Tạp Ghi @ Quỳnh Giao (4)

TẠP GHI @ QUỲNH GIAO

PHẦN 4

37. Rimsky-Korsakov: Thanh âm của Màu sắc.
38. Yêu Đến Dại Khờ.
39. Steinway, Báu Vật Dâng Trời.
40. Trở Về Một Khúc Bi Ca.
41. Giải Mã Âm Nhạc.
42. Quỳnh Giao viết về Nguyên Sa
43. Tạm Biệt Tiếng Hát Duy Trác.
44 . Hoài Bắc Phạm Đình Chương, Một Thời Đã Qua...
45. Một Bụng Đầy Sao.
46. Ave Maria của Gounod.
47. Đi Như Ngày Tháng, Xin Thong Thả...
48. Giới thiệu Chương Trình (Quỳnh Giao làm MC!)
______________________________________________________




37. Rimsky-Korsakov: Thanh âm của Màu sắc


Có lẽ, Rimsky-Korsakov đã chọn ngày ra đi là ngày hạ chí, ngày mà mặt trời soi sáng Bắc bán cầu lâu nhất trong năm. Ngày dài nhất và đêm ngắn nhất. Ông là người cần ánh sáng cho âm nhạc của mình.
Nikolai Rimsky-Korsakov là nhạc sĩ người Nga, thuộc dòng quý tộc và đáng lẽ đã trở thành một sĩ quan Hải quân ưu tú của Quân đội Sa hoàng.

Tranh Chagall, quảng cáo cho nhạc Rimsky-Korsakov.
Trong một phim hư cấu về đời ông, “Song of Scheherazade”, Jean Pierre Aumont thủ vai chàng Sinh viên Sĩ quan Rimsky-Korsakov của trường Võ bị Hải quân tại St. Petersburg đã có một câu trả lời thượng cấp: “Là một danh tướng có thể làm Tổ quốc vẻ vang? Không, là một nhạc sĩ, tôi sẽ làm nước Nga còn vẻ vang hơn!”

Sau này, chàng quyết định bỏ binh nghiệp và mộng hải hồ để trở thành nhạc sĩ! Và trở thành một trong mấy nhà soạn nhạc tiêu biểu nhất của Nga, có những môn đệ lừng danh sau này như Alexander Glazunov, Sergei Prokofiev hay Igor Stravinsky…

Những người thích nhạc cổ điển loại ồn ào rắc rối như ảo thuật của gánh xiếc thì rất ưa “The Flight of the Bumblebee”. Rimsky-Korsakov dùng nhạc để tả một con ong đất bay lòng vòng trong không gian. Vui tai và lý thú lắm. Nhưng nếu nghe cho kỹ, người ta còn thấy cả ánh nắng chan hoà trong nhạc khúc.

Nói về màu sắc, bài “Song of India” trong vở “Sadko” của ông vẽ ra cảnh sắc bát ngát của dòng sông, nghe thấy nỗi buồn miên man tuôn chảy trong nắng chiều đỏ ối.

Rimsky-Korsakov là nhà soạn nhạc, nhạc sĩ và giáo sư âm nhạc, nhưng ông có thể là một họa sĩ vì thật sự nhìn thấy màu sắc trong các nốt nhạc.

Như Baudelaire, Liszt hay Rimbaud, ông mắc bệnh hay có cái năng khiếu được giới khoa học gọi là “synaesthesia”. Trong bộ não dị thường của họ, cảm nhận của một giác quan lại dẫn đến một ấn tượng khác cho một giác quan khác. Rimsky-Korsakov là người synaesthete về âm thanh. Nghe nốt Do, ông nhìn thấy màu trắng, nốt Ré toé ra màu vàng, nghe nốt Mi ông thấy lấp lánh màu sapphire và nốt Sol qua tai ông lại chói lọi trước mắt màu kim nhũ…

Rimsky-Korsakov
Quỳnh Giao ngờ rằng Trịnh Công Sơn cũng có thể là trường hợp tương tự. Hãy nghe “Vàng Phai Trước Ngõ” mà… xem.

Người thưởng ngoạn thì chỉ có thể kết luận là trong thơ có nhạc hay trong nhạc có họa, chứ nhiều khi không biết được rõ tiến trình cảm nhận và sáng tác của những hiện tượng đặc biệt ấy. Phải chăng vì vậy mà thơ hay nhạc của họ có những hình ảnh siêu thực bất ngờ và rất nhiều màu sắc?

Rimsky-Korsakov sinh năm 1844, đã để lại nhiều tác phẩm âm nhạc cho hậu thế, có ca khúc, có hợp khúc, 15 vở opera về lịch sử hay thần thoại Nga, đã nghiên cứu và khai triển dân ca lẫn nhạc dân tộc lẫn thánh ca. Dù có năng khiếu âm nhạc từ nhỏ, ông không được học nhạc mà là người tự học. Ông chuyên cần tự học, nào hoà âm, đối điểm đến trình độ trở thành nhạc trưởng, giáo sư dạy về soạn nhạc và phối khí, chủ biên về nhạc mà vẫn sống rất ngăn nắp với gia đình.

Chính là nỗ lực tìm tòi học hỏi ấy mới khiến ông viết ra những nhạc khúc đầy màu sắc của những vùng đất lạ quanh Ðịa Trung Hải. Ông dùng nhạc kể truyện cổ tích, ký sự, lịch sử…

Chúng ta ai cũng có thể nghe nói đến hay đã đọc “Ngàn lẻ một đêm” và nàng Sheherazade có tài kể truyện mà thoát chết, lại còn cảm hoá được ông vua điên cuồng vì tình hận. Từ truyện thần thoại Ba Tư ấy, Rimsky-Korsakov viết ra một tổ khúc giao hưởng (symphonic suite) có bốn hành âm, bốn đoạn, minh họa bốn kỳ tích trong bộ truyện. Dùng giai điệu chính để diễn tả người kể truyện, nàng Sheherazade, ông cho nàng đối thoại với vị Quân vương và kể lại từng tuồng tích gay cấn ly kỳ của truyện cổ.

Tổ khúc Sheherazade đã trở thành tác phẩm cổ điển, và nếu muốn ghe cảnh đắm tầu ra sao, hãy tìm tới nhạc Rimsky-Korsakov trong Shererazade!

Nhờ nhạc của ông, người ta mới cảm được một điều bất ngờ: đã có một thời mà nước Nga bị mê hoặc bởi Ðông phương huyền bí, bởi thế giới của các vị Quân vương tại miền nắng ấm phía Nam lãnh thổ.

Trong một lần cách đây chục năm, Quỳnh Giao được nghe “Les Marchés de Provence” (Phiên chợ Miền Nam) của Gilbert Bécaud, với lời ca của Louis Amade, một ông trùm cảnh sát mà cũng là một nhà thơ Pháp. Gilbert Bécaud có biệt tài về nhạc và nghệ thuật trình diễn. Ông đã vượt qua giai đoạn “tự truyện” trong cách sáng tác và trình diễn. Tác phẩm của ông đa số là “truyện ca”, kể truyện bằng âm nhạc.

Bài “Les Marchés de Provence” gợi lại kỷ niệm về những ngôi chợ quê của miền Nam nước Pháp. Qua ca khúc, người nghe thấy giật mình. Rất nhiều đoạn gợi lại âm thanh và hình ảnh của Rimsky-Korsakov trong “Capriccio Espagnol”.

Miền Provence của Pháp có đủ sắc thái và âm hưởng Tây Ban Nha lẫn Gypsy, dân Bohemien như chúng ta hay nói ngày xưa ở Saigon.

Bài Capricio Espagnol là tác phẩm kết tụ những đặc điểm ấy bằng nhạc. Ca khúc của Gilbert Bécaud còn cần lời nhạc của Louis Amade, chứ Capriccio Espagnol thì không. Nhưng, nghe rồi là chỉ muốn đi du lịch để được thấy tận mắt.

Ðấy là tác phẩm mà Rimsky-Korsakov vừa viết xong đã lập tức nổi tiếng. Ðáng phục hơn thế, Rimsky-Korsakov chỉ đặt chân lên xứ Tây Ban Nha có vài ngày, khi còn là sĩ quan hải quân từ Hoa Kỳ và Nam Mỹ trở về nhà sau một chuyến hải hành kéo dài ba năm.

Các nhà phê bình âm nhạc thời xưa đã khen tài hoà âm và phối khí của Rimsky-Korsakov.

Ðiều ấy hơi oan, ông soạn nhạc công phu kỹ lưỡng, cân nhắc từng giai điệu và hình ảnh, được diễn tả bằng những nhạc cụ thích hợp. Khi nào là dàn giây, là tiếng vĩ cầm, khi nào là bộ gõ, dàn kèn đồng, khi nào là tiếng sáo… tất tất đều được biên soạn hẳn hoi. Nhắm mắt lại nghe, chúng ta hình dung ra đám rước hay vũ điệu Tây Ban Nha, hay ánh mắt nồng nàn của một nàng Gypsy.

Âm nhạc thực ra là một nghệ thuật rất trừu tượng.

Dùng nhạc không lời để kể truyện và gợi lên màu sắc của những miền đất lạ đòi hỏi một khả năng tưởng tượng và diễn tả phong phú. Nikolai Andreyevitch Rimsky-Korsakov thuộc loại nhạc sĩ ấy. Ông mất ngày 21 tháng Sáu năm 1908. Có lẽ để nhớ tới ông, kỷ niệm trăm năm ngày giỗ của người nhạc sĩ, dàn National Symphony Orchestra tại Washington đã trình diễn lại Sheherazade của Rimsky-Korsakov và Fire Bird của Igor Stravinsky, môn sinh của ông.

Một lời nhắc nhở thật đẹp, bằng nhạc.

Quỳnh Giao viết ngày 21-6-2006
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562/posts/10208226133769040





38.Yêu Đến Dại Khờ


Với chúng ta, Jacques Brel có lẽ giống Trịnh Công Sơn. Cả hai đều hát thơ của mình.

Jacques Brel
Trong tháng Hai năm 2006, The Zipper Theatre tại Hoa Kỳ ráo riết chuẩn bị vở ca hài kịch “Jacques Brel is Alive and Well and Living in Paris” để mở màn vào đầu tháng sau tại New York. Ðược Mort Shuman biên soạn và trình diễn lần đầu từ năm 1968, “Jacques Brel is Alive…” chinh phục sân khấu Broadway hơn bốn năm liền, đến độ năm 1974 được dựng thành phim. Và nay lại tái xuất hiện.

Một vở ca hài kịch của Mỹ về nhạc Jacques Brel, với nhạc Jacques Brel làm nền, mà không là hiện tượng sao?

Nếu chúng ta có nghe “If you go away” qua tiếng hát Frank Sinatra, Neil Diamond, Julio Iglesias, Tom Jones, hay Greta Keller, Cindy Lauper, Shirley Bassey (tiếng hát nhiều nhạc khúc James Bond) thì đấy là “Ne me quitte pas”. Bài ca là dấu ấn nức nở của Jacques Brel, với lời Anh ngữ của ca sĩ kiêm nhạc sĩ Rod McKuen.

“If you go away” không tuyệt vọng như nguyên bản Pháp ngữ. Bản Anh ngữ buồn da diết mà còn mong manh hy vọng và thiếu chất mê đắm của kẻ “lụy vì tình”… Có lẽ biết vậy, giọng blues độc đáo của Hoa Kỳ là Nina Simone đã hát bài này với nguyên bản tiếng Pháp. Nghe thì không thể quên được. (Quỳnh Giao chưa được nghe bản tiếng Ðức của Marlene Dietrich!)

Là nhạc sĩ nổi tiếng nhất của thế giới Pháp ngữ, được cả nước Pháp coi là danh tài, Jacques Brel lại là người Bỉ.

Dân Bỉ kết hợp hai khối văn hóa lớn là Ðức và La Tinh. Gần với Hòa Lan là dân Flamand phía Bắc và gần với Pháp là dân Wallon ở phía Nam. Sinh năm 1929 ở ngoại thành Bruxelles của Bỉ, Jacques Brel là người Bỉ Flamand mà lại nói tiếng Pháp. Ai đã thăm viếng nước Bỉ thì khó quên được các ca khúc Jacques Brel viết về quê hương đất trũng của mình. Còn buồn hơn “phố núi cao” ở Pleiku trong nét nhạc Phạm Duy.

Năm 1953, Brel rời Bỉ qua Pháp theo nghiệp xướng ca.

Ông học lấy nhạc để viết đủ thể tài, tình yêu, tình bạn, cảnh huống xã hội u buồn, nỗi cô đơn của tuổi già, sự bạc bẽo giả trá của con ngươi… bằng những lời ca đượm chất thơ. Tuyệt vời nhất là tình ca. Bi thảm nhất là dại khờ trong tình yêu.

Bắt đầu nổi danh từ năm 1955, Brel chinh phục khán thính giả với “Quand on n’a que l’amour” - Khi mình chỉ còn tình yêu – rồi dần dần lên trình diễn tại các sân khấu lớn như Olympia của Ba Lê, Royal Albert Hall của Luân Ðôn hay Carnegie Hall của Nữu Ước.

Các chuyến lưu diễn của Brel tại Âu Châu, Nga, Trung Ðông hay Nam Mỹ đều được từ quần chúng đến giới phê bình nhiệt liệt khen ngợi. Jacques Brel soạn nhạc và viết lời, trình bày với giọng truyền cảm và đầy tính trượng phu, dù là trượng phu khóc bạn hay quỳ lạy tình yêu.

Ông lưu diễn không ngừng nghỉ, mấy trăm buổi một năm ở khắp năm châu, buổi nào cũng chật rạp. Trên sân khấu, Jacques Brel vã mồ hôi trong diễn xuất, làm khán giả lặng người.

Như Edith Piaf, Jacques Brel là người một mình có thể làm sân khấu tóe lửa chỉ nhờ sự hiện hữu buồn bã và cách diễn tả chân thành đến thê thảm. Lời ca Jacques Brel khiến ông đáng là nhà thơ của tình yêu, nhưng phong cách trình diễn lại cho ông dáng vẻ khổ sai vì tình.

Năm 1966, Brel chuẩn bị giã từ sân khấu âm nhạc.

Ðược xem vở “Man of La Mancha” về Don Quixote của Cervantes tại Nữu Ước, Brel về dựng lại L’Homme de La Mancha tại Âu Châu. Trong khi Jacques Brel vừa đạo diễn vừa thủ diễn vai chính của “La Mancha” tại Ba Lê, bên kia đại dương, bạn ông là Mort Shuman dựng vở hài nhạc kịch “Jacques Brel is Alive…” tại Broadway! Ðã là tri âm hai người còn là tri kỷ. Và chúng ta đừng vội chê là người Mỹ thiếu văn hoá.

Từ năm 1969, Jacques Brel đi qua điện ảnh, làm đạo diễn và diễn viên trong cả chục phim.

Phim cuối là "L’Emmerdeur" với Brel thủ diễn bên Lino Ventura năm 1973. Quỳnh Giao cứ xem đi xem lại phim này mà tự hỏi vì sao một người lại có nhiều tài đến như vậy! Năm 1981, "L'Emmerdeur" được đạo diễn Billy Wilder dựng lại thành phim “Buddy, Buddy”, với Jack Lemmon và Walter Matthau.

Hơn hẳn Maurice Chevalier của thế hệ trước, có lẽ Jacques Brel là nghệ sĩ Pháp được Hoa Kỳ ưa chuộng nhất, ngang hàng Edith Piaf.

