Tạp Ghi @ Quỳnh Giao (5)

TẠP GHI @ QUỲNH GIAO

PHẦN 5

49. Độc Thoại
50. Nghe Hòa Nhạc
51. Hội Hoa Ðăng
52. Xuân Ca Ngày Cũ: Từ La Hối đến Nguyễn Hiền và Phạm Đình Chương
53. Ngày Xuân, Nghe Lại "Xuân Hành" Của Phạm Duy
54. Văn Cao - Tiếng Đàn Chơi Vơi
55. Hương Xuân và Giai Nhân
56. Nghe Những Xót Xa Từ Ðồng Cỏ của Nguyễn Ðình Toàn
57. Thương Tiếc Lê Thương
58. Hoàng Hạc Lâu và Vũ Hoàng Chương - Cung Tiến
59. Hoàng Hoa
60. Nyotaimori
------------------------------------------------------------------------------





49. Độc Thoại


Các ông chua ngoa đáo để – chung quanh người viết này không thiếu người như vậy, từ trong nhà đến ngoài ngõ! – thường có một câu châm biếm đã trở thành phổ biến.

Đó là "nói không bãi đáp"!

Nói không bãi đáp là tình trạng của những người nói trước công chúng về một đề tài nào đó mà cứ miên man nói hoài nói mãi nhưng lại không biết kết luận để chấm dứt.

Khi nào nghe thấy câu "để kết luận" là mình biết là diễn giả sẽ nói thêm về một tiết mục khác, cứ như một phi cơ lòng vòng trên trời mà không tìm ra nơi hạ cánh.

Có lẽ hiện tượng đó thường xảy ra nên mới cho chúng ta một thành ngữ dí dỏm như vậy.

Người viết vốn thường tránh loại sinh hoạt như vậy nên ít là nạn nhân và không phải là loại chuyên gia hay nhà tâm lý về khả năng diễn đạt của nhiều người. Khả năng ấy là thiên phú trời cho, hay là kết quả của công phu chuẩn bị?

Chuyện ấy xin nhường cho các chuyên gia hoặc thầy cô về nghệ thuật đàm thoại.

Riêng mình, đôi khi Quỳnh Giao gặp hiện tượng ấy trong một số ca khúc có nhiều chuyển đoạn liên miên bất tuyệt mà không dẫn tới điệp khúc và đoạn kết bằng một câu "coda" để chấm dứt bài hát. Về nhạc thuật, người ta gọi đó là ca khúc thiếu "carrure", thiếu khuôn khổ vuông vức để từ một đề tài mà dẫn qua nhiều ý và kết thúc bằng một cao điểm về lời và về nhạc.

Trong mấy chục năm dạy nhạc, Quỳnh Giao có cơ hội tiếp xúc với nhiều thế hệ trẻ em nên lại chú ý đến một khía cạnh khác của ngôn ngữ và đối thoại. Nhất là của những em nhỏ mới bắt đầu học đàn, ở lớp tuổi lên năm, lên sáu.

Trước hết, có chi tiết đáng để ý là các em giỏi toán cũng thường giỏi nhạc. Hoặc ngược lại, giỏi nhạc cũng là báo hiệu triển vọng giỏi toán. Thật ra thì chuyện này không lạ vì khi học nhạc là các em phải biết đếm. Đó là đếm thời gian qua những ký hiệu trừu tượng, như nốt đen, nốt trắng, nốt móc một, nốt móc hai, có chấm hay không, v.v....

Thế rồi, giữa hai lớp học hoặc ngay ở trong nhà khi xưa, Quỳnh Giao còn để ý đến một hiện tượng khác, là nhiều em nhỏ ưa nói một mình.

Chẳng phải là "nói không bãi đáp" mà là máy bay không hành khách, với viên phi công bay lượn một mình giữa phòng lái, trong thế giới riêng! Cứ như con chuồn chuồn bay lên và đáp xuống một cách vô định theo những suy nghĩ gì đó mà mình không hiểu được.

Ban đầu thì nhiều bậc cha mẹ hơi lo về hiện tượng đó.

Chúng ta không cảm được thế giới trẻ thơ và không am hiểu tâm lý trẻ em nên gặp trường hợp này thì cho là bất thường.

Một số người lãng mạn thì khám phá ra khả năng kịch nghệ của đứa trẻ vì tò mò thấy là các em này không nói một mình với một giọng mà thật ra là thủ vai của nhiều nhân vật đang đối thoại với nhau. Trong tâm cảnh riêng của đứa trẻ, có lẽ em đang diễn kịch với lời đối và đáp và đôi khi với cả động tác hay cử chỉ như trên sân khấu vậy!

Khi quan tâm, mà một cô giáo thì phải như vậy, mình có thể để ý tìm hiểu về tâm sự của đứa trẻ xem vì sao nó lại nói chuyện và diễn xuất một mình như vậy. Sau mấy thập niên dạy đàn, và bản thân cũng có con gái nay đã trưởng thành, người viết lờ mờ cảm thấy mấy điều sau đây.

Người lớn chúng ta thường nghĩ rằng ngôn ngữ là phương tiện diễn đạt cho mục tiêu đối thoại. Chúng ta thấy cần nói điều gì đó, trước hết là để nói với người khác. Nói cho cầu kỳ thì đấy là chức năng xã hội của ngôn ngữ.

Nhưng với các em nhỏ thì khác.

Các em không có nhu cầu đối thoại đàm đạo gì cả mà chỉ nói ra những gì chúng cảm thấy, rồi nói đi nói lại mà khỏi cần người nghe. Các em không độc thoại mà lại sống trong cảnh giới có nhiều nhân vật hay sinh vật đang nói chuyện với nhau và em chỉ là một "phát ngôn viên" cho cái "tập thể" đó!

Trong thế giới của trẻ thơ, những đứa bé mẫn cảm nhất có thể vừa là diễn viên, đạo diễn, lẫn... M.C. rồi tự nhiên giới thiệu một vở kịch.

Mà trong vở kịch này thì chim chóc cũng biết nói tiếng người.

Khi thấy các em nhỏ túm tụm xì xào cũng vậy. Nếu mình theo dõi tìm hiểu, nhiều khi các em không nói chuyện với nhau mà chỉ nói với chính mình. Hoặc diễn xuất và sống thật trong vở kịch kỳ bí gì đó của từng đứa.

Gặp trường hợp ấy, chúng ta đừng nên lo sợ là đứa trẻ có trạng thái tâm lý bất thường.

Khi còn ở tuổi lên ba lên bốn, thế giới của các em nhỏ thường thu hẹp vào bản thân và thật ra chưa có nhu cầu đối thoại và quảng giao như người lớn. Nhìn từ kiến thức của chúng ta thì chỉ có người điên thì mới vậy nên mình mới cảm thấy lo âu, chứ đấy chỉ là chuyện bình thường của trẻ thơ mà thôi.

Chúng ta nên nhẹ nhàng bước vào thế giới đó của các em, nên dịu dàng tìm hiểu xem là trong cõi riêng tư, các em thấy những gì, muốn diễn tả những gì? Chính là nhu cầu diễn tả ấy sẽ dắt các em ra ngoài vòng vây bủa để khỏi sống một mình. Rồi nhu cầu diễn đạt sẽ phát triển ngày càng già dặn tinh tế hơn theo cách hiểu của người lớn chúng ta.

Sự trưởng thành, như ta hay gọi về tâm trí của trẻ thơ, được diễn giải qua những tiêu chuẩn như khả năng phân tích rồi phân biệt. Phân tích là trạng thái cao hơn của tường thuật và phân biệt là khả năng so sánh cái riêng của đứa trẻ với cái chung của những người khác ở bên ngoài thế giới của tuổi thơ.

Có hai loại người đến khi trưởng thành vẫn chưa bước lên bậc thang của phân tích và phân biệt. Đó là người điên và các nghệ sĩ!

Người điên là thế nào thì Quỳnh Giao không dám nói đến vì có biết gì về thế giới riêng của họ đâu?

Nghệ sĩ thì lại dễ tạp ghi hơn! Đó là những người nhìn thấy thế giới khác hẳn cảm nhận của chúng ta, họ thấy khác và diễn tả khác, chứ không rườm rà phân tích hoặc luận giải như một nhà phê bình nghệ thuật. Nghệ sĩ bắt được cái thần của sự thể và ghi lại theo cảm quan riêng, có khi rất kỳ lạ và khác biệt.

Ngẫm lại thì những em nhỏ ưa độc thoại khi còn bé cũng có triển vọng là người giỏi về ngôn ngữ và giao tiếp sau này. Chúng ta có thể tìm thấy những nhà thơ hay đạo diễn ngay trong số em nhỏ cứ ưa độc thoại như vậy.

Còn lại, những người nói không bãi đáp có khi là người lớn đang tìm lại tuổi ấu thơ của mình và nói cho mình hơn là cho cử tọa.

Quỳnh Giao viết ngày 21-9-2011
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562/posts/10208250972790000




50. Nghe Hòa Nhạc

Cách đây vài tuần người viết này đi nghe một buổỉ hoà nhạc lý thú và nhiều ngạc nhiên.

Theo thói quen từ ngày học trường nhạc, đi nghe nhạc thì cứ chọn chỗ xa sân khấu vì vừa túi tiền mà nghe lại thấy hay nhờ âm thanh khoảng khoát. Ngồi gần cuối rạp thì nghe rất vừa phải, không mỏi cổ vì ngửa đầu mà lại nhìn được toàn diện sân khấu. Nếu ngồi quá gần thì chỉ thấy chân và giầy của nhạc trưởng và nhạc công.

Đó là sân khấu ngày xưa...

Ngày nay sâu khấu mới có những hàng ghế vừa rẻ vừa nhìn rõ mà giá vé lại khiêm nhường.

Quỳnh Giao thường chọn hạng vé này để thưởng thức trọn vẹn chương trình từ một góc lạ. Đó là ngồi trên lầu nhưng không là "poulailler" như chuồng gà theo lối gọi của Tây thời xưa, mà là... đằng sau ban nhạc. Tức là đối diện với nhạc trưởng và là vị trí của dàn ca sĩ xướng âm! Ngồi đó thì thấy từ rất gần cả vẻ mặt lẫn đôi tay của dương cầm thủ trong lúc độc tấu. Ngồi đó còn được xem cách đánh nhịp của nhạc trưởng.

Chứ trên hàng ghế bình thường ở đằng trước thì chỉ thấy lưng ông ta.

Lối kiến trúc và cách bán vé của một nhạc viện Mỹ thật là ly kỳ. Họ chẳng để thừa một không gian nào mà hàng ghế phía sau dàn nhạc còn cho khán giả thấy được vẻ say sưa của nhạc trưởng khi tấu lên một hành âm tình tứ hay vẻ trầm tư ở đoạn Adagio. Thích nhất là những đoạn fortissimo khi cặp mắt rực lửa của nhạc trưởng làm rung chuyển sân khấu và tâm tư người nghe.

Tối hôm đó chương trình dành cho ba nhạc sĩ độc đáo, một Tiệp hai Nga. Đó là Bohuslav Martinu (1890-1959) người Tiệp, còn Sergei Rachmaninoff (1873-1943) và Dmitri Shostakovich (1906-1975) thì khỏi cần giới thiệu vì là tên những tuổi của nhạc Nga thời hiện đại.

Điểm thú vị khác là tinh thần phản kháng trong hai nhạc khúc không lời của Martinu và Shostakovich, nhưng Quỳnh Giao đặc biệt thích "Rhapsody on a Theme of Paganini" của Rachmaninoff.

Tối hôm đó, cả nhà đến trước giờ trình diễn một tiếng đồng hồ tại Renée and Henry Segerstrom Concert Hall ở Costa Mesa để nghe nhà phê bình âm nhạc Alan Chapman diễn giải về những gì sẽ trình tấu. Dù biết sáng tác nguyên thủy của Nicolo Paganini viết cho violon đã gợi hứng cho nhiều nhạc sĩ, nhưng biến tấu của Rachmaninoff mới là sao Bắc Đẩu.

Lý thú là khi Alan Chapman giới thiệu rằng đoạn nhạc lai láng tình cảm và trở thành giai điệu được yêu thích nhất của Rachmaninoff được ông ta viết bằng cách lật ngược tờ nhạc.

Thí dụ như: Fa La Sol Fa Do trở thành Do La Si Do Fa…

Bất ngờ thứ hai khi mua vé là để nghe một danh cầm trẻ là cô Yuja Wang, mới 24 tuổi mà đã được thế giới công nhận tài năng hiếm của Trung Quốc. Khi cô trình tấu tại Kennedy Center năm ngoái, tờ Washington Post tường thuật rằng cô làm khán giả há hốc mồm, nguyên văn là “Jaw-dropping”!

Đến nơi mới được Alan Chapman thông báo là có thay đổi giờ chót. Thay vì Yuja Wang sẽ là một cậu bé 16 tuổi chưa thành danh.

Conrad Tao
Conrad Tao sẽ trình diễn thay. Sinh tại Hoa Kỳ từ một gia đình trí thức gốc Hoa, cậu bé còn đang học trường Julliard. Nhưng Chapman nói tiếp: có những người thay thế mà thành nổi tiếng như cồn.

Như mùa Thu năm 1943, đang là phụ tá nhạc trưởng cho New York Philharmonic Orchestra, Leonard Bernstein trẻ măng được thay nhạc trưởng lừng danh Bruno Walter bị cúm bất ngờ. Chưa kịp tập dượt gì, Berstein cầm đũa lên sân khấu và lập tức vang lừng.

Một trường hợp hy hữu khác là dương cầm thủ André Watts năm 1963. Chính nhạc trưởng Leonard Bernstein yêu cầu ông đàn thế cho danh thủ Glenn Gould bị bệnh giờ chót. Với cầm tấu khúc rất khó của Liszt là bài Concerto cung Mi giáng trưởng, André Watts chinh phục không gian và được khán giả lẫn các nhạc công đứng lên tán thưởng (standing ovation).

Tối hôm đó, nhạc trưởng Carl St. Clair của Pacific Symphony điều khiển rất linh động với dáng nhanh nhẹn trẻ trung dưới mái tóc bạch kim. Còn cậu bé Conrad Tao ăn mặc classic với bộ vest đen chứ không như Lang Lang trong quốc phục Trung Hoa, hay Joshua Bell với quần Jean áo chemise bỏ ngoài.

Conrad Tao chinh phục khán giả ngay từ phút đầu với kỹ thuật thượng thừa. Bàn tay cậu bé đan lượn trên phím đàn như cánh bướm. Tiếng đàn chắc nịch mà trong trẻo, câu cú hẳn hoi. Nghe như tiếng dương cầm và giàn nhạc trò chuyện với nhau.

Một câu đối một câu đáp, thú vị chừng nào! Ngồi từ cao nhìn xuống cách có chục thước, thấy đôi lần cậu đưa mắt ra hiệu cho nhạc trưởng và từ tốn múa tay trên phím đàn. Tiếng đàn reo như pha lê, hoà với tiếng sáo oboe hờ hững quạnh hiu thật cảm động.

Qua đến đoạn Adagio tha thiết thì giai điệu của Rachmaninoff như có ma lực thu hút hồn người. Người đàn trầm ngâm thả từng nốt nhạc, và người nghe thấy lòng mình thổn thức. Khó ai tin một cậu bé mới 16 tuổi mà lai láng tình cảm như vậy. Rồi tình cảm cứ thế dào dạt đến cuối, khi mềm mỏng, khi vũ bão và kết thúc như cú shock vào tim. Khán giả bật dậy vỗ tay với những tiếng bravo vang dội. Nhạc trưởng và Conrad Tao ra chào bốn lần.

Conrad Tao, sinh năm 1994 tại Hoa Kỳ, dương cầm thủ và nay còn soạn nhạc.
Lần đầu trình tấu tại Carnegie Hall, chân còn đi đất!

Sau cùng thì chú Conrad đáp lễ bằng cách độc tấu hai bài nổi tiếng là khó về kỹ thuật của Liszt.

Khi nghỉ giải lao, người em rể thắc mắc hỏi vì sao mới 16 tuổi mà đã đủ tình cảm và hiểu được nỗi đau để đàn như vậy? Câu trả lời của cô giáo dạy đàn này là trẻ con cũng có tình cảm chứ! Khi còn nhỏ, ta có biết vui buồn giận hờn không? Có biết thương ai, ghét ai chưa? Mới choai choai mà thấy con gái đẹp cùng trường thì trống ngực có đánh không? Nếu trả lời là không thì ta có vấn đề rồi đấy!

Hơn nữa, khi dạy đàn, thầy phải giảng cho nhạc sinh từng câu nhạc trong bài. Có khi còn phải “hát” lên câu đó!

Chả thế mà lúc mới đến Mỹ và dạy piano mà phải đọc nốt theo kiểu ABCDEFG, Quỳnh Giao thấy... mất hứng. Vì không hát được. Chứ khi đọc nốt theo Do-Ré-Mi-Fa-Sol-La-Si thì dễ xướng âm, nhất là hát những đoạn Vivace, cực nhanh!.

Xưa nay người viết ít ưa nhạc cận đại hay đương đại. Cứ nghe các tác giả như Stravingsky hay Shostakovich là chỉ nửa bài đã thấy mệt. Nhưng quan niệm đó thay đổi khi nghe bản Symphony số 5 của Shostakovich do nhạc trưởng St.Clair điều khiển. Người nhạc trưởng từ tốn dẫn giải từ hành âm thứ nhất đến các hành âm sau, kể cả lý do khiến chế độ Cộng sản Nga rất ghét tác giả.

Vì là nhạc khúc không lời mà ngợi ca tự do và chống lại cường quyền!

Rồi khán giả thích thú nhìn và nghe cách ông hướng dẫn từng nhạc cụ, khi thì dàn đồng, lúc thì dàn giây, qua những biến chuyển của từng giai điệu, khi dâng trào, khi lắng đọng. Từ hàng ghế áp lưng vào đàn organ, mình được thấy dàn trống chuẩn bị ra quân rất hồi hộp. Bản nhạc dứt, tim mình cũng rộn ràng như tiếng trống, khán giả bật dậy vỗ tay không ngừng. Ôi phút vinh quang của người nghệ sĩ sau bao ngày giờ tập luyện khó khăn.

