Tạp Ghi @ Quỳnh Giao (7)

TẠP GHI @ QUỲNH GIAO

PHẦN 7 

73. O Cangaceiro
74. Marilyn Diễm Tuyệt
75. John Hurt và Khổ Ách
76. Bí Danh, Nghệ Danh và Biệt Hiệu
77. Charles Aznavour – Lời Từ Biệt Vượt Thời Gian
78. Nhớ về Văn Phụng? Hát khúc Ô! Mê Ly!
79. Nữ hoàng Schwartzkoft – Sống Cho Nghệ Thuật
80. Tan Dun - Ðệ Nhất
81. Nghe Strauss Trên Dòng Danube
82. Judy Collins – Từ thảm họa đến bác ái
83. Yehudi Menuhin – Tâm trụ vào nhạc
84. Gilbert Bécaud – Et Maintenant
---------------------------------------------------------------------------





73. O Cangaceiro


Theo dõi lễ hội Mardi Gras tại New Orleans, người ta lại nhớ tới Carnaval tại Brazil, với màu sắc rực rỡ huy hoàng và những sinh hoạt đã ra khỏi lãnh vực tôn giáo.

Hồi tưởng lại, không hiểu ngày xưa ở Việt Nam người ta có những lễ lạc nhảy múa vào dịp này hay không? Hình như là không. Và ngày xưa, hình như xứ Brazil với chúng ta vẫn còn xa lạ. Ngày xưa, mình đọc theo Tầu tên nước này là Ba Tây, một cái tên mà chỉ các ông đánh phé thấy dễ nhớ hơn cả.

Quỳnh Giao bạo miệng nói vậy khi nghe các chú các bác nói với nhau “Ba Tây đi tiền” lúc kể lại một canh phé trong đài! Nghe nói trò chơi đó sát phạt nặng lắm, và đặc biệt là của thế giới đàn ông. Cùng lắm thì ngồi đánh “mạt chược”, chứ có khi nào dám đánh phé. Ðầy khói thuốc!…

Thật ra, Việt Nam đã có lần “tiếp xúc” với xứ Brazil mà lúc ấy còn bé nên mình không biết.

Sau Genève 54, đường phố Sàigon đều nghe thấy con trẻ hát bài “O Cangaceiro”, ấn bản Việt Nam, do các tác giả nhi đồng ẩn danh nghêu ngao với nhau ngoài phố. “Ồ ê! Có con gà gô…”

Thời ấy, trẻ con mà xem phim “cao bồi” đều nhớ đến hai phim đen trắng thuộc loại vĩ đại.

Người lãng mạn thì nhớ đến Le Train Sifflera Trois Fois. Truyện người hùng cô đơn Gary Copper một mình đối phó với kẻ thù trước sự lẩn tránh của một thành phố vắng tanh. Lần đầu, thấy Grace Kelly hiền hậu và quý phái, nhưng chống bạo động, mà cuối cùng vẫn sát cánh cùng ông chồng, ai cũng thương. Gary Cooper diễn xuất theo lối “minimalist”, tác điệu bằng cách chẳng làm gì cả!

Phim ấy nổi tiếng cũng nhờ bài ca “Si toi aussi tu m’abandonnes…” trầm hùng thê thiết.

Mãi về sau, lớn lên mới biết rằng ta xem phim cao bồi Mỹ qua sự “nhuận sắc” của Tây. Ðó là phim High Noon, lối chơi chữ về cuộc hẹn giữa trưa mà cũng có nghĩa là giờ phút của sự thật. Sau này, cứ nghe Mai Thảo và Hoài Bắc ngất ngưởng hát bản High Noon bằng lời Pháp, lũ trẻ nít lại thấy một thời vang bóng. Cả hai đều dong dỏng cao, hai tay khuỳnh khuỳnh, ai thủ vai Gary Copper là hợp cách?

Quỳnh Giao nghĩ đến ông Anh Ngọc mới là hợp nhất!

Ca khúc trong phim, “Do Not Forsake Me, O, My Darlin’”, qua tiếng hát Tex Ritter là giai điệu của Dmitri Tiomkin, nhạc sĩ nổi tiếng của các phim Western. Sau này, chúng ta nhớ nhất bài ca qua tiếng hát Frankie Laine. Mãi về sau mình mới biết rằng nhạc phim đã được giải Oscar, hy hữu cho một phim không thuộc loại ca vũ nhạc.

Lãng mạn thì thích High Noon.

Còn những người bi quan và thực tế thì thích phim kia hơn. Ðó là O’ Cangaceiro, thời còn bé cứ tưởng là phim Tây, thực ra là phim... Ba Tây, Brésil hay Brazil.

Vùng đất ấy khô cằn nghèo khổ, là nơi giặc cướp tung hoành. Ngày đó cướp xuống làng tàn phá và bắt theo cô giáo làng. Trong đám cướp, có tay lục lâm có lòng, y thương hại cô giáo và tìm cách giải thoát nàng. Hai người bị bọn cướp ruồng bắt và phim kết thúc trong bi thảm.

O' Cangaceiro xuất hiện từ 1953, sau High Noon một năm, nhưng tới Việt Nam khá lâu sau Genève 54. Tên phim là tiếng Brazil, tức là tiếng Bồ Ðào Nha, có nghĩa là “Tên cướp”.

Khi ấy, nội dung hào hùng hình như lại rất hợp với tâm trạng những người phải phiêu dạt vào Nam, làm quen với tính tình ngang tàng và trọng nghĩa khí của người miền Nam nên bộ phim gây mãi ấn tượng khó quên về miền Nam. Nhiều rạp ở Sàigòn còn chiếu đi chiếu lại với hình ảnh quảng cáo là một tên cướp, mũ gắn sao xốc ngược ra sau, trên ngực vắt chéo hai băng đạn, mặt mày dữ tợn.

Loạt phim Western spaghetti của Sergio Leone sau này có tàn bạo đến mấy vẫn không đen bằng O Cangaceiro. Ra mắt lần đầu tại Ðại hội Ðiện ảnh Canne, O Cangaceiro được giải thưởng tại Canne rồi Vienna và còn được nhớ mãi với ca khúc cùng tên.

Cũng như High Noon, Việt Nam chúng ta thời ấy chỉ nhớ lời Pháp!

Oh! Oh! O Cangaceiro
Olé chante l’écho
Olé la lune éclaire
Debout les vagabonds


Trong khi vỉa hè Sàigon thì hát lời Việt, giờ này có lẽ chỉ còn những vị trên thất tuần là nhớ. Nếu còn Lê Thương, có khi ông sẽ hát lại trọn bộ cho mà nghe! Con người ấy, cái gì cũng biết, huống hồ là nhạc dân gian.

Thế rồi chiến tranh bùng nổ, còn khốc liệt hơn những phim tàn khốc nhất và O' Cangaceiro bị lãng quên dần. Thản hoặc về sau có nhớ thì biết thêm là bộ phim chịu ảnh hưởng của hai đạo diễn bậc thầy, John Ford của Mỹ và Akira Kurosawa của Nhật.

Sau này khá lâu, Quỳnh Giao có lần được nghe lại ca khúc tuổi ấu thơ khi mới vào Nam, với tiếng hát và tiếng đàn Joan Baez.

Nàng hát bản gốc bằng tiếng Bồ Ðào Nha, dù không hiểu lời và có lẽ càng không hiểu lời càng thấy nhạc hay và gợi nhớ lời xưa mà mình đã nghe. Joan Baez có giọng đẹp, hát trong mà tròn và đầy hơn Nana Mouskouri rất xa. Ðánh đàn thùng, bập bùng thôi thúc nét buồn xa vắng. Nghe mãi thì hiểu ra giai điệu Brazil và cả vốn liếng văn hóa của Bồ Ðào Nha ở phía sau.

Nhắc đến Brazil, người ta nhớ đến vũ khúc samba và sau này là điệu bossa nova, một kết hợp hài hòa của samba và nhạc jazz của Mỹ, dịu dàng hơn mà lạc quan hơn. Riêng O' Cangaceiro thì vẫn còn nguyên cái chất bi hùng, thô nhám. Càng nghe càng thấy man mác buồn.

Dàn nhạc của Percy Faith cũng có chơi bài này, nhưng mới hơn cả thì có bản của Herbie Mann, một nhạc sĩ thổi sáo và chuyên kết hợp jazz của Hoa Kỳ với các giai điệu Nam Mỹ. Tiếng sáo rất ấm, nhịp diệu dồn dập mà nghe vẫn thấy buồn.

Ðã nửa thế kỷ rồi, nghe lại O Cangaceiro, người ta không thấy màu sắc rực rỡ và tiếng nhạc dậm dật của lễ hội Carnaval. Chỉ thấy nổi lên một nỗi nhớ, nhớ lại miền Nam thời xưa…

Quỳnh Giao viết ngày 01-3-2006.
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562/posts/10208255521263709






74. Marilyn Diễm Tuyệt


Nếu còn sống, Marilyn Monroe đã là một lão bà trên tám chục.

Marilyn Monroe từng là biểu tượng sex của Hollywood
Quỳnh Giao ân hận là thích nàng hơi muộn.

Ngày xưa khi còn ở nhà thì không được cho phép xem phim có M.M. diễn xuất. Trẻ ngây thơ thời ấy chỉ thỉnh thoảng được xem hình của nàng trên những “áp phích” quảng cáo, và cũng như lời đồn của người lớn ngây dại, cứ coi nàng là “nữ thần nhục thể”, theo lối viết của năm xưa.

Thời ấy, người thưởng ngoạn và luận về chuyện đẹp xấu trong nghệ thuật hay mỹ thuật thường là nam giới, họ thẩm định với mỹ quan của người tiêu thụ ngoan... và ngu. Lũ con trẻ cũng tiếp nhận như vậy nên Marilyn Monroe là biểu tượng rất Hollywood của kiều nữ bốc lửa với mái tóc bạch kim và đôi môi mọng đỏ.

Mãi về sau, có dịp coi lại ngần ấy phim của Marilyn Monroe và tìm hiểu về cuộc đời nàng, thì mới thấy khác. Xin có đôi dòng về người phụ nữ phi thường này như một lời tri ân muộn màng.

Marilyn Monroe có vẻ đẹp rất quy ước cho đàn ông phàm tục.

Mỹ quan ấy nay đã thay đổi như đã từng thay đổi và còn thay đổi. Ðẹp thời ấy là phải đẫy đà trắng muốt nuột nà. Thời nay, đẹp là phải dong dỏng cao, thân hình rắn chắc và da dẻ hồng lên ánh mặt trời. Marilyn bị đóng khung trong vai trò “sex symbol” ấy và muốn thoát ra ngoài.

Tượng Marilyn Monroe  nổi tiếng
Nàng sinh ra trong cảnh ngộ bi đát, cha là ai không biết, mẹ bần hàn và sau này điên bệnh phải buông nàng vào viện mồ côi, rồi tựa trái banh nàng được truyền từ cha mẹ nuôi này qua cha mẹ nuôi khác. Như một người ở cảnh tương tự là danh ca Edith Piaf của Tây, Marilyn đã vươn khỏi chốn bùn lầy nước đọng để trở thành một nghệ sĩ siêu đẳng.

Hollywood ích kỷ và nông nổi tưởng rằng đã “lăng xê”, đã tung ra một trái bom của nghệ thật phù phép điện ảnh là Marilyn Monroe. Thực ra, nàng đã tự phát minh ra mình.

Nhiều đạo diễn thời danh sau phải công nhận điều ấy, như John Huston, Billy Wilder, Joshua Logan, Henry Hathaway hay George Cukor. Cầm đầu hệ thống 20th Century Fox, Darryl Zanuck tóm tắt với câu ngắn gọn: “Không ai khám phá ra nàng, tự nàng tiến lên vị trí minh tinh màn bạc”.

Marilyn Monroe không muốn thành minh tinh, hoặc nói theo thời nay, một ngôi sao điện ảnh, một “siêu sao”, dịch theo kiểu tân cổ vô duyên từ chữ “super star”. Nàng muốn là nghệ sĩ, suốt đời chỉ mong mỏi điều ấy.

Người ta biết đến Marilyn Monroe qua hình ảnh lịch sự thì gọi là người mẫu, thực tế thì là hình ảnh trang trí cho nam giới, ngày xưa thanh niên Mỹ gọi là “pin-up”. Hình đẹp thì gắn lên tủ để ngắm.... Sau đấy nàng mới bước vào điện ảnh, cũng vẫn trong những vai cần thân hình hơn thần tính, trước sự hoài nghi rồi nhân nhượng mà chưa tin của hãng Fox.

Từ 1946 đến 1953, Marilyn Monroe trải qua con đường khổ nhục ấy vì Hollywood bật đèn rất sáng mà chưa thấy gì.
Marilyn Monroe trong phim Niagara

Cho đến phim “Niagara”, họ mới biết thế nào là “đêm thấy ta là thác đổ”!

