đầu và mãi về sau, Phạm Ðình Chương không đi theo đám đông mà tự tạo lấy thế giới âm thanh của mình, và có lẽ chỉ biết buồn và viết nhạc buồn từ khi viết nhạc tình.

Phạm Ðình Chương đã dựng cho mình một cõi riêng, cho tới khi ông mất vì bạo bệnh trên đất Mỹ...

Quỳnh Giao rất phân vân khi phải cố quên nhiều ca khúc tuyệt vời khác của Phạm Ðình Chương để chỉ nói tới tình khúc của ông, vì trong di sản âm nhạc để lại, nhạc của ông gần như có mặt trong mọi thể loại, và bài nào cũng là một tuyệt tác. Nhất là Hội Trùng Dương, trường ca bất hủ về ba dòng sông, với ba điệp khúc vốn cùng nét nhạc, mà mỗi điệp khúc lại tiêu biểu cho một miền, nhờ ở lời ca kỳ diệu...

Phạm Ðình Chương đã mất ở ngoài quê hương, và Quỳnh Giao mong rằng quê hương sẽ không mất nhạc của ông.

Ở xa quê hương, khi nhớ nhà và nhớ nhạc, ai ai cũng thấy âm vang trong lòng bài Xuân Tha Hương của ông, mà Quỳnh Giao xin mời quý vị cùng thưởng thức sau đây, qua một giọng ca trẻ ở hải ngoại, là Thanh Hoàng.

Quê ngoại Phạm Ðình Chương là ở Sơn Tây, và hai bài thơ bi hùng của Quang Dũng là Ðôi Bờ và Ðôi Mắt Người Sơn Tây được ông đưa tới đỉnh cao của thi ca, khi phổ vào nhạc thành ca khúc Ðôi Mắt Người Sơn Tây.

Người ta hát nhiều và nói nhiều về tác phẩm này, ca khúc quen thuộc nhất của ông ở miền Nam trước 75, nhưng, không ai trình bày tác phẩm tuyệt vời như ông. Quỳnh Giao xin được thắp nén nhang tưởng nhớ Quang Dũng và gửi bài hát này tới Phạm Ðình Chương, qua tiếng hát Hoài Bắc.

Giờ này, thơ và nhạc, thi sĩ và nhạc sĩ, chắc đã gặp nhau, ở nơi chốn đó...

Nói về Quang Dũng, Quỳnh Giao trộm nghĩ là nhiều thi sĩ có món nợ với Phạm Ðình Chương, nhờ ông chắp cánh cho thơ bay lượn vào cõi nhạc và hồn người. Phạm Ðình Chương là người phổ thơ xuất chúng nhất: từ ông, thơ Lưu Trọng Lư, Huy Cận, Du Tử Lê, Thanh Tâm Tuyền, Nguyên Sa, Trần Dạ Từ, và nhiều người khác, đã thành khúc tình ca bất tử.

Thơ Thanh Tâm Tuyền vốn khó lĩnh hội ngoài số người yêu thơ trừu tượng mà lại thành lời ca phổ thông là do Phạm Ðình Chương. Ta hãy nghe lại Ðêm Màu Hồng để cảm ra sự phối hợp tuyệt vời giữa thơ và nhạc, và Ðêm Màu Hồng cũng là tên phòng trà ông trình diễn hàng đêm. Bài ca sẽ do Kim Tước trình bày.

Bản tình ca tuyệt vời nhất của Phạm Ðình Chương, ông viết lấy cả lời lẫn nhạc, và đã chinh phục những người đã yêu và biết khóc vì tình yêu. Ðó là Nửa Hồn Thương Ðau mà ông viết như xuất thần, trong thời gian ngắn cho cuốn phim Chân Trời Tím của đạo diễn Hoàng Vĩnh Lộc. Chúng ta hãy nức nở với Nửa Hồn Thương Ðau của ông, qua tiếng hát Nguyễn Thành Vân.

Ca khúc diễm lệ nhất của Phạm Ðình Chương cũng là bản tình ca ông viết với lời của thi sĩ Ðinh Hùng. Bài Mộng Dưới Hoa của ông là một bài ngợi ca tình yêu hiếm hoi không có nước mắt. Quỳnh Giao xin trang trọng giới thiệu tác phẩm đằm thắm này, được song ca cùng Anh Dũng.

Sau khi ra khỏi Việt Nam, Phạm Ðình Chương còn tiếp tục viết nhạc, và 40 năm sau bài Xuân Tha Hương chúng ta vừa mới nghe, Phạm Ðình Chương lại lần nữa viết một khúc bi ca về quê hương. Chúng ta hãy thử nghe Quê Hương Là Người Ðó, với lời thơ Du Tử Lê. Bài này sẽ do Phạm Thành, con trai của ông cùng nữ ca sĩ Khánh Ngọc, song ca cùng Thái Hiền, con gái Thái Hằng, là chị của ông.

Sau cùng, nhớ lại suối nguồn tân nhạc Việt Nam, ta sẽ phải hòa nhịp cùng Phạm Ðình Chương trong Hội Trùng Dương, với tiếng sông Hồng, tiếng sông Hương và tiếng sông Cửu Long. Như đóa hoa gửi tới tác giả với lời biết ơn của những người đã hát và yêu nhạc Phạm Ðình Chương, Quỳnh Giao xin giới thiệu đoạn ba của bản trường ca, với ban hợp xướng Ngàn Khơi.

Quỳnh Giao xin kính chào tạm biệt quý vị, và xin hẹn tái ngộ trong chương trình tới của Suối Nguồn Tân Nhạc Việt Nam để nói về tình ca Trịnh Công Sơn....
___
Hôm nay 22-8, là giỗ Phạm Đình Chương, xin yết lại bài này của Quỳnh Giao trong loạt bài thực hiện cho BBC, để nói về Hoài Bắc Phạm Đình Chương
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562/posts/10208263701708215





89. Thất thập vẫn còn Xuân


Xưa nay, tuổi bảy mươi vẫn được coi là tuổi già. "Thất thập cổ lai hy" mà.

Nhưng nếu có một tuổi bảy mươi mà vẫn trẻ thì đó là tân nhạc Việt Nam. Gặp gỡ những người ở tuổi ấy, sinh ra khoảng 1935 trở lại, và nghe thấy giới trẻ ở trong nước ngày nay không thích nghe “nhạc xưa” nữa, Quỳnh Giáo viết lại ở đây vài dòng về tuổi thơ của tân nhạc.

Việt Nam vẫn nói là mình có bốn ngàn năm văn hiến. Nhưng chỉ viết, vẽ và hát như ngày nay kể từ đầu thế kỷ 20. Từ quãng 1935 trở lại. Trước đó, nghệ thuật của chúng ta không có những biểu hiện như ngày nay, hay đẹp ra sao thì giờ này có khi mình đã quên hoặc chưa từng biết. Vì vậy, khi nghe nói giới trẻ trong nước không chuộng nhạc xưa nữa, chúng ta… giật mình. So với chiều dài bốn nghìn năm, nền nhạc xưa ấy thực ra còn rất trẻ và như mọi đứa trẻ, vẫn đang tìm kiếm và đã vội quên.

Trong buổi phôi thai của tân nhạc cải cách, chúng ta được nghe Trời Xanh Thẳm của Dương Thiệu Tước và Văn Chung. Ca khúc này có thể là tiêu biểu cho sáng tác đầu nguồn của dòng tân nhạc với lối mở đầu bằng âm giai ngũ cung Á Ðông rồi khai triển sang âm giai thất cung Tây phương.

Vào thời phôi thai đó, các nhạc sĩ tiền phong đều ít nhiều sử dụng nhạc khí cổ truyền và làm quen dần với nhạc lý Tây phương cho nên những sáng tác đầu tay của họ đều hoặc thiên về thang âm ngũ cung cổ điển - như trường hợp Thẩm Oánh - hoặc mở ra thang âm thất cung mới mẻ hơn - như trường hợp Nguyễn Văn Tuyên - hoặc hài hoà dung hợp cả hai như Dương Thiệu Tước.

Chỉ hiện tượng ấy thôi cũng cho thấy rằng từ thời phôi thai, tân nhạc Việt Nam đã mang đặc tính giao thời giữa cũ và mới, y như trong nhiều bộ môn nghệ thuật khác vào cùng giai đoạn, như thơ, văn xuôi, hay hội họa, điêu khắc....

Việc cải cách về âm nhạc của Việt Nam vì vậy cũng nằm trong một sự chuyển động lớn lao của toàn xã hội, khi dân ta tiếp nhận và sử dụng những phương thức diễn đạt mới mẻ hơn. Lúc đó rồi, “mới” có khi đã đương nhiên đồng nghĩa với “hay”.

Ngày nay, cái “mới” ấy cũng đã thành xưa.

Bước qua thời kỳ phát huy từ khoảng 1945 đến 1954, Quỳnh Giao nhớ tới một số xu hướng sáng tác sẽ được phát triển sau này.

Về nhạc thuật, có thể thấy ra hai xu hướng thiên về nhạc ngũ cung hay thất cung, và sự khác biệt tân cổ ban đầu đó sẽ tiếp tục trong nhiều năm sau. Ðiều đáng yêu là trong thế giới âm nhạc thời ấy, sự dị biệt trên không đưa tới tranh luận gay gắt về giá trị mới hay cũ, hiện đại hay hậu hiện đại gì đó chưa là vấn đề. Giới yêu nhạc có lẽ hiền hòa hơn giới cầm bút. Và nói chung các nhạc sĩ sáng tác đều biết trân quý và kính trọng nhau trong từng bước sáng tác ban đầu của họ.

Giữa hai khuynh hướng mới và cũ nói trên, còn thấy xuất hiện một xu hướng khác lạ, vừa mới lại vừa cũ, là cải biên một số bài dân ca quen thuộc tại thôn quê bằng nhạc ngữ mới để đem tân nhạc từ thành thị về tới nông thôn. Nếu không kể Lê Thương với bài Bản Đàn Xuân, có lẽ Phạm Duy đã đầu tiên mở ra xu hướng đó, với các bài dân ca ông viết vào thập niên 40-50, trước tiên là bài Nhớ Người Thương Binh, sáng tác trên núi rừng Việt Bắc vào năm 1947.

Về lời ca, ta cũng thấy các nhạc sĩ tiền phong đã sớm phổ nhạc các bài thơ mới, như Lê Thương với bài Bông Hoa Rừng của Thế Lữ, bài Ngậm Ngùi của Huy Cận, hoặc Tiếng Thu của Lưu Trọng Lư, là những bài ca đầu nguồn, mới đó mà đã thất truyền.