Người viết vừa vỗ tay vừa thấy hạnh phúc quá đỗi vì được hưởng một thời khắc đẹp đẽ…

Quỳnh Giao viết ngày 12-6-2011.
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562/posts/10208249834961555





51. Hội Hoa Ðăng


“Khúc hát càng cao càng hiếm người thưởng ngoạn”, có ai đó đã nói như vậy.

Chả hóa ra tiêu chuẩn thưởng ngoạn cao hay thấp lại tùy ở ít hay nhiều người? Nói như vậy, những nhạc sĩ tài hoa nhất có khi phải tự… nghe một mình.

Nhiều người có thực tài đôi khi gặp trường hợp ấy, cho đến khi trào lưu thưởng ngoạn thay đổi, hoặc thăng tiến, thì người nghệ sĩ đã thành thiên cổ. Nhà thơ Charles Beaudelaire của Pháp là một thí dụ.

Nhưng nhiều người gặp trường hợp ấy lại chẳng như vậy. Ðôi khi sự mập mờ của cái cách “sinh bất phùng thời” cũng là một niềm an ủi….

Sinh thời, nhiều khi nhạc sĩ Vũ Thành phát bực với Phạm Duy. Nói trộm vía, ông phàn nàn với bạn: “Tại sao ‘toi’ cứ phục Văn Cao vậy? Văn Cao thua ‘toi’ rất xa”. Vũ Thành là người biết nhạc, viết nhạc rất tài hoa nhưng đa số thiên hạ chỉ thích bài ông không thích lắm, là “Giấc Mơ Hồi Hương”. Những sáng tác ông ưng ý nhất thì lại ít người biết, vì ít người hát. Hát không dễ là một lý do!

Lê Trọng Nguyễn cũng vậy, rất khổ tâm vì ai cũng nói đến bài “Nắng Chiều” mà ông cho là rất thường, trong khi những tác phẩm đắc ý của ông, như “Sao Ðêm” lại như sao trong đêm mờ vì thưa thớt người hát. Còn “Chiều Bên Giáo Ðường” tuy được giới thưởng ngoạn ưa thích, thì họ cũng chỉ là thiểu số.

Cung Tiến cũng thế, nhắc đến “Thu Vàng” hay “Hoài Cảm” là ông khó chịu, vì còn những ca khúc tân kỳ khác thì nhiều người đọc không ra, nói chi là hát, là nghe, cho thiên hạ thưởng thức?

Vũ Thành nhận xét như vậy không sai. Mà Phạm Duy cũng có lý của mình.

Văn Cao đi trước, nếu nghe “Trương Chi” hay “Thiên Thai” của Văn Cao thì “Tiếng Sáo Thiên Thai” của Phạm Duy bỗng nhẹ tênh, “Khối Tình Trương Chi” chỉ là những âm thanh chuỗi mà chính ông cũng thấy là non nớt, và so với “Cung Ðàn Xưa” lại càng nặng trĩu.

Nhưng sau đó, Phạm Duy đã vượt trội, như với hai bản Trường ca “Con Ðường Cái Quan" và “Mẹ Việt Nam” thì "Trường ca Sông Lô" của Văn Cao bỗng thiếu cả chiều sâu lẫn chiều dài.

Văn Cao không còn được như trước và chúng ta tiếc cho ông. Vũ Thành có trách thì cũng không sai.

Giờ này khi Phạm Duy vẫn nhiệt liệt xưng tụng Văn Cao, chúng ta đành coi là “tình bạn có những lý lẽ riêng mà lý trí không hiểu nổi”. Hoặc vì lý do chính trị gì đó mà chỉ Phạm Duy mới biết!

Nhưng, dù đã trình bày các ca khúc từ mấy chục năm nay, Quỳnh Giao thấy là không nên so sánh. Xấu đẹp hay dở gì thì cũng còn tùy nhiều lý do chủ quan của từng người, từng thời, từng hoàn cảnh.

Tuy vậy, so sánh hai ca khúc của một người thì được, có phải không nào?

Mùa Thu chúng ta có dịp nghe “Khúc Nhạc Dưới Trăng” của Dương Thiệu Tước, gần như là bài hợp ca không thể thiếu cho các em thiếu nhi trong dịp Trung Thu. Ông sáng tác bài này có lẽ cũng hơn năm chục năm. Ðây là bài hát vui theo điệu rumba với nhiều nhịp chõi (syncope) rất giật.

Ðây cũng là một bài dễ hát dễ nghe. Người viết đã trình diễn bài này ở tuổi nhi đồng, trong ban Thiếu Nhi Tuổi Xanh, cho nên có nói là dễ cũng đúng. Dễ hát, dễ nghe vì vậy nhiều người dễ cho là hay.

Trong khi ấy, cùng thể loại thì “Hội Hoa Ðăng” của Dương Thiệu Tước mới xứng đáng là ca khúc xuất sắc. Nhưng Hội Hoa Ðăng đòi hỏi một nghệ thuật trình bày khó khăn hơn.

Bài hát có đầy âm hưởng Tây Ban Nha, nhắm mắt lại thì mình nghĩ đến một vũ điệu quay cuồng dưới ánh đèn rực rỡ.

Dương Thiệu Tước viết bài này vào một đêm vui tại… Ban Mê Thuột, khoảng 1956. Ðêm đó, trong một nông trại trồng cà phê, đại gia đình ăn đầy tháng cậu bé Nguyễn Khánh Hồng, người anh họ thua Quỳnh Giao mười tuổi, nay là ông thầy vĩ cầm và nhạc trưởng tại quận Cam.

Bữa tiệc đêm ấy có thịt nướng trong tiếng nhạc muôn màu dưới ánh đèn lồng. Dương Thiệu Tước lấy cảm hứng từ một đêm nhiệt đới Việt Nam để viết về một đêm dạ vũ dưới ánh đèn tại cái xứ đấu bò mà ông chưa hề đặt chân tới!

Một cảnh đấu bò Tây Ban Nha. Người đẹp và thú dữ, ai đáng sợ hơn?
Và ông viết như thật, cứ nghe thì biết thế nào là nhạc và thơ kết duyên trong nhịp phách ròn tan.

Ca khúc lung khởi ad-lib bằng âm giai C thứ (Do mineur) rất nồng nàn quyến rũ, sau đó chuyển qua điệp khúc với tám ô nhịp (measures) dồn dập, rồi mở ra âm giai C trưởng (Do majeur) với nhịp Valse Pasodoble chúng ta vẫn nghe trong các lễ hội đấu bò Tây Ban Nha (hay trong bài Granada chẳng hạn). Ðiệp khúc lại được chuyển đoạn (moduler) trở lại nhạc điệu lúc trước.

Muốn trình diễn bài này, người ta cần hòa âm cho một ban nhạc có cả dàn giây và dàn kèn. Trước đây, các ban nhạc lớn như Vũ Thành, Hoàng Trọng, Nghiêm Phú Phi, Văn Phụng và Nhật Bằng đã công phu dàn dựng để trình bày “Hội Hoa Ðăng” cho loại thính giả thưởng ngoạn bằng tai, không bằng mắt, qua làn sóng phát thanh.

Nói đến Nhật Bằng, ban hợp ca Hạc Thành của ông cũng thường hợp ca bốn bè ca khúc “Hội Hoa Ðăng” này. Và thời ấy, nhiều người nghe - kể cả Nhật Bằng - còn nói giọng Hồng Hảo trong bài này rất giống giọng Quỳnh Giao.

Giờ đây mấy chục năm sau, cứ đốt đèn vào đêm Trung Thu, người ta sẽ chỉ nghe thấy “Khúc Nhạc Dưới Trăng”, nghe mãi rồi thấy là… hay hơn "Hội Hoa Ðăng"! Chỉ vì quen tai. Tội nghiệp cho Dương Thiệu Tước.

Khúc hát càng cao càng hiếm người thưởng ngoạn?

Quỳnh Giao viết ngày 19-10-2005.
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562/posts/10208248963099759







52. Xuân Ca Ngày Cũ: 

             Từ La Hối đến Nguyễn Hiền và Phạm Đình Chương


Khi các nụ thủy tiên đầu tiên tỏa hương thơm trong nhà thì dù chưa nghe được tiếng pháo, người người đã thấy rộn ràng trong tâm tưởng những khúc nhạc Xuân của thời trước, nay đã thành bản Xuân ca của mọi thời.

Trong số này, có lẽ chúng ta nên hồi tưởng lại nhạc sĩ La Hối và bài Xuân và Tuổi Trẻ.

La Hối có duy nhất một tác phẩm, nhưng lại nổi tiếng nhờ ca khúc duy nhất ấy. "Xuân và Tuổi Trẻ" là bài hát không thể thiếu mỗi độ Xuân về. Ông vốn là người Việt lai Hoa, cho nên dù viết bằng Việt ngữ, bài hát vẫn có âm hưởng Trung Hoa rất đặc biệt. Ngay từ đầu thập niên 1950 thính giả đã yêu thích ca khúc vì ý nhạc phong phú, hơi nhạc chập chờn như những cánh bướm.


Nhưng, trong nghề với nhau thì các ca sĩ thường dễ hụt hơi vì đoạn chuyển khúc có 10 trường canh hát liền một hơi, không được ngắt:

vui hát đi cho lòng thêm sướng,
vui hát đi cho lòng thêm tươi,
ta hát ca đón mừng Xuân mới,
ta hát ca cho lòng thêm hăng hái...

Và "… hăng hái" phải được ngân khá dài.

Rời xa chúng ta từ 2005, Nguyễn Hiền là tác giả của những bài hát nhẹ nhàng đầm ấm cũng cống hiến một bản nhạc về Xuân rất đẹp, phổ thơ Kim Tuấn. Đó là "Anh Cho Em Mùa Xuân", nổi tiếng trong thời kỳ 1960-1970. Đây là một bài ca về mùa Xuân mà cũng là một bài ngợi ca quê hương với nét nhạc trữ tình.

Giữa hai tác giả ấy và cùng trong dòng nhạc nhẹ nhàng, thanh cao, thích hợp với mọi thời, Tuấn Khanh, tác giả của "Hoa Soan Bên Thềm Cũ", có tác phẩm "Mộng Đêm Xuân" nhịp "Boston" tha thiết và êm đềm như một bài thơ.

Thế rồi, qua những năm dài chiến chinh, Xuân của người lính chiến trở thành Xuân của mọi người, và ngày nay dù chinh chiến đã tàn, ít ai quên được những bài Xuân ca viết cho chiến sĩ. Tiêu biểu nhất có Nguyễn Văn Đông với "Phiên Gác Đêm Xuân" và Trần Thiện Thanh với "Đồn Vắng Chiều Xuân"...

Nói tới nhạc Xuân của Việt Nam, không thể không nhắc tới Phạm Duy, dẫy Trường Sơn của tân nhạc Việt Nam.

Ông đã soạn tám bài hát về Xuân: "Hoa Xuân", "Đêm Xuân", "Xuân Thì", "Xuân Nồng", "Xuân Ca", "Xuân Hành", "Tuổi Xuân", "Xuân Hiền". Đó là không kể tới "Bến Xuân" soạn chung với Văn Cao, hoặc "Xuân Trên Buôn" dân ca cải tiến của sắc dân Ê Đê và "Mùa Xuân Yêu Em", phổ thơ Đỗ Quý Toàn.

Trong các ca khúc trên, "Hoa Xuân" được hát nhiều nhất vào dịp Nguyên Đán. Lời ca và nét nhạc bình dị, tươi tắn, diễn tả trạng thái tâm hồn phơi phới trước thiên nhiên và đồng loại.

Lãng mạn nhất thì có "Đêm Xuân". Nghe "Đêm Xuân", chúng ta hiểu thế nào và tại sao các cụ ta xưa thường dùng chữ "Xuân" để tả những gì đẹp đẽ và thơ mộng.

Riêng với người viết, nhạc và lời của "Xuân Thì" là một công phu trác tuyệt.

"Xuân Thì" không tả cảnh Xuân mà là tâm sự của tác giả về mình, về nhân thế, với một nét cố hữu trong lời ca Phạm Duy là lòng nhân ái. Ông mong có một mùa Xuân thái hòa cho nhân loại. Ông thương từ cây súng cô đơn đến những nụ đào nở trên lối mòn chiến xa. Ông ôm nhân loại trong mình, cười tuôn nước mắt cho Xuân tình dấy men. Cùng với lời ca súc tích và đầy hình ảnh, Phạm Duy thần tình dùng cách chuyển khúc từ giai điệu "thứ" sang "trưởng" để diễn tả nỗi hân hoan thăng hoa từ sự khổ đau.

Bản "Xuân Nồng" của ông hoàn toàn tả cảnh Xuân, mà là mùa Xuân miền Nam. "Xuân về không có mưa phùn mà chỉ có bụi xe"... nhưng vẫn là Xuân nên thơ. Nét nhạc Phạm Duy thường đi đôi với lời, nên tình và cảnh của ngày Xuân trong Nam được diễn tả bằng nhịp ba linh hoạt với âm giai "Fa trưởng" trong sáng.

"Xuân Ca" và "Xuân Hành" là hai ca khúc Phạm Duy soạn theo khuynh hướng những bài hát nặng chất tâm linh.

Người từ lòng người đi ra rồi sẽ trở về lòng người. Thông điệp Phạm Duy là hãy hưởng mùa Xuân trong từng chớp mắt qua cuộc sống ngắn ngủi này. Mùa Xuân của Phạm Duy có từ trong đêm tân hôn của cha mẹ, và từ đó ông ra đời góp chung tiếng gào thiết tha cho mùa Xuân vĩnh cửu. Nếu chết đi thì xin được tái sinh nhiều lần để được tiếp tục đi mãi trong mùa Xuân. Bài "Xuân Ca" soạn theo giai điệu ngũ cung, rất Việt Nam và dễ trình bày hơn "Xuân Hành" là ca khúc có nhiều não tính tuyệt diệu mà khó trình bày.

Một bậc sư trong nghệ thuật dung hợp cái rất Tây và rất Đông trong tân nhạc là Dương Thiệu Tước. Ông vua của tiết điệu bán cổ điển Tây phương trong nhạc Việt đã cống hiến cho chúng ta bản luân vũ được coi là hay nhất của Việt Nam, ca khúc "Bến Xuân Xanh".
Dương Thiệu Tước sáng tác "Bến Xuân Xanh" rất công phu. Tác phẩm dài tổng cộng 180 trường canh (gấp ba một bài luân vũ trung bình có 64 trường canh, thí dụ như "Thu Vàng" của Cung Tiến) và được viết bằng âm giai "Do trưởng", loại âm giai được coi là "sáng". (Xin có đôi lời về nhạc thuật ở đây: giới sáng tác nhạc cho âm giai "Ré giáng trưởng" và "La giáng trưởng" là âm giai "dịu" nhất. Âm giai "Sol thứ" và "Si thứ" là âm giai "buồn" nhất. Âm giai "Do trưởng" và "Fa trưởng" là âm giai "sáng" nhất).

Vì thế, "Bến Xuân Xanh" đòi hòi ca sĩ phải trình bầy đúng âm giai nguyên thủy. Khi nghe một người trình bầy không đúng "ton" (thí dụ như không lên nổi những nốt cao nhất của bài hát, phải hạ xuống một hay hai "cung") thì ông hơi hơi buồn. Đoạn biến khúc của "Bến Xuân Xanh" được Dương Thiệu Tước chuyển sang âm giai "La giáng trưởng" trở nên êm dịu lạ thường trước khi về lại cung "Do trưởng" trong sáng.

Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước còn soạn phần nhạc mở đầu (introduction) và kết thúc (coda) thật vi vút, du dương. Lời ca trong "Bến Xuân Xanh" tràn đầy Thơ, Nhạc, Hoa, Nắng, Gió và Sóng Nước: toàn những biểu tượng lung linh rực rỡ của mùa Xuân.

Khi Dương Thiệu Tước vừa tạ thế ở trong nước, trong dịp tưởng niệm ông ở hải ngoại, năm 1996, nhạc sư Nghiêm Phú Phi đã nhắc tới bản luân vũ này với lòng khâm phục: Không thua kém gì các nhạc khúc về sông nước nổi tiếng của Tây phương!


Ngoài "Bến Xuân Xanh" độc đáo nói trên, Dương Thiệu Tước còn soạn ba bài khác về mùa Xuân, là "Vui Xuân", "Vườn Xuân Thắm Tươi", và "Tìm Xuân". Nhưng chỉ cần viết một "Bến Xuân Xanh" thôi, Dương Thiệu Tước đã xứng đáng với một chỗ đứng sáng chói trong nền tân nhạc Việt Nam.

***
Một nhạc sĩ khác cũng xứng đáng với ngôi vị trên mà lại ít được quần chúng để ý, và chỉ được giới thẩm âm biết tới, đó là Vũ Thành. Người nghệ sĩ tài hoa này có ca khúc mang tựa đề về mùa Xuân là "Tình Xuân". Cũng với âm giai sáng "Do trưởng", ông dùng ý nhạc cao sang, thanh thoát, cho ta nghe và ngửi thấy một mùa Xuân đầy sắc hương thi vị. Tuy nhiều sáng tác khác của ông không có tựa đề về mùa Xuân nhưng luôn luôn gợi nhớ tới Xuân. Câu mở đầu của bản "Nhớ Bạn" là "Xuân vương trên ngàn hoa..." Bản "Say Nhạc Canh Tàn" cũng mở đầu bằng "Gió Xuân đưa mây vật vờ..."

Nhạc Vũ Thành cũng như con người nghệ sĩ của ông: già dặn, thanh cao mà ẩn dật như một cội mai...

Sau cùng, nói về mùa Xuân trong nhạc, xin nhắc tới Phạm Đình Chương, người được thính giả mang nợ nhiều nhất mỗi khi Xuân về. Ngày Xuân có thể thiếu pháo mà không thể không có "Ly Rượu Mừng"! Có lần ông nói đùa: "Nếu mọi người chỉ cần trả một đồng thôi mỗi khi hát "Ly Rượu Mừng", thì tôi đã thành triệu phú từ lâu".

