Tạp Ghi @ QUỲNH GIAO (1)

TẠP GHI @ QUỲNH GIAO


PHẦN 1

01. Những Tiếng Xưa.
02. “Mây Lìa Ngàn” Của Đinh Hùng.
03. Whitney Houston và Cây Cầu Vồng.
04. Ai Giết Jacko?
05. The King và Tội Giết Vua.
06. Hồn Cầm Phong Sương.
07. Xa Quê Hương. . . Ðã Bao Lần.
08. New Orleans Nức Nở.
09. Treo Trên Nốt Nhạc.
10. Lột Đồng Hồ.
11. Tạ Ơn Đời.
12. Nguyễn Xuân Hoàng, Người Rong Ca Buồn.

-------------------------------------------------------------------------




01. Những Tiếng Xưa


Anh Ngọc
Ngay trước Tết, Quỳnh Giao gặp lại một nghệ sĩ khi ông cùng phu nhân thăm California trong vài ngày. Từ đó, mấy ngày Xuân lại thấy váng vất những tiếng hát năm xưa....

Thời xưa, giới nghệ sĩ ưa gọi ba người bạn chí thân là "Three Caballeros", họ cùng có dáng cao dong dỏng và bàn tay ít khi rời ly rượu. Hai người đã ra đi là Hoài Bắc Phạm Đình Chương và Mai Thảo. Người còn lại là Anh Ngọc. Ông có tiếng hát mà Quỳnh Giao vẫn gọi là trượng phu trong nhiều bài tạp ghi trước đây.

Sự thưởng ngoạn một giọng hát tùy thuộc vào nhiều yếu tố.

Trước hết là loại nhạc mà người thưởng thức lựa chọn. Khi nghe opera thì giới thưởng ngoạn ưa giọng càng mạnh càng quý, làn hơi càng dài càng đẹp. Mà khi trình bày cả một vở tuồng opera, ca sĩ phải có giọng mạnh thì mới qua cầu được. Nhưng cũng có trường hợp mà giọng hát “mảnh mai” vẫn hấp dẫn, nếu có yếu tố nổi bật khác. José Carreras là một thí dụ.

Giọng José Carreras không mạnh bằng hai đối thủ mà cũng là bạn thân là Luciano Pavarotti và Placindo Domingo. Nhưng bù lại, giọng hát tình cảm và nhất là phong thái trầm tĩnh lịch sự lại là yếu tố khiến nhiều người yêu thích.

Maria Callas nổi tiếng là giọng hát của thế kỷ không nhờ hát mạnh. Giọng của bà hơi mỏng nhưng cách diễn tả điêu luyện và truyền cảm làm âm sắc giọng hát trở nên độc nhất vô nhị trong thế giới của nhạc opéra. Đã nghe là người ta phải nhớ.

Đó là nói về opéra. Chứ trong loại nhạc phổ thông mà mình thường nghe, và Tây gọi là ca khúc trữ tình êm dịu, les chansons de charmes, thì sao?

Đó là một sự thưởng ngoạn tự do. Ai muốn thích ai cũng được, không có tiêu chuẩn nào đặt ra cả.

Quỳnh Giao sở dĩ gọi giọng hát của danh ca Anh Ngọc là trượng phu vì chất giọng sang sảng, chắc nịch, đầy nam tính. Khi hợp ca, giọng Anh Ngọc bao trùm lên các giọng khác. Cùng trường phái với Anh Ngọc, Pháp có Gilbert Bécaud và Mỹ có Niel Diamond. Giọng của họ mạnh, âm sắc rõ, cứng cỏi.

Cùng thời với Anh Ngọc, có giọng Vũ Huyến nhẹ và thanh hơn.

Có dạo cả hai thường song ca trên các sân khấu phụ diễn tân nhạc trước giờ chiếu phim. Vì giọng yếu hơn, Vũ Huyến thường giữ bè cho Anh Ngọc. Vũ Huyến thành công với loại nhạc tình cảm nhẹ nhàng, đôi khi có chút truyện kể như bài "Cô Hàng Nước", hay hài hước như trong bài "Cái Áo The Thâm Tàn"… Bào đệ của Anh Ngọc là ca sĩ Ngọc Long thì hát không điêu luyện bằng anh, nhưng giọng êm và tình cảm của ông rất hợp với ca khúc loại Đoàn Chuẩn Từ Linh.

Giọng ca mạnh hay yếu, đều có thể trở thành thần tượng, nếu chọn đúng bài hát và người nghe.

Cùng trường phái Anh Ngọc, ngày nay có Tuấn Ngọc, Quang Tuấn, những giọng hát mang sắc thái góc cạnh, người Mỹ thường dùng chữ “rough”, là đầy nam tính. Nhưng cũng không hẳn là giọng nam phải luôn phải sắc cạnh thì mới hay và được ưa thích. Có những giọng nam thuộc trường phái êm dịu nhẹ nhàng cũng được nhiều người mến mộ.

Điển hình là giọng Tino Rossi ẻo lả như con gái được cả một thế hệ 40-50 coi là thần tượng. Các bậc sinh thành ra thế hệ của người viết bài thời ấy ư ử bài J’attendrai… và ca ngợi chất giọng êm như nhung của Tino Rossi vô cùng tận. Vài chục năm sau, khi loại nhạc hương xa Hoa Kỳ lan đến Việt Nam thì các nhà đều đón giờ phát thanh chương trình nhạc ngoại quốc để nghe giọng ngọt như mía lùi của Bing Crosby, hay giọng mơn trớn đầy... nữ tính của Johnny Mathis…

Tại Việt Nam, vào cuối thập niên 50, các giọng Duy Trác, Ngọc Giao, Đỗ Tuấn êm ái ru hồn sinh viên học sinh, nhất là những người vừa di cư từ Bắc vào Nam. Đến cuối thập niên 60 và đầu thập niên 70 thì giọng êm nhẹ như Sĩ Phú, Jo Marcel, Anh Khoa… chiếm nhiều cảm tình của giới yêu nhạc. Đặc biệt nhất là giọng ca Sĩ Phú.

Sỹ Phú
Sĩ Phú thành công ngày từ buổi đầu xuất hiện trên màn ảnh Vô Tuyến Truyền Hình Việt Nam. Với vóc dáng cao trong bộ quân phục, ông được khán thính giả truyền hình, nhất là phái nữ, lập tức coi là thần tượng.

Lạ một điều là giọng hát Sĩ Phú tương phản với vóc dáng của ông. Chất giọng Sĩ Phú nhẹ lắm, hát gần như thủ thỉ. Cái lối thủ thỉ ấy thật tuyệt khi hát những bài có nội dung kể chuyện, nhất là kể truyện tình. Các ca khúc “Cô Láng Giềng" của Hoàng Quý, “Cô Hàng Cà Phê” của Canh Thân, được ông kể bằng giọng nhỏ nhẹ, nghe như vừa đủ bên tai một câu truyện thật ra chẳng có gì đặc sắc, mà sao lại rất quyến rũ…

Dường như vừa kể truyện, Sĩ Phú vừa dùng câu chuyện để thổ lộ tâm tình của mình cho người nghe. Lập tức người nghe thấy ra mình là nhân vật của truyện, cũng được khối người trồng cây si trước nhà! Và đâm ra ngẩn ngơ cảm động…

Và khi Sĩ Phú hát “Người Yêu Tôi Khóc” của Trần Thiện Thanh, thì dù tác giả có hát lên câu chuyện thật của mình cũng không “thấm” hơn được. Cái chất giọng nhẹ nhàng, êm ấm đó như hát thay cho những tình nhân của đời thường. Họ thấy đuợc cái mong manh của cuộc tình, và hạnh phúc thoáng như bóng mây. Ca khúc thơ phổ nhạc của Phạm Duy “Còn Chút Gì Để Nhớ” được Sĩ Phú trình bầy rất đạt.

Không như phần lớn ca sĩ khi hát bài này thường hay trổ giọng để khoe làn hơi dài của mình, Sĩ Phú chỉ hát đủ mạnh chứ không cường điệu. Vừa đủ để nhớ,và để thương. Giọng hát mang mang tâm sự tiếc nuối, tình cảm có mà như e ấp, như cuộc tình chỉ mới chớm nở thôi… Phải là chất giọng nhẹ nhàng, thủ thỉ mới diễn tả được như thế, và thính giả cảm nhận được nhờ lối hát ấy.

Đầu Xuân, gặp lại chú Anh Ngọc, người viết này nhớ về những tiếng hát năm xưa, với sự bồi hồi...

Quỳnh Giao viết ngày 12-02-2014.
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562/posts/10208241159504674





02. “Mây Lìa Ngàn” Của Đinh Hùng


Đinh Hùng là một nhà thơ, có tài vẽ, giỏi nhạc, kéo violon rất hay và viết truyện thật đẹp, đẹp cứ như thơ.

Trong thế giới tân nhạc, cùng hai người bạn thân là Đan Thọ và Phạm Đình Chương, Đinh Hùng để lại hai ca khúc nổi tiếng. Bài "Chiều Tím" là nhạc của Đan Thọ với lời từ của Đinh Hùng, chứ không do Đan Thọ phổ nhạc từ một bài thơ sẵn có của Đinh Hùng.

Còn "Mộng Dưới Hoa" lại là trường hợp ly kỳ hơn.

Ở hải ngoại vào năm 1991, khi in lại tuyển tập nhạc dưới tựa đề là Mộng Dưới Hoa, có thể Phạm Đình Chương đã nhớ lầm mà ghi xuất xứ Mộng Dưới Hoa nguyên từ bài thơ mang tựa đề là "Dưới Hoa Thiên Lý". Nếu đọc kỹ lời ca và đối chiếu với thơ thì Phạm Đình Chương phổ thơ Đinh Hùng từ hai bài là "Tình Tự Dưới Hoa" và "Xuôi Dòng Mộng Ảo" in trong tập Đường Vào Tình Sử, với phần đóng góp khác của Đinh Hùng vào lời từ.
Đinh Hùng
Là người thưởng ngoạn và trình bày, người viết này xin miễn góp ý về ca khúc bất hủ ấy mà trở lại với Đinh Hùng. Vì trong một tập sách xuất bản sau khi ông đã mất, mình có thấy Đinh Hùng kể lại một truyện tình cứ như là Thiên Thai đảo ngược.

Chúng ta biết quá ít về đồng bào thiểu số, từ miền Bắc vào tới miền Trung của đất nước.

Trong những năm chinh chiến nổi lên thì Đinh Hùng có gặp họ trên vùng Hòa Bình, và viết về những phụ nữ người Thổ, người Mường, người Mán. Tuyệt diệu thay, khi gặp họ với áo chàm bó sát thân hình trên nền đất núi cỏ vàng, ông nhớ đến đoàn nữ binh của Hai Bà Trưng và Bà Triệu.

Di bút của Đinh Hùng
Chúng ta chỉ có thể mường tượng ra hình ảnh "áo chàm về quảy lúa trên vai, in hình vào đồi núi xa xôi" như Phạm Duy đã tả trong bài Nương Chiều, chứ Đinh Hùng thì đã lên tới vùng cao nhất, là các làng hẻo lánh của người Mán ở trên núi.

Ông lên tới đó vì vẻ ngây thơ thanh tú của một nàng tên là Mây.

Những bông hoa sơn cước trên đó không có tên chữ hay ho của người Kinh, như Hồng Vân, Bích Ngọc, mà chỉ là Miên, Thắm, Mây, Hoa. Họ giản dị chân thật và bày tỏ tình cảm một cách đơn sơ.

Nàng Mây tặng Đinh Hùng nào là đu đủ chín, dưa hồng, ngô nếp, hồng bì và cả một chiếc vòng bằng bạc. Còn thêu vào khăn tay của chàng một con chim và một đoá hoa ngũ sắc làm kỷ niệm. Như nhiều cô gái Mán khác, nàng thêu rất nhanh, ghi kỷ niệm trên áo sơ mi, vét tông và cả hai túi của cái ba lô.

Trước giọng ỡm ờ của chàng nghệ sĩ trên núi rừng Việt Bắc về tương lai đôi lứa, nàng Mây tỏ vẻ không tin, lắc đầu nói: - Anh nói dối. "Cái" anh như con chim ấy, hôm nay ở đây, mai bay chỗ khác. Em không giữ được anh, em xót lắm.