Nhưng, vào cùng thời kỳ, không thiếu người đã đưa hình tượng và điển cố của thi ca Ðông phương vào nhạc. Với Buồn Tàn Thu, Thu Cô Liêu và nhất là Cung Đàn Xưa, Văn Cao là người tài hoa nhất trong việc đưa tứ thơ của cổ thi vào tân nhạc, trước khi ông được cả nước biết đến qua hai tuyệt tác Thiên Thai hay Trương Chi.

Cũng vậy, Chinh Phụ Ca của Phạm Duy là một dấu mốc đáng kể mà nay đã bị lãng quên. Một thế hệ sau người ta mới thấy lại ngôn ngữ này trong Hương Xưa rất hiếm hoi của Cung Tiến.

Nhưng, giữa khi các nhạc sĩ còn say mê với cảnh "vàng hoen đáy nước soi rõ đường đi" như vậy, thì đất trời đã dậy phong ba... rồi chiến chinh tràn lan khắp nẻo.

Từ đó, thời cuộc xông vào nhạc để thúc giục tân nhạc lên đường đáp lời sông núi: Quỳnh Giao muốn nói tới các xu hướng sáng tác không thuộc về nhạc thuật, về hình tượng hay ngôn ngữ, mà về thể tài, về chủ đề...

Khi cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, tân nhạc đã bốc khỏi chốn hoa cỏ mây trời để thổi bùng ngọn lửa yêu nước vào phong trào kháng chiến. Ðây là thời kỳ mà các bản chiến trường ca bất hủ như Trường Ca Sông Lô của Văn Cao, Du Kích Sông Thao của Ðỗ Nhuận hay Mùa Ðông Binh Sĩ của Phan Huỳnh Ðiểu đã thôi thúc toàn dân tham gia kháng chiến.

Cũng chính là vào thời kỳ này, Phạm Duy đã tung ra những bài dân ca mới, mà ông gọi là dân ca kháng chiến, trong đó Bà Mẹ Gio Linh viết năm 1948 gây xúc động mạnh mẽ nhất, cho đến nay giọt lệ vẫn chưa nguội.

Lồng trong xu hướng sáng tác các ca khúc kháng chiến, và có lẽ đã mở đầu cho phong trào viết nhạc yêu nước, là những khúc hát ngợi ca thanh niên, bài ca hướng đạo hay các bản hùng ca lấy đề tài từ tranh đấu sử. Trong xu hướng này, chúng ta có Lê Thương, Hùng Lân, Lưu Hữu Phước, Hoàng Quý, Lê Yên, và một người trẻ sau này sẽ còn nổi danh ở các thể tài khác, là Phạm Ðình Chương.

Tuy nhiên, cũng trong giai đoạn sục sôi khí thế đấu tranh đó, tân nhạc Việt Nam vẫn có những sáng tác trữ tình như phần hồn không thể thiếu của một dân tộc lãng mạn. Cho nên, cùng với xu hướng kháng chiến ca và các hành khúc lên đường vẫn thấy xuất hiện nhiều tình khúc.

Vào thời kỳ này, xu hướng nhạc tình mới chỉ e ấp kín đáo, nhẹ nhàng mượn cảnh để nói về tình, và có nhiều khi nhạc sĩ còn ngợi ca tình yêu để ngợi ca quê hương. Ðây là thời kỳ sáng tác mạnh mẽ của một lớp người đông đảo, như Dương Thiệu Tước, Thẩm Oánh, Văn Cao, Phạm Duy, Ngọc Bích, Tô Vũ, Hoàng Trọng, Lâm Tuyền, Hoàng Giác, Ðặng Thế Phong, Vũ Thành và Ðoàn Chuẩn, người thường ghép với tên bạn thân là Từ Linh...

Tình khúc thời ấy đằm thắm và văn minh ở cách ý tại ngôn ngoại, là điều thời nay đã mất, hoặc bất cần.

Giai đoạn ấy, nhìn lại thì đã hơn nửa thế kỷ, được coi là “nhạc xưa”, hay “tiền chiến”, nhưng cũng là giai đoạn mà tân nhạc Việt Nam có nhiều tác phẩm đẹp nhất. Người đời nay không còn viết như vậy nữa. Hãy nghe cả lời từ lẫn giai điệu thì biết.

Tân nhạc Việt Nam nay vẫn thanh xuân, nhưng sẽ đi về đâu, hát ra sao thì chúng ta còn đợi. Và đợi trong hồi hộp vì sợ rằng nghệ sĩ sáng tác không dài hơi, hoặc lại viết nhạc đồng điệu như cách trình diễn quá đơn điệu ngày nay.

Quỳnh Giao viết ngày 10-5-2006
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562/posts/10208262476277580






90. "Fever", Lên Cơn Sốt với Peggy Lee


Khi trang điểm thật đẹp, người ta có hát hay hơn chăng? Thưa rằng cái đó còn tùy!

Người Việt chúng ta có hai chữ cho cùng một nghệ thuật tưởng là đơn giản: gây xúc động bằng nhạc. Ðó là “ca” và “hát”. Thật ra, những người khó tính thì phân biệt “ca” là xướng lời theo nhạc, “hát” là ca với bộ điệu, động tác.

Một nữ nghệ sĩ cổ điển mà hát “ca trù” thì ngồi yên trên chiếu vẫn thấy hay. “Ca cải lương: cũng vậy - trước hết là phải có giọng, mà người nghe cũng phải có trình độ cảm nhận để phân biệt được hay dở.

Ngược lại, một nữ nghệ sĩ cổ điển mà “hát chèo” hay “hát bội” thì phải biết ca và… múa. Nghệ thuật được diễn tả từ lời ca, giai điệu nhạc đến rất nhiều động tác trình diễn. “Thị Mầu lên chùa” mà không biết múa theo tiếng mõ của chú tiểu Kính Tâm nhòa trong điệu “chầu văn” là coi như hỏng.

Chuyện xưa là thế.
Chuyện nay, “ca” được nói là hay hoặc dở là nhờ nghệ thuật trình bày ca khúc, và đòi hỏi loại “ca khúc nghệ thuật”, lời và nhạc phải thật hay, nhắm mắt cũng có thể thưởng thức được.

Ngược lại, “hát” là để trình bày các “ca khúc phổ thông”, thuộc loại ta gọi là “pop music”. Người trình diễn cần hát hay đã đành mà phải hát cho đẹp mắt, càng đẹp thì càng… đỡ mệt khi hát. Nhan sắc, trang phục, trang trí và cả trăm kỹ thuật mê hoặc khác được tận dụng để “hát” là chính mà “ca” là phụ…

Quỳnh Giao nhắc tới khác biệt về ca hát để nói về một danh tài ca nhạc là Peggy Lee.

Peggy Lee
Với Peggy Lee, “ca” là trình diễn, trong ca phải có hát, và phải trưng diện thật đẹp. Mặc quần áo đẹp làm bà hứng khởi hơn khi hát.

Sinh vào tháng 5, năm 1920, Peggy Lee tạ thế đầu năm 2002 sau mấy chục năm là danh ca và nhạc sĩ thượng thặng về Jazz và Pop music của Hoa Kỳ. Bà có nhan sắc lộng lẫy từ dòng máu Bắc-Âu, với huyết thống Na-Uy và Thụy Ðiển.

Sinh tại tiểu bang North Dakota dưới tên Norma Deloris Egstrom trong một gia đình bình dân. Vì mẹ mất sớm, bà gặp sự hà khắc của mẹ kế bên người cha nát rượu. Hoàn cảnh ấy khiến cô bé Peggy làm quần quật để phụ gia đình và ngấu nghiến học lấy từ mọi loại sách nhức đầu, cả triết học, cả vật lý.

Truyện Tấm Cám của Hoa Kỳ tất phải có nhạc. Peggy tìm ra con đường tự giải phóng: âm nhạc.

Còn trẻ, Peggy Lee đã theo ban nhạc jazz của Benny Goodman lưu diễn khắp nơi và có kinh nghiệm trình diễn từ sân khấu. Nét đặc biệt của Peggy Lee là thận trọng chăm chút cách xuất hiện, không để một chi tiết nào bất ngờ.

Một lần, trước khi vào phòng trang điểm để lên sâu khấu, một khách lạ đã hỏi: “Bà có phải là Peggy Lee không?” Câu trả lời làm khách đớ người: “Chưa!”

Chỉ vì Peggy Lee mà xuất hiện thì phải khác!

Người tầm thường thì gọi đó là thói đỏm dáng của nghệ sĩ. Hoặc nhờ ăn mặc đẹp, trang điểm lộng lẫy, người ta thấy tự tin và có hứng nên hát hay hơn. Nghệ sĩ chân chính như Peggy Lee thì coi đó là tột cùng của sự quý trọng nghệ thuật và khán giả. Từng chút đều phải là sự cẩn trọng kỹ lưỡng, kể cả khi tập dượt. Nhạc công cẩu thả lười biếng rất nể sợ Peggy Lee. Những người yêu nhạc thì biết yêu bà ở sự cần cù chu đáo.

Peggy Lee không chỉ biết “hát”, mà trước hết biết “ca”.

Nổi tiếng ban đầu nhờ tiếng hát, Peggy Lee được nhớ tới với giọng thổ, thì thầm mà vẫn ngọt. Có lần trình diễn trước một cử tọa ồn ào, bà cố tình hát nhỏ lại, giọng thấp dần khiến mọi người phải chú ý, lắng nghe. Lúc bấy giờ mới thấy tiếng hát bà quá đẹp. Peggy Lee rất dài hơi nên cách lấy hơi và ngắt câu (phrasing) thật chuẩn. Bà có nghệ thuật trình diễn riêng biệt, không giống ai, nên đã trở thành một trong những ca sĩ có ảnh hưởng nhất của nền tân nhạc Hoa Kỳ trong thế kỷ 20.

Bà là thần tượng ngang hàng Ella Fitzgerald hay Frank Sinatra, và những nữ ca sĩ khởi nghiệp thường vẫn nghe lại Peggy Lee để tập cách trình diễn. Với Peggy Lee, mỗi ca khúc phải được trình diễn một khác. Hổn hển hay quằn quại một cách “đồng hạng”, bài nào cũng như bài ấy, không thể là nghệ thuật Peggy Lee.