Ngoài nét nhạc phơi phới hân hoan, dễ nghe dễ hát, lời ca lại mang nội dung thích hợp với mọi tầng lớp thính giả. Vì thế "Ly Rượu Mừng" không chỉ được cất lên mỗi dịp Tết Nguyên Đán mà còn thường được mọi người chung hát tại các buổi họp mặt, tiệc tùng, cưới hỏi...

Một bản nhạc Xuân khác của Phạm Đình Chương cũng thường được nghe trình bầy hợp ca tại các đài phát thanh, hay đồng ca vào những dịp họp mặt tất niên tại các trường học là bản "Đón Xuân".

Thật ra, bài Xuân ca tuyệt vời nhất của Phạm Đình Chương chính là "Xuân Tha Hương". Tác phẩm được viết với nhịp điệu Boston 3/4 chậm rãi, tha thiết.
Ban hợp ca Thăng Long

Âm giai "Ré trưởng" không quá cao hoặc quá thấp nên thích hợp với mọi giọng hát. Ý nhạc nhẹ nhàng uyển chuyển nhờ ông dùng nhiều chuyển âm. Gần như cứ hai trường canh ông lại đổi hợp âm, mang lại cho "Xuân Tha Hương" sắc thái đặc biệt Phạm Đình Chương. Bản nhạc còn tuyệt vời vì lời ca buồn man mác, nhẹ nhàng kín đáo chứ không rũ rượi sầu thảm và giai điệu của ca khúc chính là nhạc nền trong phim The Quiet American của đạo diễn Joseph Mankiewicz vào năm 1958.

Trong thập niên 60 khi bài hát được thịnh hành, người ta yêu lời ca vì nhớ tới Hà Nội và những ngày Xuân êm đềm xa xưa. Ngày này, người ta càng yêu lời ca hơn nữa vì nỗi buồn tư hương bao phủ lên cả quê hương yêu dấu.

Quỳnh Giao viết trước Tết Nguyên đán năm Mậu Tý (2008).
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562/posts/10208178439416711





53. Ngày Xuân, Nghe Lại "Xuân Hành" Của Phạm Duy


Có phải là ngẫu nhiên không mà hai nhạc phẩm đầy tính chất anh hùng ca của Lizst và Beethoven đều lấy âm giai Mi giáng Trưởng (Mi bémol majeur)? Đó là Cầm tấu khúc số 1 của Lizst có tên là "Héro" và Cầm tấu khúc số 5 của Beethoven có tên là "Emperor" viết cho đại đế Napoléon.

Trong nền tân nhạc Việt, các ca khúc về lịch sử hay những bản hùng ca thường được viết trên âm giai Fa Trưởng. Nói về nhạc thuật, các âm giai Trưởng như Do, Ré và Fa nghe thấy trong sáng và hợp với giọng Kim. Khi giọng Kim là giọng chính (chant), bè phụ thường được viết thấp hơn để làm nổi giọng chính. Những ca khúc như “ Việt Nam Minh Châu Trời Đông” của Hùng Lân, “Nước Non Lam Sơn” hay “Bóng Cờ Lau” và “Tiếng Chim Gọi Đàn” của Hoàng Quý, “Hội Nghị Diên Hồng” hay “Bạch Đằng Giang” của Lưu Hữu Phước, “Việt Nam, Việt Nam” của Võ Đức Thu, “Việt Nam Anh Dũng” của Dương Thiệu Tước”, “Việt Nam Hùng Tiến” của Thẩm Oánh…v.v. đều được viết trên cung Fa Trưởng.

Thật sự, thì âm giai trong sáng hay u tối, êm dịu hay gay gắt chỉ có ảnh hưởng với nhạc khí, chứ không ảnh hưởng với giọng hát. Giọng hát nhẹ êm hay mạnh mà cứng là do âm sắc (timbre) của người trình bày. Giọng Thổ thường dày hơn giọng Kim, ngược lại giọng Kim lanh lảnh và thánh thót hơn giọng Thổ. Riêng các nhạc sĩ sáng tác và sử dụng dương cầm, mà Frederic Chopin là một điển hình, thì chuộng loại âm giai mang nhiếu dấu giáng (bémol). Ông cho rằng đàn những nốt giáng (phím đen trên dương cầm) thì tiếng đàn êm hơn, và về kỹ thuật thì ngón tay trườn trên phím, càng sâu càng dễ di chuyển lả lướt hơn…

Trong khung cảnh chung như vậy, ca khúc “Xuân Hành” của Phạm Duy lại được viết trên cung Mi giáng Trưởng, trong sáng mà êm dịu hơn âm giai Fa Trưởng.

Những ai mới nghe ca khúc này thì tự hỏi rằng tác giả dùng chữ "hành" trong ý nghĩa nào. Hành có thể là hành trình, hành khúc, hoặc biết đâu còn là một thể thơ cổ, như bài Tỳ Bà Hành mà ai cũng biết qua bản dịch của Phan Huy Vinh, hay bài Hiệp Khách Hành mà các độc giả của Kim Dung có thể còn nhớ - và nhất là Hành Phương Nam của Nguyễn Bính?

Người nghe hay người thưởng ngoạn có quyền mở rộng sự cảm nhận để hiểu tác phẩm từ sở thích hay nhận thức khác biệt của mình.

Nhưng nhạc sĩ Phạm Duy là người cẩn trọng, như tên của ông.

Trong cuốn "Ngàn Lời Ca" được xuất bản tại hải ngoại năm 1987, ông giải thích khung cảnh sáng tác của từng bài mà gọi đó là "sự tích". Ông trình bày rằng mình đã soạn nhiều ca khúc về hành trình của con người trong cuộc đời, trong đó có ba bài hành là "Lữ Hành", "Dạ Hành" và "Xuân Hành".

Chúng ta liền hiểu ra ý nghĩa của chữ "hành" trong tác phẩm.

Nếu "Lữ Hành" là cuộc hành trình thơ thới và bất tận của loài người và được ông sáng tác tại Sàigòn vào năm 1953 đầy hy vọng thì "Dạ Hành" là lúc con người đi trong đêm tối. Mà bóng tối ở đây không là một khái niệm về thời gian khi thiếu ánh mặt trời. Bóng tối là chông gai hiểm hóc của phận người và ca khúc cũng được viết tại Sàigòn, nhưng mà là Sàigòn khói lửa của chiến chinh tham tàn năm 1970.

Rồi Phạm Duy mới nói về cuộc đi bình thường là bài "Xuân Hành", sáng tác năm 1959, ở giữa hai bài hành kia.

Hành trình bình thường và muôn thuở như câu hỏi đầy vẻ triết học là "người là ai, từ đâu tới và sẽ đi về đâu".... Ngươi từ lòng người đi ra rồi sẽ trở về lòng người. Người vừa là thần thánh, vừa là ma quỷ, biết thương yêu dai mà cũng biết hận thù dài…. Nhất là biết vui buồn giữa hai nhịp đập của con tim, ngay cả khi tim ngừng đập.

Với khoảng cách thời gian, nghĩa là có thêm sự chín mùi của cuộc sống, ta có thể nghe lại ba bài hành này mà thoát khỏi hoàn cảnh của Sàigòn thời 53, 59 hay 70. Nghe lại với tâm cảnh của chính mình.

Đấy cũng là lý do mà Quỳnh Giao thích bài “Xuân Hành” hơn cả.

Về nhạc thuật thì đấy là một ca khúc có nhịp điệu uy nghi hùng dũng, trong sáng mà êm dịu chứ không chát chúa như nhiều bài hùng ca hoặc một khúc quân hành. Bài "Lữ Hành" rất hay nhưng ít người hát vì từ đầu đến cuối là dùng nhịp chõi – syncope. Đôi khi có người còn trình bày theo điệu "swing" khá giật mà không phản ảnh được nội dung sâu sắc thánh thiện của lời ca.

So với "Lữ Hành" thì bài "Xuân Hành" dễ hát hơn, nhưng cũng cần trình bày hợp ca nên đòi hỏi kỹ thuật hòa âm mới diễn tả hết giá trị của tác phẩm. Phải chăng vì vậy mà ngày xưa, chúng ta ít được nghe ca khúc này ở ngoài các chương trình của đài phát thanh?

Bây giờ mà nghe lại, khi tư duy đã lắng đọng, người ta còn thấy ra một giá trị khác, là nội dung của lời từ.

Phạm Duy đã dẫn chúng ta vào tác phẩm với lời giới thiệu về câu hỏi muôn đời là người từ đâu tới và đi về đâu. Nhưng trong một ca khúc mà cũng là đời người từ thuở là mầm non chớm nở đến khi trở thành lá úa, ông còn diễn tả nhiều điều khác nữa. Nổi bật trong đó là chữ "nhân", hay tinh thần nhân ái là chữ ông dùng.

Nhạc sĩ Phạm Duy
Chúng ta sinh ra là từ lòng người với tiếng khóc và nụ cười, với thương yêu và hận thù lẫn đắm say. Nhưng chân lý muôn đời là trưa hôm qua có thể còn là người, đêm hôm sau thì đã thác, có khi là vị thần hoặc một lũ ma lẻ loi....

Chữ sinh và hủy chỉ là hai mặt của cuộc đời và ai ai cũng như vậy. Nhưng, nội dung mang tính chất thánh ca của tác phẩm nằm trong thông điệp chìm ẩn bên dưới: sự bất diệt trong vòng tử sinh đó là chữ nhân. Nếu sinh ra và sống mãi với lòng nhân thì chẳng ai nên sợ cái chết. Cuộc hành trình của đời người mang ý nghĩa thăng hoa của một mùa Xuân khi nó được hướng dẫn bởi lòng tử tế.

Khi liên lạc với chú Phạm Duy - người viết vẫn gọi ông như vậy với sự tôn kính - về bài Xuân Hành, Quỳnh Giao đã lẩm nhẩm hát lại và ngẫm lại rồi nghĩ đến một thông điệp tôn giáo.

Đó là lẽ tử sinh của luân hồi, là ngũ uẩn gồm có sắc-thọ-tưởng-hành-thức. Nhờ sự suy ngẫm đó mình tìm ra một chữ "hành" trong kinh sách nhà Phật. Đấy là ý khác của "hành" trong bài Xuân Hành. Rất đơn giản thì hành động tốt sẽ tạo ra thiện nghiệp để có ngày vượt khỏi lẽ tử sinh. Phải chăng, câu "Đường nhân ái còn đi mãi mãi" của ca khúc nói về một cách sống bất tử? Nếu quả như vậy thì thông điệp này còn sâu xa hơn lời ca trong bài "Đường Chiều Lá Rụng" của Phạm Duy....

Cho một số báo Xuân thì đấy là lòng tri ân được gửi đến tác giả, cùng với lời chúc Xuân.
____
Bài này viết cho Việt Báo Xuân Nhâm Thìn 2013, nhưng Quỳnh Giao gửi trước tới Phạm Duy qua email. Ông trả lời ngay rằng “trong bài Xuân Hành này cháu viết rõ ý chú nhất”. Vài ngày sau, ông tạ thế....
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562/posts/10208177725838872







54. Văn Cao - Tiếng Đàn Chơi Vơi



Nếu sinh vào thời khác hoặc xứ khác có lẽ Văn Cao đã là một nghệ sĩ lớn.

Nhưng lại không là Văn Cao của Việt Nam. Nỗi thiệt thòi của ông là một may mắn cho chúng ta nên Quỳnh Giao nhớ tới ông với lòng tri ân và nỗi ái ngại cho một phiến tài tình đã sống một đời cô đơn, với nghệ thuật chưa được đi tới tuyệt đỉnh đáng lẽ phải tới...

Văn Cao sinh tháng 11 năm 1923, thiếu thời còn đi học tại Hải Phòng đã có năng khiếu nghệ thuật. Sau này ông vẽ tranh, làm thơ, viết văn, vẽ phông, dựng kịch và soạn nhạc. Bộ môn nào cũng có nét tài hoa. Sinh sau Phạm Duy nhưng đi trước vào tân nhạc, Văn Cao sớm thổi vào nhạc thanh niên ở đầu thập niên 40 cả chất thơ lẫn hào khí lịch sử, nên mở ra kích thước mới cho loại này và báo trước các tác phẩm lớn về thể tài yêu nước như Thăng Long Hành Khúc, Gò Ðống Ða, Chiến sĩ Việt Nam, Bắc Sơn, và Trường ca Sông Lô.

Nhưng, cùng với nhạc hùng, Văn Cao đã viết Buồn Tàn Thu, Trào Lòng, Thu Cô liêu và Cung Đàn Xưa, các tình khúc lãng mạn sẽ báo hiệu Suối Mơ, Bến Xuân, Thiên Thai và Trương Chi, bốn tác phẩm trác tuyệt của tình ca Việt Nam.

Văn Cao đa tài, ăn nói có duyên và cư xử mã thượng, nhưng không ồn ào bộc lộ. Ông sống nhiều vì nội tâm và có lẽ gửi gấm bao nhiêu gió bão của cuộc đời vào nhạc, cho nên trong truyện ca xuất phát từ điển cố Trung Hoa như Thiên Thai, hay Việt Nam như Trương Chi, Quỳnh Giao ngờ là ông tâm sự về tự truyện.

Tự truyện đó có thể là nỗi cô đơn của người nghệ sĩ tài hoa. Ngồi đây ta gõ ván thuyền, ta ca trái đất còn riêng ta là như thế chăng?...

Dù chưa là tác phẩm lớn của Văn Cao về nhạc thuật, có lẽ vì sáng tác khi ông còn rất trẻ khi mới 16, Buồn Tàn Thu được yêu thích từ khi xuất hiện nhờ lời ca thần diệu đã kết hợp hai cảm xúc lay động hồn người khi đó, là tâm tư lãng mạn với điều mới mẻ và lòng hoài niệm nét cổ phong của một thời đang mất.

Trong tiềm thức dân ta thì hình ảnh ủ ê của ‘chinh phụ đan áo nhớ người đi ngoài sương gió’ đã được tác giả khơi dậy với lời ca đầy ước lệ trên cung thứ, trải dài từ đầu đến cuối tác phẩm. Nhạc thuật kém vì là một sáng tác của tuổi thơ, khiến ca khúc thiếu cân xứng (carrure), có thể ngưng và hát lại bất cứ lúc nào.

Nhưng nếu tuổi thơ thời ấy mà đã viết nhạc như vậy thì tuổi thơ thời sau phải cúi đầu nghĩ lại.

Cung Đàn Xưa là tác phẩm chuyển tiếp đưa Văn Cao từ không khí cổ phong tới các tác phẩm lớn về sau, với bốn phân đoạn công phu trong một bài ngắn, viết theo nhịp 3/4 rộn ràng về một mùa Xuân ảm đạm như lúc tàn Thu. Có lẽ nhịp điệu lôi cuốn với lời từ ai oán mà diễm lệ Ðường thi đã minh họa trước cái nỗi hận thiên thu của Trương Chi.

Với một tên khác là Bài Thơ Bên Suối, ca khúc Suối Mơ là bài thơ hay nhất mà Văn Cao đã viết bằng nhạc cho một con suối vào Thu nhờ ý thơ thanh thoát, lời ca man mác không u uẩn và vì nét nhạc mở đầu với cung thứ lãng đãng buồn để dạt dào với cung trưởng trong sáng ở đoạn sau.

Bến Xuân là bản tình ca đẹp nhất, ấm áp chứ không buốt lạnh nỗi đau như các tình khúc khác của Văn Cao. Lời tiếc nuối e ấp bay lượn trên nét nhạc u hoài trang nhã và tứ thơ lung linh màu sắc như một bức họa ấn tượng khiến Bến Xuân là nơi hội ngộ kỳ diệu của thơ, họa và nhạc trong một khúc tình ca. Tác phẩm là đỉnh cao của tân nhạc thời lãng mạn duy nhiên và trăm năm nữa vẫn làm ngất ngây lòng người.

Lời hai của tác phẩm có lẽ của Phạm Duy, trước khi Bến Xuân chắp cánh cho Ðàn Chim Việt bay vào thời chinh chiến.

Ðã tự ngàn xưa, con người ta mơ ước cõi tiên. Nhờ Văn Cao giấc mơ đó thành một tác phẩm lớn của tân nhạc... Thiên Thai là một bản trường ca nhỏ, viết như nhạc cảnh với các đoạn chuyển cung lẫn chuyển ý thần tình để vẽ lên tám bức tranh hư ảo của truyện cổ.

Nhưng, trong tranh Văn Cao có nhạc và trong nhạc có vũ. Trong khúc Nghê Thường đã có phím tơ lưu luyến cảnh biệt ly, và trong điệu sáo Thiên Thai mơ hồ đã có lời ca ngư phủ của Trương Chi.

Ánh trăng xanh mơ tan thành suối trần gian,
Ái ân thiên tiên em ngờ phút mê cuồng có một lần...

Trong tột đỉnh cuồng mê của tự truyện, người nghệ sĩ tài hoa thổ lộ cho ta cái cõi huyền diệu đó của giao cảm tiên tục, cho nên Thiên Thai quả là tác phẩm lãng mạn nhất trong khí hậu cổ phong được ông dựng lại.

Còn Trương Chi có thể là tâm sự của mọi người khi gặp bẽ bàng sau phút hoài mong vì mối chân tình lại không được đền đáp.

Ở Văn Cao, tâm sự đó có hay không là suy đoán về sau, chứ với ngàn sau - hoặc với chính ông - điều đó thực không quan trọng.

Với ngàn sau, điều quan trọng là ông để lại cho đời và cho cả nhân vật Trương Chi trong truyện tích nước ta một chân dung tuyệt đẹp, được viết bằng nhạc, được thêu bằng lời thơ gấm vóc. Y như Thiên Thai, đây là nhạc cảnh với hai đoạn chuyển cung phân biệt tâm sự Trương Chi với nỗi niềm Văn Cao, và nhiều đoạn chuyển ý nhờ ca từ diễm tuyệt.