Biết mình bị ung thư phổi, năm 1975, Jacques Brel lặng lẽ mua hòn đảo Hiva-Oa trong quần đảo Marquises thuộc Pháp, một cõi chân mây cuối trời ở miền Nam Thái Bình Dương. Học lái máy bay, ông mua một phi cơ nhỏ làm con thoi giữa các đảo để giúp thổ dân địa phương.

Sau khi buông màn, Brel chuẩn bị ra đi như vậy.

Lần sau cùng ông trở lại với âm nhạc là cuối năm 1977, về Paris thực hiện đĩa nhạc cuối. Một năm sau, ông tạ thế và được yên nghỉ trên đảo, gần ngôi mộ của danh họa Paul Gauguin. Nhưng tác phẩm của ông vẫn làm loài người không yên nghỉ được.

Gào thét, nức nở, khẩn nài, cười cợt, ca khúc nào cũng là một xúc động lớn.

Trong số này, “Ne me quitte pas” có chỗ đứng riêng trong những bản tình ca bất hủ của thế giới. Viết năm 1959, “Ne me quitte pas” là bài ngợi ca tình yêu cuồng dại nhất bằng Pháp ngữ.

“Trong cuộc đời sẽ chẳng có giai nhân – Vì anh gọi tên em là Nhan Sắc”. Nguyên Sa tỏ tình như vậy. Ông đưa người đẹp lên ngôi. Jacques Brel khẩn nài quyết liệt hơn: ông chúi xuống đào đất đến chết để phủ vàng và ánh sáng lên người tình. Ông nguyện làm những gì vô vọng thấp hèn nhất, để em ở lại. Lời kêu gào cuối cùng: không xin là con chó của em, chỉ được là cái bóng của con chó cũng thỏa!

“Ne me quitte pas…
Em đừng bỏ anh,
Anh sẽ không khóc nữa,
Sẽ không nói nữa.
Anh sẽ núp ở góc kia
Ðể thấy em nhảy và mỉm cười
Và để nghe em hát, em cười.
Hãy cho anh trở thành
Cái bóng của bóng em
Cái bóng của bàn tay em
Cái bóng của con chó của em….”

Với Brel, tình yêu là nơi chốn cao cả nhất, gần như một cái đạo, mà con người phải vươn tới. "Khi chỉ còn tình yêu để dâng như lời nguyện”! Ðó là lời thơ của Brel.

Ðược hỏi về “Ne me quitte pas” – vì sao gã đàn ông lại khốn khổ như vậy? Jacques Brel thản nhiên trả lời: Yêu là phải vậy. Ðến đớn đau, hèn hạ, đến mất hết phẩm cách. Khi trình diễn, ông thủ vai dại khờ đến tội nghiệp, làm ta giật mình tự hỏi là liệu có người đẹp nào xứng đáng với sự cuồng si ấy không?

Cuối năm 2005, khán giả truyền hình của vương quốc Bỉ đã bỏ phiếu chấm Brel là “người Bỉ vĩ đại nhất của mọi thời đại”. Hơn hẳn vua Baudoin đang trị vì!

Ðúng ra, Jacques Brel là ca nhân vĩ đại nhất vương quốc của Tình Yêu.

Quỳnh Giao viết ngày 15-02-2006
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562/posts/10208230457957142




39. Steinway, Báu Vật Dâng Trời


Ðọc “Sầu Mây” của Doãn Quốc Sỹ, người ta nhớ hình ảnh thiếu nữ dạo đàn dương cầm. Mười ngón thon mềm gợi bao êm đềm óng ả trong bản luân vũ Le Désir của Beethoven.

Với nhiều người, dương cầm là nhạc cụ của phái nữ. Nhưng Franz Liszt lại cho một ấn tượng khác.

Là danh thủ dương cầm, có lẽ là kỳ danh của mọi thời đại, Liszt thường đánh gẫy ba bốn đàn dương cầm trong mỗi lần trình tấu. Dương cầm thực ra phải là nhạc cụ gang thép!

Trong các khí cụ âm nhạc, dương cầm là một quả núi, đồ sộ sừng sững. Nó chuyển động núi rừng, thổi lên phong ba bão táp, hay mơn trớn cho suối reo, sóng gợn… Tất cả tùy người chơi đàn. Gặp tay diệu thủ virtuoso, nó là báu vật của người để dâng lại Thượng Ðế những tuyệt vời của âm thanh.

Một người có công trong việc ấy chính là Henri Steinway.

Vốn mù chữ, Steinway lại là “thợ trời” theo lối nói Ðông phương, trong nghệ thuật chế tạo dương cầm.

Hoa Kỳ thường bị Âu Châu coi thường là quốc gia trẻ trung và hung hăng nhưng hơi “mỏng” về văn hóa. Nước Mỹ đáp lễ với một nhạc cụ quý tộc nhất, giàu văn hóa và nghệ thuật nhất, là đàn Steinway.

Henrich Engelhardt Steinweg là người không may trên nước Ðức, nơi ông ra đời năm 1797.

Tuổi thơ ông là chuỗi bần hàn của đứa trẻ duy nhất sống sót trong một gia đình 12 anh em. Là thợ làm đàn dương cầm trong một xưởng ráp organ tại Ðức, cậu bé Steinweg lại có sự tò mò của nhà bác học. Cậu tìm hiểu lấy mọi khía cạnh của nghệ thuật làm đàn. Loại gỗ nào cho âm thanh toàn hảo, tại sao khung căng dây lại được thiết kế như vậy? Steinweg miệt mài gọt lấy từng phím, thử nghiệm từng loại dây, sửa đi sửa lại cho đến hoàn hảo…

Sau đấy, cùng sáu người con trai, Steinweg mở xưởng làm đàn.

Người ta kể rằng ông ráp cây dương cầm đầu tiên của mình ở trong… bếp.

Từ sự hiểu biết khi còn là thợ tại thị xã Goslar, Steinweg tìm tòi và áp dụng nhiều cải tiến. Cầu dây được thiết trí gần trung tâm để gieo tiếng trung thực hơn. Sau khi thử nhiều loại khung, Steinweg là người đầu tiên làm khung dây bằng gang, có ưu điểm tạo ra âm thanh tròn đầy và giữ độ căng rất bền.
Chi ly mài dũa từng bộ phận, một năm cả gia đình Steinweg ráp được 10 cây đàn. Mỗi cây là một gia sản. Nhưng nước Ðức thời ấy đã quá già nua chật chội.

Trên một xứ bị khủng hoảng liên miên sau cuộc cách mạng và lại gặp luật lệ nghiệt ngã, xưởng làm đàn của gia đình Steinweg lụn bại. Sau khi bàn tính với vợ con, năm 1850 Steinweg qua Mỹ, để lại một người con trai tại Ðức.

Một đời mù chữ, vốn liếng Anh ngữ chưa đầy vốc tay, Steinweg vẫn tin vào khả năng làm đàn của mình trên vùng đất mới.

Từ bước đầu gian nan với đồng lương ít ỏi, Steinweg cố học hỏi thêm các kỹ thuật rất mới của Hoa Kỳ trong khi chắt bóp dành dụm từng xu để gây vốn thực hiện giấc mơ bị đứt tại Ðức. Sau ba năm vất vả làm “thùng đàn” soundboard với đồng lương có sáu đô la một tuần (tính theo thời nay là khoảng 130 đồng!), Steinweg để dành được sáu ngàn đồng khởi nghiệp với tên mới, là Henri E. Steinway,

Năm 1853, bảng hiệu Steinway & Sons được dựng tại một khoảnh đất nhỏ của New York.

Hai mươi năm sau Steinway trở thành người làm đàn số một của thế giới.

Ðàn dương cầm được chế tạo lần đầu có lẽ vào năm 1700 bởi một nhà phát minh đất Firenze (Florence) của Ý. Từ đấy, cây đàn thô sơ được liên tục cải tiến và trở thành thông dụng nhờ các nhà soạn nhạc Ðức như Bach hay Mozart.

Thời của Steinway, nước Anh nổi tiếng nhất về nghệ thuật làm đàn dương cầm mà nước Ðức lại không mấy được lòng thế giới. Heinrich Steinweg triệt để gây ra ấn tượng “Anh” qua tên gọi và cách quảng cáo, trong khi gia đình chăm chút từng chi tiết tinh vi để bảo đảm là mỗi cây đàn phải là một vật báu.
Cây đàn đầu tiên của nhà Steinway xuất hiện tại New York hiện vẫn còn, được trưng bày tại viện bảo tàng
New York’s Metropolitan Museum of Art.

Cây đàn đầu tiên của nhà Steinway xuất hiện tại New York, được bán cho một gia đình thế giá New York với giá 500 đô la. Cây đàn ấy hiện vẫn còn, được trưng bày tại viện bảo tàng New York’s Metropolitan Museum of Art.

Người con ở lại Ðức của Steinway vẫn tiếp tục nghiệp nhà cho nên thế giới có hai loại Steinway, một tại lò Hamburg, một tại lò New York.

Mỗi danh cầm đều chọn cho mình loại đàn thích hợp với kỹ thuật riêng biệt.

Chẳng hạn như Vladimir Horowitz thì chấm loại Steinway New York, vì thường trình tấu Chopin, có âm sắc trong veo và phím đàn thì mềm mại, reo lên những cung bậc nhẹ nhàng, nên thơ. Alfred Brendel lừng danh của Ðức lại chọn Steinway Hamburg, vì thường trình tấu Beethoven, đòi hỏi phím đàn chắc nịch, nẩy ra những âm thanh ấm và dầy. Không những chỉ chọn loại đàn, tục truyền rằng Horowitz đòi hỏi mỗi lần trình diễn phải chuyên chở đàn của chính nhà mình đến mới chơi được!

Ngày nay, bất cứ một nhà chế tạo dương cầm nào trên thế giới cũng có thể đã áp dụng một kỹ thuật làm đàn của Steinway. Nhưng, cách làm kỹ càng như nâng niu một tác phẩm của Steinway mới là điểm nổi bật của nó. Vì thế, chúng ta không nên ngạc nhiên khi biết tổng số đàn Yamaha của Nhật làm ra trong một năm lại nhiều hơn đàn Steinway từ trước đến giờ!

Trong thế giới nghệ sĩ, Steinway là đòi hỏi không thể thiếu, được 95% các diệu thủ dương cầm sử dụng khi độc tấu. Trong nhà, một chiếc Steinway có thể là vật báu, đắt ngang giá một chiếc xe hơi hạng sang.

Santa Cruz ở miền Bắc California là một trung tâm của phong trào “hippy” xuất hiện bốn chục năm trước và vẫn được coi là một vùng sinh hoạt văn hóa độc đáo của Hoa Kỳ. Tuần qua, dàn nhạc giao hưởng Santa Cruz đã có buổi hòa nhạc đặc biệt để chào mừng món quà từ một “mạnh thường quân” ẩn danh. Một báu vật Steinway.

Quỳnh Giao viết  ngày một tháng 2, năm 2006
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562/posts/10208230205590833




40. Trở Về Một Khúc Bi Ca


Chiều mùng năm tháng 11, khi mời các nghệ sĩ Hoa Kỳ được Kennedy Center vinh danh năm nay vào tòa Bạch Cung, Tổng thống Bush đã chào mừng danh ca không tuổi Tony Bennett bằng cách nhắc lại trước tiên một câu nói của ông: “Việc tôi cố làm là trình diễn, và được mọi người nói, ‘Trời, tôi yêu ca khúc đó quá'.”
Tony Bennett năm 93 tuổi

Ước nguyện của danh ca chỉ có vậy thôi!

Gọi Tony Bennett là danh ca không tuổi vì như ông Bush đã ngợi ca trong buổi tiếp tân, Tony Bennett khởi nghiệp cầm ca từ năm 1936, thực hiện những đĩa nhạc đầu tiên khi Harry Truman còn sống trong tòa Bạch Cung và đến ngày nay vẫn còn được thế hệ MTV mến mộ. Ước mơ của người nghệ sĩ xuất chúng này chỉ là trình bày một ca khúc khiến người nghe yêu thích tác phẩm ấy.

Sinh thời, nhạc sĩ Vũ Thành có đưa ra quan niệm của ông về cách ca sĩ trình bày một ca khúc: như một người được yêu cầu đọc lá thư của người nhạc sĩ, nghĩa là trung thực. Ông khổ tâm khi thấy ca khúc bị hát sai, cả lời lẫn nhạc. Ngẫm theo một cách nào đó thì ở hai phương trời xa lạ, người viết nhạc Vũ Thành và người trình bày Tony Bennett lại có cùng một quan niệm. Làm sao cho người nghe thấy yêu thích ca khúc. Tác phẩm mới là quan trọng, hát hay là làm cho người ta yêu tác phẩm, để nó sống mãi…

Cho đến nay, có những ca khúc đã sống mãi, nhưng cùng một thời mà lại sống nhiều kiếp.

Năm 1948, trong thời kháng chiến, Phạm Duy đã viết tại Chợ Neo lời Việt cho một ca khúc nổi tiếng của ngoại quốc. Sau này, ông chọn tác phẩm ấy vào một tuyển tập 14 bài tình ca bất tử có xuất xứ ngoại quốc, đa số là loại bán cổ điển.

Ðấy là bài “Trở về mái nhà xưa”, được giới thiệu là của E. Curtiss.

Thực ra, nội dung “Trở về mái nhà xưa” không là tình khúc, hoặc nếu có thì đấy là bản tình ca của người mệt mỏi đang tìm nơi chốn trở về.

Về đây nghe tiếng hú hồn mê oan!
Về đây lắng trầm khúc nhạc truy hoan…
Về đây nhé! Cắm xong chiếc thuyền hồn
Ôi thoáng nghe giây lòng tiếc đờn!
Mái tóc nhà lưu luyến vạt trăng xanh
Nếu mưa về yêu lấy hạt long lanh
Chờ mong nắng cho tươi đời xuân xanh
Người xa vắng biết đâu nấm nhà buồn…
Tìm nơi chốn trở về… Mà về đâu?
- “Ôi lãng du quay về điêu tàn”.

Năm ấy, 1948, Phạm Duy mới chỉ bắt đầu đi mà đã nghĩ đến ngày về. Lời từ, đẹp như một bài thơ siêu thực, có thể lấy cảm hứng từ lời ca của Pháp. Bản nhạc của Pháp đã có kiếp sống tình ca, khi trôi dạt vào Việt Nam, nó bỗng trở thành lời ngậm ngùi của người muốn “cắm chiếc thuyền hồn” bên “nấm nhà buồn”, “đốt ánh đèn in bóng vào rêu xanh”… để chờ ngày đầu thai… Ở tuổi thanh niên, chưa đầy ba chục, Phạm Duy đã đòi làm “người ngồi im bóng, lắng nghe tháng ngày qua…”

Chúng ta đều biết, người nghệ sĩ này có ngồi lâu được đâu! Ông coi mái nhà như nấm mồ thì làm sao chịu ngồi yên!

Quỳnh Giao nhớ đến “Trở Về Mái Nhà Xưa” như ca khúc của kẻ lãng du muốn trở về cõi chết. Nhiều người nhớ ca khúc này như lời nguyện hồi hương. Từ đấy, bài hát tiếp tục phiêu du trong hồn chúng ta… Nó có kiếp sống của nó, nhờ nhiều thế hệ ca sĩ đã nối tiếp nhau trình bày trong gần sáu chục năm.

Thật ra, ca khúc này xứng danh là bài ca trăm tuổi vì được hát lần đầu vào năm 1902 và được xuất bản lần đầu vào năm 1905. Người dân Ý Ðại Lợi vừa tưng bừng tổ chức những sinh hoạt kỷ niệm ca khúc nổi tiếng thế giới của họ, với những danh ca thượng thặng. Và nó không là một bản tình ca, mà cũng chẳng là lời chiêu hồn những kẻ đã mệt mỏi với cuộc truy hoan.