Ngoài những ca khúc đã đưa bà lên tột đỉnh danh vọng, như “Somebody Else Is Taking My Place”, “I Don’t Know Enough About You” hay “Manana”, thì bài “Fever” của Little Willie John là một “trade mark” của Peggy Lee.

Peggy Lee viết lại lời và nghệ thuật trình bày của bà khiến ca khúc được tuyển vào bốn giải Grammy, kể cả ca khúc hay nhất trong năm, tiếng ca hay nhất trong năm và đĩa nhạc hay nhất trong năm! Nghe “Fever” thì chẳng cần trống kèn om xòm, âm thanh chát chúa hay vũ bão mà vẫn lên cơn sốt trong một nhịp điệu (tempo) rất chậm…

Peggy Lee không chỉ lừng danh ở tài ca và hát.

Bà là một trong vài nữ nghệ sĩ đầu tiên của Hoa Kỳ đã viết nhạc đặt lời và trình diễn các ca khúc của mình. Thời ấy, đấy là chuyện hiếm có. Ban đầu, đi hát kiếm ăn trong đài phát thanh, ngoài tiếng ca, người nghệ sĩ đa đoan ấy còn phải dọn phòng ghi âm và… viết ký âm cho các ca sĩ khác. Nhưng, nhờ vậy mà cô bé Lọ lem trong truyện cổ tích tân thời đã tìm hiểu về cách viết nhạc, đặt lời.

Thế rồi Peggy Lee bắt đầu viết lời, kể cả làm thơ. Sau đó, viết nhạc.

Bài “Manana” đứng đầu số nghe và số bán cũng là tác phẩm của Peggy Lee từ 1948, mãi đến khi tứ quái Beattles xuất hiện mới chịu thua.

Trong lãnh vực sáng tác Peggy Lee còn cộng tác với nhiều nhạc sĩ lừng danh đương thời, kể cả Duke Ellington, Dave Grusin, Quincy Jones, Francis Lai, Lalo Schifrin, hay Victor Young, vân vân… Và hầu hết các ca sĩ khét tiếng Hoa Ky, từ jazz đến pop, đến Rythm and Blue - hay cả opera như Julia Mingenes - đều đã có đĩa trình bày sáng tác của Peggy Lee: danh mục rất dài gồm có từ Madonna hay k. d. lang ngày nay, về tới Elvis Presley, Bing Crosby, Sammy Davis Jr., Dean Martin, từ Ella Fitzgerald tới Dionne Warwick, Nina Simone, từ Nat “King” Cole, Jack Teagarden tới Perry Como, Tony Bennet hay Judy Garland, Sarah Vaughan… kể ra không hết.

Hiếm có hơn, từ năm 1952, ở tuổi 32, Peggy Lee còn viết nhạc phim.

Tác phẩm đầu tiên là “How Strange” của phim “The Bullfighter and the Lady”. Loạt tác phẩm đầu tay, ca khúc lừng danh “I Don’t Know Enough About You” do Peggy Lee trình bày năm 1946, sau này được đưa vào phim “With a Song in My Heart” với Suzan Hayward. Ngày nay chúng ta không ngờ bài hát và là nhạc đề của phim “Johnny Guitar” day dứt với vẻ u uẩn của Joan Crawford để lại ấn tượng sâu xa cho dân ghiền phim “cao bồi” vài thập niên 50 lại là của Peggy Lee. Xem phim loại nghẹt thở, “Anatomy of a Murder” với Lee Remick và James Steward, thì nhớ đến bài ”I’m Gonna Fishing” do Peggy Lee sáng tác cùng Duke Ellington. Phim “Rider on the Rain” mà Sàigòn năm xưa được xem dưới tên Pháp “Le Passager de la Pluie”, với Charles Bronson cũng có tiếng nhạc Peggy Lee.

Trước sau khoảng mười lăm phim chứ không ít.

Phim của Disney, “Lady and the Tramp”, đã để lại ấn ký Peggy Lee trong nhạc và ngoài đời. Bà viết nhạc và hát trong phim, năm 1990 còn kiện Disney để đòi tác quyền khi hãng chuyển phim sang video đem bán. Giao kèo năm xưa không có ghi gì chỉ vì thời ấy nước Mỹ chưa phát minh ra băng video! Peggy Lee thắng lớn.

Peggy Lee ca, hát, viết nhạc, làm thơ, đặt lời, và từ sân khấu âm nhạc còn bước qua màn bạc, sau khi viết cả phân cảnh kỹ thuật.
Peggy Lee trong phim Pete Kelly’s Blues

Với điện ảnh, bà diễn xuất trong “The Jazz Singer”, “Pete Kelly’s Blues” và được tuyển vào giải Oscar. Nói về giải thưởng, Peggy Lee có cả trăm, mà toàn giải lớn và bao lần được vinh danh nhờ sự nghiệp vĩ đại trải gần sáu chục năm. Ðáng yêu nhất là khi tuổi hạc đã ngồi xe lăn, tiếng hạc vẫn cất lên lanh lảnh đầy phong độ. Peggy Lee hát thiện nguyện cho hội bảo vệ phụ nữ và trợ giúp ca nhạc sĩ, tìm kiếm nhân tài trong tuổi trẻ.

Peggy Lee để lại một tấm gương khó phai của một nghệ sĩ xuất chúng. Nếu có quên hay không biết, chúng ta vẫn còn chừng 650 bài hát đã ghi âm và hơn 60 đĩa nhạc của bà….

Quỳnh Giao viết ngày 17-5-2006).
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562/posts/10208258444776795





91. Bà Mập Hót Như Chim


Những người ưa chuộng thể thao tại Hoa Kỳ thường nhớ tới một thành ngữ. Khi cuộc đấu chưa ngã ngũ, bên lép vế ưa nói: “Bà Mập chưa ca là chưa xong!” It’s not over yet!

Có thể nào dịch nổi câu ấy chăng? Dịch là “Còn nước còn tát?” Nghe bi quan quá, e chừng thua đến nơi! Hay là “Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ?” Nghe ra giọng hăm he như lời hảo hán ba mươi sáu đảo bảy mươi hai động trong truyện Kim Dung!

Montserrat Cabballé 
Bà Mập chưa ca? Until the fat lady sings… 

Thành ngữ ấy lần đầu được nghe thấy từ các nhà thờ miền Nam, nhưng vì nói đến lời ca nên đa số cho rằng nguyên ngữ là từ âm nhạc. Mà phải là âm nhạc opera cơ.

Xưa nay, chúng ta quen với hình ảnh các nữ danh ca to béo, y trang thùng thình rực rỡ và vừa cất tiếng là hội trường nín thở… Trên sân khấu opera, nhiều màn trình diễn thường kết thúc với cao điểm là một prima dona – première dame, first lady – hát lên các khúc arias nổi tiếng. Cho nên, cuộc vui chưa dứt khi nàng chưa ca.

Tại Việt Nam ngày xưa, truyện hình Tintin với danh ca La Castafiore nặng ký (Quỳnh Giao nhớ đúng tên không đây?) là hình ảnh đầu tiên của Bà Mập trong tâm trí lũ trẻ.

Ngày nay, một soprano Hoa Kỳ là Robin Follman cho là thời của các Bà Mập trên opera đã hết. Muốn thành danh ca thì ngoài thanh phải có sắc nữa. Phải đẹp như Catherine Zeta-Jones chứ không thể hùng vĩ như diva Jessye Norman mà xong. Chỉ vì thế giới opera bị Hollywood chinh phục, khán giả ngày nay chẳng những muốn nghe mà còn muốn xem, xem nhiều hơn nghe. Robin Forman nói vậy cũng được vì nàng được cả thanh lẫn sắc ngoài tài diễn xuất.
Catherine Zeta-Jones và Michael Douglas
Vì vậy, Montserrat Caballé có thể là một trong các “Bà Mập” sau cùng của sân khấu opera.

Bà có kích thước tiêu biểu của một diva, nguy nga vững chãi tựa trái núi.

Nhưng nếu biết nghe, biết nhắm mắt thưởng thức bằng tai, người ta sẽ giật mình. Tiếng họa mi hay sơn ca từ tấm thân đà điểu hay voi ngà! Montserrat Caballé là một trong các giọng soprano đẹp nhất của thế kỷ XX.

Sinh năm 1933 tại Barcelona của Tây Ban Nha, bà thành danh ca của dân Catalonia cách đây nửa thế kỷ. Năm 1965, bà bất ngờ khởi nghiệp trên sân khấu quốc tế, Carnegie Hall của New York, khi phải hát thay cho Marilyn Horn bị đau. Chưa đầy một tháng để chuẩn bị cho vai chính trong vở Lucrecia Borgia của Donizetti.

Cơ hội ấy là cơ may. Buổi trình diễn trong một vai bel cantor với giọng sơn ca thiên phú khiến Caballé lập tức trở thành đại danh ca. Tờ New York Time thời đó lập ra phương trình toán học: “Callas + Tebaldi = Caballé”. Giọng Caballé kết tụ tinh hoa của Maria Callas gốc Hy Lạp và Renata Tebaldi người Ý Ðại Lợi.

Ngay cuối năm 1965 ấy, Caballé trở lại sân khấu Carnegie Hall trong một vở hát mới tìm ra của Donizetti, Roberto Devereux. Cũng tại New York, vài năm sau bà gặp tai nạn và phải chống nạng trình diễn. Montserrat Caballé năm ấy chưa thành Bà Mập, nhưng chống nạng mà hát thì còn gì hay?

Vậy mà đời sau vẫn nhớ mãi, còn được thấy, nhất là được nghe Caballé kết thúc ca khúc với nốt "la" của chữ “ah” kéo dài hai mươi ô nhịp (20 bars hay mesures). Cử tọa một vạn người bên dưới phát điên vì sướng. Người yêu nhạc đều nhớ đến thành tích cho đến nay chưa ai vượt qua của Montserrat Caballé, là kết thúc bài ca trên những nốt cao nhất bằng một hơi dài, không hề ngắt quãng. Lảnh lót đến tận cùng với ban nhạc. 

Montserrat Caballé

Thành ngữ “Bà Mập chưa ca” từ nhà thờ chạy qua nhà hát biết đâu là chẳng do kỳ tích của Montserrat Caballé?

Thời nay mà vào studio dùng kỹ thuật điện tử chẻ vụn nốt nhạc như thái rau làm ghém thì ai cũng có thể ngân như vậy. Nhưng đấy là kỹ thuật chứ chưa là nghệ thuật, và kỹ thuật làm khổ các kỹ sư âm thanh không ít.