Nếu giờ đây ta không còn biết Kiều gảy đàn với "tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa" là thế nào, thì tại đoạn chuyển cung thứ hai của bài Trương Chi, Văn Cao đã dùng thang âm ngũ cung cho mưa rơi trên cung đàn bên song cửa Mỵ Nương, trầm vút với tiếng gió, nghe như tiếng lòng nức nở... làm bao tiếng cầm ca rung ánh sao mờ.

Bản tình ca bất hủ ấy khiến từ đó người ta sẽ không thể viết về Trương Chi như đã viết, và từ đó giấc mộng chàng Trương sẽ sống mãi trong tâm khảm của dân ta.

Chúng ta hãy nhớ tới ông khi nghe lại Trương Chi.

Khi nhìn lại những tác phẩm Văn Cao đã viết cho tân nhạc trong thời gian vỏn vẹn có một thập niên, là những tác phẩm trác tuyệt trong từng thể loại, làm sao không tiếc cho một bậc tài hoa đã sớm ngừng bay lượn với âm nhạc?

Hình ảnh cô đơn của Văn Cao “vẫn ngồi riêng ta” như trong lời ca có lẽ đã là một định mệnh. Trong nỗi cô đơn nhuốm vẻ cao ngạo ấy, ông làm sao khác hơn là im lặng?

Văn Cao có cuộc sống cơ cực Ðỗ Phủ... mà để lại những khúc thơ phiêu hốt Lý Bạch, rồi như vầng trăng kia, ông lặng sáng trong tịch mịch cuối đời. Quỳnh Giao buồn mãi về hoàn cảnh đất nước và tâm cảnh riêng ông khiến các ca khúc đã gây xúc động cho cả chiến trường lẫn tình trường, Văn Cao lui khỏi thế giới âm nhạc dù sống giữa chúng ta cho tới 72 tuổi.

Người ta nên tiếc mãi những ca khúc không bao giờ có vì chưa bao giờ viết của ông, càng nuối tiếc lại càng trân quý các tình khúc Văn Cao...

Và càng xót xa cho cả một thiên thu trong tiếng đàn chơi vơi...

Quỳnh Giao viết ngày 26-4-2006
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562/posts/10208173548854450






55. HƯƠNG XUÂN và GIAI NHÂN


Quỳnh Giao từng nghe nam giới luận bàn về rượu, từ cách uống của Lệnh Hồ Xung tới ly chén của Tổ Thiên Thu, hoặc đánh giá các loại Clos này hay Chateau kia của Pháp hay California. Vì vậy, mình thầm nghĩ vì sao mùa Xuân về ta không bàn về một chất lỏng khác cũng làm say lòng người, dù nồng và cay hơn, mà lại chẳng phải uống vào bụng?...

Ðó là nước hoa... vốn là một sở thích từ bé của mình.

Chả thế mà mấy cô em gái mỗi lần viết thư thăm chị thường có đoạn tái bút “dạo này bà giám đốc hãng nước hoa có khám phá ra mùi gì mới chưa?”, hoặc “nơi chị vừa mới dọn đến, chắc là cửa hàng bán nước hoa làm ăn khấm khá hơn trước!”

Năm xưa, thì tạm gọi như vậy vì cũng đã sáu mùa xuân qua rồi, Quỳnh Giao đã viết nghịch một tạp bút về nước hoa cho số Văn Học Xuân Quý Dậu. Bài đó chỉ viết về các mùi hương tuyệt hảo mà các nhà sản xuất nổi tiếng trên thế giới đã tung ra để phục vụ nhu cầu của khứu giác, một giác quan yếu nhất vì kém tinh mà lại dễ bị nhiễu loạn nhất của chúng ta. Chứ gì nữa?...

Không tin, bạn cứ ở miền Ðông này vào mùa Xuân đi, cả người Mỹ cũng khóc vì tháng Tư đó. Mắt mũi cứ lã chã giọt châu rơi, hoa xuân đẹp rực rỡ mà chẳng dám hé cửa thưởng ngoạn, vì sợ bị dị ứng với phấn hoa.... Năm nay, thay vì bàn về các nhà sản xuất ra nước hoa, Quỳnh Giao lại lạm bàn về... phía bên kia, về người dùng nước hoa. Biết đâu bài viết lọt mắt xanh... ông chủ hãng nào đó, dám mình được mời làm cố vấn, hay tệ lắm cũng được biếu free sample thử dài dài...

Nói chơi vậy chứ người sành nước hoa chỉ chọn “một” mùi thích hợp chứ ít đổi tới đổi lui vì mùi mình bôi là “cá tính” riêng của mình, trở thành một hành trang (Quỳnh Giao nói hành trang vì nghĩ tới mùi Equipage của nhà Hermès người bên cạnh thường dùng) đi cùng nhân dáng của mình. Ðôi khi, người ta cũng đổi thay mùi hương cho hợp với khí hậu, như mùa hè dùng mùi khác với mùa đông. Riêng Quỳnh Giao thiển nghĩ là khác mùa cũng vẫn nên dùng một mùi, chỉ đổi ở chỗ đậm lạt, từ "eau de toilette" là loại nhẹ, sang "eau de parfum" rồi tới "parfum" là tinh chất nước hoa nên mùi đậm và bền hơn.

Nhân đây, phải nói nam giới là phái khỏe nên yếu hơn chúng tôi nhiều vì không có parfum, chỉ có eau de Cologne!

Nếu lạm bàn nhiều mùi quá, thì bài tạp bút này sẽ dài lắm, và nhà xuất bản sẽ tốn tiền pha mực lẫn mùi hương lên từng trang giấy, nên chỉ viết và phân tích một số mùi mình ưa thích.

Có lẽ vì khứu giác chúng ta không tinh bằng các giác quan kia, nên ký ức của nó mới dễ gợi nhớ tới nhiều điều mơ hồ vây quanh, và nhớ khá lâu, như vết chém trong tâm tư, còn đậm nét hơn cả một mầu chiều tím lịm ghi bằng thị giác. Chẳng riêng nước hoa, mà khi xa con, không người mẹ trẻ nào lại không quay quắt nhớ mùi thơm sữa trên má trên cổ đứa bé, chỉ mong chóng về để “hít lấy hít để” mùi... con mà cũng là từ mình...

Hương gây mùi nhớ là thế đó.

Nhưng, về sau này, người ta không còn bôi nước hoa vì lý do... ích kỷ ấy nữa, mà trước tiên có lẽ để làm chính mình vui vì thấy thoải mái với hương thơm vây quanh. Dù chả đi đâu ra ngoài, nhiều người chẳng xức nước hoa buổi sáng đó ư?

Ngày còn bé, nước hoa đối với Quỳnh Giao có sức thuyết phục hơn lời nói. Sức thuyết phục của nước hoa thì không cưỡng được. Qua khứu giác và trí tưởng tượng, nó đi vào mình như hơi thở đi vào phổi. Ngày ấy cứ mỗi lần ông ngoại đến chơi, con bé thích nhất được ông ôm vào lòng, để được ngửi mùi nước hoa thơm nhẹ nhàng và đầm ấm của ông. Và mình bỗng thấy được bao bọc che chở, cảm thấy hạnh phúc vô cùng. Ông cụ lúc ấy cỡ lục tuần, mùi eau de Cologne ông thường xức có tên Jicky là của nhà Guerlain, được coi như vô địch về nước hoa của Pháp. Tra trong cuốn tự điển nước hoa mà nhà tôi tặng ngày mới gặp lại (chàng khôn lắm bạn ạ, đánh trúng yếu điểm của mình), thì thấy gốc của nó là fougère, hình như là cây dương xỉ, trong Nam mình gọi là lưỡi rắn.

Sau đấy Quỳnh Giao đi tìm thêm nhiều tài liệu khác trong quán sách để biết thêm các công thức của nhiều loại nước hoa. Miệt mài cứ như là học trò sắp dùi mài kinh sử để đi thi vậy. Mỗi khi vào hiệu sách, ngoài việc đi tìm mua truyện trinh thám mình rất mê, Quỳnh Giao hay lục lọi tìm sách viết về nước hoa, thường rất hiếm, hoặc có khi cổ quá, đã lỗi thời. Mà đâu muốn tìm sách giới thiệu nước hoa thôi, Quỳnh Giao còn muốn ngửi thử và tìm hiểu công thức, tên các tinh dầu, hương liệu v.v... thế mới rắc rối!...

Theo kết quả “điều tra” thì Jicky tổng hợp hương liệu của huê mộc, tinh dầu cam chanh, chanh, oải hương, lá mê điệp, hoắc hương và bạch đàn. Jicky có mùi thơm quý phái và rất nhẹ. Nếu bôi buổi sáng, đến trưa phải bôi lại, không thì mùi đã phai nhiều. Ðiều đáng nói là bà ngoại cũng dùng Jicky. Ðây là mùi mà ta gọi theo lối bây giờ là unisex, dùng cho cả hai phái. Bạn đọc có tưởng tượng ra không, Jicky được Aimé Guerlain sáng chế từ năm 1889, và được coi là nước hoa đầu tiên của thời hiện đại đấy!

Một năm trước đây, Quỳnh Giao có đọc được trong một tờ nguyệt san phụ nữ của Mỹ bài viết về các đệ nhất phu nhân, qua đó được biết hai đệ nhất phu nhân Roosevelt và Truman đều xức Jicky. Hương thơm của Jicky nhẹ, thanh thoát mà vẫn ấm áp. Cái chất nhẹ mà ấm đó thích hợp với người đã đứng tuổi, có địa vị và tính tình trang nghiêm. Jicky có lẽ hợp với mẫu người đẹp trang trọng, dù vẻ bên ngoài cứ như là dửng dưng với cuộc đời, như Deborah Kerr, Kim Novak, Ingrid Bergman xưa kia, hay Glenn Close ngày nay chẳng hạn...

Cũng trong một cuốn sách quảng cáo nước hoa, mới đây Quỳnh Giao đọc được một bài viết về Creed, nhà sản xuất nước hoa của Pháp. Trước đây, Creed có làm riêng sáu loại nước hoa không bán trên thị trường, trong đó có ba loại dành riêng cho các minh tinh màn bạc nổi tiêng. Một cho Grace Kelly do lời yêu cầu riêng của ông Hoàng Rainier để nàng dùng ngày tân hôn khi đội vương miện nữ hoàng Monaco, sau được đặt tên là Fleurissimo. Một cho nữ tài tử có nét mảnh mai quí phái là Audrey Hepburn, lấy tên là Hoa Xuân (Spring Flowers). Mùi thứ ba mình không nhớ tên là dành cho nam tài tử gốc Anh là Cary Grant. Ðến nay cả ba đã ra người thiên cổ, những mùi đặt riêng đó mới được đem bán rất hạn chế ngoài thị trường.

Quỳnh Giao đã đến Neiman Marcus vì chỉ ở đó mới có bán ba mùi ấy, và chỉ đặc biệt vào dịp Giáng sinh thôi, để đòi... thử cho biết. Không thấy bầy ra ngoài như những thứ nước hoa khác tại quầy nước hoa, mình phải hỏi người bán hàng – một người đàn ông da trắng ăn mặc lịch sự - về loại đặc biệt này. Trong ba loại đó, Quỳnh Giao ưa Fleurissimo hơn cả vì giống như người dùng là Grace Kelly. Fleurissimo thơm nhẹ nhàng, kín đáo, cao quý và rất thanh thoát. Trong tạp chí được đọc thì mùi dành cho Cary Grant nay được Clint Eastwood, Richard Gere, Val Kilmer và khá nhiều nam tài tử khác dùng.

Ðược phỏng vấn là vì sao mùi này lại được nhiều tài tử tuổi tác và cá tính khác nhau cùng thích, nhà sản xuất trả lời: Những người có cá tính mạnh mẽ thường thích dùng mùi nhẹ, thật nhẹ, vì họ không muốn một thứ gì (kể cả nước hoa) lớn hơn họ, họ phải lớn hơn mọi thứ và bao trùm mọi thứ.

Nghe thấy kể như vậy, từ đó nhà tôi bèn đòi bôi nước lã... cho yên tâm.

Ngoài Jicky, mùi nước hoa coi như lâu đời nhất nay vẫn còn được bán vì vẫn có người dùng, nhà Guerlain còn có Shalimar sáng chế từ năm 1925 là mùi bán chạy nhất của họ. Cái mùi này mới ly kỳ.

Shalimar nghĩa là phiến tình hay khối tình, và Quỳnh Giao nghĩ rằng dịch cho thơ mộng thì phải là lâu đài tình ái. Mùi này khởi đi từ ngôi lâu đài mà quốc vương Shah Jedan xây tặng người yêu là hoàng hậu Mumtaz Mahal, là tòa Taj Mahal nổi tiếng ở Ấn Ðộ. Shalimar thơm nồng nàn những hương vị đặc biệt Ðông phương, quyến rũ mà... hơi ngọt nữa! Bạn đọc có biết vì sao không?... Vì có dầu vanilla, thứ dầu mình vẫn dùng làm bánh hay quay kem đấy! Ðây nhé, công thức của Shalimar là hoa chanh, hoa hồng, hoa nhài, hoa khoa diên vĩ (iris), tinh dầu cam chanh, va-ni, trầm, cây độc hoạt điểu.

Mùi này, xưa kia là mùi của đệ nhất phu nhân Jackie Kennedy và Rita Hayworth.

Theo mình tưởng tượng, phụ nữ trẻ, đẹp não nùng trong dáng cao ngạo thì bôi Shalimar thật hợp, như Ava Gardner, Fanny Ardant hay Sophie Marceau đã xuất hiện bên James Bond chẳng hạn...

Từ lâu rồi, nhà tôi gọi Shalimar là độc dược của femme fatale, vẻ Ðông phương tàn khốc dưới mái tóc đen xậm, làm đàn ông biết là sẽ bị vật chết mà vẫn ôm tim đi tới... và tơi tả đi lui, gọi đó là hạnh phúc.

Nhà Guerlain còn có nhiều mùi nước hoa khác cũng khá hấp dẫn, nhưng vì viết về người bôi nước hoa, Quỳnh Giao chỉ muốn có vài thí dụ điển hình thôi, nên khỏi nói về mùi Mitsouko, sáng chế năm 1919 với tên một nhân vật nữ trong vở Madame Butterfly, hay Samsara là mùi mới ra đời vài năm nay mà cũng rất được ưa chuộng ở Mỹ. Thực ra, chỉ với hai chai Jicky và Shalimar thì nhà Guerlain cũng đủ gieo sóng gió trong chốn nhân gian rồi.

Nhà Chanel nổi tiếng sản xuất quần áo và nước hoa cực kỳ thanh lịch, được những người đứng tuổi ưa thích. Lừng lẫy nhất là Chanel số 5 (1921).

Cho tới nay, Chanel số 5 là mùi classic nhất, được trưng bầy thường trực tại phòng triển lãm nghệ thuật hiện đại New York từ năm 1959. Nữ tài tử Marilyn Monroe từng tuyên bố như khiêu khích, rằng khi vào giường ngủ nàng chỉ “mặc” Chanel số 5!... Ngoài ra, Marilyn còn dùng mùi Joy (1930) của nhà Jean Patou nữa.

Và mình nghĩ Marilyn và cả Madonna thời nay, có lẽ hợp với Joy hơn là Chanel số 5. Joy thơm nồng ấm, hơi mạnh và dù rất quí phái, vẫn nặng chất sexy. Khi ngửi Joy, ta liên tưởng đến những người đàn bà khêu gợi, thân hình hơi đẫy, da trắng mỡ màng. Nếu có người Trung Hoa ở đây, chắc là họ sẽ nói mùi Joy là nước hoa của Dương Quý Phi.

Joy được xem là nước hoa đắt tiền nhất và có rất nhiều hãng về sau cố bắt chước mà không thành công được như vậy. Lý do ư?

Ngoài hương liệu cất từ hoa hồng Bảo Gia Lợi {Bulgaria) và hoa nhài, Joy là hợp chất của 100 loại dầu và tinh dầu khác! Chanel số 5 thì tổng hợp sáu loại hoa và bốn loại tinh dầu, là hoa hồng, hoa nhài, hoa khoa diên vĩ, hoa linh lan, hoa sơn trà, hoa thủy tiên, hương bài, hoắc hương, long diên hương và xạ hương.

Các bạn thấy chưa, thu góp bao nhiêu hương liệu của đất trời mới có được một mùi độc đáo như thế.

Cái hay của Chanel số 5 là có nhiều người cùng bôi, nhưng mỗi người lại toát một hương thơm đặt biệt như được chế cho riêng mình, vì cái chemistry, cái phản ứng hóa học của da thịt mỗi người đều khác nhau đối với công thức độc đáo của nó. Tuy nhiên, vì mùi thơm thanh nhã, đài các và đượm vẻ cổ kính, Quỳnh Giao nghĩ Chanel số 5 chắc thích hợp với phụ nữ đẹp lộng lẫy và quí phái. Các nữ tài tử Catherine Deneuve, Vivien Leigh, hay cô đào nổi lên từ phim Zorro là Catherine Zeta Jones chẳng hạn...

Mười bốn năm sau khi bà Gabrielle Chanel tạ thế, những người kế tự cho ra đời mùi Coco (1985) là biệt danh của nữ chủ nhân quá cố. Tại Mỹ thì mùi Coco mới mẻ này lại không được thịnh hành lắm. Nói chung, dường như dân Hoa Kỳ chưa có khứu giác tinh tế như người Âu, họ thích những gì hoặc quá đậm, hoặc quá nhạt. Người Mỹ lớn tuổi thường thích mùi ngọt lịm, còn lớp trẻ thì thích mùi nhẹ như hoa, trái cây hoặc... cỏ dại mà thôi.

Có lần xem một đoạn phim cũ phỏng vấn Gabrielle Chanel quan niệm về nước hoa của bà, Quỳnh Giao nhớ câu trả lời thật lý thú: “Tôi thích nước hoa vì nó cho tôi cảm giác mình trở thành một người văn minh, thanh lịch, không phải là từ giầu qua nghèo, mà từ thô kệch đến phong nhã. Nước hoa phải như một thứ “luxury”, một xa xỉ phẩm, chứ không thể thơm mùi một trái cây hay một thứ hoa được. Nếu muốn ngửi các thức ấy cứ ra chợ mà ngửi”.