Ðó là sáng tác tập thể của hai anh em nghệ sĩ. Người em là nhạc sĩ Ernesto de Curtis (1875-1937), người anh là họa sĩ kiêm thi sĩ Giambattista de Curtis (1860-1929) lần ấy bỗng nổi hứng viết lời ca. Ðó là bài "Turna a Surriento", viết với phương ngữ của vịnh Napoli ở miền Nam nước Ý.

Lần ấy họ nổi hứng viết ra ca khúc “Trở về Sorrento” vì một lý do rất… chính trị!

Sorrento chỉ là một ngôi làng nhỏ, nay chưa tới hai chục ngàn dân, nhưng là một trung tâm du lịch một phần cũng nhờ bài hát.

Ðầu thế kỷ trước, mặt trời bỗng có ngày rọi thấu đến vùng hoang vu ấy khi một quan lớn dừng chân tại Khách sạn Guglielmo Tramontano của Sorrento. Dân làng cần quan trên ghé mắt để cho lập một nhà giây thép và sửa lại con đường vào làng. Giambattista được yêu cầu viết ngay một bài ngợi ca vị khách quý vào dịp long trọng này, nhằm nhắn gửi là đừng quên Sorrento. Cậu em Ernesto lại đang có sẵn một giai điệu đã viết từ mấy năm trước.

Hai anh em bèn ngẫu hứng khai sinh ra một tác phẩm để đời.

Lời ca chỉ là lời tán tụng thiên nhiên và cảnh quan của Sorrento và mục đích nguyên thủy chỉ là… marketing cho Sorrento. Nhưng, dân Ý Ðại Lợi vốn lãng mạn, vừa tựa lưng vào núi lại thò chân xuống biển, họ rất hay cường điệu. “Sorrento thơm ngát vườn cam như vậy, người bỏ đi sao đành? Hãy trở về Sorrento đi, kẻo ta chết mất!”

Cứ như tiếng gào của kẻ bị tình phụ.

Bài hát lập tức được lưu truyền rộng rãi, trở thành ca khúc tiêu biểu cho giai điệu Napoli của miền Nam nước Ý và từ đấy chinh phục thế giới. Nhắc đến “Trở về Sorrento”, nhiều người liên tưởng đến lời cầu khẩn của kẻ tình si, nàng hãy trở về Sorrento cùng ta. Cái kiếp tình ca của Sorrento khởi sự từ đấy.

Ernesto de Curtis viết ca khúc trên “ton” Mi (E, theo ký âm pháp của Mỹ ngày nay), Phạm Duy viết lại thấp hơn một ton, là ton Re, đa số người trình bày ngày nay hát với ton Do, thoải mái hơn. Hát theo ton Mi thì lại treo sự nghiệp trên note nhạc như lối nói của Luciano Pavarotti, danh ca ténor được coi là người trình bày bài này xuất sắc nhất.

Trong dịp kỷ niệm bài ca trăm tuổi, ông làm dân Ý chất ngất…

Nhưng dân Ý chẳng khi nào ngờ là bài ngợi ca Sorrento lại có một kiếp sống khác tại một xứ sở rất xa xôi trong thời chiến, do lời ca của Phạm Duy. Từ bờ biển xanh Ðịa Trung Hải, khúc hoan ca về Sorrento của họ dạt qua Thái bình dương, sống lại thành khúc bi ca của ngày trở về điêu tàn. Hai kiếp sống cũng là hai cái nghiệp của hai xứ sở! Mà biết đâu, bài kêu gọi trở về Sorrento lại chẳng có những đời sống riêng tại các xứ khác nữa?

Như vậy, giá trị của ca khúc trước hết chính là phần giai điệu, nhạc phải hay người ta mới hát. Nhưng mỗi nơi lại hát một lời, lời phải hay người ta mới nhớ. Ca khúc trở thành phổ thông ở nhiều nơi, mà mỗi lời ca lại ban cho tác phẩm một kiếp sống mới. Tony Bennett quả có lý. Hát hay là làm cho người ta yêu thích ca khúc, khiến khúc nhạc hồi sinh, lời ca sống mãi… Người sau quên cả nhạc sĩ lẫn ca sĩ, chỉ còn nhớ tác phẩm và những rung động mà bài hát cũ đã gợi lại…

Quỳnh Giao viết ngày 07-11-2005
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562/posts/10208210147289388




41. Giải Mã Âm Nhạc

Khi báo chí loan tin Tổng thống Bush con đã bổ nhiệm ông Thống đốc mới cho ngân hàng trung ương là Ben Bernanke, người ta nhắc đến vị Thống đốc sẽ mãn nhiệm là ông Alan Greenspan và về thành tích phi thường của ông.

Greenspan được nhà báo nổi tiếng là Bob Woodward chọn làm đề tài viết một cuốn tiểu sử qua tựa đề đơn giản mà gần gũi với âm nhạc, là “Maestro”. Bậc sư!

Là vị nhạc trưởng của dàn nhạc tiền tệ Mỹ, ông Greenspan biết rằng từng cái nhíu mày, tiếng ho đến mỗi lời phát biểu của ông đều ảnh hưởng đến túi tiền của thiên hạ nên đã phát triển ra một lối nói nước đôi mập mờ bí hiểm, vì hiểu sao cũng được.

Ngón đàn của diệu thủ dương cầm Vladimir Horowitz.
Thế rồi ông nhập tâm với lối nói kỳ bí ấy.

Ông Greenspan hình như cũng rất hào hoa, nhưng sau tuổi thất thập cổ lai hy, khi đã bẩy mốt lại giã từ vũ khí lên xe hoa lấy vợ. Ðó là nữ ký giả đài truyền hình NBC, Andrea Mitchell. Người đàn bà chắc hẳn cũng rất đặc biệt này kể lại rằng ông cụ đã ba lần ngỏ lời cầu hôn mà nàng không hiểu gì cả!

Gần hai mươi năm làm cái nghề giữ mồm giữ miệng, Greenspan là người để lại một câu danh ngôn ngộ nghĩnh: “nếu tôi nói một điều gì dễ hiểu thì chắc là tôi nói lầm”!

Hèn gì mà ba lần gãi đầu gãi tai mới nên duyên!

Phải chi ông ta đi ngay tiết mục “tiếng nhạc tâm tình” có khi lại tiết kiệm được lời nói và biết bao ấp úng bằng tay trước người đẹp. Bảo rằng một ông thống đốc ngân hàng lại dạo nhạc để giãi bày con tim thì Quỳnh Giao có xử ép chăng?

Thưa rằng không.

Trước khi học kinh tế, Alan Greenspan là tay kèn saxophone có nét, đã học trường Juilliard nổi tiếng của Hoa Kỳ và còn lập ban nhạc chơi Jazz! Cho nên ông ta hiểu ngôn ngữ âm nhạc và thổi kèn hay hơn ông Bill Clinton. Biết đâu, ngôi sao Andrea Mitchell của NBC lại chẳng lấp lánh đôi mắt vì cái chất văn nghệ của Greenspan, hơn là vì cái đầu chật ních những con số bí hiểm của kinh tế tài chánh?

Nhưng làm sao diễn tả cái hồn nhạc cho mọi người cùng hiểu được?

Khi viết về một buổi trình diễn đầu mùa của chương trình “Live at the Lincoln Center”, Quỳnh Giao có nói đến người điều khiển chương trình là Beverly Sills, đệ nhất soprano một thời và từng là nữ Chủ tịch của Lincoln Center trong nhiều năm. Khách mời đêm ấy là danh cầm mới nổi người Trung Hoa là Lang Lang.

Sau buổi trình tấu dương cầm cực kỳ xuất sắc của Lang Lang là cuộc phỏng vấn, cũng “live”, trong hậu trường.

Ðược Beverly Sills hỏi về việc học dương cầm tại Trung Quốc, Lang Lang trả lời rất… thiền. Từ bé đã mê lối duỗi tay gõ phím mau như ánh chớp trong phim hoạt họa. Một điều tối kỵ, Lang Lang hồn nhiên kể lại.

Bao nhiêu năm dạy dương cầm, Quỳnh Giao biết là các em mới tập đều được dạy là phải khum ngón tay cho tròn và gõ cho rõ ràng. Nhưng lên đến trình độ cao và phải trình tấu các nhạc khúc lớn thì sức dập của ngón tay là cần thiết. Nhiều danh thủ thường duỗi thẳng ngón thì đánh mới đủ mạnh. Một tài năng virtuoso như Lang Lang đập đàn cực mạnh như trong phim hoạt họa thời bé không hẳn là sai. May là tay danh thủ này có thầy giỏi, mới hiểu được những ngoại lệ của thiên tài. Nếu không, bàn tay có thể bị ăn thước kẻ một cách oan uổng!

Nói đến cách gõ, giới yêu nhạc thường coi Vladimir Horowitz là dương cầm thủ xuất chúng của thế kỷ 20.

Ông là tay đàn kỳ tài gốc Do Thái, sinh tại Nga, từng độc tấu trong ban nhạc của một nhạc trưởng kỳ tài nhất thế kỷ, Arturo Toscanini, rồi được bậc thầy này yêu quý mà gả con gái cho.

Bà Wanda Horowitz yêu và cưng chồng như một đứa trẻ nhõng nhẽo, có tài nên có tật!

Cái tật đáng yêu nhất hình như là trước khi mất, ở tuổi gần chín mươi, Horowitz còn đòi được mai táng cùng cuốn Hanon (sách luyện ngón của học trò tập đàn). Ông nói: “Tôi làm gì cũng phải thao dượt cho nóng châu thân, kể cả khi chết!” Bậc thiên tài này lúc nào cũng hành xử như trẻ thơ, dưới sự kiểm soát và khuyến khích của bà vợ độ lượng.

Về nghệ thuật chơi đàn, Horowitz có lối duỗi thẳng ngón, trừ ngón út bên phải luôn luôn co quắp, khi dùng tới thì nhanh như rắn mổ! Nghệ thuật dương cầm ấy có thể gọi là “biến hóa vô lường” vì ta có cảm tưởng là Horowitz có ba bàn tay, như trong nhạc khúc “Hungarian Rhapsody số 2” của Listz.

Horowitz không chỉ trình diễn mà còn cải biên để diễn tả lại theo ý mình cho đúng với hồn đàn. Âm nhạc vốn là ngôn ngữ cực kỳ trừu tượng, nghe ông trình bày nhạc khúc “Pictures at an Exhibition” (“Xem phòng tranh”) của Mussorgsky thì mới thấy kỳ diệu.

Bằng âm thanh không lời, Mussorgsky diễn tả từng bức tranh trong phòng triển lãm. Vladimir Horowitz viết lại tác phẩm ấy để trình bày theo cách riêng. Hãy nhắm mắt đẩy trí tưởng tượng đi thật xa, mình sẽ nhìn thấy từng bức tranh bằng đôi tai. Khỏi cần phụ đề hay gào thét trên sân khấu.

Loại âm nhạc ấy, ông Greenspan có thể lại ưa và sẽ diễn giải rành mạch cho nội tướng ở nhà.

Người ta cứ hỏi rằng ông thống đốc này còn quá minh mẫn giỏi giang, nay về hưu thì làm gì cho đầy cuộc đời? Quỳnh Giao nghĩ rằng ông ta sẽ trở về với âm nhạc. Lúc ấy, ngôn ngữ kỳ bí của ông sẽ có cách diễn tả.

Một màn saxo nức nở giữa hai danh tài hồi hưu là Greenspan và Clinton về cảnh “khuya nay nàng bận chưa về” thì chẳng thú vị sao! Nhưng ai sẽ là người phụ đề giải mã ở đây?

Quỳnh Giao viết ngày 26-10-2005.
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562/posts/10208245330968958





42. Màu Kỷ Niệm Khó Phai

Nguyên Sa là một nhân vật đa diện, và những ai ở gần ông có lẽ cũng thấy ông là một nhân vật phức tạp. Quỳnh Giao chỉ thấy ở ông hình ảnh học trò của mình. Hình ảnh đó đang trở về và mấy chục năm kỷ niệm đã lại xanh mởn ở trong tôi. Ngày xưa và cho đến nay, tôi vẫn gọi ông là Thầy Lan vì đã từng theo học ông. Gặp ông năm ngoái, tôi còn ôn lại một kỷ niệm cũ…

Hôm đó, lũ học trò con gái chúng tôi lao xao trước lớp chờ thầy tới. Không hiểu sao, hôm đó mình lại mau mắn quá sức mà hỏi giật các bạn: “Lan Phệ” đến chưa?

Lan Phệ là hỗn danh lũ học trò chúng tôi vẫn dùng để gọi lén Thầy Lan. Tiếng trả lời ngay phía sau làm tôi bủn rủn tay chân trong tiếng khúc khích của lũ bạn: “Nó đây rồi!”

Người trả lời chính là thầy Trần Bích Lan, ông thày dạy môn triết mà vóc dáng lại chẳng có vẻ gì là khô cằn khắc khổ của một triết nhân như lũ học trò chúng tôi vẫn hình dung. Ông tỉnh khô bước vào lớp, riêng tôi thì tự nhủ, từ đó đến giờ, là sẽ không bao giờ bạo mồm bạo miệng như vậy nữa. Tuổi học trò của tôi có những kỷ niệm khó quên như vậy là nhờ những ông thầy triết nhân kiêm nghệ sĩ và thi sĩ. Thơ Nguyên Sa đến với chúng tôi ở lứa tuổi đó, và giờ đây nếu chẳng còn nhớ gì về môn triết thì thơ của ông vẫn khơi dậy nơi tôi những cảm xúc học trò.

Tuổi ấu thơ của chúng tôi cũng trùng hợp với tuổi xuân của Việt Nam Cộng Hoà, của miền Nam tự do sau Genève.

Lúc đó, mọi người như đều khao khát những cái gì rất mới. Một phần có lẽ để đoạn tuyệt với một nửa đất nước đau thương bên kia Bến Hải, một phần nữa để tìm kiếm xây dựng một không khí mới. Lúc đó, hình như một thế hệ nhà thơ đã xuất hiện, trong đó, không ít là du học từ bên Pháp về. Nguyên Sa là một, và có lẽ nổi bật nhất, trong lớp người đó. Nhưng, ngoài bài thơ cho Nga ông viết trên thiệp báo hỷ, mà người ta nhắc tới quá nhiều, chúng ta không bắt gặp cái chất enfants terribles của các nhà thơ từ Paris có “ga Lyon đèn vàng” trở về.

Nguyên Sa từ Paris về lại thổi vào Sàigòn cái hương vị dịu mát của Hà Nội.

Bài Áo Lụa Hà Ðông của ông có tác dụng đến như vậy mà không là lạ lùng sao? Từ bài đó, Quỳnh Giao tin rằng tất cả những người di cư từ miền Bắc đều nhớ về Hà Nội, hoặc cái khí hậu tưởng như Hà Nội, khi nghe thơ Nguyên Sa. Và không mấy ai băn khoăn về Paris nữa, dù lúc đó rất thời thượng. Sau này, tôi mới biết rằng Paris có một ma lực rất lớn với những người làm thơ ở Sàigon, nhưng, lại không thấy ở Nguyên Sa nỗi ám ảnh đó. Paris, đối với ông có lẽ đã là tiền kiếp, chứ Hà Nội, chứ miền Bắc và những kỷ niệm ấu thời trước buổi di cư mới là hiện tại trong thơ Nguyên Sa.