Chúng ta phải đồng ý với Đinh Hùng rằng nàng nói như thơ.

Trong bài viết "Mây Lìa Ngàn", Đinh Hùng kể lại truyện tình kéo dài được năm sáu phiên chợ miền núi, là khi ông như Từ Thức đã được nhập Thiên Thai.

Cho đến khi chiến sự lan rộng thì đoàn văn nghệ của Đinh Hùng phải nhổ trại, lìa rừng. Ông muốn gặp lại Mây trước khi cách biệt và leo núi lên ngôi làng của nàng. Sau gần bốn tiếng rẽ lá tìm ra lối đăng sơn thì nhà thơ lên đến bên chân núi làng Mây.

Cả một làng Mán gồm chín mười nóc nhà đều biến đi như trong giấc chiêm bao. Ở chỗ những ngôi nhà sàn mọc lên ấm cúng xưa kia, nay chỉ còn là một đống tro than quạnh quẽ đìu hiu.

Trên những chòm núi khác cũng vậy, không một bóng nhà sàn, không một bóng người Mán. Họ đã tự thiêu hủy làng mình theo nếp sống du mục mà tự do lên đường đi tìm rừng núi khác.

Đinh Hùng kể lại rằng chính cô nàng Mây đã là một con chim lạ nơi rừng thu vừa bay đi mất....

Tạp chí Văn, số tưởng niệm cố thi sĩ Đinh Hùng
Chàng Từ Thức đã mất cõi Thiên Thai và nàng tiên Mây của mình. Trong tay chỉ còn cái vòng bạc.

Cho tới năm 1954. Quân đội Pháp từ các miền sơn cước rút về Hà Nội, đồng bào Thượng cũng lũ lượt kéo về đô thị. Trên phố phường chen chúc đã xuất hiện những vuông khăn trắng bịt đầu, phủ ngoài vạt xiêm áo thổ cẩm của các cô nàng Hoà Bình, Lạng Sơn. Nhiều lần Đinh Hùng tìm đến khu tạm trú của họ để hỏi thăm về làng Mán, về nàng Mây mà không ra dấu tích, cho đến khi chính ông cũng phải di cư vào Nam.

Ông không ngờ là năm sáu năm sau, trên vùng cao nguyên tại Ban Mê Thuột, ông gặp lại một đoàn phụ nữ người Mán mặc áo chàm. Người đi đầu chính là cô nàng Mây năm xưa. Khi ấy, chúng ta hiểu tựa đề của bài viết như một lối chơi chữ.

'Mây Đã Lìa Ngàn'. Mây đã bay thoát khỏi ngục tù. Ông tự dưng thấy nhẹ nhàng thanh thản.
Thiên Thai không phải là ngoài kia, trên đó, mà là trong này...

Quỳnh Giao viết ngày 19-02-2014.
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562/posts/10208232697533130




03. Whitney Houston và Cây Cầu Vồng


Người viết này có cái tật không thích chính trị, đôi khi phải theo dõi nhưng thật ra không thích. Chắc là trong lá tử vi hay trên chỉ tay có gì đó không hợp và có lẽ nhiều người cũng thông cảm cho cái chuyện ấy!
Whitney Houston

Lâu lắm rồi, khi nghe được một cuộc tranh luận chính trị thì Quỳnh Giao chú ý chừng... vài giây.

Lần đó, người ta nói về một ông tỷ phú Mỹ tung mười mấy triệu để vận động việc hợp pháp hóa cần sa như một dược liệu. Có ai đó bỗng lắc đầu. Chỗ riêng tư, xin thành thật khai báo là người đó hút thuốc lá! Chính vì thế mình mới để ý nghe tiếp cái đề tài có vẻ chính trị này.

Lý do chống đối nêu ra là vì ta không biết rằng với đà này thì xã hội phóng túng sẽ còn đòi quyền tự do tiêu thụ những độc dược gì khác. Sau cần sa, bao giờ đến ma túy?

Thế rồi câu chuyện xa xưa về quyền hít cần sa bỗng lại về khi nghe tin Whitney Houston vừa từ trần....

Gần ba năm trước, sau khi Michael Jackson đột tử trong điều kiện bi thảm vào ngày 25 tháng 6 năm 2009, mục tạp ghi này có một bài viết buồn, với đề tựa: "Ai Giết Jacko?" Jacko là tên gọi thân mật đôi khi nhuốm mùi châm biếm người nghệ sĩ trẻ tuổi này. Cuối năm ngoái, y sĩ riêng của Jacko bị án bốn năm tù vì tội ngộ sát khi cho nạn nhân dùng thuốc.
Thực ra, ông bác sĩ đắt tiền này không là thủ phạm duy nhất.

Ngẫm lại thì cả Withney Houston và Michael Jackson đều đi vào con đường tự hủy ngay trước mắt chúng ta. Những người ngưỡng mộ đều thấy rằng có cái gì đó không ổn với tâm thần của cả hai. Báo chí về âm nhạc và nghệ thuật viết thẳng rằng họ phải dùng thuốc. Thuốc ở đây có thể là dược phẩm, thuốc an thần, hoặc nhiều loại độc dược còn nguy hại hơn.

Mà chính Whitney Houston cũng xác nhận điều đó. Nàng dùng ma túy và từ mươi năm trước đã cho thấy mình có vấn đề. Tiếng hát thiên phú tuyệt vời bị rạn vỡ hụt hơi, sắc đẹp mơn mởn bỗng thành tiều tụy, cách ứng xử có lúc ngơ ngác thất thường. Mà càng bất thường thì nàng càng lao về phía trước, với liều thuốc còn mạnh hơn.

Trong suốt giai đoạn ấy, hình như là truyền thông vẫn giữ im lặng, tường thuật trong im lặng vì không có một lời phê phán hay can gián. Cũng chẳng thấy một nghệ sĩ Hoa Kỳ nào lên một diễn đàn khác để kêu gọi mọi người đừng đi vào con đường nha phiến....

Một người bị mộng du, cứ lãng đãng trên tấm ván mờ ảo như cây cầu vồng ngũ sắc mà tiến tới bờ vực, không biết khi nào sẽ tỉnh và quay lại. Người khác ở chung quanh nín thinh theo dõi mà chẳng khuyên giải. Chuyện nghiện ngập của nàng là điều riêng tư, là quyền của nàng. Nhiều người còn cho rằng xài thuốc như vậy mới là nghệ sĩ, mới là thời thượng.

Cũng như Elvis Presley hay Michael Jackson, đấy là các nghệ sĩ đã rút ruột và tự hủy hoại cho người mua vui. Mà họ lại là thần tượng của nhiều lớp trẻ.

Chọn lựa tai hại của họ, trước sự thản nhiên của quá nhiều người, là điều gì đó không ổn trong xã hội này.

Chúng ta đều biết đến phong trào chống thuốc lá và nỗ lực can gián việc hút thuốc lá. Nhưng ở nơi nhà cao cửa rộng của một số nghệ sĩ, người ta không chỉ hút thuốc lá mà còn leo lên cầu vồng.

Sau khi được tin Whitney Houston tạ thế trong khách sạn một ngày trước Đại hội trao giải Grammy năm nay, Quỳnh Giao đã tìm một "niệm khúc cuối" cho nàng.

Đó là ngồi nghe lại Dolly Parton trình bày một sáng tác sau này là dấu ấn Whitney Houston, bài "I Will Always Love You". Nữ ca sĩ xuất sắc của dòng nhạc country là Dolly Parton hát với sự hồn nhiên đầy vẻ tươi mát, có thể nói là "rất có hậu".

Whitney Houston
Sau đó mình mới nghe lại Whitney Houston trong ca khúc bất hủ đó.

Hoàn toàn khác, với hai cầu đầu "ad lib" như tiếng thủ thỉ trong sự tĩnh lặng của dàn nhạc. Sau đó mới là nức nở dâng trào, rồi tiếng gào như giông bão trong tiếng nhạc u uẩn....

Nghe xong thì hiểu vì sao đời sau không thể quên được Whitney Houston. Và chúng ta sẽ còn xem lại phim "The Bodyguard", cuốn phim được nàng chiếm ngự với khúc hát tuyệt vời này.

Sinh năm 1963, xuất thân từ một đại gia đình gồm nhiều ca sĩ tài danh, Whitney Houston hát thánh ca "gospel", rồi mới bước qua loại tâm ca của dân da đen là nhạc "soul", và nhạc "Rythm & Blues để trở thành nữ hoàng nhạc "Pop", loại nhạc phổ thông không còn màu da và biên giới.

Nàng đã bán ra 170 triệu đĩa, có lúc ký giao kèo ghi âm trị giá trăm triệu đô la, là nữ ca sĩ đoạt nhiều giải thưởng nhất về âm nhạc, có mấy chục tác phẩm dẫn đầu về số bán và phất tay tặng Hội Hồng Thập Tự nửa triệu bạc như người ta thả một mẩu thuốc lá Cẩm Lệ.

Nhưng cuối đời, sau khi nàng tạ thế, chúng ta mới biết rằng hình như Whitney Houston không còn một đồng trong túi.

Năm xưa, trên đỉnh danh vọng của nghệ thuật Whitney Houston, nhiều người da đen giận nàng là bước ra khỏi dòng nhạc da đen để phục vụ người khác. Không sống trong thế giới của họ, chúng ta chẳng biết rằng khi ấy có ai khuyên nhủ nàng là đừng bước vào thế giới của ma túy không.

Trong phim "The Bodyguard", sắc đẹp và tài nghệ của Whitney Houston khiến nhiều người chỉ muốn bảo vệ nàng. Dù có bị đạn như tài tử Kevin Kosner trong vai người cận vệ thì cũng cam.

Nhưng đó là trong phim ảnh, thế giới ảo của nghệ thuật. Ở ngoài đời, Whitney Houston thiếu người cận vệ thật, để nàng khỏi bị hủy hoại vì ảo giác của thuốc độc.

Chúng ta vẫn nhớ mãi Whitney Houston và tài nghệ độc đáo, tiếng hát trong vắt có thể dịu dàng vượt qua ba octave, và dáng mảnh mai đến mong manh của nàng. Nhưng càng luyến tiếc một nghệ sĩ xuất chúng thì càng thấy áy náy vì cái đám đông im lặng kia. Họ để nàng lần bước đến bờ vực của Michael Jackson hay Elvis Presley.

Quỳnh Giao thầm mong rằng sau này sẽ có một hội thiện của Mỹ lấy tên là Whitney Houston để nhắc nhở, an ủi và giúp đỡ các nghệ sĩ nếu họ hủy hoại tâm thần để thổi lên một mảnh cầu vồng ngũ sắc cho chúng ta, và rong chơi trên đó.

Xin đừng thản nhiên để họ rơi khỏi đám mây xuống vực.

Quỳnh Giao viết ngày 15-02-2012.
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562/posts/10208238442076740




04. Ai Giết Jacko?


Một khác biệt giữa tuổi ấu thơ và tuổi trưởng thành là "sức viễn mơ".

Tuổi thơ thường tin vào truyện kỳ diệu, khi trưởng thành thì ai cũng hiểu rằng đấy chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng thôi. Duy nhất có một thành phần có khả năng biết về thực tế mà vẫn sống trong cõi mơ. Họ làm đẹp cho đời sống quá thực tiễn khô khan của chúng ta bằng sức mơ mộng đó vì diễn tả đời sống theo cách khác.
Michael Jackson

Đó là các nghệ sĩ.

Trong ý nghĩa ấy, Michael Jackson là một nghệ sĩ đích thực.

Nhưng anh là nghệ sĩ đi tới tận cùng của sự đích thực đó. Rồi đi ra ngoài, nhảy ra ngoài... cho tới thảm kịch tuần qua khi tạ thế ở tuổi rất trẻ mà đã cống hiến quá nhiều. Chúng ta cảm ơn mà cũng thương cảm người nghệ sĩ đó.

Thương cảm vì Jacko sống và chết ở hai cõi.

Nổi tiếng từ thuở ấu thơ, khi mới lên bốn, Michael Jackson kéo dài sự ấu thơ tới vô tận, cho đến ngày nay.