Tiếng ca Montserrat Cabbalé được khen là trong, chỉnh và mạnh. Trong vắt cõi thanh cao như loài chim quý, chỉnh vì được kiểm soát từng chút để ngân thật dài thật đúng, và mạnh vì thật tròn thật dầy trên những nốt cao nhất mà khi mơn trớn dịu dàng vẫn ngọt ngào như mật.

Caballé là ngôi sao opera mà cũng có lúc bước vào nhạc phổ thông. Bài Barcelona bà hát với ca sĩ nhạc rock Freddie Mercury dẫn đầu số bán năm 1987. Năm 1992, khi Thế vận hội mùa Hè được tổ chức tại Barcelona, ca khúc này được chọn làm nhạc hiệu của Thế vận.

Ở trên, Quỳnh Giao nói đến giới thể thao. Người ưa bóng tròn có thể còn nhớ đến giải UEFA tại vận động trường Barcelona năm 1999. Năm ấy, Montserrat Caballé xuất hiện, trực tiếp hát life bài ngợi ca Barcelona. Làm sao dân chúng không thấy mê mẩn?

Người nghệ sĩ ấy nay đã giải nghệ mà chưa nghỉ.

Bà đi hát cho các công tác thiện nguyện, như tại Palais Garnier của Paris để cứu giúp nạn nhân bệnh AIDS, hoặc hàng năm vẫn hát với thù lao rất rẻ cho dân Barcelona cùng nghe để khôi phục lại ngôi vị sân khấu opera của thành phố. Qua hàng loạt hoạt động thiện nguyện, Montserrat Caballé được tổ chức UNESCO mời làm Ðại sứ Thiện chí. Bà cũng là người khám phá tài năng và nâng đỡ Jose Carrera, một trong những giọng tenor đẹp nhất thế kỷ XX.

Nhưng còn thú vui riêng của mình?

Montserrat Caballé bay bổng trên âm thanh rồi về vui đùa với màu sắc và ánh sáng. Bà giải tỏa tâm trí nhờ hội họa và là họa sĩ có tài. Người ta kể rằng danh họa Miro của đất Catalonia đã để ý và yêu chuộng các họa phẩm ấy. Có lần ông còn xin đổi một tác phẩm của mình lấy một bức họa mà không biết là của Montserrat Caballé.
Montserrat Martí

Bà Mập lại từ chối!

Ðược danh họa ngợi khen và còn muốn đổi tranh thì phải họp báo chứ! Montserrat Caballé không vậy. Bà nói ra câu bất hủ, “Khi chính mình lại tin vào những lời quảng cáo về mình thì đấy là khởi đầu của kết cuộc!” Khó lắm, chứ không dễ đâu.

Khi bước ra thì tiếng hát và nhân cách của bà làm mọi người hâm mộ. Khi lui về, Montserrat Caballé chẳng để lại dấu tích om xòm, sống với chồng con trong sự phẳng lặng im ắng. Con gái bà, Montserrat Martí, hiện là ca sĩ, và niềm vui của nàng là được xuất hiện cùng mẹ.

May là nhân loại tiến rất xa nhờ khoa học kỹ thuật nên ngày nay còn có thể được nghe “Bà Mập” cất tiếng và tin rằng có Thượng đế trên đời nên mới cho con người tiếng hát tuyệt vời như vậy.

Sinh thời, có lần Mai Thảo đã chán chường nói: “Một nhà thơ, khi chết vẫn chưa chắc là người ta có gọi mình là thi sĩ không. Giá trị của thơ có khi đời sau mới biết. Ðời nay, nhiều người quá sốt ruột nên chẳng đợi người mà cứ sớm tự gọi mình là thi sĩ…”

Thế giới âm nhạc có sự phán đoán sớm hơn, nên mọi người vẫn chờ Bà Mập cất tiếng.

Quỳnh Giao viết ngày 12-4-2006.
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562/posts/10208257853842022





92. Mãnh lực Văn chương


Trước khi biết ăn (và nấu) cơm hay phở, chúng ta đã nghe (và nói) tiếng Việt.

Lời ăn tiếng nói ấy khiến chúng ta là người Việt, khác với người Hoa hay người Mỹ.

Chuyện ăn là quy luật sinh lý khiến cho thiếu ăn thì người ta có thể chết, chứ chưa nghe nói thấy ai chết vì thiếu đọc cả. Đọc là một sự chọn lựa, một quyền tự nhiên.

Nhưng, đọc chuyện quốc cấm hay viết điều trái đạo thì có khi bị vào tù, hoặc bị chôn sống. Vì thế, quyền tự nhiên, là quyền đọc và viết, có thể bị giới hạn bởi luật lệ chính trị. Nhưng quy luật chính trị nào thì cũng đổi thay, khác với quy luật vật lý, như sức hút của trái đất, hay quy luật sinh lý, như ăn để mà sống…

Thế thì tại sao mà văn chương vẫn tồn tại và vượt qua được những quy luật chính trị của một thời?

Cũng như vì sao mà ngôn ngữ Việt Nam ngày nay đã không còn những từ như “xưởng đẻ”, “Cục đường biển” hay “Cục phân bón”? Đó là nhờ khả năng đãi lọc của ngôn ngữ, của chúng ta qua ngôn ngữ.

Khả năng ấy tồn tại là nhờ… văn chương.

Văn chương thật ra chẳng có quyền lực gì cả và nói cho cùng, cũng chẳng giúp ích gì cho sự nghiệp vật chất của người đọc. Nó là một sự phù phiếm cần thiết, khiến chúng ta khác nhiều sinh vật hai chân.

Nó góp phần xây dựng nên tinh thần hợp quần của một cộng đồng cùng chia sẻ một ngôn ngữ. Chẳng vậy mà có học giả đã mạnh bạo tuyên bố “Truyện Kiều còn thì nước ta còn”. Còn là vì còn chung sống và đối thoại trong cùng một ngôn ngữ.

Mọi áp lực sử dụng ngôn từ với một nội dung nhất định đều thất bại nếu người ta còn đọc và qua đó còn khả năng đãi lọc. Văn chương có ích và thật ra cần thiết chính là nhờ thống nhất được một cộng đồng qua ngôn ngữ, một cách tự nhiên chứ chẳng nhờ bất cứ một tuyên ngôn văn học hay ngữ học nào.

Văn chương còn giúp cho cộng đồng ấy sống và tự thay đổi vì ghi nhận những thay đổi của đời sống qua ngôn ngữ.

Chúng ta đang có một “sinh ngữ” là tiếng Việt mà mình gọi là quốc ngữ, chứ không còn “tử ngữ” Hán hay Nôm, chính là nhờ văn chương, từ thế hệ các học giả tân học đầu tiên thời Pháp thuộc cho đến Tự lực Văn đoàn và những cây bút về sau.

Chúng ta không còn nói hay viết như các cụ Phan Kế Bính hay Hồ Biểu Chánh cũng là nhờ văn chương, nhờ các tác phẩm văn học xuất hiện sau mấy vị ấy. Nhờ những người như Bình Nguyên Lộc hay Võ Phiến và rất đông đảo tác giả khác.

Điều thích thú nhất trong văn chương là người đọc vẫn có quyền tự do.

Khi buông hòn sỏi thì ta biết rằng quy luật vật lý của từ trường khiến hòn sỏi sẽ rơi xuống đất. Chứ khi đã dựng lên nàng Thúy Kiều hay Loan và Dũng thì Nguyễn Du và Nhất Linh đã trao cho người đọc một quyền tự do khác.

Đó là tự do tưởng tượng.

Càc nhân vật ấy đều ra khỏi tầm kiểm soát của tác giả mà tự do bay bổng trong trí tưởng tượng của chúng ta, của người đọc. Ngay cả trong loại văn chương giải trí là truyện trinh thám, khi nạn nhân bị giết vào giờ ấy phút ấy ở nơi ấy, chúng ta vẫn có quyền suy đoán và diễn giải khác với cốt truyện.

Hãy xem các phim trinh thám lấy cốt truyện từ tiểu thuyết thì biết.

Một thí dụ gần với chúng ta hơn, đó là nhân vật Nhậm Doanh Doanh trong Tiếu Ngạo Giang Hồ của Kim Dung. Nhân dáng hay nhan sắc của nàng thật ra muôn hình muôn vẻ vì tùy vào trí tưởng tượng của chúng ta, đến độ xem phim ảnh về Doanh Doanh, ta còn cho là hay hoặc dở vì so sánh với hình ảnh của Doanh Doanh trong tâm trí “nguyên thủy” của mình.

Những tác phẩm văn chương được xem là “hay” đều có nhiều độc giả, nhưng quan trọng nhất là đều cho độc giả nhiều tầm suy tưởng khác nhau, tùy người, tùy nơi và cũng tùy thời.

Đâm ra văn học lại là tấm gương phản chiếu tâm tư của chính mình, phản chiếu những tầm suy tưởng của độc giả, mà tác giả chẳng thể làm gì được!

Các nhân vật tiểu thuyết hay văn chương ấy, như Thúy Kiều hay Tú Bà, cô Tư Hồng của Tam Nguyên Yên Đổ, chàng Vô Kỵ của Kim Dung, nàng Natasha của Tolstoy, hoặc cả Ulysses của Homer, v.v… đã từ một thế giới không thực – fiction – len lén chui vào cuộc sống rất thật của độc giả, có khi còn chi phối cả quan niệm sống của hậu thế nữa.

Mãnh lực của chất ảo trong văn chương là gây ảnh hưởng đến cái thật của đời thường. Đến độ nhiều người đã đội mũ lệch, phì phà điếu thuốc trên môi hay cài hoa trà lên tóc để được giống như người trong truyện!

Có những trường hợp mà nhân vật ảo trong văn chương lại bị đóng khung trong cách giã từ cuộc đời, hoặc trong một khuôn khổ lịch sử không thể đảo ngược.

Thí dụ như Kiều Phong trong Thiên Long Bát Bộ hoặc Trương Quỳnh Như trong mối tình của Tiêu Sơn Tráng Sĩ. Chúng ta không thể suy diễn sai rằng Kiều Phong vẫn sống hoặc nàng Quỳnh Như sau đó làm lễ vu quy với Phạm Thái và hai người mãi mãi hạnh phúc bên con cháu đầy đàn.

Kim Dung và Khái Hưng đóng khung các nhân vật của mình vào cõi tịch liêu ấy.

