Tạp Ghi @ Quỳnh Giao (9)

TẠP GHI @ QUỲNH GIAO


PHẦN 9

97. Thật Giả Trước Sau
98. Bộ Đồ Vía
99. Phục Vụ Nữ Hoàng - Nhưng Hoang Vô Hậu
100. Khúc Bi Ca của Billie Holiday
101. Dạ Tiệc Một Mình
102. Lâm Tuyền và Giấc Mơ Sông Hồ
103. Mài Dao Cho Sắc
104. Vượt Cõi Trùng Dương, Beyond La Mer
105. Hồn Cầm Thân Mộc
106. Hoà Âm Chắp Cánh Cho Nhạc
107. Tâm Sự Cái Quần... Din
108. Những Măng Và Tre
--------------------------------------------------------------------





97. Thật Giả Trước Sau


Tuần qua, trong một chuyến đi xa bằng xe hơi với vợ chồng người bạn, chúng tôi nghe lại Văn Cao. Trong xe, có ai nhắc đến cụ Vương Hồng Sển, còn Quỳnh Giao thầm nghĩ đến Arturo Toscanini...

Nhạc trưởng Arturo Toscanini
Trong các ca khúc của Văn Cao, nhiều người vẫn yêu "Buồn Tàn Thu", riêng người viết này thì rất thích lời từ nhưng cho rằng nhạc thuật lại kém. Bài hát thiếu khuôn khổ, "carrure" như nhiều nhà soạn nhạc vẫn nói. Đó là sự cân xứng trong phần mở đầu, các chuyển đoạn, đến điệp khúc và phần kết. Hãy nghĩ đến một bài "hát nói" hay ca trù thì ta có thể tưởng tượng ra. "Buồn Tàn Thu" có nhiều giai điệu rất đẹp nối tiếp nhau mà thiếu hợp nhất và ca sĩ có thể chấm dứt bất cứ lúc nào!

Dĩ nhiên, đây chỉ là cách đánh giá chủ quan của một người nghe, có khi là một người nghe khó tính và bị ảnh hưởng của lối soạn nhạc cổ điển có khuôn khổ phép tắc như trong dòng nhạc Dương Thiệu Tước, Phạm Duy, Vũ Thành hay Cung Tiến sau này.

Ngoài "Buồn Tàn Thu" của Văn Cao, bài "Tạ Từ" của Tô Vũ cũng có nét đó mà nhiều người trong chúng ta ít biết. "Chúng ta" đây là người ở miền Nam, sau 1954 đã nghe các tuyệt tác của Văn Cao hay Tô Vũ từ làn sóng điện hay phòng trà ở Sàigòn.

Thời ấy, từ miền Bắc, các tác giả này có khi cũng được... nghe lén tác phẩm của họ. Phải nghe lén vì chế độ kiểm duyệt ở miền Bắc không cho trình bày các ca khúc trữ tình lãng mạn và thiếu tinh thần cách mạng như vậy.

Người viết từng được các nhạc sĩ hàng chú bác bị kẹt lại sau 1975 kể lại như vậy. Như Văn Cao hay Tô Vũ đã lịm người nghe tác phẩm của họ trên làn sóng điện của "ngụy", chẳng khác gì nghe thấy tiếng nói của đứa con tinh thần mà mình không được phép thừa nhận.

Có một điều mà Quỳnh Giao không biết từ trước 1975 và chỉ hiểu ra rất trễ sau này.

Sau biến cố 1954, hàng loạt nhạc sĩ đã di cư từ Bắc vào Nam. Vào đến miền đất mới và nhiều khi là trong điều kiện gian nan vất vả với rất ít hành lý, nhưng có hành trang rất lớn là ký ức. Tại Sàigòn, những người như Phạm Duy, Vũ Thành hay Hoàng Trọng đều còn nhớ đến nhiều tác phẩm của các nhạc sĩ họ yêu quý tại miền Bắc.

Trong tâm cảnh hoài hương và liên tài, họ cho trình bày lại các ca khúc gọi là "tiền chiến" ấy. Nhưng trình bày với hòa âm mới và đôi khi còn tự ý điều chỉnh, gọt dũa phần nhạc cho hay hơn, theo cái nhìn thẩm mỹ của họ... Nhiều khi chỉ là nâng một nốt nhạc thêm nửa cung là sáng hẳn và già dặn hơn rất nhiều.

Đó là trường hợp của nhiều ca khúc nổi tiếng của Văn Cao và Tô Vũ, như "Cung Đàn Xưa", "Trương Chi" hay "Thiên Thai", hoặc "Tiếng Chuông Chiều Thu"...

Trong hơn hai chục năm ở miền Nam, và mãi đến sau này khi ra tới hải ngoại, chúng ta đã nghe và trân quý các tác phẩm ấy và coi đó là những ca khúc hay nhất của nền tân nhạc Việt Nam.

Cho đến sau này... Cho đến ngày nay là khi mình nghe lại Văn Cao theo cách trình bày mới.

Ban đầu, có người khó tính trong xe bỗng... la trời: "Sao hòa âm lại đơn giản như vậy?” Người kia thì với tay vặn nút lên để nghe cho kỹ và phụ hoạ: "Mà ca sĩ còn hát sai nữa mới chết!"

Chẳng lẽ người ta lại hại Văn Cao lần nữa à?

Đã đôi ba lần, thật ra không nhiều, người viết có được nghe ca khúc Văn Cao trình bày theo lối mới, có lẽ do chính Văn Cao góp phần thực hiện sau khi nghệ thuật đã được phép đổi mới. Các ca khúc trình bày theo lối mới chính là tác phẩm cũ đã được tác giả khôi phục lại....

Câu chuyện trên xe dẫn mình qua Vương Hồng Sển... Trong một cuốn sách của cụ, tác giả kể lại giai thoại về một bức họa.

Một tay cự phú kia thuê một danh họa thực hiện cho mình một bức tranh thuộc loại ngàn vàng. Con ngựa cúi mình uống nước trên dòng suối, với cái bóng hiển hiện sinh động trên mặt nước. Vị đại gia ấy rất hài lòng với tác phẩm độc nhất vô nhị của mình.

Thế rồi có người mách rằng nhà kia cũng có một bức tranh y hệt như vậy khiến tay cự phú khó chịu.

Sau khi cho người tìm hiểu thì thấy rằng quả là bức tranh của mình với tên và dòng "lạc khoản" của họa sĩ. Ông nổi giận và tìm bậc danh họa kia để phàn nàn làm người nghệ sĩ thấy bị xúc phạm, nhận bạc của một người để vẽ cho hai người thì quả là thiếu đàng hoàng....

Vị tài phú và nhà danh họa bèn tìm hiểu thêm. Hóa ra là khi vẽ tranh, màu và mực thấm xuống lớp lót ở dưới, khi bồi tranh, ai đó đã đánh cắp phần lót dưới bức tranh thật! Trông thì như thật mà phải con mắt của tác giả mới chỉ ra sự khác biệt giữa thật và giả. Trong bức tranh thật, nét thần tình của họa sĩ là vẽ ra cái bóng lung linh dưới nước ngay trong tròng mắt của con ngựa.

Bức tranh giả thì không có!

Vương Hồng Sển kể lại với nét tài hoa của cụ, chứ viết lại thì có khi làm mất cái thần của câu chuyện. Nhưng cũng nêu lên được câu hỏi về nghệ thuật: bản chính của Văn Cao là bản "thật", còn cách viết lại với hòa âm khác của Vũ Thành hay Hoàng Trọng chỉ là bản họa. Nhưng bản nào mới là hay?

Con mắt nào thì có thần?

 Arturo Toscanini với dàn giao hưởng Philharmonic New York

Câu hỏi không thể có giải đáp ở trên xe khiến Quỳnh Giao nhớ đến bài "Boléro" nổi tiếng của Maurice Ravel mà mục Tạp Ghi này đã có lần giới thiệu.

Một năm sau khi tác phẩm xuất hiện tại Paris, nhạc trưởng siêu phàm Arturo Toscanini đã trình tấu "Boléro" với dàn giao hưởng Philharmonic New York vào ngày 14 tháng 11 năm 1929. Từ đấy Ravel thành nhạc sĩ Pháp nổi tiếng nhất Hoa Kỳ.

Nhưng khi được nghe Toscanini trình bày lại tác phẩm của mình ở Paris, Maurice Ravel giận dữ không thèm đứng lên đáp lại cử chỉ giới thiệu ưu ái của người nhạc trưởng và là bạn thân.

Sau đó, hai người còn cãi nhau!

Ravel phật ý vì Toscanini cho dàn nhạc múa lên vũ khúc "Boléro" với nhịp tiết quá nhanh, trong khoảng 13 phút thay vì 17 phút. Còn Toscanini thì trả lời Ravel như... cha người ta. Rằng: "ông chẳng hiểu gì về nhạc của ông hết!" Nhưng chính giai thoại ấy càng khiến nhạc khúc nổi tiếng và người ta tính ra rằng trên thế giới cứ 15 phút lại có ai đó tấu lên bài "Boléro" huyền ảo.

Cũng Toscanini đã gây Claude Debussy, một nhà soạn nhạc lừng danh của Pháp: "Thượng Đế bảo tôi trình bày tác phẩm của ông như vậy, mà ông cứ cản hoài!..."

Không là Toscanini, ai dám nói với các tác giả như thế?

Khi nghe câu chuyện về thật giả của hội họa và nhớ lại về cách Toscanini trình bày tác phẩm của Ravel hay Debussy, Quỳnh Giao không biết rằng thật giả và trước sau, tác phẩm nào hay hơn. Xin để tùy người nghe quyết định, nếu có chút am hiểu về nhạc..

Riêng mình thì nhớ đến tài nghệ và mối thâm tình của các nhạc sĩ trong Nam. Họ chẳng tỵ hiềm gì về các tác phẩm của bạn ở "bên kia vỹ tuyến", lại còn cố gắng làm cho hay hơn. Mà quả là hay hơn thật!

Quỳnh Giao viết ngày 07-9-2011).
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562




98. Bộ Đồ Vía


Đã có một thời mà những ông ăn mặc đỏm dáng được gọi là "ăn vận rất kẻng".

Động từ "ăn" của ta thì ai cũng biết vì mình làm gì cũng là... ăn cả! Ăn Tết là dịp ăn hút và ăn chơi đến nỗi người lớn quên cả làm ăn và con trẻ có khi quên luôn ăn học, v.v.... Nhưng còn "vận" hay "bận" trong chữ "ăn bận" thì có nghĩa là gì? Có người giải thích là mang trên người. Cũng còn hiểu được đi.

Đến chữ "kẻng" thì mình nói sao?

Đa số những ai đã đọc cuốn "Chơi Chữ" của cụ Lãng Nhân Phùng Tất Đắc đều có thể nhớ chữ "kẻng" là một cách người Bắc đọc trại từ chữ Americain – a-mê-ri-canh – là người Mỹ qua lối phiên âm của Tây! Ăn mặc kẻng là ăn bận như Mỹ, nói theo tiếng lóng của dân Bắc Kỳ.

Có lẽ chúng ta còn một cách giải thích khác, rất chi là "Nam-Bắc đề huề": chữ "kẻng" có thể xuất phát từ chữ "cảnh" mà dân miền Nam mình gọi là "kiểng". Người viết bắt chước các nhà nghiên cứu nên xin ghi như vậy để "tồn nghi". Nhân tiện xin hỏi luôn rằng khi ta nói người kia "có bộ đồ vía rất đẹp" thì chữ "vía" đó có nghĩa là gì?

Nhân đọc một bài viết của một chị bạn thân yêu thuộc gia đình Cát Tường đã phát minh ra kiểu áo dài "Lemur" thời xưa, Quỳnh Giao bỗng thấy... tội nghiệp cho các ông.

Vì hầu như chúng ta và cả nhân loại đều quan tâm đến y phục phụ nữ, vào mùa nào báo nào cũng có mục thời trang và phục sức của các bà. Chứ cho đàn ông thì rất là lơ thơ tơ liễu. Do vậy, kỳ này mình xin góp phần nữ nam bình quyền mà nhắc lại đôi chút về "bộ đồ vía" của các ông.

Thế nào là một bộ quần áo đẹp?

Có một chi tiết mà chúng ta không mấy để ý, đó là bộ quần áo của nam giới như chúng ta thấy ngày nay ở mọi nơi thật ra lại là một phát minh khá mới của nước Anh, vào những năm 1930 trở về sau mà thôi. Nghĩa là bộ đồ vía này xuất hiện trước phong trào nhạc cải cách của nước ta không lâu đâu.

Chi tiết ấy có cho thấy một điều lý thú: các nghệ sĩ của chúng ta đã đi những bước tiên phong không chỉ trong thi, ca, nhạc mà trong cả cách phục sức rất mới. Chỉ sau Âu Châu có chục năm!

Hãy nhớ đến những tấm ảnh cũ của các nhạc sĩ tiền phong của mình thì thấy.

Quỳnh Giao học lóm được chi tiết về thời điểm xuất hiện bộ "complet" nói theo tiếng Pháp, hay bộ "suit" nói theo tiếng Anh, là từ sách báo chuyên đề về thời trang của nam giới nên xin ghi lại cho quý vị. Chứ trước đấy, hình như các ông còn ăn mặc... loè xoè lắm, chưa biết đi vào nền nếp hẳn hoi đâu.

Thật là tội nghiệp!