Marilyn không chỉ biết hé môi hồng hay lắc hông theo lối làm đàn ông há miệng. Nàng diễn xuất giỏi và đem lại bạc triệu cho các hãng phim nhờ những vai khôi hài, ngây thơ mà gây ra vô số tội, như “Gentlemen Prefer Blond”, “How to Marry a Millionaire”, “The Seven Year Itch”, hay “Bus Stop” và nhất là “Some Like It Hot”, phim hài hước đã trở thành cổ điển.

Nàng còn muốn phá ra khỏi khung cảnh cũ với loại phim bi kịch và cũng chứng tỏ một tài năng khác thường, với “Misfits”, thủ diễn bên cạnh Clark Gable và Monty Clift, một đại tài tử có sự cảm mến sâu đậm dành cho nàng.

Ðiều ít ai ngờ là Marilyn Monro lại coi thường danh vọng của một nữ hoàng nhục thể và có sự thông minh sắc bén hơn rất nhiều người đàn ông muốn chinh phục món đồ chơi này.

Marilyn nổi tiếng không chỉ ở thân hình hay tài diễn xuất, nàng còn gây kinh ngạc ở những câu phát biểu thông minh duyên dáng. Những ai chờ đợi sự khù khờ nhẹ dạ của một nàng đẹp mà đần đều ngỡ ngàng, khâm phục.

“Một nữ diễn viên không phải là cái máy, nhưng họ coi mình như máy. Cái máy hái tiền”.

“Họ” đây là Hollywood, nơi mà “họ sẽ trả ngàn bạc cho một nụ hôn, và năm xu cho tâm hồn”, nơi mà “đức tính cao đẹp nhất của con gái không đáng chú ý bằng mái tóc”. Hãng Chanel nổi tiếng về trang phục và nước hoa mắc nợ nàng kiều nữ này ở một lời thú nhận tuyệt diệu. Hỏi nàng khi ngủ thì mặc gì, Marilyn trả lời vẫn theo lối ngây thơ vô số tội: “mùi Chanel No. 5”.

Anh em nhà Kennedy và những đồn đãi quan hệ
 với Marilyn Monroe
Trên tuyệt đỉnh danh vọng, Marilyn Monroe có thể đã là tình nhân của những bậc quyền quý nhất Hoa Kỳ, người ta đồn vậy, từ Tổng thống John Kennedy đến người em là Tổng trưởng Robert Kennedy và có lẽ vì thế mà đã tự tử hay bị ai đó... tự tử cho. Chính thức thì nàng mất giữa tuổi thanh xuân 36, “vì uống thuốc ngủ quá liều”. 

Chuyện hư thực ấy thì xin dành cho ai thích truyện trinh thám giả tưởng.

Quỳnh Giao chỉ nhớ mãi những ca khúc chính Marilyn đã hát trong ba bốn phim. Báo chí bẩn thỉu của Mỹ chỉ nói đến bài “Happy Birthday Mr. President” nàng hát tặng Tổng thống Kennedy, nhưng Marilyn Monroe là tiếng hát tuyệt vời có đôi tai thính nhạc.

Quỳnh Giao thực sự “mê” nàng từ khi nghe giọng thỏ thẻ, quyến rũ và tràn đầy nữ tính khi nàng hát “The River of No Return”. Nàng yêu jazz của Louis Armstrong và Duke Ellington và nghe nhạc cổ điển của Beethoven hay Mozart. Nàng tự trau giồi lấy kiến thức không có ở học đường.

Arthur Miller và Marilyn Monroe
Marilyn Monroe không may gặp phải những người đàn ông quá tầm thường. Một trong mấy kẻ ấy là kịch tác gia Arthur Miller. Người ta lầm tưởng rằng hôn nhân của hai người là sự kết hợp giữa trí tuệ Miller và xác thịt Marilyn. Sự thật có lẽ khác.

Nàng nuôi chàng, trả tiền cấp dưỡng cho bà vợ trước của Miller, và cả tiền xe cộ chàng tậu. Về sau, chàng viết kịch với những chi tiết không đẹp về nàng khi Marilyn đã mất. Trí tuệ và tâm hồn có khác nhau thật.

Một người duy nhất có mối thâm tình là cầu thủ Joe DiMaggio, người chồng thứ nhì.

Hai người lấy nhau có 274 ngày rồi chia tay. Tuần trăng mật tại Ðại Hàn đã bị Marilyn “hijacked”. Nàng nổi hứng đòi thăm các chiến binh nơi tiền tuyến và trình diễn mười buổi liền trong bốn ngày dưới trời giá lạnh để úy lạo hơn mười vạn lính Mỹ! Lính Mỹ sướng ngất nhưng DiMaggio kém vui vì mất hạnh phúc riêng tư của hai người ngay sau ngày cưới.
Marilyn Monroe  và Joe DiMaggio

Hai người chia tay nhưng vẫn giữ nguyên tình bạn.

Joe DiMaggio không hề khai thác hôn nhân, mối tình hay tên tuổi của Marilyn. Ông không phát biểu gì và không lập gia đình với ai khác. Cho đến khi ông tạ thế, mỗi tuần ngôi mộ của Marilyn vẫn ba lần được ông thay hoa, một tá hồng đỏ. Người Mỹ ít chờ đợi ở một nhà thể thao sự ân cần ấy, và ít chờ đợi ở một kiều nữ như Marilyn Monroe một tâm hồn như vậy. Có nói rằng nàng là một phụ nữ tiêu biểu của thế kỷ 20 thì không sai.

Nàng tiêu biểu cho sự tầm thường của một xã hội không nhìn xa hơn bề ngoài.

Quỳnh Giao viết ngày 24-5-2006. 







75. John Hurt và Khổ Ách

Kỳ trước, Quỳnh Giao có tạp ghi về chuyện nghệ danh và sự liên hệ giữa bí danh với người thật. Kỳ này thì xin nói về chuyện một người đã mang cái tên ngay trên nét mặt. Đó là John Hurt!

Khi chọn nghệ danh hay bí danh, người ta có thể chơi chữ. Xin mạn phép nhắc đến mấy thí dụ chói sáng của chúng ta.

Võ Phiến là cách nói lái hay đọc trại chữ Viễn Phố, là tên của bà ở nhà. Nhiều người không còn nhớ đến tên thật của ông là Đoàn Thế Nhơn mà ghi tâm khắc cốt nhiều tác phẩm của Võ Phiến. Hiền lành và khiêm cung như nhà văn Toan Ánh lại có bút hiệu là nói lái từ tên thật là Nguyễn Văn Toán. Ông nào có muốn làm anh thiên hạ đâu! Xa xưa hơn, nhà thơ Thế Lữ là cách nói lái từ tên thật là Nguyễn Thứ Lễ, hay nhà văn Khái Hưng là cách đảo chữ của ông Khánh Giư, họ Trần.

Trường hợp John Hurt lại khác hẳn.
John Hurt 

Họ và tên của ông là loại "chân truyền", tức là rất thật, từ thân phụ là một nhà toán học về sau thành một nhà tu của Anh giáo. Theo nguyên ngữ, "hurt" có thể là khổ, là đau, một phần là về tinh thần, một phần là về thể xác. John Hurt đảm nhiệm cả hai khía cạnh với nét mặt dúm dó cả nét đau lẫn nỗi khổ!

Chẳng lẽ ông chơi chữ ngược, bằng chính nét mặt của mình? Hay là ông ăn phải quả khế chua từ khi còn thơ ấu?

Những người mê điện ảnh đều nhớ đến vai Joseph Merrick do John Hurt thủ diễn trong phim "The Elephant Man", một người dị dạng có cái đầu là khối u bướu như đầu voi.

Đấy là một ngoại lệ và cần đến nghệ thuật hoá trang. Chứ ngoài đời và trong nhiều tác phẩm khác, John Hurt là nét tự nhiên của người đón nhận mọi khổ đau của nhân thế. Chẳng cao to bảnh trai, John Hurt có vầng trán dúm dó những vết hằn, quầng mắt trĩu nặng như túi trà sũng nước, và khoé môi suy sụp của người kinh niên thất bại!

Với chân dung đó, ông khỏi cần tự giới thiệu rằng "tên tôi là khổ đau!"....

Mà ông đau khổ thật nếu thiên hạ tò mò nhìn vào đời tư của người nghệ sĩ. John Hurt có bốn đời vợ, đến lần thứ tư mới coi như thành công. Mối tình đẹp và bền lâu nhất kết thúc khi người đẹp ngã ngựa và chết thảm. Bà vợ thứ ba cho ông hai mặt con thì, cứ như một nhân vật tiểu thuyết Anh, đã bỏ ông theo người làm vườn.

John Hurt khiêm tốn nói rằng lần thứ tư thì mình mới thuộc vai thuộc vở!

Người diễn viên này tập dượt như kẻ bị đắm vào kịch bản và xuất thần khi thủ vai những người bất đắc chí. Ông chẳng cần nói thì mình cũng đoán ra điều đó từ vẻ âu sầu thiên phú như người ăn phải trái ớt!

Nhưng khi John Hurt lên tiếng, khán giả bỗng giật mình.

John Hurt có tiếng nói rất trầm mà đầy âm vang khiến chúng ta phải ngoảnh lại, nghe lại. Cũng tiếng nói đó khiến ông được mời diễn xuất chỉ bằng thanh âm trong nhiều tác phẩm. Nói về tác phẩm, John Hurt tham dự vào hơn một trăm cuốn phim đủ thể loại, khoảng bốn chục chương trình truyền hình và rất nhiều vở kịch mà mình chẳng được xem nếu không ở bên Anh.
John Hurt trong phim Harry Potter

Sinh năm 1940, sắp ăn mừng 72 tuổi vào tháng tới, John Hurt đã làm đầy màn ảnh và sân khấu trong gần sáu thập niên. Ông được phong tước, đã đoạt rất nhiều giải thưởng và là diễn viên được ưa chuộng trong đủ mọi vai, kể cả đóng vai người đồng tính. Chúng ta khó quên được những phim có John Hurt, như "Alien", "Midnight Express", "V for Vendetta", "Rob Roy", và cả hai phim đầu và cuối của bộ Harry Potter.

Gần đây nhất là một vai rất phụ mà choáng cả màn ảnh là nhân vật Control, ông trùm tình báo đầy chất huyền thoại của Anh quốc trong phim "Tinker, Tailor, Soldier, Spy". Trong truyện và phim, Control cũng là một người thất bại khi bị đối phương đánh đòn ly gián.

Quỳnh Giao xin miễn nói tiếp về tác phẩm vừa trình chiếu tuần trước tại Hoa Kỳ, để giành cho độc giả niềm vui khi là khán giả xem phim. Chỉ cần nhắc là nên nghe tiếng của ông, nói rất ít mà rất khó quên! Nhân tiện cũng để nói đến sự thiệt thòi khi mình được hưởng nắng ấm mùa Đông tại miền Tây này thì cũng hụt xem John Hurt lần đầu tiên vừa lên sân khấu kịch nghệ tại New York!

Nhưng vì sao khi mọi người đều tưng bừng với mùa lễ lạc cuối năm mình lại viết về một diễn viên có thể thủ vai Khổ Ách?

Vì nói đến John Hurt, Quỳnh Giao không liên tưởng đến trái khổ qua mướp đắng mà nghĩ đến quả khế chua!

Chúng ta lãng mạn nhớ đến quê hương là chùm khế ngọt. Có lẽ, quê hương và đời sống cho ta đủ mọi mùi vị cay đắng ngọt bùi, nhưng những kỷ niệm nhớ mãi chưa chắc đã là vị ngọt mà có thể là cái gì khác. Và nếu vào nhà bếp mà nhớ đến những món quốc hồn quốc túy ở nhà thì ai cũng có thể thấy rằng một bát canh lại cần đến vị chua!

Trên đất Mỹ này, tìm được quả khế ngọt thật ra không khó. Nhưng quý nhất vẫn là khế chua để nấu được nồi canh ngọt ngào cứ như ở nhà, vào một năm xưa.

Tháng trước, gia đình người viết được họa sĩ Nguyên Khai cho mấy quả khế chua ông trồng sau vườn nhà. Thật còn quý hơn vàng trong truyện cổ tích thời ấu thơ. Thái ra một lát bỏ vào miệng thì mình nhăn mặt cứ như John Hurt vậy.

Nhưng sau đó, cả nhà đã được ăn món tép rang với khế, và cá nục kho trên những lát khế dưới đáy nồi. Tuyệt diệu như được về lại quê hương thanh xuân ngày cũ.

Lúc đó mới hiểu ra cái tài của John Hurt. Ông mà xuất hiện thì những tài tử bảnh trai bỗng nhạt như bột!...

Quỳnh Giao viết ngày 15-12-2011.
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562/posts/10208255688627893







76. Bí Danh, Nghệ Danh và Biệt Hiệu


Tuần này, từ mùng chín, khán giả tại Hoa Kỳ được xem phim "Tinker Tailor Soldier Spy" với Gary Oldman trong vai trùm phản gián George Smiley của nước Anh.