Hơn vậy, thơ Nguyên Sa còn làm người ta từ chỗ cảm thông với học trò di cư mà bước luôn vào sân trường, để thấy lòng mình mát rượi với mối tình đầu. Ðọc thơ Nguyên Sa - lúc đó, chúng tôi mới chỉ đọc thôi, riêng tôi thì chưa nghe và chưa hát - đọc thơ Nguyên Sa, lũ học trò chúng tôi đều thấy bồi hồi đến nóng đôi má vì ông viết thơ tình mà không hiểu sao, chúng tôi nhất quyết rằng đó là thơ tình cho học trò.

Giờ này, Quỳnh Giao vẫn nghĩ như vậy, và chỉ mong là thế hệ nào cũng có những cậu học trò pha mực làm thơ, làm các cô gái đến tuổi đôi tám lại phân vân khi chọn màu áo đi học.

Ðiều cũng đáng ghi nhớ là thơ tình của ông dù nhẹ nhàng và rất Tây, rất mới, mà vẫn khác ý thơ Paul Geraldy mà về sau tôi có thấy ở nhiều bài thơ tình của thời đó, như trong thơ Nhất Tuấn chẳng hạn. Thú thật là thời đó, lũ học trò con gái chúng tôi hầu như đứa nào cũng giấu trong cặp một vài bài thơ, không Nguyên Sa thì Nhất Tuấn. Những nhà thơ đó đã làm thơ cho lũ con gái kẹp tóc thời Sàigon còn thanh bình, và kỷ niệm ấm êm đó giờ đây vẫn là những gì tôi cho là đáng quý nhất của quê hương và tuổi thanh xuân của mình.

Không phải vậy sao, mỗi khi thấy mưa rào nổi bong bóng trên sân là mình lại nhớ về quê nhà, về tuổi mộng mơ còn vầy mưa ngoài ngõ, và thơ Nguyên Sa lại khua trong trí nhớ cả một trời ấu thơ đã mất. Giờ này, vừa rời Cali thì được tin ông mất, Quỳnh Giao hồi tưởng lại, là khi bắt đầu đi vào nghệ thuật ca hát, mình xa dần thầy Lan dạy triết mà gặp lại thơ Nguyên Sa trong âm nhạc.

Một điều có lẽ phải nói ngay là thơ Nguyên Sa được phổ nhạc không nhiều bằng một số nhà thơ khác, nhưng bài nào đã được đưa vào nhạc là ngự trị mãi ở một vị trí rất cao. Quỳnh Giao trộm nghĩ rằng thơ Nguyên Sa khó phổ nhạc hơn nhiều bài khác vì tự nó đã có nét nhạc riêng, ở tiết tấu nhịp điệu riêng. Có bài đọc lên là đã như hát rồi.

Mưa Tháng Sáu là một ví dụ làm tôi liên tưởng tới một bài luân vụ dìu dặt nhịp ¾. Bài Cần Thiết cũng có giai điệu riêng, đọc lên đã thấy chất nhạc rất mới ở ý thơ. Người nhạc sĩ thật rất khó phả thêm hồn nhạc vào bài thơ đã có sẵn cái thần của nó. Có lẽ, đây là lý do vì sao thơ Nguyên Sa không được đem vào nhạc nhiều hơn nữa.

Ngược lại, thơ của ông còn đòi hỏi nơi nhạc sĩ một sự hy sinh lớn, đó là dụng công làm nổi chất nhạc vốn có của bài thơ. Trước có Phạm Ðình Chương và sau có Ngô Thụy Miên là đã thành công như vậy. Và nếu có yêu Màu Kỷ Niệm của Phạm Ðình Chương hay Áo Lụa Hà Ðông của Ngô Thụy Miên, Quỳnh Giao tin rằng chúng ta nên cám ơn sự cố gắng đầy tài hoa của hai nhạc sĩ này. Vì họ đã đem nhạc của mình làm đẹp cho bài thơ, chứ không dùng bài thơ diễn tả chất nhạc của mình.

Hai điều đó khác nhau rất xa, và khi trình bày các ca khúc này, ca sĩ là người trước tiên cảm được điều đó.

Những người quen ông thường nói rằng ông chính là một enfant terrible, một nhân vật võ hiệp Kim Dung (ông dùng bút danh Hư Trúc trong các bài phiếm của mình) mà làm gì cũng phải đi tới thành công thì thôi, chứ không phải là con người thơ, lãng mạn với thơ tình. Quỳnh Giao không dám luận bàn về những điều đó. Với tôi, Nguyên Sa đã đi tới thành công ở thơ.

Ông là người làm thơ đã thổi vào tuổi thơ của nhiều thế hệ chúng tôi những rung động đầu đời, khi thấy cây lá xôn xao nơi sân trường. Và với Quỳnh Giao, điều đó là đáng kể nhất. Nguyên Sa không còn nữa, nhưng cầm thơ ông trên tay, đọc thơ ông ở trong trí, hát thơ ông khi nhìn ra ngôi vườn, tôi thấy màu xanh của kỷ niệm vẫn mãi mãi nuột nà không phai mờ.

Ông để lại một cây cầu vẫn đưa chúng tôi về quê hương và tuổi thanh xuân của mình. Mất ông như vậy, làm sao mà không tiếc?

Quỳnh Giao, tháng 5, 1998
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562/posts/10208193219586206





43. Tạm Biệt Tiếng Hát Duy Trác


Có những biến cố có thể rất nhỏ bé riêng tư bỗng nhiên có khả năng gợi nhớ thật mãnh liệt.

Với riêng Quỳnh Giao, tin Duy Trác chính thức nghỉ hát là loại biến cố đó, khiến mình bồi hồi không ít. Duy Trác mà giã từ âm nhạc à? Anh hát còn hay quá, tại sao lại "giã từ vũ khí"?

Trong giới ca hát, dù là những người yêu chuộng hoà bình nhất, chúng tôi vẫn thường gọi đùa việc mình về hưu là "giã từ vũ khí". Ảnh hưởng của chiến tranh thật là bàng bạc trong ngôn ngữ chúng ta, không biết đã tự bao giờ. Riêng những kỷ niệm của Duy Trác đối với tôi thì đã có từ bốn mươi năm nay. Và bốn mươi năm qua, tôi vẫn khó tin, không bao giờ tin là anh có thể "già", có thể rửa tay gói kiếm và giã từ máy vi âm, giã từ âm nhạc.

Việc anh tự ý nghỉ hát khiến những hình ảnh của mấy mươi năm trước chợt ùa về trong ký ức.

***
Lúc đó, khi cuộc di cư của đồng bào miền Bắc đang cuồn cuộn chảy vào Nam thì tôi mới lên tám. Một sáng Chủ Nhật trong veo, Quách Ðàm dẫn một thanh niên đến thăm cậu tôi là nhạc sĩ Dương Thiệu Tước.

Quách Ðàm là một ca sĩ nổi tiếng từ thời phôi thai của tân nhạc Việt Nam. Người thanh niên ông dẫn tới thăm Dương Thiệu Tước là cháu ông, còn rất trẻ mà phong độ đã chững chạc người lớn theo như chỗ mình nhớ. Năm đó, Duy Trác mới mười tám. Anh có giọng hát truyền cảm, ấm áp, và ngoài giọng ca thiên phú của mình, anh còn xướng âm rất vững.

Duy Trác bước vào âm nhạc ngay từ buổi gặp gỡ đó.

Cũng như những trường hợp của Mai Hương, hay Duy Quang, Thái Hiền, Tuấn Ngọc, Khánh Hà, Ý Lan... và của người viết bài này, Duy Trác đã đi vào âm nhạc theo bước chân gia đình, như một sự tiếp nối tự nhiên, nhẹ nhàng như hơi thở. không có sự giới thiệu hay khám phá bất ngờ gì cả.

Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước lập tức mời anh cộng tác cùng chương trình "Ký âm pháp và Nhạc lý phổ thông". Ông có ý lập ra chương trình này để tạo cơ hội cho thính giả cảm nhận và thưởng thức những ca khúc mới một cách dễ dàng: ca sĩ xướng âm ca khúc, tức là đọc nốt nhạc, trước khi hát vào lời.

Ðây là một sự hướng dẫn cần thiết mà ta như lãng quên dần cho thính giả đời nay. Chương trình được phát thanh vào mỗi sáng Chủ nhật, và được thâu thanh trực tiếp. Thời đó, việc thâu thanh trực tiếp đòi hỏi người trình bày phải 'trình diễn' chỉ bằng tiếng hát, nên họ phải vững về nhạc lý, có khả năng xướng âm bài hát hoặc bài tập ngay lập tức và không có cơ hội hát đi hát lại.

Duy Trác đã bước vào nghệ thuật qua con đường khó như vậy.

Toàn ban của chương trình chỉ có ba giọng, nữ ca sĩ Minh Trang (me tôi) là giọng nữ, Duy Trác là giọng nam, và thứ ba là giọng... nít, do nhi đồng nhóc tì Ðoan Trang đảm nhiệm (tám năm sau mới đổi tên thành Quỳnh Giao khi thay mẹ xuất hiện với người lớn!)

Trong ban tam ca này, me tôi và Duy Trác "minh diễn" cho thính giả những bài mê lý êm ái, như 'Phút Say Hương', 'Hoa Xuân', hoặc 'Hướng về Hà Nội'. Còn nhi đồng Ðoan Trang thì được chí choé xướng âm cho các em bé chắc cũng chẳng nhỏ hơn mình là bao nghe những bài của thiếu nhi như 'Chim Chích Choè', 'Thằng Cuội', 'Quãng Ðường Mai'...

***
Cũng từ đó, Duy Trác còn hát trong những chương trình của học sinh sinh viên với những người bạn như Hồng Duyệt (cháu nhạc sĩ Dương Thiệu Tước và cũng là tác giả bài 'Ðường Chiều' rất 'blues' của thập niên 60), Phạm Vận, Ðỗ Tuấn, Cung Tiến, Mai Hương, Bạch Tuyết, Thể Tần, Hồng Hảo...

Nhiều người nay đã thành danh trong các lãnh vực khác, hoặc đã giã từ âm nhạc, một vài người đã vĩnh viễn lìa xa chúng ta. Như các anh Hồng Duyệt hay Phạm Vận đã mất trên đường vượt biển (Duy Trác là bạn thân của Hồng Duyệt và chị Ấu Oanh hiền thê của anh chính là em gái Hồng Duyệt). Hoặc như Ðỗ Tuân, tức là anh Ðỗ Ðình Tuân đang chiều khách yêu văn yêu nhạc tại nhà Văn Khoa trong khu Phước Lộc Thọ miền Nam California ngoài những giờ dạy học. Hoặc như Thể Tần và Hồng Hảo, hai người em của nhạc sĩ Nhật Bằng trong ban Hạc Thành thì Thể Tần nay cũng đã ra người thiên cổ. Bạch Tuyết, em gái chị Mai Hương, ra dược sĩ và cũng nghỉ hát từ lâu...

Thời gian đó trôi qua quả rất nhanh. Chúng tôi sinh hoạt với nhau vui tươi và hồn nhiên trong đài phát thanh, tọa lạc tại ngôi nhà số 3 đường Phan Ðình Phùng, ngày nay tôi có được nhìn lại chắc cũng giật mình vì thấy là nhỏ. Nhỏ mà đầy ắp kỷ niệm.

Bao nhiêu là hình ảnh thương mến của nghệ sĩ chúng tôi đã chất chứa tại nơi đó, vì chúng tôi gặp nhau hàng ngày, thân nhau như ruột thịt, và đối xử với nhau có lẽ theo cái cách quý mến riêng, khác người thường. Bản thân Quỳnh Giao trong cõi thần tiên đó luôn luôn là một nhóc tì, được các cô các chú thương yêu chiều chuộng. Ngược lại, bao giờ tôi cũng thấy là các cô các chú, các anh chị lớn lao cao cả và mình thì bé bỏng nhỏ nhít.

Ðến nỗi có một lần, vào ngày Tết, khi đang hát những bài hát mùa Xuân thì nhạc sĩ Y Vân, tác giả bài Lòng Mẹ không ai không biết, đã hỏi tôi bao nhiêu tuổi và trợn tròn mắt không tin rằng Quỳnh Giao đã hai mươi... Biết tôi từ khi còn thơ ấu, gặp gỡ hàng ngày, chú không ngờ thời gian trôi qua mau đến thế. Chú Y Vân không ngờ là tôi đã trên hai mươi. Hai mươi năm sau, tôi cũng không ngờ Duy Trác nay cũng đã gần sáu mươi, và ngậm ngùi ...

Thời gian trôi quá nhanh. Chú Y Vân nay cũng không còn nữa, như chú Vũ Thành, như Phạm Ðình Chương. Chú Ðan Thọ thì cũng nghỉ tay gác đàn năm ngoái... Sàigòn năm xưa đã không còn.

***

Trong một khoảnh khắc, Quỳnh Giao nhớ về Nguyễn Ðình Toàn và Saigon ba mươi năm xưa.

Vào giữa thập niên 60, nhà văn Nguyễn Ðình Toàn thực hiện chương trình "Nhạc Chủ đề" mà mãi cho tới bây giờ những nghệ sĩ tân nhạc chúng tôi không quên được, với những lời giới thiệu (chúng tôi gọi là châpeau) sâu sắc và với lời thủ thỉ truyền cảm của ông. Chương trình được phát thanh mỗi tối thứ Ba trong tuần trên làn sóng điện của đài Sàigòn và có lẽ là chương trình được theo dõi kỹ nhất, để lại nhiều kỷ niệm của Sàigòn thời chiến nhất.

Câu giới thiệu 'Khánh Ly là một goá phụ của cuộc chiến này...' cũng từ chương trình của Nguyễn Ðình Toàn mà ra, và còn mãi cho tới nay như một liên tưởng không thể đứt đoạn mỗi khi chúng ta nghe Khánh Ly hát 'những bản tình ca không có hạnh phúc' của Trịnh Công Sơn. 'Nàng hát như một cách để tang'... cũng là từ lời giới thiệu thật cảm động của Nguyễn Ðình Toàn mãi đến nay mình chưa quên.

Chương trình nhạc chủ đề của Nguyễn Ðình Toàn là một chương trình chọn lọc, từ bài hát tới người hát và lời giới thiệu. Duy Trác là giọng hát được yêu thích nhất trong chương trình. Ðối với Quỳnh Giao, luật sư Khuất Duy Trác nổi danh ca sĩ Duy Trác cũng từ thời nhạc chủ đề.

Ngoài công việc khô khan của một luật gia, anh tha thiết sinh hoạt nghệ thuật vì lòng đam mê âm nhạc. Anh rất kén chọn chương trình, và chỉ hát những chương trình anh thích. Duy Trác cũng không thích hát trên truyền hình vì vốn không thích sân khấu. Anh thường nói mình hát cho người ta nghe, chứ không hát cho người ta... xem.

Ðối với giới thẩm âm, Duy Trác là ca sĩ có giọng hát 'trí thức' nhất.

Quỳnh Giao chẳng biết định nghĩa điều này như thế nào cả, chỉ tin rằng không do ấn tượng của người nghe liên quan tới nghề tay phải của người ca sĩ, nghề luật gia, như một cái nghiệp khiến anh bị tù đầy sau 1975.

Chỉ thấy rằng anh trình bày có "gout" (xin lỗi, tiếng Pháp) và luôn nhớ tới lời một nữ văn sĩ, 'người ta thường nói rằng thiên hạ khó chịu nhất là khi bị chê mình hát sai, chứ tôi thì sợ nhất là khi bị chê rằng mình không có gout'...

Duy Trác hát đúng và hát hay là điều hiển nhiên với mọi người yêu tân nhạc. Nhưng phong cách anh trình bày các ca khúc là phong cách của người tài hoa, hiểu lời ca và diễn tả đúng lời ca, rất đẹp mà không cần gò để chứng tỏ nét điêu luyện. Anh có sự cảm thông sâu đậm với cái đẹp và riêng với cái đẹp trong âm nhạc. Có lẽ anh hợp với chương trình của Nguyễn Ðình Toàn ở những điểm trên.