Viết về Jacko mà gọi bằng "ông" thì mình thấy có gì đó không ổn. Anh là một đứa trẻ, mãi mãi là đứa trẻ và làm mê hoặc hầu hết mọi đứa trẻ đã có dịp nhìn thấy tài nghệ của anh, cả tỷ người trên thế giới. Một nghệ sĩ đã qua tuổi gọi là trưởng thành mà vẫn có dáng vẻ ấu thơ yếu đuối như vậy đã thật sự trải tấm màn viễn mơ lên đời sống.

Peter Pan là nhân vật có thật!

Michael Jackson cũng thật sự sống một lúc trong hai cõi tiếp cận với nhau ở lằn ranh mong manh như tơ trời: như một thiên tài và một người điên.

Sức mê hoặc rất lớn của tài nghệ Jacko có khi đã mê hoặc chính anh. Bồng đứa con nhỏ xíu tung tung bên cạnh bao lơn là hành động của một người không bình thường, tài nghệ của anh cũng vậy. Rất không bình thường khi nhảy múa trên sân khấu tựa như một người không còn bị sức hút của trái đất!

Michael Jackson lại còn sống một lúc trên hai cõi trắng đen.

Anh là người da đen đã không còn màu da. Khoa học, phẫu thuật mô bì hay nghệ thuật thẩm mỹ thay da đổi thịt không thể giải thích tất cả. Jacko vượt khỏi lằn ranh của màu da như người ta vượt bức tường ánh sáng để bay lượn vào một thế giới hết còn màu sắc vì cơ thể anh trong suốt qua làn da quá mỏng. Khi đi vào giấc mộng, anh có sống hay suy nghĩ như một nghệ sĩ da đen nữa không? Nhiều phần là không.

Vắt ngang hai cõi, Michael Jackson cũng vượt luôn bức tường thanh sắc của nam nữ.

Trên sân khấu, hãy nhìn Jacko giật đôi mông, xoa bàn tay dưới rốn và lắc đầu gối đầy vẻ khiêu dâm của đàn ông. Nhưng, nhắm mắt lại ta nghe thấy tiếng soprano trong vắt và cách luyến láy rất... con gái! Lối trình diễn sexy này khiến ta không còn phân biệt được tính phái của nghệ sĩ. Làm nhiều người mơ mộng về một thế giới mà đàn bà cũng là đàn ông, hay ngược lại!

Những tai tiếng nổi lên từ năm năm trước về tội sách nhiễu tình dục với một bé trai càng khiến người ta hồ nghi, tự hỏi, và kinh ngạc về người nghệ sĩ, một cách quảng cáo có khi vô tình mà rất hay, rất lạ? Thiên tài hay người điên vậy, nam hay nữ vậy, con trai hay đàn ông vậy?...

Jacko đã lập gia đình như nhiều người đàn ông trưởng thành khác, nhưng nếu lại thấy anh thường xuyên giao du với "quần chúng con nít" thuộc đủ mọi màu da và ghì chặt các đứa trẻ, mình hơi rờn rợn! Nhiều người khác thì tìm cách kiện cáo để làm tiền.

Ngần ấy đặc tính "lưỡng thể" rất kỳ lạ khiến Michael Jackson trở thành một quái tượng, một hiện tượng kỳ quái.

Anh là "Vua nhạc Pop" và cũng là tỷ phú đã giúp cho nhiều người trở thành triệu phú nhờ các sản phẩm của anh. Vậy mà cuối cùng Jacko ngập nợ. Ngôi nhà anh ở, một cung đình của cõi mơ được gọi là "Neverland" - thế giới ảo của Peter Pan - là một lâu đài ở thuê.

Với một dàn nhân viên từ luật sư, bác sĩ tới gia nhân, cận vệ, Michael Jackson chết vì đứng tim, có khi vì dùng quá liều khi tiêm thuốc an thần hay chống đau... Một nhân vật quá quan trọng như vậy làm sao lại chết như thế? Hay là chính vì cách sống quá bất thường ấy?

Một ông vua khác là Elvis Preskey đã chẳng đột ngột từ trần trong hoàn cảnh tương tự hay sao?

Những câu hỏi trên dẫn chúng ta trở ngược về tuổi thơ của Michael Jackson. Jacko không có tuổi thơ bình thường.

Danh vọng quá lớn và quá sớm đã cướp mất sự ấu thơ của anh. Từ một đứa trẻ, anh vọt lớn thành một nghệ sĩ và không kịp trưởng thành như các đứa trẻ khác, với mọi buồn vui tầm thường của mọi đứa trẻ. Đứa bé này muốn gì thì đó là mệnh lệnh của một nghệ sĩ lớn, và mọi người đều phải thỏa mãn, dần dà thì tìm cách khai thác.

Thế giới của những người trưởng thành đã khai thác khả năng viễn mơ của đứa bé nghệ sĩ. Thần đồng bỗng là thần tài cho cả một triều đình hào nhoáng mà có thật, vì trị giá bạc tỷ, nhưng vẫn là không thật trong tâm trí của chú bé Jacko.

Trong thế giới của Michael Jackson, người duy nhất không biết đếm có lẽ là Jacko.

Sau rất nhiều lao đao vất vả, vào tuổi năm mươi, Michael Jackson thật sự là đứa trẻ mới lớn và bị sức ép dồn dập của tiền bạc và nghề nghiệp. Anh phải tái xuất giang hồ, chuẩn bị một chuyến đi show rất dài tại Anh trong khi sức khoẻ suy sụp dần, thân hình còn có 50 ký da bọc xương, bên trong chỉ có thuốc chứ không còn chất bổ.

Cơ thể dật dờ của anh hết chịu đựng nổi những đòi hỏi của nghệ thuật và tiền tài. Người ta nói rằng anh phải dùng thuốc chống đau, trong có đầy ma túy. Có thể lắm. Người ta cũng nói rằng anh bị khủng hoảng tâm thần và chuẩn bị cải đạo theo Hồi giáo, dàn cận vệ của anh là nhân viên của tổ chức Nation of Islam. Cũng có thể lắm.

Thể chất và tinh thần của Michael Jackson không còn chịu đựng được ngần ấy đòi hỏi và đứa trẻ 50 tuổi đã thành cây đàn đứt dây vào ngày 25 vừa qua. Chúng ta có thương người nghệ sĩ đa tài này thì cũng nên bình tâm nhìn lại, có lẽ sẽ hiểu ra là những ai đã giết Michael Jackson.

Họ đông lắm.

Quỳnh Giao viết ngày 28-6-2009 (ngay sau khi Michael Jackson qua đời)
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562/posts/10208238287512876




05. The King và Tội Giết Vua


Đã có một thời mà dân Mỹ tôn sùng nếp sống hào hùng theo lối dọc ngang nào biết trên đầu có ai. Tay cầm khẩu súng, nách kẹp cuốn Thánh Kinh, họ lừng lững một mình một ngựa bước vào chốn hiểm nguy để tế khổn phò nguy. Rồi khi hoàng hôn đổ xuống là họ lững thững ra đi tới chân trời mới, tìm những thách đố khác của thiên nhiên và ác đảng.

Có lẽ nước Mỹ ấy không còn nữa!

Nhân vật Shane trong một cuốn phim cùng tên vào năm 1953 nay đã mỏi gối và ham sống. John Wayne có còn thì cũng thất nghiệp hoặc ra tòa vì xã hội không chấp nhận được cái thói ngang tàng của thời Viễn Tây.

Cuốn Thánh Kinh ngày nay là cuốn sách luật. Người Mỹ bây giờ mà làm gì cũng hỏi ý kiến luật sư để tránh bị kiện cáo bất ngờ, chứ ông mục sư hay cha xứ thì đã thành lạc hậu. Ngày Noel mà chào nhau "Merry Christmas" có khi bị quy tội là tôn sùng Thiên chúa giáo hoặc áp đặt giá trị tôn giáo vào đời sống!

Ăn uống thì phải kiêng khem để tránh hóa chất độc hại, và nhất là tránh tội sát sinh! Ông Tổng thống mà giơ tay đập con muỗi vo ve bên má thì cũng sợ là sẽ bị cử tri kết tội là tàn nhẫn. Bà vợ Tổng thống thì chỉ mặc áo lông giả vì sợ chồng sẽ mất phiếu của người đòi bảo vệ môi sinh hay thú hiếm...

Hình như nước Mỹ đã tự... hoạn, đàn ông đàn bà gì cũng thành đồng dạng và cái quyền đồng tính đã là chuyện phải đạo.

Đầu năm mà Quỳnh Giao lại viết vu vơ về những thay đổi xã hội như vậy vì nhớ tới Đức Vua, "The King". Nhớ tới Elvis Presley.

Elvis Presley.
Người ca sĩ này không thể tưởng tượng là bản thân mình đã kết tinh những đổi thay quá nhanh của xã hội.

Nếu còn sống, mùng 8 này, Elvis Presley đã mừng sinh nhật thứ 76. Ông mất quá sớm, ở tuổi 42 vào năm 1977 sau một thời gian ngắn bị bạo bệnh.

Dù mất sớm, Elvis là một người đã phải sớm diễn vai... Elvis Presley. Tức là đem sân khấu vào cuộc đời rồi bị bạo bệnh vì phải tự đầu độc để có khả năng tự nhái lại chính mình cho thần dân ở dưới được vui lòng.

Là một nghệ sĩ trình diễn và yêu nhạc, người viết đoán rằng Elvis Presley biết được thảm kịch của mình, nhưng Quỳnh Giao nghĩ rằng dân Mỹ thì không biết.

Điều tối kỵ cho một nghệ sĩ chân chính là bắt chước người khác, là đi mượn hào quang của ai khác để tự choàng lên đầu. Rất nhiều người đã phải "mất hồn" như vậy vì quần chúng thưởng ngoạn muốn thế.

Khả năng thưởng ngoạn ấy có sự nghiệt ngã của nó mà các nghệ sĩ phải chọn lựa.

Nhưng, bi đát hơn việc vay mượn này là khi người nghệ sĩ phải bắt chước chính mình, là "bổn cũ xào lại" vì không thể mở ra những chân trời mới. Đó là trường hợp của Elvis Presley.

Ông được trời cho một giọng ca thiên phú, ngọt mềm và óng ả như mật. Khi còn trẻ, Elvis hát Thánh ca rất hay và khởi nghiệp qua loại nhạc "chân quê", country music, rất đặc thù của nước Mỹ hào hùng mà lãng mạn.

Với tài năng riêng, Elvis đã đưa nhạc Rhythm and Blues vào quần chúng và kết hợp cả nhạc Country lẫn Thánh ca và Rock thành một sắc thái riêng. Đó là công trình đáng kể nhất và lớn lao nhất của Elvis Presley, cho đến giờ này vẫn là dấu ấn khó nhòa, với các ca khúc như "Hound Dog", "Don't Be Cruel", "Teddy Bear" hay "All Shook Up", “Love Me Tender”…

Là người học nhạc cổ điển Tây phương và trình diễn loại ca khúc nghệ thuật của tân nhạc Việt Nam, Quỳnh Giao chỉ nghe lại và cảm thêm nét tài hoa của Elvis khi thưởng thức nhạc Country và những bài Rock nguyên thủy. Quý độc giả có thể vượt qua thiên kiến mà thử nghiệm lại điều này. Rất hay chứ không rẻ tiền và phàm tục đâu.

Nhưng rồi người ta đã khai tử Elvis khi đội vương miện "The King of Rock and Roll" lên đầu người nghệ sĩ tài hoa. Từ đó Elvis hết còn là mình mà phải trình diễn lại chính mình. Ông ưỡn ẹo các nhạc khúc thời thượng của người khác, lên sân khấu với bộ "jumpsuit" màu trắng gắn đầy kim tuyến lấp lánh như một "Đông Phương Bất Bại" xồ xề của Hoa Kỳ.

Muốn như vậy thì Elvis phải uống thuốc liều và uống thuốc độc làm cơ thể càng bị hủy hoại.

Từ khi thành danh, quãng năm 60 trở về sau, Elvis là cái bóng của chính mình trên màn ảnh. Ông đóng phim hát hỏng và trở thành "sản phẩm thương mại" trong ý nghĩa tội nghiệp nhất của chữ này.

Một kỹ nghệ quy mô đã khai thác sản phẩm Elvis, từ đĩa nhạc tới hình ảnh, kỷ vật đủ loại và có cả búp bê nữa, trong khi tiếng hát vượt thời gian quá nhanh đã quay về chốn cũ. Có lúc Elvis phải khoác lại áo trận là bộ đồ da màu đen thời "Hound Dog" để chinh phục những thành trì cũ của chính mình.