Ðáo để chưa?!...

Mùi Coco có rất nhiều hương liệu và công thức pha chế chắc rắc rối lắm.

Ðây nhé, có nhựa độc hoạt điểu, an tức hương, cây hương đậu, bạch đàn, đinh hương, oải hương, tinh dầu hoa cam và hoa hồng Bảo Gia Lợi. Coco thơm nặng hơn Chanel số 5, hơi cay và nồng, nên dùng vào mùa đông rất đúng. Mùi này có lẽ thích hợp cho loại phụ nữ đẹp ngổ ngáo và hơi hoang dại một chút, như Brigitte Bardot hay Raquel Welch chẳng hạn...

Christian Dior cũng có nhiều mùi nước hoa thơm danh tiếng.

Mùi đầu tiên của họ là Miss Dior (1947), Quỳnh Giao nghĩ là mùi “thiếu nữ” chẳng do cái tên mà vì thơm nhẹ và thoáng. Cái chất “thoáng” có lẽ do tổng hợp mùi của các loại cỏ, các loại hương từ gỗ chứ không từ hoa mà ra, như tinh dầu cam chanh, long diên hương, xạ hương, hoắc hương, hương bài và... rong biển.

Miss Dior thích hợp cho thiếu nữ, hay phụ nữ thanh tao dáng thiếu nữ, chứ không mang vẻ mệnh phụ. Có lẽ Miss Dior hợp với Meg Ryan hay Julia Roberts chẳng hạn... Ngoài ra, nhà Dior còn có Diorissimo (1956) thơm mùi hoa và tổng hợp bảy loại hoa, từ hoa nhài, hoa linh lan, hoa cam, hoa hoàng lan, hoa loa kèn tím (người khác gọi là cung nhân thảo).

Diorissimo thơm như thể mình đứng ở chợ hoa ngày Tết, đặc biệt là có dư hương rất đậm mùi thủy tiên, dù trong các loại hoa vừa kể không có thủy tiên, thế mới thần tình. Bôi mùi này vào dịp đi chơi núi, như đi Ðà Lạt, hay đi cắm trại thì rất thích hợp, mùi ngọt nhưng phảng phất và gần gũi thiên nhiên, dù có khi dễ bị ong bướm vây quanh vo ve bài quan họ "hoa thơm bướm lượn". Loại phụ nữ có vẻ khỏe mạnh, da nâu hồng và tóc dài rậm rất thích hợp với Diorissimo, thí dụ như nàng Bo Derek năm xưa...

Hãng Guy Laroche cũng có mùi tương tự như Diorissimo mang tên Fidji (1966) là một hải đảo giữa Thái Bình Dương.

Fidji gồm tổng hợp hương thơm của năm loại hoa và sáu loại tinh dầu, là biển bách, khoa diên vĩ, tường vi, hoa hồng Bảo Gia Lợi, hoa nhài, đinh hương, bạch đàn, hoắc hương, sả, nhựa thông, xạ hương vùng Tây Tạng, và long diên hương của vịnh Ba Tư. Ðây là mùi hoa cỏ thiên nhiên mà rõ là phải lên núi xuống biển mới có, nhưng đặc biệt hơn là lại thoảng chút nồng nàn của đô thị, có thể dùng khi đi nghỉ mát cũng như khi đi làm. Vì hương của Fidji nhẹ thôi nên có dùng trong phòng làm việc chung đụng với nhiều người cũng không làm đồng nghiệp bị choáng váng vì dị ứng!..

Ngày xưa, Fidji được quảng cáo với tấm hình một phụ nữ quấn một con trăn hoa trông rất man dại và khêu gợi một cách nguy hiểm. Sau này, chắc là các ông sợ nên cho hội Bảo vệ Súc vật lên tiếng phàn nàn, đâm ra không thấy hình quảng cáo này nữa! Quỳnh Giao tưởng tượng Sandra Bullock bôi mùi này rất thích hợp với vẻ đẹp khỏe mạnh và tự nhiên của nàng...

Nhà Hermès xưa kia khởi nghiệp là đóng hành lý, sau nổi tiếng về ví da, khăn lụa và cả cà vạt (cho các ông), thứ nào cũng đắt mà bán rất chạy. Hermès có mùi Calèche (1961) mình rất yêu thích. Tự cái tên cũng đã hay rồi, vì gợi lại hình ảnh cổ kính và thanh lịch của thế kỷ 19 đầy lãng mạn: cỗ xe song mã, phương tiện di chuyển của giới lịch lãm Paris vào thế kỷ trước, bên trong có đệm lót lụa là... Calèche tổng hợp hương thơm các loại hoa như hoa nhài, hoa hồng, hoa tường vi, hoa khoa diên vĩ, hoa nguyệt quế, hoa điều bá hương, và bạch đàn.

Calèche thơm rất nhẹ, bôi buổi sáng đến trưa đã tan, nhưng trong tàn phai vẫn có sự tồn tại... Khi tan đi, Calèche còn phảng phất mùi ấm, ấm như cái gối trẻ con nằm lâu ngày có một dư hương đặc biệt. Nước hoa cũng như con người, nó sống có thời gian, có thời trẻ, thời trưởng thành và tuổi già. Chỉ khi nào nó tỏa mùi dễ chịu như nhau trong cả ba giai đoạn thì mới được gọi là đạt. Calèche đạt ưu điểm ấy.

Mùi này thích hợp với những phụ nữ mảnh mai, có dáng đài các, đằm thắm dịu dàng và kín đáo. Quýnh Giao nghĩ Grace Kelly, Audrey Hepburn, công nương Diana, hay nữ tài tử trong phim Shakespeare in Love là Gwyneth Paltrow chẳng hạn...

Người tặng tôi chai Calèche đầu tiên là... người bên tôi. Sành điệu!

Ngày còn thiếu nữ, Quỳnh Giao vẫn nhớ mẹ ưa dùng Arpège (1927) của nhà Lanvin, một nhà sản xuất quần áo lừng danh, nhất là áo cưới.

Arpège thu góp chỉ năm loại hương thơm của hoa, là hoa nhài, hoa hồng Bảo Gia Lợi, hoa linh lan, hoa trà, và hoa lan dạ hương (hyacinth) thành một mùi tinh tế khác. Cho đến nay, Arpège vẫn là loại nước hoa được ưa thích trong các mùi đã thành cổ điển. Khi còn thiếu nữ tôi cũng dùng mùi này, vì mùi thơm mà cũng vì cái tên liên quan đến chuỗi âm thanh của nhạc!... Nhưng lạ thay, khi có mang cháu gái, cứ ngửi mùi Arpège là tôi choáng váng buồn nôn, từ đó hết dùng được nữa.

Arpège thơm nhẹ mà bền. Mùi hương nồng nàn quyến rũ và đầy nữ tính. Ngày nhỏ, đi xem Natalie Wood đóng với Warren Beatty trong phim Splendors on the Grass, không hiểu sao, mình cứ có ấn tượng là nàng đang bôi mùi Arpège. Ngoài Natalie Wood ra, cò lẽ Pier Angeli ngày xưa và Michelle Pfeiffer hay Kim Bassinger ngày nay cũng rất hợp với mùi này.

Marcel Rochas sản xuất nhiều mùi nước hoa độc đáo, trước hết là mùi Madame Rochas (1960).

Sài Gòn vào đầu thập niên 70 rất chuộng mùi này, đến nỗi vào quán nhạc là y như có 20 bà Rochas ngồi ở dưới. Quỳnh Giao có nhược điểm là hễ thấy nhiều người dùng rồi thì không thích nữa, dù Madame Rochas rất thơm. Nồng nàn và dịu ngọt, đó là tổng hợp của 200 loại tinh dầu cùng các mùi hoa như hoa nhài, hoa thủy tiên, hoa tường vi và hoa hồng Bảo Gia Lợi... Mình tưởng tượng là mùi này thích hợp cho những buổi party lịch sự, hoặc đi nghe nhạc vào buổi tối, vì hương của nó có vị ấm, hơi nóng một chút. Những phụ nữ lịch lãm và kiêu kỳ dưới vẻ lộng lẫy có lẽ rất hợp với mùi này, chẳng hạn như Heddy Lamarr trong vai Dalilah hoặc Elizabeth Taylor trong Cat on the Hot Tin Roof mà thời xưa chúng ta biết dưới tên Pháp là La chatte sur un toit brulant.

Ngoài ra Marcel Rochas còn sản xuất mùi Femme (1944) làm quà cưới cho vợ, sau đó mới chia sẻ cho người.

Femme nồng nàn tính khêu gợi của phụ nữ. Hương của Femme tổng hợp 100 thứ tinh dầu và các loại hoa như hoa nhài, hoa hồng Bảo Gia Lợi, hoắc hương và long diên hương. Mùi Femme mới ngửi thì có mùi của hoa và cả trái cây, nhưng tan đi thì dư hương là trầm và quế, mặc dù trong công thức không có hai thứ ấy, thế mới thấy sự tài hoa của các nhà hóa học, như những phù thủy về mùi hương!

Quỳnh Giao cho rằng Femme thích hợp vào mùa đông, với phụ nữ tình tứ và quyến rũ ở cá tính rất mạnh, như Sophia Loren ngày xưa hay Sharon Stone và Demi Moore thời nay chẳng hạn....

Nhà sản xuất thời trang là Nina Ricci có L’Air du Temps (1948) là loại nước hoa có mùi rất thoáng và rất thiếu nữ. Tổng hợp mùi thơm của các loại hoa như hoa trà, hoa nhài, bạch đàn, hoa cúc, hoa cẩm chướng, tường vi và hoàng lan. Tuy nhiên, theo mình nghĩ, mùi này khi phai lại vương mùi phấn nên không có dư hương sang quý.

Cũng như thế, nhà sản xuất nước hoa Caron có một mùi Fleurs de Rocaille (1930) rất được yêu thích ở Việt Nam vào thập niên 50. Fleurs de Rocaille có mùi thơm dịu dễ thương lắm, nhưng khi bay đi thì chỉ còn mùi phấn, dù công thức cũng khá cầu kỳ vì tổng hợp hương liệu của hoa tử đinh hương, hoa huệ, hoa linh lan, hoa nhài, đinh hương, hoa lan tím, khoa diên vĩ, hoa hồng, bạch đàn, xạ hương.

Cả hai mùi, L’Air du Temps và Fleurs de Rocaille, thích hợp với những thiếu nữ trẻ thơ, nét mặt còn vẻ sinh viên và nũng nịu như Sandra Dee khi đóng Mirage de la Vie (Imitation of Life) với Lana Turner và John Gavin...

Nhà Yves Saint Laurent có mùi Rive Gauche (1971) cũng là tên tiệm quần áo khi xưa của họ trên tả ngạn sông Seine. Vừa tung ra, Rive Gauche được giới phụ nữ trẻ tuổi yêu thích, tương tự như sự thành công của nhà Balmain khi tung ra Miss Balmain (1967).

Cả hai mùi vừa kể là của hai hãng khác nhau nhưng lại có chung kết quả.

Rive Gauche gồm hoa trà, dạ lý hương, hoa nhài, hoa hoàng lan, hoa khoa diên vĩ, hoa mộc lan, hương bài và bạch đàn. Miss Balmain gồm có hương của hoa hồng, bạch đàn, long diên hương, rong biển, vỏ cam, thông, hoắc hương và hương bài. Các thiếu nữ hoặc thiếu phụ còn trẻ thì rất thích hợp, dù mùi hương sexy nhưng không quá lộ, quá nồng. Rive Gauche và Miss Balmain có lẽ hợp với những phụ nữ có dáng vẻ nhanh nhẹn, vui tươi và có duyên Shirley Mc Laine ngày xưa hay Nicole Kidman và Angelica Jolie xuất hiện bên Denzel Washington trong phim The Bones Collector chẳng hạn....

Từ nãy giờ, đọc bài tạp bút chắc độc giả chưa ngửi thấy gì đã bị nhức đầu vì cứ lập đi lập lại bao công thức và tên của các loại hoa rất lạ. Ấy! Ðấy mới là cái tài của những nhà sáng chế nước hoa. Nghĩ tới việc người ta phải tìm ra hạch bài tiết của súc vật trộn với tinh dầu hay cốt hương của mọi loại kỳ hoa dị thảo từ đỉnh núi xuống đáy biển, để cất thành dung dịch có mùi thơm riêng biệt nhằm làm đẹp cho đời... mình thấy con người thật đáng yêu.

Cũng hoa nhài, hoa hồng, hoa linh lan, hoa hoàng lan, cũng tinh dầu của hoắc hương, bạch đàn, xạ hương, long diên hương trộn tới trộn lui. Nhưng pha chế làm sao, gia giảm thế nào, vị nào nhiều vị nào ít mới và chúng tác động với nhau ra sao... là điều quan trọng, vì đưa đến kết quả mỹ mãn cho khứu giác từ khi bôi đến khi bay mà còn làm mình bâng khuâng.

Vẫn biết rằng hữu xạ, tự nhiên hương, nhưng đó là nói bóng gió mà chẳng để lại mùi thơm nào cả: Có phải ai cũng như nàng Hương dược xoa Mộc Uyển Thanh của Kim Dung, sinh ra là đã có mùi thơm tự nhiên tỏa ra từ da thịt? Vì vậy mà người xưa mới phải tắm trong nước trải hoa, và thời nay mới dùng nước hoa...

Quỳnh Giao trộm nghĩ rằng một trong những nét văn minh của con người là làm đẹp, và nhiệm vụ đầu tiên là phải làm đẹp cho... phái đẹp. Từ cổ xưa tới nay, và ngay trong các dân tộc mà nhiều người bạo miệng gọi là bán khai, người ta đều chứng kiến cái nỗ lực làm đẹp đó, trước tiên qua các vật trang sức, tới y phục rồi những vật dụng hàng ngày. Tột cùng của nỗ lực làm đẹp đó là nước hoa, vì là vật trang sức cho cái đẹp vô hình, mà lại thay đổi cùng thời gian nội một ngày.

Các loài chim muông có thể có bộ lông, tiếng hót hoặc mùi hương, và nhiều mùi khó ngửi khác, để nhận ra nhau, để kêu gọi và tìm đến nhau mà tiếp tục cuộc sinh tồn (nói theo giọng vệ sinh của các cụ). Chỉ có loài người là siêu đẳng đến mức làm đẹp và rải mùi thơm lên mình mà chẳng phải vì cái mục tiêu... truyền chủng đó.

Thật vậy, đây là hành động tiêu biểu nhất của cái mà triết gia Pháp gọi là... "l’acte gratuit" dù lại rất đắt tiền: thời nay, phụ nữ dùng nước hoa chủ yếu để chiều lòng mình, chứ không để “phân vùng ngự trị” mà cũng chẳng để chinh phục ai hết.

Còn lại, có ai vì hương thơm đó mà ngẩn ngơ thì... cứ ráng mà chịu, khi giữa cảnh Xuân về vẫn thấy mình lủi thủi đời Ðông giá chỉ vì tưởng nhớ lại một mùi hương cũ, đã phai trong không gian mà vẫn đậm trong trí nhớ...

Quỳnh Giao, Xuân 2000.
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562/posts/10208163006510898





56. Nghe Những Xót Xa Từ Ðồng Cỏ của Nguyễn Ðình Toàn


Kính thưa quý vị và các bạn,
Nguyễn Đình Toàn

Với riêng Quỳnh Giao, có đôi lời giới thiệu về tác phẩm Ðồng Cỏ của Nguyễn Ðình Toàn là việc hơi khó. Quỳnh Giao xin vắn tắt giải thích tại sao.

Vào đầu, khi đọc lời giới thiệu của nhà xuất bản Ðồng Dao về hoàn cảnh kỳ diệu khiến tác phẩm của Nguyễn Ðình Toàn được xuất bản tại Úc, Quỳnh Giao chợt thấy bùi ngùi xót xa về những khốn khó của văn chương và tác giả.

Nhớ lại tác giả và cả quãng tuổi đôi mươi khi mình hát trong đài phát thanh, nơi mà Nguyễn Ðình Toàn đã cộng tác khá lâu, Quỳnh Giao mở tác phẩm ra mà như bồi hồi lần giở lại những kỷ niệm thơ mộng nhất thời con gái.

Nguyễn Ðình Toàn không chỉ viết tiểu thuyết, làm thơ, ông còn thực hiện với nhiều tài hoa và tận tụy các chương trình nhạc chủ đề đã một thời dựng nên phong cách âm nhạc riêng của chúng ta. Một phong cách rất nghệ thuật, một sự kết hợp đẹp nhất giữa văn học và tân nhạc của miền Nam trong chiến tranh. Phải nói rằng ông cũng đã đem lại tên tuổi rạng ngời và cả chiều sâu nghệ thuật cho nhiều nghệ sĩ trình diễn trước đó đã xuất hiện trong các phòng trà, quán nước hay khuôn viên đại học.

Vì những kỷ niệm đó mà Quỳnh Giao thấy ngùi ngùi khi đọc Ðồng Cỏ, như đang gặp lại những người thân sau hơn 20 năm xa cách. Kỷ niệm xa xưa và cả không khí ấm áp của những năm tháng trong đài phát thanh đã ùa ra như nước mắt trên từng trang sách, trên từng lời nhạc tác giả trích dẫn rất nhiều, vì hai nhân vật chính của tiểu thuyết là nhân viên đài phát thanh, và không gian của tác phẩm là Sàigòn đã mất, thời gian là những năm 73, 74, trước khi..."đời đứt ngang rồi".

Nhớ lại tác giả mình đã quý mến sau bao năm làm việc chung, Quỳnh Giao cũng nhớ lại mấy mươi năm đất nước biến động và những hoạn nạn đã xảy ra cho ông sau 1975. Những gì xảy ra sau đó, và cuộc sống hơn 20 năm trên vùng đất mới, thực ra có làm thay đổi những nhận thức và cảm quan của chúng ta về cuộc sống và về văn chương chữ nghĩa.