Quỳnh Giao yêu thích và thú thật là rất luyến tiếc phong cách thực hiện và trình bầy ca khúc nghệ thuật như vậy.
***

Biến cố 1975 làm cho văn nghệ sĩ chúng tôi tan tác chia lìa. Gặp nhau xứ người trong những buổi trình diễn, chúng tôi thường hỏi thăm về anh.

Chúng tôi xót xa không ít khi nghe tin Duy Trác bị tù cải tạo và đã có những năm tháng khổ sở nhất trong số các bạn tù cùng trại cũng vì sự bướng bỉnh và lối chống đối rất tài hoa mà nhiều người kể là dí dỏm của anh.

Khi Duy Trác được ra và qua tới bên này, anh không nói nhiều về những năm tháng đen tối đó, chúng tôi chỉ tíu tít hỏi nhau về truyện năm xưa và hàn huyên về những kỷ niệm.

Riêng tôi đã có hai lần đứng trên sân khấu cùng anh. Lần đầu sau bao năm đổi thay là khi cùng các nghệ sĩ khác như Kim Tước, Mai Hương, chúng tôi gọi nhau hát mừng anh tại San Jose, khi Duy Trác ghé thăm Thung Lũng Hoa Vàng lần đầu, cũng đã hơn ba năm về trước. Sau đó, Quỳnh Giao đã hát cùng anh lần thứ hai khi anh xuất hiện trong một chương trình chọn lọc cũng tại vùng Palo Alto miền Bắc, cùng các giọng ca nam khác như Anh Ngọc, Ðoàn Chính và Vũ Anh...

Dù ít dịp cùng hát với nhau, tôi vẫn theo dõi tin tức của anh, và những lần anh trình diễn trên sân khấu video.

Quỳnh Giao thấy giọng hát của anh vẫn còn phong độ, lên cao vẫn tốt, xuống thấp vẫn rõ, ngân không bị trũng vì tuổi tác, và anh không phải dùng kỹ thuật để ngụy trang những ngắt đoạn của làn hơi yếu kém, một hiện tượng dễ hiểu khi thể lực suy yếu.

Bao nhiêu năm ca hát, trong nghề làm sao chúng tôi không cảm thông được với nỗi tuyệt vọng kinh hoàng của người nghệ sĩ khi tài nghệ hay làn điệu của mình không còn theo ý mình nữa. Quỳnh Giao phải nhắc lại đây lời phát biểu của Pavarotti: 'có nhiều lúc cả sự nghiệp của mình như được treo trên chỉ một nốt nhạc'. Có ở trong nghề và có quý trọng khán giả đến vô cùng mình mới cảm thông được nỗi tuyệt vọng trên.

Duy Trác chưa đi tới những giây phút kinh hoàng đò. Nhưng Quỳnh Giao cũng hiểu rằng anh chưa bao giờ thích hát trên sân khấu. Chỉ riêng anh mới biết rõ lòng anh và mình phải tôn trọng quyết định của người nghệ sĩ.

Nhưng, là một người đã cộng tác với anh trên làn sóng điện từ bao năm nay, Quỳnh Giao đoán Duy Trác ngày nay vẫn là Duy Trác thuở xưa của giới thẩm âm: là người khó tính với chính mình vì lòng trân quý nghệ thuật.

Với anh, hát là một sự chọn lọc và anh chọn lọc cử tọa, cách hát cũng như cách tự tay kéo màn của mình khi thấy là 'đến đó đủ rồi'. Duy Trác không muốn hát không đúng nơi hợp cách. Tôi đoán là anh càng không muốn khán thính giả phải kéo màn tắt máy cho mình, với duy nhất còn lại là những cảm tình xen lẫn ái ngại khi thính giả thấy thần tượng đã xế chiều mà không chịu tắt.

Vẫn là phong thái của người có "gout" và kính trọng thính giả.

Như nhiều thính giả đã mến mộ anh mấy chục năm qua, Quỳnh Giao sẽ đến cùng anh vào buổi giã từ ngày 15 tháng Sáu tới. Dĩ nhiên không đến để mừng anh, vì làm sao vui được khi từ nay vắng tiếng của anh, nhưng đến với anh để có một cơ hội ôn chung những kỷ niệm đẹp đã qua.

Ðể nhớ về số 3 Phan Ðình Phùng, về Nguyễn Ðình Toàn và đài phát thanh.

Người ngày xưa có nói về những tiếng hát bao năm sau vẫn quện trên những mái đình cổ kính. Quỳnh Giao nghĩ rằng người xưa có trí tưởng tượng và sự lãng mạn phong phú bù đắp cho những thiệt thòi khác về kỹ thuật.

Thời nay, chúng ta vẫn còn tiếng hát Duy Trác được cất giữ trong băng nhạc, trong đĩa nhựa. Ðể sau này, khi nói 'hát như Duy Trác' người ta sẽ cho các thế hệ về sau nghe Duy Trác hát như thế nào. Quỳnh Giao nhắc về Quách Ðàm mà tin chắc là ngày nay còn mấy ai giữ được tiếng hát Quách Ðàm trong băng nhạc nên nhiều người không biết Quách Ðàm ngày xưa hát ra sao.

Sau này, nói tới Duy Trác, chúng ta vẫn còn 'Thuở Ban Ðầu', 'Chiều Tím', còn 'Áo Lụa Hà Ðông', 'Hương Xưa'... là những tuyệt chiêu không bao giờ tắt, đã gắn bó tiếng hát Duy Trác với đời sống và kỷ niệm của chúng ta.

Riêng đối với Quỳnh Giao, kỷ niệm Duy Trác để lại không chỉ là những ghi âm tiếng hát của anh mà còn là cả một chuỗi ngày thật đẹp khi chúng tôi, nhiều thế hệ kế tiếp nhau, đã được hát trên quê hương điêu tàn của mình. Tôi tin rằng Duy Trác giã từ sân khấu và thính giả, nhưng sẽ còn những lúc cất giọng với bằng hữu những lời ca dẫn chúng tôi về quãng đời âm nhạc êm đẹp nhất.

Lúc đó, Quỳnh Giao tin rằng 'Thuở Ban Ðầu', 'Hương Xưa', 'Ðường Về Miền Bắc' hoặc 'Áo Lụa Hà Ðông' của anh vẫn dịu dàng âm vang cùng kỷ niệm của bằng hữu mấy chục năm.

Quỳnh Giao viết Tháng 6-1995.
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562/posts/10208197948664430





44. HOÀI BẮC PHẠM ÐÌNH CHƯƠNG, MỘT THỜI ĐÃ QUA...


Sau bốn tháng cầm cự với con bệnh, nhạc sĩ Hoài Bắc Phạm Ðình Chương đã giã từ âm nhạc và chúng ta một buổi sáng tháng Tám.

Ðối với gia đình và những người yêu nhạc, tin ông mất đã lấn át vụ đảo chính bất thành tại Mạc Tư Khoa. Buổi sáng 22 tháng Tám, điện thoại reo liên hồi trong giới bạn hữu của ông: không một ai từng yêu mến âm nhạc Phạm Ðình Chương và tiếng hát Hoài Bắc trong ban Thăng Long mà không thấy xúc động bàng hoàng vì một mất mát lớn lao như vậy.

Mấy chục năm qua, đã quen và đã yêu nhạc Phạm Ðình Chương chúng ta cứ tưởng là ông không thể nào rời bỏ chúng ta được, và sẽ còn đó mãi mãi để tiếp tục làm đẹp cho tân nhạc Việt Nam. Như những đứa trẻ yêu mến tàng cây phượng vĩ trong sân trường, rực rỡ hoa đỏ từ thuở ấu thơ, từ lớp vỡ lòng, chúng ta cứ yên chí là vòm cây xanh tươi đó sẽ tồn tại mãi mãi với ngôi trường thân yêu của chúng ta.

Trong phạm vi nhỏ hẹp hơn, Hoài Bắc Phạm Ðình Chương mất đi, ban hợp ca Thăng Long không còn nữa, những nghệ sĩ như Kim Tước, Anh Ngọc, Mai Hương, Lệ Thu... và người viết bài cũng sẽ không còn vui hát như xưa, như những lần đi trình diễn với nhau thật hào hứng, từ ngày còn ở quê nhà cho đến quê người.

Hàng tuần, theo dõi một chương trình truyền hình Việt ngữ, khi nghe đài hiệu là bản Ngựa Phi Ðường Xa, các bạn ông sẽ không còn thấy rộn ràng phấn khởi như xưa. Trong những dịp chung vui trong gia đình hay bạn bè, chúng ta sẽ nghẹn ngào khi hát và nghe Ly Rượu Mừng. Từ nay, vào dịp Xuân về hàng năm, chúng ta vẫn sẽ nghe Xuân Tha Hương nhưng với một tâm trạng khác, buồn thấm thía hơn... Có lẽ là trong tương lai khá lâu sau này, những bạn hữu chí thiết của Hoài Bắc Phạm Ðình Chương sẽ khó hát được những bài ca vui tươi của ông, và những ca khúc trữ tình lãng mạn của ông sẽ làm chúng ta bâng khuâng rã rời hơn trước.

Hoài Bắc Phạm Ðình Chương để lại một khoảng trống quá lớn.

Phạm Ðình Chương là một nghệ sĩ tài hoa.

Nhạc của ông đa dạng và phong phú vì ông sáng tác đủ các thể loại: trữ tình như Thuở Ban Ðầu, Xuân Tha Hương, Ðêm Cuối Cùng, Nửa Hồn Thương Ðau, đầy tình quê hương như Ðược Mùa, Mười Thương, Tiếng Dân Chài, hứng khởi tuổi thanh xuân như Hò Leo Núi, Ðất Lành, Ðón Xuân, Ra Ði Khi Trời Vừa Sáng, Sáng Rừng, Trăng Rừng, hào hùng như Anh Ði Chiến Dịch, Hùng Ca Dân Tộc... loại nào ông cũng có những bài trác tuyệt.

Có một thể loại màt Quỳnh Giao nghĩ là chỉ ông mới đặc biệt xuất sắc, nhờ tâm hồn yêu thơ và hiểu thơ, đó là kết hợp nhạc và thơ. Từ những bài thơ của các tác giả tiền chiến như Lưu Trọng Lư, Quang Dũng, Ðinh Hùng, đến các sáng tác của những nhà thơ của miền Nam tự do sau 54 như Thanh TâmTuyền, Trần Dạ Từ, Du Tử Lê. Sau này, những bài thơ nổi danh tại hải ngoại của Thái Tú Hạp, Hoàng Ngọc Ẩn đã trở thành bất hủ nhờ Phạm Ðình Chương phổ nhạc. Nhiều bài khác hầu như chỉ được quen biết trong ca khúc Phạm Ðình Chương.

Nổi bật hơn cả là trường ca Hội Trùng Dương một biểu hiệu của tài năng lớn Phạm Ðình Chương, dù ông viết khi còn rất trẻ.

Ông mất đi, không biết bao giờ chúng ta mới có dịp nghe một Hội Trùng Dương qua hòa âm trình bầy vui tươi phơi phới như khi ông còn với chúng ta.

***

Về nhạc thuật, Phạm Ðình Chương là một tác giả có đặc điểm kết hợp âm điệu tài tình. Phần đông thính giả yêu nhạc Phạm Ðình Chương đều có chung một cảm tưởng là nhạc của ông có hồn và gần gũi với tâm tư Việt Nam. Phạm Ðình Chương dùng âm giai Tây phương mà vẫn giữ được nét dân tộc qua những nốt láy mềm mại, những chuyển cung đặc biệt Việt Nam (điển hình là Lá Thư Mùa Xuân, Ðược Mùa, Anh Ði Chiến Dịch, Mười Thương, Mầu Kỷ Niệm. Ông cũng viết các ca khúc hoàn toàn sử dụng nét nhạc Tây phương mà không cầu kỳ, dễ diễn tả và dĩ nhiên dễ yêu, dễ nhớ. Những bản tình ca phổ biến nhất của ông là thuộc loại này, như Nửa Hồn Thương Ðau, Ðêm Mầu Hồng, Bài Ngợi Ca Tình Yêu, Dạ “Tâm” Khúc... Phạm Ðình Chương đặc biệt yêu những nốt láy của miền Trung, mà ông thần tình sử dụng trong câu kết của bài Ðôi Mắt Người Sơn Tây hoặc trong ca khúc phổ thơ Du Tử Lê sau này, bản Ðêm Nhớ Trăng Saigon. Ông kết hợp một cách tự nhiên không gượng gạo, dù chẳng phải là viết những ca khúc về... Huế.

Nhờ tài năng phong phú với nét lãng mạn vừa Tây phương vừa gần gũi với tâm hồn người Việt, ông sáng tác rất nhiều mà không có bài nào không hay. Sâu xa nhất, có lẽ nhờ Phạm Ðình Chương viết theo cảm hứng. Ông không viết theo thị hiếu của thị trường. Ông không bao giờ vội nên chẳng bao giờ vấp, và không bao giờ làm những người yêu nhạc ông phải thất vọng.

***

Hoài Bắc Phạm Ðình Chương viết nhạc, soạn hòa âm và trình diễn trong ban hợp ca Thăng Long. Về nghề nghiệp nơi ông sống nhiều nhất chính là phòng trà. Nhưng ông là người đem lại một không khí thanh lịch cho một nơi nghe nhạc vốn nhiều người yêu nhạc cho là thiếu... trang trọng. Nhờ ông, phòng trà “Ðêm Mầu Hồng”có một phong thái riêng, một nơi nghe nhạc chọn lọc của người lịch lãm.

Ông là linh hồn của ban hợp ca đã nhiều thời lừng lẫy từ Sàigòn ra Hà Nội, vào Sàigòn, ra đến hải ngoại. Mấy chục năm nay, sau bao nhiêu thay đổi về nơi chốn và nhân sự, thính giả khắp nơi vẫn nghe Thăng Long. Không có Thái Hằng và Khánh Ngọc, vẫn còn Thăng Long. Không có Thái Thanh, thay thế bằng Mai Hương, vẫn là Thăng Long. Thăng Long chỉ thực sự mất khi không còn Hoài Bắc Phạm Ðình Chương... Vì Thăng Long là Hoài Bắc và hoà âm Phạm Ðình Chương, là tinh thần yêu mến nghệ thuật ca hát của Phạm Ðình Chương. Quỳnh Giao không ngăn được lệ khi nhìn chú Viêm (xin được gọi nghệ sĩ Hoài Trung bằng tục danh tôi vẫn dùng) ủ dột, thất thần trong tang lễ của nhạc sĩ Phạm Ðình Chương. Từ nay, Hoài Trung thật sự lẻ loi một mình...

***

Kỷ niệm của riêng Quỳnh Giao với nhạc sĩ Phạm Ðình Chuơng có rất nhiều, và những kỷ niệm trở về như mới hôm qua, như vừa chớp mắt...

Nhớ lại được những ngày còn bé, căn nhà nhỏ trong khu xóm Phan Ðình Phùng. Căn nhà có cái gác lửng, nơi mẹ tôi mỗi chiều chủ nhật đánh chắn với các chú Phạm Ðình Chương, Phan Lạc Phúc, Thái Thủy, Văn Quang... Chú Chương không đi một mình, thường hay mang theo một thằng bé trạc 7,8 tuổi, bằng em trai tôi bấy giờ, tên là Thành. Ngày bé, Thành nghịch ngợm, thông minh và láu lỉnh. Mấy mươi năm sau, tôi gặp lại Thành khi cậu ra mắt tập nhạc Mộng Dưới Hoa giới thiệu hai mươi bài thơ phổ nhạc của Phạm Ðình Chương vào trung tuần tháng Tư vừa qua.