Ông Vua Elvis bị triều đình cho thủ vai một anh hề.

Mới hơn ba chục tuổi mà đã phải nhai kẹo chewing gum để tìm lại hương vị thanh xuân thì có là bi kịch không?

Mở đầu, Quỳnh Giao nói rằng nước Mỹ ngày nay đã mất cái nét hào hùng cũ vì thấy rằng con người ta e sợ đổi thay và hết dám phiêu lưu. Ngẫm lại thì có lẽ nước Mỹ cũng sợ chết hơn xưa. Nhưng hình như là điều ấy cũng chưa đúng hẳn.

Hoa Kỳ có thể sợ chết hơn xưa nhưng kỹ nghệ thưởng ngoạn lại rất tích cực đưa nhiều nghệ sĩ của họ vào cõi chết. Cái chết của nghệ thuật là khi các danh ca phải nhái lại chính mình. Cái chết của đời sống là khi danh ca phải dùng ma túy hay dược phẩm đủ loại để có thể múa may trên sân khấu cho người mua vui.

Khi Elvis Presley lên tới đỉnh cao chói lọi của sự nghiệp âm nhạc vào năm 1958 thì cũng là lúc Michael Jackson ra đời. Cả hai đều là những nghệ sĩ thượng thặng rồi trở thành "sản phẩm thương mại" và để hoàn tất vai trò quá độc ác này họ đã phải tự đánh lừa bằng thuốc độc.

Quỳnh Giao mong độc giả nên dành vài phút suy nghĩ về hiện tượng đó để biết thương các nghệ sĩ và nên nghi ngờ cái lối thưởng ngoạn của những người máy. Giới thưởng ngoạn vô tâm cứ nhắm mắt chạy theo trào lưu quái ác của kỹ nghệ sân khấu hay của nghệ thuật quảng cáo và giết chết thần tượng của họ mà không hay.

Quỳnh Giao viết ngày 05-01-2011
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562/posts/10208237076082591




06. Hồn Cầm Phong Sương


Ðông Phương ta không ngạc nhiên khi thấy vạn vật cái gì cũng có thể có hồn. Hồn đó có khi thành tinh, thành tiên, có khi nhập vào hoặc hiện hình thành giống hai chân có đủ hỉ nộ ái ố, là con người mình.
Cây đàn cello Stradivarius
trong viện bảo tàng Hoa Kỳ
.

Vậy mới có “Liêu Trai” và nhiều truyện thần kỳ khác…

Năm 1988, giới yêu nhạc có được xem một phim rất đẹp của Francois Girard, “Le Violon Rouge”, tác phẩm hỗn hợp của Gia Nã Ðại, Ý Ðại Lợi và Anh Cát Lợi.

Cốt chuyện là năm 1681, tại Cremona, ngôi làng nổi danh kim cổ về nghệ thuật làm đàn của Ý Ðại Lợi, Nicolo Bussoti vừa làm xong cây vĩ cầm thì người vợ trẻ từ trần. Hồn nàng nhập vào cây đàn của chồng, đỏ như máu tươi, từ đấy theo cây đàn vượt không gian và thời gian đến với ngày nay. Phim “The Red Violin” ấy sẽ còn ám ảnh khán giả rất lâu:

Người phương Ðông xem là thấy thấm… Giống truyện của ta, nhưng với kỹ thuật tây.

Ngoài Bussoti, làng Cremona lại còn có một gia đình cha truyền con nối về nghệ thuật làm đàn. Ðó là Stradivari. Nổi tiếng nhất trong dòng này là Antonio Stradivari.

Ông sinh năm 1644, mất năm 1737, là bậc sư chế tạo ra đàn violin, cello, harp và cả guitar. Trước sau ông làm hơn ngàn chiếc, được đời sau gọi là cây “Stradivarius”. Ngày nay ước lượng là còn chừng hơn 600 cây, toàn là báu vật. Công chúng có thể chiêm ngưỡng một số báu vật ấy ở hai nơi. Viện bảo tàng Âm nhạc Tây Ban Nha có trưng bầy bộ đàn của vua Tây Ban Nha, và Thư viện Quốc Hội Hoa Kỳ có tàng trữ ba violin, một viola và một cello.

Ngoài đời, có hai chiếc cello Stradivarius nổi tiếng vì người sử dụng, rất là “xứng kỳ đức”.

Ðó là một già một trẻ, Yo Yo Ma và Mstislav Rostropovitch, hai đệ nhất danh thủ cello của thời nay.

Là người Nga, sinh tại Baku của xứ Azerbaijan năm 1927, Rostropovitch là thần đồng, bốn tuổi học dương cầm với mẹ, 10 tuổi học cello với cha, chính là học trò của bậc thầy muôn đời Pablo Casals. Sau đó ông học soạn nhạc và điều khiển ban nhạc. Ông nổi danh tại Liên Bang Xô Viết, được huân chương Stalin khi mới 23 tuổi, và thành con cưng của chế độ.

Nhưng Rostropovitch bắt đầu hoạn nạn vì cái tội thích tự do, lại lỡ kết giao với Solzhenitsyn và từ đấy bị cấm trình diễn. Sau đó bị tước quyền công dân. Ông cùng gia đình di cư qua Mỹ, làm giám đốc âm nhạc và nhạc trưởng cho National Symphony Orchestra tại thủ đô Hoa Kỳ.

Năm 1989, khi bức tường Bá Linh sụp đổ, Rostropovitch quay về trình diễn ngay trước sự đổ nát của cường quyền.

Ông có cây cello lịch sử từ năm 1974, tên là “Duport Stradivarius”, chế tạo năm 1711. Cây đàn có một vết sước năm 1812, do Napoléon gây ra khi vị Hoàng Ðế rất giỏi cầm quân lại chẳng biết cầm đàn... làm cho “hồn cầm phong sương hình dáng xuân tàn”.

Cường quyền và nghệ thuật mà gặp nhau là nghệ thuật hay bị ứa máu. Nếu nhớ lại vậy thì hình ảnh Rostropovitch chơi đàn để ngợi ca tự do dưới chân bức tường bị đập đổ quả là tấm gương đẹp.

Năm 1990, nước Nga trả lại quyền công dân cho ông, nhưng ông đã là công dân thế giới, đại sứ thiện chí của UNESCO và xông xáo trong mọi hoạt động đấu tranh cho tự do nghệ thuật và chính trị.

Cây đàn cello kia có lai lịch còn ly kỳ hơn.

Trẻ hơn cây “Duport” một tuổi, cây “Davidoff Stradivarius” luân lưu khắp nơi trước khi vào tay một tỷ phú Mỹ năm 1928. Sau được bà Ismena Holland mua lại để cho người con gái đỡ đầu là Jacqueline Mary du Pré. Dù có tên rất Tây, du Pré là người Anh, sinh năm 1945 tại Oxford, được tôn vinh là một trong những tay cello hay nhất cổ kim, được Hoàng gia Anh phong tước. Nàng kết hôn với Daniel Barenboim, danh thủ dương cầm và nhạc trưởng khét tiếng. Hôn nhân của họ được sánh với mối tình của Clara và Robert Schumann, và đơm hoa kết trái cho đời rất nhiều tác phẩm nghệ thuật.

Nhưng, ngón tay tiên của nàng lại tê liệt dần vì phong thấp và chứng bệnh quái ác hành hạ du Pré gần 15 năm. Nàng buông đàn giã từ cuộc đời ở tuổi 37 quá trẻ, vào một tháng 10, năm 1987.

Hồn cầm và hồn người có lẽ không hợp, Jacqueline du Pré không ưa cây Davidoff từ 1970 và dùng cây cello khác...

Có người giải thích: “Lối đánh dữ dội của Jackie du Pré đi ngược cái tâm của đàn, càng đánh cây đàn càng dội. Phải mơn trớn nó”. Không phải bạn thân, hoặc là một danh cầm, ai dám nói vậy? Mà nói không sai!

Người nói là Yo Yo Ma, sinh tại Paris năm 1955, trong một gia đình Trung Hoa, mẹ là ca sĩ, cha là nhạc sĩ hoạt động tại Pháp. Năm 1962 họ mới qua lập nghiệp tại Hoa Kỳ, và thần đồng Yo Yo Ma khi mới lên tám bắt đầu xuất hiện trên truyền hình Mỹ với nhạc trưởng Leonard Berstein.

Giới thiệu Yo Yo Ma có thể là thừa, hoặc là thiếu.

Yo Yo học hai trường danh tiếng: Julliard và Harvard, đã độc tấu cello với mọi ban nhạc nổi tiếng thế giới và lâu lâu song tấu chơi với tay dương cầm cũng nổi tiếng thế giới là Ngoại Trưởng Condoleezza Rice của Hoa Kỳ. Yo Yo Ma kéo một cây cello cổ, cây Montagnana chế tạo tại Venice năm 1733. Ngoài ra, con người tài hoa đa điệu này còn có hai cây đàn của Mỹ, một cổ một tân (bằng carbon fiber!)

Nhưng, nhiều kỷ niệm nhất là một cây cello khác.

Trước khi nhắm mắt, Jacqueline du Pré tặng lại cây “Davidoff” cho người xứng đáng. Yo Yo Ma lên lại dây “Davidoff”, để chỉ chơi nhạc Baroque. Như vậy mới hợp. Hiểu đàn đến thế, Yo Yo Ma có thể là nhân vật của tiểu thuyết Á Ðông về hồn đàn.


Ngày mùng bảy tháng 10 là sinh nhật anh. Mừng hơn nửa thế kỷ phả hồn vào nhạc, Yo Yo Ma có nên đặt tên cây đàn ấy là “Du Pré Stradivarius”, và mơn trớn để nó thở than nỗi buồn du Pré chăng?


Quỳnh Giao viết bài này ngày 03-10-2005
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562/posts/10208236389705432





07. Xa Quê Hương... Ðã Bao Lần


Trong trận bão Katrina hồi 2005, một người tại New Orleans đã mất hết. Nhưng lại chỉ tiếc cây đàn vĩ cầm và cái kèn saxophone.

Nói rằng ông tiếc vì là kỷ vật nửa thế kỷ của một nhạc sĩ thì ta có thể thông cảm. Nhưng nếu biết người ấy là Ðan Thọ thì mọi người đều xót xa. Quỳnh Giao viết về ông, như một lời thăm hỏi gửi từ rất xa, và nhắc đến ông như một người đã xa quê hương quá nhiều lần.
Nhạc sĩ Ðan Thọ kéo cây vĩ cầm yêu quý, trong ban nhạc tự xưng là... "Tứ Lão" vào năm 1996. Các nhạc sĩ Văn Phụng, Nguyễn Túc và Nhật Bằng đều đã ra người thiên cổ...
Năm 2004, khi chuẩn bị đĩa nhạc đánh dấu 30 năm xa quê hương, Quỳnh Giao đã trước tiên chọn “Xa Quê Hương” của Ðan Thọ. Ðây không chỉ vì tựa đề của ca khúc mà vì Ðan Thọ là một nhạc sĩ tiêu biểu cho dòng nhạc hoài hương của tân nhạc.

Ðan Thọ có mặt trong số nhạc sĩ di cư từ miền Bắc vào Nam, như Thẩm Oánh, Phạm Duy, Vũ Thành, Hoàng Trọng, Phạm Ðình Chương, Văn Phụng, Nguyễn Hiền hay Nhật Bằng, Tuấn Khanh… Lúc ấy, bài “Tình Quê Hương” do ôngï phổ nhạc từ thơ Phan Lạc Tuyên đã làm mọi người rơi lệ. Thời ấy, những ca khúc của ông viết cùng Nhật Bằng, như “Bóng Quê Xưa” hay “Vọng Cố Ðô” càng làm nghẹn ngào nỗi nhớ quê.

Khi các nghệ sĩ di cư từ miền Bắc đã vui sống tại miền Nam tự do và viết về tình yêu hay chiến tranh, thì Ðan Thọ và Nguyễn Hiền vẫn có một chỗ đứng riêng trong loại tình ca êm đềm về quê hương đã khuất bên kia vĩ tuyến. Bài “Xa Quê Hương” được Ðan Thọ viết cùng Xuân Tiên trong thời kỳ này.