Trong tác phẩm, Nguyễn Ðình Toàn có hé mở cho ta thấy tâm tư của một thiếu nữ sắp lên đường đi xa, vì vậy mà người đọc sẽ thường xuyên đối chiếu, trong cõi vô thức của mình, những gì tiểu thuyết viết về hoàn cảnh sống bên trong và bên ngoài, với những gì mình đã thâm nghiệm thấy qua thực tế. Ta dễ đánh giá tác phẩm, và có khi đánh giá bất công, trên sự so sánh đó.

Quỳnh Giao có nói là sẽ khó có những cảm nghĩ vô tư về Ðồng Cỏ là vì những kỷ niệm chủ quan, những xót xa hướng về tác giả, vì những đổi thay của đất nước và cả những cảm nhận mới của mình khi được định mệnh xô qua bên này của tấm gương, trong khi tác phẩm viết về tâm tư của những người còn sống ở bên kia, bên trong, và viết với phong cách văn chương Việt Nam trước cuộc đổi đời của đất nước, của văn học và của chúng ta.

Vì vậy, Quỳnh Giao sẽ đặt tác phẩm trong khung cảnh xa xưa và cố không dựng lên bức vách 75 trong cách thẩm định của mình.

Cuốn tiểu thuyết viết về một người con gái tuổi đôi mươi, làm việc trong một đài phát thanh của một xứ triền miên chiến tranh, và như một cánh chim run rẩy trước không gian bạt ngàn sẽ bay tới, cô chuẩn bị đi du học tại một quốc gia văn minh thanh bình.

Phụng, nhân vật trong truyện, sẽ rời gia đình thân yêu, rời đài phát thanh và các bạn, rời Việt Nam binh lửa và đói rách như một đồng cỏ khô, để được bay bổng ra một cõi ngoài tươi thắm hơn. Nỗi bâng khuâng của người con gái, sự tần ngần xót xa của con người đa cảm trước một đổi thay lớn của đời mình, với biết bao ràng buộc thắm thiết với đồng cỏ để lại phía sau, đã được hoà nhập trong một mối tình đầu đời với một đồng nghiệp trong đài, một nhân vật mang nhiều vóc dáng của chính tác giả.

Cuốn truyện viết về những ngày cuối đó của Phụng.

Có những lúc tác giả viết về Phụng ở ngôi thứ ba, có những lúc Phụng tâm tình với người đọc trong ngôi thứ nhất của cách xưng danh, và chi tiết kỹ thuật đó làm nổi bật góc nhìn của tác giả, đó là nhìn sự thể từ một thiếu nữ. Nàng hoang mang với tất cả, lãnh đạm với tất cả, kể cả với tình yêu và những trao gửi tinh khiết của người con gái, như một cách chống đỡ vô vọng với những bất trắc trước mặt.

Tác giả thành công với cách miêu tả và những đối thoại tưởng như mơ hồ mà lại rất sắc nét, rất tinh tế. Những nhân vật phụ, cô em họ, cậu em họ và cả người tình của nàng, đều cũng được dựng lên lãng đãng xa xôi, với những câu nói bâng quơ và lời tâm sự tưởng như không ăn nhập gì vào mạch truyện, mà đều là những nhân vật rất thật, trong một cấu trúc chặt chẽ. Nguyễn Ðình Toàn diễn tả trọn vẹn cái không khí bất định và nỗi lòng u uẩn của chúng ta vào thời điểm đó, qua nghệ thuật viết như một bản phân cảnh cho một cuốn phim lãng mạn.

Về cốt truyện và nghệ thuật của Nguyễn Ðình Toàn, Quỳnh Giao có những nhận xét khái quát như vậy. Nhưng, Quỳnh Giao thiển nghĩ rằng đấy chưa phải là những điều đáng nói nhất về phong cách sống và về chính tác giả.

Cũng ngay trước 1975, chúng ta có được đọc một tác phẩm của Thanh Tâm Tuyền, cuốn "Một Chủ Nhật Khác". Không khí ngột ngạt và bức bí cũng như tâm tự rã rời chán chường của nhân vật trong truyện của Thanh Tâm Tuyền có báo hiệu những phong ba sẽ nổi dậy trên quê hương đất nước, như một cơn giông lớn sau những ngày oi bức khó chịu. Trong cùng thời điểm, Ðồng Cỏ của Nguyễn Ðình Toàn lại có cái gì đó dịu dàng mềm mại hơn mà không có chất bi thảm rất Tây phương, rất bi kịch.
Tác phẩm của Nguyễn Đình Toàn trước 1975.
Dường như Nguyễn Ðình Toàn có cái nhìn bao dung hơn về đời sống và lạc quan hơn về định mệnh. Ðọc Ðồng Cỏ, ta có thể hiểu vì sao ông chọn lựa sẽ ở lại, mặc cho những gì có thể xảy ra mà không phải rằng ông không biết.

Ðặc điểm thứ hai là trong truyện Nguyễn Ðình Toàn, ta thấy như khí hậu của Hà Nội đằm thắm trong ký ức đã phả hơi mát trên không khí nóng bức của Sàigòn. Những bồi hồi nhớ nhung của Phụng không chỉ thu hẹp trong cảnh trí và con người miền Nam, mà trải rộng trên cả quê hương hai miền. Trước chuyến ra đi, hành trang của Phụng đã được Nguyễn Ðình Toàn gói ghém gửi theo nhiều kỷ niệm và hình ảnh của miền Bắc mà ông đã mất từ 20 năm trước.

Vì vậy, Quỳnh Giao trộm nghĩ rằng nhân vật chính trong cả cuốn tiểu thuyết chính là hai chữ mà ta diễn tả một cách trừu tượng và mơ hồ là "quê hương".

Chất lãng mạn và trừu tượng đó được thấy rõ trong giây phút linh thiêng nhất của Phụng, khi nàng quyết định rủ Sơn đi Vũng Tàu cùng hai người em họ. Chuyến đi của nàng mang ý nghĩa của một chuyến hành hương cuối, và cả giây phút ái ân mà nàng vừa ngại ngần vừa táo bạo chọn lựa đêm đó cũng là một sự trao gửi với quê hương, lần đầu và lần cuối, với ánh trăng chan hoà trong da thịt.

Quỳnh Giao rất yêu chất lãng mạn bàng bạc trong cuốn tiểu thuyết và không khỏi liên tưởng tới không khí trữ tình trong bài Dưới Trăng của Dương Thiệu Tước.

Những người lãng mạn và thắm thiết yêu quê hương như vậy tất sẵn sàng trả mọi giá để bám chặt lấy quê hương. Cái giá đau đớn nhất họ phải trả, chính là không sáng tác nữa. Cũng vì vậy mà chúng ta càng trân quý những tác phẩm cuối của họ, được gìn giữ và chuyển lại cho chúng ta, hơn hai mươi năm sau. Xin cám ơn Nguyễn Ðình Toàn, nhà xuất bản Ðồng Dao, và xin cám ơn vị độc giả chúng ta không được biết tên, đã cất giấu tác phẩm của Nguyễn Ðình Toàn trong suốt thời gian qua. Còn những người đọc như vậy, còn những tác phẩm như vậy, có lẽ chúng ta chưa thể mất quê hương và chưa thể mất văn chương được.

Xin cảm tạ quý vị và các bạn.

Quỳnh Giao viết năm 1994, khi chưa gặp lại Nguyễn Đình Toàn.
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562/posts/10208157085162868






57. Thương Tiếc Lê Thương

Nhạc sĩ Lê Thương là người như Phạm Duy đã viết, thực sự “khóc cười theo mệnh nước nổi trôi” vì âm nhạc và cuộc đời của ông đã gắn liền với vận mệnh đất nước trong nhiều thập niên. Là một trong những người tiên phong khai sáng ra nền tân nhạc cải cách Việt Nam, từ những năm 1935 trở đi, ông đã trôi dạt khắp nơi từ Bắc vào Nam và có thể nói là làm đủ nghề, kể cả làm đốc công đồn điền cao su, giáo sư âm nhạc, đạo diễn điện ảnh và giáo sư về sử trong nhiều trường trung học miền Nam.

Sinh năm 1914, ông là người duyên dáng và có tài thuyết giảng, lại hiểu rộng biết nhiều nên bạn bè và cả những hậu sinh sau này ai cũng quý mến. Trong sự giao tế của ông ở mọi nơi với mọi người, nhạc sĩ Lê Thương chỉ để lại những tình cảm tươi thắm và những tiếng cười giòn dã.

Chúng ta không thể không nói tới tiếng cười khi nghĩ đến tên một ca khúc nổi tiếng của ông, là bài Thằng Cuội. Tên bài hát không phải là chị Hằng, cung Quảng, hay Nguyệt Ca Nguyệt Cầm, hay chú Cuội, như nhiều tác giả khác có thể đã viết, mà là Thằng Cuội. Và lại là một “thằng cuội già... ôm một mối mơ”. Làm sao chúng ta không nghe thấy tiếng cười khúc khích của cả trẻ thơ lẫn người lớn vì lời ca và hình ảnh ngộ nghĩnh này? Quỳnh Giao nhớ mãi bài ca thiếu nhi đó vì bài hát đã dẫn mình vào tân nhạc, khi Quỳnh Giao mới lên bảy và hát lần đầu trong Ban Tuổi Xanh của nữ kịch sĩ Kiều Hạnh, thân mẫu của Mai Hương.

Hôm nay, gặp nhau ở nơi đây để nhớ về Lê Thương, Quỳnh Giao nghĩ rằng đất nước ta quả là thiếu may mắn.

Lê Thương là người ôm nhiều hoài bão cho tuổi thơ. Lê Thương thường nói nhiều về những giấc mơ của ông cho các em thiếu nhi, nhưng ông không có điều kiện xây dựng và điều khiển một trung tâm sinh hoạt thiếu nhi chắc chắn là rất rực rỡ tươi đẹp. Những gì tuổi thơ nhận từ Lê Thương là một số bài ca bất hủ gần như em nhỏ nào cũng thuộc, nhưng, so với những ước mơ của ông cho tuổi thơ, phần di sản đó thực ra còn là ít ỏi và trẻ thơ nước ta hát nhạc Lê Thương mà có khi quên mất người. Ở một hoàn cảnh tốt đẹp khác, Quỳnh Giao nghĩ rằng nước ta đã phải có một vườn hoa cho thiếu nhi mang tên Lê Thương.

Ngày nay, nhớ Lê Thương, ai ai cũng nhắc đến liên khúc Hòn Vọng Phu và những lời ca mình nghe từ khi còn thơ ấu chưa hiểu gì. Quỳnh Giao nghĩ rằng chính là những hình ảnh trong truyện ca đó mới dẫn chúng ta sau này, vào tuổi khôn lớn hơn một chút, đến chỗ hiểu và yêu Chinh Phụ Ngâm và những trang hùng sử của dân tộc. Ðặc biệt là hào khí trong ba bài Hòn Vọng Phu của ông lại không u uẩn như hình tượng hòn vọng phu có thể gợi lên.

Quả như ông viết trong lời kết của bài cuối, trường ca Hòn Vọng Phu đã là

Vết bước đi trên phiến đá mòn còn in dấu,
từ bóng cây ngôi mộ bên đường,
từ mái tranh bên đình trong làng,
nguồn sử xanh âm thầm vẫn sống,
bao mối thương vang dậy trong lòng.

Nếu có so sánh lời ca trong Hòn Vọng Phu mà gần như ai cũng thuộc trước khi vào tới nhà trường để được làm quen với thơ nôm của Ðoàn Thị Ðiểm, như
bên Man Khê còn tung gió bụi mịt mù,
bên Tiêu tương còn thương tiếc bao ngàn trùng”,
hoặc
Ðò vạn lý, đò ải quan, đò rừng lá nước trong, bao cá lội từng đàn
Thành Cổ Loa, đền Vạn Kiếp, bao tháng năm vẫn chưa xoá nhoà...”

với một số tác phẩm xuất hiện trong cùng giai đoạn thì mới thấy rằng Lê Thương đã đi sớm hơn các tác giả đồng thời của ông. Chúng ta nhớ ông nhiều là vì vậy.

Lê Thương còn là người đã đào tạo ra nhiều thế hệ nhạc sĩ và nghệ sĩ. Khi ông mất, đa số lại ở xa để có thể đến thăm viếng thầy một lần cuối. Những ngậm ngùi và nuối tiếc đó đã khiến Quỳnh Giao ngây thơ tâm tưởng rằng cảnh nguyệt thực mới xảy ra ngay trước đêm rầm Trung Thu có thể là phương cách của cung Quế vấn tang thay cho chúng ta ở bên ngoài quê hương, để tiếc nhớ Lê Thương.

Ðược sinh hoạt từ sớm trong lãnh vực âm nhạc, Quỳnh Giao có hân hạnh học hỏi và quen biết nhạc sĩ Lê Thương. Nhưng, có một chi tiết rất đặc biệt về Lê Thương mà Quỳnh Giao được biết lại không ở trong lãnh vực âm nhạc. Nhạc sĩ Lê Thương không chỉ là đạo diễn mà còn là một diễn viên có tài. Ông từng thủ vai linh mục thật xuất sắc trong cuốn phim dựng trên hai tác phẩm của Nhã Ca về Huế trong Mậu Thân 1968. Cuốn phim Ðất Khổ này lại bị Bộ Thông Tin và Dân Vận thời đó cấm không cho chiếu vì nội dung quá bi thảm, nên đa số chúng ta không được thấy tài nghệ của một Lê Thương tài tử điện ảnh. Ðất nước ta không có may mắn cũng là trong ý nghĩa đó.

Lời cuối của Quỳnh Giao là tân nhạc Việt Nam đã trải qua sáu thập niên, thời gian coi như một đời người, từ thuở sơ sinh cho tới tuổi già. Lê Thương có góp phần nuôi dưỡng và phát triển nền tân nhạc đó ở nhiều khía cạnh khác nhau. Ông ra đi, Quỳnh Giao thực sự không rõ nền tân nhạc đó sẽ đi về đâu, điều đó có lẽ tùy thuộc ở những người đi sau. Nhưng, qua cách thức chúng ta tôn vinh những người có công khai phá và vun bồi cho tân nhạc và nghệ thuật, chúng ta có thể đoán biết ra tương lai của thể loại này. Vì vậy, với tư cách là một người trình bày các ca khúc và luôn luôn biết ơn những người sáng tác, Quỳnh Giao xin cảm tạ quý vị và các bạn đã tổ chức và tham dự buổi sinh hoạt tưởng niệm ngày hôm nay để tưởng nhớ nhạc sĩ Lê Thương.

Quỳnh Giao phát biểu trong đêm tưởng niệm Lê Thương, do Hội Văn Hoá Việt Mỹ, đài phát thanh VNCR và nhật báo Người Việt tổ chức ngày 4 tháng Mười 1996 tại phòng sinh hoạt báo Người Việt, Orange County, California.
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562/posts/10208148556229650
Ảnh Lê Thương (1914-1996) và ca khúc Hòn Vọng Phu (I) của ông





58. HOÀNG HẠC LÂU & VŨ HOÀNG CHƯƠNG - CUNG TIẾN

Sinh tiền, Vũ Hoàng Chương là thày dạy Việt văn của Cung Tiến. Ông sinh năm 1916, trước người nhạc sĩ tên tuổi này 22 năm. Nhưng với thói quen khoáng đạt của một nhà thơ, ông không hề câu nệ, vẫn coi Cung Tiến như người bạn vong niên hơn là một đứa học trò.

Có lần ông nói đùa. Rằng Cung Tiến phổ thơ biết bao người mà chưa từng phổ thơ Vũ Hoàng Chương! Cung Tiến không quên điều ấy, nhưng biến cố 1975 đã ụp trên cả nước và người nhạc sĩ thì lưu vong ra ngoài, còn nhà thơ kẹt lại ở bên trong với những Mai Thảo, Phạm Đình Chương, Thanh Tâm Tuyền, Phạm Xuân Ninh, Phan Lạc Phúc, v.v....

Trong nỗi bi phẫn về cảnh bạn bè tán lạc, Vũ Hoàng Chương đã cảm dịch bài thơ Hoàng Hạc Lâu nổi tiếng của Thôi Hiệu, rồi nhờ bạn bè chuyển được ra ngoài, đến tay Cung Tiến khi ấy còn ở Canberra bên Úc... Thôi Hiệu là nhà thơ khét tiếng thời Thịnh Đường vào đầu thế kỷ thứ tám. Bài thơ của ông khiến một người như Lý Bạch còn nghẹn lời không dám viết về lầu Hoàng Hạc nữa và được Kim Thánh Thán ngợi ca là "bút pháp tuyệt kỳ, tác phẩm đệ nhất cổ kim trong thơ Luật".

Đấy cũng là bài được người mình dịch sang Việt ngữ nhiều nhất. Có người đếm ra hơn bốn trăm bản dịch khác nhau, từ Tản Đà, Ngô Tất Tố đến Trần Trọng Kim, Trần Trọng San, Nguyễn Đức Hiển, v.v... Với Cung Tiến và nhiều bằng hữu thì bài cảm dịch của Vũ Hoàng Chương là một sự tuyệt mỹ vì tâm cảnh mọi người vào lúc đó.

Từ bên ngoài, nhận được bản dịch, Cung Tiến nhớ thầy, nhớ bạn và nhớ lại cung cảnh xa xưa nên đã xuất thần phổ nhạc rất nhanh và tìm cách gửi về ngay năm sau. Nhưng không kịp nữa. Vũ Hoàng Chương bị cầm tù và bị kiệt sức mới được thả ra và tạ thế sau đó năm ngày nên không bao giờ được nghe ca khúc này. Bây giờ nhớ lại thì xin ghi bài cảm dịch của ông để chúng ta khỏi quên và cùng thưởng thức:
"Xưa hạc vàng bay vút bóng người
Đây lầu Hoàng Hạc chút thơm rơi
Vàng tung cánh hạc đi đi mãi
Trắng một màu mây vạn vạn đời
Cây bến Hán Dương còn nắng chiếu
Cỏ bờ Anh Vũ chẳng ai chơi
Gần xa chiều xuống nào quê quán
Đừng giục cơn sầu nữa, sóng ơi..."