Cốt truyện là thiên anh hùng ca nhức đầu về tình báo của John Le Carré.

Ông từng là nhân viên tình báo Anh, sau trở thành nhà văn nổi tiếng về thể loại trinh thám gián điệp với nhiều tác phẩm được dựng phim, kể cả tác phẩm nói trên, do hệ thống BBC dựng thành một chương trình truyền hình dài tới bảy tiếng. Thời đó, Sir Alec Guiness thủ vai George Smiley.

Người viết này thú thật là xem không hết dù người bên cạnh Quỳnh Giao thì thuộc cả bộ ba tập, vanh vách nhớ từng tên, còn nói rằng một kẻ nội gián của Nga chính là Khang Sinh, trùm phản gián của Mao Trạch Đông và là người tình của bà Giang Thanh!

Truyện này của John le Carré còn rắc rối hơn võ hiệp Kim Dung và lại thực hiện theo kiểu Âu Châu, là rất công phu tỉ mỉ, mà cũng rất chậm! Nhưng về cốt truyện thì mình cũng nên đọc qua, ít ra để so sánh với các tác giả Hoa Kỳ.

Sở trường của John le Carré là nghệ thuật phân tách tâm lý và dựng truyện đặc quánh trong không khí u uẩn của Âu châu thời Chiến Tranh Lạnh. Rất ít bạo động mà rất nhiều mô tả chi ly...

Hình bên là bích chương quảng cáo cho cuốn phim nên xem!

Cái tên của tác phẩm "Tinker Tailor Soldier Spy" xuất phát từ một bài đồng dao của Anh, theo kiểu "thả đỉa ba ba – xin khúc đầu cùng xương cùng xẩu", v.v... của chúng ta, để nói rằng trong ngần ấy khúc, ngần ấy tên, tên nào mới là đúng. Cốt truyện giải thích sự thắc mắc đó, vì sau Thế Chiến Hai, một trong năm nhân viên cao cấp nhất của tình báo Anh lại là điệp viên Nga Xô.

Là một trong năm người đó, George Smiley phải kín đáo điều tra và làm thế nào để khỏi động ổ, xem giữa Tinker, Taylor và Soldier, ai là Spy!

Thật ra, gần 10 năm sau cuốn "The Spy Who Came In From the Cold" năm 1963 làm ông nổi danh như cồn, John le Carré viết liền một bộ ba tập về cuộc đấu trí giữa George Smiley với trùm gián điệp Nga Xô là nhân vật Karla. Như pho võ hiệp trường thiên ba cuốn của Kim Dung về Anh hùng Xạ điêu, ba cuốn truyện của John le Carré được gọi là bộ truyện George Smiley.

Qua trận đấu trí kéo dài này từ Nga Xô qua đến Trung Cộng, có một vấn đề được Smiley chú ý và tìm hiểu, đó là... bí danh!

Chúng ta biết rằng trong thế giới tình báo, các điệp viên phải có bí danh là tên giả để sống trong một thế giới giả. Nhưng John le Carré cũng cho một nhân vật của mình nêu ra một khía cạnh tâm lý là đôi khi người ta chọn tên giả mà vẫn có chi tiết nào đó phản ảnh cuộc đời thật.

Lý do thầm kín từ trong tiềm thức là để mình vẫn còn là mình - không mất căn cước!

Quỳnh Giao tin rằng theo thông lệ, một phim của Anh, với truyện xuất sắc của John le Carré và các tài tử thượng thặng như Gary Oldman, Colin Firth và John Hurt, "Tinker Taylor Soldier Spy" có thể là phim hay nhất trong năm và chiếm vài giải Oscar! Trong khi chờ đợi kết quả thì mình cứ hãy mạn đàm tạp ghi về chuyện bí danh và biệt hiệu đã...

Theo quy tắc được John le Carré nhắc tới, chúng ta đều nghĩ đến Tản Đà, là bút hiệu của Nguyễn Khắc Hiếu, người núi Tản sông Đà. Nơi chôn rau cắt rốn quả là một lý lịch chìm, y như Hồng sơn Liệp hộ hay Nam hải Điếu đồ của Nguyễn Du thời xưa.

Nhưng ngẫm cho cùng, ta thấy nghệ sĩ trình diễn thường dùng nghệ danh là tên trên sân khấu mà cũng có người lấy tên thật chứ không dùng biệt hiệu. Xa thì có cặp nghệ sĩ Phạm Đình Sĩ và Kiều Hạnh, gần thì có hai người bạn thân trong nghề với người viết là Kim Tước và Mai Hương, hoặc hai người bạn khác là Thanh Thúy và Thanh Lan....

Còn lại thì quả là có nhiều liên hệ giữa nghệ danh và tên thật hoặc chi tiết thật của đời thường.

Gần gũi nhất là mẫu thân của Quỳnh Giao, lấy tên hai con là Bửu Minh và Đoan Trang thành nghệ danh là Minh Trang. Cô Thái Hằng thì dùng chữ Thái đệm thêm vào tên thật là Phạm Thị Hằng, và cô Thanh dùng chữ Thái của cô Hằng thành Thái Thanh.

Nhưng đấy là trường hợp chưa hẳn phổ biến vì nhiều nghệ sĩ lấy tên khác hẳn tên thật, như Mộc Lan có tên thật là Nga, Châu Hà tên thật là Hồng Tâm, Hà Thanh là tên sân khấu của Lục Hà, Lệ Thu tên là Oanh, và Kim Chi trở thành Hoàng Oanh, v.v....

Riêng trường hợp Khánh Ly có tên thật là Phạm Lệ Mai thì nhiều người đoán mò rằng đấy là phép nói lái từ Lý và Khanh là tên hai người thân của Mai. Ai có can đảm thì cứ tìm mà hỏi! Nhân đó hỏi luôn là vì sao không giữ tên Lệ Mai cho đẹp vì sẽ ứng vào chuyện... lại mê Lệ Mai của khá nhiều người!

Sẵn đà tạp ghi cho vui thì người viết nhớ lại là hầu hết giới nhạc sĩ sáng tác đều lấy tên thật, nhưng dùng biệt hiệu khi… đóng vai ca sĩ.

Phạm Đình Chương là Hoài Bắc, Trần Thiện Thanh là Nhật Trường. Trong một vài bài hát, ông còn lấy biệt hiệu Anh Chương là tên con trai mình. Có trường hợp ngược lại, lấy biệt hiệu khi viết nhạc, và tên thật là ca sĩ, như Tuấn Khanh khi hát lấy tên thật là Trần (Trọng) Ngọc. Khác với nhạc sĩ Văn Phụng, khi hát lấy tên Anh Trang là tên người con trai.

Độc giả lớn tuổi có thể nhớ tới Phạm Duy khi hát trong ban Thăng Long ngày xửa ngày xưa đã lấy nghệ danh Hoài Nam, vì có hai người bên cạnh là Hoài Trung và Hoài Bắc. Ít người trong chúng ta biết nhạc sĩ Dương Thiệu Tước hát rất nhẹ và êm. Khi hát, ông lấy biệt hiệu là Vân Hải! Ông cụ không còn nên chẳng ai hỏi được rằng đó có phải là Vân Đình với Hải Dương chăng?

Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ trong một số ca khúc lấy biệt hiệu là Tôn Nữ Trà Mi, khiến nhiều người tưởng là một cô con nhà hoàng phái người Huế. Còn nhạc sư Nghiêm Phú Phi khi viết hoà âm lấy tên là Hải Sơn, ý nghĩa từ đâu thì chỉ còn có thể hỏi bà goá phụ mà Quỳnh Giao vẫn trìu mến gọi là cô Sương.

Trường hợp một nhạc sĩ lấy hai tên thật ra cũng nhiều.

Văn Giảng lấy tên thật khi viết hùng ca, nhưng dùng biệt hiệu Thông Đạt khi viết nhạc tình. Những bài “Ai về Sông Tương” và “Đôi Mắt Huyền” được biết đến nhiều hơn bài “Qua Đèo” hay “Kéo Gỗ Rừng Khuya”… Cũng như Tô Vũ của “Em Đến Thăm Anh Một Chiều Mưa” hay “Tiếng Chuông Chiều Thu” là biệt hiệu của Hoàng Phú, được hâm mộ hơn khi ông dùng tên thật để viết nhạc có tính lịch sử như trong bài “Ngày Xưa”…

Ngoài lãnh vực ca hát, nhiều nhạc sĩ cũng viết văn và chọn bút hiệu khác lúc viết nhạc. Như Vũ Thành có tên hiệu dài thòong là Tiêu Tương Dạ Vũ. Cung Tiến dùng bút hiệu Thạch Chương khi viết cho Sáng Tạo và sau này nữa trong các tiểu luận về nhạc.

Bài này viết về bí danh, nghệ danh và biệt hiệu của thiên hạ. Còn người viết thì sao?

Như một nhân vật trong bộ truyện George Smiley, người viết xin nhích qua một bên để kể chuyện khác. Ngày xưa, khi còn hát trong đài phát thanh, Quỳnh Giao có lần nhận được một lá thư ái mộ của thính giả, trịnh trọng đề trên phong bì là... Huỳnh Vao.

Tên đó nói đến lý lịch của người gửi hơn là người nhận! Nhưng là một kỷ niệm rất vui, rất đẹp....

Quỳnh Giao viết bài này ngày 11, tháng 12, 2007.
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562/posts/10208255797070604







77. Charles Aznavour – Lời Từ Biệt Vượt Thời Gian

Hơn 80 năm trước, nếu sở di trú Hoa Kỳ làm việc nhanh hơn một chút, nước Mỹ đã có thêm một nghệ sĩ siêu hạng.


Năm 1924, có hai vợ chồng di dân gốc Armenia dừng chân tại Paris để chờ giấy nhập cảnh vào Mỹ. Giấy chưa tới, họ lại sinh con trai nên đành ở lại Paris. Văn hóa một dân tộc nhiều khi kết tụ vào miếng ăn, huống chi người chồng lại có thân phụ từng là đầu bếp cho Sa hoàng Nicholas II của Nga. Vì phải ở lại Paris, họ bèn mở tiệm ăn để sống qua ngày.

Người chồng là ca sĩ có giọng baryton, khi lỡ vận thì lo phần phụ diễn văn nghệ cho cửa tiệm. Là nữ diễn viên tại cố hương, người vợ đành lo tiếp khách trong quán nhà tại khu La Tinh. Ðứa con trai khôn lớn trong khung cảnh ấy, với huyết thống của những nghệ sĩ lạc loài.

Ðó là Charles Aznavour.

Nếu sở di trú Mỹ mau mắn trong thủ tục, Charles Aznavour có thể đã trở thành Chuck Aznan hay một cái tên gì đó dễ nhớ, và là nghệ sĩ triệu phú của Hollywood. Còn Pháp thì mất một nhạc sĩ, ca sĩ, kịch sĩ sân khấu và diễn viên điện ảnh thuộc loại xuất sắc của thế kỷ XX.

Quỳnh Giao vu vơ nghĩ vậy trên đường về từ đại sảnh Gibson Amphitheatre tại Universal City với hơn chín ngàn ghế mà không còn một ghế trống. Vì tối đó đi nghe Charles Aznavour trình diễn khi ông đã 82 tuổi trong chuyến lưu diễn được gọi là “giã biệt” kéo dài từ… bảy năm nay, và chưa thể dứt.

Cơ hội đi nghe cũng là chuyện lạ.

Tuần trước Quỳnh Giao và chồng được nghe đức Ðạt Lai Lạt Ma nói chuyện tại đại sảnh Gibson và thấy Sharon Stone chắp tay ngồi ở ghế trên, âm thầm hiền hòa như nữ sinh. Thế rồi, từ miền Ðông, vợ chồng người bạn đi nghe Charles Aznavour và thấy quá hay, họ gọi cho con trai mua vé gửi qua email để người miền Tây cũng có dịp thưởng thức tiếng hát Aznavour, ngẫu nhiên sao trong cùng đại sảnh! Xin có lời tri ân người tri âm ở đây.

Thế giới Universal Studios là ảo, nhưng nghệ thuật là thật.

Sân khấu trình diễn của Charles Aznavour là màu đen không màn, danh ca trang phục nhũn nhặn màu đen, như 9 nhạc sĩ và 2 ca sĩ phụ diễn. Người ta đổi cảnh bằng ánh sáng. Dàn nhạc gồm bốn trung hồ cầm, một đại hồ cầm, một guitar bass, hai guitar, một grand piano, một keyboard và một clavecin do nhạc trưởng sử dụng.
Trên góc trái là hai giọng phụ họa rất đẹp, một trong hai nàng là con hay cháu gái của Aznavour. Trên bục cao ở giữa và được ngăn bởi khung kính để giảm bớt âm thanh là dàn trống, phách. Hai bên sân khấu có hai màn ảnh lớn cho khán giả thấy được cận cảnh và từng nếp nhăn trên khuôn mặt người nghệ sĩ lão thành.