Ông gắn bó với quê hương đến cùng, mãi tới 1985 mới đành gạt lệ ra đi, khi đã trên lục tuần.

Cùng với Hoàng Trọng, Ðan Thọ xuất thân từ đất Nam Ðịnh vốn có nhiều tài năng về nghệ thuật và cùng chung một khuynh hướng lãng mạn. Ông tên thật là Ðan Ðình Thọ, sinh năm 1924, học chữ và học nhạc từ trường đạo Saint Thomas d’Aquin tại Nam Ðịnh rồi học đàn, hòa âm và sáng tác trước khi thành tay vĩ cầm trẻ trong phòng trà Thiên Thai của Hoàng Trọng tại Nam Ðịnh.

Năm 1948, ông gia nhập ban Quân nhạc Ðệ tam Quân khu Hà Nội, cùng với các tên tuổi khác như Văn Phụng, Nguyễn Hiền, Nguyễn Cầu, Nhật Bằng, Nguyễn Khắc Cung. Trong thời gian này, ông học saxophone với Quân nhạc trưởng Schmetzler, từ đó sở trường về cả violin lẫn saxophone tenor. Ðến năm 1954 ông theo ban Quân nhạc di cư vào Nha Trang, rồi đặt chân vào Saigon năm 1956. Tại đây, ông chơi nhạc trong đài phát thanh, truyền hình, phòng trà và còn là Trưởng ban nhạc nhẹ của đài Quân Ðội. Những năm về sau, ông là một thành viên cột trụ của ban nhạc Shotguns của Ngọc Chánh.

Ngoài việc trình diễn, Ðan Thọ sáng tác nhiều trong thời gian ấy và được bạn bè quý mến vì cả tài năng lẫn tính tình hiền hòa, vui vẻ. Giới yêu nhạc thì nhớ Ðan Thọ với những bản tình ca nhẹ nhàng, những ca khúc nhớ về đất Bắc. Nhạc của ông tha thiết, lời của ông trong sáng và các ca khúc của ông đều toát lên vẻ đôn hậu của con người. Ông có nhân cách đáng kính của người nghệ sĩ không bị lụy vì âm thanh, ánh sáng hay bóng đèn mờ, dù là người kể truyện rất tếu…

Ở ngoài đời, Quỳnh Giao nhớ nhất sự hòa nhã và chu đáo của ông.

Sau 10 năm khốn khổ tại quê nhà, Ðan Thọ sống đời lưu vong tại Mỹ và đời sống ấy cũng đã là một truyện đẹp. Ông sống trong khu phố sau lưng tiệm phở Nguyễn Huệ tại quận Cam mà hàng ngày bình thản lái xe lên tận Van Nuys làm công nhân cho hãng General Ribbon. Cuối tuần, ông mới về sống với nghệ thuật: thổi kèn hay kéo đàn trong dàn nhạc ở vũ trường Ritz, của người bạn năm xưa là Ngọc Chánh. Ông sống từ tốn, ngăn nắp và dồn mọi tình thương cho gia đình. Thú vui của ông là nuôi chim yến.

Ông lặng lẽ sống như vậy cả chục năm, đến tháng Bảy năm 1994 thì mời bạn bè tại California đến dự một buổi hòa nhạc tại Ritz. Ðấy là buổi ông chia tay sân khấu và đậy đàn vào hộp, cây đàn ôm từ Hà Nội vào Nam và qua Mỹ. Từ đấy, ông bà chuẩn bị về Louisiana sống cùng con cái. Quận Cam vắng mất một người đáng kính và đáng quý.

Khi nghe tin New Orleans bị bão lụt, bạn bè gọi nhau hỏi thăm tin tức của ông và mọi người đều mừng là Ðan Thọ đã kịp di tản qua Texas, vài ngày sau qua tạm trú ở Florida.

Những ai thường lượn qua vũ trường đều không thể quên được nhịp boston dìu dặt trên cung bậc quý phái của “Chiều Tím”. Ca khúc ấy thực ra còn tiêu biểu cho một hình ảnh đẹp hơn đèn màu nơi vũ trường. Ðan Thọ viết nhạc và sau đấy Ðinh Hùng mới đặt lời, nội trong một buổi chiều. Nhà thơ của chúng ta yêu nhạc và yêu bạn nên để lại lời từ đẹp như lời thơ.

Ngày nay, lời cuối của bài ca mới là một câu hỏi buồn, vọng lên từ giông bão: “Ðàn ơi nhắn dùm người đi phương nao, nếp chinh bào biếc ánh sao…”

Có hỏi cây đàn, nay đã bị vùi dập tan tác tại New Orleans, nó biết trả lời sao?

Quỳnh Giao viết ngày 9-9-2005.
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562/posts/10208236033976539





08. New Orleans Nức Nở


New Orleans là thành phố còn tên, nhưng đang mất tất cả, nghĩa là nhiều vô kể, vì trận bão Katrina.

Nếu có một thành phố Hoa Kỳ mang nhiều sắc thái đa dạng và lạ kỳ nhất thì đó không là New York hay San Francisco mà là New Orleans.

Từ tên gọi thì New Orleans có nguồn gốc rất Tây, là Nouvelle Orléans – nghe như… Little Saigon, mà lại còn do một người Pháp lập ra từ đầu thế kỷ 18. Ðây cũng là thành phố rất đông da đen và da màu – dân Créole, một hòa hợp chủng tộc của của Âu châu và Trung Mỹ - chưa kể tới di dân gốc Ái Nhĩ Lan, gốc Ý, gốc Ðức…

Ngần ấy nguồn gốc đã cho thành phố này muôn vàn sắc thái văn hóa, nghệ thuật, cả tôn giáo, âm nhạc lẫn ẩm thực.

Nổi bật trong kho tàng đa diện ấy là nhạc Jazz. Ðây là một kết hợp kỳ ảo mà New Orleans quy tụ trong vùng đầm lầy rạo rực của âm nhạc Châu Phi, Nam Mỹ và Châu Âu.

Louis Armstrong nghỉ ngơi và nghĩ ngợi!
Nổi bật nhất trong thế giới nhạc Jazz là Louis Armstrong, nghệ sĩ nhạc Jazz lẫy lừng nhất thế kỷ 20 và là đứa con tài 
hoa nhất của New Orleans. Phi trường quốc tế của thành phố mang tên ông, cũng như John Wayne Airport của quận Cam đất California.

Người dân New Orleans hồn nhiên sống với cái chết….

Ðọc lại thấy lạ!

Chỉ vì đời sống họ rực rỡ màu hồng, như trong một lễ hội Carnival được gọi theo Pháp ngữ là Mardi Gras, đan hòa với những mảng đen u buồn như trong một giai điệu blues hay một khúc ai điếu bằng nhạc.

Nhạc Jazz có lẽ xuất phát từ con cháu những người nô lệ da đen từ vùng Tây Phi đặt chân lên nước Mỹ, nhưng còn mang sắc thái đặc thù New Orleans từ các ban nhạc tống táng người chết. Nghe cho kỹ, người ta thấy ra một điều tương phản như mọi sự liên hệ đến New Orleans: nhạc trầm buồn khi di quan đến nghĩa địa rồi lại rất vui, rất “hot”, khi trở về! Người ta hát, múa và nhảy, như để tri ơn Thượng Ðế.

Louis Armstrong
Louis Armstrong sinh tại New Orleans cùng với thế kỷ 20, trong một gia đình nghèo khốn. Ông học nhạc ngoài đường ngoài chợ, từ các đoàn “bát âm” tống táng hay các dàn nhạc dạo trong dịp hội hè. Từ thuở niên thiếu, ông kiếm sống bằng nhạc trong các ban kèn đồng và trên những con phà ngược xuôi sông Mississippi như trong phim Show Boat hay truyện Mark Twain.

Ông gọi thời gian ấy là “vào Ðại học”!

Sau này, Louis Armstrong sở trường với kèn trumpet và nổi tiếng hơn nữa với giọng thổ thật trầm, nghe xù xì tiếng sỏi đá. Ông có “hỗn danh” là Satchmo cũng do miệng rộng với nụ cười hồn nhiên toang hoác. Satchmo là gọi tắt từ “Satchelmouth” - miệng rộng như cái bị!

Sau Sydney Bechet với kèn saxo thì Louis Armstrong là người đưa nhạc Jazz tới một ngã rẽ là phần độc tấu, phần “solo”, của trumpet. Ông còn mở ra lối “ngẫu hứng” - improvisation hay ad lib - cứ tùy hứng mà hát những biến khúc trên giai điệu chính, và cũng là người đầu tiên “hát nhạc không lời” - hát lên những “nhĩ thanh” vô nghĩa nhưng rất có nhịp. Khi ấy, ngôn ngữ là phụ, âm nhạc là chính. Và thanh quản của ông cũng là một nhạc cụ.

Louis Armstrong lập lấy ban nhạc khi chưa đến 19 tuổi, ban nhạc một thời làm rung chuyển New Orleans. Sau đấy mới lên Chicago rồi lập nghiệp ở New York và lưu diễn nhiều nơi trên thế giới. Ông ưa thích tìm tòi học hỏi, từ nhạc blues nguyên thủy tới dân ca Nam Mỹ hay nhạc cổ điển Tây phương và cả nhạc opera, để kết hợp vào các ca khúc của mình.

Trong thế giới của nhạc Jazz, nếu đàn anh dẫn dắt ông là Joe “King” Oliver được tôn là vua, hay Duke Ellington là Quận công, thì Louis Armstrong được giới yêu nhạc tôn là “Sứ thần”. Qua các đợt lưu diễn toàn cầu do bộ Ngoại giao Hoa Kỳ bảo trợ, ông được giới thiệu là “Ambassador Satch”! Hách chừng nào.
Louis Armstrong

Ðúng ra, Louis Armstrong phải là Hoàng đế của nhạc jazz sau khi ngự trị và mở mang giang sơn của Jazz ra toàn thế giới và sang rất nhiều lãnh vực khác. Ông được cả điện ảnh lẫn trào lưu Rock and Roll tôn vinh trong đủ mọi loại “walk of fame” và ngày nay, người ta vẫn nghe nhạc của ông, kể cả trong phim James Bond.

Như một người New Orleans chân chính, Louis Armstrong vui hát đến lúc cuối đời.

Ông đột ngột từ trần vì bệnh tim vào năm 1971, sau đêm trình diễn đầy sôi nổi tại khách sạn Waldorf Astoria ở New York, trong hội trường mang tên rất thích hợp cho một vị Hoàng đế: Empire Room.

Người ta thường sánh New Orleans của Hoa Kỳ với Venice của Ý Ðại Lợi vì kênh đào sông lạch dọc ngang thành phố khiến dân chúng và nghệ thuật thường xuyên sinh sống trong bàn tay Thủy thần. Lần đầu tiên được đến Venice vào cuối một tháng Chín, khi trời đã vào Thu, Quỳnh Giao phải trú mưa trong Vương cung thánh đường San Marco suốt một ngày trời vì mưa to gió lớn mà không biết là sẽ có ngày nghe nói đến trận bão Katrina và nạn vỡ đê giữa thành phố New Orleans!

Venice là thế chăng? Nhưng nếu thực sự “dựa lưng nỗi chết” như lối sống của New Orleans thì phải nghĩ đến Naples, cũng của Ý.

Thành phố Napoli này duỗi chân xuống biển xanh (nơi có hòn sỏi Capri nổi tiếng trong nền nhạc Việt vì lỡ nghe nhạc Tây của Tino Rossi, rồi của Hervé Villard sau đấy) nhưng lại gối đầu vào núi… lửa Vesuve, trong khi vẫn nức nở khúc tình ca.

Ngạn ngữ Âu châu thường nói “thấy Naples rồi chết”, hàm ý có chết cũng thỏa! New Orleans cũng thế. Y như Naples, thành phố này yêu thích tình ca, ăn uống, mê say ca hát, nhảy múa và bỡn cợt với thần chết. Một thế giới kỳ diệu chừng nào!

What an Wondeful World, như tên một ca khúc nổi tiếng của Louis Armstrong.

Vì vậy, khi thấy New Orleans bị gió thổi bay ở trên, nước ngập ở dưới và dân tình xớn xác chạy bên những xác người la liệt, làm sao chúng ta không ngậm ngùi?….

