Tạp Ghi @ Quỳnh Giao (3)


TẠP GHI @ QUỲNH GIAO

PHẦN 3 


25. "Charlot", Trẻ, Già và Mãi Mãi
26. Chàng Luke Số Đỏ
27. Hình và Ảnh Thời Ấu Thơ
28. Một Bà Bạn
30. Cung Tiến Không Lời
29. Tiếng Kinh Cầu Trong Nhạc Chopin
30. Cung Tiến Không Lời
31. Tiếng Hát Thái Hiền
32. Nhạc Đọng Trong Lời
33. Nghe Nhạc Như Tìm Về Nhà
34. Dương Thiệu Tước và Ngọc Lan
35. WTC và Barenboim
36. Dolly Parton – Sexy và Thông Minh
------------------------------------------------------------------------- 




25. "Charlot", Trẻ, Già và Mãi Mãi



Charlie Chaplin.
Có một bí quyết làm giàu rất nhanh mà người viết muốn mách cho độc giả.
Đó là lên eBay tìm mua đồ cổ!

Chẳng là vì hôm kia Quỳnh Giao mới đọc thấy trên một nhật báo Anh là vào năm 2009, một người Anh đã trả ba đồng Bảng (Pounds), hình như là chưa tới 5 đô la, để mua trên eBay một cuốn phim 7 phút có tên là "Zepped". Chi tiết thú vị là cuốn phim được thực hiện năm 1917 để khích lệ binh lính Anh trong Đại chiến thứ nhất khi thủ đô Luân Đôn bị quân Đức tấn công bằng khinh khí cầu Zeppelin. Chi tiết còn ly kỳ hơn là cuốn phim tuyên truyền này cho thấy người lính Anh đã hạ võ khí của địch chính là Charlie Chaplin.

Chi tiết đáng đồng tiền bát gạo hơn cả là tác phẩm ấy là ấn bản duy nhất còn lại. Cuối tháng sáu này, nhà sưu tầm may mắn ấy sẽ đưa bán đấu giá tại Luân Đôn. Giới trong nghề dự đoán là sẽ có bạc triệu! Một tác phẩm thời phim câm, trong Đại chiến và có một đại nghệ sĩ của thế kỷ 20, quý lắm chứ....

Đọc một cái tin như vậy thì Quỳnh Giao lại bâng khuâng nhớ đến "Charlot. Hầu hết mọi đứa trẻ ngày xưa ở Sài Gòn đều có xem phim Charlot, xem đi xem lại, và say mê chú hề tài hoa này. Xưa kia, chúng ta xem ấn bản Tây trong rạp nên nhớ tên người nghệ sĩ là Charlot. Họa hoằn mới có dịp được xem phim ngắn, từ các cuốn phim có hộp bằng nhôm to hơn cái bánh dẻo một chút, khi trong nhà mượn được máy và chiếu phim lên tường cho cả nhà và lối xóm cùng xem.

Charlot
Charlot
Mãi sau này, khi đến Hoa Kỳ mình mới có dịp xem lại rồi nhớ đến tuổi ấu thơ ở nhà. 

Cũng nhờ vậy mới biết chỉ có Pháp và các nước miền Nam Âu Châu mới gọi tên "Charlot", chứ phần lớn các xứ khác đều gọi đúng tên thật là Charlie Chaplin. Còn dân bên Đức thì gọi là "Der Vagabund", kẻ lang thang, như tên trong cuốn phim "The Tramp"...

Chính Charlot là người phát minh ra nhân vật bi hài đó vào năm 1914. Cái áo vét thật chật, cái quần rộng thùng thình, mũ quả dưa cùng cây gậy trúc bật bật lên như có lò xo trên đôi giày thật to và chân đi vòng kiềng vào cõi vô định lúc cuối phim. Ông suy nghĩ rồi tự biên tự diễn với trang phục mượn của bạn, từ đấy trở thành dấu ấn của mình. Vì đôi giày đi mượn có size 14 nên ông vua hề phải... đi ngược cho khỏi tuột, đâm ra hai mũi chỉ hai hướng và tạo ra dáng đi chữ "bát"!

Thời xưa, chỉ cần Charlot xuất hiện là lũ trẻ đã muốn cười bò. Sau này mới biết rằng thiên tài là một sự khổ luyện.

Khi khôn lớn thì mình cũng thấm thía lời ca "đời ca hát ngày tháng cho người mua vui", lời Việt của Phạm Đình Chương cho ca khúc do chính Charlot biên soạn trong "Limelight" năm 1952. Cuốn phim kết thúc sự nghiệp của hề "Charlot", do một quyết định chia tay của Charlie Chaplin. Sau 1952, ông không còn xuất hiện dưới nét Charlot nữa.

Sinh năm 1889 tại một khu nghèo nàn của Luân Đôn, Charles Spencer Chaplin Jr. có tuổi thơ thiếu may mắn. Cha mẹ là nghệ sĩ nhạc kịch mà sớm chia ly. Vì bà mẹ mắc bệnh điên, có lúc chú bé cùng các anh em được đưa vào cô nhi viện. Về sống với cha và bà mẹ kế trong cảnh lầm than, chú không quên được kinh nghiệm hẩm hiu, sau này diễn tả lại trong phim "The Kid".

Rồi mới lên năm, Charlie Chaplin đã lên sân khấu hát thay cho bà mẹ bị mất giọng. Vài năm sau, đến lượt người cha nghiện rượu bị sưng gan mà mất.... Và chú bé tự học để thành nghệ sĩ trình diễn. Trong một chuyến lưu diễn tại Hoa Kỳ vào năm 1914, người nghệ sĩ bước từ sân khấu qua điện ảnh, khi ấy còn chập chững. 

Là người Anh, Charlie Chaplin thành danh với điện ảnh Mỹ.

Thời đó, hình ảnh chạy quá nhanh, lại còn nhảy tưng tưng, mà đoàn hát phải quay trong chớp nhoáng. Không hài lòng với nhịp độ sáng tác nhọc nhằn như vậy, Charlie Chaplin quyết định đứng ở cả hai góc: làm diễn viên mà cũng là đạo diễn luôn.

Và lập tức thành công với anh chàng Charlot buồn bã do ông tạo ra. Rồi khi thấy các nghệ sĩ bị phim trường khai thác quá nặng, ông còn lấy một quyết định cách mạng khác. Là cùng ba diễn viên lập ra hãng phim United Artists vào năm 1919!

Năm đó, mới ở tuổi đôi mươi mà Charlie Chaplin đã là một hoàng đế phim câm. Nhưng một hoàng đế độc tài. Ông dựng phim trong đầu và cứ thế thực hiện theo cảm hứng, với sự tỉ mỉ làm mọi người phát điên. Có khi quay cả trăm lần mới vừa ý! Mà đã vừa ý thì phải là tác phẩm nghệ thuật làm cả thế giới say mê. Ông đi khắp nơi, gặp những lãnh tụ hay nhân vật nổi tiếng nhất và được trọng vọng đúng như một ông hoàng.

Rất lâu sau này người Anh mới tìm lại từng mẩu phim đã bị vứt bỏ và ráp nối lại để nghiên cứu tường tận về nghệ thuật điện ảnh của một thiên tài.

Thế rồi vị hoàng đế phim câm ấy bị lấn đất vì người ta bập bẹ biết nói trong phim! Charlie Chaplin là người cưỡng chống loại phim nói đến cùng. Với ông, cử chỉ dáng điệu trong phim câm mới là ngôn ngữ hoàn vũ. Chống đến độ... không thèm nói trong cuốn phim đầu tiên vào năm 1931, mà chỉ phát âm ồm ồm để chế diễu âm thanh.

Ít ai nhớ đến cuộc đấu tranh giữa cái mới và cái cũ trong phim ảnh và hai quan niệm về nghệ thuật diễn xuất như vậy.

Cuối cùng thì vị hoàng đế phim câm đó đành chịu thua.

Năm 1936, ông làm cuốn phim câm cuối cùng để... kết án nền văn minh cơ khí! Đó là "Modern Times", hay "Les Temps Modernes" như mình được xem khi còn ở nhà. Cuốn phim là một tác phẩm để đời và còn cho nhân loại một ca khúc tuyệt vời là bài "Smile", với lời từ rất đẹp. 

Thời nay, chúng ta còn có thể nghe lại qua tiếng hát ngọt mềm như mật của Nat King Cole.

Charlie Chaplin không chỉ là một diễn viên cừ khôi với lối diễn xuất tối thiểu làm chúng ta cười rồi ứa lệ. Ông không chỉ là một đạo diễn bậc thầy trong hơn sáu chục năm thật sự sống chết với điện ảnh. Ông còn chi ly chỉ dẫn từng điệu vũ, soạn lời đối thoại và viết nhạc cho nhiều cuốn phim đã thành bất hủ từ thời phim câm cho đến sau này.

Ngoài bài "Smile", ta không thể quên nhạc phim "Limelight" đã đem lại giải Oscar... hai chục năm sau khi cuốn phim xuất hiện. Hoặc ca khúc trong tác phẩm cuối cùng của ông, phim "A Countess from Hong Kong". Đó là bài "This Is My Song", mãi mãi là ca khúc vượt thời gian.

Mười năm sau cuốn phim đó, Charlie Chaplin tạ thế trong giấc ngủ, ở tuổi 88, vào năm 1977.

Cuốn phim làm Quỳnh Giao nhớ mãi và vẫn thích xem lại chính là "Limelight". Nhạc phim quá hay và vẫn được lưu truyền dưới tên "Eternally". Việt Nam mình đã có nhiều người chuyển ngữ mà thấm thía nhất vẫn là bản hát năm xưa ở Sài Gòn vì quá phù hợp với truyện phim bi đát về cái nghiệp của người nghệ sĩ. Trong cảnh cuối, hai nghệ sĩ về già hợp tấu một khúc giã biệt. Đánh dương cầm là Buster Keaton, danh hài thời phim câm, và kéo vĩ cầm là Charlot... Ngoài kia, trên sân khấu, ánh đèn màu đã rực sáng trên một ngôi sao mới nổi...

Buồn trong tiếng nhạc lắng cho đời mê say
Cười trong ánh đèn sáng cho người mua vui
Rồi khi ánh đèn tắt lặng lẽ cô đơn
Chìm theo bóng đêm, người ta lãng quên bẽ bàng.

Có một điều an ủi là khó ai lãng quên được Charlot thời ấu thơ hay Charlie Chaplin khi người ta đã trưởng thành. Lúc ấy mới thấm thía lời ca tụng của văn hào George Bernard Shaw: "Đấy là thiên tài duy nhất bước ra từ thế giới điện ảnh."

Quỳnh Giao viết ngày 01-6-2011.
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562/posts/10208220401905747





26. Chàng Luke Số Đỏ


Morris, cha đẻ Lucky Luke
Bài tạp ghi kỳ trước nhắc đến những băng hình thuở nhỏ và truyện chàng phóng viên Tintin. Bài viết làm nhiều độc giả nhớ lại thời xưa ở Sàigon. Quỳnh Giao thì nhớ đến hai người mà mình gọi là chú. 

Trong loạt truyện Tintin, có hai nhà thám tử thuộc loại đoảng nhất cổ kim. Đó là hai anh em Dupont và Dupond, giống nhau như hai giọt... mực. Lúc nào cũng áo quần màu đen, mũ quả dưa màu đen và đôi ria mép màu đen trên cây batong cũng màu đen. Đi đâu cũng như bóng với hình, họ làm độc giả nực cười vì lời đối thoại ngô nghê.

Hình như là chúng ta có dịch loạt truyện này ra tiếng Việt và hai nhân vật đó được Việt hoá cái tên thành Văn Đen và Văn Đến. Quỳnh Giao có gặp họ ngoài đời.

Đó là hai ông cao nhòng, đi đâu cũng như bóng với hình, Mai Thảo và Hoài Bắc Phạm Đình Chương! Vì vậy, bạn bè mới chọc ghẹo mà gọi hai ông là Văn Đen và Văn Đến.

Kỳ này, Quỳnh Giao xin nói về một nhân vật khác, cùng tuổi nhưng khác phái, mà đã quen nhau từ thuở ấu thơ. Nói vậy cho vui chứ mình chỉ gặp chàng trong bộ truyện hoạt hoạ....

Lucky Luke là chàng hào kiệt đó. Một tay cao bồi thần xạ, có khả năng bắn còn nhanh hơn bóng mình!
Các nhân vật trong bộ truyện Lucky Luke! 

Lucky Luke, hay là "Chàng Luke Số Đỏ", là nhân vật đã xuất hiện dưới nét họa của tác giả Morris từ năm 1946, nghĩa là xa lắm rồi. Morris là bút hiệu của họa sĩ Maurice de Bevere, người Bỉ ngồi bên Mỹ, đọc và vẽ cho các tạp chí hý họa của Mỹ và vẽ truyện về cho báo Pháp, nhờ cốt truyện của một tác giả Pháp là René Goscinny mà ông gặp... tại Hoa Kỳ!