Không thể tưởng tượng được đó là lần cuối Phạm Ðình Chương sinh hoạt với chúng tôi.

Quỳnh Giao còn nhớ không khí khét lẹt của Tết Mậu Thân 1968, với những hàng rào kẽm gai giăng đầy các cơ quan hành chính quân sự, rồi giới nghiêm làm ngưng đọng những sinh hoạt nghệ thuật. Các đài phát thanh phải mượn những nơi khác làm phòng thu thanh, khiến nghệ sĩ chúng tôi phải di chuyển xa xôi, diệu vợi.

Tôi gặp lại nhạc sĩ Phạm Ðình Chương trong buổi tiếp tân trong giới nghệ sĩ và các giới chức chính quyền tại Dinh Ðộc Lập. Vẫn với dáng điệu nhẹ nhàng, chậm chạp, ông cười cười: “Này Quỳnh Giao, hát đài phát thanh bây giờ chán lắm. Ðến hát cho chú đi, ở Ðêm Mầu Hồng đó. Ngày xưa mẹ không cho vì còn là con gái, bây giờ cháu đã có gia đình rồi, còn ngại gì nữa. Hát phòng trà nhiều người nghe hơn, hát đài phát thanh chỉ có ai yêu nhạc lắm mới chịu khó đón nghe mình”.

Hoài Bắc Phạm Ðình Chương

Tôi nghe lời ông được có một lần. Qua ngày hôm sau, tôi từ chối vì không quen hát trong phòng trà khi khán thính giả đến vì nhiều lý do khác ngoài việc thưởng ngoạn âm nhạc. Nghe tôi giải thích, ông nói: "Tiếc quá, cháu nhát quá. Chẳng ai như cháu cả, chú mời mà không hát”.. Sau biến cố 1975, tôi có đôi lúc tiếc không khí ngày xưa và tiếc cả những dịp bỏ lỡ không trực tiếp trình diễn trước khán thính giả. Nhớ lại, mỗi một bài hát, mỗi một nơi chốn, mỗi một thính giả là như mỗi báu vật, một kỷ niệm mang theo....

***

Tôi nhớ lại lần gặp lại ông khi ông vượt biển sang tới Hoa Kỳ và ghé Hoa Thịnh Ðốn với Hoài Trung. Lần ấy ông, Hoài Trung cùng với cặp nghệ sĩ Văn Phụng - Châu Hà và Quỳnh Giao đã họp mặt thật vui và làm một đêm nhạc lấy tên “Ðêm Mầu Hồng”. Lần đó ông đàn cho tôi hát một ca khúc mới soạn, còn chưa ráo mực, bản “Ðêm Nhớ Trăng Sàigòn” phổ thơ Du Tử Lê. Tôi rùng mình xúc động bởi nét nhạc quá tha thiết, lãng đãng. Ông cùng Hoài Trung và Châu Hà hát “Mưa Sàigòn, Mưa Hà Nội” làm thành một ban Thăng Long mới. Cũng dịp đó ông và Hoài Trung với tôi cùng trình bầy "Ðêm Màu Hồng” trong một... ban Thăng Long trẻ nhất, như ông nói.

Ðó là lần đầu Quỳnh Giao được gặp người vợ trẻ và rất xinh đẹp của ông, được bạn bè ông yêu quý vì rất đảm và thương yêu ông. Nàng ngồi phía dưới ngước lên vùng ánh sáng rực rỡ nơi ông đứng trình diễn bằng tia nhìn trìu mến, ngưỡng mộ, và cười thật tươi khi nghe tiếng vỗ tay tán thưởng ông kéo dài, thật dài. Cuối cùng nàng làm cho cả hậu trường ngạc nhiên vì giọng ngâm thơ êm ái ngọt ngào. Ðây là một tiết mục bất ngờ và đặc biệt của chương trình hôm ấy.

Sau đó, chúng tôi đã có được nhiều dịp trình diễn với nhau trong những chương trình “40 Năm Âm Nhạc Phạm Ðình Chương” ở Hoa Thịnh Ðốn do Lê Văn tổ chức, ở Minnesota do Cung Tiến, nhạc sĩ và bạn thân của ông, thực hiện. Thành phần nghệ sĩ do chính ông chọn và mời, ngoài ban hợp ca Thăng Long với Hoài Bắc, Hoài Trung và Mai Hương, còn có Kim Tước, Lệ Thu và Quỳnh Giao. Ông cũng mời nhạc sư Nghiêm Phú Phi, nhạc sĩ lão thành Ðan Thọ, nhạc sĩ vĩ cầm Hoàng Thi Thao và một người bạn thiết thường có mặt bên ông là nhà văn Mai Thảo. Gánh “cải lương”của chúng tôi (tên ông vẫn gọi đùa) làm việc với nhau rất thoải mái, thân mật mà vẫn trong khuôn phép. Sau đó chúng tôi còn lưu diễn hai tuần vui nhộn và bận rộn do Lê Văn tổ chức tại các nước Âu Châu như Pháp, Ðức, Thụy Sĩ. Ðó là những năm 1985, 1986, 1987.

Giữa năm 1989, chúng tôi đi trình diễn tiếp ở nhiều nơi chương trình “45 Năm Âm Nhạc Phạm Ðình Chương”. Tại San Jose, do ông Nguyễn Ðình Hữu của Hội Cứu Trợ Trẻ Em Tỵ Nạn Không Cha Mẹ tổ chức, tại Houston do một nhóm sinh viên và chuyên gia thực hiện, và tại Nam Cali, do ông Vũ Quang Ninh, một nhân vật quen thuộc của giới truyền thông đảm trách. Ðến nơi đâu Hoài Bắc Phạm Ðình Chương cũng để lại những cảm tình tốt đẹp và những thành công rực rỡ.

Sau khi tập nhạc “Mộng Dưới Hoa” ra mắt, Hoài Bắc Phạm Ðình Chương còn nhiều dự tính trình diễn những buổi thật chọn lọc tại vùng Thung Lũng Hoa Vàng và tại vùng Quận Cam, với những nghệ sĩ ông yêu thích nhất như Anh Ngọc, Lệ Thu, và ban tam ca Tiếng Tơ Ðồng với Kim Tước, Mai Hương và Quỳnh Giao. Nghĩa là tiếp theo buổi trình diễn mang tên”Mộng Dưới Hoa” nói trên, đáng lẽ chúng ta sẽ dược gặp lại Hoài Bắc tại San Jose ngày 28 tháng 7, và tại miền Nam Cali vào giữa tháng Tám...

Chúng tôi đang chuẩn bị các buổi hát này với tinh thần rất chu đáo - một đặc tính của Phạm Ðình Chương trong việc trình diễn - thì cùng với những bài hát và hòa âm trao đổi với nhau, tôi nhận được những bức hình cũ của mình. Những bức hình chụp đã lâu trong những buổi trình diễn thật xa xưa, ông lục lọi trong nhà và gửi cho với nét chữ rắn rỏi mà bay lượn: ”Gửi cháu Quỳnh Giao”.

Ngay tiếp đó là tin ông bị bệnh gan, do bạn hữu kín đáo báo cho nhau biết. Hơn tháng sau là tin ông mổ. Rồi tin ông ra đi. Quỳnh Giao đoán là ông biết trước mệnh mình, chu đáo gửi tặng từng người thân những kỷ niệm xưa, và ứa nước mắt mỗi khi hồi tưởng lại.

***

Sau khi ông mất, cuộn băng hình”Mộng Dưới Hoa” được hỏi mua khắp nơi mà hình như đã bán sạch. Cuộn băng trở thành một kỷ niệm đẹp ông để lại cho chúng ta. Xem và nghe cuộn băng, người yêu nhạc thấy rõ Hoài Bắc Phạm Ðình Chương vẫn còn nguyên phong độ và nghệ thuật, nên càng bàng hoàng tiếc thương khi nghe tin ông tạ thế vì bạo bệnh.

***

Hoài Bắc Phạm Ðình Chương mất đi, hẳn là các tác phẩm của ông sẽ còn được nâng niu mãi mãi sau này. Những người yêu nhạc Phạm Ðình Chương không bao giờ quên được những thanh âm tình tứ, ngọt ngào và thật gần gũi của ông. Nhạc của ông ở trong trái tim, ở trên đầu lưỡi của họ. Nhạc của ông nhắc nhở họ đến cánh đồng, ruộng lúa, cây đa, con sông, ngọn núi, quê cha, đất mẹ, mùa Xuân, ngày Tết, hạnh phúc, khổ đau, tình yêu, chia ly, đêm trăng, thành phố...

Bạn hữu của ông, rất đông, thấy rõ một thời đã qua. Sơn Tây, Ba Vì, Hà Nội, Sàigòn, Ðêm Mầu Hồng, Pasadena, quận Cam... cùng với Hoài Bắc, tất cả chỉ còn là kỷ niệm. Ðiều các bạn ông quí nhất ở ông, ngoài những tác phẩm lớn cho nghệ thuật tân nhạc nước ta, là tính nhũn nhặn, thân ái. Ông giao thiệp nhiều, có bạn trong đủ mọi giới mọi ngành, mà không mất lòng một ai. Ông là điểm tụ cho nhiều sinh hoạt và nhiều kỷ niệm của giới tân nhạc trong suốt mấy chục năm qua.

Ông mất đi, ngôi nhà cũ như tắt đèn đóng cửa,và bạn hữu ông thấy trống vắng quạnh hiu...

***

Chú Chương, chú đã đi. Chú đã trở về với cát bụi. Từ cõi thiên đường, chú hãy nhìn xuống đây. Nhìn xuống những người yêu mến chú vẫn còn ngước lên vòm trời trống vắng có vì sao vừa tắt. Những người ở lại còn được một niềm an ủi: nghe và hát nhạc Phạm Ðình Chương, chú có biết không?...

(05-8 là sinh nhật Thái Thanh, 22-8 là ngày giỗ Hoài Bắc Phạm Đình Chương. Quỳnh Giao viết, tưởng niệm Hoài Bắc khi ông vừa mất, vào năm 1991)
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562/posts/10208193679717709



45. Một Bụng Đầy Sao

Rượu cúc nhắn đem hàng biếng quẩy
Trà sen dạm hỏi giá còn kiêu....
Có lẽ, Tú Xương là nhà thơ được các ông ưa thích hơn các bà. Văn phong đầy chất mỉa mai trào phúng của ông thì nam giới đọc rất kỹ và họ thuộc không kém gì thơ Hồ Xuân Hương.

Vậy mà nếu đọc cho sâu, thì ngoài Nguyễn Khuyến ra, ít ai ngợi ca bà nhà như Tú Xương. Vừa ca tụng bà vợ "quanh năm buôn bán ở mom sông", vừa cười cợt thói vô tích sự của chính mình, đấy mới là cách mà nhà thơ lỡ thời của chúng ta tranh đấu cho nữ quyền, trước khi dân ta nói đến chữ này!

Nhưng khi mọi người đang vui chuyện Tết nhất thì người viết không nói tiếp về ông Tú Vị Xuyên mà xin tạp ghi về chuyện... rượu chè, cũng là sở trưởng của nhà thơ núi Vị sông Côi....

Khi ấy, Quỳnh Giao lại... than thêm một tiếng!

Từ thuở bé, ai trong chúng ta cũng thuộc bài thơ Tết của Tú Xương. Nhưng nếu có hỏi thứ "rượu cúc", mà ông khoe là đã nhắn mua cho dịp Tết, hương vị của nó là thế nào thì nhiều ông lập tức xắm vai phỗng sành của ông Tú. Là cứ trơ ra đấy vì chẳng biết nói năng ra sao!

Vào dịp cuối năm, gia đình và bạn hữu đều lấy cớ bày ra tiệc rượu linh đình, mà chỉ trăm năm sau Tú Xương, hỏi đến một loại rượu đã đi vào văn học sử thì nhiều người hết biết. Còn nói đến trà sen hay chè sen, thì các bà ngồi ở bàn trên lập tức phán xuống cho các ông đệ tử của Lưu Linh ở dưới, rằng coi chừng đấy. Chỉ vì ngày nay là sản phẩm đầy chất hóa học mà thôi....

Thấy câu chuyện sắp quay sang đề tài phổ biến trong số các bà thường lo chợ búa cho miếng ăn tinh khiết, là nạn chất độc trong thực phẩm của Trung Quốc và Việt Nam, một ông bèn gõ ly và ra "tửu lệnh".

Xin nói về một món quốc hồn quốc túy của xứ khác cho nó an toàn. Đó là rượu Champagne!

Chúng ta có để ý thấy các ông cứ nghĩ rằng họ lái xe hay hơn các bà không? Mình chưa đọc một thống kê nào về hiện tượng đó nên chẳng biết thực hư ra sao, mà có thể đoán không sai là phái khỏe lại rất giỏi bẻ tay lái. Vì một vị mặt mày đỏ gay như tăng bào của mấy ông sư Tây Tạng bèn nói qua chuyện... tôn giáo.

Rằng thì mà là đạo Phật có giới tửu là cấm uống rượu, hay là Hồi giáo rất kỵ chất cồn, chứ Khổng giáo lại dạy rằng "vô tửu bất thành lễ" và Thiên Chúa giáo còn có duyên với men rượu! Thấy cử tọa nhìn nhau ái ngại vì sợ gây ra một trường luận chiến, ông bợm đó làm dấu thánh giá rồi ca tụng mấy dòng tu Công giáo là bậc thánh về nghệ thuật cất rượu, mà không chỉ là có rượu lễ còn ngon hơn Martini!

Chứng cớ ư? Người ta nói đến đệ nhất cao thủ rượu Champagne là Dom Pérignon.

Đấy là một nhà tu của dòng Benedictine nổi tiếng ở tấm áo choàng màu nâu, cái đầu húi trọc với vành tóc uốn quanh. Nhưng tiếng thơm nhất là vì ông Dom Pérignon phát minh ra rượu Champagne vào giữa thế kỷ 17!
Câu chuyện chạy qua phần giai thoại vì tục truyền rằng khi vừa tìm ra món quà của Thượng đế, nhà tu Dom Pérignon gọi ngay bè bạn và chư vị huynh đệ trong nhà dòng là: "Hãy đến ngay đi, tôi vừa uống cả một trời sao vào trong bụng!" '

Câu nói ấy chưa làm người Mỹ sướng rêm như lời phát biểu của vĩ nhân Winston Churchill về một danh nhân Hoa Kỳ. Ông Churchill bảo rằng gặp ông Roosevelt thì cũng thú vị như khi mở chai rượu Champagne đầu tiên. Nhưng biết thêm vị Tổng thống Mỹ thì còn sướng như mình được uống chai rượu đó!

Ông Churchill là anh hùng của nước Anh nhưng cũng khét tiếng về nghệ thuật châm biếm, cho nên mình chẳng biết rằng ông ta có cho Tổng thống Mỹ uống nước đường hay không!

Chuyện uống nước đường dẫn bàn tiệc trở lại chai Champagne. Vì đấy chỉ là rượu nho thôi, nhưng lên men lần thứ nhì nhờ có thêm đường nên mới cho ta thấy xủi bọt lăn tăn làm nhà tu ngày xưa tưởng rằng mình đã nuốt trăm vị sao sáng vào tâm can.

Quỳnh Giao bèn mặc cho các ông khoe tài thông thái. Còn các bà lặng lặng nhâm nhi ly Champagne của mình.