Charles Aznavour xuất hiện và hát liên tục trong hai tiếng đồng hồ! Ông hát, nhảy và trình diễn tối thiểu, bằng nụ cười, ánh mắt và đôi tay. Vừa hát vừa giới thiệu chương trình qua hai thứ tiếng Anh-Pháp.

Một sự thật loé sáng từ cách bố trí dàn nhạc và trình diễn: thanh và âm là chúa tể, mọi thủ thuật khác đều là phụ và hoàn toàn không có xảo thuật. Charles Aznavour không cần xảo thuật, kể cả xảo thuật âm thanh. Ở tuổi 82 ông hát rất khoẻ với giọng của người trung niên và lên những note cao nhất của giai điệu majeur với sức mạnh làm bật sáng sân khấu.

Có lẽ vì trình diễn cho một cử tọa Californian – trong đó rất nhiều là gốc Armenian – Charles Aznavour hát một repertoire đa số bằng Anh ngữ. Nhưng đầy đủ những bài classics mang dấu ấn của ông, như “Que c’est Triste Venise”, “She”, “Hier Encore” (Yesterday), “Je Me Voyais Déjà (It Will Be My Day)…. Ðã đành là ông hát hay và thật hơn trong đĩa, ông còn gây xúc động nhờ cách trình diễn, lối hòa âm và nội dung lời ca.

Cảm nghĩ chung thì đấy là một nhà thơ trước khi là diễn viên kịch nghệ.

Một trong những bài đầu tiên là “Hành Trình”, một già một trẻ song ca. Người con gái đi về tương lai, người đàn ông tóc bạc đứng tại chỗ, đang sống lại cuộc hành trình về quá khứ…

Charles Aznavour vốn thấp bé, tóc bạc trắng, mặc một màu đen, đi giày khỏi cần gót cao mà vẫn choáng ngợp sân khấu chỉ nhờ sự xuất hiện. Hấp lực mê đắm, sự cuốn hút thiên bẩm? Charisma? Không biết nói sao, chỉ thấy là khi ông xuất hiện và cất tiếng hát thì mọi chuyện đều thành phụ vì người nghe bị thôi miên! Không có khả năng thiên phú ấy làm sao hát bền bỉ trong suốt sáu chục năm liền?

Lại hát rất hay, rất thật. Cuộc hành trình ở tuổi 82 của ông vẫn tràn nhựa sống.

Nhiều ca sĩ cao tuổi thường phải dùng kỹ thuật thay nghệ thuật vì nội lực sa sút. Charles Aznavour không cần chuyện ấy. Ông hát tối đa với giọng thật của mình, lên cung bậc cao nhất mà vẫn dầy và ngân vẫn chắc nịch, không trũng, không một chút run rẩy. Và vừa hát vừa lắc (swing) theo nhịp khiến người ta nhớ tới Frank Sinatra.
Charles Aznavour

Nhưng, ở tuổi bát tuần thì Ol’ Blue Eyes ngày xưa thua xa.

Là ca sĩ đã bán hơn trăm triệu đĩa và nhạc sĩ đã sáng tác hơn 600 ca khúc, trong đó theo lời thú nhận dí dỏm của ông tại đêm trình diễn, có chừng 450 bài là tình ca, Charles Aznavour cũng viết và hát về chủ đề xã hội.

Ðêm đó, ông trân trọng giới thiệu ca khúc “A Living Dead” (Un Mort Vivant) sáng tác gần đây để tưởng niệm nhà báo Daniel Pearl bị quân khủng bố giết năm 2002. Ông hát cho những người bị bịt miệng, không được có tiếng nói.

Chín ngàn khán giả bỗng nổi da gà và bật dậy vỗ tay khi lời ca chưa dứt.

Một lần duy nhất người nghệ sĩ đã “trình diễn” là trong bài “La Bohême” viết cách đây 40 năm khi ông xoa khăn tay trắng như tấm giẻ của họa sĩ nghèo và hoa đôi tay như cầm cọ: “Những người dưới hai chục tuổi không biết chuyện này… Năm đó, anh đi vẽ dưới chân Montmartre, em cởi áo đi làm người mẫu, đôi ta hai ngày mới được một bữa ăn, mà hạnh phúc dường nào”….

Dàn nhạc nức nở làm người nghe thấy nghẹn ngào.

Từ 1999, Charles Aznavour đã lưu diễn để từ biệt khán giả năm châu và ông đi mãi mà vẫn bị níu áo. Khán giả vỗ tay trong tiếng Bravo, đòi Encore, hoài hoài… Với thần khí rỡ ràng, tiếng hát tràn đầy sinh lực và nghệ thuật trình diễn làm người nghe xúc động, Charles Aznavour chưa thể giã biệt được. Sau Canada và Hoa Kỳ, ông hát tại Á châu rồi Nam Mỹ vào năm tới, và hát bằng năm thứ tiếng khác nhau.

Biết đâu, sẽ có ngày Charles Aznavour trở lại Hoa Kỳ, nơi ông độc diễn lần đầu tiên tại Carnegie Hall vào năm 1963, cách chúng ta đã lâu lắm rồi…

Quỳnh Giao viết bài này ngày 26 tháng 9 2006. Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562/posts/10208255847871874







78. Nhớ về Văn Phụng? Hát khúc Ô! Mê Ly!


Văn Phụng viết Ô! Mê Ly! khi ông mới 18 tuổi.

Ở tuổi 15, tại Nhà hát lớn Hà Nội, ông đã đoạt giải nhất về dương cầm với bài “Prière d’un Vierge”. Năm đó, chiến tranh sắp bùng nổ nên cậu bé tài hoa phải chạy loạn mà vẫn cố chạy theo nhạc.

Ðến 1946, Văn Phụng về nương náu tại nhà thờ Tứ Trùng ở Chợ Cồn của tỉnh Nam Ðịnh và được học về đạo lý và âm nhạc với Cha xứ Mai Xuân Ðĩnh. Từ hậu phương trở về Hà Nội năm 1948, Văn Phụng gia nhập ban Quân nhạc Ðệ tam Tiểu đoàn Danh dự, cùng thời với những nhạc sĩ như Nguyễn Hiền, Ðan Thọ, Nhật Bằng, Nguyễn Cầu, Nguyễn Túc hay Văn Khôi….

Trong ban Quân nhạc, ông học thêm với Nhạc trưởng Schmetzler và bắt đầu viết hòa âm cho dàn Ðại hoà tấu của quân đội, một ban nhạc có tới cả trăm nhạc sĩ, và cho các ban tân nhạc của đài phát thanh. Ðây là thời kỳ ông tung ra Ô Mê Ly! tác phẩm khiến ông nổi danh như cồn.

Lời ca của Văn Khôi là tiếng hát đồng quê:

Ðứng giữa cánh đồng nhìn ánh nắng phớt hồng
Có tiếng hát chòng từ đám lúa lướt về
Thoáng thấy tiếng nàng và thoáng có tiếng cười đàn ta hoà vang


Nhưng nét nhạc của Văn Phụng là nhịp điệu Fox, giật và nhẹ và rất mới.
Ca sĩ Ánh Tuyết với nhạc phẩm Ô Mê Ly !

Có nghe lại, chúng ta mới thấy sự nhuần nhuyễn bất ngờ giữa cảnh sắc đồng nội và giai điệu Tây phương của người nhạc sĩ.

Năm đó, xin nhắc lại, Văn Phụng mới 18 tuổi mà đã tung tăng nhảy vào nhạc với tiết điệu mới lạ. Rồi từ đấy, trở thành một nhạc sĩ thuộc nhóm đa tài và đa diện nhất của nền tân nhạc Việt Nam.

Từ thời ấu thơ còn chạy loạn, Văn Phụng đã bắt được hồn thơ của thể loại dân ca. Ông cải biên và cho ta những ca khúc thuộc dòng “nhạc quê” ở nội dung, về ruộng đồng và quê hương đất nước. “Nhớ bến Ðà giang”, “Trăng sáng vườn chè”, hay “Ðêm buồn”, “Các anh đi”… là những ca khúc lai láng âm hưởng dân ca nhưng với nhịp điệu mới lạ.

Cũng từ Văn Phụng, vui tươi và trong sáng như Phạm Ðình Chương thời trẻ, chúng ta có “Vó câu muôn dậm”, “Ta vui ca vang”, hay “Bức họa đồng quê”, “Mộng hải hồ”… những sáng tác đã được “Ô! Mê Ly!” báo hiệu từ lâu.

Nhưng nhạc đồng quê và nhạc trẻ lại xuất hiện cùng những tác phẩm có kích thước bán cổ điển mới là điều lạ. Ấy là “Tiếng dương cầm” hay “Mưa trên phím ngà”.

Văn Phụng là nhạc sĩ ít chịu ngồi yên, hoặc tự nhái lại mình trong những tác phẩm đã nổi tiếng.

Ông luôn luôn tìm tòi và làm mới tân nhạc bằng những nhịp tiết mới mà vẫn giữa được ý thơ dân tộc trong lời ca. Khi Sàigon say mê nhịp điệu Slow Rock và các ca khúc của Paul Anka, chúng ta lại có Văn Phụng…. “Ði giữa hoàng hôn”. Ca khúc này là danh mục không thể thiếu trong các chương trình nhạc có giá trị.

Muốn tìm đến những chân trời xa lạ hơn và giai điệu huyền ảo hơn thì hãy đi theo “Giấc mộng viễn du” của Văn Phụng… Có ai biết chăng truyện tình cờ… Ông viết nhạc theo giai điệu ngũ cung rất Ấn Ðộ khiến người nghe muốn uốn éo thân hình theo nàng vũ công!

Bài “Tiếng vọng chiều vàng” của ông làm bừng sống khúc ca bi hùng của O’ Cangaceiro, một phim cao bồi nổi danh của Brazil! Khi thấm mệt và muồn dìu dặt trong nhịp luân vũ ¾ rất chậm thì hãy nghe “Suối Tóc”, bài ca không thể thiếu trong các vũ trường thanh lịch và các buổi trình diễn nghệ thuật.

Sinh thời, Văn Phụng là con người hồn nhiên, duyên dáng.

Lời ca của ông phản ảnh tâm hồn đó. Nhưng ông cũng là người có kỷ luật và nghiêm túc khi sáng tác. Ông không có tham vọng gióng lên những thông điệp lớn về nhân thế hay xã hội nghe thấy từ lời ca của Phạm Duy hay Trịnh Công Sơn. Ông chỉ muốn chúng ta vui với nhạc và rất tận tụy trong việc mua vui cho thiên hạ.

Ông còn yêu nhạc đến độ làm đẹp cho nhạc của người khác. Văn Phụng là một trong ba bốn nhạc sĩ có công lớn cho nền tân nhạc với nghệ thuật hoà âm công phu khiến các ca khúc có hẳn một chiều sâu bất ngờ. Những người kia là Vũ Thành, Hoàng Trọng, và Nghiêm Phú Phi.

Nhờ tài hoà âm độc đáo và khả năng cảm nhận phóng khoáng, Văn Phụng đã viết cho hầu hết các ca khúc nghệ thuật của Việt Nam trong gần hai thập niên. Nếu có dịp nghe lại, chúng ta có thể thấy réo rắt cung bậc của Francis Lai hay Paul Mauriat.

Nhiều nhà sáng tác nhạc và các nhạc công, nhạc sĩ hay ca sĩ vẫn còn nhớ tới tài hoà âm của Văn Phụng với lòng tri ân. Ông không chỉ hoà âm cho ban nhạc mà còn soạn bè cho các ca sĩ trong các bài song ca, tam ca, tứ ca hay các ban hợp xướng. Loại hoà âm công phu này, giờ đây chúng ta đang mất dần.

Văn Phụng là người của vũ trường trong các ca khúc tân kỳ nhưng cũng là một nhạc trưởng có thế giá, người bạn nhạc của thế hệ Anh Ngọc, Mộc Lan, Kim Tước, Châu Hà, bạn thân của Hoài Bắc Phạm Ðình Chương hay Mai Thảo.


Cùng với người bạn đường Châu Hà, ông đã chung chuyến vượt biên với Mai Thảo năm 1978, và dàn dựng chuyện vượt biên như một vở kịch vui. Những người còn ở lại kể rằng hai ông bà cãi lẫy gì đó rất găng rồi một người vùng vằng bước ra khỏi nhà. Người kia lên cơn giận dữ đập phá tan tành, sau đó có vẻ hối lỗi nên bỏ đi tìm, để lại một căn nhà nát bét chẳng còn đồ đạc gì để “tiếp thu”!

Tác phẩm nghệ thuật cuối của ông trên quê hương là màn kịch vui đó.