Nhưng, người đọc thuộc loại ngoan cố vẫn có thể luận tiếp rằng nếu sống thì sống cho hào và phải chết thì hãy chết cho hùng như Kiều Phong. Hoặc người lãng mạn vẫn có quyền mơ tưởng đến một mối tình cao khiết như của nàng Quỳnh Như. Và còn sự tù hãm nào ghê gớm hơn một tật bẩm sinh?

Người bị tật mà vẫn có con tim nức nở thì có thể tìm sự giải thoát trong văn chương với những suy tưởng về anh gù nhà thờ Đức Bà Quasimodo của Victor Hugo. Dù cực xấu ở ngoại hình thì vẫn rất đẹp trong nội tâm.

Khi viết bản Giao hưởng số Năm (Fifth Symphony), Beethoven đóng khung âm thanh trong khuông nhạc và mở đầu bằng bốn tiếng gõ của định mệnh (G, G, G, E flat). Người trình diễn không thể chạy ra ngoài bằng những sáng tạo hiện đại, nếu như muốn giữ nguyên giá trị của tác phẩm.

Người viết văn lại khác.

Tác giả mở cho độc giả một không gian viễn mơ tự do, và nếu có đóng chốt cốt truyện bằng sự thật mười mươi thì lại gián tiếp dạy ta cách sống hay cả cách chết.

Văn chương vì vậy chẳng những khuyên ta nên sống ra sao mà còn khiến ta mong ước là nên chết như thế nào. Ngoài văn chương, chỉ có đấng siêu phàm mới có tham vọng ấy, đó là Thượng Đế, là Phật, là Chúa!

Phải chăng vì vậy mà nhiều người thích viết văn?

Quỳnh Giao viết bài này ngày 23-4-2007
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562/posts/10208272666212322






93. Andrew Lloyd Webber – Tuổi trẻ tài cao


Người ta kể là thời xưa, Andrew Lloyd Webber ngưỡng mộ đảng Bảo thủ của Anh. Khi đảng thắng cử, ông ăn mừng bằng cách… tự thưởng một bức cổ họa trị giá mấy chục triệu bạc! Bạc đây là đồng Anh kim, còn nặng hơn đồng Mỹ kim. 

Andrew Lloyd Webber
Ông có thừa khả năng ấy vì là nhà sưu tầm cổ họa, có nguyên một bộ tranh trị giá mấy trăm triệu Mỹ kim. Hiện nay, ông là một trong gần trăm người giàu nhất Anh quốc, tài sản chừng một tỷ Mỹ kim. Ông còn được Hoàng gia phong là Nam tước, Baron Lloyd-Webber và có một bộ sưu tập gần hai chục giải thưởng đáng nể nhất về nghệ thuật.

Nhưng Andrew Lloyd Webber không nổi tiếng ở những chuyện… ngoài da đó.

Ông nổi tiếng là nhà soạn nhạc thành công và thành công nhất ở một vở opera làm người ta nổi da gà vì thích hơn là vì sợ.

Vở “The Phantom of the Opera” của ông đạt hàng loạt kỷ lục. Từ hai chục năm nay, vở hát được trình diễn nhiều nhất và lâu nhất tại London và Broadway lẫn nhiều sân khấu khác trên thế giới, và đạt số thu hơn hẳn bộ phim có doanh thu cao nhất cổ kim là Titanic. Truyện tình trên con tầu Titanic đem lại chỉ có hai tỷ Mỹ kim, thua xa “bóng ma trong nhà hát”, ba tỷ hai trăm triệu. Riêng số thu tại Hoa Kỳ đã lên tới 600 triệu Mỹ kim. 

The Phantom of the Opera

“The Phantom of the Opera” là nguồn doanh thu lớn nhất của lịch sử Broadway, năm nay vừa ăn đứt kỷ lục của vở “Cats”, cũng của Andrew Lloyd Webber.

Người ta tính ra là thế giới có 80 triệu người đã xem ma của Lloyd Webber, trong đó có 11 triệu người đã xem tại sân khấu New York. Nghĩ lại, Andrew Lloyd Webber quả là một nghệ sĩ kinh doanh hạng nhất. Ông cho thực hiện vở opera của mình bằng nhiều thứ tiếng, trình diễn tại mấy chục quốc gia của khắp năm châu, và là nhà sản xuất của cuốn phim cùng tên năm 2004 và vừa được tung ra vài tháng trước dưới dạng High Density DVD.

Và tiếng hát của the Phantom cho đến nay vẫn chưa dứt.

Andrew Lloyd Webber sinh tại Anh, cha là nhà soạn nhạc, mẹ là giáo sư dương cầm. Có huyết thống ấy, ông lại đi học sử! May là ông sớm bỏ sử về với nhạc và sớm thành nhà soạn nhạc danh tiếng. Người ta nói đến Andrew Lloyd Webber như một superstar từ năm 1970, khi ông mới trên hai mươi, qua vở opera ông viết theo nhạc rock, “Jesus Christ Superstar”.

Jesus Christ Superstar
Ðưa Chúa vào opera trên giai điệu rock, tác giả quả là người sáng tạo.

Kế tiếp là một chuỗi thành công như “Evita” viết về cuộc đời nàng Eva Peron, vở “Cats”, dựa trên một tác phẩm của T. S. Eliot. Sau đấy là vở “The Phantom of the Opera, xuất hiện cách nay đúng 20 năm, 1986, và ngày nay vẫn còn lẫy lừng.

Năm 1909, một nhà văn Pháp là Gaston Leroux đã viết một truyện feuilleton đăng từng kỳ trong hơn một năm trời theo thể loại vừa thần kỳ vừa kinh dị – style Gothique. Hãy nghĩ tới Lan Khai và Thế Lữ trong loại truyện ma, hoà điệu với Nguyễn Tuân trong “Chùa Ðàn”, thì có thể mường tượng ra một phần nào Le Fantôme de l’Opéra của Gaston Leroux. Truyện ấy về sau được dịch qua Anh ngữ rồi dựng thành phim, hoặc gợi hứng cho cả trăm tác phẩm khác.

Vở nhạc kịch opera Jesus Christ Superstar ở sân khấu ngoài trời.
Nhưng Con Ma của Gaston Leroux chỉ trở thành hiện tượng âm nhạc độc nhất cổ kim kể từ Andrew Lloyd Webber.

Ông viết vở này vì… vợ, cho vợ, là nàng Sarah Brightman.

Một nhân vật tật nguyền lẩn lút sống dưới… đáy hồ của nhà hát Opéra de Paris. Con người xấu xí này tự xưng là “con Ma của Hý viện” và ẩn hiện bất thường kỳ bí trong hý viện. Quasimodo của Nhà thờ Ðức Bà là người gù xấu xí nói ngọng, chứ con ma này lại yêu nhạc hát hay và rất khó tính với nghệ thuật. Ông si mê và bắt cóc một thiếu nữ trong dàn hợp xướng của Hý viện, nàng Christine, để luyện giọng cho nàng trở thành đệ nhất soprano của Hý viện…. Nàng có tấm lòng trung hậu và tiếng hát thiên phú nhưng còn thiếu cái hồn nghệ thuật.

Mối tình giữa ma và người, ác quỷ và giai nhân, lại chan hoà màu sắc sân khấu và thanh âm của nhạc, chìm sâu trong cõi u linh của mặt hồ dưới lòng đất, nức nở nghẹn ngào trên nóc Hý viện…

Andrew Lloyd Webber viết các ca khúc của nàng Christine cho Sarah Brightman trình diễn. 

Andrew Lloyd Webber
Sau này, hai người chia tay nhưng vẫn là bạn. Và chúng ta có những ca khúc thực sự “để đời”.

Trong loại nhạc pop, chúng ta đã nghe các ca khúc thịnh hành qua tiếng hát của rất nhiều ca sĩ thượng thặng, như “I Don’t Know How to Love Him”, “Don’t Cry for Me, Argentina”, “Memory” hay “The Music of the Night”. Ðấy là các ca khúc của Lloyd Webber trong những vở hát nổi tiếng nhất của ông đã lan vào đại chúng thành nhạc phổ thông.

Nếu chưa có dịp xem vở The Phantom này thì mình vẫn có thể mua DVD về xem và nghe, dù nhân vật thủ vai Con Ma (Gerard Butler) lại có giọng baryton thay vì giọng tenor như ca sĩ nguyên thủy trong vở kịch tại London và New York là Michael Crawford.

Dấu ấn của Con Ma, bài “The Music of the Night” là ca khúc tuyệt hay mà khó hát, được Andrew Lloyd Webber viết với cung Ré giáng trưởng theo nhịp 4/4, có âm vực trải trên hai octaves, từ nốt thấp nhất lên tới nốt cao nhất, La giáng, bằng tiếng ngân!

Muốn thành nam danh ca thì nên thử bài này, nhưng coi chừng bị Ma quở!

Yêu thích các tác phẩm “vượt thời gian”, chúng ta nhớ đến ba phim The Godfather do Francis Ford Coppola làm đạo diễn năm 1972, 1974 và 1990. Trong cảnh cuối của phim đầu, lễ rửa tội của đứa con gái của Michael Corleone là cơ hội cho Bố già “trẻ” Michael này ra tay diệt các đối thủ.

Andrew Lloyd Webber
Ðứa bé gái còn ẵm ngửa trong cảnh ấy là Sophie Coppola. Trong phim thứ ba thực hiện 18 năm sau, nàng thủ lại vai con gái của Michael Corleone.

Từ sân khấu qua màn ảnh, The Phantom của Lloyd Webber cũng có cảnh ngộ “vượt thời gian” 18 năm.

Khi Andrew Lloyd Webber thực hiện vở The Phantom of the Opera năm 1986, thì Emmy Rossum mới khóc chào đời. Mười tám năm sau, nàng hát trong bộ phim cùng tên. Trước đấy nàng đóng vai con gái của Sean Penn trong phim Mystic River do Clint Eastwood làm đạo diễn. Trước đấy nữa, khi lên bảy, nàng là “ca nhí” trong Metropolitan Opera. Emmy Rossum hát opera từ bé, tới khi thành thiếu nữ thì bước qua điện ảnh và kịch nghệ. Nàng trở về với opera ở trong phim là nhờ The Phantom và Andrew Lloyd Webber.
Emmy Rossum trong vai Christine,
vở 
The Phantom of the Opera

Khi tìm nữ diễn viên cho vai chính, Andrew Lloyd Webber chọn Emmy Rossum trước sự ngạc nhiên của mọi người vì nàng chưa có tên tuổi gì. Nhà soạn nhạc của chúng ta thực ra tinh đời như ma.