Theo tiêu chuẩn của người ăn bận rất kẻng ngay trong nhà thì một bộ đồ vía phải gồm có áo và quần, đôi khi thêm một cái "gilet" ngắn tay mặc giữa cái sơ mi và áo vét ở ngoài. Rắc rối là khi người Anh lại gọi cái "gilet" đó là "vest" và gọi cái vét là "jacket"! Cứ ra vẻ nhiêu khê vậy chứ một bộ đồ vía của mấy ông chỉ có hai hay ba mảnh là hết đất.... Thêm nét tội nghiệp khác nếu ta so sánh với dàn khăn áo thướt tha mớ bày mớ ba của các bà!

Theo chuẩn mực về cái đẹp thì một bộ đồ vía của các ông phải được đánh giá ở ba bậc trước sau.

Đầu tiên và quan trọng nhất nên cũng tốn kém nhất, là cách may cắt và đường kim mũi chỉ phải tạo ra nét tự nhiên cho người mặc, nhất là ở đôi vai. Quá rộng hay quá chật đều không được. Sau đó mới là màu sắc, nó phải hợp với thời tiết, mùa màng và nơi mặc. Đi làm hay đi chơi thì có khác nhau và trước khi ra khỏi nhà thì nên liếc vào trang khí tượng ở nơi sẽ đến.

Như ở tại Mỹ, sau ngày Lễ lao động vào đầu tháng 9 thì người Mỹ sành điệu ít bận complet màu trắng lốp đến chói mắt khi thời tiết đã vào Thu. Họ đợi đến mùa Xuân.

Sau cùng mới là vải vóc, dày mỏng hay ấm lạnh ra sao khi mặc vào rồi lên xe ra đường?

Mà tiêu chuẩn này có thay đổi theo sự tiến hóa của khoa học vì người ta đã sáng chế ra nhiều loại vải bằng len mà rất nhẹ và khá mỏng dù vẫn ấm hơn vải dệt bằng sợi bông. Và chắc chắn là sang hơn loại vải vóc hóa học như polyester. Thật ra cũng chẳng khác trang phục của phụ nữ, thời nay loại vải thông dụng nhất ngay trong ngày hè vẫn là toàn len, "pure wool". Mà phải là len tối tân rất nhẹ. Chỉ vì... tạo hóa lại chiều lòng người mà cho ta sợi len của súc vật vừa giữ hơi ấm vừa có đặc tính là khó gẫy nên chẳng dễ nhàu. Các ông mà lái xe xuyên bang mấy giờ đồng hồ sau đó áo quần vẫn có vẻ thẳng thớm là nhờ dệt bằng len.

Chứ bằng vải bông vải đũi là có ngay chất... giang hồ và bộ đồ vía sẽ làm người ta mất vía....

Người ăn mặc trau chuốt thì cho rằng Anh và Ý là hai nước có nghệ thuật thiết kế và may cắt áo quần các ông thuộc hạng cao điệu. Một xứ mù sương và một xứ nắng ấm lại biết phục vụ thẩm mỹ nam giới đến độ trở thành tiêu chuẩn cho các nước khác, kể cả Pháp và Mỹ!

Thế rồi tùy thời trang thay đổi, cái áo vét có hai hay ba bốn khuy, có khi cài thẳng, có khi cài chéo, đằng sau có xẻ ở giữa hay ở hai bên sườn. Họ xẻ như vậy là để khi thọc tay túi quần thì không làm cổ áo bị nâng lên như cái máng xối. Nhưng vì dân Đức lại thấy rằng thọc tay túi quần là vô lễ, áo vét làm cho xứ này không có xẻ!

Và mấy khuy thì mấy, không mấy ai lại gài khuy dưới cùng, trừ phi là ca sĩ miệt vườn, thân bó như đòn bánh tét, đang "lipsing" trên sân khấu.

Tạp ghi đến đây thì người viết nhớ đến... phân nửa kia của nhân loại, là các bà các cô.

Vài ba chi tiết thường thức cũng là một cách để chị em mình biết đánh giá "đối phương" ra sao! Nếu tinh ý một chút thì nên nhìn vào tay áo vét của các ông, nó có dàn khuy và một nét xẻ vài phân. Bộ đồ vía đúng điệu phải có nét xẻ đó và cao điệu hơn nữa thì còn có thể cởi cái khuy ngoài cùng. Nghĩa là phải may cắt khá chi ly nên đắt tiền đấy.

Mà để làm gì?

Để các ông dù có vận đồ vía vẫn có thể xăn tay áo lên hầu hạ và rửa chén cho các bà! Hôm nào đi phố xin quý vị cứ liếc qua cửa hiệu áo quần loại đắt tiền của họ để kiểm chứng điều này.

Quỳnh Giao viết ngày 02-02-2012
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562





99. Phục Vụ Nữ Hoàng - Nhưng Hoang Vô Hậu

Chúng ta chỉ biết bí số của chàng có hai số Không. "Không Không Bảy" là một điệp viên có quyền giết người vì công vụ. Để phục vụ Nữ Hoàng mà!

Chúng ta chỉ biết ngày sinh của chàng có hai số 11, mang tuổi Hổ cáp của người sinh vào ngày 11 tháng 11. Còn lại, chàng sinh năm nào thì không ai biết. Làm sao biết được, khi chàng là nhân viên tình báo!

Chàng đây là James Bond, tuần rồi đã tái xuất hiện trên màn ảnh Hoa Kỳ. Chàng phục vụ Nữ Hoàng Anh mà cũng phục vụ khán giả và các nhà sản xuất nên trong có ba ngày cuối tuần đã "bội thu" được mấy chục triệu bạc, một kỷ lục trong nhiều kỷ lục!

James Bond là một người không có tuổi.

Sinh ra ông là tác giả Ian Fleming, lần đầu cho chàng xuất hiện khi Nữ Hoàng Elizabeth Đệ nhị đăng quang vào năm 1952. Hỏi tác giả - xưa kia cũng làm nghề tình báo - thì ông bí mật và bất nhất như mọi nhân viên mật vụ trên đời, lúc nói rằng Bond sinh năm 1920, khi lại viết là năm 1923, hay 1924. Sau đấy, Ian Fleming sớm tạ thế vào năm 1964 nên không kịp thấy đứa con tinh thần của mình, điệp viên tình báo 007, đã được các tác giả hay nhà sản xuất kế tiếp dẫn vào nhiều thế giới mới, với căn cước lý lịch mới.

Cho nên James Bond cứ trẻ mãi không già.

Xin quý vị yên tâm là mình không rơi vào mục "điểm phim" đâu! Nhân dịp cuốn phim mới nhất về nhân vật kỳ lạ này vừa xuất hiện tại Hoa Kỳ, mình có thể mở cuộc điều tra xem James Bond là ai, có những đặc tính gì khiến ta không thể lầm với người nào khác!

Khi dựng lên nhân vật, nhà văn Ian Fleming có lập ra một "lá tử vi" nhưng rồi mệnh thân và cuộc đời cứ thay đổi theo thời thế, nên muốn tìm ra James Bond thứ thiệt, các nhà điều tra loại tài tử như chúng ta cần nắm chắc vài nét chính của Bond.

Chàng mang hai dòng máu và một quá trình quốc tế vì từ nhỏ theo cha sinh sống khắp nơi, biết nói nhiều ngoại ngữ. Khi trưởng thành, chàng là người cao to, cỡ thước tám, tóc màu xậm, mắt màu xanh xám, trừ phi đeo contact lens! Ian Fleming cho rằng đây là mẫu người có chất hung bạo của loại hải tặc quý tộc như Francis Drake, sẵn sàng đi năm châu bốn biển để phục vụ Nữ Hoàng. Trước đây là Nữ Hoàng Elizabeth Đệ nhất, bây giờ là Nữ Hoàng Elizabeth Đệ nhị.

Vẫy vùng như vậy nên James Bond mang sẹo trên người, trên cả gò má mà nhờ nghệ thuật giải phẫu chỉnh hình, người ta hết nhìn ra dấu vết!

Ngoài dáng lịch lãm của người từng trải, James Bond có thể giết người không nháy mắt, nhưng không là kẻ đa sát. Chàng là người đa tình cho nên ngoài việc phục vụ Nữ Hoàng, chàng tận tình phục vụ phái đẹp và hoàn thành nhiều điệp vụ là nhờ phái đẹp. Ngay từ ngòi bút Ian Fleming thì James Bond đã là kẻ "hoang vô hậu", rất phóng túng hoang đàng.

Một trong nhiều bí quyết chinh phục chính là máu hài hước rất lạnh của chàng. Hài hước như tài tử Roger Moore là trật chìa vì quá nhạt, như tài tử Timothy Dalton thì quá lạnh, như Sean Connery hay Pierce Brosnan là vừa đủ dose, đúng độ....

Ngay từ khi bước ra hành hiệp, James Bond là kẻ sành ăn sành uống và hút thuốc như người muốn chết, một ngày hai ba bao như không, mà toàn loại thuốc cực nặng. Thế rồi nhân loại đổi dần nếp sống nên Bond phải bỏ thuốc. Duy có tật uống rượu thì nhất định không chừa, thường thì uống vodka pha với martini, nhưng phải lắc chứ không ngoáy. Đôi khi uống rượu gin pha với nước tonic, và phải có một lát chanh mới là đúng điệu giải khát ở miền nhiệt đới. Và Champagne là thứ rượu bốn mùa nhiều đêm của chàng, nhưng còn phải tùy năm!

Cầu kỳ nhất là cách chàng chọn võ khí phòng thân, một khẩu súng ngắn rất mỏng để thủ trong áo mà không mất dáng đẹp. Với chàng, khẩu súng cũng ác liệt như một thỏi son của phụ nữ, cho đến khi các nhân viên trang bị cằn nhằn là hoả lực quá nhẹ, phải xài thứ khác thì mới toàn mạng.

Thật ra, James Bond dùng đủ loại khí giới trong tầm tay, kể cả những phát minh mới nhất của lò sản xuất ở nhà, cho tới chiếc xe Aston Martin hay bất cứ cái gì có thể giết người được. Tìm tông tích của James Bond qua các loại súng ngắn hay vỏ đạn thì mình kiếm không ra đâu.

Cũng thế, tìm lý lịch con người qua mùi nước hoa, người ta cũng khó biết, có lẽ vì James Bond ít dùng nước hoa.

Nhưng về quần áo thì chàng thích mặc đồ nhẹ, áo ngắn tay bên trong, và từ loại áo quần đắt tiền trong khu Savile Row sang trọng của Luân Đôn, chàng nghiêng dần về thời trang kiểu Ý, có lẽ vì tật đỏm dáng và nhất là dễ yểm võ khí trong mình. Có một điều mà chúng ta ít ngờ là bây giờ, James Bond lại ưa mặc quần áo kiểu Mỹ, của nhà vẽ kiểu Tom Ford.

Thượng cấp của điệp viên 007 trong cơ quan tình báo là người có bí danh là M.

Nhân vật quan trọng ấy có hành tung rất lạ, khi là đàn ông, ưa hút tẩu thuốc như mọi trí thức chân chính của Anh, đó là nhân dáng của tài tử Bernad Lee. Nhưng, thời cuộc thay đổi, nhân vật M có khi là phụ nữ, dưới nét diễn xuất của kịch sĩ nổi tiếng của Anh là Judi Dench. Dù xếp lớn của mình là phụ nữ, James Bond vẫn hết lòng phục tùng chứ không có vẻ khinh miệt đàn bà như trước đó một thế hệ. Và trong khi phục vụ, Bond luôn luôn mắt la mày lét với cô bí thư của M là nàng Moneypenny.

Vậy mà con người đạo đức ấy không bao giờ bị kiện tụng là sách nhiễu tình dục nữ nhân viên trong sở. Chàng đối phó với kẻ thù thì cũng đủ mệt!

Kẻ thù ban đầu của Bond là tình báo Liên bang Xô viết thời chiến tranh lạnh, với những đối thủ hung hiểm đụng trận liên miên. Nhưng cuộc chiến nào thì cũng có lúc tàn và bọn gian thoát xác thành kẻ buôn lậu võ khí, ma túy, thành những thiên tài điên cứ đòi chinh phục thế giới hay phá hủy môi sinh. Cứ theo dõi các nghiệp vụ gay cấn của James Bond, người ta cũng biết được là địa cầu đã thay đổi, kẻ thù năm xưa có khi là bạn, dù chỉ là bạn trong một giai đoạn. Duy có "người anh em" Felix Leiter của tình báo CIA thì vẫn là đồng minh chung thủy và đáng tin của Bond.

Con người hoang đàng ấy thật ra lại rất chung tình mà chỉ vì không may. Duy nhất có hai người đẹp mà chàng si mê thì một người vừa cưới làm vợ đã bị ám sát ngay sau ngày cưới. Người kia là một kẻ phản bội sau khi bị bội phản. Đó là nhân vật Vesper Lynd của phim Casino Royal kỳ trước. Cũng để trả thù cho nàng, Bond lại nhập trận kỳ này trong phim Quantum of Solace.

Theo dõi cuộc đời chàng qua 22 cuốn phim, chúng ta có thể kết luận rằng con người hoang đàng này thật ra là một nhân vật cô đơn.

Chinh phục cả tỷ khán giả mà vẫn cô đơn thì đúng là một nghệ sĩ chân chính!

Quỳnh Giao viết ngày 17-11-2008
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562





100. Khúc Bi Ca của Billie Holiday

Trong cuốn bút ký “Avec mon Meilleur Souvenir”, nhà văn nữ Françoise Sagan của Pháp đã viết về lần cuối gặp nàng.