Lại nhớ đến câu hát về sông Hương và miền Trung trong Hội Trùng Dương của Phạm Ðình Chương: “trời hành cơn lụt mỗi năm, khiến đau thương thấm tràn, ngập Thuận An để lan biển khơi”… mà thương cho phận người trước thiên tai…

Quỳnh Giao viết ngày 03-9-2005 (ngay sau trận bão Katrina tại vùng vịnh Mexico làm New Orleans bị tàn phá).
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562/posts/10208235930533953





09. Treo Trên Nốt Nhạc


Luciano Pavarotti
Luciano Pavarotti là một danh ca. Chữ này không hề bị lạm dụng trong hoàn cảnh của ông.
Con người thực sự là danh tài có trình độ quốc tế trên sân khấu opéra và ca khúc cổ điển Tây phương đã nói về mình như sau: “Khi trình diễn ca khúc, sinh mệnh của tôi như treo trên một nốt nhạc!” Trường hợp ấy mới đúng là sống chết với nghiệp cầm ca!

Không yêu thính giả và nghệ thuật đến độ buông mình bên mé bờ tử sinh như vậy, người ta có thể không hiểu được nỗi khổ tâm, sự dụng công và nhất là sự đam mê của người nghệ sĩ.

Renée Fleming là một con người như thế.

Ở tuổi gần 50, nàng hiện là một trong những giọng soprano sáng giá nhất thế giới, đã lãnh hai giải Gramy. Lên tới cung bậc chói lọi của nghệ thuật, nàng không phải là không trả giá. Ðầu tiên là trả giá cho một sự ngộ nhận, một nếp chủ quan ngộ nghĩnh.

Renée Fleming
Như nhiều nghệ sĩ, Renée Fleming được trời cho một năng khiếu khác thường về nghệ thuật. Một giọng hát thiên phú.

Khi được trời nuông chiều như vậy người ta dễ thành đứa con hư. Fleming cũng thế. Khi còn là sinh viên và tham dự một cuộc thi hát ở cấp quốc gia, do Metropolitan Opera của New York bảo trợ, cô bé Renée tin vào năng khiếu trời cho và xao lãng những giờ tập luyện dằng dặc. Trời cho giọng hát hay, nhưng cũng cho luôn một lời khuyên mà Renée chưa hiểu. Nàng thất bại hoàn toàn trong kỳ thi tuyển ấy.

Kể từ đó, Renée Fleming hiểu rằng giọng hát thiên phú chỉ là một nhạc cụ trời cho, có ra âm nhạc hay không thì còn tùy thuộc vào sự chuyên cần tập luyện. Mà việc tập luyện không chỉ tính bằng thời gian, như mỗi ngày phải mấy tiếng đồng hồ, nhưng là từng phút từng giây phải tập trung vào từng khía cạnh của tiếng hát. Kỹ thuật kiểm soát hơi thở, cách phát âm, lối ngân, cách ngắt câu. Bạn bè trong trường gọi nàng là “Miss Perfect”.

Từ kinh nghiệm luyện giọng tập hát, nàng bắt được báu vật thứ hai, là nỗi đam mê khi hát.

Trong cuốn hồi ký vừa xuất bản (The Making of a Singer), nữ danh ca này đã viết một câu đáng nhớ: “Hát trước công chúng là điều thật đẹp, nhưng hát riêng cho mình, ở trong phòng, qua lối nghiền ngẫm cân nhắc từng câu hay từng nốt nhạc, là điều gì đó còn đẹp hơn nữa.”

Nói ra có vẻ kỳ và còn gây hiểu lầm: "phải biết mê tiếng hát của chính mình khi chẳng có quần chúng vỗ tay khen ngợi". Khác hẳn với thái độ tự mê, là nỗi say mê chính mình trong con mắt người khác.

Vì vậy, Renée Fleming thường kín đáo đi nghe và đi xem người khác hát. Ngồi trong bóng tối, nàng tìm hiểu nghệ thuật của các đồng nghiệp nam nữ, để suy ngẫm vì sao người ta lại hát nốt ấy như vậy, miệng rộng mở đến đâu khi phải lên đến âm giai cao nhất. Nàng không mê chính mình mà mê nghệ thuật hát và không lỡ dịp trau đồi tiếng hát cho hay hơn, và tìm cách diễn tả thích hợp hơn.

Báu vật thứ ba đã dẫn Renée Fleming lên đài danh vọng chính là hai thân phụ mẫu. Fleming sinh tại Pennsylvania, sống tại New York và trở thành danh ca một phần là nhờ cha mẹ. Hai ông bà là ca sĩ và giáo sư nhạc nên không ngăn con gái bước vào nghiệp xướng ca mà còn khuyến khích và tạo điều kiện cho nàng theo đuổi nỗi đam mê âm nhạc cho đến khi thành tài.

Fleming sống về nhạc, học nhạc và tốt nghiệp Master trước khi được học bổng Fulbright để theo học ngôi trường nổi danh là Julliard và còn tu nghiệp tại Âu châu trước khi bước vào lãnh vực opéra. Kiến thức và sự cần cù khiến nàng biết chọn những vai những vở thích hợp nhất và trau dồi nghệ thuật đến mức khó khăn nhất, đến mức tuyệt đỉnh.

Một nữ vũ công nổi danh thế kỷ 20 là Margot Fonteyn đã nói. "Mình phải biết phân biệt: coi trọng việc làm của mình và coi mình là quan trọng. Tự trọng là một đòi hỏi của nghệ thuật, tự mãn là tự diệt và diệt luôn nghệ thuật."
Renée Fleming

Renée Fleming thuộc loại người ấy, nhờ vậy mà nghe nàng hát, chúng ta tin là có Thượng đế.

Thượng đế có thể cho chúng ta một ưu điểm nào đó về thanh hay sắc, về tài hay lộc. Biết quên chính mình để khai thác ưu điểm ấy cũng là một cách tạ ơn đất trời và nhờ đấy mà không bị đời quên.

Quỳnh Giao viết bài này khi theo dõi qua đài truyền hình PBS một buổi trình diễn của Renée Fleming trên sân khấu Lincoln Center, vào cuối tháng Bảy vừa qua, một chương trình chủ yếu dành cho Mozart. Và tự nhủ là sẽ tìm mua một đĩa nhạc mới của Fleming: nhạc Jazz.

Nữ danh ca ấy đã tạm bước khỏi những âm vực cao nhất của giọng soprano để thì thào trong cung bậc ấm áp nồng nàn của Jazz, vẫn với một sự trân trọng khác thường.

Những ai chưa quen biết giọng Renée Fleming có thể coi lại tập phim mới nhất của bộ “Lord of the Ring”. Giọng ma quái của “Elvish” là Fleming đấy.

Quỳnh Giao viết ngày 09-8-2005.





10. Lột Đồng Hồ



Tuần trước, khi mục Tạp Ghi này nói về quà cuối năm để nhắc các ông mua dầu thơm tặng các bà thì lỡ đề cập tới loại trang sức mấy trăm ngàn bạc cho đàn ông là đồng hồ Harry Winston.

Quả nhiên là nhiều độc giả tò mò hỏi lại. Đồng hồ thì xứ Thụy Sĩ với Patek Phillipe, Baume et Mercier và mấy nhãn Piaget hay Cartier mới là thứ diện, còn trước Chopard hay Boucheron, chứ Harry Winston của Hoa Kỳ là cái gì?

Vì thắc mắc đó và nhân dịp cuối năm, người viết xin tặng quý ông lời khuyên miễn phí về nghệ thuật phục vụ các bà.

Harry Winston là hiệu nữ trang do một gia đình di dân gốc Ukraine lập tại Hoa Kỳ từ năm 1932 của thế kỷ trước.

Sinh năm 1896 và mất năm 1978, ông Harry Winston nhặt kim cương như trẻ con xứ ta chơi bi đánh đáo, rồi làm thế giới trầm trồ khi tặng viên kim cương Hope nặng hơn 45 carats và đổi viên kim cương Portuguese nặng 127 carats cho viện bảo tàng Smithsonian vào năm 1958 và 1963.

Hai viên kim cương này là loại có thể làm nữ hoàng hay minh tinh thở dài vì sờ không tới.

Harry Winston cũng là nhà kim hoàn đầu tiên đã cho các tài tử điện ảnh thuê nữ trang khi dự lễ trao giải Oscar từ năm... 1949!

Với thành tích đó, Harry Winston đi vào điện ảnh trong cuốn phim "Gentlemen Prefer Blond" năm 1953 và vào văn chương với truyện khôi hài "Chasing Harry Winston" năm 2008.

Bây giờ, nếu quý vị có thăm 25 chục cửa hàng Harry Winston tại Hoa Kỳ và trên thế giới thì phải qua dàn bảo vệ ăn mặc còn lịch sự hơn mấy ông đỏm dáng nhất ngoài chợ.

Từ loại nữ trang và kim hoàn cực đắt, qua thế kỷ 21, nhà Harry Winston chú ý đến đồng hồ đeo tay.

Năm 2000, họ thuê nghệ nhân có tài nhất Thụy Sĩ thiết kế cho kiểu đồng hồ siêu hạng. Không chỉ đắt vì nạm kim cương, đồng hồ Harry Winston còn là vật gia bảo cha truyền con nối với kỹ thuật Thụy Sĩ trong ruột. Hai ba trăm ngàn đô la một cái Harry Winston là chuyện thường ngày, làm người đeo Patek Philippe đeo thêm mặc cảm!

Để khỏi bị mặc cảm, họ có thể tự an ủi rằng từ đầu năm nay, hãng Harry Winston bị công ty The Swatch mua lại. Mà Swatch lại chuyên sản xuất loại đồng hồ Thụy Sĩ bình dân bằng nhựa! Khách hàng là các thiếu nữ bất cần đến thời gian, chỉ ưa màu xanh đỏ trên tay.

Nhưng vì sao các đại gia về nữ trang lại nhắm vào đồng hồ đeo tay?

Ngày xưa, chúng ta đo thời gian nhờ cái hồ bằng đồng. Trong hồ, nước cứ nhỏ giọt đếm giờ. Ngày xưa, người ta cũng đo thời gian bằng "mấy tuần nhang", có khi mơ hồ hơn thế, như "chừng ăn xong bữa trưa". Đọc truyện xưa thấy viết là "quá Ngọ" thì mình chỉ đoán "Ngọ" là giữa trưa.

Ngôn ngữ Đông phương phiêu hốt như vậy nên mới có hồn thơ lai láng, viết sao cũng được.

Mà ngày xưa, phụ nữ Tây Phương cũng tựa như Đông Phương chúng ta, họ không đeo đồng hồ.

Đàn bà lam lũ mới lo giờ giấc nhưng lệ thuộc vào đàn ông. Bậc mệnh phụ cũng chẳng đeo đồng hồ như kẻ bình dân vì có người phục vụ và chỉ giờ là các ông. Các bà quy phái lại không ra ngoài một mình nên ai đó phải đeo đồng hồ. Vì thế, trong khá lâu, cổ tay các bà chỉ đeo có nữ trang. Đeo đồng hồ là dân đi làm, không đủ sang quý.

Từ một thế kỷ thôi, giới nữ lưu mới tự trang sức bằng đồng hồ, mà công dụng chính là đếm kim cương chứ không để xem giờ đi về thổi cơm! Cũng từ đấy phụ nữ được giải phóng vì làm chủ được thời gian của mình, hết tùy vào đồng hồ đeo trên tay kẻ khác.

Nếu nói đồng hồ đeo tay là chỉ dấu báo trước phong trào giải phóng nữ quyền thì không ngoa. Chỉ dấu đó văn minh hơn việc giải trừ hủ tục bó chân phụ nữ của Trung Hoa.

Ngày nay, đồng hồ của các bà đã nuôi sống phân nửa kỹ nghệ kim hoàn. Mùa lễ tưng bừng, ta thấy nhắc nhau về quà Giáng Sinh đắt giá cho các bà. Rồi các ông mới len lén nhìn vào đồng hồ đeo tay được quảng cáo trên báo đắt tiền, như đồng hồ Harry Winston.

Nhưng, nếu tinh ý, người ta còn có thể thấy ra hướng khác của các bà.

Sau khi đã tước mất nước hoa của các ông, nhiều bà còn lột luôn đồng hồ của nam giới!