Ông chấm ra vẻ ngây thơ và yếu ớt của Emmy Rossum và nghe ra âm sắc rất đẹp của nàng. Có thể Andrew Lloyd Webber còn thấy một đức tính khác của cô bé năm đó mới có 16 tuổi: Emmy là người có chí.

Ðể hoàn toàn nhập vai Christine, Emmy tập vũ ballet, rồi từ New York bay qua Paris nghiên cứu trong viện bảo tàng bộ tranh của Degas về các nữ vũ công rồi lên nóc Opera hít thở không khí cô đơn trong đêm vắng, chui xuống hầm ẩm tối để cảm ra cõi sống âm u của The Phantom.

Ở cô bé ấy, chẳng có gì là ngẫu hứng mà là một sự chuyên cần.

Ở Andrew Lloyd Webber cũng thế.

Ông soạn 16 vở ca vũ nhạc, viết nhạc phim và thực hiện nhiều vở hát qua một công ty ông thành lập tại Luân Ðôn, có tên là The Really Useful Group.

Trong tương lai không xa, chúng ta có thể được xem vở Sunset Boulevard (Ðại lộ Hoàng Hôn) của ông sẽ được dựng lại thành phim. Ông là người đi trên đại lộ thênh thang của nghệ thuật sân khấu, nhưng còn lâu mới bước vào hoàng hôn.

Andrew Lloyd Webber sinh năm 1948, còn quá trẻ!

Quỳnh Giao viết ngày 28-6-2006
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562/posts/10208272216921090





94. Mê Giầy


Hơn hai chục năm về trước, báo chí thế giới có nói đến bà vợ ông Tổng thống Phi Luật Tân là một người mê giày. Chẳng là vì khi chuyện quốc sự đã tan tành và hai ông bà phải lưu vong qua Hawaii, người ta khám phá là bà Imelda Marcos này có tới ba ngàn đôi giày ở trong dinh!

Phải chi một nữ minh tinh màn bạc và kiếm ra tiền nhờ tài nghệ của mình mà có ba ngàn đôi giày thì cũng chẳng sao. Biết đâu chừng còn được các hãng giày mời làm người mẫu, hay người quảng cáo. Nhưng là một "công bộc của nhân dân" như bà Marcos thì... hơi quá. Cứ cho rằng mỗi ngày mình đi một đôi buổi sáng một đôi buổi chiều thì cũng phải năm năm mới lại xỏ chân vào một đôi giày cũ, đã thành hết "mốt"...

Là một minh tinh màn bạc, Arnold Schwarzenegger cũng có tật... Imelda. Năm xưa, chàng đã tự xưng mình là một "major shoe queen" - một kẻ mê giày.

Bây giờ, Arnold không còn là The Terminator mà đã thành "The Governator", Thống đốc Tiểu bang lớn nhất Hoa Kỳ. Phải trịnh trọng gọi bằng ông mới là phải phép.

Vì ông Schwarzenegger không sinh trên đất Mỹ nên theo luật lệ Hoa Kỳ không thể ứng cử Tổng thống được, mặc dù đảng Cộng Hoà của ông rất muốn điều ấy, đến độ có người đòi tu chính Hiến pháp Hoa Kỳ để ông có thể ra tranh cử. Với phu nhân là nhân vật nổi tiếng bên đảng Dân Chủ, ông mà ra tranh cử là coi như ông McCain vất vả to. Khi ấy, đôi bàn tay hộ pháp của ông Thống đốc Cali sẽ bắt cá với cả hai tay. Nhưng còn đôi chân? Ông sẽ đi giày gì vào tòa Bạch Ốc?

May là chuyện ấy không thành nên báo chí khỏi truy xem ông có nhiều giày bằng bà Marcos ngày xưa hay chăng! Một shoe queen mà làm tổng thống thì đến Mỹ cũng phải sợ!

Từ chuyện vẩn vơ ấy, người ta mới thấy ra sự lạ, là xưa kia, các ông ít trưng diện hơn các bà. Cho nên nếu có vài ba đôi giày thì coi như đã đủ, vài chục là quá nhiều. Mà nói vậy cũng thành lạc hậu rồi, ngày nay các ông chịu khó trưng diện hơn xưa nhiều lắm và mê giày như Schwarzenegger không còn là trường hợp hãn hữu. Nhưng họ rón rén đi với vẻ kín đáo hơn các bà. Ngồi đâu cũng tránh rung đùi để khoe đôi giày mấy ngàn bạc của mình.
Là tài tử nổi tiếng, lại là dân chơi giày, tên tuổi của Arnold
trở thành mốt thời thượng nhiều loại giày bốt.

Trừ có một ông Tổng thống bị dân Mỹ chê là ruộng nhất.

Trong một bức ảnh kỷ niệm của đại gia đình Bush, với mọi người đều mặc dạ phục loại black tie, ông Bush ngồi giữa, mặc tuxedo màu đen nhưng không đi hài đen mà đi đôi bốt cổ truyền của dân MidWest. Sự nhượng bộ duy nhất của ông với thời trang là một đôi bốt đen, da láng. Trông cũng không đến nỗi tệ và làm ấm lòng những người Mỹ thuần túy ưa chuộng nhạc "country" - mà dân mình đôi khi chê là nhạc ruộng, nhạc đồng quê tức là nhạc nhà quê!

Mà đã nói chuyện vẩn vơ về đôi hài, vì sao không đọc bài thơ Giục Giã của Xuân Diệu?

Khi ông viết "Những vườn xưa, nay đoạn tuyệt dấu hài", những người không biết chuyện đều kết luận rằng đấy là dấu hài của phụ nữ. Sai lắm lắm! Xuân Diệu có thể làm thơ gọi người bạn trai là em. Cho nên "dấu hài" ấy có khi là đôi giày của nam phái. Biết đâu chừng còn là... đôi dép râu!

Trong các tài tử điện ảnh, George Hamilton là người bảnh trai có hạng, và đủ diêm dúa để đóng vai một chàng Zorro hơi có máu đồng bóng, có màu đồng tính. Trong phim Godfather thứ ba, chàng thủ vai một consiglieri - cố vấn - cho ông trùm Michael Corlenone, nhưng vì quá đẹp trai đến gần như đẹp gái, đâm ra chàng thiếu vẻ gồ ghề cần thiết cho một quân sư của làng dao búa như Robert Duvall trong hai phim trước. 

Cho đến nay, George Hamilton chưa là một khuôn mặt nổi, dù cũng thuộc loại mê giày có hạng.

Khi qua Âu Châu quay phim "Bố Già", George Hamilton khuân theo hai rương giày. Quan thuế Ý chặn lại diễn viên này mà không biết là ai. Cứ ngỡ là một anh rao bán giày và xua tay cho đi. Hamilton đau tới mười ngón chân khi bị hiểu lầm như vậy. Mà cũng chẳng oan vì ngoài đời, chàng là người quảng cáo cho hãng giày nổi tiếng của Anh là GJ Cleverley & Co. Hãng giày xưa kia đã được Humphrey Bogard chiếu cố.

Nếu mình không biết giày Cleverley là gì thì cũng đừng buồn.

Chỉ có những người trong cuộc, thường hay cúi đầu ngó xuống chân, mới biết tên loại giày đó, như giày Gallo của Ý, hay John Lobb của Anh. Người ta kể rằng muốn thửa một đôi giày Lobb thì phải đợi cả năm, và đo chân nhiều lần. Những người nóng ruột muốn phải có giày lập tức thì được nhà Lobb mời qua bên kia đường vì bị cho là không đáng đi giày của họ! Và lẽ tất nhiên giày Lobb hay Cleverley hay Gallo thì không phải là vài trăm một đôi. Đắt hơn giày các bà rất xa.

Khi các ông mà trả thù thì thường hay tốn kém như vậy đấy!

Trong các tài tử điện ảnh, có một người chúng ta thoáng thấy tuần qua trong lễ phát giải Academy Awards là George Clooney. Chàng xuất thân là thợ giày, đã làm việc trong một xưởng giày ở tiểu bang Kentucky. Nhưng phải chăng vì vậy mà chàng hết mê giày? Những người tò mò có nhận thấy rằng qua nhiêu năm đi quay phim George Clooney vẫn chỉ đi một đôi giày Rockport màu da nâu đã mòn cả mũi lẫn gót! 

Cùng cảnh ngộ, có Pierce Brosnan ngày xưa hay đóng vai James Bond. Những người mê xem phim điệp viên 007 có để ý thấy đôi giày của chàng. Trong phim Tomorrow Never Dies quay năm 1997 và qua phim The World is not Enough thực hiện hai năm sau, chàng điệp viên của Nữ hoàng vẫn bay nhảy, đấm đá với cùng một đôi giày, của hãng Church.

Khi mê giày, nam và nữ có khác nhau gì không?

Các nhà sản xuất và nghiên cứu đều có nói tới một khác biệt. Các bà sẵn sàng chịu đau để được đẹp, nên rất chú trọng tới kiểu dáng của đôi giày. Ngược lại, các ông lại sợ đau hơn các bà, đẹp thì càng hay, nhưng trước hết là phải vừa chân và phải êm đã. Các ông còn có một tiết mục cần chú ý là giày và dây lưng phải tiệp màu y như giày và ví của các bà.

Đi giày nâu mà đeo dây lưng đen là người chưa biết điệu!

Có một điều mà ít ai chú ý rằng đôi giày cũng phản ảnh tâm tính con người, và vì ít được để ý, nó là vật dụng cho thấy cá tính thầm kín của người chủ. Khi đi xin việc bên Mỹ này, nhiều người chịu khó ăn mặc cho đúng phép, nhưng lại ít để ý tới đôi giày, trong khi ấy các nhà tâm lý lại trước tiên ngó xuống đôi giày của khách xin việc. Có sạch không, có đánh xi và buộc dây tươm tất không. Đỏm dáng quá thì có khi mất việc, mà bê bối quá thì cũng chẳng được nhận.

Châm ngôn ở đây là lâu lâu ta cũng nên nhìn xuống và đừng lãng quên đôi giày đến độ ba năm chửa biết có xi là gì.

Đọc đến đây rồi, quý độc giả thử ngó xuống đôi chân xem...

Quỳnh Giao viết ngày 26-02-2008.
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562






95. Pavarotti Yên Nghỉ



Mùa Hè năm 2007, khi chúng tôi đặt chân lên đất Ý thì Luciano Pavarotti đã yên nghỉ từ hôm trước. Nhưng cảm giác ngậm ngùi luyến tiếc là của riêng du khách yêu nhạc. Chứ nước Ý đã lãng quên một danh ca của thế giới.