Khi còn sống, ông Nguyễn Đức Hiển tại Houston Texas cho rằng bản dịch Vũ Hoàng Chương "còn hay hơn nguyên bản, mà nguyên bản vốn đã hay tót vời". Ông Hiển có thể nói không ngoa vì bản thân đã dịch đi dịch lại mười mấy lần bài thơ của Thôi Hiệu! Ông còn dụng công so sánh hai câu thực của nguyên bản, gồm sáu thanh trắc liên tiếp:
"Hoàng Hạc nhất khứ bất phục phản
Bạch vân thiên tải không du du"
Với câu "thực" do Vũ Hoàng Chương để lại mà ông cho là ảo diệu hơn:
"Vàng tung cánh hạc đi đi mãi
Trắng một màu mây vạn vạn đời..."

Khi đọc lại, làm sao mình không ngậm ngùi với những chữ tuyệt diệu như "vút" bóng người, hay chút "thơm" rơi...? Và câu kết, " Đừng giục cơn sầu nữa, sóng ơi!", nghe thê thiết hơn vần lục bát của Tản Đà:
"Quê hương khuất bóng hoàng hôn,
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai!"

Cung Tiến đưa Hoàng Hạc Lâu vào nhạc với phần hòa âm soạn cho dương cầm và viết trên cung Ré giáng Trưởng, nhịp 4/4 chậm rãi tha thiết - andantino - và ý nhị. Piano mở đầu bằng hai ô nhịp, hai mesures, viết lối Arpège chùm hai nốt, thánh thót, êm đềm. Rồi lời ca cất lên bồi hồi day dứt như một truyện kể, mà dùng phép tả cảnh để tả tình:
"Xưa hạc vàng bay vút bóng người...
Đây lầu Hoàng Hạc chút (ứ ư ) thơm rơi..."

Đàn piano lại rải, nghe như tiếng chim hót, và cứ thế ca khúc dẫn người nghe vào một bức tranh cổ, với cánh hạc vàng ẩn hiện sau vầng mây bạc có nắng chiếu, có cây bến Hán Dương u buồn và cỏ bờ Anh Vũ vắng vẻ, chẳng còn ai chơi...

Đoạn nhạc chuyển tiếp nỉ non đan lượn những ngậm ngùi rồi chợt mở ra tâm sự kẻ tư hương, nhớ quê, nhớ bạn...
"Gần xa chiều xuống nào quê quán
Đừng giục cơn sầu nữa (ư ứ), sóng (à à) ơi..."

Rồi đàn lại buông arpège hai nốt nhẹ nhàng, lãng đãng chìm khuất, mơ hồ như cánh hạc vàng tan trong khói sóng...

Toàn bài, Cung Tiến dùng âm giai ngũ cung đầy chất Đông phương với nét nhạc thanh thản, nhuốm vẻ Lão Trang và phảng phất giai điệu Claude Debussy trong bài "Clair de Lune". Cung Tiến rất chuộng Debussy khi nhạc sĩ người Pháp này khám phá nhạc Á Đông vào đầu thế kỷ trước. Debussy cũng dùng hợp âm ngũ cung và cũng lấy "Arpège" rải tay trái và đưa ra một hợp âm lạ tai mà hài hòa êm ái.....

Bài "Hoàng Hạc Lâu" là viên ngọc quý của thơ Đường. Bản dịch Vũ Hoàng Chương là bài chuyển ngữ mang tâm sự của một thi hào trong hoàn cảnh bi đát của đất nước. Ca khúc Cung Tiến là sự kết hợp lạ kỳ của tình cảm và nhạc thuật để nối liền ngần ấy nét đẹp của thơ, của nhạc. Điều hơi tiếc là ít người biết hoặc trình bày ca khúc trác tuyệt này để đời sau còn nhớ Vũ Hoàng Chương và dòng nhạc quý phái của miền Nam chúng ta khi mình đã mất hết...

Lần cuối mà miền Nam tự do có buổi sinh hoạt để vinh danh Vũ Hoàng Chương là vào Tháng Ba năm 1975, tại phòng trà Khánh Ly, do Mai Thảo và Thanh Tâm Tuyền tổ chức. Đã 35 năm tròn rồi. Sau đó là cảnh chia ly tan tác. "Vàng tung cánh hạc"... như ánh chớp chợt lóe rồi vụt tắt.

Dư âm còn lại là tiếng nhạc lãng đãng trong chiều tà. Sau đấy là cõi tối đen của thơ và nhạc...

Quỳnh Giao
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562/posts/10208137998285708







59. Hoàng Hoa

Có người nói rằng từ khi bỏ xứ mình sang đất người mọi thứ đều điên đảo, ý chừng muốn than mọi việc như đảo lộn nghịch thường. Rồi họ dẫn tên người là một thí dụ. Tên ông Ðỗ Ngọc Yến làm báo Người Việt tại miền Nam California là một thí dụ quen thuộc. Họ là Ðỗ, tên - như tên một trong nhiều mỹ nhân của Ðoàn Dự - là Ngọc Yến. Qua đến Hoa Kỳ này, báo chí Mỹ có phỏng vấn hỏi han gì thì họ cứ viết ngay rằng ông Yen Do nói thế này, luận thế nọ. Họ cắt tên đệm, đảo ngược tên trước họ sau và vứt luôn cả dấu. Nhiều báo Việt của mình trích dịch lại có cẩn thận bỏ dấu cho rõ ràng hơn, đâm ra thành ông Yên Ðô. Xa xa, cứ nghĩ báo Mỹ họ nói về ông Yên Ðổ, giật mình tưởng như người cùng làng với cụ Nguyễn Khuyến vậy.

Cứ như thế, mình có thể bàn đến... Tết những khác biệt trái phải, trong ngoài hay trước sau của mình và của người. Họ gọt trái cây từ ngoài vào, ta gọt từ trong ra. Phụ nữ họ đi trước, phụ nữ ta đi sau, nếu không thì... không đi nữa. Anh thư của họ ngồi kiệu vàng, ngự xe song mã rèm hoa, danh nhân của ta như Hai Bà thì áo vải cưỡi voi dọc ngang đánh khắp 65 thành. Hoặc như ngày Thu, tới mùa thăm viếng người quá cố, Âu Tây người ta hay đi hoa cúc, đến nỗi cúc trở thành biểu tượng của sự thương tiếc khôn nguôi, bên Á Ðông mình, cúc là quốc hoa của hoàng gia Nhật, cúc là hoa của người ẩn dật mà cũng là hoa mùa Xuân, của ngày vui. Ngày Xuân thiếu hoa cúc là kém ngay vẻ Tết nhất.

Cúc mà là hoa Xuân? Thế tại sao "xuân lan thu cúc vẫn mặn mà cả hai"?

***
Ngày Xuân, theo đúng thuật viết lách xứ mình từ khi có báo, cứ theo 12 con giáp người ta hay viết về con vật tượng trưng cho năm. Nhưng sao lục sách vở viết về con vật thì quả là kém thú, vì sợ rằng mười hai năm nữa mới có dịp xào lại. Vì vậy, Xuân này xin nói chuyện hoa và nói tới loại hoa Quỳnh Giao yêu thích nhất. Xuân nào đọc lại cũng vẫn thấy... như mới nở. Không phải đợi 12 năm nữa, mới có dịp hâm lại. Lúc đó mình đã tam thập nhi lập tới "mấy lần" rồi.

Hai đứa, qua ống kính của danh ca Anh Ngọc hơn 20 năm trước.
Quỳnh Giao yêu những loài hoa có hương, đi cùng với sắc, nhất là sắc trắng. Riêng có một giống hoa thường có sắc vàng mà mình vẫn thích và lại thích hơn cả, đó là hoa cúc. Không tìm được giáo sư Phạm Hoàng Hộ để xin học về thảo mộc học, mình bập bõm biết là danh từ khoa học của giống hoa này là Chrysanthemum moriflorium (là người hoàn toàn... điếc về tiếng La tinh, mình chẳng biết là moriflorium có liên hệ gì tới việc phúng điếu hay không nữa!) Người Tầu gọi là ju hua như tên nàng Ju Dou Cúc Đậu trong một phim tình cảm xã hội Trung Hoa nổi tiếng vài năm về trước. Người Tầu uyên bác - và người Việt mình - cũng thi vị gọi cúc là Hoàng Hoa...

Trong bài Ðêm Ngắn Tình Dài rất rộn ràng điệu Tango của Dương Thiệu Tước, câu hát

Rượu hoàng hoa xoá u sầu
Và đêm trắng qua như vó câu
Nào biết đâu giờ trôi mau...
Có nhớ chăng anh, cùng vui đêm trắng say hoàng hoa?...

chính là để nói về loại rượu cụ Tú Vị Xuyên viết trong bài than về cảnh Tết nghèo của cụ:

Rượu cúc nhắn đem hàng biếng quẩy
Chè sen giạm hỏi giá còn kiêu

Chè sen thì giờ này chúng ta còn được uống. Chứ rượu cúc thì dù có biết uống, và uống khơi khơi sáng trưa chiều tối như nhà văn Mai Thảo trước đây, nhiều khi cũng không biết tìm đâu ra. Không biết rượu cúc nặng nhẹ ra sao, uống vào dễ say hay không, chứ cứ y vào lời bài ca, uống vào là ta chóng quên. Quên nỗi cơ cầu, quên thời gian vùn vụt trôi như vó câu qua cửa, nên đôi bạn đã thức trắng đêm, trong nhịp Tango lả lướt.

Theo sự khám phá của người Trung Hoa, và của những nhà nghiên cứu về dược liệu từ thảo mộc, hoa cúc cũng có chỗ đắc dụng trong y học. Dược tính của hoa là trị nhiệt, khử độc, gây tê, làm cho mình bớt đau nhức. Quỳnh Giao thì chú ý nhất tới đức tính “làm sáng mắt” của cúc, nên thường pha mộc trà (vì rẻ và được nước) trộn với hoa cúc phơi khô, uống suốt ngày. Vừa đậm nước vừa có hương thơm, không mất ngủ, lại đỡ cho mình ra đường khỏi trông gà hóa cuốc, lái xe trên xa lộ khỏi nhầm lối ra với lối vào. Người mình còn có "cúc mốc", một giống cây bụi nhỏ, hoa chỉ bằng đồng kẽm, lá xanh biếc phơn phớt lông tơ như màu mốc, hăng hắc thơm. Khi bị khan giọng rát cổ thì mình hấp cách thủy lá cúc mốc với quất và đường phèn là thông phổi, mới vừa đau cổ là đã có thể hát cả một bản trường ca tới sang năm chưa dứt.

Khi họ gọi cúc là hoàng hoa, mình cũng đoán rằng màu vàng là màu phổ biến nhất của cúc.

Nhưng, ở cái xứ Mỹ gọi là tân tiến đến ngược đời này, ta thấy cúc có đủ màu, từ trắng đến vàng lợt, vàng xẫm và cả hồng nhạt sang tới tím. Họ có biệt tài pha chế lung tung, đâm ra cái chân tính của cúc ra sao mình cũng thấy mơ hồ.

Khác với nhạc sĩ Hoàng Trọng, suốt đời yêu hoa màu tím như ông thú nhận trong lời hát, đến cúc thì Quỳnh Giao yêu nhất cúc vàng. Có nhiều loại hoa màu vàng lắm, như mai, cúc vạn thọ, hoa mimosa... nhưng chỉ riêng màu vàng của hoa cúc thì đằm thắm, duyên dáng và trang trọng khác thường. Nhất là cúc đại đóa vàng rực rỡ. Hình như dân Mỹ gọi giống hoa đại đoá đó là “cúc nhện”, có lẽ vì họ... chấp vào hình tướng mà nhìn những cánh hoa mảnh mai cong vút, xoè ra như chân nhện, để đặt tên hoa. Thật là kém thơ mộng... Có lẽ đặt tên hoa như vậy nên họ đưa hoa vào nghĩa trang mới thấy là hợp cách.

Họ nhìn khác mình, mà ngửi hình như cũng khác.

Nổi danh Âu Châu với nhân vật nữ của Alexandre Dumas Fils trong La Dame aux Camélias (Trà Hoa Nữ), và nổi danh Sàigòn năm xưa với nhân vật nữ trùng tên với ông nhà báo họ Ðỗ ở trên là nàng Vương Ngọc Yến, có bà mẹ yêu hoa trà trồng đủ loại khắp vườn... hoa trà, là giống các cụ ta thường chê là hữu sắc vô hương. Cho nên tương truyền rằng Chu Mạnh Trinh bực cụ Tam Nguyên Yên Ðổ nặng bút phê thơ mình cái tội "nho đối với xỏ lão này không ưa" bèn tặng cụ một chậu hoa trà, khi mắt cụ đã loà. Riêng Quỳnh Giao, vốn cũng yêu hoa trà, thì vẫn ngờ ngợ rằng hoa có hương thơm, nhưng quá thoảng và có lẽ chỉ chiều người thật là thính mũi. Nước hoa hiệu Arpège nổi tiếng là thanh quý của nhà Lanvin có ủ cả hương thơm của hoa trà. Mũi Tây quả là có khác mình, chẳng phải ở kích thước, và có khi Chu Mạnh Trinh bị mang tiếng oan chăng?

Nhân nói về nước hoa, hương thơm của hoa cúc cũng phảng phất trong các hiệu Ivoire của nhà Balmain và Gauloise của nhà Molyneux. Nhưng, hương cúc ở đây là một loại cúc người ta cho là “dại”, rất nồng nàn mùi nhiệt đới, như hầu hết mọi loại hương dược cất thành nước hoa. Thực ra, hoa cúc như ở xứ ta thường có mùi thơm kín đáo và dịu dàng, không ngọt gắt như hồng, mà cũng không suồng sã như hoa nhài, hoa huệ.

***
Khi cụ Nguyễn Tiên Ðiền của chúng ta viết rằng xuân lan thu cúc mặn mà cả hai, cụ không lẫn chút nào cả. Hoa cúc quả là nở vào mùa Thu. Như viết trong thơ Ðường, "Ly hạ trùng dương cúc" (cúc nở dưới hàng giậu ngày trùng cửu, là ngày Chín tháng Chín ta), hoặc thơ của thiền sư Huyền Quang đời Trần, "Cúc hoa khai xứ tức trùng dương" (thấy hoa cúc nở biết ngày trùng dương), cúc là hoa nở từ khi vào Thu. Nhưng sang Xuân cúc vẫn còn mới là điều đáng quý.

Mình có thể thấy cơ man nào là những câu thơ cổ viết về cúc mùa Thu.

Quỳnh Giao chủ quan nghĩ rằng ba bài Thu Vịnh, Thu Ðiếu và Thu Ẩm là ba bài thơ nôm hay nhất của chúng ta về mùa Thu. Thu của cụ Tam Nguyên không ước lệ kiểu "rừng phong hiu hắt khí Thu già". Xứ ta không có phong, mà thi nhân thì chỉ liên cảm và thảng thốt với cây phong của Trung Hoa. Sang đến xứ người, và phải ở vùng đất lạnh ta mới biết hoặc thấy cây phong cùng màu đỏ ối của lá phong khi trời vào Thu. Thu về, trời có màu xanh trong vắt và trăng thu rất cao rất sáng, gió thu hiu hắt gây lạnh, khiến ra cứ muốn cuộn tròn tất cả, để thu vào nội tâm cái buồn lâng lâng, dìu dịu. Nhưng thơ cổ về Thu của ta thường có trăng gió, mây nước và sương mờ hay rừng phong nhuốm mùi quan san rất... Tầu, như trong một bức tranh cổ.

Ngoại lệ chính là ba bài Thu nói trên, không thể nào Việt Nam hơn, thôn dã và gần gũi hơn với tâm hồn chúng ta. Lạ một điều, trong cả ba bài, Nguyễn Khuyến tuyệt nhiên không viết gì về cúc, mà mình vẫn thấy rõ ràng từ tâm cảnh những bụi cúc vàng phất phơ ngoài hàng giậu. Cúc không thể không có trong ngôi vườn của Yên Ðổ, khi cụ cáo quan về dạy học.

Cầu kỳ một chút, cụ đã phải trồng cúc nơi hàng giậu hướng Ðông mới đúng cách của người xưa.

Thơ Nguyễn Khuyến có khá nhiều bài viết về những bụi cúc của cụ. Hầu hết là những khóm cúc gầy, già, bên cạnh bờ tường ít mưa, trong một ngôi vườn nhỏ xác xơ. Trong một bài thơ Xuân, nhà thơ đau yếu bần hàn còn than là trời không nhìn xuống cúc tùng tàn tạ người hiền ốm đau...

Ngoài ba bài thơ nôm trên, thơ chữ Hán của Nguyễn Khuyến riêng có hai bài Vịnh Cúc rất đẹp và ý nghĩa. Toàn bài cũng không một chữ “cúc” hay “hoàng hoa”, mà hầu như mỗi câu lại viết về một đức tính của cúc. Trong một bài, cụ than rằng Xuân về đào mận đua nở tưng bừng, chỉ riêng giống cây có lá mốc cành xanh thì không thấy ai nhắc tới. Ánh chừng còn giữ tiết dành hương cho tới vào Thu, khi gió heo may thổi và các hoa đều tàn, thì mới chịu nở... Trong bài kế tiếp, cụ bình là trăm hoa nở và tàn rồi cúc mới mở hoa, để khen rằng cúc âm thầm giữ lấy hương thơm trong giá lạnh. Ðúng là phong cách người xử sĩ, dù gặp cảnh bần hàn cũng không đổi tiết tháo.

Quả thật rằng luận về hoa, các cụ mình cũng nhiêu khê có tiêu chuẩn hẳn hoi.

Chẳng hạn như hoa lan, đây là nói về phong lan, là loài hoa của bậc vương giả thanh cao, và cũng là hoa của tình bạn. Mẫu đơn là hoa vua chúa quyền quý (Quỳnh Giao áng chừng là hoa của các bà hoàng chứ mấy ông vua coi bộ không mấy quan tâm tới chuyện hoa cỏ). Người Âu Tây thì vẫn giữ vững truyền thống ngược ngạo, nên coi mẫu đơn là tượng trưng cho sự hối lỗi, thế có lạ không chứ!