Ðịnh cư tại Hoa Kỳ, Văn Phụng tiếp tục viết hoà âm và dạy nhạc tại miền Ðông, cho đến khi tạ thế vào cuối năm 1999. Quỳnh Giao gọi ông bằng chú, gọi Châu Hà bằng cô và giữ mối giao tình như trong một gia đình lớn, đã có gần nửa thế kỷ gắn bó....

Quỳnh Giao viết ngày 03-10-2006.
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562/posts/10208256155639568






79. Nữ hoàng Schwartzkoft – Sống Cho Nghệ Thuật


Trong vở Tosca nổi tiếng của Puccini, nàng Tosca đã gào lên: “Vissi d’arte!” Tôi sống vì nghệ thuật.

Dù không hề diễn vai nàng Tosca, danh ca opera Elizabeth Schwartzkoft đã chọn tên bài hát ấy làm phương châm của mình. Khi sống về nghệ thuật, người ta có thể sống rất thọ. Là một trong hai giọng soprano hay nhất của thế kỷ XX - người kia là Maria Callas - bà đã sống tới 90 tuổi.
Danh ca opera Elizabeth Schwartzkoft

Elizabeth Schwarzkoft là một huyền thoại âm nhạc của thế kỷ XX.

Sinh năm 1915 tại Ðức, trên một vùng đất được phân chia lại thành thị xã Jarocin của Ba Lan sau Thế Chiến thứ Nhất, Olga Maris Elizabeth Frederike Schwarzkoft là người thanh sắc vẹn toàn. Bà có vẻ đẹp quý phái và giọng soprano thiên phú trong những vai làm sáng danh nghệ thuật opera.

Một người ngưỡng mộ là danh cầm Arthur Rubinstein đã so sánh khả năng ngắt câu phân nhịp (phraser) của Schwarzkoft với một cây vĩ cầm. Nhạc sư Arturo Toscanini khen bà là giọng soprano hay nhất ông được nghe khi thấy bà trên sân khấu của rạp La Scala tại Milano. Ông là người trao tượng vàng “Orfeo” cho bà năm 1955, một giải thưởng lẫy lừng của nghệ thuật opera.

Schwarzkoft có giọng coloratura soprano tuyệt đẹp, được diễn tả trong vắt, chính xác và vững vàng ở những âm vực cao nhất. Vẻ uy nghi với dáng thanh tú và nghệ thuật trình diễn già dặn khiến bà là nữ diễn viên được thế giới opera hâm mộ suốt bốn thập niên, trải qua một cuộc chiến khốc liệt.

Một nữ hoàng của opera Ðức trong thời chiến, Schwarzkoft đã thấy bom đạn Ðồng minh làm rung chuyển sân khấu trình diễn của mình tại Vienna năm 1944. Năm ấy, bà vừa bình phục sau một năm rời xa sân khấu vì bệnh lao. Ngay sau chiến tranh, bà hát cho binh lính Mỹ và lại bước lên đài danh vọng khi các sân khấu Âu châu lục tục mở màn sau chiến tranh.

Là một nữ hoàng của opera, Elizabeth Schwarzkoft cũng nhập vai nữ hoàng ở ngoài đời.

Nổi tiếng uy nghi và khó tính, không những bà đòi chọn lấy vai mà còn quyết định về cách phân vai cho cả vở hát. “Hãy chọn vai cho xứng với danh tiếng nghệ thuật của tôi”. Ðúng là ngôn ngữ của nữ hoàng!

Bà không diễn vai nữ tỳ hay gái quê mà xuất sắc nhất với các vai công nương, quý tộc trong các vở như Don Giovanni, Le Marriage de Figaro và nhất là vai Marshallin trong vở Der Rosenkavalier của Richard Strauss.

Schwarzkoft trở thành người định ra chuẩn mực cho các vai đó.

Là một nữ hoàng, Elizabeth Schwarzkoft chịu rất nhiều ràng buộc nghiệt ngã vì nghệ thuật.

Khi bà còn trẻ, một giáo sư luyện giọng cứ nhất quyết liệt giọng bà vào loại contralto. May là thân mẫu biết ra và chọn giáo sư khác. Ở tuổi đôi mươi, bà bị thày dạy hát bắt xướng âm lại từng nốt, Schwarzkoft nhẫn nại nghe theo cho tới khi thuần thục. Người hành hạ bà nhiều nhất về mặt nghệ thuật là nhà sản xuất đĩa nhạc, người sáng lập ra dàn nhạc Philharmonique của London. Walter Legge đã lần đầu thử giọng bà trong hai giờ liên tục, hát đi hát lại một câu cho tới khi đúng ý.

Con người khó tính ấy quả là đúng ý Schwarzkoft!

Hai người lập gia đình cho tới ngày Legge tạ thế năm 1979 và về sau họ là bậc thầy của các nghệ sĩ bậc thầy trong lớp nhạc nổi tiếng của trường Julliard tại New York.

Nữ hoàng Elizabeth Schwarzkoft có những quy phạm rõ rệt về nghệ thuật opera, với lời phê phán nổi tiếng cách đây không lâu về lối cách tân những tác phẩm opera cổ điển: “Xưa nay chưa ai dám vào (viện bảo tàng) Le Louvre bôi màu lên tác phẩm Mona Lisa. Vậy mà có vài đạo diễn opera đã vẽ bậy lên những danh tác của người xưa!”

Chúng ta nghe cứ như chuyện đời nay vậy.

Elizabeth Schwarzkoft là một người bảo thủ. Hơn vậy, bà từng gia nhập Ðức quốc xã ở tuổi 24 và đến năm 1981 bị bươi móc khá nhiều về chuyện ấy. Nhưng, người ta không thể bảo hoàng hơn vua được! Năm 1992, Hoàng gia Anh đã phong tước cho bà. Không phải là Nữ hoàng, nhưng là Dame Schwarzkoft.

Khán giả Hoa Kỳ thì ngưỡng mộ Schwarzkoft từ khi bà hát cho lính Mỹ tại Âu châu cho tới khi bà bước qua chinh phục sân khấu San Francisco và các nơi khác từ 1953 trở đi.

Người Mỹ yêu nhạc cao điệu thì không ai quên Elizabeth Schwarzkoft trong vở Der Rosenkavalier. Người Mỹ bình thường thì có thể biết Elizabeth Schwarzkoft là cô của ông Tướng Norman Schwarzkoft, người đã tác chiến tại Việt Nam và kính phục Tướng Ngô Quang Trưởng, sau là vị chỉ huy chiến trường Iraq năm 1991.

Từ khi tập hát opera vào năm 12 đến khi giải nghệ ở tuổi 60 vào năm 1975, Elizabeth Schwarzkoft đã xuất hiện trên những sân khấu nổi tiếng nhất, bên các nhạc trưởng lẫy lừng nhất, đã thực hiện những tác phẩm đẹp nhất của Strauss, Bach, Brahms hay Mahler và đem lại thành công cho hãng đĩa EMI của chồng. Các đĩa nhạc của bà đều thuộc loại bán chạy nhất, nhờ vậy, tiếng hát của bà còn tồn tại mãi với chúng ta.

Trong vở Tosca, nàng Tosca đã gào lên “Tôi sống vì nghệ thuật… Tôi sống vì tình yêu…” - “Vissi d’arte…. Vissi d’amore”.

Elizabeth Schwarzkoft sống vì tình yêu nghệ thuật trong mối tình rất đẹp với Walter Legge, một người khó tính, chống gậy với đôi mắt hấp háy sau cặp kính dày cộm. Sau khi Legge tạ thế, bà sống một mình, không con cháu, và lặng lẽ từ trần ngày mùng ba tháng Tám năm 2006 tại Zurich.

Nhưng những người yêu nhạc thì không thể quên được bà. Sau cuột đời sóng gió bi thảm của Maria Callas, sự uy nghi kín đáo của Elizabeth Swharzkoft cũng là một cách sống đẹp, của một nữ hoàng.

Ngai trống của bà cho đến nay vẫn còn nguyên.

Quỳnh Giao viết bài này ngày 30 tháng 8, 2006.





80. Tan Dun - Ðệ Nhất


Khi xem "Ngọa hổ Tàng long" (Crouching Tiger, Hidden Dragon) khán giả có thể bị choáng ngợp bởi hình ảnh và màu sắc nên chỉ mơ hồ nghe phần âm nhạc làm nền. Trường hợp ấy cũng xảy ra cho phim Anh hùng (Hero). Khán giả hơi bị phân tâm vì cốt truyện nên có thể không thưởng thức phần nhạc.

Thế rồi, khi xem phim Dạ Yến (The Banquet), khán giả thấy giật mình về phần nhạc và trở ngược lên những phim trước, lên tới phim Fallen (loại phim trinh thám kỳ ảo do Denzel Washington thủ vai chính) để tìm hiểu về người viết nhạc.

Từ đấy sẽ khám phá ra Tan Dun.

Vào cuối năm 2006, giới yêu nhạc nghệ thuật tại Mỹ đã nói rất nhiều về ông.

Họ là người soạn nhạc chuẩn bị trình diễn và điều khiển vở The First Emperor của ông trên sân khấu Metropolitan Opera tại miền Ðông, vào ngày 21 tháng 12. Người kia thủ vai Tần Thủy Hoàng trong vở opera ấy: Placido Domingo!

Phải có một dấu chấm than vì Placido Domingo là cây cổ thụ, giọng ténor hiếm quý và nhạc trưởng siêu hạng. Ở tuổi 65 vẫn xông lên sân khấu mở màn cho Thủy Hoàng Ðế thì đấy là một tin đáng chú ý. Chưa kể là quản diễn cho vở ca nhạc kịch là đạo diễn Trương Nghệ Mưu.

Nhưng Tan Dun là ai mà quy tụ được những nhân vật tài danh như vậy?

Theo cách phiên âm (nhờ người yêu bên cạnh), tên Hán Việt của Tan Dun là Ðàm Thuẫn. Chúng ta sẽ vẫn dùng tên “quốc tế” của ông cho dễ gọi vì từ nay cả thế giới sẽ quen với tên gọi đó của một nhạc sĩ độc đáo đang sống tại New York với vợ và hai con trai.

Tan Dun sinh năm 1957 trong một làng quê của quận Trường Sa, tỉnh Hồ Nam của Trung Hoa. Khi còn nhỏ, cậu bé mơ làm thầy pháp vì yêu chuyện lễ lạc và âm nhạc. Nếu sinh tại Việt Nam, Tan Dun có thể sẽ nghiên cứu và cải biên nghệ thuật chầu văn của chúng ta. Nhưng ông sinh bên Tầu và vì giấc mơ lạc hậu ấy vào thời Cách mạng Văn hoá mà toàn gia được cho đi cày ruộng để cải tạo tư tưởng.

Nhưng nhờ đi cày ruộng, Tan Dun làm quen rồi mê dân ca địa phương, nên vừa sưu tầm vừa trình diễn với nồi niêu sẵn có ở chung quanh.

Thề rồi một buổi chiều, đoàn hát Bắc kinh lưu diễn trong khu vực bị đắm đò làm mấy người tử nạn nên thiếu tay thiếu chân.

Tan Dun tìm được một chân trong đoàn để ra khỏi miền quê. Nhờ vậy mà sau này được ghi danh vào Học viện Quốc gia Âm nhạc và gặp một bậc sư, nhạc sĩ Nhật Bản Toru Takemitsu, tác giả của những nhạc phim hay nhất với các đạo diễn lừng danh nhất của Nhật. Kể cả Akira Kurosawa, đại đạo diễn của những tác phẩm như Rashomon, Kagemusha hay Ran....

Cuộc đời Tan Dun có hướng đi lên từ đấy.

Nhưng tốt nghiệp Nhạc viện Bắc Kinh rồi, Tan Dun còn có hướng đi xa hơn. Ông được qua Mỹ học tiếp để chuẩn bị luận án tiến sĩ âm nhạc tại Ðại học Columbia. Nơi đây, ông được học với các bậc thầy và có cơ hội tổng hợp những giai điệu đặc biệt nhất: cổ nhạc Trung Hoa, dân ca Hồ Nam, nhạc cổ điển Tây phương và âm nhạc đương đại, kể cả nhạc phim, lẫn những thử nghiệm mới nhất của nhiều nhạc sĩ như John Cage, Philip Glass hay Meredith Monk…. Nước Mỹ thật là kỳ diệu!

Hình như con đường tiến tới âm nhạc của Tan Dun được Kim Dung vẽ ra từ những nhân vật hư cấu như Trương Vô Kỵ, Lệnh Hồ Xung, Quách Tĩnh, Dương Qua: nhờ kỳ duyên mà trở thành tối thượng thừa! Một thanh niên vừa ngoi ra khỏi xứ Trung Hoa huyền ảo và Trung Quốc lầm than ác độc mà chen vai trong thế giới ấy thì đúng là kỳ duyên.

Nhưng cũng phải có kỳ tài đã!