Xuất xứ của Lucky Luke nó ly kỳ và quốc tế như vậy đó.

Chỉ vì từ năm 1949, Morris đã qua định cư tại Mỹ. Say mê không khí đầy sáng tạo của truyện bằng tranh tại Hoa Kỳ, ông cộng tác với tạp chí địa phương và tìm tòi, khảo cứu về lịch sử khai phá của nước Mỹ. Chính là trong thư viện, Morris mới tìm ra mấy anh em ăn cướp có thật là Dalton, rồi dựng thành bốn tên cướp ngây dại nhất nước là "Les Frères Dalton" trong truyện Lucky Luke.

Cũng nhờ xuất xứ đặc biệt này mà mới lên ba, là từ năm 1949 trở về sau, Lucky Luke trở thành nhân vật tinh khôn có nét, khác hẳn hình ảnh nít nôi ngờ nghệch ban đầu! Trên đất Mỹ, Morris được giới thiệu với Goscinny, cha đẻ của nhân vật Astérix, và cốt truyện Lucky Luke do Gocinny viết lên mới trở thành thần sầu! Nét vẽ của Morris và khả năng châm biếm cao độ của Goscinny đã đưa Lucky Luke lên đài danh vọng.

Những chuyện về xuất xứ như vậy, thì sau này mình mới biết, chứ ngày xưa ở nhà thì lũ trẻ chỉ nghĩ rằng đó là sách hình của Tây và say mê sự duyên dáng rất lạnh của Lucky Luke. Đấy là một anh cao bồi đơn độc, chỉ có con ngựa Jolly Jumper làm bạn, vừa bạn đồng hành vừa bạn đánh cờ, vì con ngựa này còn láu hơn chủ! Đôi khi Lucky Luke mang họa vì chú chó Rantanplan, một con chó khó có thể nào ngu xi hơn trong loài cẩu mà rất thiết tha chạy theo Lucky Luke và làm nhiều phen hư bột hư đường!

Đã có một thời mà trẻ em say mê nhân vật chỉ mặc quần Jean xanh, áo vàng, cột khăn đỏ, với khẩu súng bắn đâu trúng đó. Trong tâm tư lũ nhỏ, Lucky Luke là người hùng của miền Viễn Tây và càng khôn lớn thì mình càng hiểu thêm sự dí dỏm của tác giả.

Morris lấy đất Viễn Tây của Hoa Kỳ làm khung cảnh, và dựng thành truyện châm biếm.

Bộ truyện Lucky Luke là một thiên anh hùng ca của nước Mỹ vào thời khai phá, nhưng với tư tưởng phá phách và ngộ nghĩnh khiến trẻ em đã mê mà người lớn cũng thích. Lucky Luke gặp những nhân vật có thật của Mỹ: nàng Calamity Jane ngổ ngáo; tay súng Billy the Kid nổi tiếng bắn nhanh mà bị Lucky Lucke nọc ra đét đít; ông toà Roy Bean hơi mù chữ, vừa bán rượu vừa thi hành công lý; và dĩ nhiên là bốn đối thủ có hạng là anh em Dalton.

Hơn thế nữa, Morris còn đem hình ảnh nhiều nhân vật của điện ảnh Hoa Kỳ vào trong truyện. 

Còn bé, lũ trẻ ngày xưa đều sướt mướt với phim "Shane", thời ấy ở nhà chỉ được xem từ ấn bản Pháp là "L'Homme des Vallées Perdues". Phim này do Alan Ladd thủ vai chính với nhạc phim rất hay và... lời Pháp rất đẹp. 

Trong phim, có một tay đại sát thủ quần áo màu đen, cưỡi ngựa ô và mỗi khi sắp ra tay giết người thì đeo găng tay đen trông rất hắc ám. Tài tử thủ diễn vai này chính là Jack Palance. Trong một truyện Lucky Luke, nhân vật Phil Defer, hay là "dây kẽm gai" theo lối chơi chữ của các giả, chính là Jack Palance trong vai kẻ giết mướn!

Cũng vậy, nhiều tài tử điện ảnh của Mỹ đã tái xuất hiện trong truyện Lucky Luke, kể cả Kirk Douglas trong vai Nebraska Kid hay James Coburn trong vai Pistol Pete, hoặc Christopher Lee trong vai một tay buôn bán bất động sản đầy xảo trá....

Nhớ lại thì truyện Lucky Luke năm xưa cũng có... người Á châu đấy. Đó là nhân vật nhỏ thó, vàng ệnh, lúc nào cũng mặc quần áo màu đen vì là người Hoa chuyên thu dọn chiến trường: là tay nhà đòn, được gọi là "croque-mort"! Ngoài ra thì còn có "mọi da đỏ" nữa chứ, với tên của từng bộ lạc như Chân Xanh hay Chân Vàng.

Nực cười và khó quên nhất là mối thâm thù giữa hai gia đình, một nhà thì con cháu tai to như lá mít, một nhà thì có mũi bằng quả cam Bố Hạ. Nhờ Lucky Luke mà về sau hai gia đình này giảng hòa và còn kết thông gia. Đẻ con với cái tai cái mũi ra sao thì mình cũng đoán ra.

Độc giả tại Sàigon được xem truyện Lucky Luke vào quãng 1960, cho đến khi chiến tranh bùng nổ và lũ con nít lớn dần. Những đứa con trai có khi nhập ngũ, lũ con gái thì bắt đầu ưa chuyện khác. Nhưng hễ cứ vớ được một cuốn Lucky Luke là phải đọc cho hết, có duyên và buồn cười hơn truyện Tintin nhiều lắm.... 


Ra tới bên ngoài, và vào đến nước Mỹ thì chúng ta lãng quên dần. Cho đến một ngày nào đó khi đọc thấy một địa danh của Texas hay Arizona thì bỗng dưng lại thấy quen quen. Vì mình đã đến miền Viễn Tây đó từ lâu lắm rồi, từ thời Lucky Luke ở nhà!

Chẳng hiểu do cơ duyên nào người viết có vài cuốn Lucky Luke ở trong nhà. Bây giờ xem lại thì thấy buồn buồn, vì chú cao bồi này vẫn cô đơn đi về hướng mặt trời lặn trong ánh hoàng hôn. Và thấy giật mình vì người hùng vẫn thích chơi súng, lại còn hút thuốc vấn nữa chứ! Toàn là những thói quen mà người lớn không muổn trẻ con bị tiêm nhiễm.

Chúng ta đã thay đổi trong một thế giới đã thay đổi, và đang sống tại miền Viễn Tây, Quỳnh Giao vẫn nhớ Lucky Luke của Sàigòn năm xưa...

Quỳnh Giao viết ngày 17-5-2011.
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562/posts/10208220356864621






27. Hình và Ảnh Thời Ấu Thơ


Người viết thuộc vào thế hệ có tuổi ấu thơ được nuôi nấng ở trong Nam khi hy vọng thanh bình hiền hòa đã chớm nở ở Sài Gòn. Đấy là tuổi mê Sách Hồng, truyện "Ông Đồ Bể", "Cái Ấm Đất" hay các tác phẩm văn chương của người lớn cho con nít. Trong khi ấy, lũ con trai và em nhỏ trong nhà lại mê tạc hình.

Bây giờ, phải nhắc đến trò tạc hình đó, khi mà lũ con trai và các em nhỏ đã thành ông, thành bà. Thành ông thành bà không bị chức vị xã hội mà là do tuổi tác.

Quỳnh Giao không nhớ rằng cái nghệ thuật ấy xuất hiện thời nào và ở đâu, nhưng không quên được các mảnh bìa mỏng in truyện hình của Tây. Mỗi tờ bìa có vài chục tấm hình, mỗi tấm chỉ nhỏ bằng một cái bao diêm và được cắt thành từng mảnh xếp lại như một cỗ bài. 

 Tấm hình quảng cáo truyện hoạt họa Tin Tin.
Kỹ thuật ấn loát thời ấy chưa tinh vi với loại sản phẩm bán cho con nít, nhưng các hình ảnh cũng đủ vẽ ra chân trời mới lạ cho tuổi thơ.

Trẻ em mua về, cắt ra và làm.... collection, là các nhà sưu tầm tí hon. Rồi chúng đổi chác với nhau như các cụ già chơi tem. Chúng bày ra trò chơi tạc hình, dùng sự khéo tay để cướp lấy báu vật của bạn. Chúng xếp các tấm hình này thành từng chồng và lấy phiến gạch hay ngói đã mài cho tròn để ném vào chồng ảnh. Ăn thua là đẩy các tấm ảnh đó ra ngoài, và một trận đấu hào hứng đó chỉ bị gián đoạn khi người lớn gọi về. Đến giờ ăn cơm rồi!

Là chị lớn trong nhà, người viết thường lãnh cái nhiệm vụ cắt đứt cuộc chơi của các em. Nhưng mà cũng nhờ đấy lại liếc xem lũ trẻ chơi cái gì vậy!

Vào thời đó, truyện Zorro chưa thịnh hành và hấp dẫn bằng truyện Tarzan. Hình ảnh cái gã Tarzan da trắng đu dây bay qua đầu những thổ dân Phi Châu được tô màu tím ngắt đã làm lũ trẻ say mê. Chúng chưa phân biệt màu sắc và màu da. Sau này rất lâu rồi thì mình mới lờ mờ hiểu rằng loại truyện hình đó có ẩn chứa nét văn hóa của Âu Châu vào thời thuộc địa, có tiềm tàng tinh thần kỳ thị chủng tộc và màu da!

Sau kỷ nguyên tạc hình của những năm 50-60 là kỷ nguyên của Tintin. 

Đó là chú phóng viên có vẻ rất Tây với con chó Milou tròn vo như một cuộn len biết chạy. Dấu ấn của Tintin là cái bờm tóc, là quần ống túm mà thời đó chưa ai biết là quần chơi golf! Nhớ lại chuyện xưa thì trẻ em ở thành phố không còn chuộng hình ảnh Tarzan nữa mà truyền tay nhau đọc Tintin. 

Đấy là "Lê Phong phóng viên" của Thế Lữ, nhưng có màu sắc và tình tiết hiện đại hơn và toàn cầu hơn, vì phóng viên Tintin đi khắp nơi, qua bên Tầu bên Mỹ, vào đến xứ Tây Tạng huyền bí và lên cả cung trăng!

Vào thời ấy, trẻ con gọi tên là "tin tin" mà có khi chẳng biết là phải dùng chữ Tanh Tanh thì mới giống như Tây!

Khôn lớn hơn một chút thì mình mới biết rằng thân sinh ra Tintin không phải là một ông Tây mà là một ông Bỉ. Rằng truyện Tintin cũng rất cổ điển với quan niệm thám tử trừ gian và chính phải thắng tà. Lúc ấy, Kim Dung chưa xuất hiện! Nhưng mãi rồi thì mình cũng thấy ra cái nét kỳ thị ở trong truyện vì đưa ra hình ảnh rất xiêu vẹo méo mó về các dân tộc khác.

Còn quá nhỏ, Quỳnh Giao và các em khi ấy vẫn chưa thấy khó chịu về một truyện của Tintin bên Tầu vào trong một hắc điếm có mấy người nằm hút thuốc phiện! Lớn lên rồi mới nghe thấy các chú các bác nói đến chữ "phi yến thu lâm". Tưởng là một câu thơ chữ Hán, hoá ra là khẩu khí của các ông trong làng bẹp! Đó là "phiện thú lắm", nghĩa là ca tụng cái thú hút thuốc phiện. Và "làng bẹp" đó là câu lạc bộ của các ông thích nằm bẹp với khí giới trong tay là cái dọc tẩu.

Từ truyện Tarzan da trắng trấn áp sắc tộc da màu đến truyện phóng viên Tintin đi khắp bốn phương để tế khổn phò nguy và bài trừ hủ tục của thế giới lạc hậu bên ngoài Âu Châu, tuổi thơ của chúng ta có bị ảnh hưởng mà lại không biết.

Nhưng cũng nhờ truyện Tintin mà có lần Quỳnh Giao viết về danh ca Montserrat Cabballé qua hình ảnh của một nhân vật trong truyện Tintin là bà Bá tước Castafiore thích hát Opéra, một bà mập phì với vóc dáng vĩ đại như Caballé! Bà Castafiore này thì ưa hành hạ lỗ nhĩ của thiên hạ và làm bể kiếng nhà hàng xóm chứ Montserrat Caballé mới là tiếng hát sơn ca dưới dáng đồ xộ không thua kém gì Luciano Pavarotti!