Người mình, cứ Tết đến là nhắc tới hoa đào hoa mai. Không có là không ra cảnh Tết. Nói tới hoa đào là lại dẫn tới gió Ðông năm ngoái ở câu Kiều chuyển ý một câu thơ Ðường của Thôi Hộ. Nhưng trong Nam mình, những ai có may mắn đi Ðà Lạt mới thấy được đào mỉm cười trong gió chào đón Xuân về, như Vũ Thành viết khi ông còn ở Hà Nội trước 1954, chứ hầu hết chúng ta thì hiếm có đào và thường nghĩ tới mai. Với đa số chúng ta, mai là hoa báo hiệu vào Xuân. Trần Thiện Thanh, trong một bài ca rất thịnh hành về đời lính chiến năm xưa, còn nói hộ lời người lính đóng đồn: "Nếu mai không nở, anh đâu biết Xuân về hay chưa..."

Riêng với Quỳnh Giao, mai vàng trong Nam chưa phải là hoa Xuân tiêu biểu, chưa kể thêm cái tội là hương không thơm mà còn hơi hắc. Hoa mai đó cũng không chắc là mai của thi nhân thời trước. Những người am hiểu, viện dẫn cả dăm ba tích thanh mai trong Tam Quốc, cho mình biết là mai của các cụ chính là cây mơ, hoa trắng, phơn phớt xanh màu ngọc bích, có quả chua người Hoa dùng để nấu canh, cất rượu. Ta nấu canh bằng me, mai thì chua quá ta dùng làm ô mai... để các cậu mua cho các cô tóc còn cài bím đem vào lớp chia nhau.

Theo các cụ đời xưa, hoa mai là hoa khôi nguyên, hoa đầu tiên nở trong năm, vì vậy hoa còn tượng trưng cho người đi thi đỗ đầu, cho tuổi trẻ hăm hở nhập thế. Trong khi cúc là hoa của người trở về, người ra về, người xử sĩ rút chân khỏi vòng danh lợi. Cứ như vậy, các nhà tâm phân học có thể phanh phui cho ta biết rằng khi luống tuổi mà vẫn muốn... ô mai thì tâm mình còn bon chen lắm lắm. Mà thanh niên lại yêu cúc thì rõ là việc chưa xong mà đã vội đẩy túi vũ trụ mặc đàn sau gánh vác để đi uống rượu theo kiểu chén chú chén anh, chén tôi chén bác của Yên Ðổ... Trường hợp người viết thì đã hẳn là khác vì yêu cúc từ thuở ấu thơ, trước cả những hiểu biết về cúc, sau này.

Cứ như vậy, theo các cụ, tuổi nào phải hoa nấy, nếu không là trái mùa.

***
Cúc thường nở vào Thu đã đành. Nhưng cây cúc có sức chịu đựng cao, trải qua gió Thu - mà thi nhân theo quy ước ngũ hành gọi là gió Tây - và suốt cả mùa Ðông giá rét vẫn không hề hấn. Hoa cúc rất bền, người trồng hoa khéo giữ được cho tới Xuân, nhất là ở những vùng khí hậu không quá lạnh như nước ta. Vì vậy mà hoa cúc mới được coi là hoa của người có khí tiết, dù có hoạn nạn bần hàn vẫn không thay đổi cốt cách tính tình. Và vì vậy, Xuân về cúc vẫn nở, trăm hoa tàn mà cúc vẫn không phai hương sắc.

Cúc sở dĩ là hoa của bậc xử sĩ, của người có học mà từ quan về ở ẩn, có lẽ là từ ông Ðào Tiềm bên Tầu. Ông Ðào Uyên Minh, tự Nguyên Lượng, đỗ Tiến sĩ, đang làm quan Huyện lệnh đất Bành Trạch tỉnh Giang Tây đời Tấn, chợt thấy chán cảnh hoạn lộ, bèn treo ấn từ quan. Ông thong dong về quê trồng rau uống rượu sống đời ẩn dật. Câu "tam kính tựu hoang, tùng cúc do tồn" (ba nẻo vườn bỏ hoang, chỉ còn tùng cúc) viết trong bài Quy Khứ Lai Từ nổi tiếng khi cáo quan trở về đã gắn liền tên tuổi ông huyện Bành Trạch Ðào Tiềm với hoa cúc. Trong các bài thơ của các cụ mình, khi nói tới việc lui về ở ẩn là thể nào cũng có hoa cúc, rượu Bành Trạch, và ông Ðào.

Về đến thi ca của mình, duy có ở Yên Ðổ ta mới thấy một phong cách tương tự.

Nói về Nguyễn Khuyến và Nguyễn Du, có một điều Quỳnh Giao phân vân chưa tỏ, là trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du, là những tác phẩm phản ảnh rõ nhất tâm tư của tác giả Truyện Kiều, rất hiếm thấy hoa cúc, khác hẳn với thơ Nguyễn Khuyến. Cách nhau chừng trăm năm, cả hai đều là những nhà thơ bất đắc chí với thời sự và triều chính, nên giữa hai ngả “xuất xử” cả hai đều chung khuynh hướng lui về ở ẩn. Trong thơ Nguyễn Khuyến, ta thấy trăng, Thu, ngỗng, rượu và nhất là cúc... xuất hiện thật nhiều. Ở thơ Nguyễn Du, Thu thì có, rượu cũng có, nhưng cúc thì hiếm. Ngược lại, có rất nhiều câu than về mối sầu bạc tóc. Trong khoảng 150 bài đọc được, thấy có tới hơn 30 bài Tố Như than mình tóc bạc, mà chỉ dăm ba bài phơn phớt nhắc đến cúc.

Ðầu Xuân thấy hứng, những nhà nghiên cứu văn học hay địa dư có thể tìm ra những giải thích lý thú cho chúng ta về sự khác biệt này chăng. Như vì phong thổ đất Hà Nam của Yên Ðổ hợp với hoa cúc hơn là 99 ngọn Hồng Lĩnh của Tố Như, hoặc vì Nguyễn Khuyến muốn chôn chặt cuộc đời nơi thôn dã đất Bắc, Nguyễn Du giam mình vùng rừng núi khô cằn miền Trung mà tâm chí vẫn bay bổng ngoài thiên lý...

Người viết thì có lẽ vì yêu hoa cúc nên có một lối lý giải rất chủ quan: Cúc là hoa của ẩn sĩ nhưng không phải là loài hoa của người bi quan tuyệt vọng. Cúc là hoa của người phóng khoáng, đã đạt tới chỗ vô chấp nên mới trở về, trở về mà không hậm hực. Nỗi buồn của hoa cúc, nếu có, chỉ là man mác trong niềm vui kín đáo của người buông cuộc cờ mà không cần lý tới thắng bại. Trong cách rũ áo trở về vẫn có chút an ủi, có cái thú êm đềm.

Khi cáo quan về dạy học, Nguyễn Khuyến vẫn có thể cười khẩy sau tiếng thở dài mà nâng chén rượu cúc chiêu nỗi buồn nhân thế. Vì vậy mà Tam Nguyên Yên Ðổ vẫn dí dỏm viết ca trù châm biếm, ranh mãnh làm câu đối bỡn đời, sắc sảo ít ai kịp mà không thô như ông Tú Vị Xuyên, không loãng như Tản Ðà. Chứ tâm tư của Nguyễn Du nghe bi thảm hơn, không thể giải khuây được bằng hoa, bằng cúc. Tố Như đau cho mình và cho người, như bầm tím tâm can, cho nên mặc dù có tầm nhìn bao quát hơn đồng ruộng chiêm của Yên Ðổ, cụ phóng bút viết ra một vũ trụ quan như lớn lao hơn Tam Nguyên, phần cổ văn của tác giả Truyện Kiều trước sau là một bản trường hận ca, một tiếng than bất tận. Có lẽ vì vậy mà cụ không cúi xuống khóm cúc ở dưới chân, và không gần gũi với ông Ðào bằng Yên Ðổ.

Không biết uống rượu cúc mà ỷ vào hứng Xuân lạm bàn tới cỡ đó thì mình phải thấy thẹn với cả ông Ðào lẫn trăm ngàn nhà thơ kim cổ. Nên Quỳnh Giao xin kết ở chuyện khác.

Cái yêu nhất ở Ðào Tiềm, như chỗ mình nghe, chưa hẳn là ông uống rượu, trồng cúc, hoặc vui thú điền viên trong mảnh vườn quê. Ðào Tiềm hoàn toàn xa lạ với âm nhạc, nhưng người ta kể rằng ông ít bạn, uống rượu say là chỉ ôm đàn. Trong bài từ, ông viết về ước mơ lên cánh đồng phía Ðông để trổ giọng. Vì không biết gì về âm luật nên ông ôm một cây đàn không dây! Quả thật là thú vị, và thú biết chừng nào cho lối xóm của ông, khi chỉ nghe ông nghêu ngao hát mà không phải nghe cả tiếng đàn bất kể âm luật của ông nữa! Hỏi ông, có lẽ chính ông cũng không biết là rượu hát, cúc đàn hay trăng múa nữa.

Chẳng hoá ra là mình yêu cúc không chỉ vì hương, sắc hay khí tiết của hoa mà còn vì cả chất thơ như phả ra từ đoá hoàng hoa nữa. Ngẫm xem trong các loài hoa, có hoa nào gần với thi nhân như hoa cúc đâu? Hình ảnh cúc Bành Trạch nhạt nhòa nơi ngôi vườn Yên Ðổ, sắc tươi vàng của chậu hoa Xuân thơm mùi pháo Tết nơi quê cũ... tất cả đều khiến mình thấy hoa cúc như ấm áp nhất, đằm thắm nhất và gần gũi nhất với nỗi nhớ nhà của mình, khi thấy người người tấp nập đón Xuân về.

Quỳnh Giao, Xuân 1995
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562/posts/10208134627001428






60. Nyotaimori


Một ông bạn của chúng tôi ngày xưa cứ hay nói đùa trong bữa tiệc về một giấc mơ của các ông.

Giấc mơ đó là thưởng thức một dạ tiệc đầy sơn hào hải vị. Nếu chỉ có thế thì thật chẳng đáng mơ vì tháng nào mà mình chẳng bị một tiệc cưới có đủ bát trân với bát bửu theo kiểu Tầu? Nhưng giấc mơ của các ông là có một hai nữ tì mắt xanh tóc vàng quỳ gối bên dưới!

Họ quỳ như vậy chỉ vì một công dụng... vệ sinh. Là để các ông ngồm ngoàm ăn lợn sữa có thể thò tay chùi lên mái tóc cho sạch.

Chắc hẳn các ông là nạn nhân của phim ảnh. Và thầm mơ trở thành các bạo chúa La Mã trong phim. Họ nằm nghiêng thưởng thức dạ yến với bầy nữ tì "hoa quan phấp phới tà y" ở chung quanh. Là nạn nhân của phim ảnh Mỹ, các ông cũng không quên số phận nạn nhân da vàng ngày xưa bị người da trắng tóc vàng mắt xanh bắt làm thuộc địa.

Vì vậy mới có phản ứng trả thù theo kiểu giết người trong mộng như thế. Người ngồi bên Quỳnh Giao có vẻ am hiểu vì du học bên Tây về: "Không có nước hoa thì hôi lắm!"

Nhưng đấy chỉ là chuyện đùa của các ông trong lúc xả hơi, chứ thực tế thì ăn xong là quý ngài răm rắp quấn khăn quanh bụng vào bếp rửa chén. Và nếu có thấy đứa con gái trong nhà mà nhuộm tóc mới chỉ nâu nâu chứ chưa đổi màu vàng ánh là đã lườm lườm khó chịu!

Người viết xin long trọng thông báo cho các ông một cách trả thù khác. Đó là thưởng thức bữa ăn kiểu "Nyotaimori".


"Nyotaimori" là tiếng Nhật, có ý nghĩa rất sạch sẽ là "trưng bày cơ thể phụ nữ". Nhưng vào tay các ông thì lại là cách trình bày thức ăn trên cơ thể phụ nữ! Hơn ba mươi năm về trước, người Nhật phát minh ra cái lối ẩm thực kỳ quái này, có lẽ xuất phát từ mấy ông trùm du đãng của Nhật mà họ gọi là yakusa.

Đó là thưởng thức món sushi quốc hồn quốc túy Nhật Bản, nhưng trình bày trên một cái khay sống, là thân thể một phụ nữ.

Những người bình thường như chúng ta thì tự hỏi làm sao đặt miếng cá sống và quết wasabi cay xè trên tấm áo kimono diêm dúa của phụ nữ Nhật? Mấy ông Nhật trời đánh bèn lột hết xiêm y và đưa cái khay sống đó lên quầy ăn. Thịt cá sống trên một cơ thể sống là trò chơi sống sượng của các ông!

Trên đất Hoa Kỳ có đầy sơn hào hải vị, chúng ta chưa được thưởng thức và thưởng ngoạn cái kiểu ẩm thực kỳ cục ấy cho đến khi chính người Mỹ cũng theo trào lưu mới mà bày ra món "Nyotaimori" cho thực khách.

Người viết này thuộc vào trường phái lạc hậu nên chưa hề ghé chân vào tiết mục ăn uống như vậy, có lẽ đa số độc giả cũng thế, dù chẳng là thành phần cổ phong. Nhưng cũng nhờ vậy mà mình cứ tha hồ... tạp ghi!

Thưa rằng trước nhất, cái khay thịt sống ấy không thể là loại "dày dày sẵn đúc một toà thiên nhiên” có thước tấc phì nhiêu như nàng Kathleen Turner khi đã về chiều. Phải là thân hình một thiếu nữ thì mới được! Rồi theo đúng kiểu bùa chú phương Đông, nàng thể nữ phải là trinh nữ thì mọi sự mới tinh khiết!

Quỳnh Giao còn tiếp tục làm các ông xấu hổ với trò chơi này khi viết rằng cá sống ăn kiểu sushi thì phải tươi và mát, đôi khi còn trình bày trên một cái khay lót đá lạnh, chung quanh có giát rau kinh giới để khử độc và gừng ngâm giấm để giúp cái lưỡi ăn sang món khác!

Vì vậy, các nàng thể nữ phải chịu lạnh và còn phải học cách nằm im. Từ trong nhà bếp, họ nằm im khi từng lớp cá sống được đặt lên cánh hoa rải trên thân hình. Ra đến ngoài quầy cho khách thưởng thức thì càng phải nằm im dù có thấy khách múa đũa rào rào trên thân thể. Muốn làm cái khay của quầy thịt, họ phải được huấn luyện.

Để lãnh bao nhiêu tiền một giờ mà chịu khổ như vậy?

Quỳnh Giao viết đến đây thì xin... tự ý đục bỏ mà hỏi các ông là "bộ hết chuyện chơi rồi sao?"

Người ta nói rằng thực khách Nhật Bản thường là các doanh gia thừa tiền chuốc rượu nên mới mời nhau vào món ăn lạ này. Thật ra, báo chí Mỹ cho biết là một khẩu phần tại Hoa Kỳ thì chỉ có 75 đô la, kể cả rượu thịt. Những ông muốn thực hiện giấc mơ kiểu chùi tay lên tóc vàng sợi nhỏ đều có thể bước vào cõi tiên này.

Mà để làm gì cơ chứ?

Ngày xưa, mấy ông Tầu đã bày ra cái tục bó chân phụ nữ và gọi đó là văn minh. Ngày nay, mấy ông Nhật lại trải cánh hoa lên thân thể phụ nữ, trên đó mới giát cá nạm thịt cho các ông vừa ăn vừa ngắm. Họ coi đó là văn minh hơn trước.

Ở bên ngoài thế giới kỳ quái ấy, chúng ta không thể biết được là các cô gái phải học những gì về nghệ thuật buông xả mà không bật cười khi bị thực khách ngoáy đũa trên thân thể của mình. Rồi còn nín thở để khỏi bật khóc khi nghe họ nói đùa với giọng điệu thật ra là rất khả ố.

Chúng ta cứ nghe nói về nữ quyền, hoặc như cái vương quốc Saudi Arabia nay đã cho đàn bà được đi bầu và tuần vừa qua còn giảm tội cho hai phụ nữ đã dám lái xe hơi. Chỉ bị đánh có 10 trượng thôi.

Chúng ta cứ thấy các ông ca tụng phụ nữ khi họ làm thơ. Nào ngai vàng nữ sắc, nào là lòng ta hoàng hậu chẳng về ngôi! Nghe thì quyến rũ hấp dẫn lắm. Nhưng cứ xểnh ra là nhiều ông lật đật chạy về thời đồ đá, khi nam giới còn vác cái búa đẽo trên vai, tay kia thì nắm tóc đàn bà lôi theo xềnh xệch, và gọi đó là "chiến lợi phẩm"!

Viết đến đây thì người tạp ghi xin nhân danh quyền tự do mà dừng bút.

Mỗi người đều có quyền thực hiện giấc mơ của mình, cao thượng hay thấp kém thì tùy căn cốt. Một ông bạn mà mong có tấm khăn chùi tay là tóc vàng mắt xanh thì chỉ là giấc mơ vô hại. Các doanh gia đãi đằng mà mời nhau ăn sushi kiểu "Nyotaimori" mới là loại người "thực bất chi kỳ vị".

Mà nói cho công bằng, các bà cũng có quyền đáp lễ chứ?

Trên thị trường hiện nay đã có nơi hầu hạ thực khách nữ lưu. Đó là món "Nantaimori". Khay thịt là thân thể của đàn ông! Viết vậy cho có vẻ am tường chứ nếu được mời vào chốn đó, các bà sẽ... chạy qua tiệm phở. Chín nạm gầu gân sách coi bộ hấp dẫn và lành mạnh hơn nhiều.

Chỉ mong rằng khu Bolsa tiên tiến của chúng ta sẽ không có những quán ăn sushi loại đó.

Quỳnh Giao viết ngày 28-9-2011
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562/posts/10208251065352314

Xem tiếp >>>  MỤC LỤC PHẦN 1 - PHẦN 2 - PHẦN 3 - PHẦN 4PHẦN 6 - 
PHẦN 7 - PHẦN 8