Luciano Pavarotti
Trước khi tới Ý, du khách đã có thể tưởng tượng ra một lễ quốc táng bằng nhạc kéo dài nhiều ngày. Chắc rằng từ phi trường về tới Thủ đô Roma của Ý Đại Lợi, du khách sẽ chỉ nhìn thấy hình ảnh của Pavarotti, trên bích chương theo tường, trên mặt nhật trình và ngoài bìa những đĩa nhạc đủ loại của đại danh ca Opera này.

Rồi từ Roma qua Siena, Firenze (Florence), lên Venice và về lại Roma, có lẽ đâu đâu cũng thấy tràn dâng niềm tiếc thương, Pavarotti có mặt trên máy bay, xe buýt, trong khách sạn, ngoài bờ nước. Suốt một tuần dài, bài Nessun Dorma trong vở Turandot của Puccini đã như thành quốc ca của Ý.

Đấy là một sự lãng mạn hão huyền!
Chỉ vì người Ý cũng có thành ngữ "bụt chùa nhà không thiêng".

Chúng tôi không còn thấy gì, từ hình ảnh đến âm thanh, về Luciano Pavarotti. Trên xe buýt đi tới Venice, hành khánh có được nghe nhạc, nhưng là Andrea Bocelli hát với Sarah Brightman các ca khúc của Andrew Lloyd Weber!

Duy nhất, rơi rớt lại trên một tờ lá cải Ý là chi tiết về tài sản của ông. Ba trăm triệu Euro, chia đôi cho các con và bà vợ trẻ.

Ngạc nhiên rồi bùi ngùi. Nỗi nhớ thương của dân Ý cho Pavarotti lại nhạt nhẽo như vậy? Không hiểu nổi!

Về đến nhà mới đọc thấy một cái tin cảm động.

Một tỷ phú Nga vừa tung ra 25 triệu Anh kim, 50 triệu Mỹ kim, để mua lại các di vật của nhạc sĩ Mtislav Rostropovich mới tạ thế hồi tháng 7, đang được nhà Sotherby bán đấu giá Luân Đôn.

Mộng ước của viên tỷ phú là có ngày đem di vật của Rostropovich về Nga. Người ta nói rằng ông muốn bày tỏ lòng ái quốc vì sắp ra tranh cử. Không biết nước Ý sắp có bầu cử hay không, nhưng chắc rằng Pavarotti chỉ để lại ở hải ngoại những cảm tình trong lòng người yêu nhạc, chứ ông không phải lưu vong như Rostropovich.

Những người yêu nhạc thì nói rằng thế kỷ 20 đã mở ra với tiếng hát Caruso và kết thúc với Pavarotti. Kết thúc cao ngất trên nốt Do ngoài dòng kẻ (High C) của Pavarotti. Người nghiên cứu về âm thanh cho biết rằng một tay tenor mà hát tới nốt đó thì thanh quản phải rung... 500 lần trong một giây. Có là báu vật của trời mới hát như vậy.

Nhớ lại khi còn ở nhà, tại Hoa Kỳ, tin Pavarotti tạ thế ngày mùng 5 tháng 9 sau một cơn bạo bệnh đã gây xúc động cho mọi người yêu nhạc trên thế giới. Báo chí sớm loan tin với nhiều bài viết về ông Vua của các nốt High Cs cao ngất.

Đấy là lúc chúng tôi chuẩn bị lên đường thăm viếng Ý Đại Lợi. Tới nơi vào mùng 9 thì ông đã an nghỉ ở quê nhà là thành phố Modena, và quê hương ông đã hờ hững với tiếng hát được tôn vinh là nổi tiếng nhất trong các danh ca Opera của thế giới.

Có người đã ví von, rằng thế giới có các danh ca Opera, và có Pavarotti.

Nổi bật, đứng ở bên ngoài, đứng ở trên cùng. Hai danh ca từng hát chung với ông trong "The Three Tenors" trong 13 năm liền, là Placindo Domingo và José Carreras, không thấy tỵ hiềm gì về sự so sánh ấy. Có lẽ họ đã thấy như vậy từ 35 năm trước, 1972, khi Pavarotti dễ dàng dứt điểm với chín nốt Do cao nhất trong vở "la Fille du Régiment" của Donizetti trên sân khấu Metropolitan Opera của New York. Người duy nhất hát đúng cung bậc chói lọi của Donizetti. Các nghệ sĩ khác đều phải xuống một bậc.

Đêm ấy, ông được khán giả Mỹ vỗ tay mời ra chào 17 lần. Mới chỉ là bước đầu cho kỷ lục độc nhất cổ kim là 165 lần được mời ra nhận sự tán thưởng.

Nghe ông hát và ngân trên những giai điệu sáng như vậy, ta ngỡ rằng cảm được sự thoải mái của một giọng ca thiên phú. Thật ra, Pavarotti là người... run nhất.

Như nhiều người Ý, Pavarotti rất mê tín, gặp loại bài khó diễn tả như vậy là ông... thủ bùa trong túi. Một cây đinh bẻ cong. Và buông ngay một tiếng "phỉ phui" (Mallochio!) nếu có ai nói điều gở.

Đi đâu, làm gì, ông cũng chuẩn bị sẵn một số đồ vật quen thuộc, cả máy pha cà phê đậm đặc theo lối espresso của Ý... và chai rượu chát. Khi hát, Pavarotti cũng có nhãn hiệu riêng là tấm khăn tay trắng, thật ra để lau mồ hôi của một thân thể quá khổ. Đã có thời ông cân nặng đến 300 pound, hơn một tạ! Chẳng những yêu nhạc, Pavarotti còn ham ăn, và có vóc dáng rất hưởng lạc của một nhân vật Ý thời Phục Hưng. Như Francis Ford Coppola tại California!

Nếu sống bên Mỹ, có khi ông đã được dụ dỗ lập ra một hãng bán sốt cà chua hay món pasta đặc thù của Ý, với nhãn hiệu là một clé de Fa, quấn quít với tên Pavarotti. Pavarotti có vần với macaroni chứ!

Nhưng ở đằng sau cái vẻ nhàn hạ của tiếng hát thiên tài là cả một sự công phu khổ luyện. Luciano Pavarotti là tác giả của câu nói bất hủ: "mạng sống một ca sĩ nhiều khi chỉ treo trên một nốt nhạc”. Không yêu nhạc và kính trọng khán thính giả, chẳng ai lại treo mạng sống của mình trên đó cả.

Sau cùng, mạng sống của ông lại treo trên ống nước biển và thuốc men trong nhà thương.

Đầu năm 2005, khi Pavarotti chuẩn bị chuyến lưu diễn để giã bạn, ở đúng tuổi 70, nhiều người đã mong sẽ có dịp được thấy, lần đầu hay lần cuối, một ca sĩ ngoại khổ như vậy. Không ngờ là ông đã cắt chuyến lưu diễn vì khám phá ra bệnh ung thư lá lách. Và tới cuối năm 2006 thì vào bệnh viện, trước khi từ giã hoàn toàn và trả lại nốt nhạc cho nhân thế, một nốt nhạc treo thật cao trên đỉnh trời.

Opera là một thể loại nghệ thuật trình diễn kén người nghe và người xem. Nội dung vở hát có thể rất gần với các vở cải lương của chúng ta, với nhiều tình huống éo le đôi khi đầy kịch tính. Nhưng, đó là vở cải lương với nhạc thuật siêu hạng và đòi hỏi người hát phải trình diễn với một dàn nhạc lớn. Dù có thể không hiểu ngoại ngữ, tiếng Ý, tiếng Pháp hay tiếng Đức, người yêu Opera vẫn biết thưởng thức, và nhiều khi vì yêu nhạc mà tìm đến lời.

Khai mạc Italia Fifa World Cup '90
Trên đỉnh danh vọng của nghệ thuật Opera, Luciano Pavarotti lại làm chuyện ngược đời.

Là bước xuống, đi ra, hát những đoản khúc aria nổi tiếng nhất của sân khấu Opera cho quần chúng, cho cả trăm ngàn người. Tại Hyde Park của Luân Đôn là 150 ngàn người. Ở công viên New York là nửa triệu khán giả. Không những vậy, Pavarotti còn đồng diễn với các ca sĩ nhạc rock, nhạc pop hay những tài năng mới mà ông rất ân cần nâng đỡ. Đã thế còn hát những bản tình ca phổ thông của Ý Đại Lợi, từ bài O Sole Mio với nốt láy nhảy nhót tới bài Turna di Sorrento với giọng ca át cả dàn trống.

Là một người ái mộ túc cầu, cùng Domingo và Carreras, ông đã hát cho giải Vô địch Túc cầu Thế giới tại Roma năm 1990 và là thần tượng của các cầu thủ bóng đá. Qua tiếng hát của ông, bài Nessun Dorma trở thành nhạc hiệu của giải túc cầu năm đó. Đem Opera vào sân vận động hát cho giới thể thao, dễ thương chừng nào!

Một bậc sư như vậy mà lại la cà với quần chúng, hát cho phường tục tử nghe thì quả là đáng tội! Ông bị những người quá thiết tha với sân khấu Opera chê là đã hạ mình hát cho đám đông, vì mục đích thương mại. Họ châm biếm nhạc Opera của Pavarotti là Popera, opera cho quần chúng. Người Pháp chua ngoa thì dùng một thành ngữ ác độc, "như cho chó ăn phó mát". Người tử tế hơn thì bảo rằng ông cho quần chúng ăn macaroni.

Sân khấu ngoài trời ở New York
Quan điểm của ông? "Mà thương mại thì đã sao? Nếu càng có nhiều người nghe thì càng tốt chứ?"

Trả lời một câu phỏng vấn của Larry King về việc hát cho giới ưu tú nghe, Luciano Pavarotti hỏi ngược lại: "Tại sao lại phải có giới ưu tú ở trong nhạc?"

Khi ông tạ thế, từ vua chúa tới các lãnh đạo gần xa, từ danh ca tới nhạc sư nhạc trưởng, từ New York tới Tokyo, đâu đâu cũng có lời ngậm ngùi luyến tiếc. Điều đáng tiếc nhất là chỉ một ngày sau, ngay trên quê hương của ông, người ta không còn thấy một sự luyến tiếc nào nữa.