Ngẫm lại thì càng lớn lên và có dịp nhìn lại những ấn tượng đã in sâu vào tuổi ấu thơ của mình thì Quỳnh Giao càng thấy là sự trưởng thành với tuổi tác có xâm hại những mộng mơ thuở nhỏ. Người trưởng thành là không tin vào mộng mơ cổ tích nữa và đấy là một thiệt thòi. 

Chỉ riêng có một thành phần đã trưởng thành mà vẫn thích và vẫn biết mơ mộng, đấy là các nghệ sĩ. Lê Thương trong bài "Tuổi Thơ" hay Phạm Duy của "Tuổi Mười Ba" với lời thơ Nguyên Sa là những thí dụ rất đẹp. Một thí dụ khác chính là đại đạo diễn Steven Spielberg của Hoa Kỳ.

Ông là tác giả của những bộ phim làm con trẻ say mê và người lớn hốt bạc. Ông có khả năng trình bày giấc mơ của trẻ thơ với những kỹ thuật tối tân của người lớn và kiếm ra bạc tỷ. Nhờ khả năng ấy, Steven Spielberg đã nhìn lại nhân vật Tintin của chúng ta và còn dựng thành phim. 

Cuối năm nay, chúng tra sẽ có cơ hội xem cuốn phim và nhớ lại tuổi thơ của mình khi còn ở nhà. Tarzan thời thuộc địa đã được Steven Spielberg thoát xác thành Indiana Jones, một giáo sư bác học mà cũng là một tay phiêu lưu có hạng. Bây giờ, phóng viên Tintin của nửa thế kỷ trước sẽ đầu thai thế nào trong thế kỷ 21 này, có lẽ ai ai cũng muốn biết.

Quỳnh Giao thì nhớ lại trò chơi tạc hình của trẻ em và không quên được vỉa hè rất đẹp của Sài Gòn năm xưa, khi chưa bị chiến tranh tàn phá. Nếu muốn có lại vài tấm hình ấn loát loang lổ và đã sờn góc vì bị chọi đá thì chắc là hết hy vọng. Còn lại, chỉ là kỷ niệm trong trí nhớ.

Nếu mất luôn những kỷ niệm này thì mình đã trưởng thành, nghĩa là hết khả năng mơ mộng và đấy mới là sự mất mát thật!

Quỳnh Giao viết ngày 11-5-2011.
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562/posts/10208220331103977




28. Một Bà Bạn

Cách đây khá lâu, trong một buổi trình diễn nhạc Dương Thiệu Tước với dàn nhạc hòa tấu của nhạc trưởng Nguyễn Khánh Hồng, Quỳnh Giao được nghe thấy một chuyện ngộ nghĩnh....

Có hai bà Mỹ da trắng đứng xếp hàng mua vé. Nhân viên bán vé của ban tổ chức hơi ngạc nhiên: "Thưa quý vị có lầm show không, đây là một sinh hoạt văn hóa và nghệ thuật Việt Nam...." Họ ngạc nhiên hơn nữa khi hai người khách trả lời: "Chúng tôi biết chứ. Và đến từ xa để nghe cô em Quỳnh Giao!"
Ruth White

Họ đến từ Malibu, đi xe thì cũng hơn một giờ nếu không bị kẹt tại Santa Monica. Khi họ nói "our sister" thì cũng không sai: chị em kết nghĩa mà. Và hẹn nhau là mỗi khi có buổi trình diễn nào thì phải cho biết. Hai người sẽ tự động tìm đường đến nghe, dù là ở Long Beach hay Westminster, và sẽ mua vé đàng hoàng, như mọi khán giả bình thường.

Nhưng đây là loại khán giả rất khó tính.

Hai tuần trước, khi dàn nhạc của Hội Hiếu nhạc Việt Mỹ và nhạc trưởng Nguyễn Khánh Hồng tổ chức chương trình "Hoà Tấu Mùa Xuân" tại Rose Center ở Westminster, hai bà cũng chống gậy đi nghe dù trước đó sáu ngày đã kín đáo đến dự buổi ra mắt tập nhạc Trần Dạ Từ tại Costa Mesa.

Quỳnh Giao viết "chống gậy" là không ngoa, vì một trong hai người đã qua tuổi bát tuần, với tất cả những nét đáng yêu và đáng sợ của một nghệ sĩ lão thành, một người tiên phong của loại nhạc điện tử Hoa Kỳ. Xin cứ gọi là bà Ruth....

Sinh năm 1925 tại Pittsburgh, bà Ruth có máu Do Thái với đầy đủ những đức tính làm thiên hạ khâm phục và... hơi ớn. Ít nói như một người kênh kiệu, nhưng chịu khó nghe khi thấy là chuyện đáng nghe, và rất hay hỏi cho đến ngõ ngách ngọn nguồn. Đôi khi bà chỉ lộ ra một chút ác cảm trong tâm từ là những gì liên quan đến nước Đức.

Nói về nhạc ngũ cung với bà thì phải mất... cả một vườn rau vì bà ăn chay trường và là một nhà soạn nhạc rất uyên bác. Nghe nhạc Dương Thiệu Tước, bà thích thú gật gù và giao hẹn: "Từ nay phải cho biết để tôi còn đi nghe!" Bản luân vũ "Bến Xuân Xanh" của Dương Thiệu Tước là một lý do. "Hội Hoa Đăng" là một lý do khác...

Nhưng phải mất khá nhiều năm thì Quỳnh Giao mới hiểu ra nhân vật này. 

Ruth White
Tốt nghiệp Đại học Kỹ thuật Carnegie Tech, bà Ruth chuyên về dương cầm và nhạc cổ điển Tây phương, rồi học thêm vĩ cầm, đàn harp, kèn clarinet và horn. Thụ giáo nhà soạn nhạc kiểu khai phá của Mỹ là George Antheil, bà hiểu thêm về nguyên lý và cấu trúc của một bài sonata cổ điển. 

Về nhà, bà dựng lấy một studio từ năm 1964, rồi nghe và viết nhạc, nhưng viết theo kiểu riêng.

Bà soạn nhạc bằng phương tiện điện tử, có lẽ là người đầu tiên thực hiện việc đó tại Hoa Kỳ. Dùng kỹ thuật mới để thể hiện cung bậc cổ điển là phong cách riêng. Bà cũng là người nói trước rằng phương pháp thính thị - xem và nghe - thật ra không có giá trị. Phải chú ý đến thính giác, đến cách nghe và đấy là một phương pháp giáo dục không thể thiếu trong thế giới mới.

Mấy chục năm trước mà nói như vậy thì có điên không chứ! Quỳnh Giao là cô giáo dạy đàn nên lờ mờ hiểu ra cái lý này. Gặng hỏi mãi về thời kỳ đó thì bà Ruth vẩy tay lên trời: "Một giai đoạn khổ ải. Một mình trong studio, mỗi ngày tôi nghe và viết chừng mươi tiếng đồng hồ và một năm dành chín tháng cho việc đó!"

Trong nơi chốn rất cô đơn ấy, bà có đủ dụng cụ tối tân nhất: ba bốn máy ghi âm, rồi máy synthetizer, oscillator, modulator, hai dương cầm và một đàn organ điện, v.v... Vài chục thứ tất cả! Ngôi nhà của bà tại Malibu còn giữ lại một đàn organ điện tử của thời khai phá ấy. Thế rồi, càng nghiên cứu nhiều bà Ruth càng thấy ra những khả năng bất ngờ của khí cụ điện tử.

Là một nhạc sĩ được đào tạo trong khuôn khổ chính quy cổ điển, bà khám phá ra kiến trúc mới của âm thanh điện tử và một mình đi vào con đường lạ. Nếu mình nói theo kiểu Việt Nam thì bà viết ra một ngữ pháp mới cho nhạc cổ điển và lập tức thành công.

Ruth White trong studio của bà. Một nhân vật kỳ lạ. 
Được một vũ sư của Đại học yêu cầu soạn nhạc cho một vở ca vũ nhạc, bà làm khán giả và giới phê bình giật mình, tán thưởng. Chúng ta không thể biết về biến cố đó, xảy ra từ năm 1968 tại California. Ngay năm sau, bà phổ thơ Baudelaire, tác phẩm "Les Fleurs du Mal" nổi tiếng của văn chương Pháp, và lại làm người Mỹ giật mình. Thơ Baudelaire diễn tả qua nhạc electronic ở tại Hoa Kỳ thì các nhà thơ và soạn nhạc của chúng ta có thấy lạ không? 

Bà giải thích là tìm ra những kết cấu bất tận của các synthetizers để diễn tả nhạc cổ điển! Quỳnh Giao thú thật là cái tai của một cô giáo dương cầm và người hát nhạc nghệ thuật của Việt Nam từ hơn nửa thế kỷ đã được kéo vào một không gian rất lạ. Vì phải nghe như đi học vậy.

Sau năm 1970, người nhạc sĩ phá cách này lại chuyển hướng nữa.

Bà chú ý đến trẻ em, dựng lại truyện cổ tích bằng nhạc, rồi dần dần trở thành một nhạc sư! Viết nhạc, dạy nhạc và tìm ra con đường mới cho nhạc. Rồi cả chục năm nay, bà soạn nhạc Opera bằng kỹ thuật điện tử. Những nhạc sĩ và nhà phê bình âm nhạc thì biết bà Ruth là ai. Tác phẩm của bà có trên hệ thống sản xuất Limelight Records.

Chúng ta có gặp thì có lẽ không thể đoán nổi qua dáng vẻ xuề xoà và bất cần đời của bà. Những cô bé Hippie của mấy chục năm trước chưa thể nào "hyp" bằng một nghệ sĩ như vậy.

Bà Ruth ở một nơi có thể gọi là "thâm sơn cùng cốc", trong khe núi Malibu nhìn xuống biển xanh. Đi vào là phải qua hàng rào điện và luồn lách qua một khu toàn những người Mỹ triệu phú sống chẳng giống ai. Ngôi nhà của bà thì có thể là phim trường cho một tác phẩm kinh dị. Toàn bằng gỗ trắc và bá hương do chính bà thiết kế và thiết trí lấy với trần rất cao, chung quanh là kính mở ra rừng hoang bạt ngàn. Bên trong là những nhạc cụ kỳ lạ và tranh cổ.

Sau lưng có một khe suối và những cây cổ thụ chỉ thấy trong truyện cổ tích. Mấy tuần trước, khi bão Xuân xối nước khiến khe suối trào dâng, có lẽ bà tìm ra giai điệu lạ, nhưng vẫn ân cần hỏi: "nhà em ra sao?"

Khi bà nhất định đi xe - với chiếc xe con cóc rất phong sương - rồi chống gậy vào mua vé để nghe nhạc của dân mình thì Quỳnh Giao... hơi run! Bà nghe dàn nhạc, hỏi thăm về các cháu nhạc sinh đang trình tấu Mozart hay Dvorák. Và lúc bà bạn này bàn về nhạc khúc của Dương Thiệu Tước hay Cung Tiến thì mình không thể nói chuyện xã giao được. Bà hỏi cặn kẽ và trầm ngâm gõ lên chiếc gậy....

Quỳnh Giao phải viết riêng về nhân vật này vì thấy rằng âm nhạc quả là không có biên giới.

Quỳnh Giao viết ngày 30-3-2011.
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562/posts/10208220614591064




29. Tiếng Kinh Cầu Trong Nhạc Chopin

Trong thành phần nhạc sĩ soạn nhạc cho dương cầm, Frédéric Chopin có một chỗ đứng chói lọi.

Một phần vì ông cũng là một diệu thủ dương cầm, một virtuoso. Nhưng chỉ một phần thôi. Chopin có thể là người trời, từ một cõi nào đó giáng thế xuống trần và cảm nhận được nhiều điều bí ẩn khác mà con mắt hay cái tai phàm tục của chúng ta chưa hiểu được hết.

Chúng ta cứ gọi là trực giác cho... dễ nói.

Một nghệ sĩ cũng thuộc loại siêu phàm là Oscar Wilde thì có thể hiểu Chopin hơn người thường. Không chỉ làm thơ, viết kịch và say đắm nghệ thuật, Oscar Wilde cũng chơi đàn.
Vì vậy, ông mới có câu đáng nhớ về Chopin: "Chơi nhạc Chopin xong, tôi cảm thấy như đã bật khóc vì những tội mà mình không hề phạm, và đau buồn vì những thảm kịch không phải của mình".

Đánh đàn để ôm lấy niềm đau của nhân thế hoặc lãnh cái đại nghiệp của chúng sinh? Phải là một nghệ sĩ lớn và yêu nhạc tới xương tủy tim óc thì mới cảm ra điều ấy!

Khi còn bé mà học đàn và sau này khi dạy dương cầm, người viết đã biết rằng chỉ sau ba năm học chuyên cần là trẻ em đã có thể bước vào cõi nhạc Chopin. Nói vậy cho văn hoa kiêu kỳ chứ thật ra là các em nhỏ đã có thể tập nhạc khúc của Chopin. Đó là các bài mazurkas hay valses, loại bài tương đối dễ trình bày. 