Trong một phòng trà tại Paris, Sagan ngồi nghe nàng hát. Lần này, nàng đã mập phì và giọng có chất khàn. Ghé xuống bàn của Sagan trước khi bay qua London hay nơi nào khác mà nàng chẳng còn nhớ, người nghệ sĩ đó giải thích: “cũng chẳng quan trọng nữa, cưng ơi, vì ta sẽ sớm chết tại New York, giữa hai tên cảnh sát!”

Vài tháng sau, Françoise Sagan đọc thấy trên báo, rằng nàng đã chết đêm trước, một mình trong một nhà thương ở New York. Giữa hai viên cảnh sát.

Nàng ở đây là Billie Holiday.

Năm đó, Nữ hoàng Jazz, Diva của Jazz, Lady du Jazz, nàng Callas của Jazz, Ngôi Bắc Đẩu về Jazz hay Lady Day như giới hâm mộ thường tán tụng, mới có 44 tuổi. Nàng sinh năm 1915 và mất vào tháng Bảy năm 1959. Sáng rực và vụt tắt như một ngôi sao băng, để lại đằng sau một vòm trời u tối và từng khối đĩa vàng.

Billie Holiday ra đời trong một hoàn cảnh cùng quẫn khi nước Mỹ vẫn còn chánh sách kỳ thị người da đen. Ông của nàng là một trong 17 người con của một phụ nữ nô lệ da đen và một chủ đồn điền da trắng gốc Ái Nhĩ Lan. Nàng chào đời khi mẹ mới 13 và cha 16.

Những đứa trẻ lạc loài ấy đã sinh ra một viên ngọc quý từ một mối tình vụng trộm của thiếu nhi. Và sau đó cha nàng ôm đàn buông rơi cả hai mẹ con. Ngay từ nhỏ, Billie Holiday đã bị cưỡng dâm và là một đứa trẻ luôn luôn sợ sệt. Tên thật của nàng là Eleanora Fagan, nghệ danh chọn lựa sau đấy là tên của một nữ diễn viên nàng yêu thích, Billie Dove (1903-1997) và họ của người cha, Clarence Holiday.

Y như danh ca Edith Piaf của Pháp (hai người sinh cùng năm), Billie Holiday cũng xuất thân từ chốn bùn lầy nước đọng và sống trong một thế giới về đêm là các ổ mãi dâm.

Billie Holiday, những ngày hoàng kim
Thế rồi có lẽ Nữ thần Âm nhạc đã cúi nhìn xuống.

Billie Holiday đi hát dạo để kiếm bạc lẻ bù đắp cho nghề bán thân và có một đêm đã làm những tâm hồn chai đá nhất trong các quán rượu phải rơi lệ với bài Body and Soul. Có người biết nghề đã nghe thấy và dẫn nàng vào studio thử thu đĩa. Năm đó là 1933 và đĩa hát thành công vượt mức dự tưởng.

Một ngôi sao đã xuất hiện trên vòm trời nhạc Jazz của Hoa Kỳ. Và vị thần hộ mệnh của nàng là tay saxo nổi tiếng Lester Young. Ông dẫn nàng lên đài danh vọng và là người đặt tên Lady Day cho cô bé da đen, bần hàn và nhút nhát. Một Phu Nhân.

Billie Holiday là ca sĩ da đen đầu tiên đã trình diễn với các ban nhạc toàn người da trắng, một điều hiếm hoi vào thời ấy. Ngoài các phòng trà với ban nhạc nhỏ, nàng trình diễn với các dàn nhạc lớn loại Big Band, của những nhạc sĩ thời danh như Benny Goodman, Count Basie hay Artie Shaw. Và có những đĩa bán chạy nhất trong lịch sử âm nhạc Hoa Kỳ.

Billie Holiday lên tới tột đỉnh khi vào Carnegie Hall, rồi bị đuổi khỏi nơi đó vì hít ma túy ngay trên sân khấu!

Nữ hoàng nhạc Jazz là người ít hạnh phúc. Hôn nhân của nàng là địa ngục, tình yêu với nàng là từng chuỗi ê chề, với những người chồng hay người tình vũ phu. Nàng chỉ còn có nhạc và thuốc và rượu. Vì tội nghiện ngập, nàng đã phải vào tù, mà nhiều lần chứ không ít.
Françoise Sagan (tác giả Bonjour Tristesse, phải),
người hâm mộ 
Billie Holiday cuồng nhiệt

Mãi cho đến ngày nay, những người sành Jazz vẫn tôn Billie Holiday là một giọng Jazz thuộc loại hay nhất cổ kim. Nghe nàng hát thì không ai có thể lầm được. Tiếng hát Billie Holiday mềm như mật, với cách luyến láy nũng nịu đầy mơn trớn mà phát âm rất rõ, giọng tròn đầy. Từ khi bị bệnh vì thuốc, giọng nàng đục hơn bóng đêm quyện khói thuốc, nhưng vẫn có chất nồng nàn tình tứ mà mong manh như khiếp sợ khiến người nghe phải rùng mình.
Người duy nhất có thể khiến Lena Horne lắng nghe lại Stormy Weather là Billie Holiday.

Lena Horne năm nay đã chín mươi và là mệnh phụ phu nhân trong thế giới Jazz, với Stormy Weather là ca khúc không ai có thể qua mặt từ hơn nửa thế kỷ. Nghe Stormy Weather của Billie Holiday với nhịp tiết chậm hơn, bà có thể là người trầm trồ ngợi khen. Và nhường vị trí nữ hoàng cho Billie Holiday với bài Strange Fruits hay Lover Man.

Nếu muốn thưởng thức nhạc Jazz đặc quánh như một đêm cô đơn thì nên nghe Billie Holiday trong bài Solitude. Tiếng hát của một thiếu nữ không có hạnh phúc, một khúc bi ca bị vùi dập trong bóng tối.

Françoise Sagan đã nghe và gọi Billie Holiday là Tiếng Hát của Hoa Kỳ.

Ở lứa tuổi hai mươi khi vừa nổi tiếng nhờ tác phẩm đầu tay viết vào năm 18 (Bonjour Tristesse), Françoise Sagan đã trở lại Mỹ để tìm nghe Billie Holiday. Tới nơi mới biết là nàng bị cấm hát trong mấy tháng, từ Carnegie Hall tới các club Jazz tại New York. Ba ngày sau mới được tin là Lady Day đang hát trong một phòng trà hẻo lánh tại Connecticut. “Nữ Hoàng Chân Đất” của Pháp bèn thuê taxi vượt ba trăm cây số đi nghe. Bi đát chừng nào khi thấy Billie Holiday phải hát trong một quán cóc chơi nhạc country của Hoa Kỳ, cho một cử tọa ồn ào dung tục.

Nhưng xúc động chừng nào khi Lady Day xuất hiện với tấm áo đen – như Edith Piaf – và hát trong hạnh phúc ngạt ngào, mắt sáng như sao. Được giới thiệu là một nhà văn trẻ - Françoise Sagan kém nàng 20 tuổi - từ Paris bay qua để nghe hát, Billlie Holiday mắng yêu với giọng trìu mến: “điên quá đi!”

Nhưng cũng nhờ đó mà Françoise Sagan mới được nghe và sống trong thế giới Jazz của Billie Holiday. Đây là lúc khách khứa đã ra về và các nhạc sĩ ngồi lại cùng nhau để chơi nhạc và hát cho nhau nghe vào bốn giờ sáng. Hát thật sự, với cả tâm hồn và lục phủ ngũ tạng, cho tới khi mặt trời mọc mới ra về! Françoise Sagan kết bạn vong niên với Billie Holiday kể từ đó và mỗi khi Lady Day lưu diễn trong các quán rượu của Paris, thể nào nhà văn nữ này cũng có mặt.

Tem vinh danh Billie Holiday
Phong bì phát hành cùng tem vào ngày 17-9-1994
Nhờ vậy mới biết là Billie Holiday bị đau gan và thận và trong nhà thương vẫn còn dùng ma túy, nên mới bị cảnh sát canh chừng ngay bên giường bệnh! Khi Nữ hoàng Jazz nói rằng nàng sẽ chết trong một nhà thương New York giữa hai tay cớm, Billie Holiday chẳng là nhà tiên tri.

Nàng biết trước là sẽ giã từ cõi đời này như vậy vì bệnh sưng gan mà vẫn hít ma túy.

Khi đệ nhất danh ca nhạc Jazz của Hoa Kỳ tạ thế, trong nhà còn 750 đô la từ một tờ lá cải trả cho vào phút cuối. Trương mục ngân hàng thì còn 0,70 Mỹ kim, bảy cắc. Biết bao người đã kiếm bạc triệu nhờ tiếng hát đó. Lúc bấy giờ, họ ở đâu?

Đến 20 năm trước, Billie Holiday mới được truy tặng giải Grammy Lifetime Achievement Award vào năm 1987 và năm 1994, sở Bưu điện Hoa Kỳ mới phát hành một bộ tem để vinh danh nàng.

Quỳnh Giao viết ngày 13-6-2007
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562






101. Dạ Tiệc Một Mình


Được may mắn sống trong một khu vực tập trung nhiều hàng quán Việt Nam trong một tiểu bang có đủ mọi sơn hào hải vị của năm châu bốn bể, chúng ta rất dễ thành hư!

Hư là khi muốn ăn ngon là chỉ cần khoác áo ra đường. Hư đến nỗi khi lên xe để tìm nhà hàng, người lái xe bên cạnh còn đặt ra tiêu chuẩn chọn lựa. Đó là nếu từ nhà đến quán ăn ấy mà phải nghe hết hai nhạc khúc trong xe, cứ coi như mươi phút, thì đấy là đã quá xa!

Hư như vậy nên nhiều khi mình không thiết nấu nướng nữa. Gọn nhẹ và rẻ nhất là lấy cơn phần, mua cơm phần hay đi ăn phở, thì coi như đã thanh toán xong một bữa ăn! Chợ búa rồi nấu ăn lích kích, tính ra có khi vẫn đắt hơn là đi ăn ngoài, nhất là khi con cái đã lớn, ra ở riêng và trong nhà ra vào chỉ còn hai người.

Thế thì khi mà trong nhà chỉ còn một người vì phân nửa kia đi vắng mình lại càng không muốn nấu ăn nữa. Tân tiến thì gọi một cái "pizza" được giao tận nhà, chịu khó hơn thì ta khoác áo ra đường....

Nhưng người Việt chúng ta thật ra đã bị... hai tầng áp bức vì ngàn năm giặc Tầu rồi trăm năm giặc Tây, cho nên có thói quen rất kỳ thị. Đó là đàn bà ít khi ra ngoài đi ăn một mình.

Chuyện tam tòng của Tầu khiến các bà đi ra là phải có tùy tòng là chồng con, nếu không thì chẳng bị hai ngôi sao "cô thần quả tú" trên vai thì cũng mang tiếng "đào hồng" lẳng lơ! Thế có chết không chứ.

Còn cái nết "ga lăng nịnh đầm" của Tây thì đòi là các bà phải có ai đó hộ tống, chứ không thể làm cái việc gọi là "vạn lý độc hành". Một thân một mình mà bước ra ngoài là không đúng phép văn minh.

Quỳnh Giao còn được nghe rằng khi ra ngoài, phụ nữ cao quý thường không bao giờ đẩy cửa mà phải có ai đó làm cho mình việc đó! Rồi khi bước lên thang, phụ nữ phải lên trước, đàn ông đi sau, khi xuống thang thì ngược lại. Thế mới là biết phép lịch sự!

Vì thói quen ấy, việc đàn bà đi ăn một mình có thể bị coi như thiếu lễ giáo hoặc là... cô đơn!

Nhưng may là chúng ta đã qua Mỹ và sống tại California, rồi thấy phụ nữ Hoa Kỳ phơi phới tung hoành, một mình một ngựa một xe, coi như chẳng cần ai trong cuộc đời. Nơi đây, các bà các cô gái Mỹ vẫn có thể một mình bước vào nhà hàng ăn uống ung dung và trả tiền ra về mà chẳng thấy ai dị nghị.

Dần rồi thì mình cũng quen và tự nhiên thoải mái như người Mỹ vậy. Tuy nhiên và bây giờ mới là lúc chúng ta nhập đề đây!

Hãy tưởng tượng là có một buổi chiều hè nào đó, ta bỗng phải ở nhà một mình.

Tối nay ăn gì đây? Người viết đề nghị là hãy làm một cuộc cách mạng: không moi tủ lạnh ăn lại tàn dư của bữa sáng. Mà cũng chẳng đi ra ngoài tìm một bát mỳ hay tô phở, hoặc gọi cho một chị bạn hẹn nhau cùng đi ăn cho nó vui.

Tối nay, ta sẽ mở một dạ tiệc trong nhà và mời chính mình tham dự. Một mình thôi!

Thế mới là "đổi món" chứ? Mà đã đổi món thì cho đổi luôn, ăn món Tây!

Hãy trước tiên bày biện bàn ăn thật đẹp cho một bữa ăn kiểu Tây kiểu Ý, kiểu Mỹ kiểu Anh gì đó, và thắp một ngọn nến trên cái chân đèn pha lê xưa nay chỉ dùng khi trong nhà có khách. Gọi là "diner à la chandelle" theo kiểu các ông cứ khoe với nhau về màn "cơm Tây rượu chát"!

Thực đơn cho dạ tiệc tối nay phải là cái gì đó đặc biệt mà không nhiêu khê rắc rối.