Nhà Dior sản xuất mùi Eau Sauvage cho đàn ông, khi mùi này bị các bà lấy mất, họ phải chế ra mùi Diorella trên cùng cung bậc hương sả và chanh đầy nam tính của Eau Sauvage cho các bà. Sau đó, họ gặp chuyện động trời khác là một phần ba khách hàng mua đồng hồ Dior cho đàn ông cũng lại là các bà! Nhiều hãng khác biết ngay. Họ tung ra loại đồng hồ khá to, đầy nam tính với đủ công dụng cho một ông năng động, là đo tốc độ, có thể lặn dưới nước, với tuần trăng trên mặt kính, v.v... Nhưng biết là cả ông lẫn bà đều có thể mua!

Cho nên, các ông đừng tự hài lòng với chai nước hoa tặng các bà mà nên mua sẵn... hai đồng hồ. Nếu không thì năm mới lại bị lột mất đồ chơi mình đeo trên tay.

Quỳnh Giao viết ngày 23-12-2013.





11. Tạ Ơn Ðời


Jacques Prévert là một nhà thơ mà cũng là một nhà điện ảnh nổi tiếng của Pháp. Ông ra đời cùng với thế kỷ 20 và tạ thế năm 1977.

Ða số người Việt chúng ta biết tới Prévert qua bài thơ Les Feuilles Mortes, được người bạn là nhạc sĩ Joseph Kosma gốc Hung Gia Lợi phổ vào nhạc, rồi được Juliette Gréco và Yves Montand trình bày để trở thành ca khúc cổ điển của mọi cặp tình nhân trên đời.

Thật ra, tình bạn giữa hai người còn bền chặt hơn giai điệu rơi rụng của chiếc lá úa.

Kosma là một nhạc sĩ đa điện, ông soạn nhạc opéra, ballets, nhạc thính phòng và nhất là viết nhạc phim. Vì ông có huyết thống Do Thái, khi Pháp bị Ðức chiếm đóng thì Prévert đã chứa chấp và giúp bạn tiếp tục viết nhạc, nhưng dưới tên giả. Ngoài Les Feuilles Mortes, Kosma còn phổ nhiều bài thơ khác của Jacques Prévert, như Barbara, En Sortant de l’École, Et la Fête Continue, Dans ma Maison, v.v…

Trong số này, có lẽ ca khúc ngắn nhất, hát trong một phút chín giây, lại có âm hưởng dài nhất, đến vĩnh cửu. Ðó là bài Le Jardin.

Cả ngàn năm và cả ngàn năm
Cũng không đủ
Ðể nói
Khoảnh khắc vĩnh cửu
Khi anh hôn em
Và em hôn anh
Một buổi sáng dưới ánh mùa Ðông
Tại vườn Montsouri ở Paris
Ở Paris
Trên trái đất
Ðịa cầu cũng là tinh cầu


Nhiều nhà văn nhà thơ của chúng ta cũng cảm nhận như Prévert: tình yêu có thể biến khoảnh khắc thành vĩnh cửu. Nhưng, trao nhau nụ hôn rồi, “người trong cuộc” cũng sẽ có ngày thấy:

Chiều tan trên đường tối
Có ta như rã rời
Hồn ta như gò mối
Im chờ phút đầu tha
i…

Phạm Duy đã viết thế trong Ðường Chiều Lá Rụng. Lúc ấy, nếu người trong cuộc đã thành gò mối, ai là người cảm nhận ra sự vĩnh cửu? - Chúng ta.

Chúng ta tiếp tục cảm nhận ra sự vĩnh cửu nhờ tác phẩm của người nghệ sĩ để lại, mà có lẽ cảm nhận dễ nhất nếu đó là một tác phẩm âm nhạc. Chúng ta có thể nghĩ đến điều ấy khi thiên hạ mừng Lễ Tạ Ơn và mình lẩm nhẩm lại bài Tạ Ơn Ðời của Phạm Duy.

Về tiểu tiết thì Phạm Duy viết bài này vào năm 1959, dường như sau một vụ tai tiếng đã gây đổ vỡ cho nhiều người thân. Ðấy là tiểu tiết không ai cần nhớ, trừ các nhà báo muốn viết… “nhạc sử”. Nhưng đời sau không biết vẫn thấy bài này quá hay, với lời quá đẹp. Ông mở đầu như một bản tình ca buồn đầy những luyến tiếc.

Phạm Duy
Thế rồi bỗng dứt ở một cảm nhận bất ngờ: “Ðời vắng xa như mẹ hiền…”
Phạm Duy nghĩ gì khi ấy mà từ những chuyện rong chơi lại thấy vắng xa như mẹ hiền?

Từ những nỗi niềm rất riêng tư, Phạm Duy mở ra không gian vĩnh cửu, để tuôn trào những tâm tư rất chung, của nhân thế.
Trong trăm mùa xuân héo
Tay hái biết bao niềm yêu
Dăm eo sèo nhân thế!
Chưa phai lòng say mê!
Với đôi ba lần gian dối!
Ðời vẫn ban cho ngọt bùi


Ðấy là phần “tự thú” rất riêng tây của người nghệ sĩ. Thế rồi, ông chuyển đoạn, nhìn thấu chuyện tử sinh, từ khi còn là bào thai:

Ôi ơn đời chói vói!
Nhớ khi thân tròn ôm gối!
Ba trăm ngày trong gói
Ngóng trông ra đời góp mối chung vui….

Ôi ơn đời mãi mãi!
Thoát thai theo đời vun xới
Bao nhân tình thế giới
Lớn lên trong vườn ân ái muôn đờ
i…

Như một kẻ lãng tử hư đốn trở về nhà, người nghệ sĩ bật khóc tạ ơn đời, tạ ơn từ lúc sinh thành, từ ba trăm ngày còn nằm trong gói cho đến khi lớn lên trong vườn ân ái muôn đời!

Tình yêu có thể biến người đàn ông thành một đứa trẻ thơ, điều ấy ai cũng có thể biết. Nhưng trở thành một bào thai cuộn tròn trong lòng mẹ thì không có thiền cũng phải có tâm phân học mới giải thích được. Ca khúc quả là đẹp bất ngờ.

Thế rồi, gã tình si ấy - giờ đây không còn là chuyện của người nhạc sĩ nữa, ông nói cho mọi kẻ tình si của nhân thế vĩnh cửu - lại từ bào thai tìm đến chỗ chết.

Mang ơn đời chăn vỗ!
Dâng cho người yêu goá!
Dâng cây đàn bơ vơ!
Dâng biết bao ân tình xưa.

Mang ơn đời nâng đỡ!
Dâng nấm mồ thô sơ
Với dâng hương hồn thương nhớ
Còn vấn vương trong chiều tà


Thơ Ðỗ Quý Toàn, “Mùa Xuân Yêu Em”, cũng có giây phút dọa nạt đó:

Có cành hoa đẹp
Anh hái cho em
Em không thèm nhận
Anh chết cho xem
!…

Ở Phạm Duy, đây không phải là giây phút ăn vạ.

Ông thành thật nghĩ mình sẽ chết, sẽ dâng lời tạ ơn cho người yêu goá bụa… Khi ông viết, cách đây gần nửa thế kỷ, chúng ta không cần biết là ông viết cho ai, nhớ đến ai. Nhưng sau này, Thái Hằng đã ra đi trước ông và những người thân ở chung quanh đều chứng kiến sự suy sụp của ông từ đấy.

Tình yêu và cái chết là hai đề tài hay thắm quyện vào nhau. Thường thì người ta ưa dùng cái chết để bày tỏ cái tình. Nhưng, chết thì hết chuyện, còn đâu giây phút hạnh phúc sẽ thành vĩnh cửu nữa!

Còn tác phẩm. Còn bài Tạ Ơn Ðời đã bay khỏi khung cảnh của tiểu tiết thời xưa để trở thành ca khúc khiến cho đời sau lưu luyến mãi. Cái “mãi” ấy là sự vĩnh cửu.

Về nhạc thuật, thông thường, cung thứ (mineur, minor) đều có âm hưởng u buồn ủ dột không tươi không sáng như âm giai trưởng (majeur, major). Các nhạc sĩ thuộc loại thiên tài của nhân loại đều có soạn nhạc trên cung thứ. Mozart thường dùng “ton” Sol khi viết những bài cung thứ. Beethoven hay viết trên “ton” Do những bài cung thứ u uẩn.

Riêng các nhạc sĩ Việt Nam, không hiểu sao lại ưa viết trên cung Ré thứ (D minor).

Tạ Ơn Ðời của Phạm Duy không ra khỏi khuôn thước đó, với nhịp 4/4 thật chậm, thật buồn. Nói rằng hát như một bài “thánh ca” thì hơi quá và có thể xúc phạm những người sùng đạo, nhưng hát như một bài kinh cầu siêu - requiem - có lẽ không sai. Một lời nguyện cầu dâng lên đời như một nén nhang tạ ơn.

Tạ Ơn Ðời hợp với giọng nam hơn là nữ, vì cả lời lẫn tâm cảnh của bài hát. Và hai người đã trình bày rất thành công ca khúc này là hai ca sĩ của hai khung trời khác biệt, từ không gian đến thời gian, là Anh Ngọc của ngày trước và Trần Thái Hòa ngày nay. Khi Trần Thái Hoà trình bày Tạ Ơn Ðời mà người nghe vẫn thấy xúc động dù chẳng cần biết gì về tiểu tiết ra đời của ca khúc, chúng ta biết rằng khoảnh khắc ngày xưa đã có thể trở thành vĩnh cửu…

Quỳnh Giao viết ngày 20-11-2006.
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562/posts/10208230655482080





12. Nguyễn Xuân Hoàng, Người Rong Ca Buồn


Lời Giới Thiệu: Tưởng nhớ Nguyễn Xuân Hoàng vừa mất (13 Tháng Chín 2014) tác giả Nguyễn-Xuân Nghĩa xin nhường cột báo thường xuyên của mình trên tờ Việt Tribune cho Quỳnh Giao, với một bài viết về tác phẩm và cách viết của Nguyễn Xuân Hoàng.... Nhớ nhau vô cùng.

Từ trái qua: Trần Dạ Từ, Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyễn-Xuân Nghĩa vá Quỳnh Giao,
phía sau là vợ chồng Nguyễn Mộng Gíác...

Từ 1973, Nguyễn Xuân Hoàng đã ra mắt "Kẻ Tà Đạo". Sau 1975, tác phẩm được viết lại dưới tên mới là "Người Đi Trên Mây" (1) và trở thành tập đầu của một bộ trường thiên gồm ba tập. Tập hai, mang tên "Bụi và Rác" (2) vừa được xuất bản trong năm vừa qua. 

Quỳnh Giao phải đọc lại cả hai cuốn trong tinh thần tìm lại sự liền lạc giữa Sàigòn 70 với những biến cố sau này, những biến cố mình cho rằng đã là nguyên nhân khiến Nguyễn Xuân Hoàng viết lại một tác phẩm và nối dài thành một bộ trường thiên.

"Người Đi Trên Mây" chỉ là một dư vang của Sàigòn 70. Trong tác phẩm, Nguyễn Xuân Hoàng viết về thành phố khi chưa mất tên, với khung cảnh và mầu sắc lẫn nhân vật rất gần gũi với người đọc. Nhưng, khi đọc lại, người viết này thấy tất cả đều trở thành xa vắng, như trong khúc phim quay chậm sau một tấm kính mờ.

Những năm về sau này, ít thấy điện ảnh Hoa Kỳ thực hiện những phim ca vũ nhạc như ngày xưa.

Quỳnh Giao nghĩ tới những phim với Gene Kelly hay Fred Astaire nhảy múa cùng Cyd Charisse, Judy Garland hay Ginger Rogers. Thuở ấu thơ, xem phim ca vũ nhạc Mỹ là như lạc vào một giấc mơ: cảnh đẹp, nhạc hay và tài tử nhảy giỏi trong một cốt truyện luôn luôn có hậu. Làm sao mà khán giả không say mê?

Sau này, nước Mỹ không còn như nước Mỹ thời thanh bình xa xưa, những loại phim có hậu và nhạc hay cảnh đẹp có lẽ đã hết ăn khách. Thời nay, phim ảnh phải nổ và tình cảm phải nóng bỏng, xe hơi phải lật và sân khấu phải khét lẹt khói súng thì mới ăn khách.

Không biết sao, Quỳnh Giao vẫn thấy luyến tiếc những phim ca vũ thời xưa.