 Frédéric Chopin
Nhưng phải lớn hơn vài năm, bàn tay dài hơn và tâm hồn cũng chín hơn mới có thể đàn tới những bản Scherzos hay Ballades. Rồi để trở thành dương cầm thủ và khi thật sự trình tấu, người ta phải vượt qua không gian kỹ thuật để tiến vào thế giới của cảm xúc, của nghệ thuật.

Trong thế giới đó của Chopin, ông để lại cho hậu thế 24 phiến kim cương lóng lánh.

Đó là các bài Préludes mà Quỳnh Giao xin miễn dịch, vì nếu dịch là "dạo khúc" hoặc "dẫn khúc" thì cũng chẳng làm rõ nghĩa hơn. Hầu hết các đoản khúc này được Chopin sáng tác khi chưa tới tuổi ba mươi, nhưng tài nghệ đã chín mùi. Rồi sau đó ông chỉ sống thêm chừng chục năm.

Trong thời đại của ông, khi các bài giao hưởng hay khúc sonate đang là thời thượng thì Chopin bỗng làm cách mạng, như muốn viết ngụ ngôn ngắn bằng nhạc.

Đó là các bài Préludes.

Nói theo ngôn ngữ văn chương, ông viết truyện ngắn và cực ngắn. Hơn hai chục bài trong số này là những giai điệu xoáy sâu vào chỉ một chủ điểm, một tinh hoa cốt lõi. Chúng ta nói đến một viên kim cương là trong ý nghĩa đó. Nhỏ xíu mà rực rỡ chói lòa.

Nói đến truyện ngắn cực ngắn thì cũng chẳng sai vì một chục bài trong số này dài chưa đầy phút. Một chục bài khác thì dài hơn mươi giây. Dài nhất là bài Prélude số 15 - gọi là Prélude Giọt Mưa - thì đáng gọi là đoản khúc vì trình bày trong bốn phút rưỡi.

Chúng ta ngẫm lại xem, vì sao tác giả của các nhạc khúc vĩ đại lại ngồi chạm trổ bằng âm thanh mấy phiến tài tình nhỏ xíu như vậy?

Phải chăng Chopin đã mở hồn mình ra, thâu nhiếp mọi vui buồn của nhân thế và dồn đúc lại thành một đốm tinh hoa bằng nhạc? Trong 24 bài Preludes, có bảy bài chất chứa những thịnh nộ giận dữ, ba bài là nỗi u buồn nhỏ xuống thành giọt nhạc như giọt lệ, mười bốn bài là chuỗi hoan ca tươi tắn. Tổng cộng lại và nếu trình bày như một tổ khúc, có lẽ ta có đủ thất tình lục dục.

Nhưng trình bày được điều ấy thật không dễ vì các bài Préludes này thuộc loại nhạc khó diễn tả nhất. Phải là bậc thầy, là diệu thủ.

Mình hãy nghĩ đến một ví dụ khác. Một nữ sĩ có giọng ngâm thiên phú được yêu cầu trình bày một bài tứ tuyệt cực kỳ súc tích, rồi ngồi xuống nghe chất thơ ngấm vào toàn thân! Quả thật là tới mức tinh hoa của nghệ thuật. Nhưng chưa kịp hiểu gì có khi nhiều người ở dưới lại đoán là nàng mới thử giọng trước khi ngân nga….

Còn bé mà học nhạc sử thì có thể biết Chopin vẫn coi Johann Sebastian Bach là thần tượng và viết Préludes do ảnh hưởng của Bach. Nhưng sau này mà được nghe và được đàn, nhất là bản số 1, trên cung C minor (Do thứ) thì mình thấy nguồn cảm hứng từ Bach có lẽ còn sâu xa hơn. Vì thời ấy, diệu thủ dương cầm Chopin là người hiếm hoi đã trình tấu các bài Préludes của Bach. Ông nghiền ngẫm nhạc thuật rồi chắt riêng phần tinh túy để từ bài Prélude này mở ra bài khác rồi dẫn người nghe vào cõi vô tận.

Có lẽ mình có thể chọn tên Prélude là "dẫn khúc", một chuỗi nhạc khúc để dẫn vào thơ.

Dẫn khúc ấy có thể là khúc ai điếu u ám như bài số 2 trên cung A minor (La thứ). Sau này, Ingmar Bergman dùng bài này trong phim "Autumn Sonata". Trong phim có một câu nói bất hủ của người Mẹ, cũng là một dương cầm thủ do Shirley McLaine thủ diễn, nói với Liv Ullmann đóng vai con gái của bà, rằng nhạc Chopin diễn tả nỗi đau khổ chứ không phải là sự đau đớn.

Một đằng là niềm đau của tâm hồn, một đằng là cơn đau của thể xác!

Mà nói về ai điếu thì có lẽ mình nhớ đến bài số 4, trên cung E minor (Mi thứ), được trình tấu cùng bài số 6 và số 20 ngay trong tang lễ của Chopin tại Paris vào mùa Thu năm 1849.

Không hiểu sao, có lẽ do nỗi buồn riêng vì một mất mát quá lớn trong gia đình, Quỳnh Giao bỗng dưng nhớ lại và ngồi dạo lại mấy bài Préludes của Chopin. Cả một chuỗi kỷ niệm lấp lánh về tuổi ấu thơ cắp sách vào trường nhạc, với nhiều bậc thầy nay đã không còn. Kỷ niệm ấm áp về bằng hữu trong trường nhạc, về những rung động gặp lại khi mình dạo đàn cho riêng mình để nghe, để thưởng thức. Kỷ niệm về cách dắt tay nhiều thế hệ học trò đi từng bước nhỏ nhẹ vào cõi nhạc Chopin...

Trong ngần ấy kỷ niệm vẫn có hình ảnh của người Mẹ. Hình ảnh đó hình như đang mỉm cười, rạng rỡ hoan lạc như bản Prelude số 8 trên cung F-sharp minor (Fa thăng thứ)…

Xin quý độc giả lượng thứ cho nếu thấy bài tạp ghi quá chuyên chú vào riêng chuyện nhạc. Nhiều khi, âm nhạc mới là sự an ủi phủ dụ đẹp nhất. Chopin là nhạc sĩ đã mở cánh cửa vào thiên đường âm nhạc cho rất nhiều người. Tới nơi đó rồi mới thấy các bài Préludes là một chuỗi kinh cầu...

Quỳnh Giao viết ngày 01-9-2010 (hai tuần sau khi thân mẫu qua đời)
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562/posts/10208222209190928



30. Cung Tiến Không Lời


NS Cung Tiến
Có những người thuộc phái nam nhi anh hùng đã chau mày phàn nàn: "Lòng cuồng điên vì nhớ...", nghe sao yếu quá! Dưới con mắt của các đấng tu mi đó thì đàn ông không có quyền ủy mị như vậy! Huống hồ tác giả lời ca lại là người tuổi cọp. 

Chẳng biết rằng khi đó, tác giả bài Hoài Cảm có thấy hắt hơi giật mình không. Nếu có, thì Cung Tiến cũng khó động lòng hơn Đinh Hùng, tác giả bài Kỳ Nữ bất hủ ("Ta gần em, mê từng ngón bàn chân. Mắt nhắm lại để lòng nguôi gió bão").

Ở bên kia "chiến tuyến", các cô lại thấy rằng đấy mới là lời ngợi ca xứng đáng và rất anh hùng với tình yêu. Phải chi Cung Tiến phổ nhạc bài Kỳ Nữ của Đinh Hùng, chắc là nam ca sĩ trình bày ca khúc sẽ phải gục trên sân khấu thì mới xứng!

Có lẽ, Cung Tiến là người viết nhạc sớm nhất của chúng ta. Ông sáng tác ca khúc đầu tay là Thu Vàng khi mới 15 tuổi, năm 1953. Mùa Thu ấy là Thu Hà Nội và chỉ Hà Nội mới có lá vàng để ông nhặt, chứ trong Nam không đủ lạnh để có lá vàng. Và ông đề tặng Hà Nội những ngày ấu thơ. Ca khúc trở thành Hà Nội tiêu biểu của lớp người di cư nhớ Bắc, rồi mới chinh phục mọi người nghe qua cách trình bầy nhí nhảnh vui tươi của giọng ca Tâm Vấn thời đó.

Sau đấy, ông viết Hoài Cảm, và đề tặng Đỗ Đình Tuân. Dường như Cung Tiến sáng tác cho mình và cho bạn, vì phần lớn các ca khúc ông viết đều trân trọng ghi tặng từng người. Như Mùa Hoa Nở, Cung Tiến viết năm 1954 đánh dấu làn sóng di cư của cả triệu người miền Bắc vào Nam. Được viết theo dạng một bài hợp ca, nên ca khúc ít được trình bày. Thật đáng tiếc.

Sau đó Cung Tiến viết liên tiếp mỗi năm một bài: Hương Xưa năm 1955 đề tặng Khuất Duy Trác. Cũng chính Duy Trác đã đưa Hương Xưa và tên tuổi Cung Tiến đến thính giả của đài phát thanh và trên sân khấu của các trường trung học và đại học Việt Nam. Năm kế tiếp 1956, ông viết Nguyệt Cầm trên ý thơ của Xuân Diệu, và trở thành người sáng tác loại âm hưởng bán cổ điển độc đáo và ngự trị cùng một cõi nhạc cao sang quý phái của Vũ Thành và Dương Thiệu Tước…

Dòng nhạc mở đầu của Nguyệt Cầm phảng phất tấu khúc Romance en Fa của Beethoven, nội dung lại có nét Debussy. Nhưng ca khúc kén người hát và người nghe. Nhạc trưởng Vũ Thành thường trao cho Anh Ngọc vì chỉ danh ca này mới hát câu “trăng sầu riêng chiếc, trăng sầu riêng chiếc, sầu cho tới bao giờ…” crescendo da diết và dài hơi hơn mọi người! Năm sau đó 1957, ông viết Lệ Đá Xanh theo ý thơ Thanh Tâm Tuyền và đề tặng Phạm Đình Chương.

Từ đây là thời gian ông đi du học. Khi trở về, Cung Tiến sáng tác rất nhiều thơ phổ nhạc và họa hoằn mới soạn lời từ, như Mắt Biếc năm 1966 và hoàn chỉnh lại năm 1981. Hoặc bản Bản Tango Cuối, viết năm 1974, hoàn chỉnh năm 1980. 

Những bài thơ ông phổ nhạc giai đoạn này là Thuở Làm Thơ Yêu Em của Trần Dạ Từ như, Đêm của Thanh Tâm Tuyền, Đi Núi của Xuân Diệu, hay Đôi Bờ của Quang Dũng… Chỉ tác gỉả mới biết vì sao ông thích phổ thơ hơn là viết lời riêng của mình. Phải chăng là càng hiểu biết nhiều thì cách viết càng bó, làm ngôn ngữ thành khó hiểu?

Sau biến cố 1975, Cung Tiến và gia đình vượt thoát được, rồi định cư tại tiểu bang Minnesota. Từ hải ngoại ông tiếp tục phổ thơ Quang Dũng là bài Kẻ Ở và Đường Hoa, thơ Phạm Thiên Thư là Vết Chim Bay, và bản cảm dịch của Vũ Hoàng Chương bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu… Hoàng Hạc Lâu là bài trác tuyệt nhất của ông.

Đặc biệt nhất có liên khúc Vang Vang Trời Vào Xuân là phổ thơ Trần Kha, bút hiệu ẩn của bạn ông, thi sĩ Thanh Tâm Tuyền, khi còn ở trại học tập lén gửi ra ngoài. Liên khúc được tác giả viết cả phần đệm piano. Lời thơ và ý nhạc quyện nhau thành lời kinh cầu trong sáng, một vầng trăng rực rỡ, một ban mai thắm tươi và dịu dàng của tâm hồn thanh thản trên những hành hạ khổ đau của thể xác… Dân ta vốn yêu thơ, trong tù cũng làm thơ và ý thơ vẫn phơi phới cùng nét nhạc Cung Tiến. Nhưng, như các ca khúc sáng tác sau thời du học bên Úc, liên khúc 10 bài ngắn này lại không dễ hát nên người yêu thơ và nhạc ít có dịp thưởng thức.

Cung Tiến và Quỳnh Giao
Năm 1988 Cung Tiến hoàn tất một tác phẩm độc đáo và đồ sộ, đó là một bản hợp tấu khúc viết cho dàn giao hưởng lấy cảm hứng từ Chinh Phụ Ngâm Khúc của bà Đoàn Thị Điểm diễn thơ chữ Hán của Đặng Trần Côn. Hợp tấu khúc có âm hưởng hoàn toàn Á Đông với nhạc khí Tây phương. Khi diễn tả áng thơ tuyệt tác này, Cung Tiến quả là nhạc sĩ tài hoa và sâu sắc.