Làm một miếng steak thôi, nhưng phải là miếng steak kiểu home made, tại gia, theo phương pháp bí truyền mà ít ai được biết. Dù có vào một tiệm Tây trong khu Mỹ chưa chắc đã được. Thế mới là thực đơn cho dạ tiệc chứ!

Tại Hoa Kỳ, chúng ta đều nghe nói và thưởng thức loại ribeye steak, với miếng thịt ngon, không là "New York strip" thì cũng là "sirloin tip". Người viết thì cho rằng khi bất ngờ mở tiệc, chưa chắc mình đã có loại thịt ấy trong tủ lạnh, mà nếu mặc áo ra ngoài thì... thà ăn tiệm còn hơn. Cho nên, chỉ cần một miếng thăn đủ ngon là được, nhưng thớ thịt phải có chút mỡ...

Nhiều người cho rằng khác thịt heo, thịt bò thì không nên ướp muối trước khi chiên hay nướng vì muối sẽ hút nước làm khô miếng thịt, ăn không ngon. Bí quyết ở đây là vẫn ướp tí muối, nếu có muối biển càng hay.

Rồi nhìn qua tủ rượu của kẻ đi vắng kia, lấy ngay hai ba thứ rượu khai vị mà quân địch vẫn thưởng thức hàng ngày, Martini gì cũng được, khỏi cần tới Cognac uống long drink. Một phần rượu thì nhường cho thịt, phần kia thì tự khao quân, là nhấm nháp với chút đá khi ngọn nến trên bàn đã lung linh.

Trong khi miếng thịt đang thưởng thức vị mặn mà của muối và cái hương thơm tho của rượu, hãy mở tủ gia vị tìm mấy loại lá khô, hương nhu hay oregano gì cũng được. Rắc lên trên và tẩm thêm ít dầu, mà chắc chắn phải là dầu olive....

Rồi đập vụn một tép tỏi và băm nhỏ rắc lên trên.

Ướp xong rồi xin gói lại để đó bên quầy, vì không gian này cần có âm thanh. Chọn một đĩa nhạc thật hay cho mình, bản Điền dã số sáu của Beethoven có lẽ hay hơn Sonate au Clair de Lune, trong khi miếng thịt gậm nhấm hạnh phúc của gia vị. Nếu lại có một truyện ngắn ở gần bên thì thật là hợp cách....

Ly Martini kia mà cạn thì tiếp viện lần nữa vì trước sau mình vẫn chỉ uống có một ly thôi, chứ có đổi ly đâu nào? May thay, truyện ngắn này quá hay mà lại không dài!

Xong ly rượu khai vị, hãy lấy ra một gói rau tươi làm salade, chẳng cần loại organic gì và dù chỉ là cải xoong cũng vẫn được. Rửa và lăn vào khăn cho ráo rồi để lên cái bát kiểu mà mình vẫn thích. Trộn dầu giấm với một trái trứng luộc là ngon lắm rồi!

Bây giờ mới đến phút dậy mùi. Hãy bật lò nướng và kiếm lại một chút phó mát rất hôi của phe địch, loại Roquefort hay Blue Cheese gì đấy, và mở lấy một chai rượu chát đỏ. Khỏi cầu kỳ làm chi, Shiraz của Úc là đủ ngon.

Mở ra rồi "để cho nó thở" như các ông hay nói.

Cho miếng thịt vào nướng, nhưng phải còn xanh tức là đỏ nhừ vì rất sống và đem ra cắt ngang thớ thành quân cờ như món bò lúc lắc của ta. Rắc qua tí muối và tẩm qua một chút phó mát nặng mùi mà rất đậm đà, rồi đảo qua cái chảo nóng hực lửa khi mùi bơ trong chảo đã thơm....

Trên bàn tiệc, ngọn nến vẫn sáng, chén đĩa đã nhảy múa theo nhạc... chúng ta có thể ngồi xuống thưởng thức một mình. Ngon và đẹp lắm.

Còn lại, hãy để cho kẻ đi vắng kia cái nhiệm vụ thu dọn chiến trường và nghĩa vụ lau chùi bát đĩa. Lần sau thì sẽ ở nhà xung phong làm phụ bếp!

Xin quý độc giả phái nữ thử ngay một lần như vậy đi. Lần sau là sẽ có kẻ mon men vịn bếp để mình khỏi dự dạ tiệc theo lối one-man band....

Quỳnh Giao viết ngày 06-7-2011
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562



102. Lâm Tuyền và Giấc Mơ Sông Hồ

Có một số nhạc sĩ sáng tác tương đối ít, mà nổi tiếng ngay nhờ tác phẩm có sắc thái riêng biệt, và nhất là âm điệu phong phú và nhiều màu sắc. Sắc thái riêng biệt là nghe một lần rồi nhớ và còn tìm thấy cả "chữ ký" hay "dấu ấn" của họ trong cách viết nhạc. Có lẽ, những nhạc sĩ nổi tiếng trên thế giới từ xưa tới nay đều như thế cả.

Nghe Mozart, ta liền nhận ra nét nhạc cực kỳ trong sáng, hoặc nghe Beethoven là thấy niềm u uẩn, lãng mạn. Nhạc Schubert êm đềm và dịu dàng... đến “tội nghiệp” (như cách nhận xét của ông anh Bửu Minh của người viết, một tay concert master trong một dàn nhạc Đức). Qua đến Chopin, sắc thái nên thơ diễm ảo là điều dễ nhận ra nhất.

Nhạc cũng như thơ văn, nó biểu hiện cá tính con người. Gần với chúng ta, thơ Vũ Hoàng Chương kiêu bạc, hào phóng trong khi Đinh Hùng não nùng, mê ảo trong mùi hương…

Trong tân nhạc, Lâm Tuyền cũng có những sắc thái riêng. Lãng mạn với giấc mơ sông hồ ở lời từ và có nét nhạc trong sáng, qua giai điệu dễ nhớ.

Lâm Tuyền nổi tiếng từ thập niên 50. Hình như sáng tác đầu tay của ông là “Tơ Sầu” viết trên điệu Tango lả lướt. Đây là ca khúc duy nhất ông viết trên điệu Tango và viết ở âm giai thứ (minor). Các ca khúc khác của ông đều soạn trên cung trưởng, major.

Trong “Tơ Sầu”, Lâm Tuyền dùng hình ảnh để tả âm thanh. “Tơ” ở đây là tơ đàn, tiếng đàn đầy màu sắc và mãnh lực, làm tim ta tê tái thương đau. Rồi từ tiếng tơ, hình ảnh của sợi tơ lại dẫn qua mái tóc người yêu, tiếng nhạc là mái tóc!… Lâm Tuyền viết về mãnh lực đa năng của nhạc, và chú ý đến chất "sầu" trong nhạc.

Trong chương trình “Tây Hồ” ngày xưa, Hoàng Trọng thường giao cho Duy Trác trình bầy ca khúc này, vì lời ca thích hợp với giọng nam nhẹ nhàng và đầy tình cảm. Ông thật có lý.

Có lẽ, một ca khúc của Lâm Tuyền được yêu thích nhất là “Hình Ảnh Một Buổi Chiều”, soạn trên điệu Slow chậm rãi và tha thiết cung Ré trưởng. Vì chuyển đoạn có nhiều nốt cao "gắt", viết thành chuỗi dài cùng một cao độ, khiến nhiều người không hát rõ được lời và phải xuống một cung (cung Do):

Bao năm qua ta sống giang hồ xa quê nhà
Nơi xa xôi muôn ý phiêu lưu dâng cho đời.
Dù bao nhiêu cay đắng,
đến làm nát long ta tan nát rồi không đoái hoài..
Dù bao nhiêu sóng gió, quyết đem chí tung hoành,
sống quên hết bao hận bên lòng.
Hồn tha hương vương vấn,
Bóng người khuất ngàn mây, ai biết lòng ta những khi chiều tàn

Lâm Tuyền sử dụng Tây ban cầm Hạ Uy Di (Hawaiian guitar) rất thuần thục, nhạc ông cũng có những láy lượn và quãng âm (intervalles) rộng rãi mềm mại như âm sắc của loại đàn này. Đã có nhiều ca sĩ trình bầy “Hình Ảnh Một Buổi Chiều”, từ Mộc Lan, Thái Thanh, Kim Tước, Anh Ngọc, đến Mai Hương và Quỳnh Giao…

Theo ý riêng thì giọng Châu Hà thật thích hợp vớí tác phẩm, nhất là khi cô trình bầy với hòa âm của Văn Phụng. Giọng của Châu Hà xuống thật thấp ở những nốt trầm, mở đầu bản nhạc: Đàn chim tung cánh xa khuất mờ, chiều thu luyến mầu thương nhớ… Những chữ “đàn” và “mờ” cô hát thật trầm và thật dầy, nghe như lời mời gọi quyến rũ và gần gũi. Chúng ta phải lặng người nghe cho hết, trong niềm hạnh phúc...

Lời ca của "Hình Ảnh Một Buổi Chiều" là do đạo diễn kiêm tài tử Hoàng Vĩnh Lộc viết với biệt hiệu là Dạ Chung. Câu văn của ông in ngay trên bài hát khiến ca khúc thêm nét hấp dẫn của một truyện tình, làm thính giả nhớ mãi mỗi khi nghe bài hát:

Anh không giữ trong tay một kho tàng hay danh vọng nào cả.

Mà chỉ giữ có hình ảnh một buổi chiều, khi nắng vàng nhuộm mái tóc em.

Ngẫu nhiên, hình bìa của bản nhạc theo trí nhớ của người viết là hình Lệ Quyên, một nữ ca sĩ xuất hiện một thời gian rất ngắn đầu thập niên 50, cô có dòng máu lai, nên mái tóc trong ảnh nâu hung như có chiếu ánh nắng chiều…

Ca khúc thứ hai quen thuộc với đa số thính giả là “Khúc Nhạc Ly Hương” cũng được soạn theo điệu Slow và cung Ré trưởng. Chủ đề “ra đi”, “phiêu lưu”, “sống trên sông nước” bàng bạc trong nhiều tác phẩm của Lâm Tuyền. Dường như sự khao khát được phiêu bạt giang hồ ám ảnh tác giả rất nhiều, hầu hết lời ca của ông nói đến ước mơ đó, và ước mơ kéo dài đến ngày trở về:

Rồi một ngày nao ta sẽ hồi hương.
Trở về quê xưa thêm bao tình thương.
Bao con buồm xưa đến đón cố nhân.
Với bóng thân yêu ngàn đời chờ mong, mây trời bao la

"Khúc Nhạc Ly Hương" thật ra dễ hát hơn “Hình Ảnh Một Buổi Chiều” và được nhiều nam ca sĩ trình bầy, từ Anh Ngọc đến Thanh Vũ, Nhật Trường… vì lời từ cho giọng nam. Nhưng người hát bài này hay nhất vì chất giọng lảnh lót, cao vút và nhọn, lại là Thái Thanh. Nhất là khi cô nhấn mạnh chữ “chiều tà lâm ly”, nghe thấy ảo não thê thiết…

Trong tất cả tác phẩm của Lâm Tuyền, mà chúng ta đếm không quá mười ngón tay, thì “Tiếng Thời Gian” có nhạc thuật cao nhất. Lời ca rất đẹp cũng do Dạ Chung viết càng làm tăng giá trị của ca khúc.

Bài hát có đoạn mở đầu dìu dặt nhịp ¾ (Boston) trong cung Sol trưởng, tả cảnh đêm mưa hiu hắt mùa Đông, có sương mờ buông nhẹ cùng tiếng chuông buồn ngân. Nhân vật trong ca khúc là người lữ khách dừng chân bên sông, chờ người mà không thấy đến, và nhớ lại cuộc đời đầm ấm cũ đã phai theo thời gian...

Lâm Tuyền tài tình chuyển đoạn qua nhịp 4/4, với câu nhạc ngắn gọn, nhịp nhàng và có nhiều syncopes (nhịp chõi). Lời ca diễn tả nỗi tê tái khi nhìn cây lá rơi rụng mà chạnh nhớ tới những ngày Xuân đã phôi pha. Đứng từ dưới nhìn lên lầu nguy nga, bèn than cho phận mình đã bao nhiêu mùa Xuân qua trống vắng tình yêu… Câu nhạc chơi vơi để trở về nhạc đề chính nhịp ¾, chấm dứt ở chủ đề “cuộc đời đầm ấm đã theo thời gian”.

Quỳnh Giao nghe bài hát này lần đầu qua giọng ca của cô đào cải lương miền Bắc là Kim Chung.

Nhiều độc giả có thể ngạc nhiên vì chi tiết này! Chẳng là trong nhà có người Dì (chị họ của Mẹ) mê xem cải lương. Cứ vài đêm bà lại đi đến rạp Aristo xem Kim Chung và Bích Hợp ca diễn. Bà thường đi cyclo, thong dong thư thả, vì đêm Sài Gòn mát mẻ, chiến tranh chưa lan rộng, chưa có giới nghiêm. Một ngày nọ, đang học lớp Ba thì người viết được bảng danh dự cuối tháng. Vui đáo để vì hiếm khi được! Chạy về khoe Mẹ, khoe Dì.

Hỏi muốn thưởng cái gì, con bé bèn tâu: cho con đi coi cải lương!..