Bỗng nhiên du khách lại nhớ tới lối phê phán khắc nghiệt của thành ngữ Pháp.
Quần chúng đó được ông kéo lên, khi ông buông tay, họ rơi về chỗ cũ.

Pavarotti sinh năm 1935 và mất năm 2007, tròn 72 năm, sau 40 năm làm thay đổi ca nhạc quý tộc của thế giới.

Quỳnh Giao viết ngày 18-9-2007.
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562





96. Claude Debussy – Ðông phương và Hiện đại


Claude Debussy không muốn viết symphony nữa.

Với ông, bản Giao hưởng số Chín của Beethoven đã là symphony tuyệt mỹ. Không ai làm đẹp thêm cho sự tuyệt mỹ.

Năm 1901, Debussy cho rằng Symphony số Chín của Beethoven là tác phẩm của thiên tài, nó đã tự giải phóng khỏi những khuôn khổ xưa cũ và các bản giao hưởng sau này càng chứng minh điều ấy. Ông làm phật ý nhiều tác giả cùng thời đại. Họ còn khó chịu khi Debussy cho rằng “chúng ta phải mở toang cửa để nhìn ra khung trời bên ngoài”.

Claude Debussy (1862-1918)
Họ chờ xem ông mở cửa ra sao, và khoảng trời bên ngoài ấy là gì.

Claude Debussy mở ra nhiều khung trời khác và được giới phê bình âm nhạc tôn vinh là “Cha đẻ của Âm nhạc Hiện đại”. Thật ra, ông còn là người đem giai điệu Ðông phương vào nhạc cổ điển Tây phương.

Achille-Claude Debussy sinh năm 1862 trong một gia đình bán đồ sứ tại St-Germain en Laye gần Paris. Khi cửa hàng bị khánh tận, thân phụ ông dẫn con cái vào Paris sinh sống. Ông học ở nhà với mẹ và may mắn có thân phụ là người rất mới. Ông cụ cho cậu bé được tự do phóng trí tưởng tượng tới những cõi xa vời nhất, và còn muốn con đi lính thủy để phỉ chí tang bồng.

Nhưng mộng hải hồ của cậu bé lại phiêu du vào nhạc.

May cho Debussy, ông có bà dì tương đối dư giả, nhờ bà cụ mà được học với Mme Fauté de Fleurville, học trò của Chopin và nhạc mẫu của Verlaine. Sẵn có năng khiếu về nhạc, lại được thầy giỏi nên năm 1872 đã được tuyển vào Nhạc viện Quốc gia (Conservatoire National de Paris), khi mới lên mười.

Claude Debussy học trong đó 12 năm liền, về nhạc lý, dương cầm, hoà âm, phối khí và soạn nhạc với một số người thuộc bậc nhạc sư của thời đại, kể cả Jules Massenet. Mười lăm tuổi tốt nghiệp dương cầm, nhưng chỉ là á khoa, vài năm sau mới ra thủ khoa về hoà âm.

Cậu bé học chuyên cần nhưng gây khá nhiều vấn đề cho các giáo sư. Họ không hiểu được cái đầu rất cứng hay cái tai quá mới của cậu bé. Thày dạy về hòa âm là Emile Durand có lần nói với cậu học trò cứng đầu: “Thầy không nói rằng điều anh viết là không hay, có điều nó vô lý về lý thuyết!” Cậu học trò gân cổ với câu nói để đời:

“Âm nhạc chẳng có lý thuyết, chỉ có cái tai. Nghe thấy sướng thì đấy là nhạc pháp!”
Google tưởng nhớ sinh nhật thứ 151 của Claude Debussy 
Sau khi tốt nghiệp, Debussy được đi khắp nơi, từ Ðức tới Thụy Sĩ, tới Nga tới Ý. Ông học hỏi từ nhiều nhân vật nổi danh cùng thời đại trước khi trở lại Paris làm bạn với các nhà thơ Rimbaud, Baudelaire, Verlaine, Mallarmé, các tay danh họa trường phái ấn tượng như Manet, Monet hay Pissaro…

Debussy có chí chuyên cần, nhưng trước hết, có sự hiếu kỳ với rất nhiều bộ môn nghệ thuật. Là người muốn biết hết mọi chuyện của thời đại, ông nghiên cứu tìm tòi về đồ gốm, hội họa, về tranh mộc bản của Nhật…. Con người đó đi đã nhiều, lại nghe nhiều đọc nhiều và biết rất nhiều về thơ và họa. Vốn liếng giang hồ và nghệ thuật ấy, sau này ông trút vào nhạc.

Nhưng chuyến phiêu du có ảnh hưởng nhất tới sự nghiệp âm nhạc của Debussy là tại Paris. Trong cuộc Ðấu xảo Quốc tế, Exposition Universelle de Paris năm 1889, đôi tai thực sự “phá cách” của ông bắt được những rung động mới của nhạc ngũ cung Ðông phương qua một dàn nhạc đến từ một xứ sau này có tên là Nam Dương, là Indonesia.

Những tiếng chiêng cồng, trống sáo, não bạt hay các bộ gõ ròn rã của đảo Java - rất gần gũi với loại nhạc cổ truyền của dân tộc thiểu số ở nước ta - đã mở ra cho Claude Debussy không gian mới của nhạc. Ông bước khỏi khung cửa của nhạc thuật Tây phương và giã từ trường phái lãng mạn.

Âm sắc chói lọi, tiết điệu dậm dật và hoà âm rực rỡ của Á Ðông xa lạ đã ảnh hưởng tới cách viết nhạc của ông. Từ đấy, Claude Debussy muốn làm hẳn cuộc cách mạng là đem âm giai ngũ cung và những bộ gõ hay trống, sáo vào nhạc Tây phương. Tất nhiên là đụng vào sự hoài nghi ngờ vực của thiên hạ.

Claude Debussy vẽ tranh bằng nhạc và diễn tả với màu sắc táo bạo của âm nhạc Á Ðông.

Ông mất ba năm mới hoàn tất một tác phẩm không đủ dài để là một bài giao hưởng, chỉ có 25 phút, nên được gọi là “ba phác thảo giao hưởng” vẽ ra biển xanh. Bài “La Mer” của ông mở đầu với hình ảnh đại dương từ bình minh tới buổi trưa. Nghe như sóng biển dạt dào, rồi cuồng nộ bất ngờ và trải tới không gian vô tận. Kỹ thuật chuyển điệu mới lạ và nhịp tiết đột biến là điều gì vẫn còn mới vào thời của ông.

Một tác phẩm khác còn độc đáo ly kỳ hơn.

Lấy cảm hứng từ một bài thơ thuộc trường phái tượng trưng của Stéphane Mallarmé, bài “L’après-midi d’un faune”, ông viết một nhạc khúc chỉ có 10 phút cho dàn nhạc, nhưng là một minh họa bằng nhạc cho thơ. Viết năm 1894, bài “Prélude à l’après-midi d’un faune” của Debussy được coi là một bước ngoặt cho âm nhạc Tây phương. Bài “Prélude…” sở dĩ có tên là “Dạo khúc dẫn vào giấc trưa của thần Ðiền dã” (nhân vật thần thoại La Mã, đầu người, có sừng, chân dê) vì Debussy trù tính viết ba nhạc cảnh, mở đầu, chuyển khúc và kết thúc.

Ông không viết tiếp hai cảnh sau, nhưng cũng đủ cho đời.

Thời ấy, khi được trình diễn lần đầu, bài “Prélude” đã bị giới phê bình chê bai. May là những người yêu nhạc lại có tai thính hơn và cái tâm rộng hơn giới phê bình. Nhạc khúc được Âu châu nồng nhiệt đón nhận và còn được soạn lại cho màn vũ của Vaslav Nijinski. Một họa sĩ có thể bố trí màu sắc và ánh sáng để diễn tả cảm quan hay nhận thức của mình. Claude Debussy dùng âm thanh, những tiếng đậm nhạt hay du dương của từng nhạc cụ, nhất là sáo, để minh họa ý thơ.

Nhạc không lời vốn đã khó cảm nhận vì quá trừu tượng. Minh họa bài thơ bằng nhạc, với giai điệu Á Ðông, là một trò chơi cực khó. Claude Debussy làm được chuyện đó. Nhạc sĩ kiêm nhạc trưởng Pierre Boulez gọi bài này là “sự thức giấc của nhạc hiện đại, với tiếng sáo đã thổi một sinh khí mới vào nghệ thuật âm nhạc”.

Nhiều nhà nhạc học còn nghe thấy trong đó nghệ thuật ngẫu cảm của jazz. Ðiều ấy không ngoa. Nhà viết nhạc jazz nổi tiếng là Chick Corea đã coi Claude Debussy là nhà soạn nhạc cổ điển quan trọng nhất trong đời ông.
Đài tưởng niệm Claude Debussy ở Paris

Claude Debussy từ trần vì ung thư năm 1918, ngay trước khi Ðại chiến Thế giới bùng nổ. Ông để lại cho hậu thế bài “La Mer”, “Prélude à l’après-midi d’un faune”, hơn một chục ca khúc, hai cuốn nhạc soạn cho dương cầm, nhiều bài sonatas, một nhạc khúc cho ban tứ tấu đàn dây và một vở opéra, “Pélléas et Mélisande”, cũng lấy cảm hứng từ thơ, của Maeterlinck.

Sinh thời, Claude Debussy được mệnh danh là “Claude de France” vì tranh đấu cho một trường phái âm nhạc ông muốn là tiêu biểu cho nước Pháp. Có khi chỉ vì thiên hạ nghịch ngợm sánh ông với vị minh quân “Louis de France”, vua Louis XIV cũng sinh cùng nơi.

Thực ra, hơn là một danh nhân của Pháp, ông trở thành con người của thế giới, một trong những nhạc sĩ có ảnh hưởng nhất thế kỷ XX. Ông là người đoạn tuyệt với dòng nhạc lãng mạn của thế kỷ trước và mở ra dòng nhạc ấn tượng cho âm nhạc chúng ta gọi là đương đại ngày nay.

Claude Debussy kết hợp những rung động Ðông-Tây và tự do mở tung cửa bước tới những chân trời mới. Chúng ta hãy chịu khó nghe nhạc của ông thì sẽ có lúc thấy quen quen.

Quỳnh Giao viết ngày 19-7-2006).
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562
________________________________________________________

Xem tiếp >>>  MỤC LỤC PHẦN 1 - PHẦN 2 - PHẦN 3 - PHẦN 4 - PHẦN 5 -