Có những lúc được nghe nói rằng ông còn muốn soạn nhạc để diễn tả thơ Đường hay cả bài Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi... Nghe nói thôi chứ chưa nghe thấy nhạc. Ông còn cảm hứng hay không, chúng ta chưa biết được.

Cung Tiến là nhạc sĩ của những tác phẩm có âm hưởng bán cổ điển rất trang nhã, cầu kỳ và chuyển dần về nhạc Đông phương. Nhưng nhớ lại thì hình như chúng ta có thể rút ra một kết luận rất nhuốm vẻ Thiền.

Ban đầu, ông viết nhạc rất hay trên lời từ óng chuốt của mình. Sau đó, ông hết soạn lời mà chỉ chú ý đến nhạc, để phổ lời của các thi sĩ ông quý trọng. Đến một giai đoạn sau, lời ca cũng tan vào nhạc vì Cung Tiến soạn nhạc không lời. Dùng nhạc để người nghe cảm ra lời thơ Chinh Phụ Ngâm hay bản hùng văn đại cáo Bình Ngô là đi tới chỗ rất cao của nhạc. Như nhiều nhạc sĩ cổ điển Tây phương đã dùng nhạc không lời để diễn tả một phòng tranh hay một họa phẩm chẳng hạn.

Nhưng ta cứ yên tâm, không lên tới cõi đó, mình vẫn còn nguyệt cầm để hoài cảm hương xưa thì cũng đủ vui rồi...

Quỳnh Giao viết ngày 13-01-2010
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562/posts/10208222124468810





31. Tiếng Hát Thái Hiền


Chiều Chủ Nhật 22 tháng trước có buổi nhạc tưởng niệm nhạc sĩ Lê Uyên Phương, được tổ chức tại Star Performing Art Center trong thị xã Fountain Valley của Quận Cam.

Được mời cộng tác trong chương trình, người viết là Quỳnh Giao gặp lại thính giả và bằng hữu quen thuộc.

Ca sĩ  Thái Hiền
Nghệ sĩ đứng trong cánh gà bên cạnh sân khấu, đợi đến phiên mình hát thì… bước ra. Chỉ vì xưa kia rạp hát là rạp chiếu bóng, không có phòng trang điểm, ghế ngồi, và không có cả... toilet nữa! Thấy Quỳnh Giao bước tới, stage manager của chương trình là Janine Nguyễn lịch sự nhường chỗ. Cám ơn Janine nhé!

Đang ngồi xuống bỗng thấy đứng ngay bên cạnh là Tuấn Ngọc với áo veston chỉnh tề chờ đến lượt mình.

Như thói quen ít nói, Tuấn hỏi ngay: "Cụ có khoẻ không”. "Cụ" ở đây là thân mẫu của người viết. Lắc đầu: "Không khỏe lắm, và quên nhiều rồi. Thế ông cụ khỏe không?” Tuấn hỏi về danh ca Minh Trang, người viết hỏi thăm nhạc phụ của Tuấn Ngọc, nhạc sĩ Phạm Duy!
Tuấn gật đầu: "Yếu đi nhiều, nhưng vẫn tốt!”

Đối thoại cứ như trong truyện Thanh Tâm Tuyền! Ngắn gọn mà nhiều ý....

Quỳnh Giao lại hỏi tiếp: "Tuấn có hát với Thảo hôm nay không? Không khí này và nhạc của anh Lộc rất thích hợp với đôi vợ chồng”. Tuần lắc đầu: "Thảo bỏ hát rồi!” Ngạc nhiên hỏi tiếp: "Tại sao lại bỏ hát? Cười: "Tại không thích hát nữa, cả Thái Hiền cũng vậy!”

Người viết không hỏi gì thêm mà chỉ thấy lòng mình buồn và... tức.

Trong lãnh vực tân nhạc, chúng tôi hiểu nhau, quý nhau và thương nhau vô cùng khi chia sẻ một nghiệp chung, và thấy một người bỏ cuộc chơi thì mình còn tiếc hơn những người "ngoại cuộc".

Từ trước đến giờ, riêng với Quỳnh Giao, giọng Thái Hiền là viên kim cương quý của nền nhạc Việt.

Thái Hiền có chất giọng "mezzo soprano" đúng nghĩa. Lên cao rất tròn và xuống thấp rất dầy. Không giống như một số ca sĩ khi lên cao thì nhọn mà mỏng, xuống thấp thì nghẹt và tối - nghe không rõ lời nữa. Cách phát âm của Thái Hiền là chuẩn mực cho người học hát. Nàng nhả chữ rõ ràng, không luyến láy bậy bạ, và nhất là không diễn tả quá lố. Điều gì mà tác giả viết ra, Thái Hiền cứ thế trình bầy rất đẹp, không quằn quại đau khổ hơn mà cũng chẳng gào thét để phô trương sức khỏe của mình, hay nỗi niềm của ai khác mà mình không cảm được gì.

Giọng Thái Hiền tự nhiên, giản dị mà mạnh mẽ vững vàng.

Nhạc trưởng khét tiếng Leonard Bernstein có câu phát biểu để đời, là “Thà làm ít hơn là làm lố!” Nói nôm na là đừng diễn tả quá mức. Thà cứ chân phương mà hay hơn.

Thái Hiền là người có sắc đẹp sang quý đến độ khỏi cần điểm trang mà vẫn lộng lẫy, nếu người trần mắt thịt biết nhìn lại một lần nữa. Nàng đẹp như Laura Linney trong phim ảnh Mỹ, nét đẹp của sự thông minh đến độ có thể... uể oải với cái đẹp.

Nhưng, trên sân khấu tân nhạc thì người yêu nhạc và có trình độ thẩm âm cần đến thanh âm hơn là nhan sắc, và thanh âm của Thái Hiền lại là một nét đẹp khác.

Quỳnh Giao buồn khi nghe Thái Hiền không còn muốn hát. Mà tức là vì Thái Hiền còn trẻ quá, không thể về hưu khi giọng đang sung mãn. Nếu lớn tuổi như Kim Tước, Mai Hương mà thấy chán chường thì đôi khi mình còn thông cảm. Thái Hiền còn trẻ hơn Khánh Ly và Lệ Thu cả chục tuổi trở lên, thì cớ sao như vậy?

Có nhiều lý do khiến các ca sĩ của mình chán không muốn hát. 

Nhưng nếu bảo là vì thính giả không còn thích loại ca khúc mình trình bày thì cũng không đúng lắm. Không khí và sự thành công của buổi nhạc Lê Uyên Phương cho Quỳnh Giao cảm giác là thính giả vẫn yêu cách hát và loại nhạc nghệ thuật ngày trước.

Thái Hiền và thân phụ là nhạc sĩ Phạm Duy.
Có lẽ họ thiếu dịp được nghe, và thèm được nghe lại. 

Nhiều nghệ sĩ thì chua chát cho rằng thính giả của mình không còn nữa, hoặc ưa thích của lạ. Ngược lại, nhiều thính giả lại thất vọng vì các ca sĩ về sau đều thuộc loại "đồng hạng"!

Có người châm biếm mở trang quảng cáo "giải phẫu thẩm mỹ" và nói rằng người đẹp thời nay đều có cùng một cha hay một mẹ, vì cũng dọc mũi đó, cái cầm kia và đôi mắt nọ. Một nhà thơ đã lỡ yêu nhạc thì than rằng ngần ấy cô ở trong kia có lẽ học cùng một thầy hát. Vì cũng gào thét quằn quại cứ như Whitney Houston trong mọi ca khúc!

Nói theo kiểu khinh bạc của Nguyễn Đình Toàn - bệnh bắt chước những cái dở của thiên hạ là một... "dân tộc tính" - thì nhiều ca sĩ ngoài này đã lại bắt chước kiểu ấy. Cũng phải là có học "thanh nhạc", cũng thấm điệu blues hay nhập kiểu jazz nên cũng phải tối tân như vậy thì khán thính giả mới thấy là hay.
Thái Hiền cứ đứng một cõi, chẳng cần theo ai!

Hãy cùng nhau nghe lại đi...

Thái Hiền mà hát "Bà Mẹ Gio Linh" thì không thể như Thái Thanh. Tiếng nức nở của Thái Thanh trong ca khúc bất hủ của Phạm Duy là dấu ấn tuyệt vời, hợp cách. Nhưng nếu hát bài "Ave Maria" của hai nhạc sĩ Âu Châu thì nét trang nghiêm quý phái và cách phát âm rất chỉnh của Thái Hiền mới diễn tả được nội dung của lời thánh ca.

Nghe Tuấn Ngọc nói Thái Hiền bỏ cuộc chơi buông tiếng hát, người viết bỗng thương hại người nghe. Không còn được thưởng thức nghệ thuật chân chính mà chạy ra ngoài chợ om xòm...

Quỳnh Giao viết ngày 02-12-2009
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562/posts/10208221522413759




32. Nhạc Đọng Trong Lời


Một buổi chiều Hè, khi đưa vợ chồng người bạn từ Pháp qua chơi lên đồi cam nhìn mặt trời lặn, chúng tôi đã nghe Jacques Brel trong xe. Bài “Jaurès” của Jacques Brel gợi nhớ tới... Thanh Tâm Tuyền.

Ông Jean Jaurès là một chính khách Pháp có nhiều công lao với giới lao động và nền giáo dục nhưng bị ám sát chết năm 1914.

Trong bài ca, Jacques Brel nhiều lần nêu câu hỏi “Vì sao chúng giết Jaurès?” khiến mình nhớ tới một bài thơ của Thanh Tâm Tuyền. Nhà thơ của chúng ta không nêu câu hỏi mà giải thích vì sao chúng đã giết Tạ Thu Thâu hay Phan Văn Hùm... Bài thơ này không được phổ thành nhạc như nhiều tác phẩm tuyệt vời khác của Thanh Tâm Tuyền, cho nên giờ này nhiều người không còn nhớ hết lời.

Âu cũng là một điều đáng tiếc.

Chính là vào lúc ấy, vợ chồng người bạn mới cho biết rằng lời từ trong các ca khúc của Jacques Brel được đưa vào môn văn chương các lớp trung học tại Pháp.

Nhận xét ấy khiến chúng ta ngậm ngùi...

Jacques Brel là một danh ca, một nhà soạn nhạc, làm phim và diễn viên nổi tiếng của Pháp dù ông sinh tại Bỉ, trong cộng đồng những người Flamands (Flemish) gần với Hòa Lan hơn là cộng đồng dân Wallons gần với Pháp.

Ông là người Bỉ đã làm rạng danh cho nghệ thuật Pháp với các ca khúc có lời từ đẹp như thơ. Việc dân Pháp đưa lời ca của Brel vào học đường là một điều may cho nước Pháp, nhờ đấy mà trẻ em sẽ biết thưởng thức cái đẹp để gìn giữ cái đẹp.

Biết đâu là sau này cũng sẽ nhờ vậy mà viết lời nhạc như thơ...

Sau Maurice Chevalier và Édith Piaf, Brel cũng là nghệ sĩ Pháp nổi tiếng nhất tại Hoa Kỳ với nhiều vở ca vũ nhạc được trình diễn liên tục trên sân khấu Broadway. Trong nhiều ca khúc thật đẹp của Jacques Brel, “Ne me quitte pas” là bài nổi tiếng nhất, được dịch qua Anh ngữ thành “If you go away” với phần trình bày của nhiều danh ca Hoa Kỳ như Frank Sinatra, Tom Jones, Neil Diamond hay Cindy Pauper....

“Ne me quitte pas” là bản tình ca của người đàn ông tuyệt vọng đến đớn hèn vì van xin tình yêu... mà không được!

Chàng có thể gào lên rằng xin nguyện làm cái bóng của bóng em, cái bóng của con chó của em, và khẩn nài nhiều điều bi thiết khác. Nhưng nàng vẫn bỏ đi. Lời ca là một bài thơ buồn, nhưng buồn nhất là bị mất tăm trong bản dịch sang Anh ngữ.

Một thí dụ là chàng nguyện “dâng lên người tình chuỗi hạt mưa từ một xứ không có mưa”. Lời ca óng chuốt ấy lại bị đổi thành lời hứa hẹn ngây dại:
But if you stay,
I'll make you a day
Like no day has been
Or will be again.

Khi nhớ lại cả hai lời ca, chúng ta bỗng tiếc cho thính giả bản Anh ngữ là không thấm được nội dung rất đẹp của nguyên bản bài thơ. Càng nghĩ vậy càng thấy việc Pháp đưa lời ca của Jacques Brel vào học đường là chí lý.

Lúc ấy, mình lại nhớ tới lời từ của các ca khúc bất hủ của chúng ta.