Cho tới một lần, xem lại một phim đã từng yêu thích thuở trước và có một cái "remote control" trong tay, mình tắt phần âm thanh để chỉ xem cảnh nhảy múa. Lúc đó mới thấy cảnh ca vũ trong phim như lạc lõng giả tạo. Có một cái gì đó rất không thật, như khi ta nhìn vào một thế giới đã quen thuộc, vì cũng là những diễn viên cố hữu mình đã biết trong một cốt truyện đã thuộc, nhưng nội dung và ý nghĩa thì xa lạ, vu vơ.

Đó cũng là cảm giác của Quỳnh Giao khi đọc lại "Người Đi Trên Mây" trước khi đọc tiếp vào tác phẩm kế của ông là "Bụi và Rác".

Người đi trên mây không phải là tác giả, mà là chính chúng ta, giờ đây, khi đọc về chuyện Sàigòn hai mươi năm trước.

Rõ ràng là khung cảnh cũ, với những nhân vật mình đã biết, nhiều khi đã gặp ngoài đời, vì hầu hết là những người như tác giả, đã làm nên một phần sinh hoạt văn học hay văn nghệ của miền Nam trong những năm chiến tranh. Nhưng dưới ngòi bút Nguyễn Xuân Hoàng, họ cử động rất nhiều, nói nhiều, uống nhiều, mà không gây lên tiếng động.

Những độc giả tò mò có đôi chút ký ức về Sàigòn 70 thì sẽ cố tìm xem trong đó hình ảnh, hay cách hành xử, cách uống rượu và thở than, của những Bùi Giáng, Nguyễn Đình Toàn, Phan Nhật Nam, Trịnh Công Sơn, Thanh Tâm Tuyền... để nhớ lại một khoảng không gian đã mất.

Quỳnh Giao thì chỉ thấy trong tập đầu của bộ truyện ba quyển hình ảnh của một thanh niên tóc xõa trên chiếc xe Lambretta màu bạc chạy cuồng trong thành phố, giữa những bạn bè mỗi người một tâm sự một cách sống, như đi trong vùng vô vọng. Nhân vật xưng ngôi thứ nhất trong truyện, Trần Lâm Thăng, là người cưỡi chiếc xe Lambretta đó, vu vơ giữa những mối tình thật giả, những tính toán gần xa của thời cuộc, mà không biết chính mình muốn gì.

Tác giả viết nhiều về khung cảnh chung quanh, người và đường phố Sàigòn, nhưng người đọc không thấy cảnh chiến tranh và chết chóc là đáng sợ, đáng thương tâm.

Nguyễn Xuân Hoàng đã đẩy chiến sự vào một bối cảnh xa mờ, ít gây tiếng động hay xúc động. Kể cả những chuyện nhức đầu như tình hình chính sự của Sàigòn, do ông Phan là nhân vật tiêu biểu, cũng chỉ làm nhân vật trong truyện là anh chàng Thăng này nhức đầu, chứ cũng chưa đi tới những phát giác hay tiết lộ làm người đọc phải thấy gớm ghiếc chính trị.

Những băn khoăn về thời thế của lớp người ba bốn chục tuổi, nửa cầm bút nửa khoác áo trận, những lập trường đối chọi về chính trị hay nghệ thuật cũng có trong tác phẩm (làm sao tránh được khi viết về Sàigòn 70?) cũng không đi tới chỗ gay go đau lòng như trong một số tác phẩm khác viết về cùng thời đại.

Quỳnh Giao còn thấy rằng hoàn cảnh Sàigòn lúc đó dễ làm người ta chua chát, nhất là khi được chiếu lại từ ký ức hậu 75. Vậy mà người đọc cũng không thấy nỗi niềm chua chát đó nơi tác giả, trong "Người Đi Trên Mây".

Tất cả đều chỉ vừa đủ vẽ lên một khung cảnh không thanh bình, từ ngoài đường phố vào tới tâm tư các nhân vật. Cảm giác của người đọc là sự ngột ngạt giống như một tiếng than không thể vỡ khỏi lồng ngực.

Quỳnh Giao nghĩ tới một phim ca vũ nhạc không âm thanh là vì vậy.

Nếu nghệ thuật viết là truyền đạt cho người đọc cái cảm giác khắc khoải mà không cần to tiếng than van, Nguyễn Xuân Hoàng đã đạt kết quả. Ông viết như một Georges Simenon viết về sự buồn thảm tỉnh lẻ, khiến người ta phải bỏ xứ mà đi, rồi cũng vẫn phải quay trở về.

Quỳnh Giao cũng hiểu vì sao tác giả đã đổi "Kẻ Tà Đạo" thành "Người Đi Trên Mây". Ông ra khỏi vòng triết lý vẩn vơ để viết về cái rất vu vơ của đời sống không có định hướng, và về cả cái xã hội quay cuồng trong những bực dọc không tiếng vang, không âm thanh, không có một cái gì dứt khoát.

Sau "Người Đi Trên Mây" đến mấy năm (từ 1987) Nguyễn Xuân Hoàng mới cho ra mắt tác phẩm kế tiếp, mang tên "Bụi và Rác".

Kết cục ở tác phẩm trước là Trần Lâm Thăng vui sống với mối tình của Quỳnh. Nàng xé tấm vé máy bay cho nàng cơ hội xuất ngoại để ở lại với Thăng. Sau đó là biến cố 1975 ập xuống trên đôi vợ chồng.

Người đi trên mây lần này được thời cuộc đưa xuống tới đất đen, quay cuồng giữa bụi và rác, giữa người và ngợm.

Chúng ta đã được đọc nhiều về cuộc đời Việt Nam sau cảnh đổi đời năm 1975. Trần Lâm Thăng cũng không thoát khỏi nạn nước và lại cho ta một dịp đi qua con đường cách mạng sầu thảm của quê hương. Lần này, người đọc không thấy nhân vật Thăng băn khoăn về triết học hay tình yêu nữa.

Sàigòn 70 dật dờ như một khúc phim quay chậm, nhiều mầu sắc mà câm nín vậy chứ vẫn đáng yêu đáng tiếc hơn nhiều lắm. Lần này, giáo sư trung học Trần Lâm Thăng giã từ các triết gia Tây phương vì được lưu dung làm giáo viên Việt văn, ngờ nghệch với những "giáo án" xa lạ, và trở thành kẻ xa lạ, kẻ tà đạo thực thụ. Anh chỉ còn con đường lao động để mon men xuống biển và chấm dứt cuộc tìm kiếm đó trong nhà tù.

Khác với tập đầu, trong đó tác giả dùng nhiều đối thoại ngắn cụt để vẽ ra một vùng hỗn loạn đầy màu sắc mà không có âm thanh của Sàigòn 70, "Bụi và Rác" đã ra khỏi không khí hụt hẫng vô định của "Người Đi Trên Mây" và kéo độc giả vào những khúc độc thoại, những lời tâm sự, những đoạn tả cảnh buồn thảm.

Nguyễn Xuân Hoàng không nhìn thấy chút ánh sáng nào trong cuộc sống trước mặt và truyền được cho người đọc cái cảm giác của người bị sa lầy, thấy mỗi ngày một chìm sâu, thật chậm mà chắc chắn. Quỳnh Giao tin rằng những hoang mang trong vô định của người trung niên Trần Lâm Thăng đã được "cách mạng" tìm cho một chỗ đặt chân, thật sâu dưới tận đất đen.

Tác giả chẳng cần viết ra nhiều lời, mà cũng chẳng cần viện dẫn những triết gia thời danh của nước khác, cũng làm chúng ta hiểu là trong xã hội mới đó, những người không có một ý hướng nào về cuộc đời hay cho chính mình, tất cũng chẳng có đất dung thân.

Tác giả không viết nhiều về Quỳnh, người đàn bà sắc xảo đã đằm thắm xé tấm vé lên thiên đường để chia xẻ cái địa ngục với anh chàng đi trên mây, nhưng ông gây nhiều ấn tượng nơi người đọc về chỗ đứng rất nhỏ bé chênh vênh của tình yêu và của phụ nữ trong cảnh đổi đời của cả nước. Ông viết khá sắc và rõ về một vài nhân vật tiêu biểu của chế độ mới, mà vẫn làm cho người đọc hoài nghi về hậu vận của những nhân vật này.

Nguyễn Xuân Hoàng có lối mô tả chầm chậm buồn buồn như một lời kể truyện, về cả những nét độc ác hay điên rồ nhất của con người.

Đọc truyện, Quỳnh Giao thường hay tìm vào cốt truyện, nhất là phần hư cấu của câu chuyện. Như một khán giả đi xem phim loại kinh dị nghẹt thở, mình dễ tính chờ đợi tác giả hay đạo diễn dẫn dụ vào những gút mắc éo le hồi hộp, để chờ đợi họ khéo léo gỡ ra, vào những phút sau cùng. Nguyễn Xuân Hoàng không viết truyện theo lối đó.

Đặt câu chuyện trong bối cảnh thời sự của đất nước, ông dàn trải cốt truyện ngay từ đầu.

Nói cho đúng hơn, truyện ông viết gần như không có cốt chuyện, trong ý nghĩa là nó có thể chấm dứt vào bất cứ đoạn nào. Vậy mà người đọc vẫn không buông tác phẩm khi chưa tới trang chót. Mà tới rồi, chúng ta vẫn còn chờ đợi quyển thứ ba, đó là tâm trạng của người viết này. Vì nội dung câu chuyện nằm ngay trong cách viết và cách kể của Nguyễn Xuân Hoàng.

Nó cứ bình thản như một bài kinh buồn, như một chuỗi tràng hạt toàn một màu đen. Đóng tập sách lại, cảm giác vu vơ trống rỗng vẫn còn theo đuổi mình mãi.

Biết tác giả từng là giáo sư dạy triết ở quê nhà, và cũng là một trong những cây bút có khuynh hướng đẩy văn chương tới những chân trời mới, người ta có thể chờ đợi ông mời các triết gia tên tuổi của Tây của Đức vào tác phẩm của mình, như những phông cảnh của một câu chuyện thời thượng.

Đàng này, Nguyễn Xuân Hoàng viết như kẻ rong ca thời Trung Cổ, mỗi nơi ngừng chân giãi bày một chuyện lại dẫn ta ra một cảnh khác, chuyện khác, gặp người khác. Như không có định hướng, như một người đi trên mây, trong nghĩa đen của câu nói.

Đóng tập sách lại, cái triết lý lớn của câu chuyện, nếu Quỳnh Giao bạo gan dùng chữ đó, chỉ là sự buồn thảm của kiếp người. Đó là sự buồn thảm của Trần Lâm Thăng giữa những người bạn cũng bất đắc chí trong một thành phố chưa mất tên.

Sau đó cũng vẫn là sự buồn thảm của Trần Lâm Thăng giữa những người chiến thắng từ bên kia chiến tuyến bước qua, để rồi cùng chia xẻ một nhà tù trong một kiếp người. Những nhân vật nổi danh hay khét tiếng của văn học hay chính trị, có ẩn hiện đây đó, cũng chỉ là những bóng mờ làm nổi bật thêm cảnh đen tối chung.

Quỳnh Giao tin rằng sang đến tập ba, Trầm Lâm Thăng của chúng ta cũng sẽ lang thang trên xứ lạ, nhớ Uyên, xa Quỳnh, hay lại say mê một người tình thứ ba thứ tư nào đó mà vẫn không có hạnh phúc. Những sầm uất của Bolsa hay rực rỡ của Paris kinh đô Ánh Sáng cũng vẫn chỉ là những phông cảnh xám đục của một kiếp người buồn thảm.

Cái nét riêng trong tiểu thuyết Nguyễn Xuân Hoàng là gây được sinh khí trong lời kể, lôi cuốn người đọc lần qua ngần ấy nẻo đam mê và khốn khổ, để trở về với một tiếng thở dài.

Biết vậy mà ta vẫn nín thở tìm đọc, chính là do nghệ thuật của Nguyễn Xuân Hoàng.

Quỳnh Giao. Tháng 6-1993.
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562/posts/10208242325093813
-------------------------------------------------------------------------------

Xem tiếp >>> MỤC LỤC PHẦN 2 - PHẦN 3PHẦN 4 - PHẦN 5 - PHẦN 6
PHẦN 7 - PHẦN 8 - PHẦN 9 - PHẦN 10