Trong những ngày đi học, Tan Dun phải kiếm ăn và kéo đàn ngoài hè phố New York. Một ngày kiếm được ba chục bạc là mãn nguyện. Ít lâu sau, gặp lại bạn cũ hỏi han, Tan Dun trả lời ngọt ngào. Vâng, vẫn chơi nhạc ở Lincoln Center - nhưng là ở trong. Hết chuỗi đời lê la ngoài vỉa hè.

Làm sao không yêu Hoa Kỳ và không phục người nhạc sĩ ấy?

Như một Lệnh Hồ công tử trong khúc Tiếu ngạo Giang hoà, Tan Dun ngày nay là người quán triệt âm thuật Ðông Tây và kết hợp âm giai kim cổ để đưa cổ nhạc Trung Hoa ra thế kỷ 21 và dẫn thế giới về với cổ nhạc Trung Hoa.

Năm 1997, ông viết bản Symphony 1997 (Thiên Ðịa Nhân) đánh dấu ngày Hong Kong trở về với Trung Quốc. Buổi trình diễn vào ngày mùng 1 tháng 7 lịch sử đó có danh cầm Yo Yo Ma độc tấu. Bản giao hưởng còn đặc biệt ở âm thanh của dàn chuông cổ chừng hai ngàn tuổi mới được khai quật.

Ðến nay thì Tan Dun đã ra khỏi thế giới võ hiệp và trở thành công dân của thế giới.

Ông là nhạc sĩ ngoại hạng vì vừa viết lại vở Mẫu Ðơn Ðình (Peonie Pavillion) nổi tiếng của cổ văn Trung Hoa, vừa soạn nhạc tưởng niệm Johann Sebastian Bach. Ông vừa điều khiển các dàn nhạc danh tiếng nhất thế giới, như Boston Symphony Orchestra hay Philadelphia Orchestra và Orchestre National de France, NHK Symphony Orchestra, Sydney Symphony Orchestra và London Sinfonietta… lại vừa tìm tòi nghiên cứu để soạn thêm tác phẩm mới.

Tan Dun đã được các giải thưởng cao quý nhất về nhạc như The Eugene McDermott Award in the Arts của Hội đồng Nghệ thuật trong viện MIT nổi tiếng của Hoa Kỳ, như Glenn Gould Prize in Music and Communication hay Grawemeyer Award for Music Composition, chưa kể giải Oscar và Grammy về nhạc phim cho Ngọa hổ Tàng long!

Giới hâm mộ âm nhạc mà muốn thưởng thức nghệ thuật Tan Dun thì có thể nghe lại tiếng vĩ cầm của Itzhak Perlman trong phim Hero hay tiếng hồ cầm của Yo Yo Ma trong Crouching Tiger. Lúc bấy giờ, các diễn viên như Chương Tử Di hay Lý Liên Kiệt có múa đến mấy thì mình cũng không còn ai để ý nữa!

Cầu kỳ hơn nữa (mà nghe nhạc Tan Dun thì nên như vậy) mình còn nghe được cả tiếng sỏi đá. Tan Dun không hề quên âm thanh bần hàn của đất Hồ Nam và đưa vào các tác phẩm ông soạn cho một cử tọa toàn cầu.

Trở lại vở opéra The First Emperor của Tan Dun.

Ông lấy ý khi nghe lời vợ đi xem phim The Emperor’s Shadow về Tần Thủy Hoàng. Lên ngôi Hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc, Tần Thủy Hoàng yêu cầu Cao Tiệm Ly soạn cho bản nhạc thiều của một quốc gia nay đã thống nhất mà bị Cao Tiệm Ly lắc đầu, dù sẽ mất đầu. Từ truyện phim đó của đạo diễn La Duy trong ý hướng ca tụng Tần Thùy Hoàng, Tan Dun tìm thêm chi tiết trong Sử Ký của Tư Mã Thiên và bắt đầu bay bổng.

Ông trở về vùng đất xưa của Tần Thủy Hoàng để nghiên cứu về vũ và nhạc và còn muốn đưa lối hát thuần túy của địa phương vào tác phẩm. Ðồng thời, ông mời Trương Nghệ Mưu làm đạo diễn, mời bà Emi Wada (giải Oscar về trang phục trong phim Ran của Kurozawa) lo phần y trang. Và mời một bậc sư về nhạc là nhạc trưởng kiêm ca sĩ Placido Domingo thủ diễn vai Tần Thủy Hoàng!

Tác phẩm tuyệt vời này còn nổi bật ở một chi tiết thời thượng: Tan Dun không ca ngợi Tần Thủy Hoàng như nghệ sĩ Trung Quốc thời nay. Ông gần với nhạc sĩ Cao Tiệm Ly hơn, có lẽ vì không quên những năm dài của cuộc Cách mạng Văn hoá!

Có đúng là đệ nhất không?

Quỳnh Giao viết bài này ngày 12 tháng 12 năm 2006.
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562/posts/10208256418366136






81 . Nghe Strauss Trên Dòng Danube


Nhiều người yêu nhạc vẫn coi Johannes Brahms là “truyền nhân” của Beethoven. Riêng Brahms thì lại ưa nhạc valse của Johann Strauss. Có lần, vì ngưỡng mộ, bà Strauss xin chữ ký của ông làm kỷ niệm, Brahms bèn viết lên giấy mấy cung dẫn vào bài Blue Danube của Strauss. Bên dưới, ông ghi thêm: “Ðáng tiếc vì không là của Johannes Brahms”.

Quỳnh Giao nghĩ đến giai thoại ấy khi có dịp thăm viếng Vienna.

Trên đại lộ chính của thành phố, vườn hoa có bức tượng của Strauss. Nhưng, nơi toà nhà ngày xưa có căn gác của Strauss thì ngày nay ở bên dưới có… nhà hàng McDonald’s. Cây cầu vồng màu vàng của nhà hàng thịt bầm này có thể làm nhiều người yêu nhạc thấy bầm tím ruột gan.

Cũng may là tối đó, tấm lòng yêu nhạc có được chút an ủi khi dự buổi hoà nhạc trong một sảnh đường nhỏ của vườn hoa.
Tượng của Johann Strauss
Ban nhạc loại “thính phòng”, không lớn mà cũng chẳng là một dàn nhạc siêu hạng của Vienna. Họ cũng chỉ chơi nhạc loại nhẹ, easy listening, cho du khách mà thôi. Nhưng dĩ nhiên là có bài Blue Danube và Emperor’s Waltz của Johann Strauss và cả nhạc Mozart, có một màn song ca trong vở Don Giovanni. Khi dàn nhạc tấu lên khúc Dòng Sông Xanh (The Blue Danube - Le Beau Danube Bleu như chúng ta hay gọi ngày xưa ở nhà) trên sân khấu các nghệ sĩ trình bày vũ khúc ballet theo tiếng nhạc.

Vienna xứng đáng là thủ đô thanh lịch và nghệ thuật của nước Áo - Austria. Dân Vienna vẫn chưa quên Strauss và bài “An der Schonen Blauen Donau” – Bên dòng sông Danube xanh đẹp.

Trong chuyến thăm viếng Âu châu vừa qua, Quỳnh Giao được đi du thuyền - nói cho bảnh, thực ra là một khách sạn nổi - chạy dọc sông Danube. Thuyền khởi hành từ Passau của Ðức, một thành phố cổ kính soi mình bên dòng nước. Ðây là đoạn ba con sông Danube, Inn và Ils nhập lại thành một dòng. Khúc sông quanh co rất đẹp, nhìn lên những nhà thờ cổ kính.

Nhưng nhìn xuống, dòng sông không có màu xanh lam như nhạc và lời đã viết! Không trong bằng sông Hương đã đành, Danube còn nhờ nhờ màu nâu lục. Vì môi sinh, vì kỹ nghệ hay vì giấc mơ màu xanh của người nghệ sĩ từ hơn một thế kỷ trước?

Về chiều dài, sông Danube chỉ thua dòng Volga của Nga nhưng vẫn là dòng sông nối liền cả chục quốc gia Âu châu, khởi nguồn từ Ðức, chảy qua Austria, Hungary, Romania, v.v.. (làm sao nhớ hết khi mình không để ý tới địa dư như người kia!) trước khi đổ vào Hắc Hải, giữa Romania và Ukraine.

Từ Passau, thuyền đi một đêm đến thành phố Linz của Vienna, nơi gợi hứng cho Mozart trong bài Symphony số 36, về Linz.
Thành phố xanh tươi màu cây cỏ và được giữ rất sạch và thơm.

Từ đấy, du khách đi xe bus đến Salzburg, nơi sinh của Mozart cách nay đúng 250 năm. So với lần trước khi được đến thăm, cách nay đã mười mấy năm thì Salzburg ngày nay đã đổi khác, hiện đại hơn mà cũng ồn ào bụi bặm hơn. Năm đó, nhịp tim Salzburg đập theo tiếng nhạc Mozart. Không thể khác được! Một ngày chỉ có nhạc và nhạc, Mozart và Mozart.

Cũng là một cách tưởng nhớ một thiên tài.

Khúc sông Danube đẹp nhất được đi qua là giữa Melk và Durnstein, lòng sông mở ra rất rộng, ánh sáng lấp lánh, hai bờ là những ruộng nho xanh ngát thoai thoải chạy theo sườn núi. Chót vót trên đỉnh là những ngôi nhà thờ với gác chuông cổ kính rêu phong.

Sống giữa khung cảnh ấy, làm sao có thể nghĩ đến chiến tranh và bom đạn? Vienna là thủ đô của một quốc gia trung lập của Âu châu, nhờ vậy mà ít bị tàn phá? Nhưng, tiệm McDonald’s dưới căn gác của Strauss là một nhắc nhở về sự tiến hoá nhiều khi tàn bạo của thời bình!

Strauss thực ra có tên là Johann Strauss Jr. (theo kiểu Mỹ) hay Johann Strauss II theo kiểu Âu Châu. Ông sinh năm 1825 trong một gia đình nhạc sĩ. Thân phụ tên Johann Strauss I là tay soạn nhạc nổi tiếng, cho tới khi Strauss II xuất hiện. Ngoài ra, ông còn hai người em là Josef và Edward cũng viết nhạc và cháu ông, con trai của Edward, cũng là một nhạc sĩ. Trong năm nhạc sĩ đó, Strauss II là người nổi danh nhất, và nổi danh ở nhạc luân vũ, được gọi là Vua nhạc Valse.

Nói ra thì kỳ, nghĩ đến “The Waltz King” Johann Strauss II, mình lại nhớ đến Hoàng Trọng, được nhiều người ngày xưa gọi là “Vua Tango” – không phải vì ông nhảy giỏi mà vì tài viết nhạc làm mọi người không biết tango cũng muốn nhảy.

Strauss cũng vậy.

Ông làm cả thành phố Vienna quay cuồng trong nhịp luân vũ. Từ một vũ điệu thực ra của thôn quê, Johann Strauss đã nâng điệu valse thành nhạc quý tộc cho dòng Habsburg của nước Áo.

Bài valse nổi tiếng nhất của ông chính là Le Beau Danube Bleu. Ban đầu, đó là ca khúc với lời từ của Josef Weyl. Về sau, Strauss viết lại thành nhạc khúc cho ban nhạc và nhạc khúc ấy tồn tại cho đến nay. Tính ra thì có khoảng hai chục phim ảnh hay cả các computer game ngày nay đã lấy nhạc của Dòng Sông Xanh này. Nổi tiếng nhất là phim “2001: A Space Odyssey” của đạo diễn Stanley Kubrick.

Ở tại Vienna, nghe ban nhạc Áo trình bày Dòng Sông Xanh một cách rộn ràng, sắc xảo, có tiếng sóng vỗ và nắng vàng lóng lánh trên mặït sông bao la bát ngát trước mặt, người thưởng ngoạn có thể thấy ra màu xanh huy hoàng của dòng sông. Và còn thấy nhạc khúc đã có lời hát trong âm thanh. Chúng ta không nên hát Blue Danube nữa!

Nơi dừng chân cuối cùng và rời dòng sông là Budapest, thủ đô của Hungary.

Không biết xứ Hung Gia Lợi này có bị rợ hung nô trùm cho cái tên chăng, nhưng Budapest là thành phố có Ðông-Tây hai mặt. Ở giữa là dòng Danube. Dòng sông chảy xuống theo hướng Bắc Nam, bên hữu ngạn là nửa Tây phương và tả ngạn là nửa Ðông phương. Ðây là thành phố đẹp nhất vì còn giữ nguyên sự cổ kính với kiến trúc loại Baroque dị kỳ, với rất nhiều màu sắc Ðông phương.

Sóng Danube vẫn tung tăng ở giữa hai cõi Ðông Tây ấy. Nhưng, người yêu nhạc đã thấy rộn ràng nhạc của Franz Liszt và Bela Bartok, những nhạc sĩ nổi tiếng nhất của đất Hung.