Thế là ngay tối thứ Bẩy hôm sau được đi xem hát. Cho đến bây giờ Quỳnh Giao còn nhớ vở tuồng “Sóng Nhạc Hương Tình” của đoàn Kim Chung. Còn nhớ bộ quần áo kiểu “hương xa” như áo dạ hội mà cô mặc hôm ấy. Những người đóng vai hiền thì bôi má hồng thật đậm, còn vai gian ác mặt trắng bệch!

Nhớ nhất đoạn Kim Chung hát "Tiếng Thời Gian", giọng cô cao nhưng hơi chua, và khi cô lên nốt “mi” cao của câu” cuộc đời đầm ấm, đã theo thời gian” thật não nuột và chua sót, khiến trẻ con mà cũng thấy mắt mình rưng rưng…

Bài này nhạc sĩ Văn Phụng hòa âm thật độc đáo. Ông dùng cả dàn giây lẫn kèn và cũng chính ông thổi clarinette đoạn intro. Kim Tước và Châu Hà hát bản này tuyệt như nhau. Quỳnh Giao chỉ tiếc là thời phong độ của nữ danh ca Minh Trang, thân mẫu của mình hát bài này như thế nào thì mình bé quá không được thưởng thức. Chỉ nghe nhạc sĩ Vũ Thành lúc sinh tiền thường tấm tắc khen mỗi khi nghe ai hát cùng ca khúc: "Bài này bà Minh Trang hát vô địch, rất là tân kỳ!"

Khi Lâm Tuyền viết “Trở Về Dĩ Vãng” thì người viết còn bé nhưng được Mộc Lan kể lại cho biết ông viết để tặng cho cô. Có lẽ vì mình bé nên cô mới kể, chứ không kể cho người lớn! Câu hát “Anh thường khóc khi chiều xuống, lòng nhớ nhung triền miên” ám chỉ cô, vì tên gọi chơi (nick name) của cô là Nhung, dù tên thật là Nga. Người viết suy đoán là ông dựa vào ý thơ của “Người Em Sầu Mộng”của Lưu Trọng Lư, vì những câu như “tình em như tuyết giăng đầu núi, tình anh như sóng đưa ngoài khơi”…

Ca khúc trữ tình này còn ai hát hay hơn chính Mộc Lan!

Những người yêu nhạc và sành sõi thì không thể không biết đến ca khúc “Lặng Lẽ” của Lâm Tuyền, một ca khúc có lời từ đẹp nhất của Dạ Chung cho các thanh niên thiếu nữ tỏ tình. Nghe loại nhạc ngày nay, không còn thấy cách tỏ tình e ấp ấy nữa vì xã hội đã đổi khác.

Nàng từ đâu tới đây, gieo sầu mùa Thu.
Lặng nhìn ta dưới hoa, nhìn thôi chẳng nói, cớ sao nhìn ta.
Rồi lòng ta từ đó đắm say mơ màng, chìm trong đôi mắt.
Ôi đôi mắt nhung huyền, nhìn ta không nói, chiều thu êm ái

Có đúng là lời tỏ tình tha thiết mà thầm lặng không? Nhạc phẩm này Sĩ Phú trình bầy thành công nhất. Giọng ông nhẹ, thủ thỉ tâm tình.

Còn một bài của Lâm Tuyền mà người viết không biết và chưa bao giờ nghe là bài “Nhắn Người Viễn Xứ”.

Toàn thể tác phẩm của Lâm Tuyền quả là ít, nhưng rất nghệ thuật và độc đáo. Vào thập niên 50, tân nhạc Việt Nam mới tiến qua ngưỡng cửa “phôi thai”, mà với nhạc thuật vững vàng, câu cú có hệ thống rành mạch như Lâm Tuyền thì thật rất hiếm. Nghe nhạc mình nhận ra trình độ của người sáng tác. Có học nhạc pháp, hòa âm mới viết được như thế.

Các nhạc trưởng có tài như Vũ Thành, Hoàng Trọng, Văn Phụng, Nghiêm Phú Phi đều công nhận giá trị nhạc thuật Lâm Tuyền và thích thú khi viết hòa âm cho các tác phẩm của ông.

Giờ đây ngẫm lại thì qua lời ca, Lâm Tuyền và Dạ Chung cùng nhiều nghệ sĩ khác vào thời đại ấy đều mang một ước vọng phiêu lưu. Họ mơ được sống ở những chân trời xa cho thỏa mộng sông hồ, mà ít ai nghĩ rằng mình sẽ còn có ngày ra biển, thật sự ly hương. Và ra đi là không trở về nữa.

Chẳng biết đạo diễn Hoàng Vĩnh Lôc đã có bao giờ xuất ngoại chưa, nhưng Lâm Tuyền thì chưa hề đi khỏi Việt Nam. Năm 1975, một số đông nghệ sĩ thoát ra hải ngoại, riêng ông vẫn kẹt lại. Sau nhiều năm tù đầy, Hoàng Vĩnh Lộc mất trước. Lâm Tuyền sống lây lất đến 1997 thì qua đời tại SàiGòn.

Ngày nghe tin ông mất, Quỳnh Giao và anh Lê Đình Điểu (cũng đã mất) đang thu thanh chương trình “Vòng Chân Trời Văn Học Nghệ Thuật” cho đài phát thanh VNCR. Hai người vội loan tin buồn tới thính giả, và cho phát thanh ca khúc bất hủ “Hình Ảnh Một Buổi Chiều”…

Bao năm qua ta sống giang hồ xa quê nhà
Nơi xa xôi muôn ý phiêu lưu dâng cho đời...

Cả Lâm Tuyền và Dạ Chung đều chỉ mơ như thế mà thôi.

Quỳnh Giao viết ngày 12-4-2008
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562





103. Mài Dao Cho Sắc


Kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Tổng thống Abraham Lincoln (ngày 12 tháng 2 năm 1809), người ta nhắc đến nhiều câu danh ngôn của ông.

Lincoln được lịch sử Hoa Kỳ xếp vào hàng Tổng thống vĩ đại nhất nước dù ông chỉ lãnh đạo có một nhiệm kỳ và bị ám sát vào ngày 15 tháng 4 năm 1865. Ông sinh sau Cao Bá Quát hơn một tháng, nhưng thọ hơn một giáp và khác với họ Cao, câu danh ngôn của ông không chỉ được học sinh thuộc lòng mà còn được các chính trị gia sau này trích dẫn rất nhiều.

Người viết riêng nhớ một câu rất lạ từ nhân vật nổi tiếng là hiếu học và ham đọc sách trước khi là một nhà chính trị có tài.

Lincoln sinh trưởng trong cảnh bần hàn vì gia thế sa sút và mẫu thân tạ thế khi ông còn nhỏ. Sống trong khu vực điền dã núi rừng, ông giỏi... dùng rìu đốn cây, bổ củi và dựng nhà chòi. Vì vậy ông mới để lại câu danh ngôn sau đây: "Cho tôi sáu tiếng để đốn một cái cây thì trước hết tôi dùng bốn tiếng mài rìu!"

Có lẽ chúng ta không thuộc diện tiều phu giữa như Lincoln, nhưng Quỳnh Giao tin rằng ông cũng là một tay đầu bếp giỏi!

Chỉ vì bài học gia chánh đầu tiên từ các đầu bếp trứ danh là cách mài dao và cầm dao! "Không thầy đố mày làm nên", mình biết thế, nhưng học thầy rồi thì đến khi hữu sự mình vẫn cần dụng cụ tốt và biết cách sử dụng.

Người nấu ăn giỏi mà liếc vào bếp là họ nhìn ngay vào con dao.

"Con lợn có béo thì lòng mới ngon", nhưng làm sao thái miếng thịt cho ngon nếu dao không sắc? Một tiêu chuẩn đo lường sự hữu dụng của một con dao, nó có bén hay không, là dùng dao cắt trái cà chua chín! Trái chín mọng có vỏ rất mỏng mà dai, dao cùn thì không cắt được vỏ và nóng nẩy thái quả cà chua là ta sẽ có... một bát cà chua nát!

Chúng ta cũng biết rằng dao có nhiều loại cho từng công dụng khác nhau, nhưng mài dao mới là bài học bếp núc đầu tiên cho những ai muốn thành cao thủ. Mà dao càng tốt, có chất thép càng cứng thì càng khó mài!

Dao tốt thì phải mài bằng vật còn cứng hơn làn thép ở lưỡi dao. Có khi là thỏi thép, có khi là hòn đá mài, rẻ ra thì cũng có cái trôn địa bằng sành mà ở nhà chúng ta hay liếc vài nhát trước khi cắt, thái....

Dù chẳng biết gì nhiều về lưỡi rìu của Lincoln, hay thanh gươm của một tay kiếm sĩ, mình cũng có thể đoán rằng việc mài dũa là cần thiết. Cũng như cây đàn của một danh cầm vậy, dây đàn phải căng đúng độ thì thanh âm mới chuẩn xác...

Những thôi, lạc đề làm chi dù là tạp ghi, mình hãy trở về góc bếp đã!

Nói đến dao thì tay nhà nghề phải có cả chục loại lớn nhỏ, rồi mới đến nồi niêu, xoong, chảo... Mỗi vật đều có công dụng riêng của nó và ngoài vật liệu tươi sạch, ta phải có đồ nghề đúng điệu thì mới nấu được cho ngon. Sau đấy mới là những bí quyết của từng nhà trong từng món...

Không hiểu sao, người Việt ta hay có thành kiến là các nghệ sĩ, nhất là nữ nghệ sĩ, thường... rất đoảng trong việc bếp núc.

Oan quá!

Xưa kia, mình đã bị áp bức trong nền văn hoá phong kiến mà cho là xướng ca vô loại, nên nghĩ tới nghệ sĩ mình ít khi liên tưởng đến bốn chữ công dung ngôn hạnh. Cùng lắm thì nhường cho chữ "dung" vì cứ tưởng rằng sắc còn hơn thanh. Và các đức tính kia thì coi như xí xoá!

Người viết xin được minh oan... không công cho nhiều nghệ sĩ mà mình quen biết.

Ngăn nắp nhất là vài người mà thiên hạ cứ cho là phóng đãng luông tuồng, đó là Mai Thảo, Nguyên Sa và Phạm Duy. Cẩn trọng nhất trong giới cầm bút, có ông Võ Phiến. Không biết các bậc trưởng thượng kia ra sao, Mai Thảo không là tay nấu ăn giỏi, nhưng sành ăn thì đệ nhất. Tất cả những ai đã có hàng quán được ông lai vãng khi sinh thời đều biết và nhớ đến đức tính đó của ông. Chúng ta chỉ thiếu dịp nghe hay đọc Mai Thảo về những miếng ngon trên đời, e rằng chả thua kém gì Thạch Lam hay Vũ Bằng...

Một nghệ sĩ, nhạc sĩ và có thời là ca sĩ, cũng là tay nấu bếp rất giỏi. Đó là ông Tuấn Khanh.

Phở của Tuấn Khanh là có hạng, nước trong, vị ngọt và thơm không kém gì những hàng phở danh tiếng của chúng ta. Khi hát "Hoa Xoan Bên Thềm Cũ", hãy nhớ đến Tuấn Khanh cũng là một nghệ sĩ về nấu nướng, nhiều bà nội trợ có khi còn phải học. Danh ca Anh Ngọc cũng thế, là người sành ăn và khó tính chẳng kém Mai Thảo, ông cũng nấu nướng ra trò. Không coi thường được đâu!

Trong giới nghệ sĩ, khét tiếng ở lối ăn nói ngổ ngáo làm các bậc trượng phu giả phải sượng mặt, tất nhiên là có Khánh Ly.

Nàng là tay đầu bếp trứ danh, với tuyệt chiêu là các món nhậu, chưa nói đến nhiều món quốc hồn quốc túy của dân Bắc di cư có thể làm các bà mẹ chồng khó tính nhất phải khoanh tay!

Khánh Ly ít khi biểu diễn tài đó. Nàng không cần biểu diễn mà chỉ thích nấu cho bạn và phải là bạn chí thiết cơ! Nếu có một cuộc thi gia chánh, xin coi chừng mà đánh giá sai nàng ca sĩ này.

Khánh Ly sẽ giật giải và ngồi ngay vào ghế giảm khảo đấy!

Lớn tuổi hơn mà là chỗ thân tình với người viết, Thái Thanh và Nhã Ca là nghệ sĩ đảm đang về bếp núc. Thái Thanh với các món Bắc tinh tế nhất. Nhã Ca chuyên trị về món Huế, con cháu được ăn phủ phê, chứ không chỉ thấy bà lạch cách gõ máy làm thơ hay viết văn.

Cùng thế hệ với Quỳnh Giao, Lệ Thu và Hương Lan nổi tiếng với món cá kho. Mai Hương là người bạn song hành trong sinh hoạt nghệ thuật với ngươi viết từ thuở thiếu thời, làm món chả cá Thăng Long và bánh tôm Cổ Ngư không thua gì các tiệm ăn anh tiếng.

Một bạn thân của người viết từ khi còn học trường Gia Long cũng là tay nội trợ có hạng, thích làm bánh trái và nấu nướng, đó là tiếng hát và giọng ngâm Hoàng Oanh. Trẻ tuổi hơn, thì có Thanh Mai, nổi tiếng nấu ăn, và có cả một nhà hàng riêng để trổ tài…

Nhiều nữ nghệ sĩ khác cũng thế, diêm dúa trên sân khấu nhưng thay áo vào trong bếp là hai tay thoăn thoắt trong tiếng nhạc!