Rượu này có đức tính là uống với mọi thức ăn, từ thịt cá đến phó mát hay bánh ngọt đều ngon cả! Các bà đẻ mà có ông chồng quý thì còn biết rằng Champagne lại bổ huyết hơn nhiều loại rượu nho khác. Các cụ mình thì khoe một vò rượu tăm là quý, chứ làm cho rượu nổi tăm thì đấy là đặc tính của Champagne vì sau khi ủ rượu, người ta còn cho lên men lần nữa với đường và men.

Chính là chất men ấy mới làm rượu xủi tăm, với bong bóng chỉ nhỏ bằng cái kim cài đầu cứ lăn tăn nổi lên trong vách ly trông rất vui mắt.

Thấy các ông thao thao luận rượu như Tổ Thiên Thu trong truyện Kim Dung, có bà bèn xuống "ton mineur", lấy giọng thỏ thẻ của ni cô Nghi Lâm mà tung thêm trái bóng xuống chiếu dưới, rằng Champagne là tên đất hay tên rượu vậy?

Thưa rằng cả hai, mấy bà chẳng biết gì cả mà chỉ phá mồi!

Một vị đệ tử của Lưu Linh và Tản Đà trả lời như vậy. Champagne là địa danh ở miền Đông Bắc của Pháp và chỉ rượu nho trồng tại khu vực ôn đới có nhiều đá vôi của đất này mới được phép gọi là Champagne. Gọi sai là có tội giả mạo, như chè sen làm bằng chất hóa học hay như cốm xanh nhuộm phẩm vậy!

Một ông khác thì trịnh trọng nhón miếng gỏi cuốn hành lá, cần ta và cải cúc, bên trong có thịt ba chỉ và miếng cá chấm mắm tôm pha cà cuống, mà dạy cho mọi người theo kiểu Nguyễn Tuân. Rằng giống nho Pinot Noir có thể cho ta rượu trắng và rượu đỏ mà cũng là rượu nho có thể uống với thịt lẫn cá đều ngon! Champagne là rượu nho nhưng phải là nho Pinot thì mới đúng cách.

Các bà bèn tấm tắc khen món cháo cá ám vào mùa Đông lạnh giá và thả cho các ông tung tăng với chuyện rượu Champagne. Nhờ vậy, Quỳnh Giao biết thêm vài chi tiết.

Dom Pérignon là hiệu Champagne đắt nhất, cũng như chai nước hoa Guerlain vậy. Nhưng ngon và thơm không kém thì còn nhiều loại khác ở quanh thành phố Reims của Pháp. Trung bình thì giá chừng bốn chục bạc cũng đã là xuất phẩm. So với rượu chát của California vẫn là rẻ chán!...

Trong một Tạp Ghi cuối năm, Quỳnh Giao chỉ bàn như vậy và mặc cho các ông nói về chai Blanc de Blancs hay nhãn Veuve Clicquot mà vẫn không hiểu rằng rượu cúc của ta chế cất hay ấp ủ ra sao. Quý vị nào mà biết được thì xin lên tiếng cho, chứ mình cứ ôm cả một trời sao vào bụng mà quên mất vò rượu của Tú Xương thì cũng uổng cho các đấng tu mi nam tử!

Quỳnh Giao viết ngày 28-12- 2011.
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562/posts/10208218163249782





46. Ave Maria của Gounod

Giữa mùa tranh giải túc cầu ráo riết hiện nay tại Hoa Kỳ, giới mộ điệu đã tự chuẩn bị cho trận chung kết tại New Jersey vào năm tới. Nhiều ông còn kháo nhau là mùng ba Tết sẽ có dịp phát tài nhờ trận Super Bowl thứ 48, miễn là đầu Xuân không gặp bão tuyết!

Khi lơ đãng theo dõi các trận đấu, người viết có học được một chữ của các ông chơi thể thao trên màn ảnh mà làm mình nghĩ tới âm nhạc.

Hình như là chín mươi năm về trước, có lần mà đội banh Notre Dame bị rơi vào cảnh tuyệt vọng mười phần thì coi như thua mất chín. Thế rồi, mấy cầu thủ của đội banh đã có những cú chuyền banh táo bạo và chuyển bại thành thắng. Từ đó họ gọi cảnh ngộ này là "Hail Mary", hay Cầu Xin Đức Mẹ, có lẽ vì tên đội banh là Notre Dame.

Chữ Hail Mary ấy đã là thành ngữ phổ thông của người Mỹ vào nhiều tình huống khác nhau. Cũng như ta nói về việc liều lĩnh "nhất chín nhì bù" khi đánh bài trong mấy ngày Tết. Hoặc khi ta nhắc đến câu "Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng", là một ca khúc của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng.

Sở dĩ người viết này nhớ đến âm nhạc vì "Hail Mary" bằng tiếng Anh có nghĩa là "Ave Maria".
Charles Gounod

Với mọi người, Ave Maria là kinh Kính mừng Maria mà những người ngoài đạo cũng biết. Trong âm nhạc thì nhiều người còn nhớ cả chục ca khúc ngợi ca Mẹ Maria, nhất là hai bài Ave Maria bất hủ của Schubert và của Gounod, đều được Phạm Duy chuyển qua lời Việt. Nếu kể thêm bài Ave Maria được nhạc sĩ Văn Phụng thầm sáng tác trong tận cùng của tuyệt vọng vào năm 1976 tại Sàigòn, chúng ta có ba ca khúc nên hát trong dịp Giáng Sinh.

Cách đây khá lâu, Quỳnh Giao có nhắc đến Ave Maria của Schubert vào đầu thời Lãng mạn Tây phương và ghi rằng Ave Maria của Gounod có thể ít thịnh hành trong chúng ta vì khó hát hơn. Hoàn cảnh ra đời khá độc đáo của tác phẩm của Gounod cũng là điều nên nhớ khi mình nghe lại.

Sinh năm 1818 tại Paris, Charles Gounod là nhà soạn nhạc lừng danh của Pháp trong thế kỷ 19, với khuynh hướng ban đầu là thiên về nhạc tôn giáo khi ông muốn đi tu và phục vụ trong Dòng Truyền Giáo tại Paris. Về sau, ông khai triển nhiều thể loại khác, có những vở nhạc kịch nổi tiếng về chuẩn mực và nhạc thuật. Ngoài tài viết nhạc, ông cũng là một nhạc sĩ dương cầm và tây ban cầm. Nhưng có lẽ hậu thế nhớ nhất là một ca khúc không do Gounod viết ra.

Đó là bài Ave Maria.

Năm 1853, Gounod ngẫu hứng gõ trên dương cầm một giai điệu dẫn vào nhạc khúc xuất hiện trước đó hơn một thể kỷ, bài "Prélude số Một trên cung Do Majeur" của Johann Sebastian Bach, nhạc sĩ người Đức được đời nay cho là vĩ đại nhất cổ kim. Gounod đặt cho giai điệu này một cái tên đơn giản là "Trầm tư trên bản Prelude Đầu tiên bằng Dương cầm của Bach".

Thế rồi một nhạc sĩ khác là Pierre-Joseph-Guillaume Zimmerman lại thấy giai điệu của Gounod quá hay nên ghi lên khuông nhạc, viết thêm phần trình tấu của vĩ cầm, dương cầm và đàn harmonium, là một loại organ nhỏ, khá thịnh hành trong nhà thờ. Zimmerman không là người xa lạ vì sau này là nhạc phụ của Gounod. Đâm ra ông bố vợ và chàng rể đã đồng sáng tác một nhạc khúc được hậu thế trình bày và thâu thanh nhiều nhất!

Cũng năm đó, trên giai điệu của Gounod, có người ghép lời bài thơ "Le Live de la Vie" của thi sĩ Lamartine để ca tụng đời sống. Nhưng nhạc khúc chỉ có tên là Ave Maria như bài kính mừng Đức Mẹ Đồng Trinh là từ năm 1859, khi người phụ trách xuất bản là Jacques-Léopold Heugel (Ơ-jel) ghi lời từ lấy từ kinh Ave Maria bằng tiếng La Tinh.

Tức là Zimmerman và Heugel đã trau chuốt tác phẩm ban đầu của Gounod và cho loài người ca khúc Ave Maria không thể thiếu trong loại thánh nhạc, vào dịp hôn lễ hay mùa Giáng Sinh.

Người ta cứ gọi đó là "Ave Maria của Gounod" nhưng đây là một sáng tác tập thể. Và có lẽ khởi đầu từ Bach, vì giai điệu của Gounod có lấy lại một phần nét nhạc Prélude của Bach, một người cũng có nhiều sáng tác thiên về tôn giáo....

Ngày nay, sáng tác tập thể này đã được cả trăm nhạc sĩ hòa âm lại và thêm phần phối khí cho các nhạc cụ khác để thành bài thánh ca phổ biến nhất, được thâu thanh và trình bày khắp mọi nơi. Trong các ca nhạc sĩ Việt Nam, danh ca Kim Tước có trình bày ca khúc này qua lời Việt của Phạm Duy. Vào mùa Giáng Sinh, nếu muốn nghe lại một tác phẩm có giá trị nghệ thuật thì chúng ta vẫn có thể lên You Tube....

Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562/posts/10208200809935960





47. Đi Như Ngày Tháng, Xin Thong Thả...

Ngày xưa, người ta đo thời gian với cái hồ bằng đồng, trong hồ có nước chảy nhỏ giọt rồi cứ theo mực nước mà tính giờ. Người Tây thì không vậy, họ có cái đồng hồ. Đấy là những gì chúng ta biết được về chuyện ngày xưa bên ta và bên tây.

Ngày xưa, người ta đo khoảng cách thời gian bằng "mấy tuần nhang", có khi bằng quy ước còn mơ hồ hơn thế, chả hạn như "chừng ăn xong bữa trưa". Đọc truyện xưa, thấy viết là "quá Ngọ" thì có việc gì đó xảy ra, chúng ta chỉ đoán rằng "Ngọ" ấy là trưa, một khoảng thời gian thật ra kéo dài hai tiếng đồng hồ của ngày nay.

"Đi như ngày tháng, xin thong thả"...

Ngày xưa, chúng ta không cần sự chuẩn xác, thật đúng từng phút đến từng giây, làm gì cũng có thể khoan thai chậm rãi vì là ngày Giời tháng Phật. Chúng ta chưa bị còng vào thời gian bởi một chiếc đồng hồ đeo tay.

Ngày xưa, phụ nữ Tây Phương cũng giống chúng ta ở Đông Phương. Họ không đeo đồng hồ vì không bị lệ thuộc vào thời gian. Xã hội muốn họ sống thư thả an nhàn...

Điều ấy nghe ra rất lạ nhưng là quan niệm sống của giới thượng lưu Âu Châu. Đàn bà lam lũ đi làm thì mới cần giờ giấc, chứ các bà mệnh phụ sang cả thì không. Nếu cần biết giờ giấc, họ luôn luôn có người phục vụ là các ông. Các bà cũng không bao giờ đi ra ngoài một mình cho nên cái đồng hồ chỉ giờ thì ai đó phải đeo, chứ các bà thì không. Trong một khoảng thời gian khá lâu, cổ tay các bà chỉ đeo có nữ trang, đeo đồng hồ là dân đi làm, không đủ sang quý.

Người ta có hai cách nhìn tập quán ấy.

Một là các bà ngự trị trên sự tôn vinh của các ông, vốn phải là những người nghĩa hiệp, một thói quen đã có từ thời Trung Cổ tại Âu Châu. Hai là các bà bị lệ thuộc vào các ông, nên luôn luôn cần một người phục dịch, hầu hạ hoặc chi phối, và tất nhiên là bị mất tự do.

Nói đến đồng hồ, ai cũng nghĩ tới nghệ thuật Thụy Sĩ và các nhà nổi tiếng gia truyền đã chế tạo đồng hồ từ mấy trăm năm nay. Nhưng, kỹ nghệ đồng hồ ấy chủ yếu là để phục vụ các ông. Chính xác, đẹp và đa năng để thỏa mãn nhu cầu của các ông khi đi làm, đi chơi, đi núi, đi thuyền... Nhưng đồng hồ chưa chỉ vào phân nửa còn lại của nhân loại, là các bà.

Mãi cho đến gần đây, từ một thế kỷ trở lại thôi, các vị nữ lưu quý phái mới tự trang sức bằng chiếc đồng hồ, mà công dụng chính vẫn không là để đếm thời gian! Nghệ thuật kim hoàn và nghệ thuật chế tạo đồng hồ đã hợp nhất để phục vụ các bà. Nhưng cũng từ đấy phụ nữ bắt đầu được giải phóng vì làm chủ được thời gian của mình, không còn tùy thuộc vào chiếc đồng hồ di động đeo trên tay một người khác.

Nếu có nói rằng chiếc đồng hồ đeo tay của phụ nữ là chỉ dấu âm thầm mà mãnh liệt báo trước phong trào giải phóng nữ quyền thì cũng không ngoa đâu. Các bà hết làm thân bồ liễu cứ phải tựa vào ai đó mới biết được giờ giấc và thời gian.

Ngày nay, đồng hồ của các bà đã nuôi sống phân nửa kỹ nghệ kim hoàn.

Khi mùa lễ lạc đang khai trương với Lễ Tạ Ơn, chúng ta thấy quảng cáo rất nhiều món quà Giáng Sinh đắt giá cho các bà, là chiếc đồng hồ đeo tay. Là nữ trang, đồng hồ đeo tay của các bà thường phải bằng quý kim lấp lánh kim cương, nhỏ và nhẹ. Diễm lệ và nổi tiếng nhất thì phải có Rolex, Cartier, Piaget, Girard-Perregaux, Vacheron Constantin, Patek Philippe...

Nhưng, nếu tinh ý một chút, người ta còn có thể thấy ra một chiều hướng khác của các bà. Sau khi đã tước mất nước hoa của các ông, nhiều người còn lột luôn chiếc đồng hồ của nam giới!

Nhà Dior sản xuất mùi Eau Sauvage cho đàn ông, khi thấy mùi này bị các bà lấy mất họ bèn chế ra mùi Diorella trên cùng cung bậc hương sả và chanh đầy nam tính của Eau Sauvage. Sau đó, họ còn khám phá thêm một chuyện động trời khác là một phần ba khách hàng mua đồng hồ họ chế tạo cho đàn ông lại là các bà!

Mấy ai lại than phiền về chuyện ấy bao giờ. Họ bắt được một nguồn mạch mới.

Nhiều hãng khác cũng vậy, họ chế tạo ra hiệu đồng hồ đầy nam tính, khá to, dây da hay dây nhựa, với đầy đủ công dụng cho một ông năng động, nào đo tốc độ, nào có thể lặn dưới nước, có cả tuần trăng trên mặt kính, v.v... mà cả ông lẫn bà đều có thể mua được!

Nhà Longines có chiếc Hydro Conquest cho cả hai loại khách hàng nam nữ. Nhà Chanel có loại đồng hồ J12 của các ông, nay cũng bán luôn cho các bà. Sau loại nước hoa "unisex", chúng ta bắt đầu có đồng hồ lưỡng tính, nam nữ xài chung.

Không có gì làm các ông mê mẩn hơn là khi thấy một phụ nữ ăn mặc rất đúng thời trang, vai đeo ví da đắt tiền, nhưng lại có chiếc đồng hồ với kiểu dáng dữ dằn của đàn ông. Không còn liễu yếu đào tơ cứ tìm nơi nương tựa, các bà đã hoàn toàn độc lập. Chẳng những vậy, còn giật luôn loại chiến lợi phẩm đàn ông nhất, là đồng hồ của đàn ông và quàng vào cổ tay dáng vẻ mạnh mẽ, ngang tàng!