Rời Budapest về Frankfurt để lấy máy bay vượt đại dương, hình ảnh cuối cùng vẫn là dòng Danube lấp lánh ở dưới, rộn ràng như nhạc Bến Xuân Xanh của Dương Thiệu Tước. Những ai yêu nhạc valse hay Blue Danube của Strauss, hãy nghe hoặc hát Bến Xuân Xanh thì mới thấy sức tưởng tượng phong phú của những nghệ sĩ có chân tài.

Quỳnh Giao viết ngày 12-9-2006.
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562/posts/10208256260042178







82. Judy Collins – Từ thảm họa đến bác ái


Nhiều người trong chúng ta đã nghe Judy Collins từ khi còn ở nhà. Một số ca sĩ trẻ hơn sau đó đã lấy cách trình diễn của nàng làm chuẩn. Vì vậy, khi nghe nói Judy Collins sẽ lưu diễn để quyên tiền cứu trợ nạn nhân mìn bẫy tại Việt Nam, Cao Miên và biên giới Thái Lan với Miến Ðiện, chúng ta lại thấy bồi hồi....

Judy Collins sinh năm 1939, thuộc tầng lớp như Joan Baez đã reo rắc dân ca và rong ca Mỹ tới mọi chân trời, kể cả Việt Nam vào thời chinh chiến. Nàng là người có giọng soprano trong veo và có khả năng đa diện, đánh đàn, viết nhạc và hát đủ mọi thể tài, từ dân ca đến rock, nhạc pop và cả những ca khúc nghệ thuật kén chọn người nghe.
 Judy Collins 

Sinh ra tại Seattle dưới tên thật là Judith Marjorie Collins, nàng là một thần đồng về dương cầm. Học đàn từ thuở lên bốn, và 13 tuổi đã trình diễn trước công chúng. Nhạc khúc thời danh khi ấy là bản Concerto cho hai Dương cầm của Mozart. Nhưng chỉ được vài năm, nàng đã thấy nhạc cổ điển Tây phương không hấp dẫn và cảm động bằng lời từ của loại nhạc phổ thông hiện đại. Nàng đổi đàn, đánh guitar và bắt đầu hát là đã nổi tiếng.

Ðược mời đến dự buổi trình diễn nhạc pop của cô học trò thần đồng năm xưa, bà giáo dạy dương cầm đã hôn lên mấy ngón tay của Judy: "Bé Judy này muốn đi tới đâu mà chẳng được!" Cô bé nào có biết rằng vì sinh kế, khi còn trẻ bà giáo dạy dương cầm cổ điển này cũng trình diễn nhạc jazz!

Judy Collins thực hiện đĩa nhạc đầu tiên, ghi âm tất cả trong có năm tiếng đồng hồ, là Maid of Constant Sorrow, vào năm 1961, ở tuổi 22.

Từ đấy mỗi năm lại có một số đĩa ra mắt. Ðĩa vàng đầu tiên của nàng là In My Life, vào năm 1966 trong đó nàng hát không có phần đệm của guitar. Năm 1967, đĩa nhạc đầu tiên có ca khúc do nàng viết lấy là Wildflower. Và nàng trở thành thần tượng của nhiều thế hệ.

Ngày nay có dịp nghe lại Judy Collins mình bỗng... thấy nhớ Việt Nam!

Những ca khúc tuyệt đẹp của Judy Collins gồm có Both Sides Now, một tác phẩm của Joni Mitchell giúp nàng được vào Grammy Hall of Frame, hoặc Send in the Clowns của Stephen Sondheim, hay A Song for David của Joan Baez và Born to the Breed do chính nàng sáng tác.

Hồn thơ của nàng khiến cô ca sĩ trẻ thời ấy đã tìm đến những tác phẩm có lời ca thật đẹp, của Bob Dylan, của Tom Paxton hay Phil Ochs. Như Joan Baez đã giúp Bob Dylan nổi danh qua các khúc rong ca, Judy Collins cũng khiến khán thính giả biết tới tài nghệ của nhà thơ gốc Canada là Leonard Cohen. Chính Cohen đã khuyến khích nàng phải viết lấy ca khúc cho mình.

Sau giai đoạn hát nhạc pop và folk songs, Judy Collins tìm đến những tác phẩm khác, từ ca khúc của ban Beattles đến Kurt Weill hay Jacques Brel, nhạc sĩ và ca sĩ tài danh của Pháp.

Rồi từ năm 1967, nàng soạn lấy ca khúc cho mình, vang danh với những bài như “Since You’ve Asked” và từ đấy được biết đến như người viết ca khúc nghệ thuật - lời phải đẹp với nhạc thuật rất cao - và trình diễn các bài dân ca với giọng hát ngọt ngào trong vắt.

Với sắc đẹp lộng lẫy và cặp mắt xanh thu hút hồn người, Judy Collins thuộc loại thanh sắc vẹn toàn và là thần tượng cho nhiều thế hệ trong các năm 60 và 70. Ðấy là lúc khán thính giả Việt Nam bắt đầu say mê tiếng hát Judy Collins.

Nhưng người nghệ sĩ siêu hạng không chỉ dừng ở đó.

Judy Collins đóng phim bên cạnh Arnold Schwarzenegger, quay phim và được tuyển vào giải Oscar năm 1975 với phim "Antonica: A Portrait of a Woman” do nàng đồng đạo diễn. Nàng viết sách, ban đầu là tự truyện như "Trust Your Heart" vào năm 1987, sau là tiểu thuyết. Tác phẩm để lại nhiều dư âm là cuốn hồi ký “Sanity and Grace” mới xuất bản gần đây về việc đứa con trai, Clark Taylor, đã tự tử vào năm 1992.

Vào giai đoạn này, người ta có thể nghĩ đến chữ hồng nhan đa truân khi thấy nỗi thăng trầm của Judy Collins.

Judy Collins trải qua một thời gian sóng gió, bị bệnh lao, viên gam, nghiện rượu và cuộc đời tình ái gặp nhiều bão tố với những người như tài tử Stacy Keach vì nghề nghiệp mà mỗi người một nơi, hoặc như Stephen Hills, người muốn kiềm hãm nàng trong vòng tay bảo vệ. Stephen Hills đã viết ca khúc xưng tụng đôi mắt xanh nay đã thành biểu tượng của nàng, bài “Suite: Judy Blue Eyes”.

Bi thảm nhất trong giai đoạn thăng trầm ấy là tình trạng của đứa con trai nghiện ngập và sau này đã tự kết thúc đời mình, ở tuổi 33.

Sau những năm dài sóng gió như vậy, Judy Collins đã đứng dậy, và chữa cho tuyệt bệnh để tái xuất hiện với nhân dáng khác và nhân cách khác. Nàng vận động phong trào cứu giúp những người tuyệt vọng để ngăn ngừa tự sát. Nàng kêu gọi thế giới bài trừ mìn bẫy và tìm nguồn an ủi trong thơ, trong nhạc và văn chương.

Năm 1993, Judy Collins hát “Amazing Grace” và “Chelsea Morning” tại lễ nhậm chức của Tổng thống Bill Clinton. Theo lời ông bà Clinton, tên con gái Chelsea của họ là từ bài "Chelsea Morning" do Collins thu ra đĩa năm xưa.

Ðược lời khuyến khích của tổng thống, nàng làm đại sứ thiện nguyện cho UNICEF, và ngày càng quan tâm đến các vấn đề xã hội của nhân thế. Năm 1994, Judy Collins qua thăm Việt Nam để nhớ lại những năm tháng phản chiến hai chục năm về trước. Từ đấy nàng muốn làm một việc gì khác có ích hơn.

Việc đi hát quyên tiền để cứu trợ nạn nhân mìn bẫy cũng nằm trong tinh thần ấy.

Quỳnh Giao viết ngày 13-11-2006.
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562/posts/10208256239001652






83. Yehudi Menuhin – Tâm trụ vào nhạc


Người ta kể rằng khi lên bốn, Yehudi Menuhin được món đồ chơi mừng sinh nhật là cây đàn vĩ cầm. Chú bé vuốt lên vài dây và lập tức quăng đàn xuống đất rồi dậm cho vỡ trong tiếng bực tức: “nó không hát!” Năm đó đôi tai thần đồng đã là đôi tai thẩm âm nên biết ngay thật giả.

Chú bé ngỡ là đồ thật, hoá ra đồ chơi!

Thế giới nói đến thần đồng Yehudi Menuhin là khi ông kéo vĩ cầm trên sân khấu với dàn nhạc giao hưởng San Francisco Symphony Orchestra bài “Symphonie Espagnole” của Edouard Lalo. Năm đó Menuhin mới lên bảy, vừa có được vài năm kéo đàn violin, từ bước vỡ lòng đến bậc diệu thủ.

Năm 1929, nhà bác học Albert Eisntein đã tuyên bố rằng ông tin là “có Thượng đế trên trời” vì vừa được nghe Menuhin kéo đàn tại Berlin.

Sinh tại New York năm 1916, Yehudi Menuhin có thể là loại người, như Mozart, khiến chúng ta tin vào tiền kiếp. Ông được coi là một trong vài danh cầm sáng chói nhất về violin của thế kỷ 20. Cái tên không thôi cũng đã là một định mệnh.

Yehudi chỉ có nghĩa là Do Thái, “Jew” theo cổ ngữ Hebrew. Năm đó, cha mẹ của ông tìm ra căn nhà cho thuê và được chủ nhà trấn an rằng bà ta không cho dân Do Thái vào ở. Tinh thần kỳ thị Do Thái khiến bà mẹ nổi đóa. Ðã thế, bà cụ sẽ đặt tên con là “đứa Do Thái”. Yehudi Menuhin ra đời với cái tên là sự thách đố và làm Do Thái vẻ vang.

Nhưng, ông lập sự nghiệp tại nước Anh, nhập tịch Anh quốc và được Hoàng gia Anh phong tước, Baron Menuhin.

Chưa đủ ly kỳ đâu, Nenuhin còn kết bạn với một thiền sư Ấn Ðộ là B.K.S. Iyengar, trẻ hơn mình hai tuổi, và giới thiệu bậc ẩn sĩ này cho thế giới Tây phương. Iyengar là một trong mấy bậc thầy về phép tu tập yoga và có giúp cho nghệ thuật định tâm để diễn nhạc của Menuhin.

Các nhà nghiên cứu về nhạc thuật của Yehudi Mehunin đều nói tới nét nhạc tinh nguyên được bậc danh cầm này luyện lấy từng nốt, như một nhà tu khổ hạnh. Nếu lãng mạn hay thần bí một chút, người ta có thể nói rằng ở Mehunin, nhạc và người đã quyện làm một. Einstein đã bắt gặp tinh túy ấy khi nói đến sự hiện hữu của Thượng đế qua tiếng đàn Menuhin.

Yehudi Menuhin có cái tâm nhập vào nhạc trong ý nghĩa là ông tập trung thần trí vào nhạc.

Ông sinh ra trong một gia đình bần hàn mà yêu nhạc, chị em đều là danh thủ dương cầm và sống với nhạc. Họ sống với nhạc hơn là với đời nhờ có người cha siêu hạng vì không muốn đem tài nghệ con cái ra buôn bán ngoài đời. Gia đình Mehunin đóng cửa trau giồi nghệ thuật và lắc đầu trước sự mời gọi của thị trường thương mại. Từ một gia đình Do Thái nghèo, đấy chẳng là biệt lệ sao?

Cái nếp gia phong kín cổng cao tường ấy có ảnh hưởng đến thần đồng Mehunin.

Mới lên 10, khi được ôm đàn theo thầy đi thăm thú Âu châu, chú bé Yehudi nghe lời mẹ là phải học tiếng Pháp. Và bài học Pháp ngữ đầu tiên là một bài thơ, học suốt đêm. Khi phải học tiếng Ðức hay tiếng Ý thì cũng vậy. Cơm tối trong nhà chỉ có một thứ tiếng ấy mà thôi.

Gia đình Menuhin là di dân từ Nga và họ thực sự bần hàn.

Mua được ngôi nhà tại San Francisco thì cho họ thuê tầng trên và ông bố xây một lều gỗ ngoài sân cho Yehudi. Phần xác đói khổ như vậy là để dành phần hồn cho nhạc. Họ chắt bóp dành dụm để con cái học nhạc thật và học đến nơi đến chốn. Khi còn bé, Mozart không có tuổi thơ vì sớm là thần đồng. Mehunin cũng thế, không được tập xe đạp hay đập banh baseball vì đôi tay bé bỏng phải dành cho nhạc, lỡ bị thương tích thì sao?

Cái tâm thường trụ trong nhạc tất nhiên ảnh hưởng đến cách sống, và cách học.

Không khác gì một giai thoại thiền tông, chưa lên 10, Yehudi được đi Âu châu và tâm nguyện là xin được học với nhạc sư người Romania là George Enesco. Cậu bé xin cha mẹ cho mình đi nghe danh sư Enesco biểu diễn tại Paris. Ðến nơi thì lẻn vào hậu trường để núp trong phòng y trang của Enesco.

Mục đích chỉ là để xin thầy nghe mình kéo một bản.