Chúng ta yêu thích sân khấu hay nghệ thuật ở khả năng dệt mộng cho mình, nhưng có khi vì vậy mà đóng khung nghệ sĩ vào cái nghiệp "cho người mua vui". Thật ra, ra khỏi ánh sáng sân khấu, họ có đời sống như mọi người. Rất nhiều người trong số này lại chẳng khác gì chúng ta, họ cũng có sở thích và tài nghệ riêng mà mình không thấy dưới ánh đèn màu.

Cũng nên coi chừng đấy, nhiều người biết mài dao rất sắc. Chẳng thua gì gươm Nhật!

Quỳnh Giao viết ngày 16-02-2009
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562





104. Vượt Cõi Trùng Dương, Beyond La Mer

Đúng 70 năm trước, trên một chuyến xe lửa miền Nam chạy quanh một đầm nước bát ngát của Pháp, trong có vài chục phút một nghệ sĩ nổi hứng viết lên giấy chùi tay của toa tầu một bài thơ ca ngợi biển cả. Biển cả là Địa Trung Hải năm 1943. Đầm nước là l'Étang de Thau nổi tiếng gần hai thành phố Sète và Montpellier. Bài thơ có tựa đề đơn giản là Biển. La Mer.

Còn người nghệ sĩ là quái kiệt Charles Trenet.

Ở ngoài đời, ông ta là ca sĩ, hôm đó nổi hứng viết lời như làm thơ khi đầu lại ngân nga một giai điệu ngoại quốc, Heart and Soul, đã thịnh hành từ năm năm trước. Ai trong chúng ta mà chẳng có lúc bắt được tứ thơ và viết ra vài câu rồi lại quên? Charles Trenet chịu khó hơn vậy vì muốn sáng tác một ca khúc do mình viết lời từ, sau đó được Léo Chauliac phổ thành nhạc.

Nhưng mộng không thành vì chính Charles Trenet nhận xét là ca khúc hơi trịnh trọng và dị hợm nên không dám trình bày.

Gửi cho một ca sĩ đương thời là Suzy Solidor thì được nàng trả lại với lý do là "loại nhạc khúc ca ngợi biển xanh, một ngày em nhận được cả chục!" Hai năm sau, có người cố mời ca sĩ Renée Lebas trình bày thì cũng chẳng có âm vang.

Đến năm 1946, có nhà sản xuất yêu cầu Charles Trenet trình bày ca khúc này, theo giai điệu của Albert Lassy, bắt nguồn từ một ấn bản Anh ngữ là Beyond the Sea, thì biển khơi mở ra trùng trùng.

Năm đó, Charles Trenet qua Hoa Kỳ trình diễn và hát khúc ngợi ca biển cả của mình và được vỗ tay tán thưởng. Từ đó mới có bài Beyond the Sea được ngân nga bên Mỹ....

Trở về Paris, Charles Trenet bèn trình bày tác phẩm của mình và bài La Mer nổi tiếng khắp nước, trở thành dấu ấn của Charles Trenet.

Quỳnh Giao xin dừng tại đây để kiểm lại quá trình phát triển một ca khúc.

Khởi đầu là một bài hát về biển, sáng tác bên hồ nước chứ chưa ra tới biển. Bài hát không có âm vang đáng kể cho đến khi người nghệ sĩ trình bày bên Mỹ theo một giai điệu hơi khác. Phải chăng, tiếng vang từ Hoa Kỳ khiến Charles Trenet hát lại bài này và từ đó ca khúc bay ra khỏi trùng dương?

Khi nhớ lại thì hình như chúng ta có hai tác phẩm. La Mer nguyên thủy là bài ngợi ca biển cả của Charles Trenet. Bài Beyond the Sea thì có lời từ mang nội dung ngợi ca tình yêu, khi đã đi hết biển. Người viết lời từ bằng tiếng Anh là Jack Lawrence.

Nếu có bộ môn nhạc sử cho tác phẩm này thì chúng ta có viên ngọc lấp lánh của Pháp bị nhiều người coi thường, cho đến khi những người thợ kim hoàn ở Mỹ mài dũa lại và đặt lên một ổ nhẫn khác. Từ La Mer của Charles Trenet đến bài Beyond the Sea thì hình như là tình yêu đã đáp lời biển cả và cho thế giới một tác phẩm nghệ thuật không biên giới.

Tại Hoa Kỳ, Bobby Darin đã gắn liền sự nghiệp của mình với bài Beyond the Sea, qua ấn bản trình bày năm 1959.

Đấy là ca khúc được các ban nhạc hay ca sĩ nổi tiếng trên thế giới trình bày, từ ban nhạc Jazz của Benny Goodman đến dàn Mantovani hay ban nhạc của John Williams, từ tiếng hát Johnny Mathis của Mỹ đến Gisèle MacKenzie của Gia Nã Đại và trở lại Sacha Distel của Pháp. Ca khúc này được hát mấy ngàn lần, xuất hiện trong 29 cuốn phim, trên năm sáu chương trình truyền hình, và cả tiết mục khiêu vũ ballet lẫn các trò chơi video games hay các tiết mục quảng cáo.

Chúng ta không quên một trường hợp tương tự.

Đó là bài "Comme d'Habitude" của Claude Françoiss, một ca sĩ Pháp. Nội dung là sự chán chường của tình yêu trong một ngày như mọi ngày! Năm 1967, ca khúc không mấy nổi tiếng này lại lọt vào tai Paul Anka đang du lịch tại miền Nam nước Pháp. Ca sĩ Hoa Kỳ gốc Trung Đông thấy bài hát quá hay trên giai điệu quá tệ, lập tức mua vé máy bay lên Paris để xin mua tác quyền. Cuối cùng Paul Anka chẳng phải trả một xu mà vẫn được tác quyền.

Hai năm sau, Paul Anka gặp sự chán chường thật ở một nghệ sĩ Bố Già là Frank Sinatra: chàng muốn bỏ cuộc chơi. Nhớ lại ca khúc năm xưa ở bên Pháp, Paul Anka dành một đêm viết cho Sinatra chứ không phải cho mình lời từ của một nghệ sĩ ngang tàng xin giã từ mọi oan trái. Đó là bài "My Way" khét tiếng của Frank Sinatra. Ca khúc "Tôi Đi Đường Tôi" nổi tiếng đến độ là thành ngữ được các chính trị gia và nhà báo áp dụng.

Sau này và bây giờ, nhiều người bên Mỹ vẫn cho My Way là tác phẩm của Frank Sinatra. Khá hơn thì biết rằng đó là của Paul Anka. Ít người nhớ đến ngọn nguồn là Claude François. Cũng thế, Beyond the Sea là Bobby Darrin, chứ Charles Trenet hay La Mer là cái quái gì?

Ngoài kia, biển khơi vẫn xanh ngắt trước sự vô tâm của con người....

Quỳnh Giao viết ngày 02-02-2008.
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562





105. Hồn Cầm Thân Mộc

Trong một bài viết đã lâu, nhớ "Cung Đàn Xưa" của Văn Cao, người viết nhấc bút (hay hạ tay xuống phím gõ?) ghi lại một câu xanh dờn "Đông phương ta không ngạc nhiên khi thấy vạn vật cái gì cũng có hồn...", chỉ để nói tới những cây vĩ cầm lừng danh của thế giới.

Chẳng là vì mình nhớ tới lời từ của Văn Cao:
"Hồn cầm phong hương hình bóng xuân tàn
Ngày dần buông trôi sầu vắng cung đàn..."

Phong hương là ý rất đẹp, mà Nguyên Sa có thể thấm rất sâu, khi viết thật rõ "anh lạy trời mưa phong toả đường về" trong bài thơ "Tháng Sáu Trời Mưa" của ông. "Vũ vô kiềm toả năng lưu khách...", khi học Trung học, lũ nhóc tì đều nhớ lời răn của các cụ, rằng mưa không có khoá mà vẫn giữ khách lại, và sắc đẹp chẳng là sóng gió ba đào mà vẫn dễ làm đắm lòng người.

Như nhân vật của Tô Vũ (nhạc sĩ của ta, không là người tù chăn dê mất 18 năm của Tầu), các nạn nhân trong cuộc thì mong rằng mưa sẽ làm nàng quên đường về, đó là lời ca của bài "Em đến thăm anh một chiều mưa". Rồi còn hãnh diện là mình vừa đắm vừa đuối!


Trở lại ý phong hương của Văn Cao, "phong" đây là bọc, là gói, lời nhạc là hồn đàn giữ lại hương xưa...

"Hay là em gói mây trong áo?" là cùng ý tứ đó khi Nguyên Sa viết "Áo lụa Hà Đông". Nếu hiểu ra ý thì mình không thể... giết Văn Cao một lần nữa để hát thành "hồn cầm phong sương..."

Chúng ta dễ hiểu lầm và hát sai như vậy vì ấn tượng phổ biến của mọi người, rằng đã là nghệ sĩ thì ắt phải phong sương mới là hợp cách! Chẳng vậy mà Anh Việt đã viết trong "Lỡ Chuyến Đò": "đời nghệ sĩ lăn lóc gió sương...."

Nhưng tội cho các nghệ sĩ khi tác phẩm của mình bị người đời diễn tả sai. Biết bao công phu gửi gấm cho từng lời ca ý nhạc bỗng thành lạc lõng, vô vị. Đó cũng là nỗi buồn của Dương Thiệu Tước, khi "mạch Tương lai láng" của ông trong bài "Ngọc Lan" bị hát sai thành "mạch tương lai sáng" hoặc bi thiết hơn thế, "mạch tuôn(g) lai láng".

Nhưng hãy cố quên chuyện "phong hương" mà trở lại với "hồn cầm" đã.

Như nhiều nền văn hoá hay tín ngưỡng khác, chúng ta tin rằng vạn vật từ cỏ cây tới cát đá đều có hồn. Viết cho cao điệu thì có Nguyễn Tuân với "Chùa Đàn" hay siêu tuyệt thì có Bồ Tùng Linh với "Liêu Trai Chí Dị".

Với tâm lý ấy, Quỳnh Giao rất yêu thích một cuốn phim xuất hiện - mau quá - đúng hai chục năm trước, là "Le Violon Rouge" của François Girard. Đây là tác phẩm hỗn hợp của Anh, Gia Nã Đại và Ý, được khán giả Hoa Kỳ biết tới qua bản dịch là "The Red Violin".

Năm 1681, tại ngôi làng Cremona nổi danh kim cổ về nghệ thuật làm đàn của Ý, Nicolo Bussoti vừa hoàn thành một cây vĩ cầm ưng ý thì người vợ trẻ tạ thế. Hồn nàng nhập vào cây đàn của chồng, đỏ như máu tươi, và nổi trôi theo đàn qua không gian Âu Á Mỹ và qua thời gian kim cổ đầy phong ba bão táp, để đến với ngày nay... Cuốn phim được giới thưởng ngoạn ưa chuộng và còn ám ảnh chúng ta rất lâu vì nhớ tới hồn cầm của Văn Cao.

Nhưng, một câu hỏi siêu hình thần bí thì vẫn chưa có giải đáp.

Đàn có hồn hay không?

Vì sao các cây đàn nổi tiếng nhất từ làng Cremona đó vẫn tiếp tục là những báu vật của nghệ sĩ? Thí dụ như đàn của Antonio Stradivari, được đời sau gọi là đàn Stradivarius. Thế giới chỉ còn 600 cây Stradivarius tồn tại đến ngày nay và vẫn là những cây đàn đắt giá nhất, trân quý nhất.

Ngoài Stradivari, đất Cremona còn nhiều nghệ sĩ làm đàn cực hay. Đó là cha con Andrea Amati, người con trai tên Nicolo là thầy của Antonio Stradivari và cũng là thầy của một bậc sư khác về nghệ thuật làm đàn là Francesco Ruggieri. Hay dòng họ Guarneri, bốn đời nổi tiếng trên đất Cremona về nghệ thuật làm đàn....

Thổ ngơi, thổ sản hay là Thổ Công Thành Hoàng của làng Cremona khiến đàn dây của xứ này được xem là hay nhất? Hay là khí thiêng sông núi Cremona đã nhập vào đàn?

Tháng Bảy này, câu hỏi ấy đã được giải đáp, và làm đời mất vui!

Cũng như chuyện đồ gốm Bát Tràng hay đồ sứ Thanh Hoá mà thôi! Câu hỏi được giải đáp một cách khoa học, bởi các nhà khoa học.

Họ dùng kỹ thuật điện tử hiện đại đem... phân chất âm thanh của các loại cổ vật so với những cây đàn ngày nay, và phát giác một sự thật gần với thổ ngơi hơn là thổ công. Chỉ vì thớ gỗ của đất Cremona có mật độ nhuần nhuyễn nhất. Nói cho dễ cảm nhận được ngay là chất đặc của gỗ được thiên nhiên phân tán đều, không có nơi nặng nơi nhẹ, nơi xốp nơi đặc! Cho nên âm thanh tỏa ra rất thuần, rất đều...

Chúng ta mất vui vì trí tưởng tượng bị phong kín và thấy hồn cầm thật ra nằm trong thớ gỗ. Cũng như cụ Vương Hồn Sển của mình giải thích vì sao đất Thanh Hoá cũng có những đồ sứ rất tốt vì độ mịn rất nhuần rất nhuyễn của đất sét.

Nhưng nếu mình đã cố đi theo sự hiểu biết hiện đại của khoa học thì vì sao không trở về chuyện... mít.

Chuyện mít của cây mít và gỗ mít!