Nhiều người nói rằng nếu ba bài Hòn Vọng Phu của Lê Thương được đưa vào trường, các học sinh sẽ thích đọc và học Chinh Phụ Ngâm Khúc hơn. Biết đâu là sẽ không đập phá một hòn vọng phu thật tại miền Trung để lấy đá vôi, rồi dựng lên hòn vọng phu giả để an ủi du khách!

Qua liên khúc bất hủ này, nhạc sĩ Lê Thương tài hoa của chúng ta đã lấy cảm hứng từ Chinh Phụ Ngâm khi dựng lại một số hình ảnh hào hùng bằng nhạc và bằng lời từ. Chính là nhạc sẽ khiến lời ca thấm đậm sâu hơn trong tâm khảm người nghe. Khi còn bé mà đã được thầy cô trong trường dạy về ý nghĩa của câu:
Qua Thiên San kìa ai tiễn rượu vừa tàn

Vui ca xang rồi đi tiến binh ngoài ngàn
thì mình sẽ không thấy Chinh Phụ Ngâm Khúc là một tác phẩm cổ xưa khó hiểu mà lũ nhóc phải miễn cưỡng học.
Cũng qua lời ca “tiến binh ngoài ngàn”, hoặc một đoạn ai oán trong bài số hai:

Chín con long thật lớn,

Muốn đem tin tới chàng

Núi ngăn không được xuống
Chúng kêu ca dưới ngàn...”
các học sinh sẽ hiểu thêm một ý khác của chữ “ngàn”. Ngàn không phải là 10 lần một trăm phát âm theo giọng Nam mà là một khu vực bát ngát, hay một cánh rừng. Nếu được thầy cô dạy như vậy, các em nhỏ của chúng ta sẽ hiểu đúng lời ca của Việt Lang trong bài Tình Quê Hương:

Ngàn dâu xanh ngắt

Mấy nếp tranh xa mờ

Tiếng sáo bay dập dìu
Ðường về thôn xưa...”

“Ngàn dâu” đây là một rừng dâu. Hình ảnh rừng dâu bát ngát màu xanh với mấy nếp tranh xa mờ là một bức tranh thật đẹp về quê hương thanh bình. Lại còn có tiếng sáo diều văng vẳng trên trời chiều... Lời và nhạc khiến mình càng nhớ quê hương.

Nhân đây, xin mở một ngoặc đơn để ghi thêm vài lời tri ân trong tâm khảm. Người viết mới nhận được một email có kèm theo bài Tình Quê Hương do Quỳnh Giao trình bày, với lời nhắn của nhiều người bên Pháp gửi cho nhau, xin được ghi lại nguyên văn:

“Nhân dịp Việt Lang vừa qua đời tại Việt Nam, hưởng thọ 82 tuổi, tôi xin gửi đến các bạn một bài hát. Xin mời các bạn nghe, hay nghe lại, như để tiễn đưa một người nghệ sỹ tài ba nhưng đã không sống trong một môi trường thích hợp để có thể sáng tác thêm. Việt Lang đã phải chối bỏ những tác phẩm của mình và thay đổi cả tên và họ của mình, làm nghề khác để sống thoải mái hơn... chút đỉnh”

Quỳnh Giao xin gửi lời nhắn này tới những ai yêu nhạc Việt Lang.

Ông sinh năm 1926 trong một gia đình Công Giáo tại Thái Bình, nổi tiếng nhất với “Tình Quê Hương” ông sáng tác vào tuổi đôi mươi và bài “Ðoàn Quân Ði”, cũng viết trong thời kháng Pháp, vào năm 1948. Tên thật của ông là Lê Quý Hiệp, sau này dùng bút hiệu là Lê Huy. Việt Lang mất ngày 31 Tháng Bảy vừa qua, và quả thật là không xưng danh nhạc sĩ, cũng chẳng có tên trong Hội Nhạc Sĩ Việt Nam của Hà Nội, mà sống như một nhà giáo, một người làm văn hóa.

Khi nghe lại “ngàn dâu xanh ngắt” của Việt Lang, hay “chín con long đã kêu ca dưới ngàn” của Lê Thương, các học sinh được lời từ và giai điệu mở ra nhiều chân trời khác. Từ “chín con long” của Lê Thương mới nhớ đến sông Cửu Long, nhiều địa danh hào hùng của đất nước, như “Thành Cổ Loa, đền Vạn Kiếp, bao tháng năm dấu chưa xóa mòn”...

Nếu nhớ lại thì cũng thể không quên được hai chữ “ngàn” và “nghìn” trong “Mấy Dặm Sơn Khê” của Nguyễn Văn Ðông:
Anh đến thăm, áo anh mùi thuốc súng

Ngoài mưa khuya lê thê, qua ngàn chốn sơn khê.

Non nước ơi, hồn thiêng của núi sông
Kết trong lòng thế hệ, nghìn sau nối nghìn xưa.” 


Ngàn là không gian bát ngát, nghìn là thời gian miên viễn, cả hai được nối kết bằng lời từ, và tồn tại trong chúng ta bằng giai điệu nhạc. Bao giờ các tác phẩm âm nhạc có giá trị sẽ vào học đường cho nghìn sau vẫn nối được nghìn xưa?

Quỳnh Giao, 12- 8-2008
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562/posts/10208242532739004





33. Nghe Nhạc Như Tìm Về Nhà


Những ca khúc ban đầu của chúng ta vẫn là những ca khúc hay nhất.

Không chỉ vì là khúc hát tuổi thanh xuân, mà vì chúng đã trở thành một phần tâm hồn của mình. Dù đã đi thập phương tứ xứ, khi trở về mái nhà xưa thì ai cũng có sự bồi hồi xúc động. Cũng thế, dù đã nghe hay hát những tác phẩm tân kỳ hơn, có khi còn giá trị hơn, nhưng khi các giai điệu cũ nổi lên thì ta vẫn cho là hay nhất. Con người hầu hết đều như vậy, mới hay cũ chỉ là tương đối thôi, vì thế hệ nào cũng có những kỷ niệm cũ rồi tiếp nhận cái mới và vài chục năm sau thì thấy rằng đấy cũng sẽ là kỷ niệm...
Condi Rice và Aretha 

Quỳnh Giao vẩn vơ như vậy khi theo dõi buổi trình diễn của dương cầm thủ Condoleezza Rice và Nữ hoàng nhạc Soul Aretha Franklin.

Condi Rice có tên từ một ký hiệu âm nhạc gốc tiếng Ý, là "Con Dolcezza", nghĩa là "với sự ngọt ngào". Học nhạc và đánh dương cầm từ bé, nàng là dương cầm thủ xuất sắc, nhưng tự biết là chưa thể là diệu thủ virtuoso nên bỏ nhạc mà đi học về chính trị. Trở thành giáo sư xuất sắc của Đại học Stanford trước khi tham gia chính quyền từ thời Ronald Reagan, rồi về làm Giáo học Stanford, Condi bước ra là Cố vấn An ninh Quốc gia rồi Ngoại trưởng cho Tổng thống Bush. 

Nhưng, "tiếng gọi rừng thẳm", sự quyến rũ thuở thiếu thời vẫn là nhạc.

Condi Rice đã nhiều lần chơi nhạc trong chốn bằng hữu, song tấu với Yo-Yo Ma để gây quỹ, và nổi tiếng nhất là dạo đàn cho Nữ hoàng Anh thưởng thức. 

 Condoleezza Rice với với dàn giao hưởng Philadelphia.

Nữ hoàng Anh cám ơn sau khi thưởng thức
buổi trình tấu piano của Rice

Condoleezza Rice và TT Bush
Nữ lưu da đen này là hạt huyền bên đảng Cộng Hòa. Nhưng rời chính trường thì lặng thinh dạy học, chỉ nghe thấy tiếng đàn. 

Aretha Franklin hơn Condi đúng một giáp nhưng có cùng xuất xứ: da đen, học nhạc, đánh dương cầm và hát thánh ca trước khi chói lòa trên sân khấu Rythm and Blue. Rồi viết nhạc và thành Nữ hoàng nhạc Soul từ bốn chục năm trước. Ngồi trên hai chục giải Grammy, Aretha được tôn là thành phần danh ca hay nhất cổ kim, mà ở tuổi này vẫn có thể làm náo động thế giới nhạc Jazz, nhạc Rock, nhạc Blues, nhạc đạo. Và đôi khi nhạc cổ điển hay các thanh khúc Opéra.

Khác với Condi, Aretha không dạy học nhưng năm nay vừa có bằng tiến sĩ danh dự về nhạc của Đại học Yale. Và là báu vật bên đảng Dân Chủ, đã trình diễn trong lễ nhậm chức năm 2009 của Tổng thống Obama.

Vậy mà Thứ Ba 27 vừa qua, hai người cùng xuất hiện trên sân khấu Mann Center for the Performing Arts, với dàn giao hưởng Philadelphia. 

Hai người không so tài mà cùng chung sức gây quỹ cho một chương trình phát triển giáo dục và cộng đồng của Mann Center. Mỗi người một vẻ.

Condi từ nhạc cổ điển trở về nhạc hiện đại, kể cả giai điệu dương cầm nổi tiếng do Aretha hòa âm. Nhiều người lại tiếc là vì sao nàng không "ở với âm nhạc" vì chơi đàn quá hay!

Qua phần sau, Aretha hát hơn một giờ một danh mục cũng là cổ điển của mình, từ các ca khúc phổ thông buổi thanh xuân đến ca khúc nghệ thuật của Opera và kết thúc với bài "Chain of Fools" do chính mình đàn lấy.

Sau đó là phần hợp diễn của hai ngôi sao, với nhạc cổ điển lẫn hiện đại, mà đều là tác phẩm nghệ thuật. Khi Condi Rice đệm đàn cho Aretha Franklin hát "Nessun Dorma" trong vở "Turandot" của Puccini thì tám ngàn khán giả đã bật dậy hò la và hóa điên vì sướng!

Qua buổi trình diễn lịch sử ấy, người viết nhớ lại thuở ban đầu....

Thuở ban đầu của danh thủ dương cầm Condoleezza Rice là nhạc cổ điển. Đêm đó, khi trình tấu bản Concerto cho Dương cầm số 20 của Mozart, nàng là người hạnh phúc vì nhận ra con đường về nhà vào tuổi ấu thơ. Hồn nàng đã nhập vào nhạc cổ điển, coi Mozart hay Chopin và Litszt là người nhà.

Chuyện thị phi của chính trị hay các tác phẩm đương đại, dù là "Candide" của Leonard Berstein, chỉ là cái thuật để thi thố tài nghệ. Niềm hạnh phúc vẫn là dư âm ngày cũ...

Aretha Franklin
Có lẽ Aretha Franklin cũng thế. 
Danh ca này thật sự xuất thần trong bài "Respect" đã thành xưa, hoặc "You Make Me Feel (Like a Woman)" đã tạo nên dấu ấn Aretha với nhịp tiết rạo rực trong từng nét giật của nhạc. Những ca khúc này không chỉ là kỷ niệm mà thành phần hồn của bà.
Khi hát các ca khúc trong vở Opera của Puccini hay Gluck, Aretha Franklin trình bày đầy nghệ thuật và kỹ thuật của bậc danh tài. Nhưng có lẽ hết còn niềm vui cho riêng mình.

Quỳnh Giao nghĩ như vậy khi nhớ đến danh ca Kim Tước và nhiều nghệ sĩ khác.

Kim Tước hát "Thu Vàng" hay nhất và hạnh phúc nhất như nàng con gái tung tăng trên nẻo đường xưa, dù người giỏi nhạc có thể coi bài hát là loại "exercise", bài tập.

Thái Thanh trong "Tình Ca" hay "Bà Mẹ Gio Linh" là tuyệt chiêu vượt thời gian vì các ca khúc xã hội ấy đã đậm nét trong tuổi thanh xuân của bà. Đấy là con đường về nhà đầy hạnh phúc của người nghệ sĩ. Nhiều danh ca khác cũng có những tiếng nhạc xưa đã đánh dấu một phần đời như vậy.

Sau này, nếu có cần phô diễn tài nghệ thì các nghệ sĩ thật vẫn thừa sức vượt qua, và về nghệ thuật thì vượt qua nhiều thế hệ về sau. Nhưng đấy là chỉ khúc hát cho đời.

Trong chốn riêng tư, những rung động thật cho mình thì vẫn bật lên từ các giai điệu cũ mà có khi người đời đã quên...

Quỳnh Giao ngậm ngùi hiểu ra cách thưởng thức của giới mộ điệu, mà cũng thương cảm tâm tư của nghệ sĩ.

Nghệ sĩ phải luôn luôn làm mới nghệ thuật, sáng tạo và tự tái tạo để thỏa mãn người khác. Trong sự sáng tạo nhiều khi đánh mất chính mình, họ vẫn nhớ đến một giai điệu cũ. Khúc hát đã làm nên hạnh phúc riêng tư, mà đôi khi chỉ chính mình còn nhớ.