Sáng sau, George Enesco ngồi nghe thằng bé từ Mỹ chạy qua, rồi quyết định thu làm đệ tử mà không lấy một đồng. Kể từ đấy, Yehudi trải qua thời kỳ… huấn nhục về nhạc với kỷ luật thép. Có lần, sư phụ bắt đệ tử kéo liền ba lần một nhạc khúc của Bach trong khi sấm sét giông bão ầm ầm nổi lên ở ngoài.

Những danh thủ vĩ cầm từ nhỏ đều biết là cơ thể phát triển cùng với tuổi tác làm cây đàn cứ như bé lại hàng năm. Menuhin đã vượt tuổi thần đồng mà vẫn là diệu thủ vì thường xuyên tự luyện và tự luyện lại để cơ thể và cây đàn vẫn gắn bó là một. Ðiều ấy là một bài học cho mọi thần đồng. Khi trưởng thành, ông là nhạc trưởng siêu hạng và bước qua khung trời mới.

Yehudi Menuhin thành danh với cây vĩ cầm mà còn nổi tiếng hơn nữa với cây đũa nhạc trưởng và sự tận tụy khi đào tạo các thế hệ nhạc sĩ kế tiếp.

Trong Ðại chiến thứ hai, ông trình diễn cho quân đội Ðồng minh và kéo đàn cho các khổ tù Do Thái nghe khi họ vừa thoát khỏi trại cải tạo của Hitler, vào tháng 4 năm 1945. Ông cũng là danh cầm Do Thái đầu tiên đã quay về trình diễn tại Ðức năm 1947 như một thông điệp hoà giải.

Nếp sống đầy kỷ luật khắt khe và những đòi hỏi về nghệ thuật, kéo đàn, điều khiển dàn nhạc và đào tạo thế hệ mới, khiến Menuhin có lúc kiệt sức.

Duyên số hay Thượng đế ra tay thế nào khiến ông lại kết bạn với thiền sư Iyengar vào năm 1952, và học được phép dưỡng thần, thiền định, để tiếp tục yêu nhạc, sống với nhạc cho đến khi cao tuổi. Menuhin chơi cả Jazz lẫn cổ nhạc Ðông phương với danh cầm Ravi Shankar, nổi tiếng với đàn “sitar”, loại đàn cầm của Ấn Ðộ. Con người siêu khổ ấy sống đến năm 1999, để lại cả chục bằng tiến sĩ danh dự và rất nhiều giải thưởng cao quý nhất của âm nhạc.

Khi Ðông phương nói đến cái tâm thường trụ, Yehudi Menuhin có thể là một biểu hiện. Ông trụ vào nhạc.

Quỳnh Giao viết ngày 23-10-2006.
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562/posts/10208256190720445






84. Gilbert Bécaud – Et Maintenant


Sinh năm 1927, Gilbert Bécaud cùng tuổi với nhà văn Mai Thảo của chúng ta.

Ít người Việt biết đến tiếng hát Bécaud, nhưng nhiều người Việt lại có thể yêu thích các ca khúc được phổ biến rất mạnh trong nền tân nhạc Hoa Kỳ, mà có khi không biết là của ông. Thí dụ như “Let it be me” hoặc “What now my love” qua tiếng hát của nhiều ca sĩ Mỹ nổi tiếng như Frank Sinatra, James Brown , hay Nina Simone, Barbra Streisand, Bob Dylan hoặc cặp Sonny and Cher năm xưa, v.v...

Nhắc lại tên ông trong tiết mục âm nhạc này là điều công bằng, mà có lẽ cũng cần thiết vì Gilbert Bécaud là một nghệ sĩ lớn với hơn 400 ca khúc nay đã là di sản của tân nhạc Pháp.

Gilbert Bécaud và đàn dương cầm chân lệch
Nói về danh vọng thì Bécaud đã lãnh huy chương cao quý nhất của Pháp, là Chevalier de la Légion d’Honneur. Và lại nhận huy chương ngay trên sân khấu.

Thay mặt chính quyền vinh danh người nghệ sĩ và gắn huy chương lên ngực Gilbert Bécaud là nhân vật có thẩm quyền. Ông là Préfet, một chức vụ cao cấp về an ninh và hành chánh của Pháp. Ông càng có thẩm quyền hơn vì cũng là một nghệ sĩ, là nhà thơ viết lời cho những ca khúc nổi tiếng nhất của Bécaud. Đó là Louis Amade.

Hai người là bạn chí thiết và dù ở hai nghề khác nhau vẫn gặp nhau trong thế giới âm nhạc.

Trước khi loài người biết tới Elvis Presley hay ban tứ quái the Beattles thì khi Gilbert Bécaud xuất hiện trên sân khấu là hội trường rung chuyển như bị điện giật, vì vậy ông mới có hỗn danh là “Mr. 100.000 volts”. Ông đánh đàn, hát, nhảy múa và diễn tả sống động khiến các khán giả trẻ đập vỡ hàng ghế ngồi vì bị kích thích. Cách đây hơn nửa thế kỷ thì chuyện ấy là hãn hữu!

Nhưng Bécaud không trình diễn ở tóc tai hay trang phục kỳ dị như thế hệ ca sĩ nối tiếp. Trước sau, ông chỉ có mặc một bộ đồ xanh đậm, áo sơ mi trắng và luôn luôn đeo một kiểu cravate, đốm trắng trên nền xanh đậm. Khi đi hát, Bécaud mang theo chừng 25 chiếc cravate cùng màu cùng kiểu để thay giữa hai ca khúc vì ướt đẫm mồ hôi. Ở nhà, ông còn gần 200 chiếc.

Kiểu dáng cravate “petit pois” ấy là nhãn hiệu của Gilbert Bécaud và xuất phát từ một chuyện cảm động thời xa xưa.

Gilbert Bécaud học dương cầm từ nhỏ và chín tuổi đã vào Học viện Âm nhạc của thành phố Nice ở miền Nam nước Pháp. Một năm ấy, cậu bé xin một chân đánh dương cầm tại một phòng trà, một cabaret, mà bị từ chối. Quy tắc của nơi giải trí thanh lịch đó là nghệ sĩ phải đeo cravate chứ không phong phanh hở cổ. Bà mẹ đưa con đi xin việc đã suy nghĩ rất nhanh và giải quyết còn nhanh hơn: bà xé vạt dưới tấm váy màu xanh đậm có đốm trắng, khéo choàng lên cổ cậu con như một chiếc cravate.

Bécaud bước vào phòng trà với y phục đúng tiêu chuẩn và vừa dạo lên một giai điệu là... được nhận việc.

Kể từ đấy, Gilbert Bécaud mà lên sân khấu là chỉ một màu, một kiểu, để nhớ đến dịp may đầu đời, nổi lên từ vạt áo của mẹ! Một bà mẹ vất vả nuôi con và tìm mọi cách cho đứa con được thành công trong âm nhạc. Bà cụ không nghĩ rằng xướng ca là vô loài, và âm nhạc của con làm cụ vui sống đến trăm tuổi.

Gilbert Bécaud còn có một vật chí thiết khác là chiếc dương cầm... nghiêng.

Ông vừa đánh đàn vừa hát mà khi trình diễn như vậy, ông cần nhìn thấy khán giả ngồi dưới. Phải có luồng nhân điện từ khán giả thì Mr. 100.000 volts mới nháng lửa. Làm sao bây giờ?

Ông thuê một tay thợ khéo... nhẹ vạt bớt một chân của chiếc dương cầm. Ít thôi để không làm lệch khung hư tiếng, và để không ai thấy được. Nhưng vừa đủ để người nghệ sĩ giao tiếp bằng mắt với khán giả. Ông đã trình diễn như vậy tại rạp Olympia nổi tiếng của Paris. Lần nào cũng làm khán giả bật dậy, dù không hề đập phá hay đánh đàn bằng gót chân như nhân vật Jerry Lee Lewis của Hoa Kỳ.

Gilbert Bécaud sinh tên Francois Gilbert Silly tại một hải cảng nhỏ bên bờ Địa Trung Hải, gần thành phố Marseilles. Cha ông đã bỏ mấy mẹ con ra đi mà nhất định không làm giấy ly dị. Bà mẹ sống với người chồng mới là Louis Bécaud mà vẫn không được làm hôn thú. Ông chồng mới này thương ba người con của vợ như con mình và sau này, cậu Francois Gilbert lấy họ của ông làm nghệ danh của mình.

Gilbert Bécaud chỉ thực sự đi hát sau Đại chiến thứ hai.

Thời Đại chiến, khi nước Pháp bị chiếm đóng thì Bécaud đã theo người anh ruột tham gia kháng chiến chống Đức tại vùng Vercors. Sau chiến tranh, ông cùng gia đình lên Paris, chơi nhạc trong phòng trà và viết nhạc phim cho tới khi gặp những người tri kỷ thì mới bước sang nghề ca hát.

Những người tri kỷ đó là Pierre Delanoë và Maurice Vidalin.

Hai người viết lời ca trên giai điệu do Bécaud sáng tác để trình diễn. Delanoë là tác giả bài Et Maintenant nổi tiếng trên thế giới, nguyên bản của bài What Now My Love làm khán giả Hoa Kỳ mê mệt. Bài “Je t’Appartiens”, nguyên bản của Let it be me cũng là của ông. Còn Vidalin là tác giả bài L’Amour est mort hay L’Indifférence.

Kể từ 1952, nggười ca sĩ mới lấy tên là Gilbert Bécaud.

Ông gặp Edith Piaf trong một chuyến lưu diễn tại Hoa Kỳ. Piaf là người đã đưa bài “Je t’ai dans ma peau” của Bécaud lên đài danh vọng từ năm đó và giới thiệu cho ông gặp nhân vật kỳ tài là Louis Amade, vị công chức cao cấp có hồn thơ lai láng.

Nhà thơ kiêm cảnh sát trưởng Amade là người đã phán một câu để đời: “Tài của anh không phải là đánh đàn dương cầm mà là soạn nhạc và trình diễn!” Ông viết lời của “Les Marchés de Provence” hay “L’Orange” và rất nhiều ca khúc khác của Bécaud. Đại đa số những ca khúc nổi tiếng với lời Pháp của ba người bạn thơ mà sau này được lưu truyền trên thế giới với lời khác đều là giai điệu của Gilbert Bécaud.

Từ 1953 trở đi, Gilbert Bécaud có đầy đủ yếu tố thành công, với lời ca thật đẹp của ba người bạn có tài. Ông lại là người soạn nhạc, đánh đàn, có giọng hát đầy nam tính, và dày dạn kinh nghiệm về nghệ thuật trình diễn sau nhiều năm đánh đàn trong phòng trà. Điều ít ai biết, Bécaud nổi tiếng trước tại Hoa Kỳ rồi mới được dân Pháp đón nhận như một nghệ sĩ đã từng chinh phục khán giả Mỹ! Ông hát được sáu thứ tiếng, đi khắp thế giới và thường xuyên qua Mỹ lưu diễn nhưng sau cùng vẫn chọn ở lại Pháp, vì lưu luyến không khí văn nghệ và bằng hữu ở quê nhà.

Tại Việt Nam, chúng ta bắt đầu làm quen với loại nhạc của ông từ bài Le Jour où la Pluie Viendra (nhạc Bécaud, lời Delanoë) qua tiếng hát Dalida.

Năm 1961 là khi bài Et Maintenant xuất hiện và chinh phục mọi người. Bécaud từng song ca bài này tại Mỹ với Frank Sinatra và giờ đây, nhiều người vẫn tin rằng "What Now My Love" là nhạc Mỹ.

Những nghệ sĩ nổi danh của Hoa Kỳ như Elvis Presley, Stevie Wonder, Frank Sinatra hay Neil Diamond, một người có tiếng hát và lối trình diễn rất gần với Bécaud, đều là bạn và rất quý trọng Bécaud. Ngoài việc soạn nhạc và lưu diễn, ông còn dựng nhạc kịch và có nhiều vở đã được trình bày rất thành công tại Hoa Kỳ. Bài September Song của Neil Diamond chính là sáng tác chung với Gilbert Bécaud. Một tờ báo New York đã phán: "Gilbert Bécaud là rặt Pháp, như loại phó mát “camembert”. Nhưng nhờ Trời, có di chuyển cũng không hư”!

Gilbert Bécaud mất vào ngày 18 tháng 12 năm 2001, trong ngôi nhà nổi trên sông, tại ngoại ô Paris. Ngày nay, khi nghe What Now My Love, chúng ta nên nhớ đến Bécaud.

Beaucoup de Bécaud như tên một đĩa nhạc của ông....

Quỳnh Giao viết ngày 26-12-2006. 
______________________________

Xem tiếp >>>  MỤC LỤC PHẦN 1 - PHẦN 2 - PHẦN 3 - PHẦN 4 - PHẦN 5 - 
PHẦN 6 - PHẦN 8 - PHẦN 9 - PHẦN 10