Chúng ta được biết ngày xưa, gỗ mít làm thớt là tốt nhất, chắc hẳn là vì thân gỗ rất đặc và chắc nên không gây mùn thớt khi bị băm vằm tan nát! Rồi từ đấy nhớ thêm rằng nhà chùa của ta hay trồng cây mít, và cái mõ trong chùa làm bằng gỗ mít vì cho tiếng gõ ròn tan.... Nếu vậy, vì sao ta không thử làm một cây đàn... mít?

Câu hỏi lòng vòng viển vông ấy dẫn ta về tới chuyện chính, chuyện phong hương để giữ lấy hồn.

Có nguyên liệu hay gỗ đất thích hợp thì mình vẫn cần phải có hồn người. Con cháu trong nhà phải yêu lấy nghiệp tổ để trau giồi nghiệp tổ và làm hay hơn đời trước. Nghệ thuật Bát Tràng là ở đấy.

Cũng thế, bí quyết của làng Cremona không chỉ nằm trong thớ gỗ mà nằm trong cách giáo dục và sinh sống của gia đình các nghệ nhân làm đàn.

Nếu không thì dù có gối đầu lên gốc mít mình vẫn mít đặc và vài thế hệ sau là quên hết. Chuyện lãng quên ấy đang xảy ra khi mình thấy ra ngần ấy bộ môn nghệ thuật cổ truyền cứ bị mất mát dần sau khi đã bị hiểu sai và coi thường.

Quỳnh Giao không dám lạm bàn về những chuyện xa xôi mà mình không thể biết hết, chỉ nhìn vào tân nhạc thôi thì cũng khó nén được tiếng thở dài.

Hồn cầm đã tan nên chỉ còn thân gỗ....

Quỳnh Giao viết  ngày 21-7-2008
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562






106. Hoà Âm Chắp Cánh Cho Nhạc


Clint Eastwood là một nghệ sĩ đa diện. Ông là diễn viên điện ảnh, đạo diễn và nhà sản xuất nổi tiếng thế giới mà cũng là người yêu nhạc, sành nhạc và viết nhạc. Các tác phẩm điện ảnh do ông thực hiện đều mang dấu ấn riêng, là có phần nhạc rất đặc sắc.
Clint Eastwood

Năm 1971, trên tột đỉnh danh vọng của nghề diễn xuất, Clint Eastwood bước qua bên kia ống kính làm nhà đạo diễn với phim "Play Misty for Me". Cuốn phim trinh tham lập tức nổi tiếng với không khí đậm đặc và tiếng dương cầm thánh thót của Erroll Garner qua bài “Misty” mà mọi người yêu jazz đều biết, và ưa thích.

Trong một hoàn cảnh nào đó, Clint Eastwood có thể rất cảm thông với Errol Garner.

Nhạc sĩ da đen nổi tiếng về Jazz là người... không học nhạc và không biết đọc nhạc. Ông không cần ký âm pháp và chơi đàn bằng tai. Erroll Garner học dương cầm từ thuở lên ba và sáng tác nhạc bằng cảm hứng thiên phú, việc viết lại tác phẩm ra giấy là chuyện của thợ viết chứ Erroll Garner không cần! Bài Misty của ông là trường hợp ấy, một tác phẩm nổi tiếng của thế giới nhạc jazz, với lời ca của Johnny Burke và được cả trăm nghệ sĩ trình bày, từ Ella Fitzgerald tới Frank Sinatra, từ Johnny Mathis tới Sarah Vaughan hay Julie London...
Erroll Garner và Clint Eastwood

Khi trình bày, họ đàn và hát như thế nào? Câu hỏi ấy là điều có thể làm Clint Eastwood thú vị.

Là dương cầm thủ có tài, đã trình tấu tại Carnegie Hall để vinh danh nhạc Jazz Hoa Kỳ, Clint Eastwood viết lấy nhạc phim cho nhiều tác phẩm bất hủ của ông, như Mystic River, Million Dollars Baby hay Flags of Our Fathers, và là tác giả của bài Why Should I Care mà ai hâm mộ Diana Krall đều nhớ. Ca khúc đã làm sáng cuốn phim True Crime do chính Clint Eastwood sản xuất và đạo diễn chính mình.

Clint Eastwood kể lại rằng khi viết nhạc, ông chỉ có ba nốt nhạc trong đầu!

Thật ra, đấy là nguồn cảm hứng ban đầu như một sự ám ảnh triền miên bằng âm thanh để dẫn tới tác phầm hoàn chỉnh... Ba nốt nhạc như cái cốt của một kiến trúc bằng âm thanh, từ đấy mới dựng thành nhạc khúc. Nhưng, cũng kể từ đấy, nhạc khúc lại có đời sống riêng và mỗi nghệ sĩ trình bày có khi viết lại, soạn lại và mở ra một thế giới khác.

Erroll Garner
Misty của nghệ sĩ "mù nhạc" Erroll Garner cũng thế, được tái sinh cả trăm lần.

Nghệ thuật tái sinh ấy là hoà âm.

Hoà âm là nghệ thuật viết lại một ca khúc hay nhạc khúc có sẵn, để trên cùng một giai điệu nguyên thủy dựng lên một tác phẩm mới, với nhiều nhạc cụ hoặc cách trình bày khác với nguyên thủy. Người Nhật có lẽ rất hiểu nghệ thuật ấy khi gọi hoà âm là biên khúc. Là viết lại.

Chúng ta hãy nghe lại trường ca Con Đường Cái Quan của Phạm Duy chẳng hạn. Khi ông dạo đàn và ghi trên giấy bằng ký âm pháp tác phẩm bất hủ này, bản trường ca không thể giống tác phẩm đã được phổ biến và chúng ta đã nghe. Tác phẩm ấy được chắp cánh và bay bổng vào tâm hồn chúng ta trong mấy chục năm qua là nhờ hoà âm của Hải Sơn, nghệ danh của nhạc sĩ Nghiêm Phú Phi.

Một tác phẩm được hoà âm hay là khi đẩy mạnh những cực điểm cao thấp của giai điệu nguyên thủy, khi nhấn mạnh tới một ý nhạc cốt lõi qua phần đơn ca hay độc tấu, khi chia bè trình diễn cho hài hoà mà vẫn làm sáng giai điệu nguyên thủy và khi... biết dừng, biết im, nghĩa là không phải là có bao nhiêu nhạc cụ là đều phải trình tấu cùng lúc!

Nghệ thuật hoà âm thật ra xuất hiện đã lâu rồi, và là một phần khó tách rời của nhạc cổ điển Tây phương.

Một thí dụ mà giới yêu nhạc và học nhạc đều nhớ là liên khúc của nhạc sĩ người Nga Modest Mussorgsky. Ông viết bằng nhạc về những gì xem thấy trong một phòng tranh! Dùng nhạc để diễn tả hội hoạ là chuyện khó, trình bày lại mười bài trong liên khúc này e rằng còn khó hơn. Tác phẩm Pictures at an Exhibition của Mussorgsky được hoà âm hơn hai chục lần và "ấn bản" của Maurice Ravel được coi là hay nhất. Ravel đã chắp cánh cho nhạc Mussorgsky bay vào cõi vĩnh cửu của hậu thế. Xem tranh bằng tai là mình nên nhớ tới cả Mussorgsky và Ravel.

Nhớ tới Ravel thì mình không quên cả trăm hoà âm khác nhau của bài Boléro, ca khúc có ma lực lôi cuốn cả thế giới đến nỗi người ta nói rằng trên thế giới, cứ 15 phút lại có một bài Boléro được trình tấu ở đâu đó trên địa cầu, mỗi nơi lại thể hiện một cách, theo lối hoà âm riêng.

George Gershwin là nhạc sĩ siêu hạng của thời cận đại. Nhưng ông cũng hiểu mình không có khả năng chắp cánh đó cho nhạc của mình trong bài Rhapsody in Blue. Ông nhờ Ferde Grofé viết lại hòa âm và phối khí.

Bước vào thế giới hiện đại và loại nhạc phổ thông thì việc hoà âm lại càng cần thiết.

Chúng ta để ý thấy rằng mỗi tác phẩm thịnh hành lại được trình bày và thu thanh một khác. Nghe thì biết ngay là bài gì nhờ giai điệu chính. Nhưng mỗi bài lại có một hồn nhạc riêng do cách viết lại nhịp điệu nhanh chậm, viết lại tiết điệu và cung điệu, do cách phối khí cho mỗi nhạc cụ một phần vụ, và trong trường hợp một ca khúc, do cách chia bè chính và phụ, cách ngắt câu hay lối ngân dài ngắn khác nhau của các ca sĩ....

Cách đây nửa thế kỷ, khi lối trình tấu của một dàn nhạc lớn, loại "big band", còn thịnh hành, mỗi nhạc cụ hai tiếng hát của dàn nhạc lại nhận một nhiệm vụ âm thanh để khi trình bày thì người nghe đón nhận được tất cả trong một hợp âm hài hòa.

Tại Việt Nam, các bậc sư trong nghệ thuật hoà âm đó là Vũ Thành, Hoàng Trọng, Nghiêm Phú Phi hay Nhật Bằng. Sau này, ta phải kể đến Lê Văn Khoa, Lê Ngọc Chân hay Cung Tiến. Không những người viết hoà âm phải giỏi về nhạc mà còn hiểu được hồn nhạc của tác giả và khả năng của các nghệ sĩ trình diễn. Một dòng nhạc bỗng thiên biến vạn hoá thành một kiến trúc âm thanh mới. Một tác phẩm viết trên vài trang giấy được soạn lại thành vài chục bản khác nhau chia cho các ca sĩ và nhạc công cùng thể hiện dưới sự điều khiển của một nhạc trưởng. Một sự công phu đầy tốn kém của một nghệ thuật sống, với nhạc cụ thật, trước khi âm thanh điện tử và kỹ thuật điện toán xuất hiện!

Ban tổ chức các buổi trình diễn ca nhạc mà ý thức được điều ấy thường chu đáo giới thiệu tác phẩm, tác giả, nghệ sĩ trình diễn và người phụ trách phần hòa âm và phối khí.

Với dàn nhạc nhỏ hơn, việc hoà âm vẫn là cần thiết, nhưng có thể giản tiện mà cũng sáng tạo hơn.

Văn Phụng là nhạc sĩ có tài khi sáng tác, ông còn có cái tai khác người khi soạn hoà âm... ngay từ trong đầu. Ông áp dụng nghệ thuật rất gần với thế giới Jazz vì phân bố có khi chỉ bằng cách ra dấu chứ khỏi cần viết xuống giấy cho ca sĩ và các nhạc sĩ trình bày phần của mình. Khi nào thì ad-lib, khi nào solo, khi nào hợp tấu... để thổi lên một nhịp tiết khác. Đây là một nghệ thuật ông gọi là rất "hot", rất sống.

Một người sáng chói khác về nghệ thuật hoà âm là Phạm Đình Chương. Ông viết lại tác phẩm của mình và của người cho ban Thăng Long trình bày trên sân khấu phòng trà Đêm Màu Hồng và trở thành linh hồn của toàn ban. Ông gần như hy sinh cả tiếng hát tuyệt diệu của mình dưới tên Hoài Bắc, cho sự thành công chung của ban hợp ca và các nhạc sĩ, trong số đó có cả nhạc sư Nghiêm Phú Phi đeo kính đen ngồi sau dương cầm.

Sau này, khi ra hải ngoại, nghệ thuật hòa âm Phạm Đình Chương vẫn toả sáng trong điều kiện chật vật hơn. Nghệ thuật ấy vẫn "sống", hot, và đầy sinh khí nhờ các nhạc sĩ đã quá quen thuộc và thân thiết với âm nhạc, như Nghiêm Phú Phi, Đan Thọ và Hoàng Thi Thao. Phạm Đình Chương mất đi, Lê Trọng Nguyễn mất đi, Nghiêm Phú Phi mất đi, chúng ta mất luôn một nghệ thuật tuyệt vời là chắp cánh cho nhạc.

Trong số các nhạc sĩ xuất sắc nhất của Việt Nam, Vũ Thành là người soạn hoà âm lớn lao nhất. Một điều khiến chúng ta kinh ngạc là ngày nay ở trong nước, không ai hát nhạc Vũ Thành. Mới nghĩ đến thì hơi tiếc cho ông. Nhưng nghe rồi thì ta lại mừng cho ông. Nếu nghe cách hoà âm ngày nay ở trong nước, của loại nhạc tương đối là có giá trị, người ta hơi thất vọng. Thà là không biết Vũ Thành còn hơn là tàn sát tác phẩm của ông tới hai lần, khi hoà âm và khi trình bày.

Quỳnh Giao viết ngày 02-6-2008.
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562







107. Tâm Sự Cái Quần... Din


Mỗi năm, cứ đến ngày lễ Hai Bà, người viết mục tạp ghi này lại thấy... bức xúc.

Lâu lâu mượn lại chữ của người Hà Nội sau khi họ mượn quá nhiều của chúng ta thì chắc cũng là công bằng thôi! Bức xúc vì thấy hai bà lộng lẫy quá nên chẳng rõ là Nhị Trưng trận mạc ra sao vào thời xa xưa cũ.

Chắc chắn là Hai Bà không thể ăn bận như một tiểu thư vừa chạy ra khỏi Hồng lâu mộng của Tầu. Nhiều phần là Hai Bà Trưng đi chân đất quấn xà cạp trên bắp chân vạm vỡ bùn lầy để xua cho binh lính của Tô Định chạy tới bán sống bán chết.