Chiếc đồng hồ trở thành vật khẳng định nữ tính tiêu biểu của thời nay, đó là dũng mãnh và bất cần. Đâm ra các ông cứ ngẩn ngơ lùi từng bước.

Cho nên, trong mùa lễ lạc sắp tới, khôn hồn thì các ông nên mua... hai chiếc đồng hồ, nếu không thì có khi bị lột mất đồ chơi mình đeo trên tay.

Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562/posts/10208200069597452



48. Giới thiệu Chương Trình (Quỳnh Giao làm MC!)


1. Ðất Lành Phạm Ðình Chương

Vào năm 1-9-5-4 xa xưa, hiệp định Genève chia đôi đất nước đã làm hơn hai triệu người từ bỏ miền Bắc đi tìm đời sống tự do ở miền Nam. Nổi trôi theo mệnh nước, tân nhạc Việt Nam có ghi khắc lại biến cố đó. Một số nghệ sĩ phải lìa xa quê hương miền Bắc đã viết lại nỗi hoài niệm day dứt, như Vũ Thành với Giấc Mơ Hồi Hương, Ðan Thọ với Xa Quê Hương, hoặc Phạm Duy với Tình Hoài Hương. Nhưng, trước hy vọng tràn trề của miền đất hứa vừa hiển hiện, nhiều tác phẩm ngợi ca không khí tự do ở trong Nam đã xuất hiện trong giai đoạn này, như Tiếng Hò Miền Nam của Phạm Duy, Dựng Một Mùa Hoa của Phó Quốc Thăng hoặc Xuân Miền Nam của Văn Phụng. Trong thể loại những bài ngợi ca miền Nam bát ngát tự do, nhạc sĩ Phạm Ðình Chương đã có một tác phẩm tươi thắm và nghệ thuật, mang tên Ðất Lành. Ðể mở đầu cho chương trình hôm nay, và với sự phụ họa của ban Tứ ca Trùng Dương, Ðất Lành sẽ đến với chúng ta qua tiếng hát Quỳnh Giao.

2. Cô Láng Giềng Hoàng Quý

Vào thời phôi thai của nền tân nhạc Việt Nam, các nhạc sĩ có viết lời ca tỏ lộ tình cảm thì cũng chỉ nhẹ nhàng kín đáo. Những mối tình được dệt thành từ và nhạc cũng chỉ, như Phạm Duy đã nói, là “tình ấp úng”. Nghệ sĩ thời đó viết về cô lái đò, cô hái mơ, cô hàng xóm và những mối tình vu vơ của mình, như gió thoảng đưa, có trao đi mà không đền đáp. Sau đó, có khi lại ngậm ngùi vì người đẹp chẳng biết đến mối tình ấp úng của mình, mà... lên xe hoa đi vào một cõi tình khác. Nổi tiếng với các ca khúc cho thanh niên và hướng đạo, nhạc sĩ Hoàng Quý còn có một bài tình ca mong manh như gió thoảng, là Cô Láng Giềng. Chúng ta sẽ nghe tiếng hát nghệ thuật mà chân chất tuổi đời thơ ngây của Lê Hồng Quang kể lại câu truyện của Cô Láng Giềng.

3. Bến Xuân Văn Cao + Phạm Duy

Văn Cao là một tài năng lớn của tân nhạc Việt Nam. Ông sáng tác không nhiều mà mỗi bài lại là một tuyệt tác. Bến Xuân của ông viết cùng Phạm Duy, là một phối hợp nên thơ giữa lời và nhạc, giữa nét lãng đãng Ðông phương thoát tục với sự hài hòa đầy kỹ thuật Tây Phương. Ra đời từ nửa thế kỷ, Bến Xuân vẫn là một cõi tìm đến của những người yêu nhạc và cảm được lời trong ý nhạc. Hôm nay, xin để lắng hồn mình, quý vị sẽ ghé Bến Xuân với phong vị mới, qua cách diễn tả của Bích Liên.

4. Hoài Cảm Cung Tiến

Viết không nhiều, dù viết thật sớm, Cung Tiến đã gây niềm dạt dào thương nhớ Hà Nội với ca khúc đầu tay là Thu Vàng, viết vào tuổi mà phái nữ gọi là đôi tám. Nhớ Hà Nội, ta thường nhớ mua thu với áo mơ phai trong tiết điệu Thu Vàng lôi cuốn như một bản luân vũ ven hồ. Sau Thu Vàng không lâu, tác phẩm Hoài Cảm được Cung Tiến tung ra và trở thành ca khúc được giới thanh niên sinh viên yêu thích. Kể từ đó, 40 năm đã qua, Cung Tiến vẫn là người nhạc sĩ của tuổi trẻ. Họ nghe nhạc Cung Tiến như tiếng lòng của người cùng thời cùng tuổi. Ðiêu luyện một cách kín đáo, nhạc Cung Tiến có sự tươi tắn không tuổi là vì vậy. Hôm nay, chúng ta xin lần giở lại mối tình thời trẻ, với tiếng hát Lệ Thu.

5. Lời Ru, Bú Mớm, Nâng Niu Phạm Duy + Phạm Thiên Thư

Vào đầu thập niên 70, cõi thơ lục bát của chúng ta đã có những cụm mây vàng rực rỡ với Phạm Thiên Thư. Ông làm thơ về đạo mà lại có những rung động rất đời, rất người.... Cảm thơ Phạm Thiên Thư, nhạc sĩ Phạm Duy đã viết ra Mười Bài đầy chất thiền đạo. Lời thơ siêu hình đi cùng nét nhạc phóng dật mà uẩn súc khiến 10 bài đạo ca này trở thành tác phẩm kén người nghe. Lời ru, bú mớm, nâng niu là một trong những bài hay nhất của Ðạo ca Phạm Duy, hay nhất và có ý nghĩa khi ca tụng tình yêu của mẹ như tình thương tuyệt đối và toàn vẹn của thượng đế. Thu Hà sẽ hát cho chúng ta bài ngợi ca tình mẹ đó, với sự phụ hoạ của ban Tứ ca Trùng Dương.

6. Rồi Ngày Sẽ Trôi qua, Hoàng Trọng

Hoàng Trọng nổi tiếng từ thập niên 50 và mãi tới sau này, ông vẫn được giới yêu nhạc tôn vinh là nhạc sĩ xuất chúng trong thể điệu Tango dìu dặt trữ tình. Trong nhiều thập niên liên tục, các ca khúc của ông như Nhạc Sầu Tương Tư, Tiếng Lòng và Ngàn Thu Á oTím... đã là những tác phẩm được yêu cầu nhiều nhất trên làn sóng phát thanh của miền Nam. Cuối thập niên 60, Hoàng Trọng còn là nhạc trưởng của Tiếng Tơ Ðồng, một ban hợp ca được mọi người mến mộ trên đài truyền hình cho tới năm 75. Sáng tác sau 1-9-7-5, bài Rồi Ngày Sẽ Trôi Qua là một tiếng lòng nức nở, đánh dấu một thay đổi lớn lao cho cả cuộc đời lẫn khuynh hướng sáng tác của người nhạc sĩ tài ba này. Chúng ta sẽ nghe Nguyễn Thành Vân diễn tả tác phẩm đầy luyến thương đó của Hoàng Trọng...

7. Nghìn Thu Phạm Duy

Nếu đạo ca đã được Phạm Duy sáng tác ngay trong lúc đạn bom còn át tiếng người, thì sau khi chiến tranh kết thúc, hoà bình dường như vẫn chưa có mà quê hương thì đã mất. Trong cuộc sống lưu vong, và khi đã quá lục tuần, nhạc sĩ Phạm Duy đã tìm tới một nền hoà bình trong tâm tưởng, qua một sự mặc khải siêu nhiên. Ông viết những bài “Rong Ca” vào giai đoạn đó. Ca khúc Nghìn Thu được trích từ tập “Rong Ca” là một tác phẩm trong sáng, phơi phới tình yêu và lòng tha thiết tới nhân sinh nhân thế. Ca khúc này sẽ do Lệ Thủy trình bày.

8. Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay, Ðoàn Chuẩn - Từ Linh

Nói đến tân nhạc trữ tình thời tiền chiến, với chúng ta là thời trước 1-9-5-4, ta không thể quên những ca khúc của Ðoàn Chuẩn và Từ Linh. Thực ra Ðoàn Chuẩn và Từ Linh chỉ là một. Như lời tâm sự về sau, Ðoàn Chuẩn ghi thêm tên Từ Linh vào ca khúc của mình để tỏ lòng yêu quý một người bạn trẻ thuở hàn vi. Ðoàn Chuẩn dường như được sinh ra để viết về tình yêu trong mùa Thu. Hơn 10 bài theo thể điệu slow lả lướt và ướt át của ông là lời tỏ tình muôn thuở của những người nhớ nhau trong thu, luyến tiếc một lá thư hay bồi hồi rung động vì một tà áo xanh. Một trong những tình khúc đẹp nhất của Ðoàn Chuẩn, bài Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay, sẽ đến với chúng ta qua tiếng hát Mai Hương.

9. Ðôi Mắt Người Sơn Tây Phạm Ðình Chương

Con chim đầu đàn và linh hồn của ban hợp ca Thăng Long, chính là Phạm Ðình Chương. Ông là người đa tài đến độ xuất chúng. Là một giọng ca nam đặc sắc nhất của miền Nam dưới tên Hoài Bắc, Phạm Ðình Chương đã quên tiếng hát của mình để cống hiến cho ban Thăng Long tài hoà âm điêu luyện xuất sắc. Là nhạc sĩ đã có vị trí rực rỡ trong tân nhạc khi mới 18 tuổi, Phạm Ðình Chương cũng là người phổ thơ hay nhất của âm nhạc Việt. Nhạc của ông đã đưa thơ Ðinh Hùng, Thanh Tâm Tuyền, Nguyên Sa, Trần Dạ Từ và Du Tử Lê cùng nhiều người khác ra khỏi vườn thơ, để trở thành những cánh bướm muôn màu của tân nhạc. Khi còn sống với chúng ta, Phạm Ðình Chương đã làm nhiều người rơi lệ với bài Ðôi Mắt Người Sơn Tây, do ông phổ nhạc từ hai bài thơ của Quang Dũng. Sơn Tây là quê ngoại của ông, mà ông không còn được nhìn thấy nữa. Hôm nay, tiếng hát Bích Liên sẽ dẫn chúng ta về vùng đất đó....

10. Mộng Dưới Hoa Phạm Ðình Chương

Ca khúc tiêu biểu nhất cho tài phổ thơ của Phạm Ðình Chương là Mộng Dưới Hoa. Ý thơ diễm lệ và lãng mạn của Ðinh Hùng được tài nhạc của Phạm Ðình Chương chắp cánh bay bổng vào vườn tình ái. Ca khúc là một tuyệt tác về cả thơ lẫn nhạc, nên đã thành lời tỏ tình của biết bao thế hệ. Người ta đã cảm nhau, yêu nhau và... lấy nhau trong lời ca tiếng nhạc của Mộng Dưới Hoa, đến nỗi, sinh thời Phạm Ðình Chương đã nói đùa tới món nợ của nhiều người được ông làm ông mai mà không biết. Chúng ta biết, và nhớ lắm, nên sẽ trở lại cõi yêu đương của Mộng Dưới Hoa, qua nghệ thuật diễn tả của Lê Hồng Quang.

11. Biển Nhớ Trịnh Công Sơn

Trịnh Công Sơn bắt đầu sự nghiệp sáng tác bằng tình ca, và có lẽ sẽ mãi mãi ở trong vị trí một người tình của âm nhạc, nhưng là một người tình bi thảm. Tình khúc Trịnh Công Sơn thường là những hoài niệm u buồn mang nhiều não tính. Con tim nhạy cảm của ông đầy ắp những hình ảnh của bốn mùa réo gọi sông biển, khi thời tiết trở mình và tình yêu vẫy chào để tan vào vô định. Biển Nhớ là điển hình cho lời giã biệt đó, sẽ do Lệ Thu trình bày hôm nay.

12. Dạ Lai Hương Phạm Duy

Có người đã nói rằng Huế là quê hương của tình yêu. Nhưng, dường như tác giả của những ca khúc hay nhất về cõi tình lãng mạn này lại là những người ở nơi khác tìm đến... mà không rời đi được. Như Ðêm Tàn Bến Ngự của Dương Thiệu Tước, hay Hẹn Một Ngày Về của Lê Hữu Mục. Phạm Duy, nhạc sĩ lẫy lừng của chúng ta, cũng đã viết về Huế, trong một đêm thơm như một dòng sữa... Bài Dạ Lai Hương của ông đã gợi lại một đêm Huế, đẹp và thơm trong vườn khuya vắng lặng, khi ánh trăng rực rỡ tỏa hương trên những thiếu nữ yêu kiều của đất Thần Kinh. Ca khúc trữ tình mà thanh thoát này sẽ do Mai Hương trình bày...

13. Tìm Đâu Nguyễn Hiền

Nhạc sĩ Nguyễn Hiền nổi tiếng từ sau 1-9-5-4 với các ca khúc Thanh Bình Ca hay Người Em Nhỏ. Ông sáng tác đều đặn, bài nào cũng hay trong nhịp điệu êm ái du dương, lời ca nồng nàn mà không suồng sã. Nhạc Nguyễn Hiền làm cả người hát lẫn người nghe đều thấy thoải mái thanh thản, yêu đời và yêu người hơn, vì lời ca có buồn cũng chỉ là nỗi buồn man mác và có vui thì cũng là niềm vui êm đềm dịu ngọt. Một trong những ca khúc được yêu thích nhất của ông là Tìm Đâu, sẽ do Lệ Thủy trình bày sau đây.

14. Ngọc Lan Dương Thiệu Tước

Dương Thiệu Tước là người đã có những cống hiến lớn lao cho nền tân nhạc Việt Nam từ khi phôi thai mãi tới những thập niên sau này. Là cháu nội cụ Dương Khuê, một tay thơ văn kiệt xuất vào thế kỷ trước, ông đã hấp thụ tinh hoa của văn học nước nhà, nhưng đồng thời cũng học cả nhạc cổ truyền của ta lẫn nhạc cổ điển Tây phương. Kết hợp tinh túy của văn chương dân tộc với nhạc Tây phương, mỗi ca khúc của Dương Thiệu Tước lại là một viên ngọc quý với lời ca trau chuốt, ý nhị và thanh lịch, trong nhịp điệu mới lạ. Hai tác phẩm của ông mang nét tiêu biểu cho cổ nhạc miền Trung và miền Nam là Ðêm Tàn Bến Ngự và Tiếng Xưa. Ðiển hình cho sự thanh quý phương Ðông hài hoà trong nét lãng mạn Tây phương là Ngọc Lan, một ca khúc kén người hát mà cũng được tác giả yêu thích nhất. Ngọc Lan sẽ được tỏa hương hôm nay, qua nghệ thuật diễn tả của Quỳnh Giao.

15. Bên Em Đang Có Ta Trúc Hồ

Ðể kết thúc cho chương trình nhạc chủ đề Thương về quê mẹ, và cũng để cảm tạ quý vị hiện diện nơi đây đã ủng hộ và giúp đỡ ban tổ chức và “Hội cứu trợ trẻ em không cha mẹ” trong buổi nhạc hội này, các nghệ sĩ sẽ trình bày ca khúc Bên Em Đang Có Ta của Trúc Hồ, như lời chào tạm biệt và một lời hứa hẹn sẽ tái ngộ trong niềm yêu thương gửi tới các em nhỏ không may của đất nước...

Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562/posts/10208184430366481

Xem tiếp >>>  MỤC LỤC PHẦN 1 - PHẦN 2 - PHẦN 3 PHẦN 5 - PHẦN 6 - 
PHẦN 7 - PHẦN 8