Nếu có buổi trình diễn nghệ thuật đích thực, hãy tò mò hỏi người nghệ sĩ trên sân khấu là họ thích trình bày tác phẩm nào nhất. Chúng ta sẽ rất ngạc nhiên, và đôi khi bồi hồi, vì tác phẩm ấy cũng dẫn chúng ta trở lại mái nhà xưa của mình, mà chính mình đã quên...

Quỳnh Giao viết ngày 04-8-2008.
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562/posts/10208222375555087





34. Dương Thiệu Tước và Ngọc Lan



Nếu Dương Thiệu Tước là người viết ca khúc khêu gợi nhất từ thời “tiền chiến”, là thời phôi thai của tân nhạc cải cách, ông cũng là tác giả của một ca khúc lãng mạn thanh quý nhất.

Trước “Cỏ Hồng” của Phạm Duy dễ mấy thập niên, bài “Dưới Ánh Trăng” của Dương Thiệu Tước là ca khúc mang rất nhiều ẩn dụ âm dương:

Anh như ánh trăng thanh
Em như hoa trên cành
Trăng lồng hương sắc thắm
Âu yếm cho mộng tàn canh
.

Ánh trăng mà ái ân với nụ hoa đầu cành, không là nghệ sĩ giàu trí tưởng tượng thì ít ai nghĩ ra! Chữ “lồng” của ông trong đoạn mở đầu quả là đắt! Đông phương thời xưa vốn không nghèo ý lạ thì cũng phải chịu chữ này là hay. Là động từ hay hình dung từ vậy, mà ánh trăng lại lồng cho hương sắc thắm?

Người ta thường nói Dương Thiệu Tước kết tinh tài hoa của đất Bắc ngàn năm văn vật vào một thể loại mới là nhạc cải cách, mà ông cũng là một trong mấy tác giả tiên phong.

Ông sinh năm 1915 tại làng Vân Đình tỉnh Hà Đông, là cháu nội cụ Dương Khuê của văn học sử. Những bậc cao niên ngày nay vẫn còn nhắc đến Dương Thiệu Tước tại Hà Nội của sáu mươi năm về trước, môi đỏ tựa son, da trắng hồng, tóc đen nhánh, gợn sóng như một công tử tài hoa đất Hà Thành.

Ông thuộc loại nhạc sĩ quán triệt nhạc thuật Tây phương lẫn văn hoá Đông phương nên mới cho “trăng lồng hương sắc thắm” trong ca khúc thuộc loại đầu đời của tân nhạc cải cách.

Sau ông, nhiều nhạc sĩ khác cũng nổi danh trong trường phái tân nhạc cao sang về lời từ và quý phái trong giai điệu. Họ không nhiều đâu. Đó là Vũ Thành, Nguyễn Văn Quỳ và Cung Tiến. Họ viết nhạc trên giai điệu Tây phương, rất gần với thể loại về sau chúng ta gọi là “bán cổ điển”.

Nhưng, khác ba nhạc sĩ trên, Dương Thiệu Tước cũng là tác giả của nhiều ca khúc vẫn đậm nét Á Đông, trên giai điệu ngũ cung: đó là “Đêm Tàn Bến Ngự” vô cùng Huế, hay “Tiếng Xưa”, hết sức Nam kỳ. Nói “Tiếng Xưa” là giai điệu miền Nam thì nhiều người hoài nghi, nhưng xin nghe lại mà xem. Những người sành cổ nhạc Nam phần như Nguyễn Hữu Ba hay Việt Hùng thì không còn ở với chúng ta để xác nhận điều ấy, cho nên mình phải nghe lại, ngẫm lại!...

Dương Thiệu Tước để lại cho hậu thế nhiều tác phẩm trang nhã của loại bán cổ điển, như “Áng Mây Chiều”, “Buồn Xa Vắng”, “Mơ Tiên”, “Bến Xuân Xanh” hay “Thuyền Mơ”.... Bài nào cũng là viên ngọc quý trong kho tàng nhạc Việt.

Riêng một bài thì rõ là một đoá hoa quý:

“Ngọc Lan” tiếp nối ẩn dụ của “Dưới Ánh Trăng” đã nói ở đầu. Nhưng thanh thoát bội phần.

Một số người kém văn hóa và nghệ thuật mà ưa chuyện hậu trường thì cho rằng Ngọc Lan được Dương Thiệu Tước sáng tác cho Minh Trang (thân mẫu của người viết bài này!) Đấy là tiểu tiết hay tiểu truyện khỏi cần nói trong tác phẩm. Đúng sai thì xin để lại cho những người trong cuộc. Dương Thiệu Tước viết bài này tại đất Thần Kinh năm 1953, khi cùng thân mẫu của Quỳnh Giao về Huế thăm đại gia đình đã xa lâu rồi.

Nếu “Dưới Ánh Trăng” là ca khúc tả cảnh để tả tình, để ánh trăng ân ái với đóa hoa, thì “Ngọc Lan” tả đóa hoa mà để nói về tình yêu thanh khiết.

Những người không hiểu lời, ngoại quốc chẳng hạn, hoặc nếu chỉ nghe phần nhạc có hoà âm công phu, thì vẫn cảm nhận được nét đẹp lả lướt mà không lả lơi, phóng khoáng mà không phóng túng và nhất là giai điệu rất trang trọng, quý phái. Trước vẻ đẹp của hoa, người nghệ sĩ chỉ có thể trầm trồ như vậy!

Viết trên cung Mi giáng Trưởng, dìu dặt khoan thai theo tiết điệu ¾ của một bài luân vũ chậm, ca khúc Ngọc Lan có ba nhạc đề.

Phần đầu tha thiết dịu dàng mở ra như một đóa hoa ngọc lan mới nở và phả hương thơm ngoài hiên nắng. Từ cánh hoa trắng muốt như bạch ngọc, nhạc sĩ chuyển qua phần hai, ngợi ca cả thanh lẫn sắc. Hóa ra hoa chỉ là người! Mà phải là người rất đẹp. Qua đến nhạc đề thứ ba, tác giả chuyển từ cung Mi giáng Trưởng sang Si giáng Trưởng rồi qua Sol thứ trước khi trở lại Si giáng trưởng để chuyển về nhạc đề đầu tiên. Nhạc đề này diễn tả sự hôn mê rung động của người ngắm hoa.

Tác giả khiến ta nghĩ rằng trước vẻ đẹp tinh khiết của hoa, người nghệ sĩ phải lùi lại, ngậm ngùi nhìn nét đẹp như hương thơm, cứ thoảng dần trong gió và để lại nơi đây, trong cõi đời này, biết bao thương nhớ. Nhạc thuật gợi lên nào thanh, nào sắc nào hương và nỗi tình si của người không dám sỗ sàng bước tới, mà chỉ chìm dần trong làn hương thắm do đóa hoa vương lại.

Về cách diễn tả thì khi trở về nhạc đề thứ nhất, người ca sĩ sẽ hát cho đến cuối nhạc đề hai bằng hai câu kết tuyệt vời, một trên cung Trưởng, một trên cung Thứ và đáp lại bằng Mi giáng Trưởng lâng lâng, đầy thương nhớ. Ngày xưa, trong các đài phát thanh của Sàigon, khi hát câu cuối, người ca sĩ phải lên đến nốt Sol cao ngất, ở ngoài dòng kẻ.

Nhưng đó là chuyện ngày xưa!

Ngọc Lan là ca khúc kén người hát lẫn người nghe. Muốn hay thì trước hết phải có hoà âm ra hồn, mà về hoà âm không phải nhạc sĩ nào cũng diễn tả được nét thanh quý của tác phẩm.

Không chỉ là một bài hát, Ngọc Lan là một bài thơ, một bức họa và một đoá thơm lãng mạn. Ca khúc này được nhiều người trình bày, nam lẫn nữ, nhưng có lẽ thích hợp với giọng nữ hơn nam. Điều này hơi lạ vì nội dung gợi ý về bậc nam tử thấy người ngọc trong “giấc xuân yêu kiều” bỗng mê đắm mà... lùi lại để tơ vương trong tâm tưởng. Ngợi ca đoá hoa như vậy thì phải là nam tử chứ?

Về nhạc thì vậy, về lời từ thì thật đáng thương cho Dương Thiệu Tước, cháu nội cụ Dương Khuê.

Ông viết nhạc đã hay mà dùng chữ rất tài cho một hậu thế lại coi thường chữ nghĩa và nỗi dụng công của ông. Khi viết “ngón tơ mềm, chờ phím ngân trùng, mạch tương lai láng”, ông dồn hết thi họa và nhạc vào một câu làm người ứa lệ trước cái đẹp. “Mạch tương lai láng” là một điển cố nói về giọt lệ. Nhưng đời sau lại hát ra “mạch tương lai sáng”. Dẫu có buồn thì cũng chưa đáng khóc bằng “mạch tuôn” hay “mạch tuông lai láng”!

Dễ hiểu hơn đấy, nhưng khiến tác giả không hiểu gì nữa... Thương cho một đoá ngọc lan.

Quỳnh Giao viết 04-01-2007.
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562/posts/10208221338089151





35. WTC và Barenboim


Khi còn bé, lũ trẻ học trường nhạc chúng tôi thường hỏi đùa nhau: “Bồ tèo thích Bach nào?”

Câu hỏi này là lối chọc ghẹo khá phổ biến của dân học nhạc. Mọi người đều có thể nghĩ đến Johann Sebastian Bach, vì chỉ có một Bach đó mà thôi. Nhưng, đám trò hư, học hành qua quít lại còn tưởng ra một Bach thứ hai. Ông Jacques Offen.

Trò trêu chọc này nằm ở lối chơi chữ. Thế giới không có nhạc sĩ nào tên là Jacques Offen Bach mà chỉ có Jacques Offenbach, viết nhạc opéra hơn là nhạc cổ điển quen thuộc của lũ học nhạc.

Cuối tuần này, dân New York cũng có thể sẽ chơi chữ như vậy. New York là nơi có hai tháp cao tầng gọi là World Trade Center đã bị đánh sập. Vì vậy, ở New York mà nói đến WTC là mọi người đều nhớ đến hai tầng tháp ấy. Nhưng tuần này, New York sẽ có hai ngày mà người ta nhắc đến WTC, với niềm vui.

Đó là tên tắt của một chuỗi nhạc khúc do Johann Sebastian Bach viết cho dương cầm vào thế kỷ 18, gọi là “Well-Tempered Clavier”, loại cực hình cho lũ nhóc học nhạc. Thời đó, dân học trường nhạc tại Sàigon đều học nhạc cổ điển Tây phương từ Tây, nên lũ nhóc đều phải biết “Le clavier bien tempéré” của Jean-Sébastien Bach. Giờ đây thì phải cập nhật cái danh với cái thực, và theo dõi WTC tại New York.

Trong hai ngày cuối tuần này, danh cầm kiêm nhạc trưởng khét tiếng Daniel Barenboim sẽ vào Carnegie Hall trình tấu hai tập WTC của Bach. Cái tin ấy khiến dân chơi nhạc bồi hồi nhớ lại thời tập tành ngày xưa….

Beethoven tôn xưng Bach là “bậc chúa vĩnh cửu về âm sắc hài hòa”. Còn Debussy thì gọi Bach là “một thượng đế có lòng mà các nhạc công phải đội ơn vì giúp họ tránh được sự tầm thường”. Tác phẩm biểu hiện ưu điểm ấy chính là hai tập nhạc được hậu thế gọi là “Le clavier bien tempéré”, hay phiếm đàn ôn nhu hài hòa.

Ôn nhu vì nhạc tính và âm sắc được kết hợp hài hòa với nghệ thuật trình tấu. Thời của Bach, nhạc cụ ta gọi là dương cầm hay piano ngày nay còn có tên là clavier, hoặc klavier viết theo tiếng Đức. Các nhà ngữ học về nhạc có thể tìm ra cách dịch khác chính xác hơn về đàn dương cầm qua các thời đại, từ clavecin qua clavicord, v.v…. Nhưng ở đây, chúng ta hãy cứ tạm dùng chữ dương cầm cho dễ hiểu!

Chuỗi nhạc khúc gồm 48 bài của Bach được gọi là ôn nhu, tempered, vì có rất nhiều đối điểm contrepoints, khiến người trình bày phải học cho được cách diễn tả âm sắc trời cho này bằng mười ngón tay hoàn toàn độc lập. Hai tay múa võ vuông tròn như ông Châu Bá Thông của truyện Kim Dung thì đã là siêu đẳng, khó học. Bây giờ, nhạc sĩ phải có 10 ngón thong dong, mỗi ngón một nốt, và ngân theo một cách!