Nghĩ vậy, Quỳnh Giao bỗng tự hỏi, rằng tà áo dài của phụ nữ Việt Nam có từ y phục Trung Quốc cải biên ra chăng? Nhiều phần là không, trăm lần là không! Có khi chúng ta mượn lại của dân Chiêm Thành, của người Chàm, mà không ghi nhận tác quyền - như mọi khi.

Chuyện lịch sử và mỹ thuật ấy, xin nhường cho quý vị có thẩm quyền, để một ngày nào đó dân ta có thể trả lại từng việc cho từng người, từng thời, cho nó công bằng.

Trong khi chờ đợi, tại sao ta không nhìn vào nước Mỹ, hay nhìn qua miền Nam nước Đức... vào đất Bavaria.

Khu vực Bavaria này không chỉ có hãng xe BMW nổi tiếng trên thế giới (tên Đức của hãng là "Bayersirche Motoren Werke" hay Bavarian Motor Works). Nó là vùng đất thiêng, có những người cứng đầu cứng cổ nhất, chả thua kém gì dân Bình Định của ta hay Texas của Mỹ!

Ngoài những cơ sở kinh doanh khét tiếng, như BMW, Siemens, Audi hay Allianza, họ còn có một báu vật khác. Đó là cái quần!

Thời ấy rồi, trước khi chủ nghĩa thực dụng của Hoa Kỳ xuất hiện thì dân Bavarian đã có một tinh thần thực dụng mà rất bướng, như bà con Quảng Nam, Bình Định của ta. Sống bên triền núi Alp, họ thấy cái quần của dân miền núi quả là tiện lợi. Từ thế kỷ 18, chính là giới quý tộc nơi đó đã... phục chế chiếc quần dân giả thành vật trang sức.

May quần bằng da bê non hay da hoẵng cho mềm, họ lấy kiểu mẫu của chiếc quần ngắn Lederhosen hay quần dài Kniebundhose. Họ coi đó là hoà mình vào quần chúng, nhưng cải biên thêm bằng mấy đường thêu rất đẹp trên dải ngang của chiếc quần.

Lần đầu tiên, họ cũng vạch một xẻ dọc ở giữa, bấm bằng hai khuy để các ông dễ giải quyết chuyện thiên nhiên giữa thiên nhiên. Rồi đơm thêm túi ngoài để cài dao hay những vật lỉnh kỉnh khác của các ông. Lỉnh kỉnh không là một độc quyền của phụ nữ đâu.

Nhưng, vật gì thì cũng phải “xứng kỳ đức”.

Vào đầu thế kỷ 19, khi loại quần ấy trở thành phổ thông và xuất hiện trên các mục... "thời trang nhạc tuyển" - lại xin mượn một chữ vô nghĩa khác - cùng với tấm áo Dirndl khá hở hang của thiếu nữ, các bậc đạo cao đức trọng đã chau mày.

Giáo hội lập tức lên tiếng than phiền cái tội công xúc tu sỉ. Diễn giải theo tiếng ta cho dễ hiểu là xâm phạm thuần phong mỹ tục!

Chiếc nút quần bằng đồng
Vốn dĩ cứng đầu từ lâu, dân Bavarian nổi loạn nên... càng mặc cho bõ ghét. Đến độ trở thành cái mốt, một thứ thời trang. Đâm ra, khi mặc quần là một cách khiêu khích về chính trị thì hình như các ông cũng đi trước các bà đang kịch liệt tranh đấu cho nữ quyền. Chứ nào có phải đợi Hillary Clinton!

Cuối cùng thì sau Đại chiến Thế giới 1918, cái quần tứ chiếng ấy của dân Bavaria đã chinh phục bốn phương. Từ khu vực Baravia ra khắp nước Đức, nước Áo, tới Âu Châu, rồi vượt biển qua Hoa Kỳ.

Nếu không hình dung ra trang phục thời thượng ấy thì xin cứ xem lại phim "Sissi" ta sẽ thấy Quận công Max, thân phụ của nàng Sissi qua tài diễn xuất của Romy Schneider đã vênh váo bận cái quần Lederhosen. Nếu để ý đến lễ tháng 10 Oktoberfest của dân Đức, ta cũng thấy loại quần "quốc hồn quốc túy" ấy xuất hiện ở nhiều nơi, trên cả sân khấu Opera ở New York (vở "The White Horse Inn" tại Broadway...)

Cái quần ấy không chỉ là vang bóng của một thời mà đã trở thành cái mốt của giới thượng lưu có tiền. Ông Thống đốc gốc Áo Arnold Schwarzenegger của tiểu bang lắm chuyện này cũng đã phải tự xắm một cái "sur-mesure", custom made, thì mới ra người văn minh lịch lãm!
Levi Strauss, thương hiệu quần jean nổi tiếng thế giới
Trên thế giới ngày nay, có hai loại quần đang là biểu tượng của các đấng mày râu thanh lịch. Đó là cái Lederhose và chiếc quần din, có thời dân ta mói được "giải phóng" gọi là "quần bò".

Như nhiều người chúng ta có khi phật ý khi nghe nói rằng chiếc áo dài của mình có khi lấy kiểu từ áo Chàm chứ không từ cái sường sám của Tầu, nhiều người Mỹ cũng không chịu rằng cái quần din quốc hồn quốc túy của họ lại lấy... kiểu Đức, hay Ý!

Có người cho rằng quần jean của Mỹ chỉ là hậu thân của cái quần xanh mà thủy thủ của thành Genoa vẫn mặc. Vì vậy mới có tên là "bleu de Gênes", rồi bị đọc chại thành "jean". Nhưng, vì sao quần Ý mà lại có tên Tây? Vì lấy vải bông của Pháp dệt tại thành phố Nimes, nên sau này mới có tên là "denim cotton"?

Chưa chắc đâu! Xuất xứ của quần jean chỉ có thể là xứ Bavaria....

Vào giữa thế kỷ 19, một người Bavarian gốc Do Thái di cư sang Mỹ và nhớ đặc sản quê nhà, ông sáng chế ra cái quần dãi dầu nắng mưa cho dân Mỹ. Ông dùng vải bông rất dày... de Nimes, cách điệu hoá cái quần Lederhose thành một quần dài, rất bền, cho các tay tứ chiếng đào vàng tại miền Tây. Dấu hiệu không lầm được cũng là nút bấm ở ngoài, nhưng theo kiểu Mỹ là bấm bằng nút đồng! Phát minh này có trình toà đàng hoàng.

Ông ta là Levi Strauss. Ông tổ của cái quần din. Hỏi nó mà xem, nó sẽ kể lại cho nghe...

Tội lắm, các quần din trị giá mấy trăm bạc của nam thanh nữ tú đời nay là đứa em họ xa của cái quần Lederhose. Ngày xưa, mặc quần rồi may ra mới đào ra vàng. Ngày nay, có vàng rồi người ta mới mặc quần, và quần din mà lái xe Beamer - BMW - thì mới là phong cách Bavarian. Cũng quý tộc nhiều đời chứ có tầm thường đâu!

Quỳnh Giao viết ngày 01-12-2008
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562






108. Những Măng Và Tre

Khi nhìn đứa cháu thoăn thoắt mấy ngón tay trên cái iPhone như một diệu thủ dương cầm, chúng ta thấy ra sự đổi thay của xã hội....

Nửa thế kỷ trước, trẻ em không được giải trí như vậy. Với sợi len và mười ngón đan lượn, lũ con gái bày ra cả trăm cách kéo thành cái cầu, mái nhà hay nhiều hình thù ngộ nghĩnh. Một trái bóng và mấy cái que cũng là cơ hội thi thố tài năng trên nền xi măng ở sau nhà. Lũ con trai thì đánh khăng, đánh đáo, mấy đứa may mắn nhất ở thành phố thì tạc hình.

Chiến lợi phẩm đem về là các tấm hình to bằng bao diêm. Đêm về, chúng nằm mơ thấy thế giới của rừng xanh. Chúng ta làm quen với truyện Tarzan là từ mấy tấm hình đó. Mỗi tấm là truyện ngắn và nhờ đó mà trẻ em say mê một Tarzan đu dây giữa các thổ dân da đen trong rừng già, in trên hình nhoè nhoẹt ra màu tím ngắt.

Khi trưởng thành sau này, lũ trẻ được dạy lại rằng đó là truyện có tinh thần thực dân! Người ta "xét lại" nội dung nhiều tác phẩm và phê phán nhiều tác giả đã được coi là thần tượng.

Trong số này, có một cây bút người Anh rất nổi tiếng là Rudyard Kipling.

Sinh tại Ấn Độ vào năm 1865, ông viết truyện ngắn, làm thơ và sáng tác tiểu thuyết về đời sống của cõi lạ là Ấn Độ, khi nước Anh là một Đế quốc cai trị cả khu vực rộng lớn của Châu Á. Hai cuốn "Truyện Của Rừng Xanh" là tập truyện ngắn của ông đã để lại hình ảnh khó phai lạt của Mowgli, đứa trẻ lạc trong rừng thẳm và được bầy sói nuôi nấng thành siêu nhân có thể đối thoại với súc vật.

Có lẽ Mowgli là tiền thân của nhân vật Tarzan, cũng là dã nhân da trắng siêu phàm trong cõi mơ của trẻ em. Tarzan là một người Anh, có người tình là nàng Jane người Mỹ và đu dây giữa các bộ lạc da đen, cho nên không thể tồn tại khi chế độ thực dân cáo chung!

Là nhà văn Anh ngữ đầu tiên lãnh giải Nobel và ở tuổi trẻ nhất vào năm 1907, Rudyard Kipling được ca tụng là cây bút thiên tài trước khi bị những người tiến bộ hơn đả kích là văn sĩ thực dân! Bài thơ nổi tiếng của ông, "Gánh Nặng Của Người Da Trắng" viết cho sứ mạng cao cả của Hoa Kỳ tại Phi Luật Tân bị chê là có tinh thần đế quốc. Nhiều sinh hoạt của hướng đạo, kể cả trò chơi ngợi ca thiên nhiên và óc tháo vát của thanh niên xuất phát từ một tác phẩm của Kipling, cũng bị trách móc là phát huy chủ nghĩa thực dân đế quốc.

Mặc cảm phạm tội khiến nhiều người da trắng còn coi da màu mới là nhất. Họ tô màu tất cả như trẻ thơ năm xưa vậy. Phim ảnh Hollywood có nhiều trường hợp thái quá như vậy.



Câu chuyện rừng xanh với Mowgli


















Hãy trở lại chuyện Rudyard Kipling.

Năm 1889, ở tuổi 23 mà đạo mạo như một người tứ tuần, ông đi tầu thủy từ Nhật qua Mỹ thăm thú khắp nơi và thấy ra nhiều điều lạ mắt. Chủ đích là xin diện kiến văn hào Mark Twain, bậc tiền bối hơn ông ba chục tuổi.
Rudyard Kipling đã toại nguyện.

Một nhà văn người Anh vẫn chưa thành danh mà được đàm đạo với thần tượng trên văn đàn thì đấy là một vinh dự hiếm hoi. Kipling kể lại rằng trong hai tiếng đồng hồ hàn huyên, ông được hút xì gà của người đã dựng ra nhân vật Tom Sawyer. Rồi còn luận bàn xem khi về già, chú bé Tom Sawyer này sẽ là gì, có lấy cô bé Becky Thatcher hay chăng...

Đây là câu trả lời của Mark Twain: "Tôi chưa tính đến vụ đó. Có thể sẽ cho Tom Sawyer lên đỉnh danh vọng và vào Quốc hội. Có khi phải treo cổ nó. Rồi để độc giả tha hồ chọn lựa."

Cứ như hai ông Nam Tào Bắc Đẩu đang bàn nhau trên thiên đình về lẽ sống chết của một con người nào đó dưới thế gian!

Giai thoại ấy khiến độc giả của Kim Dung có thể nhớ đến nhân vật A Tử trong tập "Thiên Long Bát Bộ". Có lần Kim Dung phải đi xa nên nhờ một bạn văn viết đỡ cho vài chương trên nhật báo. Bạn văn đó là vị tiền bối Lương Vũ Sinh trong loại truyện võ hiệp. Quá ghét nàng A Tử độc ác, Lương Vũ Sinh cho nàng mù mắt!

Từ Anh quốc trở về Hong Kong, Kim Dung đành bó tay mà không cứu nổi!



Gần hai chục năm sau khi gặp Mark Twain, Rudward Kipling đã khét tiếng trong khi Mark Twain là cây cổ thụ sắp ngả trong rừng văn. Nhưng từng ngày ông đều tìm đọc Kipling, năm nào cũng đọc lại cuốn truyện "Kim" và trầm trồ khen ngợi thần tượng của mình.

Khác với thời xưa, ông kịch liệt đả phá việc Hoa Kỳ chiếm Phi Luật Tân làm thuộc địa, như chính Kipling đã đề cao. Nhưng nhớ lại nhà văn trẻ mà mình đã tiếp năm xưa, Mark Twain kính cẩn ngả nón: "Rudyard Kipling biết hết về những gì cần biết. Tôi thì biết về mọi chuyện còn lại".

Chỉ những cây bút siêu hạng mới đối xử với nhau như vậy.

Quỳnh Giao viết ngày 29-11-2012.
Nguồn: https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562
_________________________________________________________


Xem tiếp >>>  MỤC LỤC PHẦN 1 - PHẦN 2 - PHẦN 3 - PHẦN 4 - PHẦN 5 - 
PHẦN 6 - PHẦN 7 - PHẦN 8 - PHẦN 10