Nói theo ngôn ngữ thêu thùa, đây là gấm dệt muôn màu. Từng ngón tay của nhạc công phải “vẽ” ra những màu sắc đa diện đó của âm thanh, kết hợp thành sự hài hòa giữa âm sắc, giai điệu và nhịp tiết. Bach mất 22 năm để hoàn thành 48 đoản khúc ấy, người nhạc sĩ ôm tham vọng trình bày có lẽ cũng mất vài chục năm tập luyện!

Khi còn đi học nhạc, lũ nhóc chúng tôi được dạy là Bach viết loạt nhạc đó cho mục tiêu giáo dục: dạy cho người chơi nhạc biết cách điều khiển ngón tay từ cái tâm. Một đòn “nhất dương chỉ” của võ thuật mà nhân gấp mười thì chỉ có cái tâm mới điều khiển được từng ngón. Nếu ông Kim Dung dùng nhạc Johann Sebastian Bach để các nhân vật trong truyện thi triển võ công thì người đọc sẽ hoa mắt ù tai mất. Một ngón nhất dương chỉ của Đoàn Nam Đế hay mũi kim lập loè của Đông phương bất bại cũng chưa đủ thể hiện cái ghê gớm của Bach!

Trong ngành “nhạc sử học”, vị trí của Bach và nhất là hai tập WTC đã có chỗ đứng rất cao. Lớp trẻ học đàn thì chưa lên tới chỗ thẩm định vị trí hay ảnh hưởng của Bach như vậy mà chỉ được thày nhắc rằng nhạc khúc mở đầu cho tập một, bài Prelude trên cung Đô trưởng, đã gây cảm xúc rất mạnh cho Charles Gounod khiến ông viết ra “Trầm tư về bài Prelude thứ nhất của Bach”. Đó là bài mà công chúng về sau quen gọi là Ave Maria của Gounod hay đúng hơn, của Bach-Gounod.

Lúc ấy, chưa ai dám nghĩ đến chuyện so sánh hai nhạc khúc vì phải nhắm mắt chú tâm vào cách diễn tả thế nào cho hài hòa những nốt dồn dập rất khó gõ cho tròn, cho ròn rã!

Mãi rất lâu về sau, nhiều khi sau khi đã quên hẳn thời toát mồ hôi về Bach, chúng tôi mới được nghe một virtuoso như Barenboim diễn tả Le clavier tempéré trong đĩa.

Âm nhạc của Barenboim vì vậy có khả năng gợi nhớ rất sâu về thời kỳ mình võ vẽ học nhạc và biết bao kỷ niệm của thày cũ trường xưa. Thế rồi phải nghe lại và nghe mãi, người ta mới quên thày và nhớ nhạc, thưởng thức lại tinh túy của Bach trong nghệ thuật của Barenboim.

Tuần này, giới yêu nhạc tại New York có thể được vào Carnegie Hall nghe lại đỉnh cao ấy của Bach, một cột trụ lớn lao của âm nhạc thế giới, được gọi tên là WTC. Một niềm an ủi cho những mất mát năm năm về trước, khi hai tòa tháp WTC đã tan thành tro bụi. Cũng là một cách nhắc nhở về những gì vĩnh cửu, chỉ thấy được từ con tim, không bằng mắt.

Quỳnh Giao viết ngày 17-01-2007.
https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562/posts/10208221076162603

Hình bên là đĩa nhạc của Daniel Barenboim trình tấu bài WTC của Bach



36. Dolly Parton – Sexy và Thông Minh


Tổng thống Bush là người vất vả.
Năm 2006 là khi ông ngổn ngang trăm chuyện vì đảng của ông thất cử mà một tháng sau vẫn phải khăn áo tham dự những sinh hoạt văn hoá nghệ thuật của chức vụ. Nhưng, ông có thể tự an ủi là được bắt tay chào mừng một người ông ngưỡng mộ từ lâu, Dolly Parton.

Dolly Parton
Còn nàng Dolly, năm đó nàng phải chứng kiến một chuyện không vui. 

Hát cho thiên hạ xem thì dễ, cho thiên hạ nghe thì khó hơn. Nhưng khi hát mừng một bậc đàn chị trên sân khấu, nàng Jessica Simpson đã bị “té trên sàn”. Có lẽ vì quen hát cho thiên hạ xem hơn là cho thiên hạ nghe. Nàng Jessica hát nhầm lời và không ngân nổi cái coda kết thúc bài “9 to 5” để mừng Dolly Patton. Sau đó phải quay ra xin lỗi ngay trên sân khấu!

Mọi chuyện là ở buổi trình diễn đêm Chủ nhật, mùng 3 tháng 12 năm 2006 của Kennedy Center tại New York.

Theo truyền thống từ gần ba chục năm, hàng năm Kennedy Center tổ chức đại hội vinh danh sự nghiệp của các nghệ sĩ, với sự tham dự của Tổng thống và Phu nhân cùng nhiều nhân vật nổi tiếng trong xã hội. Năm đó, Kennedy Center vinh danh ca sĩ Dolly Parton, nhạc trưởng Zubin Mehta, nhà soạn nhạc Andrew Lloyd Weber, đạo diễn Steven Spielberg và ca sĩ kiêm nhạc sĩ loại R&B là Smokey Robinson.

Với đại đạo diễn Spielberg thì "đây là biến cố long trọng như khi mình được phong tước vậy!" Từ một người đang ở trên tột đỉnh danh vọng như Spielberg, lời nhận xét tất là đáng tin.

Theo thông lệ, đêm hôm trước thì Ngoại trưởng là người mở dạ tiệc đón mừng và trao huy chương cho các nghệ sĩ được vinh danh. Lần này, Ngoại trưởng là Condoleezza Rice, dương cầm thủ nhạc cổ điển và là người thẩm âm. Nàng thú nhận là trong lần hẹn hò đầu tiên, nàng đi nghe Smokey Robinson. Nhưng lại có phụ thân đi kèm, “có lẽ vì sợ mãnh lực của Smokey Robinson”. Làm thân con gái chớ nghe đàn bầu!

Tối hôm sau mới là buổi tiếp tân do Tổng thống khoản đãi và kết thúc bằng buổi trình diễn tại Kennedy Center.

Nàng Jessica Simpson chỉ nổi ngoài bìa báo, chứ hữu sự thì hát hỏng! Nhưng Dolly Parton không phiền lòng vì người vinh danh nàng là nghệ sĩ đồng hương Reese Witherspoon, và hát mừng nàng là một đồng nghiệp lẫy lừng, Kenny Rogers, cũng là một ca sĩ Country.

Khi còn ở nhà, chúng ta có nghe Vaya Con Dios hay Tennessee Waltz thì cũng cứ nghĩ rằng đó là… nhạc Mỹ, với giai điệu đơn giản, lời ca cảm động trên nhịp ¾ dìu dặt. Khác nhau với nhạc pop hay jazz thì mình chưa rõ, chỉ mơ hồ biết là có khác trong nhịp tiết và lời ca.

Sau này mới có dịp nghe nhiều và nghe ra rằng các ca khúc ấy cũng là Country!

Người ta có thể cứ theo nguyên nghĩa mà dịch Country music của Hoa Kỳ thành “nhạc đồng quê”. Theo thị hiếu của thành phố thấm nhuần âm nhạc Âu châu thì có thể gọi đó là “nhạc nhà quê”, nhạc ruộng, bình dân hay… “dân ca”. Nếu theo tâm cảnh của tân nhạc Việt Nam và ảnh hưởng phổ thông của loại nhạc ta gọi là “nhạc sến” vì nội dung lời ca hơn là nhạc thuật thì Country music của Mỹ cũng có thể là loại nhạc “sến”. Nhạc country của Mỹ được viết trên nhiều tiết điệu, nhưng nhiều nhất là nhịp ¾ , trong khi nhạc “sến” của ta luôn luôn ở thể loại “boléro”.

Cũng như nhạc “sến”, Country music của Mỹ đều là loại “chuyện”ca.

Nghĩa là một cách kể một câu chuyện. Giống như bên ta, nhạc “sến” cũng có nội dung kể chuyện: chuyện một căn nhà ở ngoại ô, hay là chuyện chàng và nàng ở chung vách, hoặc khi đã “chia tay” thì trở thành chuyện ba người .…

Nhưng mọi phiên dịch hay diễn dịch như vậy đều có thể sai, ít ra là thiếu chính xác. Chỉ vì Country music cũng thay đổi theo thời gian và xã hội.

Loại nhạc này xuất hiện từ bên ngoài thành phố, ở vùng thôn quê, trước tiên là từ Tennesse và chỉ trở thành phổ thông từ khi Hoa Kỳ có vô tuyến truyền thanh, có radio. Trước tiên là với tiếng vỹ cầm làm trụ, và mới cách đây có chừng 80 chục năm thôi.

Sau đấy, Country music cũng là nhạc… “cao bồi” với các danh tài Roy Rogers hay Gene Autry, bay bổng khỏi không gian lãng mạn của Tennesse, rồi hoà chung cùng nhạc Viễn Tây - Western music - trong các phim ảnh về vùng Viễn Tây, tràn qua Texas và Oklahoma.

Kể từ đấy, Country music trở thành loại nhạc tiêu biểu của nước Mỹ thâm sâu, có chất u uẩn của thành phố nhưng hồn nhiên với nét phóng túng của nhạc Honky Tonk - khiêu vũ, uống rượu và té lăn quay mới đủ phê… khi cuộc tình đã chết! Hiram King Williams là người sống, hát và chết theo đúng tinh thần ấy. Ông uống rượu như hũ chìm và hát như lời cáo phó: “I’ll Never Get Out of This World Alive”.

Ðĩa nhạc vừa phát hành thì ông bị trụy tim mà thác!

Thế rồi giai điệu Country music lan toả khắp nơi, hoà quyện với nhạc “pop” - nhạc phổ thông - và trở lại Nashville, nơi nổi tiếng của Patsy Cline, Nữ hoàng Country trước Dolly Parton một thế hệ. Trên danh mục Country Music Hall of Fame vì vậy có rất nhiều khuôn mặt nghệ sĩ từ Jimmie Rodgers ở thuở ban đầu tới Johnny Cash, Willie Nelson, hay Kenny Rogers….

Trong thế giới ấy, Dolly Parton được tôn là một trong các ngôi sao sáng nhất với bảy giải Grammy Award, chín giải của Country Music Association và huy chương National Media of Arts.

Nếu nghĩ “trông mặt mà bắt hình dong” thì người ta sẽ lại trật với Dolly Parton.

Nàng quá khổ với bộ ngực quá khổ. Nàng có vẻ ngu ngơ của phụ nữ tóc vàng. Sự thật, như chính nàng phát biểu: “tôi cóc ngu mà tóc cũng chẳng vàng!” Tất cả đều là giả hết! Chỉ có cái tài và nốt ruồi dưới khoé môi là thật! 

Trông nàng bốc lửa với làn môi mọng đỏ, mép áo cao bồi ôm chặt thân hình tròn lẳn, người ta nghĩ đến một ả giang hồ tỉnh lẻ, nhưng xin nhớ đến lời phát biểu của Dolly: “Tốn bộn bạc mới có vẻ rẻ tiền như vậy đấy!” Tất cả chỉ là cho quần chúng thưởng ngoạn thôi.

Chứ bản thân, Dolly Parton là người cực kỳ tối tân và nghiêm túc.

Trong các cuộc phỏng vấn, nàng cho thấy sự thông minh hiếm có và duyên dáng nhất mực, ngang tài với ca sĩ kiêm diễn viên Bette Midler, hơn hẳn rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng khác.

Dolly Parton thuộc tuổi Tuất, đã hát, nhảy, đóng phim và… kinh doanh, nghề nào làm cũng tới đích. Và hạnh phúc của con người có dáng lăng loàn sexy ấy là sống êm ả với chồng Carl Dean. Hai người lấy nhau từ 40 năm trước, khi nàng mới nổi danh và lần lượt thực hiện 50 đĩa nhạc, hai năm liền là Female Vocalist of the Year (1975 và 1976) và Vocal Event of the Year trong các năm 1988 và 1996 và vào Hollywood Walk of Fame nhờ phim ảnh.

Về kinh doanh, Dolly Parton lập ra khu giải trí và âm nhạc Dollywood nay trị giá trăm triệu, và nhờ sự đóng góp ấy cho kinh tế địa phương, trên thảm cỏ bước vào toà án quản hạt, người ta đã dựng tượng của nàng cho dân chúng chiêm ngưỡng!

Người như vậy mà cứ cố tình đeo tóc giả và trát phấn lên mặt để ra dáng rẻ tiền. Có đáng yêu không cơ chứ!

Quỳnh Giao viết ngày 04-12-2006 Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562/posts/10208243829011410
-----------------------------------------------------------------------------------------

Xem tiếp >>>  MỤC LỤC PHẦN 1 - PHẦN 2 - PHẦN 4 - PHẦN 5 - PHẦN 6 - 
PHẦN 7 - PHẦN 8